Tác phẩm hay
Cuộc chơi
10:28 | 29/12/2014

LGT: Sau Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc được Nxb Văn học và Phương Nam Book ấn hành năm 2011, nhà văn Lê Minh Phong vừa xuất bản tập truyện ngắn Trong tiếng reo của lửa (Nxb. Trẻ, 2014). Sông Hương online giới thiệu một truyện ngắn trong tập sách này.

Cuộc chơi

Cuộc chơi


Bên ngoài.

Không khí thoáng mát. Thỉnh thoảng có những cơn gió nhẹ thổi tới.

“Những người mang hạt giống đều đã chết”. Giọng của một đứa trẻ vang lên. Đứa trẻ mang áo màu xanh hòa bình. Tóc nó bay phất phơ khi nó nói.

Những đứa trẻ lại tụ tập nhau trên đường. Những tiếng cười trong trẻo, những tiếng cười giòn tan, những tiếng cười như những viên bi lăn trên mặt đá lại phá vỡ không gian.

“Những người mang hạt giống đã đi lạc ở trong rừng. Rừng đã bủa vây và nuốt chửng họ”. Giọng nói của một đứa trẻ khác quả quyết hơn. Đó là một đứa mang áo da cam. Nó vừa nói vừa chỉ tay về phía những dãy đồi khuất sau những tòa nhà bằng kính.

“Rồi họ sẽ thoát ra được thôi”. Đứa nhỏ tuổi nhất nói.

“Không thể được. Rừng luôn có những cánh tay khổng lồ. Những người đàn ông không thể nào thoát nổi đâu. Họ không bao giờ đi hết những cánh tay của rừng”. Đứa mang áo màu da cam lại quả quyết.

“Nhưng làm sao mà những người mang hạt giống có thể lạc kia chứ? Họ là những chiến binh dũng cảm và khôn ngoan cơ mà?” Một đứa khác phân vân.

“Đúng”. Một đứa khác tiếp tục.

“Họ đúng là những chiến binh hùng mạnh và khôn ngoan nhưng họ đã bị phản bội. Họ bị phản bội rồi họ lạc hướng. Họ lạc hướng trong rừng sâu. Rừng sâu có những cánh tay kéo dài vô tận”. Đứa mang áo da cam nói như muốn hét lên để khẳng định điều mình nói.

“Nhưng họ là những người tốt cơ mà?” Đứa nhỏ tuổi nhất hồ nghi.

Bên trong.

Một người đàn ông. Một người đàn ông đã lớn tuổi. Một người đàn ông với nhiều nếp nhăn trên trán. Một người đàn ông với nước da ngăm đen. Người đàn ông này đang ngồi trên một chiếc ghế gỗ đã gần như mục nát. Bên phải anh ta, trên chiếc bàn sắt cũ kỹ, là một chồng sách và những mảnh giấy nhỏ được sắp xếp một cách trật tự.

Người đàn ông đang viết. Anh ta cúi xuống viết lia lịa rồi sau đó ngẩng lên. Khi anh ta ngẩng lên, một đôi mắt u buồn hiện ra trên khuôn mặt khắc khổ. Rõ ràng đó là một đôi mắt u buồn. Người đàn ông như đang suy ngẫm một vấn đề gì đó rồi lại cúi xuống và viết.

“Cuộc chơi. Ai khoác ý niệm lên cho những cuộc chơi…”. Đó là những dòng chữ của anh ta. “Mọi cuộc chơi luôn có giới hạn và những hành động vượt qua giới hạn. Không ai dám quả quyết rằng sẽ có một cuộc chơi vô giới hạn…”. Đó là những dòng chữ với nét viết khô khốc.

Ở một chỗ nào đó không thể xác định.

Có tiếng nước chảy.

“Vào đi. Sắp mưa rồi đấy”. Giọng của một người đàn bà vang lên. Đó là giọng nói của một người đanh thép. Rồi tiếng nước lại chảy, lần này nước chảy mạnh hơn.

