LGT: Nhà văn Phạm Duy Nghĩa nhận giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ năm 1991 với tác phẩm Cơn mưa hoa mận trắng. Anh từng là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai; hiện công tác mở Ban Lý luận phê bình - Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Truyện ngắn Sài Thục - câu chuyện trong mây mù
Một ngôi nhà nơi thung lũng, một không gian êm đềm tươi vui lúc xuân đến. Những cây sài thục được trồng trên đồi hoang lộng gió. Loại củ từng là lương thực cứu sống ông nội, nên ban thờ người con của ông xưa nay chỉ dâng sài thục, thậm chí nó trở thành linh vật. Có lần người vợ “cầm một củ mân mê, ngửa mặt lên trời xanh mà cười. Thái độ được coi là báng bổ ấy đã kích thích ghê gớm ý thức về luân lí gia tộc”.
Mùa xuân cây cối sinh sôi, thảo nguyên xanh biếc, lòng người rạo rực; đối với gia đình trong truyện lại là thời điểm chính tiếp tục vòng quay độc canh cây sài thục, một điệp khúc nhàm tẻ, thôi thúc người vợ hướng về lối rẽ. Với bà, “cây sài thục chết tiệt đó không dính dáng gì đến lòng tôn kính tổ tiên”. Chỉ ở gần cuối truyện độc giả mới nhận ra “điều gì đó” trong người đàn bà sức xuân này, nhưng ở đây đã ngầm có một sự vượt rào định kiến, thoát khỏi sự đơn điệu khô rộc của kiếp người. Người chồng liền cho đấy là “những ý nghĩ nổi loạn”. Hành động sơn màu củ sài thục lên ngôi nhà gỗ, kể cả con chó thể hiện sự quyết liệt: ông muốn nhuốm cái màu huyết dụ đó lên toàn thân thể vợ và con gái, nhuốm cả lên ý nghĩ và tâm hồn của họ.
Người mẹ vẫn là nhân vật trung tâm. Sự cương quyết vượt thoát của bà bắt đầu từ việc “thề đến chết không ăn sài thục”. Sự khắc nghiệt thái quá của chồng: bắt bà “phải dùng bát và thìa riêng, ăn xong phải tự đi rửa sạch”; rồi ông còn tổng kết chuỗi hành động phản kháng của vợ đã “phạm vào điều cấm kị của gia đình, tuyệt tình với nguồn cội tổ tiên”. Không khí trở nên nặng nề bức bí. Cho đến một hôm, trên rẫy, “hàng vạn củ sài thục non mới nhú lên đều bị bẻ gẫy, nằm la liệt… Từ các củ ứa ra một thứ nhựa non nhờn nhợt như máu”. Bỏ ngoài tai lời kêu oan, ông chồng bẻ từng đốt tay của vợ. Và rồi người đàn bà trốn đi, cuộc rượt đuổi đem đến “hồi kết” khá bí ẩn. Nhưng sự bí ẩn này phần nào được tác giả vén mở. Có thể với một số độc giả, điều này chưa hẳn đã cần thiết. Dẫu rằng sau đó ánh sáng đã chiếu vào cuộc sống gia đình khi cây sài thục không còn thấy trên những ngọn núi mây mù nữa.
Không khí trong Sài Thục của tác giả Phạm Duy Nghĩa có pha lẫn cách ứng xử người đồng bằng, nghĩa là nó chưa thật đậm chất hoang dã của một “ngôi nhà trên thảo nguyên”. Những buổi họp gia đình, thành viên giơ tay biểu quyết về việc tiếp tục trồng hay không loài cây này, khiến mạnh truyện có chút ngập ngừng. Chẳng hạn chữ “nhé” ở cuối câu sau: “Tao để cho mẹ con mày tuyệt đối tự do thoải mái nhé”, độc giả sẽ liên tưởng đến một không khí khác hẳn cái nền dựng lên từ trước. Nghĩ khác đi, giá tác giả đưa cốt truyện đặt giữa một tộc người với những tập tục cổ hủ, bỏ đi cách gọi “bố”, “mẹ con” theo kiểu văn minh miền xuôi, câu chuyện sẽ huyễn hoặc, ám ảnh hơn chăng? Tuy nhiên cũng có thể đó là ý tưởng của nhà văn, về một cuộc sống trong giai đoạn lai tạp, giằng co giữa những ràng buộc và sự cởi bỏ tràn về những vùng xa xôi hẻo lánh.
PHẠM DUY NGHĨA
Sài Thục
Truyện ngắn
I.
