Tác phẩm hay
Tiếng vọng
17:37 | 18/08/2014

LGT: Cô bé Vitka dẫn Serioza lên núi để nghe bộ sưu tập âm thanh của mình. Nhưng lúc anh bạn này cùng đám người khác lên thì núi lặng im. Mẹ anh bảo “núi chỉ đáp lời những con người trong sạch”. Tuy nhiên âm vang của núi vẫn là một bí ẩn...

Tiếng vọng

Nhà văn Yuri Naghibin (1920-1994). Không biết mặt cha đẻ (một nhà quý tộc mất năm 1920), nhưng nhà văn tương lai nhận được sự khích lệ vô giá từ hai người cha dượng (luật sư Mark Levental, mất năm 1952) và nhà văn Yakov Rykachiov. Bản thân nhà văn cũng phải trải qua sáu đời vợ, trong số đó, người thứ năm là nữ thi sĩ Bella Akhmadulina… Học giỏi, giấu được lý lịch dòng dõi quý tộc, Yuri Naghibin thi đỗ vào Đại học Y nhưng nhanh chóng chuyển khoa Biên kịch Đại học Nghệ thuật Điện ảnh VGIK. Viết kịch bản, đã được dựng 40 bộ phim, sở trường ở thể loại truyện ngắn, từng là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Nga (từ 1975) và Hội Nhà văn Liên Xô (từ 1981).


YURI NAGHIBIN

Tiếng vọng
           Truyện ngắn


Dãy núi xanh, một dải bờ vắng vẻ giữa ban trưa, một cô bé hiện lên từ biển… Chuyện ấy chẳng gì thì cũng đã ba chục năm rồi.

Tôi đi tìm những viên đá trên bãi biển hoang vắng. Hôm trước có bão, những con sóng sầm sập đã trườn qua bãi tắm tới tận dãy tường trắng vôi của khu nhà an dưỡng trên bờ. Giờ thì biển đã lặng, đã rút vào giới hạn của mình, để phơi ra một doi cát màu chocolate rộng thênh phân cách làn nước trong xanh và bờ biển. Doi cát ướt át và cứng chắc đến nỗi chẳng một dấu vết gì in lại trên ấy được, nó rải đầy những viên cuội trắng như đường kính, những hòn đá xanh lục, xanh lơ, những vảy thủy tinh phẳng và tròn như những mảnh nước đá, những xác sò, xác hến, những xác rong biển mục tỏa ra mùi iốt cay cay. Tôi biết, sóng lớn thể nào cũng hất lên bờ những viên đá quý, vậy là tôi nhẫn nại lần từng bước từng bước soi khắp doi cát mới bồi và bãi cuội tươi ròng.

- Ấy, sao lại giẫm lên quần em thế? - Một giọng nói nhi nhí cất lên.

Tôi ngước mắt nhìn. Bên trên tôi, một cô bé trần truồng, gầy giơ xương, chân tay khẳng khiu đang đứng đó. Những món tóc dài và ướt bết vào mặt em, nước ướt loáng trên da thịt tái xanh gần như không bắt nắng và gờn gợn chân lông vì lạnh.

*

Cô bé cúi người, lôi khỏi chân tôi chiếc quần đùi sọc xanh sọc vàng, giũ cát rồi quăng lên một tảng đá, còn cô thì nằm bẹp xuống đụn cát vàng và vun lại thành từng đống bên sườn.

- Em phải mặc quần áo vào chứ… - tôi bảo.

- Để làm gì? Thế này sưởi nắng tốt hơn, - cô bé đáp.

- Thế em không thấy ngượng à?

- Mẹ em bảo, trẻ con thì không bận gì. Mẹ em không bắt em tắm cả quần, như thế dễ bị cảm lạnh. Mà chả lúc nào mẹ em chịu chơi với em…

Giữa những hòn đá đen đủi, sù sì bất chợt có một cái gì ánh lên rất đỗi dịu dàng: một hạt nhũ lệ nho nhỏ, trong ngần. Tôi lôi từ ngực áo ra chiếc hộp đựng thuốc lá sợi và góp viên nhũ lệ ấy vào bộ sưu tập của mình.

- Cho em xem tí nào.

Cô bé vén món tóc ướt cài lại, để lộ một khuôn mặt thanh tú, đầy những chấm tàn nhang, cặp mắt xanh như mắt mèo, cái mũi hênh hếch, cái miệng rộng đến tận mang tai và bắt đầu ngắm nghía những viên đá.

Trên một lớp bông mỏng là viên ngọc thạch hình oval nho nhỏ, trông hồng hồng, rồi một viên ngọc thạch nữa - nhỉnh hơn, nhưng chưa được sóng biển mài kỹ nên dị dạng và có màu hơi xỉn; một vài viên fernampix bọc trong những vân san hô; hai viên hóa thạch - một có dạng hải tinh, một có in vết con tôm; và đây, niềm tự hào trong bộ sưu tập của tôi - một viên hoàng ngọc mờ ảo thoáng chút sương khói lan trong lớp thủy tinh mờ mờ…

- Riêng hôm nay anh kiếm được bấy nhiêu à?

- Em bảo sao? Suốt từ trước đến nay đấy.

- Thế thì xoàng.

- Em thử kiếm xem nào.

- Rất nên - cô bé nhún đôi vai gầy giơ - Lê la suốt ngày dưới nắng vì những cục đá xoàng xĩnh thế này.

- Em ngốc lắm - Tôi nói - Một cô bé ngốc nghếch trần truồng.

- Chính anh mới ngốc. Thế anh có sưu tầm tem thư không?

- Có chứ - Tôi trả lời với vẻ khiêu khích.

- Và cả bao thuốc lá nữa chứ?

- Hồi bé, anh có sưu tầm. Anh còn có một bộ sưu tầm bươm bướm nữa…

Tôi cho là cô bé thích thú với chuyện đó, và không hiểu sao, tôi rất mong cô sẽ thích thú.