Một người đàn bà đang giặt quần áo. Những tiếng động sau đó chứng minh rằng có một người đàn bà đang giặt quần áo ở một chỗ nào đó trong không gian. Một chỗ nào đó rất gần.

“Hãy quên những người mang hạt giống, và bắt đầu trò chơi của chúng ta đi”. Đứa trẻ mang áo màu xanh hòa bình lại nói.

“Hãy quên những người đã bị rừng bủa vây, và chơi trò chơi của chúng ta ngay lập tức”. Vẫn giọng nói của đứa trẻ mang áo màu xanh hòa bình.

“Nhưng họ là những người tốt”. Đứa nhỏ tuổi nhất lại nói. Dường như nó muốn níu kéo một điều gì đó.

Nhưng rồi cả bọn bắt đầu cuộc chơi như thường lệ.

“Trước hết chúng ta phải có quy ước”. Đứa mang áo màu da cam nói.

“Quy ước cho trò chơi của chúng ta”. Đứa mang áo màu da cam lại nói.

“Không. Không phải là quy ước mà là luật chơi”. Đứa mang áo màu xanh hòa bình cắt ngang.

Và rồi những đứa trẻ ban hành luật chơi của chúng.

Bên trong.

Người đàn ông lại cúi xuống và viết: “Cuộc chơi luôn được bắt đầu bởi những điều luật của những kẻ đứng ngoài cuộc chơi. Những kẻ can dự vào cuộc chơi đôi khi không biết được những điều luật đó. Những điều luật chỉ dành cho những kẻ đứng trên và đứng ngoài cuộc chơi. Nhưng kẻ can dự trực tiếp vào cuộc chơi không ý thức được là họ đang chơi. Họ như những đứa trẻ. Khi đã lao vào cuộc chơi là không còn ý thức được mình đang chơi. Họ bị cuốn đi và mê đắm trong thế giới ngụy tạo đã được bày ra…”. Người đàn ông lại ngẩng lên và suy nghĩ. Thỉnh thoảng anh ta nhìn qua khung của sổ và ngắm bọn trẻ ngoài đường.

Gió mỗi lúc mỗi mạnh hơn.

“Mưa đấy. Sắp mưa rồi đấy. Vào nhà đi”. Giọng nói của người đàn bà lại vang lên.

“Loang lổ cả rồi. Không sạch được đâu”. Người đàn bà nói trong khi tiếng nước chảy vẫn phát ra từ một nơi nào đó trong không gian.

“Bảo rồi đấy. Không sạch được đâu”. Giọng của người đàn bà vẫn cất lên.

“Một tiếng nổ là pháo”. Đứa trẻ mang áo màu xanh hòa bình nói.

“Sau tiếng pháo nổ thì sẽ có hai người chết”. Vẫn là giọng của đứa trẻ mang áo màu xanh hòa bình.

“Hai tiếng nổ là mìn. Sau tiếng mìn, sẽ có ít nhất mười người chết và ba người bị trọng thương”. Đứa mang áo màu xanh hòa bình vẫn nói.

“Năm tiếng nổ là súng AK. Sau tiếng súng, tất cả phải lao vào nhau”. Đứa trẻ mang áo màu xanh hòa bình ban hành luật chơi và, khi nói, nó luôn nhìn vào mắt những đứa khác.

“Trong cuộc chơi không có ranh giới giữa thiện ác. Tất cả chấp chới giữa đôi bờ thiện ác. Những kẻ lao vào cuộc chơi, những kẻ can dự vào cuộc chơi không biết đến thiện ác, họ chỉ biết đến thắng và thua. Những kẻ đeo mặt nạ đứng ngoài cuộc chơi mới có thể quy định thiện ác và sự quy định đó về sau được đưa vào những điều luật. Trong cuộc chơi không có tiếng than khóc mà chỉ có tiếng hét vì thắng trận hay vì đau đớn…”. Người đàn ông có đôi mắt u buồn vẫn miệt mài viết. Tiếng nói cười của những đứa trẻ ngoài đường thỉnh thoảng lại vọng vào.