Năm mười bảy tuổi, tôi bắt đầu chứng kiến sự đổ nát trong gia đình. Nó đến vào một buổi trưa mùa đông, trong tiếng gió lạnh thổi ào ạt từng hồi trên đồi hoang. Hôm ấy, sau khi kết thúc bữa ăn một cách khó nhọc, mẹ tôi dằn cái bát sứt xuống mâm và đứng dậy.
- Tao chán ăn sài thục lắm rồi.
Câu ấy không biết mẹ nói với ai. Bố tôi đánh rơi cái thìa, sững lại giây lát rồi tiếp tục lặng lẽ nhai. Nhưng đôi mắt ông tối sầm như ủ một cơn giông dữ dội. Buổi tối hôm ấy, cũng sau bữa ăn, khi mẹ tôi tuyên bố rằng từ nay bà sẽ khước từ món sài thục, và gia đình chúng tôi cần phải chấm dứt việc độc canh cây sài thục đã kéo dài quá nhiều năm, thì bố tôi gần như đã nhảy bật lên khỏi chiếc ghế cũ thủng đệm. Tiếng thét kèm theo một cú tát khủng khiếp.
- Câm ngay, ông đập nát đầu!
Mấy âm tiết bị xé ra trong tiếng gió ào ào.
Mẹ tôi lầm bầm trong miệng điều gì đó, hình như bà nói rằng cái cây sài thục chết tiệt đó không dính dáng gì đến lòng tôn kính tổ tiên. Rằng nó đã làm khổ cái nhà này quá lâu. Rằng ăn nó khác gì tra tấn, rằng ông cứ việc chung thủy với nó nếu ông muốn, còn mẹ con tôi đã đến lúc phải xin chào. Tôi nhớ khi nói những câu ấy mẹ tôi rất điềm tĩnh. Cú tát chỉ khiến bà loạng choạng vài giây. Bố tôi điếng người trên ghế, sự kinh ngạc khiến miệng ông đông cứng, cái lưỡi đóng băng lâu lắm mới đẩy ra được mấy tiếng lạo xạo như đá vỡ.
Thế là đã đến lúc mẹ tôi dám nói ra điều ấy, sau nhiều năm. Với bố tôi, đó là một việc động trời.
II.
Nhà tôi ở trong thung lũng. Xung quanh đồi núi trập trùng, thăm thẳm kín bưng, từ khe núi trước nhà mở ra khoảng sáng mênh mông của một thảo nguyên lác đác những khóm ngù gai thấp. Chạy qua thảo nguyên là một dải sông hẹp, nông choèn. Mùa khô ở đây bao giờ cũng đến sớm, và khi những ánh xanh lam nhợt nhạt của nó bắt đầu phủ lên vùng đồi se lạnh buổi hoàng hôn cũng là lúc, theo chân những mục đồng cô đơn từ trên núi xuống thảo nguyên, có tiếng be lên run rẩy của những chú dê nhạy cảm với thời tiết. Mùa khô cũng là mùa thu hoạch sài thục và khi xuân đến, như một điệp khúc nhàm tẻ, gia đình chúng tôi lại gồng gánh dẫn nhau đi trồng sài thục trên những trái đồi hoang liêu lộng gió phía sau nhà. Sài thục được trồng bằng thân, nghĩa là chặt cây thành từng khúc ngắn rồi vùi vào hom đất. Là con gái nên tôi chỉ phải làm một việc là rắc tro vào từng hom cho mẹ lấp đất lại. Sang thu, củ sài thục đội đất nhô lên tua tủa khắp đồi. Củ nào cũng nần nẫn, hình dạng y hệt dương vật của đàn ông đang cương, bên trong tím đỏ màu huyết dụ, bên ngoài hồng hào lún phún mấy vệt lông đen. Có lần mẹ tôi cầm một củ mân mê, ngửa mặt lên trời xanh mà cười. Thái độ được coi là báng bổ ấy đã kích thích ghê gớm ý thức về luân lí gia tộc của bố tôi. Đang tiện con dao gọt củ trong tay, ông văng nó về phía mẹ tôi như một ánh chớp. Mẹ chịt tay vào ngực, hét lên. Hôm đó con dao được biết mùi máu.
