LGT: Nhà văn Lê Hoài Lương sinh năm 1961 ở Bình Định. Hiện sống và làm việc tại Nhơn Phú, Qui Nhơn, Bình Định. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tác giả của 3 tập truyện ngắn và từng nhận nhiều giải thưởng văn học, trong đó 2 lần ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội và 1 lần ở báo Văn Nghệ.
LÊ HOÀI LƯƠNG
Tiếng chuông chiều
Tôi không muốn bạn mất thì giờ với những mô tả về cảnh đẹp, chùa đẹp trên vùng núi đẹp từ lâu được xem là danh thắng. Thường mỗi khi mệt mỏi với cuộc sống đua chen chóng mặt bây giờ, tôi lại tìm tới ông, vị sư trụ trì có tiếng đạo cao đức trọng ở đây. Ông luôn sẵn lòng ngồi với tôi cả buổi chiều - từ lâu ông coi tôi như một người bạn nhỏ. Ông quý tôi vì tôi có thể ngồi lặng hàng giờ hoặc cùng ông đàm đạo kinh sách và không một lời hỏi chuyện riêng tư. Hôm đó tôi có kể cho ông nghe chuyện mới tìm được hài cốt người anh liệt sĩ nhờ năng lực ngoại cảm của bà Hằng. Tôi hỏi về điều này. Ông không trả lời thẳng mà, sau một thoáng ngẫm nghĩ lại kể chuyện đời mình…
*
Người lính Sài Gòn ấy là biệt động quân, là thứ dữ. Là thứ dữ đồn trú bên sông Bến Hải. Trước khi trở thành lính thứ dữ, gã bị bắt lính nhiều lần, đào ngũ nhiều lần. Và để khỏi trở thành “lao công đào binh” vừa nhục vừa dễ mất mạng - đằng nào cũng thế - gã xung phong đi lính, xung phong đi biệt động và được bổ sung ngay cho đơn vị đang hụt đi nhiều vì vị trí chiến lược của vùng này. Bên kia sông là Bắc Việt. Ngày ngày đều nã pháo, đều ngứa tay tia mấy phát súng trường cho đỡ buồn. Lâu lâu bắt loa yêu cầu mấy giờ ngừng bắn, một ngày ngừng bắn và cả hai bên đều tuân thủ “sáng kiến” đầy ngẫu hứng. Cũng người Việt cả thôi. Thậm chí còn bà con dòng họ nữa. Chiến tranh và bắn giết, chả vui vẻ gì. Cộng sản có lý tưởng của họ mặc họ, bọn lính như gã đều cực chẳng đã mà cầm súng, lý cái cứt! Gã còn gia đình chục miệng ăn, cha mẹ, vợ và bảy con. Vợ con có phụ cấp nhưng cũng vừa tạm sống, gã muốn tăng thu nhập nên xin đơn vị mở cái căng tin. Các chỉ huy thương gã đông con, ừ ngay. Cũng không dám bán nhiều: bọn lính sống nay chết mai, đánh bạc, ăn uống nợ bạt mạng, có khi mới nhận lương xong chưa kịp trả nợ đã “dính bánh” biết đâu mà đòi. Gã bán lai rai cầm chừng, tháng tháng gộp cùng lương gởi bảo đảm về cho gia đình.
Gã nuôi một con chó giữ quán, nuôi từ nhỏ nên nó quen nghe bom đạn, lúc có gã ở quán nó thường tha thẩn đi chơi. Xa cả cây số là thường vì chung quanh chỉ mênh mông cát với những lùm bụi lúp xúp. Không có giống cây nào đủ thời gian mọc cao hơn mét. Nó đi cho khuây khỏa chứ phạm vi bán kính cây số chẳng thể tìm nổi một con cái, từ lâu người dân đã bỏ đi. Trại lính thì có nhưng một lần nó suýt chết - thằng chiến hữu đã bắn quá tồi. Nó hớt hải chạy về và từ bỏ giấc mơ gái. Hình như nó đã hiểu rằng chiến tranh thì không thể đòi hỏi nhiều. Vậy là nó chỉ đi chơi cho khuây khỏa.