- Phù. Đồ gàn - Cô bé bĩu môi, để phô hai răng nanh nhọn và trắng - Thế anh có ép bẹp đầu chúng rồi dùng kim găm vào không?

- Nói chung là không, anh chỉ tẩm ête thôi.

- Dù sao thì cũng là ác… Không sao chịu được, mỗi khi thấy người ta giết chết các con vật.

- Em biết không, anh còn sưu tầm những gì nữa? – Tôi nghĩ xong nói tiếp – Anh sưu tầm xe đạp đủ các nhãn hiệu.

- Thật không?

- Nói thật đấy. Anh chạy đi khắp phố và hỏi những người đi xe đạp: “Chú ơi, xe chú là của hãng nào đấy?” Người ấy bảo: “Dux”, hoặc là “Latvella”, hoặc là “Opel”. Thế là anh sưu tầm được đủ các nhãn hiệu, chỉ còn thiếu mỗi “Enfield model Royal” mà thôi… - Tôi nói rất nhanh, sợ cô bé ngắt lời tôi bằng một tiếng cười khẩy nào đó, nhưng em chỉ nhìn tôi với vẻ nghiêm túc, chăm chú, thậm chí em còn quên cả việc rắc cát qua kẽ tay – Ngày nào anh cũng chạy ra quảng trường Lubyanskaya, có lần suýt bị tầu điện cán phải, nhưng rồi cũng tìm được một chiếc Enfield Royal. Em biết không, nhãn hiệu loại xe ấy màu tím tím, có chữ R kiểu Latin rất là to.

- Anh cũng là người chơi được đấy… - Cô bé nói và toét miệng cười… - Em tiết lộ với anh một điều bí mật nhé, em cũng sưu tầm…

- Sưu tầm cái gì?

- Tiếng vọng… Em đã sưu tầm được khá nhiều rồi. Có tiếng vọng thì ngân nga như tiếng pha lê, có tiếng vọng như tiếng kèn đồng, có tiếng vọng nghe rõ cả ba bè, và có tiếng vọng nghe như tiếng vãi đỗ, lại có…

- Em chỉ phịa thôi – Tôi bực dọc ngắt lời.

Cặp mắt mèo trong veo ấy như dán chặt vào tôi.

- Có muốn em cho xem không?

- Ừ thì xem...

- Em chỉ cho mỗi mình anh xem thôi, người khác thì đừng hòng. Nhưng người ta có cho anh đi không? Phải trèo lên tận “Yên Ngựa Lớn” cơ đấy.

- Cho đi chứ lị.

- Thế thì sáng mai anh em mình đi. Anh ở đâu?

- Ở làng Duyên Hải, xóm kiều dân Bun.

- Em thì ở đằng Tarakanikha.

- Thế thì anh đã gặp mẹ em rồi. Người cao thế này này, tóc đen, đúng không nào?

- Đúng đấy. Chỉ có em là hoàn toàn không gặp mẹ em đâu.

- Tại sao?

- Mẹ em thích bay nhảy… - Cô bé giũ giũ mớ tóc đã ráo nước và hơi hoe hoe – Thôi, ta xuống tắm lần nữa nhé, đi thôi.

Cô nhỏm dậy, cứ để mặc cho cát dính đầy người, rồi chạy ù ra biển, đôi gót chân nho nhỏ hồng hồng thấp tha thấp thoáng…

Một buổi sáng lặng gió, nắng chan hòa nhưng không nóng gắt. Biển sau cơn bão vẫn còn phả hơi mát lạnh, không cho ông mặt trời đốt nóng bầu không khí. Đến khi có một đám mây mỏng như khói thuốc bao phủ mặt trời, làm mờ nhạt đường nét của những lối đi, những bức tường trắng, những mái nhà khum khum và những ánh chói chang của miền nam, không gian bỗng sa sầm như trước một cơn trở trời, cùng lúc ấy, luồng gió lạnh từ biển thổi vào mỗi lúc một mạnh.

Con đường mòn dẫn lên “Yên Ngựa Lớn” thoạt tiên uốn lượn ngoằn ngoèo giữa những quả gò thấp, sau đó ngóc thẳng lên cao, xuyên qua rừng hồ đào thơm sực nức. Cắt ngang nó là một rãnh khá nông, đá lổn nhổn, đấy là lòng của một trong những con suối từ sườn núi đổ xuống, sau mỗi trận mưa lại gầm réo làm huyên náo cả một vùng chung quanh, nhưng chúng lại cạn trước cả khi những giọt mưa đọng trên lá hồ đào kịp khô.

Đến lúc đã đi được một phần đường kha khá, tôi mới quyết định hỏi tên cô bạn nhỏ của mình.

- Này –Tôi hỏi với theo cô bé mặc quần đùi sọc xanh sọc vàng thấp thoáng như một cánh bướm trong rừng hồ đào – Tên em là gì thế?

- Em biết nói với anh thế nào đây nhỉ - Cô bé nói với vẻ tự lự - Em có một cái tên thật là ngớ ngẩn, Viktrina, mà mọi người vẫn thường gọi em là Vitka.

- Gọi là Vitka cũng được chứ.

- Phù, gàn – Cô bé lại thân mật phô hai răng nanh nhọn sắc.

- Sao lại gàn? Vitka là một loài đậu hoang.

- Người ta còn gọi là đậu chuột nữa kia. Em không ưa lũ chuột tí nào.

- Thôi, Vitka vẫn là Vitka, còn anh là Serioza. Chúng mình còn phải đi xa nữa không?

