LGT: Nhà văn Trần Đức Tiến sinh năm 1953. Quê quán: Lý Nhân, Hà Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.
Giải Nhất thi truyện ngắn của báo Người Hà Nội năm 1986. Hai lần giải Nhì thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội (1987 và 1990). Giải Nhất thi viết tiểu thuyết và tập truyện ngắn của Nxb. Hà Nội (1993). Giải B của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2004 (tập truyện ngắn). Giải Nhất thi viết cho lứa tuổi mầm non của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giáo dục đào tạo...
TRẦN ĐỨC TIẾN
Tuyệt đối yên tĩnh
Truyện ngắn
Có tiếng động mơ hồ như tiếng chiếc lá rụng trên mặt đất ẩm. Y giật mình, nhưng ngay lập tức, căn phòng yên tĩnh trở lại như biết điều. Y cố nằm dỏng tai thêm một lát nữa. Ngoài tiếng thở đều đều của vợ, tiếng thằng con nằm mơ ú ớ ở giường bên, tiếng tích tắc uể oải của chiếc đồng hồ báo thức già nua trên mặt bàn, không còn thứ âm thanh đáng ngờ nào khác.
Chính điều đó khiến y điên tiết. Một người đã quen sống ở thành phố hàng chục năm như y, không thể bỗng dưng thức giấc vì một thứ tiếng ồn vớ vẩn như thế được. Cảm giác tức tối dâng lên nghẹn cả ngực. Mở trừng mắt nhìn vào đêm đen, y dần dần hồi tâm lại và lờ mờ nhận ra nguyên nhân mất ngủ. Toàn bộ hình hài của nó, kẻ phá đám, giờ đây đã trở nên rõ nét trong đầu y. Đôi tai bé xíu như hai mảnh vỏ con dắt. Mấy sợi râu nhỏ như sợi chỉ. Và đáng ghét nhất là cặp mắt - chỉ nhỉnh hơn hai hạt vừng, nhưng luôn hướng về y với một câu hỏi không bé tí nào: “Này ông, tôi đã làm gì ông mà ông nỡ đối xử với tôi như thế”?
Quả thực là nó chưa làm gì y cả. Quần áo trong tủ, giày dép ngoài hè, sách vở trên giá, cục xà phòng trong buồng tắm… Tất tật mọi thứ đồ dùng đó, nếu ở nhà khác, cầm chắc sẽ bị đồng loại của nó giày vò, xâm phạm. Nhưng trong nhà y, chúng vẫn được an toàn, ít nhất là cho đến giờ phút này. Thậm chí y còn có cảm tưởng rằng nó rất biết tôn trọng y. Bằng chứng là mỗi khi y ngồi làm việc, đọc sách hay viết lách gì đó, nó không bao giờ xuất hiện khiến y mất tập trung tư tưởng. Về việc này thì vợ con y đáng phải lấy đó làm gương. Mà cũng chẳng phải chỉ có vợ con y! Đám bạn bè của y nữa, họ tệ quá, đáng trách quá. Y không sao hiểu nổi tại sao người ta lại có thể đến chơi với y đúng vào lúc vợ con y sắp dọn mâm bát ra? Tại sao lại đến vào lúc y đang xem dở một chương trình trên ti vi? Tại sao lại đến vào cả những lúc y chẳng làm gì cả, chỉ nằm dài trên ghế bố, nhưng nằm dài trên ghế bố không có nghĩa là đợi chờ ai đó… Và họ đã mang đến cho y những gì? Một bài thơ mới làm xong - thứ đồ ăn tinh thần có đến mười hai công dụng bổ béo nhưng xem chừng ngày càng mất giá trước những món ăn vật chất. Một thèm khát ngoại tình không bao giờ trở thành hiện thực. Một tin tức về cuộc đổi ngôi giữa mấy vị chức sắc địa phương. Đôi khi chỉ là một câu hỏi bâng quơ, kiểu như “ở Hà Nội hồi này có còn mưa không nhỉ”?… Nhiều lần y đã phải nghiến răng lại để tiêu hóa thơ, để a dua với tình yêu lãng mạn, để âu lo với chính trường, và để mơ màng với những thay đổi bất thường của thời tiết. Và tất nhiên, cùng với những trò đó, bình rượu thuốc của y cạn dần đi một cách oan uổng.
