LGT: Trong cuộc Tọa đàm về tiểu thuyết Quyên do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 06/12/2011, nhà văn trẻ DiLi nhận xét: “Quyên” thành công trong nghệ thuật xây dựng tâm lí phụ nữ - tôi cũng là phụ nữ nên có thể đồng cảm với cách hành xử của Quyên trong những tình huống bị đẩy đến tận cùng của cuộc sống. Nội dung tư tưởng đưa ra một triết luận mới về người Việt tha hương. Bút pháp của nhà văn rất hoàn hảo. Tác phẩm đã đề cao giá trị chân thiện mỹ của tâm hồn Việt, văn hóa Việt.”
“Tiểu thuyết Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ là bức tranh về cuộc đời, số phận của Quyên cùng những người đàn ông yêu cô trong những ngày mưu sinh khắc nghiệt đúng vào thời kỳ thay đổi dữ dội ở Đông Âu, khi bức tường Berlin sụp đổ. Quyên đã giành giải nhì cuộc thi tiểu thuyết 2006 - 2009 do Hội Nhà văn VN tổ chức”. (Báo Thanh Niên).
Tuy nhiên, tiểu thuyết này được hình thành từ một vài truyện ngắn. Sông Hương oline giới thiệu truyện ngắn Quyên đến bạn đọc.
Quyên
NGUYỄN VĂN THỌ
Cô nằm cạnh bếp, trên chiếc giường xây bằng gạch mộc, mặt trên lát gỗ lấy hơi ấm từ lò sưởi. Cô là tù nhân không cần dây trói. Gã dẫn cô ra ngoài, để cô tự nhận thấy chạy trốn là vô ích. Những khu rừng ôn đới mọc bằng, đều như nhau, trắng tuyết như nhau, làm cô không thể nào nhận ra, đêm qua họ đi từ hướng nào tới?
Hất cô ngã xuống chiếc nệm đặt trên nền lát gỗ (…). Không hiểu sao trong đầu cô hiện lên đôi mắt quen thuộc, thân yêu của chồng. Chính điều tưởng như vô lý ấy tăng thêm sự đau đớn khôn tả của cô gái vừa hưởng chưa trọn hai tháng trăng mật đã lao vào cuộc ra đi mà mọi sự không được dự báo.
Cô tên Quyên. Mùa đông ấy, em tròn hai mươi bốn tuổi.
Ngôi nhà gỗ nằm giữa rừng thẳm. Trong không gian bao la của rừng biên giới, nó chỉ là một điểm đen nhỏ xíu lẫn vào trùng trùng băng tuyết trắng xóa và gió miên man thổi ngày nối ngày. Cạnh đó, một chiếc chòi gỗ nom như tháp canh vọt lên trời, xưa để cho thợ săn lên cao quan sát và từ đó thể đứng bắn ra bốn phía. Nhà có hai phòng, phòng nhỏ chừng là nơi để đồ, phòng nữa rộng tới ba chục mét vuông, giữa có lò sưởi đốt củi và bếp nấu. Một chiếc bàn gỗ nặng, dài tới ba mét. Ghế băng kê sát vách gỗ. Trong nhà có bồn rửa mặt. Một chỗ tắm không có màn che. Hai chiếc ghế băng, vài chiếc ghế tựa đóng sơ sài nhưng nặng và chắc. Nơi này, Hiệp hội săn bắn thú dành cho những phường săn nghỉ chân, nay bỏ không từ ngày Đông Âu sụp đổ. Những kẻ đưa đường, vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới mang về đây đệm mút, dăm cái bát, nồi nhôm và ba bốn thùng mì ăn liền... Ngôi nhà trở thành nơi nghỉ tạm của chúng sau mỗi chuyến từ bên kia trở về. Bây giờ trong ngôi nhà, nghe rất rõ tiếng nệm mút ken lò xo phập phồng, ọt ẹt. Tiếng thở chầm chậm rồi hối hả của con đực. Những thanh gỗ bắp làm trần, được đẽo nhẵn, đóng ghép rất cẩn thận khít sát vào nhau, tưởng như chẳng bao giờ dột được, mà nước từ đâu vẫn luồn lách, rỉ ra, chầm chậm từng giọt, ướt loang sẫm một góc thảm. Lách tách, vọng từ phía cửa sổ, tiếng băng rạn vỡ. Và, ngoài rừng gió vẫn thổi mạnh. Những đám tuyết cuồn cuộn, trắng xóa bay trên nóc rừng biên giới. Trên vạt trống bên nhà, nơi mùa xuân là cỏ biếc, gió xoáy tạo nên những vồng tuyết, trông tựa cặp vú trắng ngần, căng mẩy, mịn màng của những pho tượng nhan nhản khắp châu Âu. Mặt trời đỏ sậm, tà tà dâng lên, quét ánh sáng xuống mặt đất, bất ngờ nhuộm trên tuyết trắng một mầu hồng óng ánh, loang như sắc máu.
Tỉnh giấc lúc chín giờ sáng, cô khẽ cựa mình. Toàn thân đau ê ẩm. Tấm chăn tuột khỏi người. Trần truồng. Nhớp nhúa. Quyên không khóc, cô chẳng có một người thân bên mình để khóc. Cô nhìn sang đối diện. Hắn, gã, kẻ dẫn đường, kẻ hiếp cô đêm qua đang nằm trên ghế băng gỗ, chăn phủ ngang ngực, ngáy đều đều. Lò sưởi đã tắt, đầy lớp tro xốp như phấn tuyết có những vệt đen hoen ố. Quyên khép mắt. Giá bây giờ khóc được?
Anh ơi. Giờ anh đang ở đâu?
Mười sáu người đi trước cô và chồng. Họ nối theo nhau, im lặng xuyên qua những khu rừng trắng xóa tuyết băng. Gót chân trắng hồng của cô không chịu được chuyến đi dài ngày đã rộp bỏng, nước vàng vỡ ra từ chỗ phồng đã nửa tháng nay. Người ta dặn rằng, phải qua biên giới gần sáng, không để lại dấu vết. Bốn năm giờ quanh co trên những lối mòn, trước mắt họ hiện ra một con sông cạn. Từ đâu đó hai chiếc săm ô tô lớn được đem tới và bình hơi nén lập tức thổi căng săm. Lần lượt họ được kéo qua sông, băng nổi lều phều, để tới bờ bên kia. Quyên và hắn đi chuyến cuối cùng. Thực ra, trước đó có thể xếp cô đi với chồng, nhưng cái săm bỗng non hơi và hắn bảo cô quay lên bờ. Sao lại không phải là cô, và sao anh ấy không nhường cô đi trước? Tình huống đúng như một kịch bản định sẵn. ánh đèn bờ bên kia bỗng nhấp nháy và tốp người đã sang sông, cách cô có hơn năm chục mét, nhao nhác chạy dạt sang bên trái khu rừng. Cô thoáng nhìn thấy bóng chồng. Cô muốn anh nhẩy xuống sông quay lại? Polizei! Hắn quát nhẹ vào tai cô và nắm tay kéo thốc đi. Quyên cố ngoái đầu nhìn. Trong đêm tối, chỉ thấy những tảng băng bồng bềnh trôi. Đoàn người bên kia sông như có phép lạ, biến vào rừng đêm thăm thẳm. Và Quyên, trong bàn tay của kẻ dẫn đường thông thốc kéo, lôi ngược về con đường mòn cũ. Thực ra cô bắt đầu hơi sợ khi con đường cứ tít tắp đằng trước. Cô đã hỏi gã rằng, chúng ta đi đâu? Gã nói, phải quay lại thị xã. Thị xã, ở nơi đó, cô đã nhìn thấy qua ô cửa sổ nhiều người da trắng hồng, dân bản địa đi lại. Mình sẽ gào lên, sẽ kêu cứu nếu chuyện gì xấu xảy ra. Cô không thể ngờ rằng, họ cứ đi mãi và tới ngôi nhà hoang xung quanh chỉ toàn rừng và rừng.
