Tác phẩm hay
Giống mùa nghịch
15:26 | 15/06/2015

LGT: Nhà văn Võ Diệu Thanh quê Châu Phong, Tân Châu, An Giang, hiện chị đang sống và dạy mỹ thuật trường trung học cơ sở ở Chợ Vàm, Phú Tân, An Giang.

Giống mùa nghịch
Nhà văn Võ Diệu Thanh

Giải nhì Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 với tập truyện Cô con gái ngỗ ngược; Giải C của UBTQ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho tập truyện ngắn Gạt nước mắt đi; Giải nhì Cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng Sông Cửu Long; Giải nhất cuộc thi truyện ngắn YuMe 2011 với tác phẩm Người đàn bà đa tình.
“Những truyện ngắn mới sáng tác của tác giả Võ Diệu Thanh thu hút người đọc bằng một lối kể thành thật không màu mè mà đầy xao xuyến về những nỗi niềm của cõi nhân tình thấm đẫm dù cuộc sống có khắc nghiệt đến đâu” (Nxb. Trẻ).




VÕ DIỆU THANH

Giống mùa nghịch

                           Truyện ngắn

Tịnh nghĩ nó chừng một tháng tuổi. Nó đây là đám đậu của chú Tư. Mấy bữa trước màu của nó y như mấy đám đậu bên cạnh. Hôm nay nhìn nó như từ đâu mới rớt vô đây.

Trắng xám. Những cái lá trơ gân. Lóng này mưa nhiều mấy đám cỏ cứt heo bên đường mọc xanh um. Vậy mà đám đậu lại oằn oại. Tụi mày chê mưa? Sắp chết hết rồi chớ gì. Chết đi. Sống chi mà rối ren. Tao cầu cho tụi mày chết rụi cái một. Tao cũng cầu cho tao chết sớm đây.

Mấy thằng con trai trong lớp đang ngắm Nhã mướt rượt, nhìn qua thấy Tịnh già chát như mụ gà ác. Chắc ngứa mắt. Tịnh nhìn mình còn muốn bỏ cơm nữa mà. Cô chủ nhiệm muốn vẽ một bức tranh sốc hàng. Cô xếp Tịnh ngồi gần Nhã. Đứa đẹp càng lộng lẫy, đứa xấu càng nham nhở.

Tịnh thấy nhiều cặp mắt đảo tới đảo lui. Nhất là mắt thằng Quý. Nó dính theo từng cử chỉ của Nhã. Tịnh cười khẩy. Có ai dõi mắt theo Tịnh không? Không là không. Nếu mà có chắc Tịnh hét vô mặt người đó. Đừng có đụng tới ta, dù chỉ là ánh mắt.

Nhưng đêm ngủ Tịnh lại chiêm bao thấy Quý. Nó nhìn Tịnh bằng cái nhìn từng gởi cho Nhã. Quý vuốt những sợi tóc bết trên trán Tịnh. Thấy người mình ấm kỳ cục. Đó là giấc chiêm bao Tịnh thù. Tịnh ghét mộng đẹp. Cô muốn mình chiêm bao thấy chửi bới nhau, nhìn nhau bằng kiểu ăn tươi nuốt sống, đánh nhau lả máu mũi sủi máu đầu... Vậy mới hả dạ. Sao mà Tịnh lại gặp Quý trong lúc ngủ?

Sáng bước vô lớp lại thấy Quý trước tiên. Cái hơi ấm lúc chiêm bao tràn về. Tịnh ngắt mạnh vô đùi mình. Mày chưa biết thân biết phận sao? Quý nhìn thôi là nhìn. Theo cái nhìn đó Tịnh thấy một dáng người mượt mà đang oặt oại. Lạ, người đẹp làm gì nhìn cũng sang. Khóc bù lu nhìn càng quyến rũ.

Tịnh nghĩ mình khóc nhìn chắc như ma. Cho nên lắm khi nhìn ba nắm đầu má đập vô cột nhà, cô không khóc. Cô chạy miết xuống sông, úp mặt chìm trong nước. Nước trong mắt tan với nước dưới sông. Sông khóc chớ ta có khóc đâu. Rõ ràng cô thấy con sông rùng mình. Có lẽ nó nguyền rủa. Sao cô dám úp cái mặt trù cha rủa mẹ của cô vào lòng tôi.