Một hôm nó tha về khúc xương ống chân. Xương người! Gã nhận ra ngay. Lạ đếch gì xương người thời buổi chết như ngóe. Nó gặm lộc cộc cho đỡ buồn, cái xương khô rang khô rùm chắc chẳng còn chút béo bổ gì. Tới cái nước này đấy! Gã uể oải lại đuổi con chó. Nó ngạc nhiên một chút rồi nghe lời. Nó đi. Gã biết nó dễ dãi bỏ đi vì sẽ có ngay cái khác. Gác cái xương lên chỗ cao, gã bí mật đi theo. Hà, cách chỗ đóng quân vài trăm mét, nó chui vào một hục cát, bới bới rồi ngoạm ra khúc xương khác. Gã xông lại đuổi đánh. Nó oan uổng kêu lên mấy tiếng, lần này nó thấy ức nhưng sợ chủ. Gã moi theo vào hục cát thì gặp ngay một bộ xương người ngồi. Chắc là chết vì sụp hầm. Hộp dầu cao sao vàng và đôi dép cao su chỉ rõ xác chết là Việt cộng. Hà, thằng này mà gặp nó lúc sống thì mình toi mạng. Gã ngó trân trân cái xác. Nghĩ. Nó là người. Là xác người. Gã thấy không nỡ. Đằng nào cũng chết rồi nhưng để xác người, dù là đối phương, để bị chó tha từng mẩu xương, gã thấy không nỡ.
Gã về trại lấy thùng đựng đạn pháo và cái xẻng con, cầm theo khúc xương chân, cẩn thận moi lấy kỳ hết bộ hài cốt, xếp thứ tự vào thùng rồi đào hố chôn, hà, yên nghỉ nhé chiến hữu bên kia, chẳng biết chiến hữu bao nhiêu tuổi, khung xương này chắc là đàn ông, vậy thì đã vợ con gì chưa, còn trai tân thì tiếc đời quá, vợ con đùm đề như mình cũng tội vợ con. Đù mẹ cuộc chiến ngán ngẩm!
Gã xách xẻng về, thấy chút thanh thản. Rồi quên.
Không lâu sau gã buộc phải nhớ vì cảm giác có thần hộ mạng. Nhiều lần cái chết chừa gã một cách khó hiểu. Nghe tiếng đạn pháo hú, gã lăn vội xuống hầm thằng bạn, nó nhăn nhó bảo gã sang hầm bên cho đỡ chật, gã trồi dậy trong tiếng xào xào rất gần trên đầu rồi như một sức mạnh vô hình ném gã rất nhanh vèo qua cái hầm bên xa đến năm mét, thằng bạn tan xác. Một lần tiểu đoàn gã được điều đi trợ chiến cho đám sư 1 chốt mỏm Cù Hon, chưa tới nơi thì bị đánh phủ đầu. Sau này gã cứ nhớ như in cái ráng chiều đỏ như máu hôm ấy. Nhìn mặt các chiến hữu thấy chập chờn âm khí, loáng thoáng bóng đen, gã dụi mắt nghe rợn lưng cảm giác lành ít dữ nhiều. Và bị đánh. Đối phương đội mồ dậy khi đội hình hành quân lọt vào một vùng cát lô nhô những ngôi mộ giả. Đạo quân đội mồ này không rõ quân số vì họ cứ bất ngờ trồi dậy, trồi dậy sáng lòa lưỡi lê trong nhập nhoạng ráng chiều đỏ bầm như máu. Có lúc trận giáp lá cà chỉ lịch xịch âm thanh vật lộn, ngã đổ những thân người và vài tiếng kêu đau đớn. Có lúc vài tràng AK, chùm lựu đạn bung thìa… Gã rủn chân tay chạy quẩn trong nháo nhào chiến hữu bị tước hoàn toàn khả năng chiến đấu, vón cục rồi tan rã trong kiểu cận