Bầu trời mỗi lúc mỗi tối hơn. Gió mỗi lúc mỗi mạnh.

“Không sạch được đâu. Mưa đấy. Sắp mưa rồi đấy. Vào nhà đi…”. Giọng người đàn bà lại cất lên nhưng bị gió át đi và bay vào một khoảng không vô tận.

“Không vá lại được đâu. Nát bét rồi”. Giọng của người đàn bà lại bị gió và tiếng chảy của nước át đi.

Những đứa trẻ bắt đầu lao vào cuộc chơi.

“Sẽ chia làm hai phe”. Đứa trẻ mang áo màu xanh hòa bình lại thét lên.

“Không ai trong số chúng ta được bước ra ngoài khi cuộc chơi chưa kết thúc”. Vẫn giọng nói đứa trẻ mang áo màu xanh hòa bình.

“Chúng ta bắn nhau?” Đứa nhỏ tuổi nhất hỏi.

“Phải”. Đứa mang áo màu da cam trả lời.

“Nhưng chúng ta là người cùng một dãy phố mà?” Đứa nhỏ tuổi nhất lại phân vân.

Cả bọn cười rộ lên và xoa tay lên đầu đứa nhỏ tuổi nhất.

“Sao lại bắn nhau cơ chứ. Những người mang hạt giống rồi cũng sẽ quay trở về thôi…” Đứa nhỏ tuổi nhất lại phân vân.

Cả bọn lại cùng nhau cười rộ lên.

“Tớ sẽ về phe thiện hay phe ác?” Đứa nhỏ tuổi nhất hỏi.

Cả bọn lại cười rộ lên.

“Chẳng có phe nào là thiện phe nào là ác cả”. Đứa trẻ mang áo màu xanh hòa bình dõng dạc tuyên bố.

“Ai thắng thì kẻ đó thiện”. Nó lại vỗ ngực tuyên bố.

Nhưng đứa nhỏ tuổi nhất vẫn hoài nghi.

Về sau sự hoài nghi của nó trở thành một nỗi ám ảnh.

Người đàn ông lại ngẩng lên để lộ đôi mắt u buồn rồi lại cúi xuống và viết: “Khi lao vào nhau, những kẻ chơi không biết đến khái niệm cuộc chơi. Như những đứa trẻ đánh mất ý niệm về cuộc chơi, chúng không biết thế nào là cuộc chơi, bởi đơn giản chúng chơi như những tín đồ ngoan đạo đi vào thánh đường. Không có khái niệm cuộc chơi. Chỉ có những người đứng ngoài cuộc chơi mới có thể nhận thức được khái niệm cuộc chơi. Thường thì những kẻ đứng ngoài cuộc chơi là những kẻ đeo mặt nạ…”.

Bầu trời tối sầm lại. Người đàn bà hét lên: “Vào nhà đi. Mưa rồi đấy. Không sạch được đâu”. Nhưng giọng của người đàn bà đã lạc đi trong gió và tiếng chảy của nước.

Người đàn ông có đôi mắt u buồn vẫn ngồi viết trong tiếng rít của gió và tiếng súng của bọn trẻ đang chơi trò đánh trận ngoài đường.

Mưa ào xuống.

Người đàn bà hình như đã bỏ đi.

Người đàn ông ngẩng cổ nhìn mưa rồi cúi xuống viết.

Những đứa trẻ vẫn chơi trò đánh trận ngoài đường.

Thỉnh thoảng, tiếng súng đì đùng của trò chơi đánh trận lại vang lên trong mưa.

L.M.P






 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Các bài đã đăng
Vợ lính (18/12/2014)
Quyên (09/12/2014)
Thằng Bờm (25/11/2014)
Chờ nhật thực (04/11/2014)
Muối của rừng (23/10/2014)