Cả lớp xúm quanh Nhã. Đứa nào mặt cũng héo. “Nhã bớt buồn đi, nội cũng già rồi”. “Nhã khóc vầy mất sức đó”. “Nhã khóc một hồi tôi khóc theo, cả lớp khóc theo cho coi”. Tịnh đứng thẳng dậy: “Mấy người khóc cứ khóc, đừng kéo tôi vô. Bà nội chết mà làm như cô ta sắp chết tới nơi!”. Quý bước tới trước mặt Tịnh: “Bạn có phải là người không? Sao bạn vô cảm vậy?”. Nín mấy giây, Quý tấn công tiếp: “Tôi biết ngày thường bạn không ưa Nhã. Bạn thấy Nhã được mọi người mến nên ganh tị. Bạn xấu lắm. Xấu từ tính nết cho tới... ”.

Tịnh đã chạy đi như vậy. Quý mắng nhiếc nữa đi. Một đứa con gái thù hận cha mình. Đứa con gái đó đáng bị nguyền rủa tới chết.

*

Khi thấy dáng ông vừa phụp vô sân, mấy chị em Tịnh đã rúm người lại. Cả đám đưa mắt nhìn má. Để nói cho má biết con đang ở bên má. Để biết người đang cần tiếp giúp là má. Chút nữa đây ba sẽ giống như một người xa lạ hung bạo. Không phải người điên vì những gì ba nói rất chặt chẽ, đâu đó rõ ràng. Bộ nhớ của ba đã được huy động nhiệt tình. Y như một cuộn băng chỉ ghi những điều tồi tệ. Nó biết cách xả ra đúng giờ đúng giấc.

Chị em Tịnh khuyên má nhịn. Nhưng Tịnh biết khó mà nhịn nổi khi ba nói trên đầu má nói xuống. Nói kiểu moi ruột moi gan má ra xát muối. Như là má ngoại tình, như là má đang định thuốc chết ba. Nếu không phải người cùng nhà sẽ nghĩ những gì ba nói là sự thật. Má là Phật từ lâu rồi nên má nhịn được.

Khi má trả lời, ba có sẵn trong tay cái gì thì cái đó bay. Có khi ngọn đèn dầu đang cháy. Có khi một nồi canh còn bốc khói. Da má bị phỏng đỏ lựng. Má nói nước nóng nhằm nhò gì. Có khi một chồng chén nện từ trên nện xuống. Chồng chén nát bấy. Đầu má liền bon. Thật lạ lùng. Giống như là mình đồng da sắt.

Út Ti nói: “Ba dữ như con sư tử. Bữa nào con kêu mấy chú công an bắt ba. Mấy chú vô bắn ba cái bùm. Ba nằm chết queo, máu chảy ra. Xe cứu thương chở ba ra bệnh viện. Con với má ngồi kế bên ba. Bác sĩ chích thuốc, cái ba khỏe lại, rồi ba về nghỉ nhậu”. Ti suy diễn những điều này từ mấy bộ phim nó coi được trong cái truyền hình hàng nghĩa địa giá trị nhứt nhà. Nó mới ba tuổi. Khi lớn, chắc nó cũng bị y như Tịnh...

Tịnh ao ước ba bỏ má đi đâu đó thiệt xa, có vợ khác cũng được rồi lâu lâu về một lần. Miễn đừng có rượu. Nhưng chiều chiều ba cứ về... Má đã khóc hết nước mắt. Có khi còn mượn nước mắt người khác khóc tiếp. Bây giờ hốc mắt má khô khốc. Lúc mở mắt muốn nhắm lại không nhắm được, phải lấy tay vuốt. Từng ngày má cứ như đang chết giả. Chết giả đáng sợ hơn chết thật. Má treo cổ trên nhánh gáo vàng. Ba lại là người phát hiện. Ba leo lên đạp gãy nhánh gáo. Hai người họ cùng rớt xuống. Duyên nợ họ là vậy.

Tịnh hỏi sao má không bỏ ba đi luôn cho rồi. “Đi rồi bỏ tụi bây cho ai. Mà dẫn tụi bây đi ổng chặt đầu tao. Chết có sợ gì nhưng sợ con mồ côi. Chỉ khi nào chịu hết nổi, chết phứt thì thôi”. Vậy là họ sống với nhau, để lại ám ảnh cho chị em Tịnh.