*
Cô nằm cạnh bếp, trên chiếc giường xây bằng gạch mộc, mặt trên lát gỗ lấy hơi ấm từ lò sưởi. Cô là tù nhân không cần dây trói. Gã dẫn cô ra ngoài, để cô tự nhận thấy chạy trốn là vô ích. Những khu rừng ôn đới mọc bằng, đều như nhau, trắng tuyết như nhau, làm cô không thể nào nhận ra, đêm qua họ đi từ hướng nào tới?
Gã hỏi, sớm nay có nghe tiếng bọn sói tru không? Chúng đi từng đàn, đói lắm, nhất là trong mùa đông. Cô im lặng, gã không bịa! Đêm qua, quả thật cô có nghe thấy những tiếng tru dài, hoang dã, lạnh lẽo, xa lắc trong rừng. Nhìn ra tứ phía, tuyết trắng vẫn thông thốc cuốn, xóa sạch mọi dấu vết. Gã tỏ ra quá thành thạo nơi này. Gã đi một lát và trở về lôi từ đâu ra năm sáu tấm ván bắp, kéo trượt trên tuyết. Thong thả như người thợ mộc chuyên nghiệp, gã đóng chúng bên ngoài hai cửa sổ. Gã hùng hục xúc tuyết, đổ đầy ắp hai cái thùng gỗ lớn, xưa dùng đựng rượu... Quyên chợt hiểu, gã chưa có ý định buông tha cô.
Trưa đó, họ yên lặng ăn mì. Bụng rỗng đã hơn một ngày, có đói đi chăng nữa cô cũng không muốn ăn với gã. Nhưng phải ăn để lấy sức mà chạy trốn khỏi nơi hang hùm nọc rắn này. Cô nhắm mắt nuốt nửa bát mì không rau, không thịt, rồi uống cà phê gã đã cho tới ba bốn thìa đường. Ca cà fê chưa hết, gã lại tiến lại gần cô và lôi cô thốc lên cái sạp gỗ cạnh lò sưởi. Mọi việc diễn ra như bữa hôm qua, nhưng cô chẳng chống cự. Mắt nhắm, răng nghiến, cô nín thở vì muốn buồn nôn lắm mà không nôn được khi đôi môi hắn cứ áp chặt vào đôi môi cô.
Một giờ sau, như chưa có chuyện gì xảy ra, gã để mặc cô nằm úp mặt vào tường như chết, cho củi thêm vào lò, vui vẻ huýt sáo. Không cần biết cô nghe hay không, gã dặn cô sau chục phút nữa phải đóng cửa lò lại, cách cho củi và làm thế nào cho tàn tro rơi xuống. “Như vậy, lò không tắc nửa đêm!” Gã bảo. Xong, gã khép chiếc cửa gỗ nặng chịch và không quên đóng thanh gỗ chắn ngang cửa. “Tao đi tới chiều mai mới về. Nhẽ ra không cần đóng cửa, nhưng tao sợ em sẽ làm mồi cho chó”. Gã sốc cái thắt lưng có con dao dài, nói vọng vào nhà.
Im lặng tới ghê sợ, cô ngồi dậy nhìn quanh. Cô nhào khỏi sạp gỗ, vội lục tung hai phòng, mong tìm được vật cứng. Trong phòng nhỏ chứa đồ, thấy một chiếc tô vít ngắn. Tô vít quấn vào sợi giây. Cô giật mạnh. Theo cái tô vít bung ra là chiếc máy Video mà miệng ổ tra băng đã bợt hết sơn, trơ cả nhựa. Rất nhiều cuộn băng òa đổ theo. Cô nhặt một chiếc băng giơ lên ánh sáng. Tấm ảnh màu in hình rất rõ. Cô ném thẳng chiếc băng vào tường gỗ. Cú ném khá mạnh. Vỏ hộp băng vỡ tan, tấm ảnh bay xuống đất không hề rách. Tại nhà ngoài, cô tìm thêm được con dao thép trắng, loại mỏng mảnh dùng để cắt bánh mì.
Những tấm ván bắp rất dày, chắc bọc quanh nhà, liên kết với nhau như liền khối. Các cánh cửa đều chắc và rắn như thép, không hề suy chuyển, dẫu cô đã hết sức lay, đập, lắc, chọc, cứa. Quyên ơi, mày thực sự chết rồi! Cô ngồi bịch xuống đất, bất lực! Cô òa khóc, nức nở. Lát sau, chừng đã khóc thỏa thuê, cô đổ người trên nền gỗ, rũ im như một xác chết.
Một ngày trong tù dài lắm! Quá trưa, cô chỉ ăn một gói mì. Mì không rau, đắng. Có lẽ tới bẩy tám giờ tối, cô ngồi đóng đá rất lâu bên cửa sổ nhỏ, nơi còn chừa một khe hẹp duy nhất có thể nhìn ra ngoài. Tuyết bớt rơi. Trăng non. Mặt tuyết sáng bạc, ánh lạnh. Những đám tuyết quá dày, trĩu nặng trên các cành thông, thi thoảng lại đổ sập xuống mặt đất. Nghe rõ thấy tiếng rào rào. Đêm khuya, cô nghe thấy nhiều tiếng động lạ quanh những bức tường gỗ. Vài tiếng tru, khi gần, khi xa, khi mơ hồ vọng về lúc gần sáng. Cô rùng mình, co rúm trong tấm chăn mỏng mà gã đã ném lên đệm trước khi gã ra đi.
Tận chiều sẩm hôm sau gã mới trở lại. Trên lưng một bao khoác nặng. Gã hơi nhếch mép cười khi thấy cô ngồi bó gối bên cạnh lò sưởi rồi ném bao đồ xuống sàn. "Đêm qua sợ không? Sắp hộ các đồ ăn lên bàn bếp đi! Tao có mua đền em vài thứ vặt". Gã chỉ cái thùng thiếc mỏng, rỗng: “Cái này mang về cho em đun nước tắm”.
Quyên mở túi, xếp ra mặt bếp hơn hai chục cân thực phẩm tươi và khô các loại. Vài chục gói mì, gạo. Những thỏi xúc xích, mấy tảng thịt lợn hun khói có lớp bì, mỡ trắng, bọc trong ni lon; cả thịt bò và một con thỏ tươi đã lột hết da. Muối, đường, mì chính, xà phòng bọc trong hai cái khăn tắm rộng… Dưới đáy túi, cô bất ngờ tìm thấy hai lố xi líp, xu chiêng, loại sáu chiếc một, ghim bằng miếng bìa nhỏ. Lại một hộp kem thoa mặt và bộ cắt móng tay mà ngoài hộp có hình cô gái tóc vàng sóng, rất đẹp đang như tủm tỉm cười với cô. Cô rùng mình! Quyên ơi, mày cũng đẹp mà sao khốn nạn thế?
Gã im lặng xem cô soạn đồ và thong thả nhâm nhi cốc rượu whisky vàng sậm. "Tuyết dày lắm, không đi nhanh hơn được. Bọn chó bên kia thanh toán còn thiếu tiền. Mua có dăm thứ vớ vẩn ấy, tao phải đi ba bốn nơi. Gần ba trăm cây, đường trơn quá, mấy lần xe cứ trượt trên băng và xoay ngoang. Em có sốt ruột không?".
Quyên không trả lời. Em có sốt ruột không? Có khi nào cô mong con thú ấy trở về mau chóng? Mà gã xưng hô kì lạ thực, tao và em. Lần đầu tiên trong đời, cô nghe thấy một cách xưng hô nửa nạc, nửa mỡ như vậy.