- Anh mệt mỏi rồi à? Đi qua một trạm gác rừng là nom rõ “Yên Ngựa Lớn” thôi mà…

Nhưng chúng tôi còn phải rẽ ngoằn ngoèo trong một khu rừng hồ đào sực mùi mật ong ấy một hồi lâu. Cuối cùng lối mòn nhập vào một con đường rải đá, lấp lánh những hạt cát nhỏ trắng tinh như bột đường kính và dẫn chúng tôi đến một thềm đá rộng. Ở đây, trong đám cây hồ đào rậm rạp, có một trạm gác rừng đắp bằng vỏ hến vỏ sò.

Chúng tôi vừa đặt chân vào căn nhà xinh xẻo ấy thì tiếng chó sủa đã làm vỡ bầu không khí yên tĩnh. Hai con chó bông màu trắng xỉn vừa khua chuỗi xích dài vừa chạy bổ đến chúng tôi, chúng chồm lên dựng đứng, nhưng bị xích cổ làm nghẹt thở, chúng đành lè ra chiếc lưỡi đỏ hồng gầm gừ một lát rồi nằm bệt xuống đất.

- Anh đừng sợ, chúng nó không chạm tới chúng ta được đâu. – Vitka điềm tĩnh nói.

Chúng tôi lại đi vòng vèo theo một lối mòn hẹp qua rừng hồ đào. Rừng chỗ này không còn rậm rạp như ở dưới kia: nhiều khóm cây đã khô xác, ở nhiều cây khác, lá đã bị những con bọ đen nhẫy chén hết và biến thành tơ cả rồi.

Tôi thấm mệt và đâm bực với Vitka, cô bé ấy, nom kìa, vẫn bước đi bằng đôi chân khẳng khiu như hai cây gậy, mà đầu gối lại hơi chạm vào nhau như vậy. Nhưng tôi bỗng thấy trước mắt sáng ra và bắt gặp một sườn núi mọc toàn thứ cỏ thấp ngọn, xa nữa là một vách đá xám dựng đứng.

- Ngón Tay Quỷ đấy - Vừa đi, Vitka vừa nói.

Chúng tôi càng đến gần, vách đá xám càng dựng đứng lên cao, có cảm tưởng nó mọc vượt lên để ngăn chúng tôi khỏi đến nơi. Chúng tôi vừa đặt chân vào cái bóng mát lạnh và tối sầm ấy, vách đá liền nở to một cách dễ sợ. Nó không còn là “Ngón Tay Quỷ” nữa, mà đã là một “Ngọn Tháp Quỷ”, mờ ám, bí hiểm và bất khả xâm phạm.

Như muốn giải đáp những khúc mắc trong tôi, Vitka bảo:

- Anh biết không, bao nhiêu người muốn leo lên đỉnh, nhưng chẳng ai lên nổi. Người thì ngã tan xác, người thì gãy chân tay. Vậy mà có một người Pháp đã leo được đến nơi.

- Lên bằng cách nào vậy?

- Lúc lên thì được… Nhưng lúc xuống thì chịu, thế là ở trên ấy, ông ta hóa điên, về sau bị chết đói… Tuy nhiên ông ta vẫn cứ là người giỏi – Cô bé nói thêm với vẻ tư lự.

Chúng tôi đã tiến đến sát “Ngón Tay Quỷ”, và Vitka hạ giọng bảo tôi:

- Đây này…- Cô bé lùi lại mấy bước và gọi khẽ - Xê-ri-ô-gia....”

Tôi đứng lặng, và đâu đó trên cao, nghe văng vẳng một tiếng gọi thều thào chua xót: “Xê-ri-ô-gia”.

- Quỷ quái thật... – Tôi buột ra một thứ âm thanh nghèn nghẹn.

“Quỷ quái thật...” - Có tiếng lướt qua tai.

“Quái thật...” - Tiếng dội lên từ biển.

“Quái thật...” - Tiếng vọng về từ trên cao.

Trong mỗi kẻ nhại giọng vô hình đó đều có một tính cách gan lì và khêu gợi: cái giọng kề tai thì nhỏ to ngọt nhạt; cái giọng phía biển thì vừa nghịch ngợm, vừa lãnh đạm; còn nấp trên cao lại là một kẻ giả vờ mau nước mắt và khó dỗ dành.

- Kìa anh?... Thử hô một câu đi nào... - Vitka nói.

Thế là lại vọng vào tai một thứ âm thanh khe khẽ, ngắt rời câu nói của cô bé:

“Kìa anh” – thì gióng giả, “thử hô một” – thì tí tửng, và “câu xem nào” thì như thể nói qua nước mắt.

Phải khó khăn lắm, tôi mới dồn được sức lấy hơi và hô to:

- Núi xanh.

Và tôi nghe thấy một hồi âm ba bè…

Tôi hô, tôi nói, tôi còn thì thào nhiều câu linh tinh nữa. Và tiếng vọng ấy thính nhạy vô cùng. Có những tiếng tôi nói khẽ đến nỗi chính mình nghe cũng chưa rõ, vậy mà chúng vẫn cứ tìm được hồi âm. Tôi đã chẳng còn thấy sợ nữa, nhưng lần nào cũng vậy, mỗi lúc kẻ vô hình đó thì thầm vào tai tôi, tôi lại lạnh ớn cả gáy, và nghe cái giọng nức nở, tim tôi thót lại.

- Xin chào – Vitka nói và rời “Ngón Tay Quỷ” đi tiếp.

Tôi đuổi theo cô, nhưng cái kẻ nhại tiếng kia đã đuổi kịp tôi, thì thầm những lời từ biệt một cách nhỏ to đáng ghét, và kẻ ở khơi xa thì cười rưng rức, còn cái giọng trên cao thì rền rĩ: “Xin chào...”