Nó không biết uống rượu, không biết làm thơ, không có cái thú ngoại tình cũng như cái thú làm chính khách. Đã bảo nó là kẻ biết điều. Nó chờ đợi những cơ hội thuận tiện mới xuất hiện. Chẳng hạn, mỗi lần y làm xong một công việc nào đó, khoan khoái ngả lưng ra ghế và tự thưởng cho mình điếu thuốc. Hoặc một niềm vui vãng lai trong lòng y đột nhiên cất tiếng hát (dù nhạt nhẽo đến đâu, cuộc đời vẫn thỉnh thoảng có những phút giây như vậy). Những lần ấy, nó cũng tỏ ra vui vẻ, lăng xăng, muốn chia sẻ với y, như một kẻ cùng hội cùng thuyền. Nhưng sự có mặt của nó lại khiến y khó chịu. Y còn nhớ lần đầu tiên phát hiện ra nó. Nó ngồi chễm chệ trên đỉnh chiếc đồng hồ báo thức, cặp mắt háo hức, cái đầu lắc lư theo điệu nhạc ư ử trong cổ họng y. Điệu nhạc dừng phắt lại. Chiếc đồng hồ già lão thì đã chết lặng đi vì sợ hãi. Linh cảm thấy mối nguy hiểm có thể bất ngờ giáng xuống, thoắt cái, nó chui tọt xuống chân tường, mất hút sau mớ đồ đồng nát. Lần thứ hai, vào lúc y đang chuẩn bị bữa sáng. Nó ngồi ngay trên bàn, bình thản nhấm nháp một cọng mì bên cạnh gói mì y vừa mua về. Y cầm gói mì lên săm soi, không phát hiện ra một lỗ thủng nào mới dám mở ra, cho vào bát và chế nước sôi. Tuy thế, cảm giác ghê tởm vẫn cứ vẩn lên ngay từ gắp mì đầu tiên cho vào miệng. Y lầm lũi bê cả suất ăn sáng của mình đổ xuống cống.
Lần thứ ba, tình hình có vẻ tồi tệ hơn. Khách đến nhà bữa đó là phụ nữ - nói chính xác là là cô giáo chủ nhiệm của thằng con y. Thông thường, cô giáo chả mấy khi đến nhà học trò, nếu không vì những lý do khẩn cấp liên quan đến vấn đề hạnh kiểm. Thằng con y quả là có vấn đề trong chuyện này. Nó đã lén bỏ một con cóc vào cặp của cô trong giờ ra chơi, khiến cô ngất đi vì sợ. Câu chuyện không dừng ở đề tài đó. Có lẽ thấy y là vị phụ huynh nhũn nhặn và chịu chuyện, nên phạm trù đạo đức trong nhà trường đã được triển khai ra toàn xã hội. Nguyên nhân và hậu quả. Trách nhiệm và biện pháp. Y ngồi nghe chăm chú, thỉnh thoảng lại phụ họa bằng một câu bình luận có chừng mực, đồng thời kín đáo nhìn những giọt mồ hôi hăng hái chui ra ngoài nách áo của cô chủ nhiệm, lăn ngập ngừng nơi khuỷu tay.