Tứ mùa, sài thục là món chính trong bữa ăn của chúng tôi: Sài thục luộc, sài thục nướng, sài thục hấp, sài thục đồ xôi, sài thục làm bánh; lá sài thục thì luộc hoặc ngâm chua rồi nấu canh. Theo bố tôi kể thì loại củ này đã nuôi sống ông bà cụ kị nhà tôi ròng rã mấy đời. Đến ông nội tôi, do sở hữu mấy nương sài thục mà bị xử tử. Viên đạn vụng về của người dân quân mới học bắn làm đứt sợi thừng, ông tôi thủng bụng nhưng vẫn chạy thoát, trốn trong một hẻm núi. Nhờ mấy củ sài thục non moi lên từ đất, ông sống thêm được ba ngày. Sau này cúng ông, bố tôi chỉ dâng lên ban thờ món sài thục. Đây là linh vật của gia đình chúng tôi, trong nhà không ai được nói tới chuyện trồng cây gì khác ngoài nó. Dù chỉ xuất hiện trong ý nghĩ, cái điều táng tận ấy, - bố tôi cảnh báo trước - sẽ chặt đứt đầu.
III.
Từ ngày mẹ tôi có những ý nghĩ nổi loạn, không khí trong nhà không còn bình lặng như dòng sông chảy qua đồng cỏ ngù gai nữa. Sự lo toan, phiền muộn hằn trên gương mặt bố tôi; mọi việc làm của ông đều cho thấy một sự quyết tâm lớn lao đưa cái gia đình đang có phần xộc xệch trở lại khuôn khổ. Mỗi sáng ông thường dậy từ mờ đất, lúc thung lũng còn ủ sương và im phắc, và khua mẹ con tôi cùng dậy, dù chẳng để làm gì. Ông quy định vào bữa ăn, cả ba người chỉ thực hiện nhiệm vụ ăn, không ai được nói. Một buổi trưa đi học về, vượt qua hẻm núi dẫn vào thung lũng tôi thấy ngợp lên trước mặt một khối đậm đặc như cục máu khô. Cả ngôi nhà gỗ thân quen đã bị sơn kín một màu huyết dụ - màu củ sài thục. Hàng rào gỗ sau nhà (để ngăn bò, dê), cả gian nhà kho (là gian chứa những đồ lỉnh kỉnh) và mấy gốc cây quanh nhà cũng bị sơn cùng màu ấy. Mùi sơn bốc lên sặc sụa từ chiếc xô tôn đựng sơn đổ lênh láng trên bãi cỏ. Tôi chưa kịp bước vào nhà thì một đống bù xù tím tái từ đâu lao đến, run rẩy rên xiết cọ vào chân tôi, lạnh lẽo và ướt át. Đó là con chó Lốc. Bị sơn bê bết toàn thân chỉ trừ hai mắt, nó kinh hoàng bỏ cơm mấy ngày.
Việc làm rõ ràng là ngẫu hứng của bố tôi đã vi phạm một điều trong hiến pháp gia đình vốn được duy trì từ lâu, đó là phải họp cả nhà lấy ý kiến chung và biểu quyết trước khi quyết định làm một việc gì quan trọng, dẫu nhà chỉ có ba người. Cũng cần nói thêm là trước đây bố tôi rất thích họp, nhiều việc bé con con cũng họp, thậm chí việc dựng cái nhà xí thay vì mấy năm thả hoang trên đồi bãi, ông cũng triệu tập mẹ con tôi họp. Lần này sơn nhà, việc lớn thế, bố tôi lại điềm nhiên tự quyết, chả hiểu sao.
- Ông sơn cả nhà, cả cây, cả chó rồi, sơn luôn cả bố con ông nữa cũng được, nhưng làm ơn chừa tôi ra nhé. - Mẹ tôi nói.
- Mọi thứ chỉ đẹp mắt và yên ổn khi ở trong sự thống nhất. - Bố tôi vui vẻ nói. - Tất cả cần phải thống nhất. Tôi thích trật tự.
- Mỗi người có trật tự của riêng mình. - Mẹ tôi đáp lại, không có ý khiêu khích. Bà cũng không ngạc nhiên trước việc bố tôi đột ngột lôi một gã thợ sơn lạ hoắc về nhà, thậm chí, bà còn tự tay đếm tiền công xá và trả cho gã một cách tử tế, nhắc gã đi qua đồng cỏ ngù gai cần để mắt kẻo bị gai cào.
IV.
