Tác phẩm hay
Chuyến du xuân của Hoàng đế
08:04 | 09/02/2015

Chuyến du xuân của Hoàng đế: “Vào cái giờ khắc đức vua Lê Thánh Tông vén rèm thưởng ngoạn sắc xuân và hòa niềm vui với những người đang đi lễ chùa bên ngoài, cũng là lúc các quan trong Tao đàn đàn xướng họa thơ phú râm ran, thì ni sư đã lẹ làng bước xuống khỏi xa giá, chạy nhanh vào một cái ngõ…”.

Chuyến du xuân của Hoàng đế
Ảnh: internet

LGT: Nhà văn Lê Hoài Nam sinh năm 1953. Từ năm 1989 đến năm 2006 làm Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ của Hà Nam Ninh, Nam Hà, Nam Định. Ông đã xuất bản hơn chục đầu sách gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký; và nhận một số giải thưởng văn học như: Giải thưởng truyện ngắn tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, 1981; Giải thưởng bút ký báo Văn Nghệ 1988 và 1989; Giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp VHNT Việt Nam, 1995, v.v. Hiện nhà văn Lê Hoài Nam sống ở Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.


LÊ HOÀI NAM

Chuyến du xuân của Hoàng đế

                                               Truyện ngắn

Lê Thánh Tông Hoàng đế rời điện Kính Thiên ra sân rồng ngắm trời đất. Ngài rất thích thú khi nhìn thấy những bông hoa trà, hoa lan trong vườn thượng uyển đang e ấp hé nở dưới làn nắng xuân rất nhẹ, mỏng tang như sương khói. Thời tiết, phong cảnh gợi cho đức vua niềm cảm hứng nghệ sĩ, ngài liền cho gọi Đông Các học sĩ Đỗ Nhuận và Đông Các học sĩ Thân Nhân Trung vào cung Thúy Hoa, nói:

- Hôm nay tiết xuân thật nhuần hòa, ấm áp. Trẫm muốn cùng các quan trong Hội Tao đàn du xuân một chuyến, các khanh thấy sao?

- Bẩm hoàng thượng. Ý hoàng thượng thật là sáng láng - Đỗ Nhuận hưởng ứng - Nhưng có cần phải triệu tập tất cả các thành viên trong Hội không ạ?

Đức vua chỉ tay về phía vườn thượng uyển, nói:

- Một ngày mà như có bà chúa xuân ghé thăm thế này phải đủ các quan trong Hội du xuân xướng họa mới vui. Các khanh đừng để một ai vắng mặt đấy.

- Xin tuân chỉ - cả Đỗ Nhuận và Thân Nhân Trung đều khấu đầu đáp.

Chỉ một lát sau, các thành viên trong Tao đàn đã có mặt. Ngoài nguyên súy Lê Thánh Tông, hai phó nguyên súy Đỗ Nhuận và Thân Nhân Trung, Chưởng viện sự Viện hàn lâm Lương Thế Vinh, còn thấy Quách Đình Bảo, Quách Hữu Nghiêm, Lê Hoằng Dụ, Nguyễn Đình Mỹ, Ngô Huân, Nguyễn Quang Bật, Phạm Cẩm Trực, Đàm Thận Huy, Phạm Đạo Phú…đủ mặt hai mươi tám vì tinh tú trên bầu trời thi ca Đại Việt thời Hồng Đức.

Họ tháp tùng xa giá đức vua rời điện Kính Thiên trong không khí vui vẻ chộn rộn. Nơi đầu tiên họ đến là Văn Miếu. Tại đây, đức vua dâng lễ thắp hương cầu khấn các bậc tiên hiền. Sau đó họ sang nhà Thái Học thăm việc dùi mài kinh sử của các nho sinh. Từ ngày vua Lê Thánh Tông ra xắc chỉ mở rộng nhà Thái Học, cho phép con em bình dân, nếu ai có tài trí và nguyện vọng, đều được tiếp nhận vào đây học, và cứ ba năm lại mở một khoa thi tuyển chọn hiền tài, ai đỗ tiến sĩ sẽ được khắc tên lưu danh trên bia đá, thì nơi đây như được hội tụ thêm linh khí hồn thiêng của đất đai sông núi khiến cho trăm họ hướng về ngưỡng vọng. Đấy chính là nguồn cảm hứng mãnh liệt để sớm nay đức vua cùng các quan nảy nở tứ thơ, xướng họa râm ran, kẻ tung người hứng, lên bổng xuống trầm.