chiến mà lưỡi lê và sự chủ động giữ vai trò quyết định. Ít nhất là ba lần, một lưỡi lê ba khía xanh lét lao về phía gã thì không hiểu sao nó lại chuyển hướng và thằng chiến hữu đâu đó chung quanh hứng phụp. Gã lại chạy, đái ra quần mà chạy. Một tiếng nổ rất gần sau lưng, gã cứ chạy trong đầu cảm nhận bắp chân bị xé toác. Tiểu đoàn bị đánh tan tác. Về tới nơi an toàn gã mới ngã ạch như cây chuối bị đốn. Thằng bác sĩ ngạc nhiên vì gã chạy đoạn đường dài thế mà không hề sơ cứu. Mả mẹ mầy chớ sơ cứu, địch quân sau lưng, chạy thoát là may, lấy chó thời gian đâu. Giờ thì có nhiễm trùng, cưa mẹ nó đi cũng được, anh trở về trên đôi nạng gỗ, anh trở về thành tướng một chân…, gã nhăn nhó lải nhải câu hát lúc thằng bác sĩ xử lý vết thương. Đêm đó gã lên cơn sốt và mê man…
Rồi gã thấy một địch quân đứng cạnh dùng tay vuốt bắp chân gã, gã biết là địch quân qua quân phục anh ta mặc, gương mặt chập chờn không rõ lắm nhưng còn trẻ, rất trẻ. Gã không sợ, không sợ, thật lạ. Anh ta cứ vuốt vuốt, nhẹ nhàng, bắp chân gã giảm đau nhức thấy rõ. Và bình phục rất nhanh. Thằng bác sĩ cứ ngạc nhiên mỗi lần tới làm thuốc. Nó trầm trồ khen kháng thể gã thuộc loại quá đặc biệt. Gã im lặng không nói. Không chửi. Có một điều gì đó rất mơ hồ và nghiêm trang từ những giấc mơ gã thấy. Từ những lần thoát chết kỳ lạ, trước đó, gã rùng mình hiểu rằng người chiến hữu phía bên kia linh thiêng phù hộ. Giờ gã mới lạnh người nhớ lại mọi thứ. Gã định ra viện, về đơn vị sẽ mang đồ lễ tới cúng tạ ơn.
Nhưng gã không có cơ hội. Cả lời hứa của cấp trên cho nghỉ phép nửa tháng thăm gia đình. Chuyện nghỉ phép gã không tin, họ rồi có nhiều lý do để hoãn phép lính vùng I chiến thuật. Gã không có cơ hội vì vừa tới đơn vị, cuộc hành quân quy mô Lam Sơn 719 khởi động. Một cuộc hợp đồng binh chủng lớn chưa từng có rầm rộ và chớp nhoáng về phía tây, phía núi, phía chiến khu lớn của Việt cộng. Cuộc tấn công sau này gã mới biết mang mật danh trên chứ lúc ấy đơn vị gã chỉ biết lập tức hành quân theo mệnh lệnh.
Pháo và máy bay oanh tạc dữ dội để dọn bãi. Rồi đổ quân. Bọn dù thì rợp trời mà xuống các tọa độ của chúng. Bọn này oai thật, cái cách hành quân chiếm lĩnh trận địa của chúng cũng ra vẻ đại ca rồi chớ chưa nói chuyện đánh đấm, mà đánh đấm cũng chỉ có bọn này và thủy quân lục chiến là đám biệt động gã nể. Bọn gã, bọn thủy quân lục chiến và bộ binh đổ bộ bằng trực thăng. Đen đặc trực thăng và các loại máy bay. Rền trời âm thanh máy bay, bom, pháo. Đời lính chiến, đây là lần đầu gã tham dự một cuộc hành quân quy mô và quyết liệt, nghe nói trực tiếp tướng tư lệnh vùng chỉ huy.