Chúng tôi đi về phía biển, chỉ lát sau đã tới một mỏm đá chênh vênh trên miệng vực. Cả bên phải lẫn bên trái đều là những ngọn núi vươn cao, mà bên dưới chúng tôi là vực nước sâu không đáy đang hắt lên chang chói hút hết tầm nhìn. Nếu như “Ngón Tay Quỷ” mà đâm xuống đất, nó sẽ làm thành một cái lỗ to tướng và khủng khiếp như vậy. Từ đáy vịnh nhô lên những mỏm đá nhọn sắc và trơn nhẫy, tựa như răng nanh của một con quái vật khổng lồ, làn nước biển sẫm như pha mực xô dồn dập vào đó. Một con chim gì không rõ cứ giang rộng đôi cánh bất động như cánh chim chết, chậm chạp lượn vài vòng rồi rơi tõm vào nơi không đáy.

Hình như ở đây có một cái gì còn chưa kết thúc, những sức lực ghê gớm từng lôi lên từ ruột đất một ngón tay đá khổng lồ, từng khoét đá núi làm thành một cái giếng quái đản, từng cắm vào đáy giếng những mũi đá lởm chởm để rồi buộc biển cả phải đưa cái lưỡi mềm mại của mình liếm quanh đó, những sức mạnh ấy còn chưa lấy lại được thế cân bằng. Toàn bộ cái khối đá khổng lồ ở chung quanh và bên dưới đều chông chênh, đều ở trong một trạng thái dồn nén bên trong, có xu hướng muốn trở lật… Dĩ nhiên là ngay lúc đó tôi chưa biết gọi tên cái cảm giác hãi hùng đã ngự trị tôi ở đỉnh “Yên Ngựa Lớn”…

Vitka nằm sấp ngay bên mép vực và gọi tôi tới. Tôi đến nằm duỗi người trên một tảng đá phẳng phiu, rắn đanh và ấm áp, vậy là cái sức hút lạnh tanh của cõi không đáy liền biến mất, nhìn xuống dưới thấy dễ như không. Vitka thò đầu xuống miệng vực và hô:

- Ơ hơ hơ.

Một tích tắc im ắng, sau đó là một âm thanh dội rền như tiếng kèn đồng:

“Ơ - hơ - hơ - u - u.”

Trong âm thanh đó thấy không có gì đáng sợ, mặc dù nghe rất vang và rất rền. Chừng như ở đáy vực có một người khổng lồ tốt bụng không muốn làm điều gì xấu cho chúng tôi.

Vitka hỏi:

- Biết tên cô gái đầu tiên trên đời h-a-y-y ch-ư-a?

Vậy là người khổng lồ đó nghĩ một lát rồi trả lời:

“Ê - va.”

- Anh biết không - Vitka vừa nhìn xuống bên dưới vừa nói. Chưa một ai từ đỉnh “Yên Ngựa Lớn” xuống được tới mặt biển đâu nhé. Có một bác xuống đến lưng chừng thì chịu…

- Rồi chết đói chứ? – Tôi thử đùa.

- Không, người ta buông thừng xuống cho bác ta rồi lôi lên… Theo em thì có thể xuống được đấy.

- Ta thử xuống xem nào?

- Ừ thì thử –Vitka hưởng ứng một cách sốt sắng và vô tư, và tôi hiểu là em nói nghiêm chỉnh.

- Thôi để lần khác – Tôi đánh bài lùi một cách gượng gạo.

- Vậy thì ta đi tiếp… Khỏe nhé – Vitka nói chõ vào vực sâu rồi nhỏm dậy.

“Khỏe nhé” - người khổng lồ gầm to.

Tôi vẫn còn muốn nói chuyện với người khổng lồ đó, nhưng Vitka đã lôi đi tiếp.

Tiếng vọng mới - theo như lời Vitka, “ngân nga như tiếng pha lê” - làm tổ trong một khe núi hẹp như vết dao khía. Tiếng vọng này có giọng kim, giá thử có nói bằng giọng trầm thì nó cũng chuốt mỏng đến chói tai. Và lại còn một điều nghịch lý nữa: đáp rồi, tiếng vọng vẫn chưa chịu im cho, lại còn chin chít như chuột kêu trong những khe ngách nào ấy nữa.

Chúng tôi không dừng lâu trước những kẽ ngách mà lại đi tiếp. Lúc này chúng tôi leo qua một sườn núi dựng đứng, có chỗ um tùm cỏ sắc và cây gai, có chỗ lại trơ trụi, trơn bóng. Cuối cùng chúng tôi đến một thềm đá ngổn ngang những khối lớn. Mỗi khối đá đều gợi lên một cái gì đó: tàu biển, xe tăng, con bò đực, đầu lâu của một tên giặc mặc áo giáp mà Ruslan đã chém đứt, khẩu đại bác canh bờ biển đã bị gãy nòng, con lạc đà, mõm con sư tử đang gầm, có khi lại giống một phần thân thể của gã khổng lồ bị cắt rời một cách cẩu thả: cái mũi khoằm, cái tai như vỏ hến, cái cằm có râu, cái nắm tay to tướng mãi không chịu xòe ra, một bàn chân trần, một cái trán với những mớ tóc xõa…

Tất cả những con vật, hoặc những bộ phận của chúng đã hóa đá, tất cả những đồ vật mặc áo đá ấy bị vứt lỏng chỏng, chỉ cần một tiếng hô như thể một quả bóng bật ra là từng mảnh, từng mảnh âm thanh sẽ dội lại với một độ nhanh chớp mắt và một bội số đáng kể. Đây là nơi trú ngụ của tiếng vọng “như tiếng vãi đỗ”…

Song kỳ lạ nhất là cái tiếng vọng mà Vitka chưa nói đến. Chúng tôi không phải đi, mà là bò lên với nó, tay bám vào những gờ đá, những bụi tầm gửi, những khóm cây khô. Những hòn đá dưới chân dưới tay chúng tôi rời ra, kéo theo những hòn đá lớn hơn, đằng sau chúng tôi sinh ra những tiếng ầm ầm không ngớt. Đến khi nhìn lại, tôi phải ngạc nhiên vì sự nhỏ bé của cái cao điểm đá từng làm chúng tôi chóng mặt lúc ở miệng vực.