Rời Văn Miếu, nhà Thái Học, xa giá nhà vua nhằm về hướng đông nam. Vừa đi được một quãng, đức vua nhìn thấy một ngôi chùa ngự dưới những vòm cây cổ kính. Trước sân có những khóm hoa mộc lan, thu hải đường, mẫu đơn… gợi một vẻ đẹp u nhã trầm tư. Từ trong chùa vọng ra tiếng thỉnh chuông xen tiếng mõ và tiếng tụng kinh đều đều của một giọng thiếu nữ. Nhìn lên cái cổng vòm cong có ba chữ “Ngọc Hồ tự”, đức vua nói với các thành viên Tao đàn:

- Trẫm cùng các khanh vào đây vãn cảnh chùa một lát chăng?

Tất cả hội đều hưởng ứng. Họ nói với nhau: “Hoàng thượng là một thi nhân nên ngài không bỏ qua những phong cảnh kì thú. Không phải đức vua nào cũng có thú chơi lịch thiệp, tao nhã như ngài…”.

Bước tới cửa tam bảo, họ nhìn thấy một ni sư đang gõ mõ tụng kinh. Nghe có tiếng động ni sư quay ra. Sự xuất hiện đường đột của đức vua và các quan trong triều, ni sư tỏ vẻ bối rối. Nhưng nàng không khấu đầu vái tạ mà chỉ đứng lên chắp hai tay, đầu hơi cúi vái chào theo cung cách nhà chùa mỗi khi có khách:

- A Di Đà Phật! Nhà tu hành xin có lời cảm tạ đức vua và các quan đã quá bộ ghé thăm vãn cảnh chùa!

Ni sư còn trẻ mà phong độ lại có vẻ chững chạc lịch thiệp khiến đức vua rất chú ý đến nàng. Ngài cứ đứng ngắm nàng hồi lâu, không giấu được niềm xao xuyến lãng mạn. Ni sư dường như cũng đủ nhậy cảm để nhận ra cái nhìn đắm đuối của nhà vua nói lên điều gì. Nàng khe khẽ ngồi khép chân xuống chiếu, rút tờ giấy bản, cầm cây bút lông dầm vào nghiên mực, viết hai câu thơ bằng những nét chữ bay bướm, tài hoa:

Tới đây mến cảnh mến thầy
Tuy vui đạo bụt, chưa khuây lòng trần


Đức vua tỏ vẻ bất ngờ vì ni sư đã “đọc” ra được tâm trạng của ngài lúc này, thể hiện bằng hai câu thơ mà ngài khó có thể chê bai hay bắt bẻ được điều gì.

Thích thú trước cảnh nhà vua si mê, siêu lòng trước một ni sư trẻ và xinh đẹp, Chưởng viện sự hàn lâm Lương Thế Vinh nói:

- Bẩm Hoàng thượng! Hội Tao đàn xin được họa lại hai câu thơ của người đẹp chứ ạ?

- Các khanh để trẫm - đức vua xua tay nói - Người cần phải họa thơ của ni sư lúc này chính là trẫm!

Rồi ngài cất giọng đọc:

Ngẫm sự trần duyên khéo nực cười
Sắc - không tuy Bụt, ấy lòng người
Chày kình một tiếng tan niềm tục
Hồn bướm ba canh lẩn sự đời
Bể ái nghìn tầm mong tát cạn
Nguồn ân muôn trượng chửa khơi vơi
Nào nào Cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây chín rõ mười!


Đọc xong, đức vua chuyển cho Thân Nhân Trung để ông này chuyển cho ni sư. Ni sư đọc xong, nói:

- Trong bài của đức vua có những câu thực còn thiếu ý và chưa thanh - rồi nàng quay về phía đức vua - Tiểu nhi xin mạn phép sửa lại, có được không?

- Trẫm cho phép nàng! - Đức vua nói.

