Tác phẩm hay
Sau những hẹn hò
08:13 | 04/09/2014

LGT: Phan Thị Vàng Anh là con gái của cố nhà thơ Chế Lan Viên. Cô sinh ngày 18 tháng 8 năm 1968 tại Hà Nội; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1996 và từng làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 7.

Sau những hẹn hò
Nhà văn Phan Thị Vàng Anh

Tác giả Phan Thị Vàng Anh từng nhận các giải thưởng như: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1993 cho tập truyện Khi người ta trẻ; Giải nhất Truyện rất ngắn của tạp chí Thế giới Mới 1995 cho tác phẩm Hoa muộn; Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2007 dành cho tập thơ mỏng Gửi VB - tác phẩm này đã tạo nên nhiều dư luận trái chiều... Nhà văn Nguyễn Khải từng khen Phan Thị Vàng Anh là "Nguyễn Huy Thiệp mặc váy". Sông Hương oline giới thiệu một truyện ngắn của tác giả.



PHAN THỊ VÀNG ANH

Sau những hẹn hò
                           Truyện ngắn


Tỉnh dậy thấy trời mờ mờ sáng và tiếng radio, tiếng trẻ con léo nhéo ngoài đường, tôi mất vài giây để xác định xem lúc này là năm giờ sáng hay sáu giờ chiều.

Đầu giường, một phong bì với rất nhiều con dấu chồng chéo nằm đợi. Tôi cầm lên, nhìn qua một cái rồi nhét xuống dưới chiếu. Đây là chỗ tôi để thư, những cái thư tôi ghét, cứ đêm đêm lại có cảm giác rằng mình đang nằm bẹp trên cái đống tình cảm này.

Chị Quyên bước vào, vén màn hỏi: "Thư thằng Lâm, phải không?". Tôi cười: "Nó chứ còn ai!". "Nó nói gì nữa?". "Tôi không đọc, chắc lại anh nhớ em, mưa buồn lắm, anh muốn biết em đang làm gì... Lải nhải mãi, sao nó không bỏ vợ đi nhỉ?". Chị tôi nhướn mày: "Nó bỏ vợ, mày có lấy nó không?". "Không! Tôi ghê nó lắm!". "Ghê sao mày vẫn đi chơi?". "Vì những thằng con trai chưa vợ không rủ tôi đi!". Chị tôi cười, bỏ ra ngoài. Tôi với tay bật đèn, thò tay xuống chiếu, lấy cái thư, thấy buồn cười, đây cũng là một hành động đáng ghét, tôi làm mà không cưỡng lại được, cũng như việc đi chơi với anh ta...

*

Mỗi tháng Lâm lên thành phố một, hai lần.

Trở về nhà vào lúc chạng vạng tối, thấy chiếc xe màu nho dựng ở một góc sân, tôi thót tim lại, rã rượi nghĩ: "Nó lên rồi!". Phản ứng đầu tiên của tôi là muốn quay xe lại, đi tiếp, rồi sau đó, cũng là không cưỡng lại được, tôi vào nhà, hất hàm: "Anh lên hồi nào?". "Đến thành phố cách đây hai giờ!". Tôi ghét cái thói kể công đó, cái lối biểu lộ tình cảm đó, nó có vẻ giả tạo ở Lâm, nhất là khi anh ta nhìn, mắt buồn bã, yêu đương... Rồi sợ tôi chưa hiểu, Lâm thêm: "Anh phải đến em ngay". Tôi phẩy tay: "Biết rồi! Không ai ép anh phải thế!". Anh ta ngồi im, không gian xung quanh thoảng nước hoa và tiếng giở báo khẽ sột soạt. Rồi anh nhìn trước sau, hỏi tôi: "Em rảnh không?". Tôi ngả đầu ra sau ghế, nhướn mày: "Để làm gì?". "Cà phê?". Anh ta ngoan cố dưới cái vỏ rụt rè mà các anh có vợ thường hay có, và lần nào cũng vậy, tôi im lặng vài phút, thấy ghê ghê với cảm giác là lạ. Rồi tôi chợt oán những thằng bạn trai hàng ngày của tôi, những người đã để tôi phải đấu trí trong những tối thứ bảy, chủ nhật, và đổ tội cho lòng căm tức, tôi đứng lên, bảo: "Đợi hai phút, em thay đồ!".