Không biết từ khi nào Tịnh nhìn vậy. Ba cảm thấy điều đó. Một lần ba đi xa hai tháng. Cả nhà được hai tháng bình yên... Rồi ba về. Út Ti không mừng ba. Tịnh không muốn nhưng vẫn nhìn, như nhìn cái giọt mưa lớn chảy giữa mùng lúc nửa đêm, như nhìn bà chủ vựa gạo đứng chống nạnh hỏi “chừng nào mấy người mới chịu trả hết tiền gạo”.

Nhưng ba đã mang theo ánh mắt đó đi rồi. Khi chưa tròn năm mươi tuổi. Mắt Tịnh khô queo. Tịnh lại úp mặt xuống sông. Mày nói đi, ba mày chết trẻ mà mày vắt không ra nước mắt là sao? Nói đi.

Ngày đám ma chỉ có má khóc. Hu hu theo má là Út Ti. Nó là đứa ăn theo vô tư nhất. Mấy đứa em kế Tịnh mỗi đứa một tô cơm, ngồi múc ăn tỉnh queo. Ăn xong tụi nó chơi năm mười giữa đám khách khứa. Lúc đó Tịnh mười lăm.

Minh họa: Hoàng Tường


*

Từ cái nhìn của Quý trước mặt Nhã, Tịnh đã chạy thẳng tới chỗ đám đậu.

Những cái lá xòe ra tả tơi, loang lổ. Mấy con sâu để lại trên đọt non những đống cứt màu xanh sậm. Có phải kiếp trước tụi bây là một đám cà độc dược, ăn tới đâu khùng tới đó. Tịnh không khóc nữa dù trong lòng cô các thứ đang sắp trào, sắp bung ra.

“Con ai, ngồi đây chi?”. Ông ta vác một cái bừa, bên cạnh một con bò lớn. Tịnh lẳng lặng đứng lên, ấn chân lên bàn đạp xe. Đạp được một khúc cô ngừng lại. Người nông dân vác bừa vô đám đậu làm gì?

Ông gác ách lên cổ bò. Vòng sau cây bừa, quất một roi, con bò rảo bước. Dưới hàng lưỡi bừa, mấy cây đậu lật ngang, ngã quẹp. Tịnh la lên: “Chú, sao lại bừa trong đậu?”. “Còi cọc hết rồi, để chi?”. “Nó có muốn vậy đâu”.

Ông quắc mắt nhìn Tịnh. Cô có ba trợn không. Tịnh thấy câu hỏi đó bằng mắt. Mình vô phương cứu được đám đậu. Cô học trò này kỳ cục à nghen. Ông dịu giọng: “Sâu bệnh dữ quá, trồng cực mà không có trái trăn gì. Phải phá bỏ trồng thứ khác!”.

“Đáng ra chú đừng trồng nó. Trồng chi rồi...”. “Mắc mớ gì cô?”. “Không mắc gì hết. Ông cày đi!”. “Cô có sao trong mình không?”.

Mặt Tịnh lạnh tanh. Ví như ông có chửi Tịnh đồ khùng, đồ quỷ cái Tịnh cũng thấy thường. Tịnh quen rồi. Tịnh không giận đâu. Có lúc cô còn chửi mình thậm tệ hơn.

“Hậy” - một đường bừa nữa bặm trợn hơn. Đất cồn đỏ au. Nó không thèm nuôi những cây non mùa nghịch. Tịnh cũng như mấy cây non này. Cô không được ươm trong màu đỏ đất cồn. Cô mọc trong một cái chậu đầy đá. Rồi mưa gió sâu bệnh trùm lên.

Tịnh có cảm giác do mình. Do má lỡ đẻ ra con nhỏ có tướng ô dề như mình mà má khổ từ khi có chồng tới khi chồng chết. Giờ có sung sướng gì đâu. Một mình làm mẹ làm cha của bầy con nheo nhóc. Nghèo ho ra bụi.

Đêm đó mưa dầm cho tới sáng. Mưa xối lên tấm nhựa da rắn che nóc mùng chảy có giọt ngay bên hông Tịnh. Tịnh nằm trong mùng nhìn dòng nước. Giống mình ngủ kế một con thác nhỏ. Tịnh chiêm bao thấy những cây đậu bị lưỡi bừa dập xuống. Trận mưa tràn lên, úng lầy từ gốc tới ngọn. Cô biết là cuộc đời cô cũng như vậy đó. Mãi mãi cô cũng không có được nụ cười như một cô gái bình thường. Nói gì cao sang như Nhã. Tâm hồn cô đã bị sâu bọ moi móc hết mấy phần. Người ta chỉ muốn bừa cho nó bật gốc. Quý là người muốn Tịnh bật gốc sớm hơn ai hết.