Hai tháng trời trôi qua. Những ngày sau cái buổi đầu tiên ấy, cô buộc quen dần với sự thỏa mãn của gã. Mỗi bận đòi, gã không câm lặng như trước: “Cho tôi yêu nào!” Yêu nào! Sau câu nói trơ trẽn ấy của gã, Quyên thấy mình vô duyên thế, nhưng cô phải ngoan ngoãn, ngoan ngoãn tự nằm lên tấm đệm mỏng đặt trên kệ sát bếp.
Trong trường Đại học Nhân văn, khi còn là sinh viên Quyên nổi tiếng là người vừa đẹp vừa thông minh. Thông minh, theo cô chẳng là cái gì ghê gớm lắm, chỉ là biết xử lý nhanh và đúng thông tin mà thôi. Vào hoàn cảnh này, ngoan ngoãn, đó là cách tốt nhất để rất nhanh chóng kết thúc một trò chơi bắt buộc. Nhưng, không bao giờ cô yêu gã! Thường là, cô nhắm mắt, mặc kệ gã vầy vò thân hình. Cũng có khi cô chẳng nhắm mắt, thao láo nhìn lên trần nhà, hai tay buông xuôi, cố nghĩ tới những chuyện vu vơ khác. Cô chống lại tất cả, kể cả sự tự nhiên của tạo hóa, khi những gì, ngoài ý thức, trong cô bị gã đánh thức. Điều đó xảy ra thường là ở cuối cuộc, khi đã quen thuộc gã từng xen ti met. Cô nghiến răng, tưởng vỡ tan cả hàm răng trắng, đều tăm tắp và phát hiện ra rằng, cũng chả ăn thua gì! Rồi cô chợt nghĩ ra, như một phát kiến mới, rằng tự cô phải tự cấu rứt thịt vào vế đùi non mình. Những móng tay sắc bấm, cào mạnh vào da thịt non, tóe cả máu. Chỗ cấu ấy sau này để lại hai vết sẹo mà chỉ cô, chỉ cô thôi mới hiểu nổi vì sao?
Tháng thứ ba, khi tuyết ngừng rơi và mưa rỉ rả, gã dẫn cô đi khắp những khu rừng quanh đó, rồi bảo, em có thể ra ngoài nhưng chỉ trong những khu vực này. Rừng Châu Âu, nơi ấy chỉ dăm bẩy loài cây; đa phần là thông, sồi, bồ đề và dẻ. Lá mục có nơi dày tới nửa mét, nom thì phẳng thế mà khó đi lại quá. Có một lần gã bảo có việc đi ba ngày. Quyên ra khỏi nhà, đi luẩn quẩn thế nào rồi lại quành về khu rừng cũ. Thử sức vào sớm hôm sau, định lại hướng, cô gặp một vách đá cao ngất không thể vượt qua được. Gã nói đúng, họa chăng chỉ có mọc cánh, “Nếu như không sống đủ năm tháng với rừng, chuyển thuốc lá lậu, đưa người…” Những con thú đánh dấu đường bằng hơi, bằng nước tiểu, bằng hương xạ, gã và những kẻ tương tự như gã mới có thể đùa chơi với rừng hoang không cần lối mòn, không cần đánh dấu. Sau này gã giải thích: “Những kẻ bị đẩy vào rừng, lại hiểu rừng, sẽ tự tìm thấy đường”.
Rằm tháng ấy, cô giật mình sau khi đếm những vạch khắc trên cột gỗ và tự khẳng định mình đã có thai. Suốt đêm cô lo sợ, trằn trọc. Cô sợ hãi điều ấy hơn cả những tiếng tru từng đêm vẫn vọng về. Không thể như vậy! Mình nào có yêu mà lại như vậy? Cô sẽ ăn nói với chồng cô, mẹ cô và gia đình cô sau này ra sao? Cô khóc, vật vã, cấu xé mình, thậm chí vỗ bồm bộp vào bụng. Chẳng có gì xảy ra sau đó.
Cái thai trong cô gan lì, ngày lại ngày có những dấu hiệu phát triển mạnh mẽ.
Tháng tư đến, những cánh rừng Châu Âu mới đẹp làm sao. Tuyết băng tan đi. Mưa, rồi gió mươn man thổi, mặt đất lộ ra những trảng cỏ, để sau vài ngày nhiều thảm xanh, biếc thẳm trải ra dưới nắng vàng trong suốt, không một hạt bụi. Các loài hoa dại bắt đầu đua nhau mọc, tạo nên nhiều mảng mầu đủ loại phơn phớt trên nền xanh. Những vạt hoa vàng rực, chẳng biết tên, tựa như loài mai cô đã từng nhìn thấy ở phương Nam quê hương, bên các bìa rừng chói chang nở. Cái bụng cô cũng vụt cao lên và ngày lại ngày, cô cảm thấy rất rõ, một sinh linh đang lớn dần, cụng cựa trong đó. Nó cũng là con người duy nhất để Quyên có thể trò chuyện, suy tư trong hoang lạnh mỗi khi gã chợt đi, mất tiêu trong những khu rừng.
Quyên, mày là đứa khốn nạn! Bên bờ suối nước trong vắt, lặng, sáng như gương, có một lần cô tự vả vào hai bên má của mình, khi cô thấy khuôn mặt mình có già dặn thêm tí chút, nhưng rực rỡ hơn. Khỉ thế đấy, khí hậu châu Âu, tiết lạnh vốn hợp với dung nhan phụ nữ. Lại có bữa, sau vài bận trên chòi cao cô đứng mãi, suốt cả những buổi chiều, cô tự nhủ: “Con Quyên hư đốn”. Cô căm thù gã, cô muốn giết gã mà chưa được, nhưng thời gian làm cho cô thân thuộc gã về mọi chi tiết, từ giọng nói tới cử chỉ, thân xác và điều chính là cô sợ hãi. Cô hoàn toàn không chịu được cảnh một mình cô độc trong khu rừng. Không thể nói ra, cô căm ghét chính cô, nhưng như một phản xạ, cô vẫn cứ lên đứng trên chòi cao ngóng bóng dáng gã hiện ra từ một bìa rừng nào đó tiến lại ngôi nhà. Có một lần, cô thấy gã đúng như tưởng tượng, cô vội chạy xuống chòi trở vào căn nhà, và tim cô đập rất nhanh…
Cô tự biết, cô không phải loại người đầy năng lực nhục dục. Cô cũng tuyệt nhiên không yêu gã. Nhưng một lần nữa, sau hơn tuần vắng mặt, cô mong hắn về cồn cào và đêm ấy, bằng sức mạnh man dại của một thằng đực, gã đẩy cô tới tình trạng cực khoái một cách mê muội mà cô chưa khi nào thấy, để cô muốn bấu chặt lấy hai vai gã mà cấu cào vào những bắp thịt căng cứng như được bơm khí. May mà cô cố kìm hãm, nhớ ra và thay vì vậy cô cào mạnh xuống đệm giường. Chỗ cào ấy làm rách một đoạn ráp. Toàn bộ những diễn biến này, chúng vô tình thành một sự giằng xé trong tâm hồn cô, cho cô tăng thêm sự đau khổ tới khôn cùng, mỗi khi cô nhớ về sự lạnh lùng, trớ trêu của tạo hóa, của một hoàn cảnh cô không bao giờ mong chờ, thậm chí tưởng tượng ra, lại gặp phải.
Có một lần, gã không yêu như mọi lần. Trời đất xui khiến thế nào, sau khi cô cởi hết áo quần, gã cứ ngồi yên ngắm cô. Nghiêng mình, cô muốn tránh cái nhìn như xuyên xuốt thân thể. Bỗng gã chồm lên. “Em đã có thai?… Tao hỏi nghe thấy không?” Lúc Quyên nghiêng mình, lộ ra cái vồng nhu nhú không bình thường mà trước đó đã bao lần hắn xoa bàn tay thô chắc, mãn nguyện lên vùng bụng phẳng căng, mềm mại, “mát dịu như mỡ đông”.