Đúng lúc ấy, nó xuất hiện. Lao vút từ gầm giường ra như một mũi tên xám, nó biến mất dưới gầm chiếc ghế đệm cô giáo đang ngự. Như một kẻ bị thôi miên, y nhìn chằm chằm xuống chỗ đó. Chiếc váy mỏng - sự hớ hênh của phẩm hạnh - khiến y đỏ mặt lên…
Đề tài đạo đức chuyển từ mại dâm sang ma túy. Hàng nghìn thanh thiếu niên đang tự nguyện hiến mình cho cái chết trắng. Nó từ gầm ghế phóng qua gầm giường, miệng ngậm miếng mút nhỏ màu vàng. Y chột dạ. Tấm đệm đã quá cũ, lẽ ra phải thay từ lâu. Phiên tòa xử bọn tội phạm trong đường dây buôn lậu xuyên quốc gia rõ ràng đã trươtï đi quá xa so với mối bận tâm trong phòng khách. Mũi tên xám - vàng vẫn kín đáo đan qua đan lại theo lộ trình không đổi. Mắt y hoa lên. Đầu y ngầy ngật váng. Tấm nệm bên dưới cô giáo đang bị rút ruột, như lún dần, lún dần… Với lý do đổ bã trà để thay ấm trà mới, y cúi người về phía trước, bất chợt nhìn rõ mồn một nửa người sau của nó thò ra dưới gầm ghế. Lập cập, vô thức, mê mụ, y run rảy bỏ chiếc ấm xuống sàn nhà, vung cao tay, chụp xuống.
Y chậm hơn một phần trăm giây đồng hồ. Nhưng miếng đòn bất ngờ cũng đủ khiến cho nó mất phương hướng, bay vọt lên trên. Tiếng rú kinh hoàng của phụ nữ. Y ngẩng nhìn, thấy cô giáo mặt tái mét, hai tay nâng mép váy xòe rộng, vừa rũ phần phật vừa lom khom xoay một vòng. Giống như động tác chào khán giả trên sân khấu, nhưng không hoàn hảo lắm. Cô nhìn y, ngao ngán nhận ra đằng sau cái gương mặt đàn ông ngây ngô kia thấp thoáng hình ảnh của thằng bé bảy tuổi nghịch cóc hôm nào…
*
Y tốn khá nhiều thời gian tìm hiểu nhưng không biết thêm điều gì về nó. Y không biết đích xác nơi cư trú của nó trong căn phòng này. Không biết hàng ngày nó sống bằng gì. Y hoài nghi cả về sự hiện hữu của nó: chỉ một mình nó, như vẫn thường xuất hiện, hay còn nhiều tên đồng bọn khác giống hệt nhau? Và điều khó chịu hơn cả vẫn là, nó đã giở những trò gì những lúc y vắng mặt? Những câu hỏi không lời đáp ngấm ngầm củng cố thêm ý định nung nấu trong đầu y.
Khốn nỗi, sự tinh khôn của nó đã cản trở y thực hiện ý định đó. Hơn thế, có vẻ như nó còn chủ tâm cười nhạo y. Nó luôn xuất hiện trong những tình thế thật oái oăm: trên nóc chiếc đồng hồ, đằng sau chiếc bình gốm, hoặc ngay bên cạnh màn hình ti vi. Với đám “con tin” như vậy, chỉ cần nóng vội, sơ sảy một chút là y sẽ phải trả giá đắt.
Tuy thế, y cũng đã có một cơ hội tốt. Lần đó, y đang ngồi khoan khoái nhả khói thuốc, đầu óc hoàn toàn trống không. Kẻ phá đám hôm nay dường như quá chú tâm vào việc riêng của mình mà xao nhãng sự đề phòng. Ở chiếc ghế đằng này, y đã thấy nó chui xuống dưới tấm gỗ, và tấm gỗ khẽ kênh lên, động đậy. Tấm gỗ vuông vắn, vốn là cái nắp đậy thùng gạo, không hiểu sao hôm nay lại bị nhấc ra đặt dưới nền nhà? Y hơi rùng mình vì cảm giác thích thú độc địa. “Hay lắm. Đợi tao hút xong điếu thuốc đã”. Y bình tĩnh hút hết điếu thuốc, tận hưởng niềm khoái cảm vừa nhen lên, dụi mẩu thuốc rất cẩn thận vào cái gạt tàn. Rồi rón rén đứng dậy, bước từng bước rất thận trọng. Thận trọng trèo lên chiếc ghế đặt cạnh đó. Y nhún người, bật lên cao hết cỡ. Toàn bộ khối trọng lượng cơ thể năm mươi tám ký rơi tự do từ độ cao áp đảo. Và y đã hộc lên một tiếng, khi hai bàn chân đập mạnh xuống tấm gỗ.