Từ đây, mặt biển nhìn không thấy phẳng nữa, nó bao la, nó ăn nhập với bầu trời để tạo thành một vòm cầu thống nhất - một vòm cầu ngự trên toàn bộ khoảng rộng bao la hút hết tầm mắt. Những bức tường lấp lánh màu lục, màu đỏ, màu xanh, từ trong hang, một vệt tối như lỗ huyệt kéo dài ra khiến tôi bất giác lùi lại.

- Xin chào - Vitka chui vào đầu lỗ, rồi lên tiếng.

Vậy là, như có những chiếc thùng gỗ rỗng va vào nhau, một âm thanh kéo dài vọng ra -“bôông”- rùng rùng chạy khắp các ngõ ngách và cuối cùng vọt ra ngoài bằng một giọng thốt rất trầm, tưởng như chính ngọn núi đã phả ra một hơi thở.

Tôi nhìn Vitka, vẻ kinh ngạc đầy trọng nể. Cái cô bé gầy gò, mặt đầy tàn nhang, với mớ tóc rối lòa xòa, với hai chiếc răng nanh ở hai bên mép đối với tôi cũng thần diệu như cái thế giới linh thiêng mà cô dẫn tôi vào.

- Nào, nói đi anh - Vitka ra lệnh.

Tôi khom người và thốt một tiếng vào cái miệng tối om của núi. Và trong đó lại dội lên âm thanh ẩm mục của một cõi nào khác. Tôi bỗng thấy cô đơn khủng khiếp, nỗi cô đơn và trơ trụi giữa cái xứ sở đá cheo leo những mỏm những sườn và tàng chứa toàn những âm thanh bí ẩn, hoang sơ này.

- Ta đi thôi – Tôi lộ vẻ luống cuống và giục Vitka - Đi khỏi đây thôi.

Chặng đường tiếp theo, tôi coi như một sự rơi vô tận. Trên chặng đường đi, lướt qua chúng tôi lại là bãi tha ma đá, là “Ngón Tay Quỷ”, là rừng hồ đào xác xơ, sâu bệnh, là hai con chó xồm xồ tới căng cả xích ở trạm gác rừng, và một rừng hồ đào khác tràn trề sinh lực. Sự rơi của chúng tôi được chấm dứt tại một khe cạn ôm lấy xóm biển từ phía rừng.

- Thế nào, có thú vị không anh? - Lúc đặt chân lên đường cái, Vitka hỏi.

- Thú vị thật… - Tôi đáp một cách biếng nhác - Nhưng đấy mà cũng gọi là bộ sưu tập hay sao?

- Theo anh thì chỉ những cái đựng trong hộp và nhét vào ngực áo được thì mới là bộ sưu tập à?

- Không, đâu phải thế… Có điều là tiếng vọng thì ai cũng nghe được chứ riêng gì em.

Vitka nhìn tôi một lúc lâu có vẻ lạ lùng.

- Thế thì đã sao, em cũng chẳng tiếc - Cô bé nói rồi giũ tóc và bỏ về.

*

Tôi với Vitka đâm ra thân nhau. Chúng tôi cùng nhau qua Tiemriukaya lên núi Cưới, và trên núi Cưới, trong một cái hang nhân tạo, chúng tôi phát hiện ra một tiếng vọng như tiếng ễnh ương…

Hầu như chúng tôi không rời nhau. Tôi đã quen với chuyện Vitka hay tắm truồng, em là một người bạn nhỏ đàng hoàng tử tế, và tôi nhìn em hoàn toàn không như một cô bé. Tôi lờ mờ hiểu ra nguyên nhân thái độ bất cần của em: Vitka tự coi mình là xấu gái hết nhẽ. Chưa bao giờ tôi gặp một con người lại công nhận sự xấu xí của mình một cách công nhiên, giản dị và đầy lòng tự trọng đến như thế. Có lần, trong khi kể cho tôi nghe về một cô bạn cùng trường, Vitka buông một câu nhẹ thênh: “Nó cũng xấu xí gần như em ấy…”

Một lần, trong khi chúng tôi tắm ở gần một bến cá, có một toán con trai từ trên bờ cao ùa xuống. Tôi cũng có biết chúng sơ sơ, nhưng những cố gắng dè dặt của tôi nhằm xích gần với chúng đều chẳng dẫn tới đâu. Những đứa trẻ ấy không phải đến nghỉ ở vùng Núi Xanh này lần đầu, chúng tự coi mình là thổ dân ở đây và không cho người ngoài nhập bọn. Cầm đầu toán trẻ ấy là một cậu cao lớn, khỏe mạnh, tên gọi Igor.

Tôi đã lên bờ đứng và lấy khăn xát khắp mình, còn Vitka vẫn tiếp tục nghịch dưới nước. Em đón bắt từng đợt sóng, nhảy lên rõ cao và nhào lộn. Cặp mông nho nhỏ của em thấp thoáng.

Bọn trẻ đáp lại lời chào của tôi một cách qua quýt rồi định bỏ qua, bỗng đứa mặc quần tắm trong bọn nhận ra Vitka.

- Chúng mày ơi, thấy chưa, con bé cởi truồng.

Thế là ầm ĩ cả lên: chúng hò hét, chúng huýt sáo, chúng lêu lêu. Kể cũng phục Vitka: em không thèm để ý đến sự ra quân của bọn con trai, nhưng điều đó chỉ như đổ thêm dầu vào lửa. Đứa mặc quần đỏ đề nghị “trêu con bé một trận”. Lời đề nghị được hưởng ứng náo nhiệt, và đứa mặc quần đỏ xộc thẳng ra mép nước. Ngay lập tức Vitka đã cúi xuống, nhanh như một con thú, em sục tìm cái gì đó dưới nước và đến khi đứng lên, trong tay em đã có một cục đá to tướng.