Phải, gã là kẻ biết chiêm ngưỡng, không chỉ dừng lại ở thuộc tính bản năng của con đực. Chính gã từng thốt lên với mấy thằng bạn trong một bữa rượu bên kia biên giới:
- Chúng mày chỉ nhìn đàn bà qua khuôn mặt thôi. Biết đéo gì! Chưa thấy một đứa nào đẹp như em. Mặt, mũi, chân, tay... ối trời ơi, mắt là mắt, da ơi là da. Tuốt tuồn tuột... chỉ muốn vỡ vụn hết mẹ cả đi, ngấm ngay vào em hoặc ngược lại, em thấm vào tao. Tóc đen, mát! Bụng, ngực cũng mát và, bọn mày biết không, ở dưới đó một vùng mươn mướt, mượt đen xanh tốt bời bời!
Quyên im lặng. Cô không trả lời gã. Không hiểu sao, câu hỏi “Em đã có thai?” làm cô trào lên một niềm căm thù gã khôn tả. Cô bất ngờ vùng dậy nắm lấy con dao bếp và lao vào gã. Lưỡi dao thép trắng rất bén nhưng mảnh, yếu và cô không thể nhanh hơn con người đã từng tự nhận là Con hổ của Taiga từ những ngày lang bạt ở Nga. Gã nhanh hơn cả sóc, phắt tóm gọn bàn tay cô, bấm nhẹ. Lưỡi dao rơi xuống đất. Cô sợ hãi lùi sát tường, hai tay quờ quạng hai bên tường như thể tìm vật gì có thể mang lại cho cô sức mạnh. Nhưng cô không thể ngờ gã chẳng đánh cô một cái bạt tai như cô tưởng. Gã bất ngờ ôm lấy hai vai cô, nhẹ nhàng nắm lấy đôi bàn tay của cô áp vào đôi môi gã.
Lần đầu tiên trong suốt thời gian biết gã, Quyên thấy đôi mắt sắc lạnh ánh vui và dịu đi những tia sáng mà cô căm ghét.
*
Quyên thực sự không thể hiểu được dạng người kiểu gã. Có một bí mật nào đó mà cô không thể giải mã để cô từ đó có thể thuyết phục gã, nhằm giải thoát cho chính mình. Đêm qua gã nhẹ nhàng với cô lắm, thế mà sớm hôm sau, gã lại trở về vẻ lạnh lùng, từ chối mọi đề nghị của cô. Gã bảo, tao không phải là trẻ con! Gã nói, trên đời này, lòng tin không có tiền bạc nào có thể đổi được, nhưng nếu chưa qua nhiều thử thách, chưa trực tiếp nhận ra thì người ta không nên vội vã. Gã giãi bày, gã đi một tuần vì công việc kiếm ăn không thể trì hoãn được, dù: "Thú thật, bây giờ tao muốn nằm trên nệm, xoa bụng em và áp tai vào đó suốt ngày lẫn đêm". Quả thực như vậy. Hơn hai tháng sau đó, có một đêm gã chợt reo lên thích thú, mắt như sáng lên trong đêm và bảo rằng, em có nghe thấy tiếng tim đập trong bụng em không? Trời ơi gã là đứa chả hiểu gì. Tại sao cô lại không nghe tiếng động của thai nhi mà bất kì người phụ nữ nào đang mang thai, chả cần tai cũng nghe thấy. Những ngày vắng gã, những đêm trắng lạnh, Quyên vẫn nghe tiếng nói của một sinh linh đấy thôi. Cô nghe bằng các huyết quản li ti của cô, nghe bằng chính bàn tay cô, bằng quyền năng mà thượng đế chỉ dành cho đàn bà. Cô nghe tiếng đập, cú đạp, cảm được hình như nó ngủ và thức… Cũng sau đó ngay trong Quyên, xuất hiện hai tình cảm đan chen, giằng xé, vừa thương vừa ghét.
Cũng từ khi phát hiện ra tiếng đập rõ ràng ấy, gã không có các chuyến đi dài ngày nữa. Mỗi ngày xa Quyên, gã tuyên bố, sẽ sắp xếp để mau về với con. Từng đêm gã thích thú áp tai vào bụng cô nghe tiếng tim thai. Hai bàn tay gã bấu vào bụng Quyên, thường là gã nhắm mắt. Khuôn mặt khi ấy của gã chợt thơ ngây, hiền dại như đứa trẻ. Quyên nghĩ thế. Gã mang về nhiều loại thuốc, nói là thuốc bổ sung chất bổ cho đứa con còn chưa biết hình hài. Quyên xem, bảo, một dạng vitamin! Gã cười, không phải, vi lượng! Đêm ấy lần đầu tiên Quyên thấy, không hiểu vì sao, gã có vẻ buồn. Gã uống gần một phần ba chai rượu Polan có sợi cỏ mảnh mai bên trong. Gã nói chuyện với cô tự nhiên như với một người bạn thân nào đó, thao thao nói về vi lượng. Gã giải thích cho cô biết vì sao vải thiều trồng ở Thanh Hà ngon vậy, hạt nhỏ vậy mà sang ở nơi đất khác lại chua loét, hạt to ra. Hắn làm cô cũng nhớ nôn nao các đặc sản ở quê hương khi gã nhắc tới bưởi Đoan Hùng, nhãn lồng Hưng Yên. Xem ra đêm ấy, gã không phải là một kẻ khốn nạn, gã hóa thân thành một người nào đó xa lạ vô cùng với con người hiện tại của gã. Một đêm, gã chiều chuộng cô ra mặt. Gã tự tay nấu món thịt lợn nạc ướp hạt mùi làm món giả thịt gấu cho cô ăn. Gã đun nuớc tắm và pha xà phòng sữa nở bọt trắng xóa. Khi cô tắm, gã cứ nằng nặc đòi kì lưng cho cô nữa. Thôi thây kệ! Khi đi nằm, gã nghiêm cẩn như cây gỗ cạnh Quyên, không hề quấy nhiễu và trằn trọc tới sáng thì phải.
Ba ngày sau, khi gã ngồi bên cô, nhìn ra ngoài trời và hỏi, tại sao hai vợ chồng cô lại sang đây? Cô im lặng. Gã thủng thẳng nói, mỗi năm tôi đưa hàng mấy trăm người qua đây. Đủ các loại người. Hầu như tất cả đều vì miếng ăn, vì muốn có nhiều tiền mà rời bỏ quê nhà chạy sang đây... Gã bảo, cực chẳng đã phải ra đi như gã. Nếu gã có vài ngàn đô như vợ chồng cô, chẳng bao giờ đi ra nước ngoài làm gì. Nếu đi là đi chơi, đi như một du khách. Và đời gã sẽ chẳng xuất khẩu, chẳng đưa đường…Gã phản đối cô rằng, chẳng phải riêng cô đang bị cầm tù. Gã và nhiều người khác cũng đang bị tù. "Lúc mới đi tây, người ta ham hố, thích thú lắm. Càng sống lâu, khi mọi vật chất trở nên nhàm, mới thấy con người cần nhiều thứ khác ngoài vật chất. Phải, giá như có tiền, tôi ở Việt Nam với mẹ và em trai tôi…". Gã cười gằn trong đêm: "Em nghĩ xem, tôi trấn ngự khu này với ba bốn người nữa, đưa người vượt biên, chuyển thuốc lậu, tiền lậu… chỉ để có tiền. Chui lủi trong rừng, ba năm rồi, năm thì mười họa bọn tôi mới về thành phố để đập phá, đánh bạc và chơi điếm. Cũng chả có tình cảm gì cả. Có tháng tuyết băng nhiều, nằm mãi trong rừng xem phim sex, thủ dâm. Cuộc đời chó má!". Gã tự bộc bạch chả che chắn gì, làm Quyên chợt nhớ tới đống băng sex và cái đầu đọc băng đã mòn trơ cả nhựa mà cô tìm thấy trong phòng nhỏ hôm nào. Quyên buột miệng hỏi, sao không tìm người nào mà yêu? Gã cười nhạo, tình yêu ư? Đấy là một khái niệm phù phiếm nhất trên đời. "Em chưa biết gì cuộc sống cả đâu!". Gã nói tiếp, con người ta, chó cùng dứt dậu. Con người có sức mạnh nhiều khi không tưởng được. Đã có lần gã vọt qua một con hào tới hơn bốn mét khi bị cảnh sát truy đuổi. Giỏi thế! Thật không? Cô khen gã. Không giỏi giang gì. Bản năng mà. Bản năng con người ghê gớm lắm. Gã thản nhiên nói như một nhà hiền triết.