Tiếng hộc ấy không giống tiếng người.
Thứ âm thanh lạ lùng đó khiến thằng con bảy tuổi của y từ phòng ngoài chạy bổ vào, mở tròn mắt nhìn bố như nhìn Đêvit Copơphiu. Nhà ảo thuật từ từ lật tấm gỗ lên. Sàn nhà trống không.
Mấy ngày sau, ở cơ quan, y lân la nói với các đồng nghiệp về chuyện mèo. Mèo tam thể. Mèo mướp. Mèo khoang. Mặt ngắn. Mình dài. Đuôi chìa khóa… Có người hiểu lầm y bắt đầu làm quen với món đặc sản thời kỳ tiền thị trường. Cuối cùng, sau hàng loạt dữ kiện có tính chất chọn lọc ngặt nghèo, y kiếm được một con lông màu vàng. Con mèo thật xinh xắn dễ thương. Nhưng chưa đầy hai ngày sau, y đã lén lút đem con vật tội nghiệp quẳng ra chợ, chỉ vì phát hiện ra nó thuộc giống cái - giới tính tiềm ẩn vô vàn nhược điểm, hoàn toàn không xứng với công việc mà y đang rắp tâm thực hiện.
Y quan tâm đến một loại phương tiện chính xác và lạnh lùng hơn: bẫy! Bẫy bắt sống. Bẫy hủy diệt. Bẫy thắt cổ… Y chọn loại bẫy kẹp - để trả giá cho một miếng cá khô, kẻ quấy phá có thể đứt lìa một cẳng chân, hoặc gẫy dập vài khúc xương sống.
“Bố ơi, có khách”.
Y giật mình, giấu vội chiếc bẫy ra phía sau thùng gạo, phủi tay đi ra.
“Ai đấy”?
“Con không biết”.
Y loay hoay mất một lúc với chiếc khóa to đùng bỗng dưng trở chứng, rồi ngạc nhiên hé mở cánh cổng sắt. Một bàn tay bẩn chực sẵn, chỉ chờ có thế là dúi ngay vào bụng y. Trên khuôn mặt trẻ con hơi nghếch lên, chỉ còn duy nhất cặp mắt giữ được vẻ trong sáng.
“Ông làm ơn, cho con xin”…
“Đi chỗ khác”!
Cánh cổng sắt giận dữ đóng sầm lại. Phản xạ có điều kiện bị khuếch đại. Qua những viên gạch thông gió, qua hàng rào bông giấy quấn quanh dây thép gai, những ánh mắt lấp ló nụ cười của hàng xóm. Tất cả những cánh cổng nhà họ đã được khoá kỹ từ lâu.
Bây giờ y mất ngủ không phải vì nó, mà vì bẫy. Suốt đêm y chập chờn nghe tiếng bẫy sập. Ngón tay trỏ của y đau buốt. Ngay sau lúc xua đuổi thằng bé ăn xin, trong trạng thái tâm lý xáo trộn, y lãng trí để chiếc bẫy sập ngay vào tay mình. Ngón tay tím bầm, sưng vù từ ba ngày nay. Sang đêm thứ ba, điều mà y chờ đợi rốt cuộc cũng đến. Tiếng bẫy sập mạnh đến nỗi y giật bắn người, ôm ghì lấy ngón tay đau rồi lao về phía công tắc đèn. Căn phòng vụt sáng. Chiếc bẫy văng ra khỏi vị trí định sẵn, câm lặng như một hàm răng cá sấu nghiến chặt. Miếng mồi mất tiêu, nhưng thủ phạm không mảy may để lại dấu vết. Y lẳng lặng nhấc chiếc bẫy lên, ngắm nghía hồi lâu. Đằng sau hàm răng sắt có một cặp mắt trẻ con chập chờn. Cặp mắt trong veo của thằng bé ăn xin…
“Anh còn nhớ thằng Mành không”?
Không hề quan tâm đến những điều vừa diễn ra trong căn phòng, vợ y hỏi, sau khi y tắt đèn, trở lại giường nằm. Thằng Mành là thằng chó chết nào? Trong cái đầu còn ong ong tiếng bẫy sập, câu hỏi đó lờ mờ chìm nổi.