Má không hay cô bỏ học. Bà phải lo cái hũ gạo lúc nào cũng trơ đáy.

*

Tịnh không muốn nhìn thấy đám đậu nữa nhưng lại muốn đối đầu với nó. Nó đáng bị như vậy vì ông trời đâu có biểu nó đẻ trong mùa này. Nó chết hết cũng tốt. Cô có mất hết tương lai cũng không sao. Cô không muốn mình có tương lai. Đi đâu cô cũng nhớ ánh mắt bất lực của ba lúc lìa đời. Mỗi khi bưng cơm cúng ba, cô không dám nhìn hình ba trên bàn thờ.

Những con sâu rồi cũng không còn muốn cắn xé nó. Vùi dập xong rồi. Như còn nghe được mùi hôi của những vết thương. Ủa, ngoài mấy đường bừa hôm trước những hàng đậu vẫn nguyên. Có lẽ người nông dân cũng thấy đau đâu đó trong mình.

Tiếng chân người làm Tịnh giật thót. “Bây lại tới à. Tao nghi nghi vậy”. “Chừng nào thì chú xới tiếp?”. “Tao muốn để nó lại. Tự nhiên muốn trồng một bận nghịch mùa coi sao. Hôm qua tới nay mới xịt thuốc dưỡng cho nó”. “Mắc mớ gì chú phải cực thân với nó?”. “Vì... vì bây thích nó”.

Tịnh cười khịt. Thích hồi nào đâu. Nhưng cô quay mặt đi. Cô biết mình sẽ khóc khi nhìn mặt chú Tư. “Ui trời, con nhỏ này, tao nói gì sai mà rớm nước mắt vậy?”.

Nước mắt Tịnh càng chảy nhiều hơn. Vậy mà ngày đó cô không khóc. Chú biết không, con không khóc. Con nhỏ bất hiếu này cầu cho ba nó chết... Nếu như cô bước tới, nắm tay ba, có thể ba không chết. Cô nghĩ vậy. Cô chỉ đứng nhìn ba. Lòng trống rỗng. Không có một chút gì động đậy trong đó. Cô thấy sợ ba. Y như những ngày ba còn sống, không bao giờ cô lại gần ba.

Cô bước ra ngoài. Ánh mắt đó có nhìn theo. Mắt đang nghĩ gì. Cô không đọc được. Cô chỉ thấy mùi rượu từ miệng ba tràn vô mũi cô. Nó tràn mười mấy năm qua. Giờ ba không uống giọt nào cô vẫn thấy y như vậy. Cô thấy chút nữa đây, khi ba bước khỏi giường bệnh sẽ lại ngồi đâu đó bưng ly rượu lên. Trước giờ vẫn vậy. Nhưng ba đã không ngồi dậy. Tịnh lại thấy - nhẹ - trong - người. Tịnh kinh sợ cảm giác đó của mình. Chú có thấy kinh sợ một đứa con gái như con không, chú Tư?

Người nông dân đeo bình xịt lên vai. Những hột nước nhuyễn phun trùm lên luống đậu một màng mờ.

*

“Tao mới rầy lộn với thằng con. Nó thấy ngò rí bán nhiều tiền hơn. Nó nói ba nghe ai mà không phá nó?”.

Tịnh nhìn mấy cái bông vừa chớm nở đã rụng, đen rụi dưới gốc đậu. Mình là hiện thân của đen tối. Mình hại chú rồi.

Tịnh không cầu nguyện cho đám đậu. Tịnh biết Phật trời không bao giờ ủng hộ một đứa như Tịnh. Đi học ngang, cô chỉ ngồi lại với nó một chút, vuốt tay lên những cái lá thô ráp. Không một lá nguyên. Lá bị sâu, lá bị bạc đầu.

Vậy mà cũng sót lại mấy chùm bông.

Mùa về, chú Tư với Tịnh hái có một buổi đã xong. Những trái đậu cụt ngủn teo ngắt nằm loe hoe trong thúng. “Nó nhiều đậu đá lắm. Chắc không ai mua”. Chú Tư chồng hai thúng đậu lên nhau, bưng đi. “Chú không cho cháu mớ nào à?”. “Xin làm gì? Bây về lo học. Mùa sau đậu tốt hơn tao cho”. “Con muốn xin những trái đậu này mà”. “Không! Về ráng học! Đậu đại học tới gặp tao, tao cho bây nguyên một mùa đậu trên miếng đất này!”.