Bản năng! Quyên âm thầm suy nghĩ trong đêm. Gã có lý. Những kẻ như gã, bị đẩy vào những hoàn cảnh nghiệt ngã, không xóm giềng, không dư luận; để tồn tại, phải mãnh liệt, huy động hết những sức mạnh tiềm ẩn, thành ngọn lửa ghê gớm, có thể thiêu hủy tất cả, cả chính họ…Còn cô, cô chống lại sức mạnh ấy, một cuộc đối đầu tồi tệ, tủi hờn làm sao?
Một ngày mưa rất lớn. Nhìn ra ngoài trời, mây đen nặng chịch bay rất thấp dội nuớc rào rào, tạo thành trên mặt rừng những con suối nhỏ đen xám, ngầu bọt. Tám giờ tối hay chín giờ gì đó, gã trở về. Cánh cửa vừa bật ra, gã đã đổ sập xuống sàn gỗ. Toàn thân gã như bốc khói. Hôi, bẩn thỉu và sũng nước. Suốt đêm gã đòi hết lấy đá chườm lên trán lại đến đốt lửa lò thật nhiều. Có lúc gã rên rỉ và gần sáng ngồi dậy, tự đập đầu đôm đốp vào tường gỗ. Gã kêu đau đầu dữ dội. Gã cảm. Quyên đoán vậy. Quyên đặt bàn tay lên trán kẻ thù của cô. Như một hòn than nóng, mồ hôi đầm đìa trên cổ, trong cả hốc mắt. Không hiểu sao, Quyên chợt nhớ tới mẹ. Có một lần, lâu lắm, anh trai cô cũng bị cảm. Vâng, hôm đó mẹ cuống lên, Quyên cũng cuống lên…
Con người thật đôi khi buồn cười. Cô lấy nước lạnh chườm lên trán gã, lau toàn bộ người gã, cho gã uống với hai viên thuốc cảm Quyên tìm thấy giữa đống tiền xu bẩn thỉu. Chữa bậy bạ như vậy mà sáng ra gã đỡ vật vã. Tới trưa thì phải, gã ngủ thiếp, cái đầu gối trên đùi cô, sực lên mùi mồ hôi đặc trưng của riêng gã. Mùi mồ hôi ấy, cô chẳng có cảm giác ghê sợ, bởi tám tháng nay đã trở thành quen thuộc.
Con người đầy sức mạnh, tưởng không thể nào gục ngã như gã, không ngờ một trận cảm có thể biến thành rải khoai như thế. Nửa đêm sau, gã kêu khát, rồi lại nhỏm dậy, lẩy bẩy tự mình tới bên thùng gỗ đựng nước. Quyên nhìn thấy gã vừa uống nước vừa thở, tay vịn vào cái miệng thùng. Chỉ như vậy mà cô chợt thấy lòng chẳng yên.
Gã loạng choạng quay về sạp nằm. Quyên muốn tới dìu gã. Gã gạt tay cô ra, gắng bước, rồi đổ vật xuống sàn. “Em tốt lắm. Em giống mẹ tôi quá.” Gã yếu ớt nói và xoay mình quay mặt vào tường. Gã thiếp đi tới tận trưa hôm sau.
Quyên không thể tự giải thích vì sao cô có thể còn thương xót loại người như gã. Cô nấu cháo. Đun nước gừng, đánh cảm cho gã bằng chiếc thìa lớn và nói như mẹ cô hôm nào bắt cô uống bát nước gừng thật nóng: “Uống đi, vừa thổi vừa uống. Uống thật nóng, sẽ đuổi hết cái cảm!". Gã ngoan ngoãn ngồi dậy, dựa lưng vào tường gỗ, uống bát nước cay sè, nóng rẫy.
Thế mà trước đó một ngày, trong đêm tối, khi gã thiếp đi trong mệt mỏi, Quyên đã có lúc cầm lấy con dao bếp dấu sau lưng tới sát bên gã. Nhưng khi nhìn khuôn mặt của người đàn ông đang ngủ, cái miệng như hơi mỉm cười làm cô không còn sức mạnh để thực hiện ý nghĩ táo bạo. Con dao bếp từ tay cô rơi xuống sàn gỗ phát lên tiếng khô đục. Tiếng động làm gã bừng tỉnh. Thấy người đàn bà vẫn thức bên mình, gã cười méo mó, áp đầu sát vào ngực cô.
Có thế thôi mà Quyên khóc. Đôi mắt Quyên trong đêm thăm thẳm, đen huyền, giờ ứa tràn nước mắt.
Gã trằn trọc.
Tôi biết em chẳng bao giờ yêu tôi cả. Tôi chiếm đoạt hết thân xác em và thỏa mãn tới cùng cực mọi thèm khát, nhưng tôi biết em chưa khi nào yêu tôi. Đó cũng sự cân bằng, sự trả giá, bởi vì chúng ta gặp nhau, tôi đã chiếm đoạt thân xác mà không có tình yêu…Nói toạc ra là trước đây, tôi cũng chẳng yêu em. Yêu là cái cục cứt. Tôi chẳng giấu gì em cả. Tôi đã một lần có vợ. Vợ tôi đẹp gần bằng em. Chúng tôi yêu nhau. Cô ấy là diễn viên múa thuộc đoàn văn công X. Chúng tôi có một căn nhà cấp bốn xập xệ ngoại thành Hà Nội. Còn tôi, khi ấy tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp xong được phân công về Bộ, trong bộ phận Nghiên cứu phát triển rừng đầu nguồn. Suốt một thời, tôi cho rằng cô ấy là người đàn bà đẹp nhất trên đời theo cả hai nghĩa. Nói thực, thân hình vợ tôi tuyệt lắm. Tôi muốn có một đứa con, nhưng cô ấy chưa muốn. Cô ấy nói, nghề của em chủ yếu trông vào thể hình. Bây giờ còn múa được, có con thì ai dùng, lấy gì mà ăn. Cô ấy có lí, có một diễn viên cùng đoàn, có con vào trông như bà phán. Múa không cần bà Phán! Mà tôi thì chưa nuôi được vợ. Nhưng rồi năm sáu năm trôi đi, cô ấy cũng chẳng khá hơn trong nghề nghiệp tí nào. Vợ chồng vẫn cứ hai cái bếp dầu, một cái giường phân phối và hai cái quạt nhỏ. Bát đĩa cái sứt, cái mẻ cũng cứ dùng. Tôi luôn xê dịch, công tác liên miên nên chẳng khi nào đưa vợ được một xu. Cô ấy nạo thai tới bốn năm lần trong hai năm. Lần cuối cùng, một sự cố kĩ thuật, cô ấy vĩnh viễn không bao giờ được làm mẹ. Tất nhiên dầu biết vậy, tôi chưa khi nào hao giảm tình yêu với vợ. Chỉ đôi khi nghĩ lại oán thán cái vô dụng của chính mình. Năm ấy đoàn đi biểu diễn ở Tây Nguyên, biên giới, hải đảo. Ba tháng sau về, cô ấy lăn ra ốm hơn hai tháng. Tưởng chết. Khi ấy thương vợ lắm mà chẳng tìm cách nào thoát ra được. Lúng túng vô cùng.