- Thử đến đây mà xem - Em nhe hai răng nanh nhọn sắc ra và nói to - Nện vỡ mồm ngay lập tức.

Thằng bé mặc quần đỏ dừng lại thử nhúng một chân xuống nước.

- Lạnh lắm… - nó nói, và hai tai nó bắt đầu đỏ hơn cả vải quần - chả thích xuống nữa…

Igor đi đến, ngồi xuống chỗ cát ngay mép bờ. Đứa mặc quần đỏ không đợi thủ lĩnh của mình nói câu nào đã hiểu ý ngay và đến ngồi bên, những đứa khác cũng theo gương nó. Chúng bám nhau thành một chuỗi ngăn cách Vitka khỏi quãng bờ để quần áo và khăn tắm của em.

- Xê - ri - ô - gia - Vitka gọi dõng dạc - Đem quần đến đây cho em.

Từ nãy đến giờ, tôi vẫn không để ý đến chuyện đó, chỉ lấy khăn lau cọ xát người. Lớp da ngoài cháy nắng đã rộp cả lên như bị bỏng, tôi cứ cọ khăn, cọ mãi như thể muốn lột da đi. Trong vẻ luống cuống hèn hạ đến thảm hại lúc đó, tôi chỉ thấy mỗi một ý muốn rành rọt: làm sao để mình khỏi dây dưa vào chuyện của Vitka.

- Kìa Serioza, đem quần đùi đến cho lệnh bà của anh đi - Đứa mặc quần đỏ réo lên bằng một giọng đùa cợt.

Igor quay về phía tôi, nói với vẻ hăm dọa.

- Cứ thử xem.

Một sự nhắc nhở không cần thiết, chả thế thì tôi vẫn không rời chỗ. Vitka đã hiểu ra rằng chẳng trông đợi được gì ở sự giúp đỡ của tôi. Em rúm người lại một cách thảm hại, lấy hai tay che cái bụng lép kẹp của mình, toàn thân tím ngắt và nổi gai lên vì rét, và, bộ mặt méo xệch, em lội nước, chạy lóc cóc đến chỗ chiếc quần đùi, trong tiếng la ó và tiếng huýt sáo của bọn con trai.

Cứ nhảy lò cò một chân mãi mà vẫn không xỏ được vào ống bên kia, rồi em cũng mặc xong quần, vớ lấy chiếc khăn tắm và chạy đi. Đột nhiên em quay lại và thét vào mặt tôi:

- Đồ hèn nhát... Đồ hèn nhát... Đồ hèn nhát thảm hại.

Trong tất cả các từ ngữ, Vitka đã chọn đúng cái từ ngữ độc địa, tổn thương và thiếu công bằng nhất.

Chẳng biết có phải vì thói ngang ngạnh của một tên cầm đầu không thèm vào hùa với lũ đàn em hay là vì Igor muốn biết một điều gì đó ở Vitka, chỉ thấy bỗng dưng hắn bắn tiếng sang tôi với vẻ chân tình và tin cậy:

- Nghe này, con bé rồ hay sao ấy nhỉ?

- Chắc là rồ - Tôi đã hoàn toàn hứng lấy cái thái độ tử tế ấy.

- Thế sao lại chơi với nó?

Nói chung không phải là muốn phủ nhận Vitka, mà chính là muốn tự cảnh cáo, tôi nói:

- Chơi với cô ấy thú vị lắm, cô ấy sưu tập tiếng vọng.

- Cái gì? - Igor ngạc nhiên.

Trong cơn cao hứng một cách thấp kém hòng bày tỏ lòng biết ơn của mình, tôi liền tiết lộ tất cả các bí mật của Vitka.

- Ái chà chà - Igor nói một cách thán phục - Bọn này ở đây đã ba mùa hè rồi mà chưa hề nghe thấy chuyện tương tự.

- Thế cậu không bịa đấy chứ? - Đứa mặc quần đỏ hỏi tôi.

- Nếu muốn, tớ dẫn cậu đi.

- Xong rồi - Igor nói một cách hách dịch, và lại trở về vai trò đầu đàn - Ngày mai chúng tớ đến đấy.

Ngay từ sáng sớm, trời đã lạnh, những dãy núi mang một màu trắng đục như bọt xà phòng, tiếng ầm ào của những con sông, con suối đang phình to như thể vào hùa với tiếng lao xao bực dọc của hoa cỏ đang nở khắp dãy núi ven biển.

Nhưng toán quân của Igor quyết không chịu lùi bước. Vậy là con đường mòn đã trở nên quen thuộc lại lượn khúc dưới chân, và dòng suối đục ngầu có những viên sỏi trắng lăn lóc dưới đáy lại hiện ra ở lưng chừng. Rừng hồ đào chẳng còn tỏa ra mùi mật ngọt ngào, mà phảng phất một vị hăng cay, quyện với mùi lá ải, mùi đất phèn trong đó có một vật gì đang mục rữa, tất cả toát lên một mùi rượu chua chua. Đi cũng khó, chân cứ chập chững loạng choạng trên đất ẩm, bập cả vào những hòn đá sắc.

“Ngón Tay Quỷ” bị mây bao bọc, một lúc lâu vẫn chưa lộ diện, và ở một tầm cao không tới được, cái chỏm của nó lờ mờ lúc hiện lúc khuất, rồi, trong một tích tắc, toàn bộ thân hình cao ngất của nó lộ ra nhưng nhòe đi ngay trong bầu không khí dày đặc sương mù. Thật là lạ, gió mạnh thì thổi ra biển, mà những đám mây nhẹ như hơi thở lại kéo về từ phía biển khơi. Mây bay là là sát đất, trùm lên chúng tôi một làn khói ẩm ướt và bất thần biến đi, để lại những giọt sương trên sườn núi.

Rốt cục, “Ngón Tay Quỷ” lại thò ra khỏi đám sương mờ và chắn đường chúng tôi.