Súng nổ ba bề bốn bên. Riết rồi gã cũng không thể phân biệt đâu là súng của bên nào. Loạn xà ngầu súng nổ. Gã chỉ là lính nên nghe loạn xà ngầu súng nổ mà không thể biết diễn biến, tình thế cuộc hành quân. Riêng đại đội gã, chưa triển khai xong đội hình đã bị đối phương tấn công. Có vẻ họ ở đâu đó rất gần, đã phục sẵn. Đúng là bị phục. Đáng lý từ tọa độ đổ quân, các cánh quân sẽ triển khai hành quân theo bản đồ quân sự của Mỹ được vẽ kỹ đến từng con suối, dần khép vòng vây vào vùng căn cứ lớn Xê-pôn của Việt cộng mà tiêu diệt thì, tất cả các cánh quân đều bị họ chủ động đón đánh. Nghe cách xầm xì bàn tán có vẻ hốt hoảng của đám chỉ huy trong việc liên lạc nhau, gã đoán biết. Nhưng Việt cộng không bám trụ từng trận địa. Có vẻ họ không đủ lực. Đánh phủ đầu một cánh quân nào đó vừa mới đổ bộ hoặc đang di chuyển cho rối loạn đội hình xong, họ chủ động rút. Họ im lặng rất đáng nghi rồi bất ngờ lại nện quanh quất đâu đó, thoắt ẩn thoắt hiện. Tất cả các cánh quân đều bị đánh theo cách này. Cũng vài trận đụng độ quyết liệt nhưng khi chưa phân thắng bại, họ lại biến mất. Những cố gắng tuyệt vọng của các cấp chỉ huy cũng dần đưa đội hình cuộc hành quân vào quỹ đạo cần thiết theo kế hoạch thì đã hao binh tổn tướng quá lớn. Ngổn ngang xác chết. Gã cúi xuống bên một thằng bộ binh khi nhận ra bàn tay vẫy tuyệt vọng của nó. Hàm dưới thằng này bay đâu mất, cái lưỡi dập nát lầy lụa máu của nó còn rục rịch nhưng chỉ có âm thanh khọt khẹt từ cổ họng sặc máu, nó rào rụa nước mắt vì đau đớn, van vỉ. Gã không hiểu nó xin một viên đạn vào đầu hay nhờ cõng đi. Gã lấy cái khăn lầy cầy mãi không thể buộc được vết thương quá hiểm của nó đành chùi nước mắt nó bỏ đi. Nó chết là cầm chắc nhưng gã không thể cho nó một viên vào đầu. Gã run lên với ý nghĩ nã đạn vào đầu người. Chạy. Rủn gối mà chạy. Các sắc lính còn sống như gã cũng nháo nhác, chẳng còn chút nhuệ khí.
Việt cộng, mới phát hiện đâu đó trong vòng vây thì khi khép lại chỉ thấy những dấu vết trú quân, dây dợ liên lạc của họ. Đang ngơ ngác vì có cảm giác rơi vào không thành kế thì bị nện sau lưng. Họ đánh ban ngày, ban đêm, bất kỳ thời khắc nào, vị trí nào, trên đồi tranh, trong rừng, dưới suối… Họ đánh ngay giữa vùng nóng hổi bếp lửa của họ, đánh vào Bộ chỉ huy hành quân dã chiến. Cuộc hành quân quy mô với ý đồ đánh úp vào căn cứ Việt cộng đã biến thành cuộc ném quân vào thiên la địa võng giăng sẵn. Người Mỹ và tướng tá Sài Gòn rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, tiến thì đã, nhưng kẻ chủ động chiến trường lại là đối phương, còn thoái cũng không thể bảo toàn lực lượng. Không quân loay hoay chẳng thể xác định mục tiêu ném bom không nhằm vào quân mình - cái thế cài nhau càng kéo dài càng bất lợi vì địa bàn rừng núi Việt cộng quá thông thạo và vốn làm chủ. Lại ném thêm quân dự bị. Như muối bỏ biển. Từng tiểu đoàn lọt thỏm vào rừng núi kỳ bí.Tất cả hãi hùng. Tất cả tan tác. Từ quan tới lính. Từ “con cưng” mũ đỏ đến rằn ri. Những chiếc máy bay trinh sát cũng lòng vòng tít xa cho có lệ rồi biến. Chúng có quyền báo cáo lại rằng không thấy tín hiệu gì, không liên lạc được gì. Không còn mệnh lệnh nào nữa.