Khi Tịnh dợm đi chú kêu lại: “Bây không phải là người xấu. Người xấu không biết ám ảnh những lỗi lầm của mình”.

Tịnh không dám tin điều chú nói nhưng cô thấy lòng nhẹ hơn. Khi nhìn bàn thờ ba, cô thấy mắt ba ấm áp, gần gũi. Ba ơi, con vẫn luôn thương ba, nhớ ba. Con biết ba cũng thương tụi con nhất...

Tịnh hỏi má về ba. Má nói hồi trước ba đâu có vậy. Đẹp trai nhất. Học giỏi lắm. Nghèo nhưng đậu đại học y khoa. Ước mơ của biết bao nhiêu học sinh thời đó. Nhưng khi ba về ký lý lịch để đi học, ông cán bộ xã chần chừ hoài. Ông ghét cái mặt đầy tự hào của ba. Ba giỏi hơn con ông. Ông kiếm đủ đường để không ký hồ sơ. Rồi ba với ông gây nhau. Hồ sơ vẫn không được ký. Ngày nhập học qua dần. Vậy là ba bỏ học.

Người đó bây giờ giàu có lắm. Con ông ta học lòng vòng cuối cùng cũng vô đại học tại chức gì đó quyền thế ngon lành. Nhìn thấy họ nghinh nghinh ba ghét. Ghét nhưng làm gì được họ. Ba mượn rượu chửi họ. Rượu làm cho ba dễ buồn dễ giận dễ hoài nghi. Ba không còn minh mẫn để làm trọn vẹn bất cứ việc gì.

Ba nhìn thấy má ao ước một người chồng chí thú làm ăn. Đối với ba kiểu đó là ngoại tình trong tư tưởng. Ba còn nói từ tư tưởng tới hành động mấy hồi. Vì vậy mà những cái tát tai, nắm tóc má ngày càng cay nghiệt. Khi tỉnh lại ba rất đau lòng, rất buồn. Ba không đủ sức chịu đựng những cơn buồn, phải uống cái gì đó cho quên. Lại rượu. Nhưng rượu lại gợi nhớ những phiền muộn, căm hờn...

Ba ơi, con gái sẽ hoàn thành tâm nguyện của ba. Con sẽ ráng học. Con đâu có bất hạnh. Con có ba, có má, có chú Tư nữa. Con đã có một người để coi như ba, ba biết không?

*

Quả thực, Tịnh vào đại học. Cô muốn biết mùa đậu mới sao rồi.

Hai chú cháu ra rẫy. Những chùm đậu chín đen, trái dài, bu quằn cây.

“Ui!” - Tịnh không thể tin. Những hột đậu giống đèo đẹt mà cho lứa sau như vầy hả. “Mùa nghịch, những cái bông khác không chịu nổi. Tụi này gan góc lắm đây. Còn khắc nghiệt nào mà tụi nó chưa nếm đâu. Giờ thuận mùa rồi, sức lực tồn trữ để dành cho trổ bông kết trái. Tao hứa rồi, tao cho bây hết đám đậu này”. Tịnh nũng nịu: “Mà liệu... con có sự nghiệp không chú?”. “Hỏi khùng!”.

Mỗi lần đi học trên thành phố về, Tịnh hay ghé nhà chú Tư. Thím mất sớm, con trai chú thì đi buôn bán xa. Có bữa Tịnh nấu cơm hai chú cháu ngồi ăn. Tịnh hay ép chú ăn thêm. “Có bây tao ăn vậy là nhiều lắm rồi”.

Giống như Tịnh được về nhà. Cô hay để ý những món chú Tư thích. Tịnh kể cho chú nghe đủ chuyện. Chuyện chiêm bao thấy Quý, kể cả những ganh tị với Nhã. Nói cho chú nghe mà giống như tự thú với mình. Chú nói do Tịnh bất hạnh mới sanh cảm giác đó. Ráng giỏi, có kết quả tốt từ từ rồi cảm giác đó mất đi thôi. Giờ Tịnh được nhiều người mến cũng kể cho chú nghe. Cả chuyện Tịnh yêu Cận trên thành phố. Lúc này chú lại rầy Tịnh nhiều. “Đừng có dễ ngươi”. Nhưng mắt chú sáng mà ngập ngừng.

“Sao chú tin con sẽ có sự nghiệp?”. “Không vì sao hết. Tao trồng đậu cũng mùa trúng mùa thất. Người là đất chớ đâu phải thời tiết mà khó dò. Tao nhìn tao biết”.