Mẹ tôi giữ lời, đã nhiều ngày bà không động đũa vào món sài thục. Bữa nào bà cũng ăn qua quýt cho xong bằng thứ rau nhì nhằng tự hái trong thung lũng, có khi là món cá nhỏ cất bằng vó, thứ vó làm từ vải màn nhuộm sẫm bằng nhựa củ sài thục. Những món ấy lần nào bà cũng bảo tôi ăn cùng, bởi cả nhà vẫn chung mâm, nhưng tôi im lặng và chỉ ăn sài thục cùng bố. Có lẽ không muốn để tình hình căng thẳng thêm, bố tôi làm ngơ trước việc ăn uống của mẹ. Rồi mùa đông nặng nề lạnh giá năm ấy cũng qua đi, và mùa xuân, mùa trồng sài thục cũng đã đến. Một ngày đầu xuân bố gọi mẹ và tôi ngồi lại họp. Hôm ấy ông tỏ ra vui vẻ lạ, và đưa ra một tuyên bố thật bất ngờ.
- Cả nhà mình, ai đồng ý năm nay tiếp tục trồng sài thục thì giơ tay. Nếu số đông đều không muốn trồng thì thôi không trồng nữa. Lần này tao để cho mẹ con mày tuyệt đối tự do thoải mái nhé.
Bố tôi nhấn mạnh vào hai chữ tuyệt đối và dứt lời, ông nhìn thẳng vào tôi. Mắt ông trông rất sợ, dù chỉ thoáng qua trong khoảnh khắc. Tôi hiểu bố muốn tôi làm gì.
Chúng tôi biểu quyết. Tôi và bố đưa tay lên cùng một lúc. Hai trên ba đã là quá bán. Mẹ trở thành thiểu số, ngồi im.
Hôm sau, tôi cùng bố đi trồng sài thục. Những quả đồi sau nhà qua nhiều năm canh tác đã thành những cái vú khô kiệt sữa, chúng tôi phải đi xa hơn vào núi. Thì ra trong núi, bố tôi đã đốt nương và đào hom sẵn từ lúc nào.
Giữa núi đồi hoang vắng, ông quảy gánh đi trước, tôi vác cuốc theo sau, con Lốc sục sạo ngửi hít trên đất ẩm lạnh. Gió lồng lộng thổi, trời xám ngắt, một cánh quạ đơn chiếc bay ngang để lại tiếng kêu quà quà tan loãng giữa thinh không man mác. Tôi để ý thấy trên đường chạy ngoắt ngoéo, như một diễn viên xiếc cừ khôi và tự trọng, con Lốc luôn tránh giẫm vào những vết chân bố tôi.
V.
Trong những ngày bố con tôi vất vả trồng sài thục trên núi, mẹ tôi cũng đi vào một khe núi khác và lén lút trồng những cây lương thực của riêng mình. Việc này không ai ngờ được, chỉ nhiều tháng sau, khi những loại ngũ cốc và rau củ lạ mắt bà mang về xuất hiện trên bàn trong một bữa ăn tối thì bố tôi thất kinh. Ông hất đổ mâm bát và đứng dậy bỏ ra ngoài. Gió từ thảo nguyên qua khe núi đổ về giật những tấm ván lịa quanh nhà rung bần bật và miếng tôn đậy trên mái va đập kêu lanh canh. Bố tôi đứng trong gió rất lâu, như một cây thông đen sì trước cơn giông bão lớn. Rồi ông đi thẳng vào gian giữa, thắp hương lên ban thờ. Đêm hôm đó chúng tôi nhịn đói đi ngủ. Những món ăn mẹ tưởng rằng có thể làm tôi vui thích trở thành bữa tiệc cho chuột và kiến. Con Lốc bị cấm không được đụng mõm vào.
Ngày hôm sau, bố bắt tôi dùng tro bếp cọ rửa từng chiếc bát thật kĩ, dường như chúng đã được dùng để đựng một thứ gì rất ghê tởm. Còn những món ăn rơi vãi trên đất, ông bảo tôi mang ra xa ngoài thung lũng, trút vào một bụi ngù gai. Buổi trưa, ông lặng lẽ bước vào căn buồng nhỏ của tôi, hai ổ mắt sâu có tia sáng xanh giận dữ. Ông nói, giọng thống thiết:
- Mẹ con đã phạm vào điều cấm kị của gia đình, tuyệt tình với nguồn cội tổ tiên, tội ấy thật khủng khiếp. Con thấy đó, bao năm qua bố đã hết lòng xây đắp cái nhà này, nhưng một phút điên rồ, mẹ con đã phá tan tành hết cả. Con người ấy thực không xứng đáng là mẹ của con nữa. Vì con bố vẫn chấp nhận một sự sống chung, nhưng con gái ạ, bố rất lo vì mày có thể bị nhiễm những thói hư từ mẹ. Bố muốn con tỉnh táo, nhìn rõ trái phải trắng đen. Trong những ngày này con càng phải đứng vững...