Các sắc lính vỡ trận gặp nhau ghép nhóm cho đỡ sợ nhưng đông quá lại sợ Việt cộng chú ý. Tách rồi nhập. Rồi tách. Không còn chỉ huy nhưng sĩ quan vẫn được tôn trọng. Bọn này có học tất sẽ có kế sách thoát nạn tốt hơn mấy thằng nông dân cùi đày như gã. Gã tìm về nhóm cũng lạ. Bị quả bom nổ gần hất tung xuống khe hẹp, lúc gã tỉnh dậy chung quanh tối đen. Tiếng súng đâu đó nhắc gã nhớ rằng mình còn sống và lồm cồm ngồi dậy, rờ rẫm xem có bị thương chỗ nào không. Chưa biết xử trí sao giữa vùng tối đầy chết chóc thì trước mặt bỗng hiện ra một vùng sáng. Nhấp nháy xanh lè. Vón cục rồi tản ra nhiều hình dạng như trò điều khiển của một thằng cha ảo thuật. Đom đóm. Gã dụi mắt, đích thị là đom đóm. Đã nhiều lần, ngày xưa yên bình trên con sông quê miền núi của gã những đêm nước về lặn lội đi cào tôm, những con tôm càng sông bám đầy đá cuội nghe tiếng chân khua lộp cộp hoảng sợ trồi dậy bị nước cuốn vào mành lưới vuông căng trên gọng đón sẵn, một mình gã với đêm đen và triệu triệu đom đóm mở hội hoa đăng trên những lùm bụi rù rì đặc chủng, gã thấy đêm đen miền núi đỡ vắng. Vợ con mừng đón cả ký tôm càng dưỡng chất… Xa lắm rồi ánh xanh đom đóm yên bình, một miền quê yên bình khổ nghèo của gã. Giờ là chiến cuộc khốc liệt và cái chết kề bên. Gã ứa nước mắt kinh dị nhìn bầy đom đóm. Mà sao nó cứ chập chờn không bay đi, phía dưới soi rõ từng viên đá suối? Gã sởn gai ốc khi chợt nhìn thấy cái dáng người quen thuộc trong cuộc biến chuyển hình thể xanh lét kia, phải, trước mắt gã là hình người lạnh lẽo mà thân thiết đêm nào từng vuốt vuốt bắp chân gã cho đến khi không còn đau nhức, chợt nhòa chợt hiện hình người thần hộ mạng! Đêm ấy gã chỉ thấy trong mơ. Còn giờ… gã véo một phát thật đau vào tay mình… vẫn là hình người xanh lè soi rõ từng viên đá trong lòng khe. Gã rùng mình đứng dậy và đi theo ánh sáng thần hộ mạng! Gã lập cập đi và biết rằng mình sẽ được cứu thoát. Người chiến hữu linh thiêng bên kia sẽ cứu thoát gã trong kiếp nạn này… Gã cứ đi trong nỗi mừng lạnh sống lưng, nỗi mừng lạnh óc. Cho tới khi nghe tiếng bọn lính gần đó thì thầm sợ hãi trong đêm, vùng sáng lân tinh biến mất. Gã sụp xuống làm thao tác gần như quỳ lạy. Bọn lính ngơ ngác không hiểu sao gã làm vậy…