Thời gian ấy, người ta ào ạt tổ chức các đợt xuất khẩu lao động. Đoàn văn công của cô ấy có hai suất. Bàn đi tính lại, tôi để cô ấy đi... Làm thằng đàn ông, không nuôi nổi mình, phải để vợ đi xa kiếm tiền là sự hèn hạ, kém cỏi không thể tha thứ. Sau này khi đã đổ vỡ hết cả, tôi tự trách mình. Xa nhau sáu tháng, tôi trống trếnh vô cùng. Tôi ăn uống vạ vật. Bạ đâu ăn đó, rộc rệch hẳn đi. Những chuyến công tác dài ngày trên rừng còn có anh em lâm trường, anh em các xã vùng núi, vui vui một chút, vật chất ăn uống có khi đỡ hơn là sống tại nhà mình ở Hà Nội.
Tôi nói thêm cho em biết rằng, công việc của tôi rất thú vị. Có thể chính vì nó mà đôi khi tạm quên đi nỗi buồn mình chẳng bao giờ có một đứa con. Thường sống với rừng, những khu rừng nguyên sinh đầu nguồn với bao bí mật mà khi nghiên cứu đầy hấp dẫn tới ma quái. Nhưng người ta không thể uống nước lã để yêu. Dù yêu vợ hay yêu rừng.
Yêu! Người ta nói về sự cặp bồ yêu đương lung tung trong những đội quân xuất khẩu làm tôi như ngồi trên chậu lửa. Hơn tháng sau, những lá thư nồng nàn thương nhớ của cô ấy bay về làm tôi cũng yên lòng đôi chút. Tôi nhớ vợ, từng đêm nhớ những lần ân ái, nhớ mùi tóc, mùi nách, mùi miệng… bao nhiêu năm đã quen hơi bén tiếng rồi. Cuối mùa đông năm ấy, cơ quan tôi cũng có hơn chục suất đi Nga. Tôi vón vén toàn bộ những gì cô ấy gửi về, bán cả xe đạp, hai cái quạt nhỏ, tất cả được hơn hai chỉ đút lót bằng được tay nhân sự trên phòng lao động và nhận một suất sang Nga. Tôi liên lạc với vợ gấp mà chắc cô ấy không nhận được tin. Rồi tôi sang Nga. Hơn một tháng làm quen, tôi vẫn khó quen với cái lạnh khắc nghiệt trong những khu rừng Taiga, nhưng phải chịu vậy thôi. Bù lại, cuộc sống vật chất hơn hẳn ở nhà, ăn uống thừa thãi và làm việc cũng cật lực. Tôi ở một đội thuộc một lâm trường khai thác gỗ, đúng với cái nghề của tôi. Chỉ khác là xưa kia mình chỉ đạo công nhân, còn bây giờ chính mình làm những việc đã hướng dẫn họ. Mà còn tồi hơn là thế khi mỗi người công nhân khai thác được khoán tới hơn mười khối gỗ một ngày.
Gã nhỏm dậy châm một điếu thuốc, rít sáng lên trong đêm tối. Gã nhớ lại, cảm như trong bóng tối thấy rõ toa tầu năm ấy, lần đầu tiên gã tới thăm vợ. Cách nhau cả hơn ngàn cây số, bao nhiêu thương nhớ tạo nên sự tưởng tượng của gã về đêm đầu tiên trên xứ người của tình vợ chồng. (…). Cuộc gặp của chúng tôi trong ngày đầu tiên mang lại cho tôi hạnh phúc, niềm khao khát bao lâu được thỏa mãn. Tôi lao sầm vào vợ, không thèm khóa trái cửa. Căn phòng mà hai người nữ khác cùng ở đã sơ tán, có cái gường cũng đủ rộng. Tôi ôm chặt lấy vợ, bấu vào cô ấy, tôi muốn tan ra, hòa vào nhau. Tất nhiên vợ tôi cũng đáp lại tình cảm của tôi, hoan hỉ. Tôi không hề biết rằng, những biểu hiện của tình yêu, tình dục thường lấn lướt, trộn lẫn không thể phân biệt được. Tôi sẽ ở lại đấy thêm một hôm, quá sang ngày thứ hai, chấp nhận khi trở về đội sẽ bị trừ lương một ngày và tiền thưởng quý.
Gã lại hút thuốc. Đôi mắt gã trong đêm tối, mỗi khi điếu thuốc đỏ cháy cũng ánh lên những tia sáng hồng man dại. Gã bất ngờ dụi điếu thuốc một cách dữ dằn trên chiếc đĩa nhỏ. Trong đầu gã hiện ra mồn một cái buổi chiều dài dằng dặc chờ vợ đi làm ca hai. Gã lang thang quanh khu nhà ở cũng chẳng rộng lắm. Nước Nga bao la, lạnh bao la tuyết trắng. Gã mò vào một quán rượu và giết thì giờ ở đó với những vại Kờ vát màu đen có vị hơi chua và vài li Vốt va thơm phức. Mười giờ kém năm phút, gã ngừng uống và trả tiền nhanh chóng rồi quay lại khu lao động Việt Nam. Mười giờ đêm, dọc hành lang loáng thoáng đám công nhân đi ca ba và từ nhà máy hết ca 2 trở về. Gã uống hơi quá nên thấy lạnh bèn kéo cổ áo rét cao lên che mặt. Bỗng gã khựng lại nghe tiếng ai quen thế trong bóng tối ở góc cầu thang tầng trệt. Vợ gã? Giọng vợ gã? Những kẻ yêu nhau có thể thính hơn chó? Đúng là tiếng vợ gã, dù rất nhỏ trong góc cầu thang hẹp. Gã căng mắt ra nhìn. Trời ơi, vợ gã.
Cô ấy! Rõ ràng là vợ hắn đang ngửa mặt lên đón nhận nụ hôn của một người đàn ông áo lông khoác ngắn to xù màu xám.
Ngay khi đó tôi giận lắm. Mãi về sau này, sống lâu hơn ở Nga, tôi mới biết là cái việc tất nhiên đến nó sẽ đến. Những người đàn bà ra đi xứ người kiếm ăn gửi tiền về cho chồng con, đa số đều phải gá vào ai đó mà sống, mà kiếm hàng, mà mua bán đổi chác lấy hàng hóa bán được giá ở Việt Nam gửi về nhà. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén.” Dù yêu chồng con thế nào đi nữa, thì tình yêu, một thực thể tinh thần như một cơ thể sống, ở một vùng đất khác, thêm chất vi lượng khác, đã mọc chồi mới thay thế những ngày hôm qua và ra hoa kết trái khác.
Tôi đã nện cho thằng cha ấy một cú trời giáng. Bất biết kẻ đó sống chết ra sao. Quay lại, tôi tóm nhanh lấy vợ tôi. Cô ấy lùi. Lùi sát vào góc cầu thang tối. Tôi bạt tai vợ mấy cái liền. Thế là chấm dứt. Tôi chạy lên gác như một thằng điên và thu xếp khăn gói, lao ra nhà ga về Mát rồi quay lại đội.
- Anh còn gặp lại chị ấy không?
- Không!
- Anh phũ phàng quá.
- Phũ phàng - Gã nhếch mép cười - Người đàn bà tôi yêu đã phản bội.
Cô ta ích kỉ hay thời buổi khó khăn làm cô ấy không muốn có con và tôi hay cô ta có lỗi. Hay cô ta hoàn toàn vô sinh đã chán cả tôi nữa. Hay cuộc sống nơi xứ người này đã gắn kết cô ấy vào một tâm hồn mới? Tôi phũ phàng chó gì. Tôi giấu kín sự đau khổ ấy suốt thời gian sau đó lang bạt làm ăn, mang mối hờn căm không bao giờ nguôi với cái khốn nạn vì tôi nghèo, vì không có tiền và cũng chính vì tiền mà tôi đã mất cô ấy.