Tôi đáp lại bố bằng sự im lặng chia sẻ. ở ông bao giờ cũng toát ra một cái gì đó vừa uy hiếp vừa thuyết phục. Ông nói:
- Mẹ mày nói rằng ăn mãi sài thục sẽ có ngày suy kiệt nòi giống, làm hại đời con đời cháu sau này. Tao cho đó là thứ lí luận của loài rắn độc. Thử hỏi, bao đời nhà ta sống bằng sài thục đã có ai suy? Cái gì đã nuôi con lớn lên, lại đẹp nhất vùng nhất xứ?
Bố dừng lại đau đáu nhìn tôi, lúc ấy, như tìm kiếm một đồng minh. Lần đầu tiên tôi thấy ông cô độc.
Nỗi phiền muộn trong ngôi nhà nhỏ chưa kịp tiêu tan thì ít lâu sau, gia đình chúng tôi lại có biến: Mẹ tôi mất tích trong núi với một gã mục đồng.
Khi ấy bố tôi đang ốm, do bị cái dằm gỗ đâm vào tay trong một lần dùng thanh củi quật vợ. Ông nói:
- Mẹ con đã đang tâm từ bỏ ngôi nhà của chúng ta, giữa lúc chồng đang đau ốm. Quân phản trắc, từ lâu bố đã ngờ đến ngày này. Con gái kiên trung của bố, con hãy thay bố đi vào núi tìm manh mối của bọn gian dâm ấy. Kẻ có tội phải đền tội. Can đảm lên con...
Tôi ra đi cùng con Lốc, mang theo ít bánh sài thục để ăn đường. Sứ mệnh cha giao và sự tin cậy của ông làm tôi vững tâm dấn bước. Lúc ấy là mùa thu, hoa mộc kinh nở trên núi như những đốm lửa xanh, thoảng trong gió se se một mùi thơm hắc. Mênh mang bên đường mòn, những nương lúa mì vàng hoe trải dài, nhắc đời tôi chưa một lần ăn mì. Ven dòng sông lạnh chảy ra thảo nguyên có chiếc thuyền nhỏ nhoi của một ngư dân, khiến tôi nhớ mình chưa hề ăn cá. Đó đây trên những triền núi xám, vương vấn vệt khói xanh từ đống lửa của những mục đồng. Họ thường theo đàn dê của mình xuống đồi bãi và thảo nguyên vào mùa hè, đến mùa khô lại trở về núi. Ai trong số những con người cô độc ấy là người tình của mẹ tôi?
VI.
Từ thuở bé, tôi đã được bố giáo dục rằng làm người, cần phải sống có bản lĩnh. “Hãy sống cho kiên cường, con gái ạ. Không được rung động trước bất cứ cái gì. Lòng trắc ẩn chỉ là phù phiếm, hãy để mọi thứ cúi rạp dưới chân mình”.
Năm ấy mười tám tuổi, như lời của cư dân vùng đồi, tôi đẹp đến kinh sợ. Cao một mét bảy, mỗi đường cong và cử động của tôi làm điếng lòng những thằng con trai. Lớp tôi học ở xóm cuối thảo nguyên hồi ấy có hai mươi sáu cậu trai, đứa nào cũng mê tôi, nhưng ghê gớm nhất là thằng bé có biệt danh Hòn Sỏi. Chẳng ai thèm nhớ đến cái thằng cả đời im lặng như hòn sỏi ở đáy sông ấy, nếu như cuốn vở nhật kí trong cặp của nó không bị đọc trộm, trong đó Hòn Sỏi viết rằng nó yêu tôi đến tôn thờ, ngày nào nó cũng hôn lên khắp người tôi trong tưởng tượng, hôn cả vùng tối và vùng sáng; nó mơ ước sau này chết đi, nấm mồ bé nhỏ của nó sẽ vinh hạnh được tôi đến thăm và đái lên vài giọt! Ôi tình yêu củ khoai mãnh liệt âm thầm! Chuyện vỡ lở um xùm làm Hòn Sỏi xấu hổ đến tái nhợt người, bỏ học vào núi chăn con bò sữa một tuần, còn tôi cảm thấy tình yêu là một cái gì rất buồn nôn. Bọn bạn còn kháo nhau rằng thằng bé thường rời lớp cuối cùng khi tan học, để một mình hít ngửi thật lâu trên mặt ghế chỗ tôi ngồi.