- Nào, thử giở những phép lạ ra xem nào - Igor nói không thèm cười.

- Hãy nghe đây - Tôi nói một cách trịnh trọng, cảm thấy lưng lạnh ớn một cách khác thường rồi bắt tay lên miệng làm loa, hô to:

- Ô - hô - hô.

Đáp lại tôi là sự im lặng tuyệt nhiên, không một tiếng thì thào kề tai, không một tiếng dội từ phía biển, không một tiếng rền rĩ từ trên cao.

- Ô - hô - hô – Tôi lại gần “Ngón Tay Quỷ” và hô lên một lần nữa, khiến tất cả lũ trẻ cũng đồng thanh hô theo.

“Ngón Tay Quỷ” lặng thinh. Chúng tôi hô, hô mãi mà vẫn chẳng hề thấy một tiếng vọng nào, dù là rất nhỏ.

Tôi liền hướng về phía vực, lũ trẻ bám theo tôi, và lấy hết sức hô vào cái vũng sâu ngùn ngụt khói sương. Song, người khổng lồ cũng không thèm đáp lại.

Trong nỗi luống cuống, tôi hết chạy từ miệng vực đến “Ngón Tay Quỷ”, rồi lại từ “Ngón Tay Quỷ” đến miệng vực. Song, núi vẫn lặng thinh…

Thật thảm hại, tôi phải thuyết phục bọn trẻ để chúng leo lên hang đá, ở đó may ra chúng tôi sẽ nghe thấy tiếng vọng. Lũ trẻ đứng trước mặt tôi, chúng lặng thinh và khắc nghiệt như những quả núi, sau đó Igor nhếch môi buông ra độc một câu:

- Đồ dối quanh.

Rồi, quay phắt lại, nó bỏ đi, kéo theo cả lũ đàn em.

Tôi bám theo sau, cố tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra, nhưng vô ích. Thái độ khinh thường của lũ trẻ, tôi cũng không thèm bận tâm, chỉ mong tìm ra nguyên nhân thất bại của mình. Chẳng lẽ núi chỉ đáp lại có mỗi tiếng nói của Vitka thôi ư? Nhưng lúc tôi đến cùng em, núi cũng đáp lại tôi một cách ngoan ngoãn cơ mà. Rất có thể là em đã kiếm được một chiếc chìa khóa đóng mở kho âm thanh trong những hang đá sâu thẳm này chăng?

Tiếp đến những ngày buồn bã. Tôi đã đánh mất Vitka, thậm chí mẹ tôi còn lên án tôi. Khi tôi kể cho bà nghe câu chuyện bí ẩn về những tiếng vọng, mẹ đã ướm vào tôi một cái nhìn soi xét rất dài, rất lạ và nói bằng giọng chả vui vẻ gì:

- Mọi chuyện rất là giản đơn: núi chỉ đáp lời những con người trong sạch và trung thực.

Lời mẹ mở mắt cho tôi khá nhiều điều, chỉ trừ có mỗi điều bí ẩn về âm vang của núi.

Trời mưa không chịu dứt cơn, biển dường như bị chia ra làm hai phần, phần trong vịnh thì đục ngầu bởi cát từ các sông suối đưa về, phần ở xa hơn thì một màu trắng bạc. Gió vẫn thổi không ngừng. Ban ngày, gió trải tung tấm chăn mưa xám xịt, ban đêm - mà đêm thì bao giờ cũng trong, trời chi chít những vì sao ánh bạc - gió khô hanh và đen tối, bởi vì gió chỉ lộ diện trong một màu đen, ở những thân cây và cành nhánh luôn luôn chao động không ngừng, ở những mảng tối đen nhẫy như than chạy thành vệt dài trên đất đai tỏa sáng.

Một vài lần tôi có thoáng thấy Vitka. Em vẫn ra biển trong mọi thời tiết và biết đoạt của ông mặt trời nghèo nàn và chểnh mảng cái nước da rám nắng đậm màu chocolate của mình. Buồn chán và cô đơn, ngày nào tôi cũng đưa mẹ đi chợ, ở đó người ta hay bán những sản phẩm của địa phương: rau tươi, đào, sữa dê, sữa chua. Có lần tôi gặp Vitka ở chợ. Em đi một mình, tay xách một chiếc giỏ. Nhìn em mặc chiếc quần đùi sọc xanh sọc vàng đi giữa những can nhựa, những giỏ đan và những dãy hàng, chọn những quả cà chua một cách dứt khoát, tay vỗ vỗ vào miếng thịt trên bàn cân, tôi đau đớn nghĩ là mình đã đánh mất một người bạn tốt.

Sáng hôm đầu tiên có nắng, tôi đi tha thẩn trong vườn, trong khi đang cúi nhặt quả đào rụng có chỗ đã nẫu, bỗng nghe có ai gọi mình. Trước cổng vườn là một cô bé mặc chiếc sơ mi trắng cổ bẻ kiểu lính thủy và chiếc váy màu xanh. Đó là Vitka, thế mà tôi chưa nhận ngay ra em. Những sợi tóc màu tàn tro của em đã được chải mượt mà, buộc ra đằng sau bằng một dải băng nhỏ, quanh cái cổ rám nắng là một chuỗi hạt san hô, chân em xỏ trong đôi giày da hươu. Tôi chạy bổ đến bên em.

- Anh ạ, em sắp đi rồi - Vitka nói.

- Tại sao thế?

- Mẹ em chán ở đây rồi… Thế này nhé, em muốn để lại cho anh bộ sưu tập của em. Đằng nào thì em cũng chẳng giữ làm gì, anh hãy cho bọn con trai ấy xem mà dàn hòa với chúng.

- Anh sẽ không cho ai xem hết – Tôi sốt sắng nói to.