Ni sư lấy cây bút lông dầm vào nghiên mực vừa viết vừa nói:

- Tiểu nhi xin thay hai câu: “Chày kình một tiếng tan niềm tục/ Hồn bướm ba canh lẩn sự đời” bằng hai câu: “Gió thông đưa kệ tan niềm tục/ Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời”…

Các quan trong Hội Tao đàn đều gật gù thừa nhận ni sư thay hai câu khiến bài thơ tao nhã hẳn lên. Vua Lê Thánh Tông tỏ vẻ ngưỡng vọng nàng ra mặt. Ngài quay hỏi các hội viên:

- Trẫm muốn đưa nàng vào cung, các khanh thấy sao?

Lương Thế Vinh chắp tay bái lạy khá điệu đàng, đáp:

- Bẩm Hoàng thượng, thần nhận thấy núp trong màu áo nâu sồng kia là một mỹ nhân. Hoàng thượng không nên bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một này!

Thân Nhân Trung nói thêm:

- Bẩm Hoàng thượng. Đúng như quan Chưởng viện sự hàn lâm vừa nói, ni sư có những đường nét hoàn mỹ và cao sang. Thơ của nàng rất hay. Nàng rất xứng đáng là người tri âm tri ngộ của Hoàng thượng ạ.

Đỗ Nhuận cũng đồng tình:

- Bẩm Hoàng thượng. Chúng thần rước nàng lên xa giá ngay bây giờ đấy ạ!

- Trẫm rất tin vào con mắt nhìn đời nhìn người của các khanh - Đức vua nói rồi bước đến bên ni sư, nói tiếp - Ni sư đã nghe các quan nói rồi đấy. Bây giờ trẫm muốn nghe ni sư trả lời: nàng đồng ý về cung cùng trẫm không?

- A Di Đà Phật! Tiểu nhi là kẻ hèn mọn, đã xuống tóc đi tu từ lúc còn nhỏ - ni sư nói - Đón một kẻ tu hành vào cung, Hoàng thượng không sợ miệng tiếng thế gian sao?

- Trong cung điện, trẫm có Hội Tao đàn nhị thập bát tú. Tao đàn gồm hai mươi tám đấng mày râu, trong đó có trẫm. Nàng là nữ nhi, nhưng lại có khả năng thi thư, trẫm sẽ ra một sắc chỉ ngoại lệ, cho phép nàng có thể tham gia xướng họa cùng các hội viên.

Biết không thể làm trái ý đức vua, ni sư vào sau Tam bảo thưa chuyện với sư bác. Sư bác, một người đàn bà đã luống tuổi, có gương mặt hiền hậu, nói:

- Mô Phật! Lúc đức vua và các quan bước vào chùa, ta đã định ra khấu tạ, nhưng ta lại thấy ngài có vẻ quyến luyến với ni sư nên ta muốn để ngài và ni sư nói chuyện cho tự nhiên. Những điều ngài nói với ni sư, ta nghe rõ cả. Nếu trong lòng ni sư thuận ý theo ngài về cung thì đó phải chăng cũng là ý Phật. Ngài là một đức vua anh minh nên ý muốn của ngài cũng là ý Phật vậy!

- Nhưng con lại muốn ở lại chùa - ni sư nói - Bạch thầy hãy nói với vua giúp con để con được trọn kiếp tu hành!

- Không thể trái lệnh được đâu. Ý của ngài là ý của trời - sư bác nói - Thôi nào, ni sư hãy ra với ngài mau lên. Ta sẽ tụng Kinh niệm Phật ban phúc cho ni sư!

Quan thái giám dìu ni sư lên xa giá để nàng ngồi cạnh đức vua. Các quan trong Tao đàn hộ tống xa giá đi về phía hoàng thành. Xa giá về đến cửa Đại Hưng, đức vua nghe bên ngoài có tiếng cười nói lao xao, lại ngửi thấy mùi hương Mộc lan thoang thoảng đâu đây. Thi hứng nghệ sĩ nổi lên, đức vua liền vén rèm để ngắm nhìn. Những thiếu nữ vừa đi lễ chùa vừa cười nói xôn xao, gợi lên một không khí thanh bình của kinh đô đất nước. Đức vua như ngất ngây trước cảnh và người. Chúa xuân như cũng hạ cánh xuống kinh thành cất tiếng nói phụ họa cùng chim chóc, cỏ hoa. Lúc buông rèm quay nhìn sang bên cạnh, đức vua rất đỗi ngạc nhiên bởi không thấy ni sư đâu. Ngài vội thông báo cho các quan việc đó. Các quan đang ngơ ngác chưa hiểu vì sao thì đức vua ra lệnh:

- Tất cả các hội viên trong Tao đàn cùng với đội cấm vệ đi tìm nàng cho trẫm!