Khi ấy tôi chỉ có lòng căm thù. Nhưng không thể tha thứ. Tôi là người yêu vợ, thương vợ. Sau này cũng đôi khi nhớ lại, buồn và thù ghét. Cũng không hẳn là hoàn toàn căm thù cô ta. Bởi có hai người trong cô ấy, một người vợ thương yêu hết mực, say đắm và nồng nàn, một con người phản bội, lừa dối. Vả lại ngay khi tôi quay lại Mát thì châu Âu biến động. Nước Đức thống nhất và bao điều xảy ra trong nước Nga bấy giờ. Hàng loạt đội Việt Nam tan rã. Tôi nghe nói, hình như nó, cùng thằng cha bây giờ chẳng thèm nhớ mặt, biến vào xó xỉnh nào không rõ. Nước Nga mênh mông thực… Tan rã và phiêu bạt, đấy là số kiếp dành cho chúng tôi.
Tôi không thể về đội cũ với tiền lương không bao giờ có cơ hội giầu có được. Tôi ở lại Mát và nhập vào đám “bộ đội”. Tôi làm đủ mọi nghề để sống. Bất kể gì sinh ra tiền. Tôi gửi về ít tiền cho em trai và mẹ. Vài lần.
Gã lại hút thuốc. Cái đựng tàn đầy những đầu mẩu quăn chùn nom bẩn thỉu. Gã nhớ lại những ngày trôi nổi, khi tiền như nước chảy vào túi và lại ào ào mất đi. Gã nhớ tới cái bữa mồ hôi nhễ nhại giải phóng năm sáu xe hàng, vừa quệt mồ hôi ngẩng lên thì gặp lại khuôn mặt quen thuộc ngày nào. Người vợ của gã không hề biết cái thằng bốc vác quần áo lấm lem bẩn thỉu giữa đống hàng ngồn ngộn kia lại là gã. Mùi nước hoa Chanel 5 theo gió bay quẩn theo gió thốc vào gã, bay theo bước chân của một người đàn bà nom sang trọng đi sóng đôi bên một đại gia chuyên đánh hàng xuyên lục địa giá trị hàng triệu USD, mà chính gã là kẻ làm thuê thảm hại cho họ. Gã nhớ bữa rượu buồn thiu chẳng nói được lời nào với sự chán chường, cảm giác bị xúc phạm, nhục nhã… tới muốn tự tử về cuộc gặp trớ trêu của gã. Hôm sau người ta không thấy thằng bốc vác có sức khỏe kinh hồn có thể hất kiện hàng một tạ từ mặt đất lên vai một cách ngon lành nữa. Đấy là lý do gã trôi dạt, rồi tới tận biên giới Đức, và mạo hiểm tận nơi sơn thâm cùng cốc này, để kiếm thực nhiều tiền, thoát khỏi nỗi nhục không chỉ là cơm áo.
Buổi sớm hôm sau gã đi hai ngày. Nói vậy nhưng nửa đêm gã về. Khi ăn cơm, gã nhẩn nha nói với Quyên rằng cô không thể ở trong rừng được nữa. Gã sẽ đưa Quyên về thành phố. Người ta không thể sinh nở trong rừng như những sắc tộc ít người. Gã tỏ ra khá hiểu biết khi nói với cô rằng, đàn bà vượt cạn con so cực kỳ nguy hiểm. “Tôi xin chịu trách nhiệm toàn bộ về những điều xảy ra với em. Xin hãy tin tôi!”.
Tình huống không ngờ chuyển nhanh tới như vậy. Quyên sẽ thoát khỏi tay gã. Cô sắp được tự do. Cả ngày sau cô rơi vào trạng thái như người mộng du. Vậy là điều cô mơ ước, khát khao đã tới. Cô chợt nảy ra ý nghĩ, tại sao cô không đi sang bên kia biên giới tìm chồng. Liệu anh ấy có tha thứ cho cái thai này không? Không, anh ấy sẽ hiểu và chấp nhận một khi anh ấy biết cô chưa khi nào yêu gã, bố của cái thai nhi bất đắc dĩ. Cô phải đi tìm chồng. Cô không có một tình cảm với bất kỳ ai ngoài anh, ngoài chồng. Mọi sự đã xảy ra với cô chỉ là ác mộng.
Buổi tối, gã nằm bên cô, tay trái vòng qua đầu làm gối, tay phải đặt nhẹ lên bụng. Gã thủ thỉ:
- Tôi yêu em thực rồi. Cái thai này của tôi. Ngày còn ở Việt Nam, nghe người ta bảo những người chồng ghé vào bụng nghe được tiếng tim con mình, sướng lắm. Ngày xưa tôi ước như vậy với chính con người đã phản bội tôi, mà chẳng bao giờ được. Bây giờ tôi biết hạnh phúc của người đàn ông là có thật. Tôi muốn em làm vợ tôi, chúng ta làm lại từ đầu.
- Không - Quyên xoay người lại nhìn thẳng vào mắt gã.
- Em không ở đây được. Đứa trẻ sẽ làm khai sinh. Nó phải được sinh ra ở bệnh viện chứ không phải xó rừng này. Nó cần có một người bố. Tôi sẽ cưới em, tôi là bố đứa trẻ.
- Anh có yêu tôi thực không? Quyên nói.
Gã nhỏm dậy. Nhìn thẳng vào mắt Quyên: “Tôi yêu em. Yêu thực lòng”
- Anh hãy để tôi đi tìm chồng!
- Ai? Tìm ai? Gã nhỏm phắt dậy trợn mắt trong đêm tối.
Quyên muốn khóc. Nhưng cô không nên khóc bây giờ. Cô phải nói thực với gã. Sự chân thành cảm hóa được cả quỷ và thần, ngày nào khi còn ở Việt Nam một nhà văn quen biết mẹ cô đã từng có lần nói với như vậy. Cô tin ở điều đó. Con người này, gã, theo cô, hôm nay, trong đêm nay, không bị phần ác thú ngự trị.
- Anh hãy cho em sang Đức tìm chồng. Anh ấy rất yêu em. Chúng em quen nhau hơn ba năm và khi xa nhau, tuần nào anh cũng điện về. Thậm chí hai, ba ngày một lần, có khi chỉ để nói một câu ngắn. Anh đừng nghĩ, anh ấy vì cái thai này mà không còn yêu em nữa. Không một người đàn ông chân chính nào lại sỉ nhục vợ mình khi biết vợ mình bị cưỡng bức. Anh ấy học ở Nga, tiến sỹ, là trí thức. Anh hiểu không?