Nhóm có một trung úy bộ binh. Lúc nguy nan, con người gắn kết với nhau theo trật tự bầy đàn, sắc lính hung hãn phải nhường cho cái trí. Ôi cái trí. Đến giờ phút được tôn vinh. Cái trí, sau khi cố gắng qua PRC 25 không thể liên lạc được với bất kỳ cấp chỉ huy nào của cuộc hành quân, sau khi gởi vào không trung vô vàn tích tè uyên bác biết rằng đã thực sự bị bỏ rơi, cái trí đã rũ xuống như tàu lá héo! Và bất ngờ nó bật dậy, nó không thể chết, nó bật dậy và sáng suốt như chính nó: đầu hàng! Con đường duy nhất để được sống là đầu hàng! Tất cả bừng tỉnh. Cuối đường hầm đã le lói ánh sáng. Tín hiệu sống mạnh hơn cái chết. Dù mong manh. Cái trí chỉ ra rằng phải lên đồi tranh dễ quan sát mới không làm “mấy ổng” nghi. Cái trí đã gọi đối phương là “mấy ổng” chớ không phải Việt cộng như trước đó. Bầy đàn lên đồi, may không gặp “mấy ổng” trên đường. Tất cả vũ khí chụm vào một góc. Rồi cùng gào lên, rập ràng “Cộng sản ơ… i… tui đầu… hà… n… g…!!”. Gào lạc giọng. Gào hưng phấn. Run sợ và vui mừng gào. Lên đồng gào. Phải nửa giờ sau mới nghe vài tiếng AK khô khốc. Lại gào. Năm phút sau, tiếng AK đã gần hơn. Bắn chỉ thiên thôi vì không có ai ngã xuống. Những người sợ đến lạc thần bỏ vũ khí xa mình ấy không có ai ngã xuống. Và “mấy ổng” xuất hiện, 5 người thôi, 5 người cũng quá đủ để tiếp nhận hơn ba chục con người rúm ró, dĩ nhiên quanh quất đâu đó chắc hẳn còn nhiều lực lượng đề phòng sự gian trá. Không cần cái trí cũng biết điều này!
Rồi cả lũ lĩ “hành quân” theo đường mòn Hồ Chí Minh khét tiếng ra Bắc. Trên đường gã nghe một thằng “mũ đỏ” rỉ tai: đại tá Thọ cũng bị bắt sống! Đội hình còn tiếp tục tiêu hao khi dính bom Mĩ…
Ngày trao trả tù binh, bọn lính vừa thấy phái đoàn bốn bên là vung tay “đả đảo…”. Gã im lặng. Chỉ mình gã im lặng. Tới khi được nghỉ phép về thăm gia đình, sau bao mừng vui đầy nước mắt, gã im lặng cạo đầu trước sự ngỡ ngàng của người thân rồi lên ngôi chùa trên núi. Cứ nghĩ đây cũng là cách để không bị ném lại mặt trận đánh nhau. Nhưng sau Bảy Lăm, gã, không phải, vị sư này cũng không hoàn tục…
*
- Mấy năm sau giải phóng có dịp theo sư phụ ra Quảng Trị, tôi tìm về vị trí ấy để đốt hương. Chỉ còn mang mang hầm hố đành thả vọng vào mênh mông…
Chiều xuống tự bao giờ. Vị sư đã ngừng lời. Đâu đó những ngôi chùa trên núi thắng cảnh này bình yên tiếng chuông. Tôi bỗng buột miệng ngớ ngẩn:
- Mọi thứ diễn ra… thật thế hở thầy?
Ông đứng dậy tiễn tôi và thong thả:
- Thí chủ có biết điều này không, tôi đã ba mươi mấy năm đi tu mà vẫn thấy hình như mình còn giả…
Tôi xuống dần trên từng cấp đá vòng vọng tiếng chuông chiều.
L.H.L
Nguồn: nhavantphcm.com.vn