Vẫn xúng xính mũ áo, các quan cùng với đám lính cấm vệ tỏa ra các ngả đường, lùng sục vào cả những ngõ hẻm tìm ni sư.

Vào cái giờ khắc đức vua Lê Thánh Tông vén rèm thưởng ngoạn sắc xuân và hòa niềm vui với những người đang đi lễ chùa bên ngoài, cũng là lúc các quan trong Tao đàn đàn xướng họa thơ phú râm ran, thì ni sư đã lẹ làng bước xuống khỏi xa giá, chạy nhanh vào một cái ngõ. Nàng không trở lại chùa Ngọc Hồ mà đi về phía một con đường nhỏ rậm rì bóng cây. Nàng cứ cắm cổ mải miết chạy. Nàng tự nhủ mình càng chạy xa kinh thành bao nhiêu thì càng hay.

Quá giờ ngọ, vượt qua đê sông Nhị Hà ra một làng đồng bãi, ni sư nhìn thấy một ngôi chùa nhỏ ngự khiêm nhường bên một khu đầm lớn, không gian có vẻ u trầm, tịnh mịch. Trụ trì ngôi chùa là một nữ sư thầy, chưa già nhưng cũng không còn trẻ. Trông thấy ni sư lạ hớt hải bước vào, gương mặt xinh đẹp mà tái nhợt, sư thầy nói:

- A Di Đà Phật! Ni sư từ đâu tới? Tới đây tìm ta hay có việc gì khác?

- Bạch thầy! Tiểu nhi con đang có chuyện hệ trọng muốn bạch thầy!

Sư thầy kéo ni sư vào Tam bảo, nghe câu chuyện nàng được nhà vua ban ân sủng muốn đem nàng về cung làm phi, rồi nàng đã trốn khỏi xa giá ra sao.

- A Di Đà Phật! Ta đã rõ chuyện - sư thầy nói - Ni sư đã xuống tóc làm người tu hành vậy mà nhà vua vẫn còn si mê, nghĩa là vua nhìn thấy ở ni sư những điểm rất đáng quý. Nhưng ta muốn hỏi: tự trong lòng ni sư có mối thiện cảm ái tình nào với nhà vua không?