Sau sự kiện đó, Hòn Sỏi chỉ lặng lẽ nhìn tôi từ xa, cái nhìn như sắp khóc. Rồi một buổi chiều, nắng loang vàng thảo nguyên, chiếc quần lót màu cà rốt của tôi phơi trên dây gần hàng rào gỗ sau nhà đột nhiên biến mất. Tôi mải miết đi tìm, chỉ nghe tiếng lục lạc gia súc lẫn trong tiếng gió xa dần. Ngày ấy ai cũng nghèo, một miếng vải đó thôi cũng là vật đáng giá. ít lâu sau có người tình cờ phát hiện nơi giấu nó, ở gần nhà Hòn Sỏi, cuối thảo nguyên, trong hốc một cây sồi.
Thằng bé đã không thể quên được tôi!
Rồi nó chết, vì bệnh thương hàn, như lời nói gở trong cuốn nhật kí hôm nào. Cả lớp tôi đi đưa tang, theo chiếc quan tài nhỏ xinh qua năm trái đồi mịt mù lau trắng. Ngôi mộ như một viên sỏi nhỏ nằm giữa đỉnh đồi, nơi triền miên gió lộng quanh năm. Tôi không có ý định làm theo ước nguyện thiêng liêng của người quá cố, dù việc ấy thật dễ. Thừa hưởng tính cách kiên định của bố, tôi không mảy may có chút xao động giới tính từ khi đến tuổi dậy thì.
Vậy mà mẹ tôi, đã nửa đời người, còn trốn lên núi với một gã mục đồng.
Sự tha hoá này, biết lí giải thế nào.
Tôi cùng con Lốc hướng lên các ngọn núi, men theo dòng sông mà đi. Người mẹ tội lỗi của tôi, bà đang ở đâu, sao không về với ngôi nhà có ngọn lửa ấm. ở trên núi buồn thê lương, và nhiều bất trắc nữa. Ai đó bảo rằng trên ấy có tự do. Tự do là gì, cái đó có thật sự cần không, nếu như con người ta vẫn có thể sống ở một nơi tù túng mà an toàn?
VII.
Tôi trở về nhà thì thấy mẹ. Bà nhìn tôi với ánh nhìn xót xa và lặng lẽ mỉm cười bằng đôi môi rách đọng máu. Không biết ai đã đánh bà - gã mục đồng hay bố tôi. Bố đang ngồi đẽo khúc cây thành một cái thuyền để bán, điềm tĩnh như không có chuyện gì xảy ra. Ông nói: Mẹ mày đã nhận ra lầm lỗi của mình mà tự trở về, không ai ép buộc cả; trên núi đầy sương băng, lạnh lắm, có cả loài khỉ đá đôi khi vẫn hiếp đàn bà; ở nhà này lửa lúc nào cũng ấm, lại có món sài thục dầm tỏi, vạn lần hơn.
- Con đi vào núi tìm bắt mẹ đấy à? - Khi chỉ có riêng hai mẹ con, mẹ tôi thều thào hỏi.
- Con làm theo lệnh của bố thôi. - Tôi trả lời, rồi đi giặt quần áo cho cả nhà (việc này thường ngày mẹ tôi vẫn làm). Từ chiếc quần dài ướt đẫm của mẹ, máu chảy ra đỏ lừ cái chậu. Tôi mất khá lâu mới làm nước trong trở lại, chẳng biết máu do bị đánh hay bà bị hành kinh. Ngày ấy đàn bà con gái có kinh phải thấm bằng vải xô, nhà nghèo thì đôi khi vải xô cũng thiếu.
- Nếu phải ở với bố mãi, con có thấy ổn không? - Lúc khác, mẹ lại hỏi tôi bằng đôi môi sưng vều.
- Con được ăn no mẹ ạ. Sách học thì bố vẫn mua đủ. Nhu cầu của con cũng chẳng nhiều.
Mẹ tôi thở dài. Bà định nói gì đó rồi lại thôi.
Những ngày cuối cùng sống ở nhà, mẹ tôi dật dờ như một bóng ma. Tôi và bố đã quen với cảm giác bà là một tội phạm đầu thú đang được hưởng sự khoan hồng của gia đình. Đến bữa, bố tôi cho phép bà ngồi cùng mâm và được dùng các thức ăn riêng của bà (mẹ tôi đã thề đến chết không ăn sài thục) nhưng phải dùng bát và thìa riêng, ăn xong phải tự đi rửa sạch. Đây là sự nhượng bộ lớn của bố mà tôi cũng thấy bất ngờ. Tuy nhiên, về phần con Lốc, nếu như nó có ý định la liếm chút thức ăn thừa của bà chủ, sẽ bị bố tôi đá vào bụng rất đau.