*

Chúng tôi chậm rãi vòng vèo các phố. Tôi nghĩ đến vợ Lâm, giờ này ở Vũng Tàu, nghe ì oạp sóng biển mà nhớ chồng, Lâm vẫn nói, đều đều, buồn buồn. Đôi lúc tôi nhãng đi, không rõ anh ta đang bày tỏ điều gì. Hình như anh ta nhắc lại cái ngày mới biết tôi, đứng chờ vêu vao trước cổng trường, rồi những quán nước hiếm hoi mà chúng tôi đã tạt qua. Rồi buồn hơn, vẻ "bỏ mặc", oán trách hơn, anh ta nói về gia đình xa lạ của mình. Tôi ngồi sau, buồn cười, chẳng lẽ Lâm không thấy rằng nhờ anh lấy vợ mà tôi mới đi chơi nhiều với anh ta hơn sao; nhờ có vợ, anh ta mới trở thành một trò chơi lạ đối với tôi, không ràng buộc, không ai được hy vọng...

Dừng lại ở một quán cà phê, trong khu vườn, Lâm chọn một chỗ ngồi tối tăm, thanh minh: "Cho đỡ ồn!". Tôi vênh mặt: "Không, em thích sáng, thích ồn. Nếu tránh ồn, về vườn nhà em thiếu gì xó xỉnh!", và tôi đến ngồi bên cái bàn kê sát bể cá, trước mặt là cái tượng thạch cao mỉm cười thờ ơ trong ánh đèn lá cây ảm đạm. Tôi bỏ kẹp tóc xuống bàn, một cái kẹp rẻ tiền với bông hoa vải rũ rĩ. Lâm cầm lên nhìn, tư lự. Tôi cười: "Thích không? Em sẽ mua tặng vợ anh một cái!" Lâm nhìn xa xôi, vẻ uất ức. Tôi phì cười: "Chị chừng nào sanh?". "Có lẽ tháng sau!" "Anh sẽ đặt tên gì?". "Em đừng hỏi, anh không muốn nhắc đến đứa bé!". Tôi chợt thấy thương hại đứa bé, chưa ra đời đã bị nói xấu!

Trưa qua, Chân nằm vắt cẳng lên người tôi, thủ thỉ: "Tao không biết sẽ đi tới đâu, ông bồ tao không biết có bỏ vợ được không?". Tôi cười: "Chuyện đó theo tao có gì khó khăn nếu người ta muốn!". Chân lắc đầu buồn bã: "Mày tưởng, còn đứa con, ổng nó tội nghiẹp thằng con, ổng còn muốn sống chẳng qua cũng vì nó". Rồi Chân thở dài: "Tao muốn chết quách đi cho rồi! Vì sao những người hoàn hảo đều vội đi lấy vợ?". Tôi đùa, xoa đầu nó: "Mày ngu lắm, đáng lẽ mày phải nói: "Sao đàn ông phải đợi đến lúc có vợ rồi mới trở nên hoàn hảo?". Rồi tôi hỏi Chân: "Theo mày, hoàn hảo là sao?". "Khó nói lắm. Tao thấy họ không chấp nhặt và nhút nhát như bọn con trai, họ không kiêu căng và ghen tuông vớ vẩn!". Tôi cười: "Bởi vì họ đã mất hết quyền để làm những việc ấy với bất cứ ai, ngoài các bà vợ!". Rồi tôi nhớ đến Bảo, đến Trung, những người bạn vừa kiêu ngạo vừa nhút nhát của tôi, họ vụng về tìm cách che đậy tình cảm của mình như tôi phải che đậy thịt da của tôi!