Tịnh tự hỏi nếu rủi mà chú chết, không được ngồi kể chuyện chú nghe chắc cô... Cô đã khóc ngon lành một mình khi nghĩ về điều đó.

Có điều sau lần Tịnh lo thi tốt nghiệp lâu lâu mới về, tới chừng gặp thấy chú lạt xèo. Cô vô bếp nấu cơm. Chú cặm cụi hốt đậu vô bao, không nhìn Tịnh.

“Về nhà ăn cơm với má bây đi, cho bả vui”.

Lúc bước ra khỏi nhà chú, Tịnh quay lại nhìn. Đậu đã trút hết mà chú vẫn cầm y cái thúng dính miệng bao, đứng nhìn trân trân theo. Mắt chú muốn gởi cái gì đó.

*

Cận thích Tịnh nhiều mặt. Nhưng anh ngưỡng mộ nhất là những gì chú cháu họ đối đãi với nhau. Anh đòi về thăm chú Tư cho kỳ được. Anh nói anh thích ông già này quá. Mấy chú cháu đang nói chuyện, một người phụ nữ đầu đội khăn rằn từ nhà sau bước ra. Thấy Tịnh, bà nhìn một cái rồi đi trở vô.

Tịnh chưa kịp hỏi, chú Tư đã nháy mắt. “Thím Tư bây, tao mới kết bả đó. Mai mốt bây lợi đây thưa thưa thôi nghe”. “Sao vậy chú? Hồi nào giờ con muốn ghé lúc nào thì ghé mà”. “Bả ghen! Bả thấy tao nhắc bây hoài bả ghen. Tao với bây người dưng nước lã, lỡ bả đơm đặt với má bây thì biết ăn nói làm sao”.

“Không, con không để chú bị hiểu lầm như vậy được. Để con nói với thím...”. “Thôi bây! Đàn bà ghen có biết phải trái gì đâu”. Chú bỗng nắm tay Cận: “Cậu ráng lo cho nó. Tôi tin cậu”.

“Con không chịu. Sao mà không cho con ghé nhà chú. Con không...”. “Bây nghe lời tao, về đi. Cậu đưa nó về đi!”.

Tịnh theo Cận về. Lúc lên xe Tịnh quay đầu nhìn lại. Sao kỳ vậy chú. Tự nhiên rồi con không được coi chú như cha. Tự nhiên rồi nơi này cấm cửa con. Đây là nhà, là nơi ấm áp nhất của con mà. Con không muốn. Tịnh lắc đầu. Mắt cô dày nước. Môi cô vừa mím vừa mếu. Xe đã đi một đỗi xa cô vẫn còn ngoái đầu nhìn...

Chú Tư nhìn theo Tịnh. Khi không còn thấy cô nữa, ông ngửa mặt lên nhìn trời và muốn khóc.

Tịnh ơi, đi đi. Đừng nhìn ta như vậy. Đừng khóc. Ta đau lắm. Tại sao ta không thể coi cô như con gái ta. Ta không biết nữa. Ta tệ quá... Ta biết cái gì đang lớn trong lòng ta. Mấy tháng nay ta vừa trông ngóng cô về vừa mong cô đừng ghé đây nữa. Mà tốt nhất cô đừng có ghé lại đây. Dù đi đâu, trong ngôi nhà này, trong con đường ra rẫy, trong từng cây đậu gốc cà, chỗ nào cũng có bóng dáng cô...

Người phụ nữ khăn rằn từ nhà trong bước ra. Bà nhìn anh trai mình rồi thở một hơi dài. “Ông bà mình nói rồi. Đàn ông đàn bà đừng có rề rà với nhau. Không sanh chuyện nhỏ cũng chuyện lớn. Chữ tình nó không từ một ai hết”.

Quanh nơi họ đứng, dài từ đầu cồn tới đuôi cồn một màu xanh mượt mà trùm phủ. Chú Tư biết mình cũng đang sống trong mùa nghịch. Có sao đâu, ông quen rồi, ông chịu được. Miễn Tịnh gặp được mùa thuận, trời ơi, ông chỉ mong cho cô gái của ông được như vậy mà thôi.

V.D.T
Nguồn: Tuổi Trẻ Cuối tuần






 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Các bài đã đăng
Hương thôn dã (21/05/2015)
Sài Thục (31/03/2015)
Nợ người dưng (17/03/2015)
Bay lên (09/03/2015)