Gã bần thần suy nghĩ, thao thức. Người đàn bà này thực có một tình yêu và niềm tin ghê gớm với chồng. Gã cảm thấy ghen với cái thằng cha vớ vẩn nào đó đã bước chân xuống cái phao trước, để vợ ở lại đi chuyến sau. Nhưng rõ ràng, người có thân xác tuyệt vời để gã đam mê này có một lòng tin và tình yêu không như vợ gã và chính cả gã. Gã ước ao một người đàn bà như Quyên, nhưng không thể chiếm giữ được cô ấy, người đã có con với gã, con người tuyệt vời này. Không thể! Gã biết…
Quyên và gã tới đường biên vào lúc gần sáng. Tuyết lất phất rơi làm vật cản tầm nhìn suốt đêm. Theo gã, đây là thời cơ tốt nhất để vượt sang bên kia biên giới. Người Đức rất kỷ luật, nhưng ai mà chống lại giấc ngủ vào thời điểm đó được? “Có cố căng mắt ra thì khả năng quan sát cũng kém đi!” Gã nói vậy. Quyên lầm lũi bước theo gã. Gã luôn chờ cô, dáng điệu vẫn kiên quyết dù đôi mắt thăm thảm buồn. Ai chả buồn khi tiễn biệt! Quyên có buồn không? Đêm qua gần sáng, cô chợt nghĩ tới tám tháng trời ăn ở tại khu rừng này. Một ngày còn có nghĩa nữa là... Cô vừa giận vừa thương gã. Đêm qua gã đã quyết định đồng ý để cô đi tìm chồng. Rõ ràng gã đau khổ suốt hai ba ngày đêm, bởi đôi mắt không thể lừa dối, che giấu khi còn biết yêu. Quyên tin rằng gã đã yêu cô thực. Gã, người đàn ông đủ đen và trắng, khốn nạn lẫn tử tế. Gã, người bắt và hiếp cô, từng coi cô như vật nuôi. Rồi gã yêu cô và dù muốn sở hữu lại hứa sẽ tự thân dẫn cô qua biên giới để cô đi tìm chồng. Tại sao lại thế? Quyên không hiểu được. Quyên thực không cầm lòng được khi chiều qua, gã cùng cô dạo quanh căn nhà. Họ đạp trên những thảm lá khô xào xạc mà cơn gió đêm qua đã làm đám cây trút hết những chiếc lá cuối cùng, để rát lên mặt đất một lớp vàng rực rỡ dưới chân họ. Dường như gã muốn cô nhớ lại chút ít thôi về gã. Tới cửa nhà, gã cầm tay cô không nói rất lâu rồi bỗng quỳ xuống và áp đầu vào sát bụng cô rất lâu. Hình như gã âm thầm khóc. Quyên ôm lấy đầu gã, vuốt nhẹ nhàng lên bộ tóc đen rậm và không dám cất lên lời. Bởi thực ra, mọi lời lẽ cô tự thấy đều giả dối và vô nghĩa khi ấy. Mà cô thì thuộc loại người không bao giờ muốn nói dối, dù chỉ là nửa lời không thật.
Kế hoạch gã vạnh ra thực hiện đúng tới từng chi tiết. Đã vượt qua biên giới. Đã tới ngôi nhà nhỏ lúc ba giờ sáng. Ba giờ rưỡi, từ đó họ lên hai chiếc xe. Xe BMV đi đầu là gã và Quyên. Chiếc Open đi sau chở ba người khác. “Phải hòa vào dòng xe trên xa lộ tiến về Berlin vào thời điểm đông xe nhất!” Quyên chẳng thấy hồi hộp, xốn xang khi vượt qua biên giới như ngày nào nữa. Tất nhiên, hơn chục tiếng nữa cô sẽ tới Muenchen gặp chồng cô, cái trại tị nạn mà gã và đồng bọn biết chắc chắn rằng, chồng cô còn ở đó.
Họ chuẩn bị vượt lên xa lộ thì gã đột ngột phanh gấp. Xe dừng lại trên một khúc quanh. Con thú đã đánh hơi thấy có con thú khác lớn hơn rình mình. Chiếc xe Polizei nằm ở bên đường đã nhìn thấy xe gã. Gã hiểu, nếu gã quay xe, lập tức chiếc xe cảnh sát kia sẽ đuổi theo ngay. Gã bình tĩnh xuống xe và mở nắp ca po như vẻ xem xét điều gì rồi châm một điếu thuốc. “Em cúi người xuống. Mở cửa xe và sang xe sau đi. Nhanh!” Quyên hành động như một cái máy theo lời gã. Cô hiểu, chiếc Open chưa bị phát hiện, bởi nó nằm trên đoạn cong khuất. Chiếc Open lập tức lùi sát vào lõm rừng ven đường khi cô đã ngồi gọn vào hàng ghế sau. Cô báo với người thanh niên lái chiếc xe thứ hai rằng, xe cảnh sát đang chờ phía trước. Vài phút sau, chiếc xe BMV bỗng vọt lên như tên bắn và vượt qua chiếc xe đứng chặn đường lên xa lộ…
Nửa giờ sau nữa, chiếc Open chở Quyên hòa vào dòng xe cuồn cuộn trên xa lộ về hướng Berlin. Radio tự động bắt sóng ngắn liên tục báo thông tin giao thông làm bản nhạc đang nghe liên tục bị cắt đoạn. “Họ đang phát tin về chúng ta!” “Cái gì” Quyên nhỏm người lên hỏi. Người lái trẻ giọng bình thản: “Anh Hùng bị rồi!”. “Cái gì?” Quyên lại hỏi. Mãi tới tám tiếng sau đó, trong một trạm săng khi họ ăn chiều, Quyên mới nhìn thấy tấm ảnh chiếc xe của gã bẹp dúm, nát nhừ trên tờ Tin chiều và nhờ người bạn trẻ của gã cầm lái chiếc Open dịch nội dung bài báo ngắn. Thì ra, người ta phát hiện và truy bắt chiếc ô tô “chạy trốn” với tốc độ hơn trăm năm chục cây số giờ. Chiếc xe gã cầm lái bị lật nhào, lăn tới hơn mười mấy vòng ở đoạn cua cây số x. Theo tin cảnh sát, đã cấp cứu một người đàn ông độ tuổi trên ba mươi, trong trạng thái bị thương nặng, hôn mê. Người ta dự đoán, người bị nạn khi “chạy trốn” cảnh sát là người Việt Nam. Cảnh sát đã tìm thấy giấy tờ có ghi tên anh ta: Nguyen Van Hung.
Quyên không nói, cô cũng không thể khóc. Cô ngồi như hóa đá trên chiếc ghế. Bàn tay mềm mại trắng hồng của cô bóp vụn từng miếng bánh mì nhỏ rồi thả xuống lòng đĩa ăn. Cô thả một miếng bánh vào cốc sữa uống dở. Mẩu bánh nhỏ chìm xuống rữa dần ra. Cô bỗng thoắt nhớ lại tất cả hành trình của cô một năm qua. Nhớ đêm tại Mát với bao dự định hy vọng của chồng cô để nghe theo chồng không quay về Việt Nam, tiến về phía Tây. Cô nhớ cái thùng xe tải đông lạnh mà cô và chồng đã nằm yên nín thở như cá ướp vượt qua hai nước. Cô nhớ mùi hăm khẳm từ chính cô, sau hơn một tuần không có nước rửa, trong tầng hầm ngôi nhà mà cô cũng chả biết là ở đâu trên bản đồ. Khuôn mặt của gã - Hùng hiện lên sau cùng, lẫn trong ngôi nhà gỗ, trên khu rừng cô đã trải qua, từ mùa lạnh đầu năm tới khi chúng trút những chiếc lá màu vàng và sẫm đỏ như máu. Rồi câu chuyện của gã, câu chuyện của con người cô từng căm thù…Cô tưởng tượng ra gã nằm trong chiếc xe bẹp, cảnh chiếc băng ca nhao tới cáng ra một thân hình đẫm máu…
“Cầu cho anh tai qua nạn khỏi. Hùng ơi!” Cô thành tâm run rảy thốt lên lời ấy, dù rất nhỏ mà chỉ mình cô nghe thấy.
Mắt Quyên bấy giờ mới nhoà lệ.
Người lái xe trẻ để yên cho cô ở trạng thái như vậy. Những kẻ tha hương ở một khoảnh khắc nào đó bỗng có những hành vi khó thể lý giải theo những logic thông thường. Cậu cầm lấy tay Quyên: “Chị ơi!”.
Cái thai bỗng đụng cựa và đạp rất mạnh làm cô đau nhói. Quyên lấy giấy ăn lau mắt và nhìn ra qua cửa kính tiệm ăn trong suốt.
Khi ấy có ngọn gió từ đâu thốc về… Gió cuốn tung tóe bụi và cát, những chiếc lá khô vàng ươm bay chấp chới, tựa như rất nhiều cánh bướm hỗn loạn… Vài giây sau, gió lặng dần và từ thăm thẳm trên cao, tuyết bắt đầu lãng đãng rơi xuống, ngày một dầy hơn để mặt đất, con đường ngoài kia bỗng phút chốc biến thành một dải khăn trắng muốt chạy dài miên man, vô tận...
N.V.T
Nguồn: vnthuquan.net