*

... Trở về lúc mười một giờ đêm, tôi đã có thể ngồi gần Lâm hơn cho bớt lạnh và kể đủ thứ chuyện vặt vãnh cho anh ta nghe. Diễn biến tâm lý mỗi lần gặp Lâm bao giờ cũng thế: đầu tiên là sự ghê ghê, khi đã ngồi lên xe là sự buông xuôi và dần dần quen đi, để đến giờ này thì lại muốn hỏi: "Chừng nào anh lên?". Tôi vẫn nghĩ, cái gì làm tôi vừa thích vừa ghét ở Lâm? Anh ta đẹp và từng trải, anh ta sung túc mà khinh bạc tiền nong, có điều, lúc nào anh cũng trầm ngâm, vẻ tư lự hiền triết với những triết lý về cuộc đời mà hàng trăm ngàn miệng người đã nói, và tôi đúc kết: "già nua!", đây là cái mà tôi không cần!

Xe đi chậm chạp giữa phố khuya, tiếng xe ù ù nho nhỏ trong đêm, hai bên đường chỉ còn ít quán nhậu vỉa hè hay trà đêm hoạt động, hoặc giả mấy anh dân phòng ngồi phanh ngực trước cửa uỷ ban tán gẫu. Lâm buồn bã: "Anh có thể chở em đi như thế này cả đêm mà không mệt. Trưa mai anh phải về rồi, anh không muốn về chút nào, cái gia đình xa lạ của anh!". Rồi anh ta hít một hơi dài, thở ra mệt mỏi, rất kịch. Tôi nhìn xuống mặt đường: "Lại sắp có trò vui rồi đây!", và ra vẻ oán trách, tôi nén cười: "Vậy sao anh không ly dị?". "Em còn trẻ con lắm, mọi chuyện đâu phải đơn giản như em nghĩ!". Tôi ước chừng anh ta đang cười thầm mà cũng có thể không phải như vậy. Trong những trò như thế này, chưa chắc ai đã là đồ chơi của ai, chỉ chắc chắn một điều là, dù gì, cuối cùng tôi cũng nắm phần thua thiệt. Tôi đặt tay lên vai Lâm: "Anh biết em ghét anh vì cái gì không? Vì trong tất cả các bạn của em, chỉ có anh là hay nói xấu vợ con. Em ghét cái trò lén lút của anh lên đây hàng tháng, em ghét anh lúc nào cũng ra vẻ buồn bã nhưng con anh vẫn nối đuôi nhau ra đời...". Rồi tôi bảo: "Anh dừng ở đây đi, em muốn vào nhà bạn em một chút." Anh ta bảo: "Khuya rồi, anh không muốn. Anh phải giao em cho mẹ em đã!". Tôi cười: "Em đã lớn lắm rồi, muốn cưa sừng cũng không được nữa rồi!". Anh nói: "Thôi, tuỳ em! Rồi anh sẽ viết cho em, em sẽ hiểu. Em ngang ngạnh và không chịu nghe ai, vậy nên anh sẽ không giải thích bằng miệng với em. Em ở lại khoẻ, anh đi!". Tôi lặp lại: "Anh đi!", và cúi đầu bước.

Tôi không ghé nhà ai, tôi về thẳng nhà. Đêm, bên hồ nước, những người yêu nhau cũng đã chia tay, chỉ có trăng trước rằm, lạnh lẽo và cô độc giữa trời cao không may. Tôi đi dọc theo những hàng cây, thấy lòng như đang tan ra, loang lổ. Sẽ đi về đâu những tình cảm "không cao trào" này? Không ai tự quyết định được chuyện gì, không ai dám liều mạng hứa một điều gì, và người ta dễ dàng làm những chuyện điên rồ trong lúc đợi chờ vô vọng. Tôi bước trên đường đêm, nghe cát đá lạo xạo dưới chân và nghĩ về lớp học cũ của mình. Ngày mai, nhất định tôi sẽ quay về. "Đừng trốn nữa, tôi nghĩ, đừng trốn nữa!", đấy là thế giới của tôi, những cực hình của nó xét cho cùng cũng lại là niềm vui. Có thể chỉ vì quá yêu nó mà tôi đã khổ, và tôi hít một hơi dài trong gió đêm, như cố thu hết hương hoa bạch đàn, thiên lý hai bên ngào ngạt.

P.T.V.A
Nguồn: Vietbao.vn







 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Các bài đã đăng
Tiếng vọng (18/08/2014)
Cửa Bắc (1) (12/08/2014)
Thanh tẩy (29/07/2014)