- Tùy anh, nhưng cứ để bộ sưu tập ấy ở lại với anh. Tại sao anh làm mà chẳng ăn thua gì, anh đã đoán ra chưa?

- Làm sao em biết được là không ăn thua gì?

- Em có nghe nói…

- Chưa…

- Anh hiểu không, quan trọng nhất là trong lúc hô, anh đứng ở chỗ nào - Vitka hạ giọng có vẻ tin tôi ghê lắm - Trước “Ngón Tay Quỷ” thì phải hô từ phía biển. Còn anh, có lẽ đã hô từ phía khác cho nên chẳng được một tiếng vọng nào. Ở miệng vực thì phải thò đầu xuống dưới và hô thẳng vào vách đá. Anh có nhớ lúc em thò đầu xuống để hô cho anh nghe không? Ở khe núi thì anh phải hô thẳng vào lòng khe để cho tiếng hô truyền đi được xa. Còn ở hang đá thì bao giờ cũng có tiếng vọng, chỉ cần anh đừng vào tận trong hang.

- Vitka... - Tôi bắt đầu định nói ra điều mình đang ân hận.

Khuôn mặt gầy gầy của em hơi méo đi.

- Em phải ù về đây, không thì xe chạy mất.

- Chúng ta còn gặp nhau ở Moskva nữa không?

Vitka lắc đầu:

- Nhà em ở Kharkov cơ mà…

- Thế em còn đến đây nữa không?

- Chưa biết được… Thôi, tạm biệt… – Vitka bối rối nghiêng đầu sang một bên vai rồi chạy đi ngay.

Bên cổng vườn có mẹ tôi đứng, bà nhìn chăm chú theo hút Vitka một hồi lâu.

- Ai đấy? - Mẹ tôi hỏi với vẻ mừng rỡ.

- Vitka đấy mà, cô ấy sống ở đằng Tarakanikha đấy.

- Một cô bé kiều diễm làm sao - Mẹ tôi nói bằng một giọng trầm sâu.

- Không đâu, đó là Vitka đấy mà.

- Mẹ không giễu đâu… - Mẹ tôi lại nhìn về phía Vitka vừa chạy đi - Ôi, cô bé mới tuyệt vời làm sao. Cái mũi hơi hếch, mái tóc màu tàn tro, cặp mắt linh lợi, dáng hình thanh tú, đôi chân thon thả, đôi tay…

- Mẹ nói gì thế, mẹ - Tôi kêu lên, đau xót trước sự mù quáng của mẹ tôi, sự mù quáng ấy, tôi thấy như một điều xúc phạm đối với Vitka - Giá mà mẹ trông thấy miệng cô ấy.

- Một cái miệng rộng đẹp tuyệt... Đích xác là con chẳng hiểu cái gì.

Mẹ tôi quay vào nhà, tôi nhìn theo lưng mẹ độ vài giây sau đó sực tỉnh và chạy bổ ra bến xe.

Chiếc xe buýt vẫn chưa lăn bánh, những hành khách cuối cùng mang nặng túi xách và vali đang tấn công vào cửa xe. Ngồi cạnh em là một người đàn bà đẫy đà, tóc đen, áo dài đỏ, đó là mẹ em.

Vitka cũng trông thấy tôi và bíu ngay lấy tay nắm, định mở cửa sổ. Mẹ em nói với em điều gì đó và đặt tay lên vai, chắc định kéo Vitka ngồi vào chỗ. Bằng một cử động dứt khoát, Vitka gạt tay mẹ em ra.

Chiếc xe nổ máy và chậm chạp lăn bánh trên con đường không láng nhựa, nhả ra đằng sau một luồng bụi ánh vàng. Tôi đi ngang xe. Vitka mắm môi, giật mạnh tay đánh sập một cái, và khung cửa sổ mở ra. Tôi thấy nhẹ nhõm trong lòng được thấy tận mắt Vitka là một cô gái xinh đẹp.

- Này Vitka ạ - tôi nói rất nhanh - mẹ anh bảo là em xinh lắm đấy. Tóc em đẹp, mắt, mũi, miệng em đều đẹp cả… - Chiếc xe bus tăng tốc độ, tôi phải chạy theo… - Cả tay, cả chân nữa. Thật đấy, Vitka...

Vitka chỉ biết nhoẻn cái miệng khá rộng của mình ra cười, vẻ sung sướng, tin cậy, trung thành và chính lúc ấy, tôi được thấy tận mắt, rằng Vitka, mà cũng đúng thôi, là một cô gái xinh đẹp trên đời này.

Chiếc xe buýt chở nặng đã lăn bánh lên chiếc cầu gỗ bắc qua con ngòi biên giới của vùng Núi Xanh. Tôi đứng lại. Chiếc cầu kêu rầm rầm, chuyển mình lộc khộc. Qua khung cửa lại thấy xuất hiện mái đầu Vitka với những mớ tóc màu tro bay lơ phơ trong gió, với cái khuỷu tay nhòn nhọn và rám nắng. Vitka ra hiệu với tôi và quẳng mạnh một đồng tiền bạc xuống ngòi. Cái vệt sáng loáng trong không khí đã tắt đi trong đám bụi quanh chân tôi. Có một tục lệ như thế: hễ ném một đồng tiền xuống nơi đâu, thế nào cũng có lần trở lại nơi ấy…

Tôi những muốn ngày chúng tôi rời đây ra về sẽ đến thật mau. Lúc ấy tôi cũng sẽ bỏ một đồng tiền xuống đây để tôi với Vitka còn gặp nhau nữa…

Nhưng điều đó đâu có được hóa thành hiện thực. Một tháng sau, chúng tôi rời vùng Núi Xanh, vậy mà tôi đã quên ném đồng tiền.

Đăng Bẩy dịch
Nguồn: Báo Đại Biểu Nhân Dân









 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Các bài đã đăng
Cửa Bắc (1) (12/08/2014)
Thanh tẩy (29/07/2014)