“Cái thằng trước đây là trưởng phòng kinh doanh, mặt nhòn nhọn như mặt chuột ấy”?
À ra thế! Y thở phào, nhớ ra thằng Mành. Một cú so sánh thật chính xác. Quả thật cái mặt ấy rất giống mặt con chuột cống. Mấy cọng râu cứng quèo lờ phờ. Mấy chiếc răng lóe lên trong nụ cười nham hiểm. Hắn vừa từ trưởng phòng nhảy lên phó giám đốc công ty, nơi vợ y đang làm việc.
“Hôm nào nó cũng mon men sang phòng em. Cái mắt nó nhìn người ta, dâm không chịu được”.
Lại thế nữa! Y nằm xoay nghiêng, nuốt vào bụng thứ nước chua chua đăng đắng vừa tiết ra từ ba mươi hai cái chân răng.
Ngày hôm sau từ cơ quan trở về nhà, y khư khư giữ trong túi quần một gói thuốc bột màu trắng mà cô chủ tiệm thuốc tây bán cho y kèm với nụ cười mê hồn: “Cẩn thận nhé, chỗ ấy đủ dùng cho một con bò đấy”…
Đêm đó là đêm đầu tiên kể từ nhiều đêm, y ngủ thật ngon. Sáng sớm hôm sau, y choàng dậy, đầu óc hoàn toàn tỉnh táo. Vợ con y còn ngủ yên trên giường. Y rón rén xỏ chân vào dép, bật đèn, mò đến những vị trí đã thuộc lòng trong đầu. Những thìa cơm trộn thuốc hầu như còn nguyên vẹn. Y thận trọng thu dọn chúng thật sạch sẽ, đổ tất cả vào bồn cầu và xả nước. Trong lúc tỉ mẩn với công việc đó, y kín đáo đưa mắt dò xét khắp căn phòng, dừng lại khá lâu ở những chỗ tối tăm, khuất lấp.
Ba đêm liền như vậy thì vừa hết gói thuốc. Trong suốt mấy ngày đó, tuyệt nhiên không còn thấy bóng dáng nó đâu nữa. Chiến thắng có vẻ quá dễ dàng nhanh chóng khiến y nhói lên chút nghi hoặc. Ngày thứ tư, y đi thay tấm đệm mút của chiếc ghế hỏng. Nhún nhún người trên tấm đệm tươm tất, y mỉm cười nhớ đến chuyện cô giáo bị một vố hoảng hồn hôm nào. Kể ra cái đồ súc sinh ấy cũng… dễ thương đấy chứ! Y hình dung ra tình cảnh cô giáo lúc bấy giờ, rồi rùng mình như thể chính mình bị nó rúc ngược lên bẹn.
Nửa đêm hôm đó, y lại thức giấc. Không phải vì tiếng động, mà chính là vì sự yên ắng. Sự yên ắng tuyệt đối thúc y chui ra khỏi màn. Hút tàn điếu thuốc, y lại chui vào, nhưng vẫn không sao chợp mắt nổi.
Vợ y xoay người, vòng tay ôm lấy y, giọng ngái ngủ thì thào bên tai:
“Cái thằng khốn nạn ấy thôi giở trò khỉ rồi”.
“Thằng khốn nạn nào”?
“Thằng mặt chuột”.
Nàng ngừng giây lát rồi tiếp:
“Nó mê con Thu bên phòng vi tính. Bây giờ lại suốt ngày quấn bên váy con đĩ”.
Trong giọng nói của nàng, bên cạnh vẻ hả hê cay độc của người đàn bà vẫn an toàn trong tấm vỏ bọc ngoan lành đoan chính, còn có chút gì đó thoáng qua như tiếc rẻ. Mắt vẫn thao láo hướng vào đêm tối, y bắt chợt thấy mình đang dỏng tai chờ nghe một tiếng động lạ.
T.Đ.T
Nguồn: vannghesongcuulong.org.vn