Những ngày ổn thoả ấy không kéo dài. Một hôm, có người báo, tôi và bố tức tốc vào các nương sài thục ở trong núi. Bố tôi gần như cấm khẩu vì kinh hãi. Hàng vạn củ sài thục non mới nhú lên đều bị bẻ gẫy, nằm la liệt trên đất như những cục thịt hồng hồng. Từ các củ ứa ra một thứ nhựa non nhờn nhợt như máu. Cảnh tượng ấy gợi nghĩ đến một chiến trường trung cổ, sau trận huyết chiến man rợ, đó đây còn vương vãi các dương vật bị kẻ thù cắt xẻo của hàng vạn chiến binh.
Con Lốc sục sạo quanh nương và sủa gắt. Có vài vết chân đàn bà in hằn trên đất và vô số vết gì đó không hẳn giống chân người.
Ai đã móc cơm khỏi ruột bố con tôi thế này?
“Con rắn độc!”, về đến nhà, bố tôi đạp cửa đánh rầm và lôi xềnh xệch mẹ tôi vào gian nhà kho. Ngồi gọt củ ở gian ngoài, tôi chỉ nghe thấy tiếng thở khò khè, tiếng lục khục khó hiểu và những tiếng rú giật lên. Hình như bố tôi đang bẻ từng đốt tay của vợ.
Đêm hôm ấy tôi lén lút mở khoá vào nhà kho. Trăng lên xối bạc khắp núi đồi thảo nguyên nhưng ở chỗ này thì rất tối. Dùng tay rờ rẫm với sự hỗ trợ của chút ánh trăng dè sẻn lọt qua vách gỗ, tôi thấy giữa những thứ đồ lỉnh kỉnh sực mùi mốc ẩm, mẹ tôi nằm dạng chân như một con thạch sùng mềm nhũn, trên người lổn nhổn những củ sài thục non đã được bố tôi mang từ núi về.
Sau này tôi mới hiểu vì sao những củ ấy được trút lên người mẹ. Nhưng thà chịu nhiều lần chết đói, mẹ tôi không để lại vết răng ở một củ nào. Bà nằm im, lịm dần. Tôi đoán bằng cách này, bố sẽ giết mẹ nay mai. Vùng chúng tôi dân ở rất thưa, giết một người cũng như giết một con dê, không ai biết.
Không hiểu bố tôi cố tình như vậy để làm gì. Mẹ mà chết thì ai sẽ giặt quần áo cho cả nhà. Nước sông về mùa khô lạnh lắm, tôi thì chẳng bao giờ muốn ra sông giữa thời tiết này rồi.
VIII.
Dù sao bố tôi cũng là người đại lượng. Ông đã không giết vợ, nhờ thế mẹ tôi được sống, và cũng do vậy mà ngôi nhà nhỏ trong thung lũng của chúng tôi vĩnh viễn mất bà.
Hôm ấy, vào lúc nhá nhem tối, tôi đang bận làm món xúp sài thục trong gian bếp thì nghe bố gọi giật giọng: “Lên đây xem, mẹ mày trốn mất rồi”. ở góc nhà, chiếc hòm gỗ đựng quần áo mở toang, trống hoác.
Chúng tôi vượt khe núi ra thảo nguyên. Bóng tối bò lan trên đồng cỏ, xoá dần những đốm tím của hoa ngù gai. Chân trời phía đông ửng lên một màu xanh biếc. Người và chó hối hả lội qua khúc sông cạn đầy sỏi. “Tiến lên, con gái! Chúng nó chưa thể đi xa được đâu” - bố tôi hét. Chúng nó ở đây là mẹ tôi và gã nhân tình mà bố tôi đoán là tòng phạm của bà. Cũng theo dự đoán của bố tôi, mẹ tôi đã được cõng đi bằng tấm lưng chắc là rất khoẻ của gã.
Con Lốc lao bắn như một mũi tên.
Trong tiếng gió hoang dại, tôi có cảm giác hưng phấn của người đang ở trong cuộc truy đuổi với ham muốn mãnh liệt sẽ tóm được kẻ thù. Sự kiên quyết ghê người hiện trên nét mặt của bố, trong bóng tối, cùng tiếng gió rít, đã kích thích tôi.