- Bạch thầy, chùa Ngọc Hồ, nơi tiểu nhi con trụ trì liền kề với Văn Miếu - Quốc Tử giám, cách Hoàng thành chẳng bao xa. Hàng ngày các quan trong triều và các nho sinh bên nhà Thái Học thường hay đến chùa này hương khói, vãn cảnh. Qua chuyện họ nói với nhau, tiểu nhi con biết đức vua Lê Thánh Tông là một minh chủ, văn võ toàn tài. Cứ xem ngài trực tiếp cầm quân đi chinh phạt Chiêm Thành, Bồn Man, Lão Qua, phòng thủ biên cương phía bắc… đủ thấy ngài xứng danh một đại anh hùng. Ngài từng dụ các quan và muôn dân: “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để ai lấy mất một phân núi, một tấc sông do vua Thái Tổ để lại”. Ngài ban chiếu khuyến nông, chiếu đồn điền, khai khẩn mở rộng đồi nương, bãi bồi để người dân quê ai cũng có ruộng, có đủ cơm ăn. Ở kinh thành thì ngài cho xây dựng, hình thành 36 phố phường sầm uất, mở mang nghề nghiệp. Nghề tằm tơ. Nghề in. Phường Yên Thái có nghề làm giấy. Phường Nghi Tàm dệt vải. Phương Hà Tân nung vôi. Phường Hàng Đào nhuộm điều. Phường Ngũ Xá đúc đồng. Làng Bát Tràng nghề gốm sứ, gạch ngói… Ngài minh oan cho danh thần Nguyễn Trãi bằng một câu thánh thơ, ai đọc một lần cũng không thể quên “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”. Ngài cho soạn bộ luật Hồng Đức. Ngài dụ các quan: “Pháp luật là phép tắc chung của nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”. Ngài cho soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Khi đọc nhật lịch, thấy sử quan Ngô Sĩ Liên và cựu thần Nghiêm Nhân Thọ ghi bằng những lời lẽ có lợi cho phía ngoại bang, ngài liền chấn chỉnh: “Ta mới coi chính sự, sửa mới đức tính, ngươi bảo nước ta là hàng phiên bang của Trung Quốc thời xưa, thế là người theo đường chết, mang lòng không vua”. Ngài cho mở rộng nhà Thái Học, dựng bia tiến sĩ, khuyến khích việc học việc thi. Ngài dựng Hội Tao đàn, đích thân ngài làm nguyên súy. Các tập thơ Hồng Đức quốc âm thi tập, Thiên nam dư hạ tập…rồi sẽ lưu danh thiên cổ. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia…”. Câu thần bút ấy đã được sinh ra vào thời ngài trị vì. Dụng hiền tài thì hiền tài hiển lộ. Hiền tài ngày càng đông đúc, giúp rập ngài cai quản non sông bờ cõi. Ngài xứng đáng được muôn dân trăm họ vinh danh, mến mộ, tôn thờ. Hôm nay, tiểu nhi được chiêm ngưỡng dung nhan và diện kiến ngài, tất cả những gì tiểu nhi hình dung về ngài trước đó đều đúng. Dung mạo ngài thật nho nhã khoan hòa. Gương mặt ngài như có ánh hào quang. Khi ngài ngỏ lời ái tình, trong lòng tiểu nhi đã có những tình cảm xao xuyến, cho dù ngài và tiểu nhi có một khoảng cách lớn về tuổi tác…

- A Di Đà Phật! Có mối thiện cảm đặc biệt với Hoàng thượng như thế - sư thầy nói - hà cớ gì đã lên xa giá cùng ngài, ni sư còn lẻn xuống chạy về đây?

- Bạch thầy! Khi lên xa giá, ngồi cạnh mình rồng, trong đầu ni sư con lại nhen lên một mối lo sợ. Đất nước dưới sự trị vì của nhà vua đang ở vào thời kỳ cực thịnh. Đường phu thê của nhà vua không có khiếm khuyết gì. Hoàng hậu họ Phùng và năm thứ phi của ngài phần lớn họ đều là con em những quan lại rường cột của triều đình. Sáu người đàn bà ấy đã sinh cho đức vua 13 hoàng tử và 20 công chúa. Như thế đã là quá viên mãn. Tiểu nhi rất muốn lúc này nhà vua tập trung tất cả tinh lực của người đàn ông ở tuổi ngũ thấp tri thiên mệnh cho việc xây dựng non sông gấm vóc ngày càng cường vượng, hơn là bị chi phối vì một thứ phi vô danh tiểu tốt như tiểu nhi.

- A Di Đà Phật! Ni sư quả là một nhà tu hành có tinh thần ái quốc rất cao - Sư thầy nói - Nhưng ta cho rằng, đức vua muốn đưa ni sư về cung còn vì ni sư có tài thi phú xướng họa. Dường như ngài muốn ni sư có vị thế như một bông hoa đẹp trang điểm cho Tao đàn, để không bao giờ Tao đàn rơi vào tình trạng đơn điệu tẻ nhạt?

- Bút nghiên nó cho ta danh thơm, nhưng cũng có khi nó lôi kéo ta vào vòng chướng họa, lao lý - ni sư nói - Thời vua Lê Thái Tông, phụ thân của Hoàng thượng còn bình sinh, có nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ, thiếp yêu của danh thần Nguyễn Trãi, đã mang sắc đẹp lại có tài thơ phú, được vua vời vào cung giúp việc lễ nghi. Chỉ vì cái tài cái sắc ấy của Thị Lộ mà đã sinh bao đố kỵ, ghen ghét tỵ hiềm, để rồi dẫn đến thảm kịch tru di đau buồn bậc nhất trong lịch sử nước nhà, chắc bạch thầy cũng đã biết! Bởi vậy cho nên nếu Hội Tao đàn có thêm tiểu nhi là kẻ khác giới, cây bút của đức vua và các quan có thể thăng hoa bay bướm hơn, nhưng biết đâu, cũng từ đó mà nảy sinh nghi kỵ, cừu hận, rồi tan đàn xẻ nghé!