Đang chạy, con Lốc đột nhiên dừng lại và rẽ tạt sang phải, chui vào một bãi ngù gai mọc dày. Bám theo nó, tôi bị ngã chúi mặt vào đám lá đầy gai đau nhói, vừa nhổm dậy thì thấy lấp ló giữa bãi cây mọc lúp xúp có hai người đang dìu nhau chạy. Tôi nhận ra mẹ ở cái bóng trắng đội mũ.
Con Lốc sững lại nhìn. Nó không sủa. Tôi ngạc nhiên và sắp buột miệng kêu, chợt thấy con Lốc ngoạm mõm vào quần mình, giật mạnh.
Rồi nó trở lui ra quãng trống, vọt qua bố tôi. Được một quãng, nó sủa ráo riết và cứ thế, vừa sủa vừa chạy tế lên phía trước. Bố tôi ngất ngưởng chạy theo nó. Bãi ngù gai xào xạc lùi lại phía sau. Cuối thảo nguyên, chân trời vô định mở ra như nuốt gọn chúng tôi vào một vùng xanh biếc.
Nhiều năm sau này, tôi vẫn không hiểu cái gì đã diễn ra nơi thẳm sâu tăm tối của nó trong giây phút ấy, một con chó, khiến cho nó trở thành đồng minh giấu mặt của kẻ trốn chạy ngay khi đang rượt đuổi quyết liệt cùng với con người.
IX.
ít lâu sau, tôi nhận được thư mẹ gửi về trường học. Thư không đề địa chỉ người gửi. Bà viết: “Mẹ đang ở một nơi rất xa và bình an, con chỉ cần biết như vậy. Năm trước mẹ từ núi trở về nhà với ý định đưa con theo cùng, nhưng đành thôi khi nhận ra con chưa bao giờ hiểu mẹ. Việc các nương sài thục bị phá một cách bí hiểm, mẹ cũng thấy lạ lùng, nhưng dù mẹ đã kêu oan thế nào, bố con vẫn muốn hành hạ mẹ đến chết. Năm nay nhà đói, con và bố hãy đi vào khe núi phía Bắc thung lũng, nương lúa nương rau của mẹ còn đó, mùa xuân năm trước mẹ và bác chăn dê bạn mẹ đã trồng. Con hãy khuyên bố mở lòng đón nhận nguồn sống ấy, đừng chết vì tự trói mình. Mọi thứ chỉ do con người đặt ra, cũng tự con người phế bỏ”.
Năm ấy, nương rau và lúa mì trong khe núi vắng của mẹ đã cứu bố con tôi. Để khỏi chết đói, lần đầu tiên trong đời, bố tôi buộc phải đưa vào máu mình những chất dinh dưỡng mà ông từng coi là thù địch. Buổi đầu tập ăn thứ lạ, ông thấy ghê sợ và nôn oẹ, rồi cũng quen và thích thú dần. Dù luôn đề cao bản lĩnh kiên cường, ông không có gan tuyệt thực như mẹ.
Điều húy kị ghê gớm của gia đình tôi đã được xoá bỏ, trong một ngày như vạn ngày thường.
Giờ thì tôi đang đứng trên triền núi phía Bắc thung lũng, nơi mùa xuân xưa mẹ đã đặt nhát cuốc đầu. Trước mắt tôi, ngọn núi hùng vĩ ngập vào mây, ngồn ngộn một màu xanh rợn. Trăm loại cây, củ, hạt tựa vào nhau, lấn sang nhau, cùng phất ngọn xanh mà trỗi dậy. Toả lên bát ngát triền cao, nơi hội ngộ giữa trời và đất, hoa dã xuân nở từng vầng xanh biếc, khi xuân về lại đồng loạt chuyển sắc, ngùn ngụt dâng lên như một đám sương mù màu hồng. Cảnh siêu phàm như trong truyện thần tiên.
Sài thục không được trồng trên núi nữa. Trong những giấc mơ của tôi về tương lai, thứ củ ấy chỉ còn trong những nhà kính ấm áp, củ nào cũng phổng phao và ít xơ nhiều bột, mỗi năm được chuyển hàng tấn về thành phố bằng công-ten-nơ. Trên những nương sài thục cũ của nhà tôi bây giờ, hoa mộc kinh màu xanh lam đã phủ kín, bông hoa nào cũng nặng trĩu và thanh khiết. Tôi đứng trong gió cuồn cuộn thổi, chợt thấy u hoài da diết. Giã biệt nhé, sài thục. Cuộc chia tay nào chẳng chạnh lòng.
P.D.N
Nguồn: Văn Nghệ