- A Di Đà Phật! Ni sư nghĩ như thế thật sao?

- Bạch thầy! Xin Đức Phật chứng giám, trong lòng gợn lên điều gì lúc này, tiểu nhi con đều thành tâm mà nói ra đấy ạ.

- Còn ta thì phải nói lời cảm phục ni sư trẻ người mà trí huệ đã mẫn tiệp. Bây giờ thì ta sẽ hỏi: Hôm nay đến đây ni sư muốn ta giúp điều gì?

- Bạch thầy! Con muốn thầy cho con núp bóng một thời gian. Khi nào đức vua không còn cho lính tráng truy tìm nữa, con sẽ trở về chùa Ngọc Hồ nguyện trọn kiếp tu hành.

- A Di Đà Phật! Điều ấy với ta không khó khăn gì!


Các quan trong hội Tao đàn và đám lính cấm vệ đã lùng sục vào tất cả chùa chiền, đền miếu, từng đường ngang ngõ dọc trong kinh thành mà vẫn không thấy ni sư đâu. Họ thất thểu quay về cửa Đại Hưng khấu đầu chịu tội trước đức vua. Vua nói:

- Các khanh hãy bình thân, giữ sức ngày mai tiếp tục đi tìm!

Ngày hôm sau, đức vua còn ra chỉ dụ tăng cường thêm hàng trăm quân lính. Mỗi thành viên trong hội Tao đàn chỉ huy một đội quân. Họ tiếp tục truy tìm ni sư. Nhưng cuối cùng người đẹp vẫn bặt bóng chim tăm cá.

Đông Các học sĩ, phó nguyên súy Tao đàn Đỗ Nhuận khải tấu:

- Bẩm Hoàng thượng, không còn một nơi nào trong kinh thành mà chúng thần không tìm đến. Thần cho rằng ni sư là người của trời chứ không phải của nhân thế ạ.

- Đúng vậy, bẩm Hoàng thượng - Đông Các học sĩ, phó nguyên súy Thân Nhân Trung phụ họa thêm - Nếu là người của trần gian, nàng đâu nỡ từ chối một phúc phận lớn là về cung làm thần thiếp của Hoàng thượng! Lương Thế Vinh thì nói:

- Bẩm hoàng thượng! Quan sát lúc ni sư sửa thơ của Hoàng thượng, thần cũng thấy nét chữ của nàng có gì đó thật khác thường, không phải của người trần mắt thịt ạ.

Vua Lê Thánh Tông không giấu được vẻ nuối tiếc ni sư, nhưng ngài như đã vỡ nhẽ ra một điều gì. Ngài nói:

- Lời các khanh, trẫm còn phải ngẫm. Nhưng cho dù nàng là tiên hay người trần thì cũng nên làm một cái gì đó tưởng nhớ nàng. Trẫm nghĩ ra rồi. Các khanh hãy cho xây tại cái chỗ ni sư từ xa giá cất cánh mà bay về trời này một ngôi lầu, có ban thờ cẩn thận, đặt tên là Lầu Vọng Tiên!

Thi hành lệnh vua, Lầu Vọng Tiên được thiết kế và thi công nhanh chóng, đẹp một vẻ trang trọng và diễm lệ.

Từ đó, mỗi khi nhớ ni sư, vua Lê Thánh Tông lại ngồi xa giá ra khỏi Hoàng thành tới cửa Đại Hưng, bước chín bậc cầu thang lên Lầu Vọng Tiên trông ngóng người đẹp hiện về.

L.H.N
Nguồn: cdfund.org.vn






 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Các bài đã đăng
Cuộc chơi (29/12/2014)
Vợ lính (18/12/2014)
Quyên (09/12/2014)
Thằng Bờm (25/11/2014)
Chờ nhật thực (04/11/2014)
Muối của rừng (23/10/2014)