Tác phẩm hay
Thung lam
08:15 | 18/08/2015

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài sinh năm 1972, dạy Văn tại trường THPT Tân Kỳ, Quỳnh Lưu- Nghệ An. Giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn Nghệ năm 2006 - 2007.

Thung lam

Thung Lam mang lại hạnh phúc cho tôi không chỉ trong khi viết, mà nó mang lại hạnh phúc nhiều hơn đó là khi nó được nhiều người chia sẻ… Có người nói với tôi đã khóc khi đọc Thung Lam (không phải là người sống xa quê), có người nói đọc đến lần thứ ba mới phát hiện ra nhân vật mỗi lần về mất một thứ, và dần mất hết… có những người nói tôi viết cho họ (chủ yếu là đàn ông), có người nói Thung Lam có tính toàn cầu, cũng có người nói với tôi đọc mà không hiểu, và tôi còn nghe đâu đó có người đọc rồi nói, cha mẹ nó (cha mẹ của tôi) còn sống chứ đã chết đâu… (Hồ Thị Ngọc Hoài).
Thung Lam đầy chất thơ. Một chất thơ từ giọng văn nhiều cảm xúc, từ vẻ đẹp của thung Lam như nguồn cội tinh thần, như điểm tựa cuộc sống, từ nỗi niềm buồn thương tiếc nuối những giá trị truyền thống đang có phần phai nhạt, xói mòn trong cuộc sống hiện đại. Truyện viết nhẹ nhàng, day dứt và bảng lảng. (Phạm Xuân Nguyên).




HỒ THỊ NGỌC HOÀI

Thung lam
       Truyện ngắn


Chẳng trách người ta kêu đời không hề đơn giản. Càng sống tôi càng thấy mình còn lắm non dại, khù khờ. Hai mươi lăm năm nói được gì? Ba năm trầy trật ôn thi. Bốn năm kinh thành ăn học. Còn lại là cái thời mà hầu hết ai cũng trải. Một ít chữ nghĩa, và tí ít kinh nghiệm sống chưa nghĩa lý gì.

Chỗ làm việc khác nhiều so với tôi tưởng tượng. Âm u tẻ nhạt. Cái cao cả ẩn nấp. Sự thấp hèn mọc như cỏ nơi đất hoang tù đọng, bẩn thỉu. Người ta cứ hay phức tạp một cách vặt vãnh để cho sự thông thoáng, phóng túng chết ngạt. Đơn giản những thứ mà lẽ ra phải chăm chút tỷ mỉ. Sự nông cạn hời hợt thì được trang sức bằng lối quan tâm màu mè, giả dối, hoặc không thì cũng để nó trần truồng đến ngây ngô.

Tôi thấy có những xói lở. Nhiều đêm nằm nghĩ vẩn vơ. Cái vẻ ngơ ngác của tôi (mọi người vẫn hay nói thế) có phải vì rừng núi, vì thung Lam đã nuôi bằng những trong trẻo, tinh khiết hay vì nó không dạy được cho tôi sự tinh khôn, láu lỉnh? Gặp người nặng lời là lại bị chê: "Quê mùa!".

Tôi muốn đi thật xa! Từ ngày nào tôi đã muốn như vậy rồi. Nhất định tôi phải đi! Tôi giục tôi, dữ dội, nóng bỏng. Thứ bảy đến, tôi lại siêng đạp xe ba mươi cây số về để nói chuyện với cha mẹ, để chê bai. Đến khi đã chín, đã đủ sức làm cú bật nhảy vòng cuối, tôi vòng vèo trước rồi mới báo chuyện. Cha mẹ như bị trút dầu sôi lửa bỏng.

"Hằng ngày con thấy người ta vừa coi khinh vừa sợ, vừa chế giễu đằng sau, lại bỡ đợ xu nịnh ngay trước mặt, mới nhổ toẹt như gớm giếc giòi bọ, lại liền đó trơn lỳ vuốt ve chiều chuộng...".

"Khổ thế đấy con ạ. Không ai muốn vậy, chắc họ cũng không sung sướng gì khi làm thế. Con đừng dại dột". Cha nhẹ nhàng. Còn tôi không thể quay lại. Không muốn quẩn quanh với những gương mặt ơ hờ, nhờn nhợt.

"Người đàn bà nắm giữ quyền lực sắc sảo khôn ngoan nhưng tham lam, thu phục lòng người rất giả dối tinh vi. Cái gì cũng làm con chán. Cha cho con đi!". "Chán! Chán mà được à? Muốn làm chi thì làm à? Được, có giỏi thì cứ đi luôn đi!".

Cha nổi trận lôi đình. Mẹ tôi thương con, tiếc của rên rẩm: "Nó dám làm việc tày trời. Khốn khổ chưa. Nó bị điên mất rồi".

Cha uống nhiều rượu hơn, nỗi đời tạc thành bóng bất động. Tôi tan nát, khổ đau nhưng không thể quay lại phía sau. Không thể khác được, tôi lặng lẽ ra đi trong lời xin lỗi âm thầm, và nóng bỏng nguyện ước đền đáp mai sau.

Lên xe, rồi lên tàu, tôi dấn thân bằng những tính toán đơn giản. Một người bạn bên phố biển. Một ít tiền dành được. Một tấm bằng đại học. Hai mươi lăm năm làm người, với một điều nữa rất cũ rằng: Tiền bạc có ở ý chí và sức lực.

Chặng đường xa lặng lẽ, tôi khấp khởi mơ tưởng, lại mơ hồ lo sợ, đôi khi lẩn thẩn chắp nối lại những ngày qua:

"Nguyện này, thế là xong việc con rồi nhé! Hừ, mấy tháng trời xin việc cho con, cha khôn ra nhiều".

"Con biết cha khôn ra những gì rồi!".

Tận trong hẻo núi cha lặn lội nếm thêm mùi đời. Mỗi chuyến đi đi về về lại đem chuyện kể cho mẹ và tôi nghe, xong việc mới tổng kết một câu như vậy. Công nhận là phải vất vả trầy trật mãi, phải đổi bằng mồ hôi nước mắt, bằng tiền xương, bạc máu mới được thế. Ừ, thì cha mẹ đã phải bán xương róc tủy từ ngày anh em tôi cắp sách đến trường, cho đến đận vừa rồi, lo cho tôi được yên danh phận, lần lượt bò đực, bò cái ra đi. Suýt nữa thì đi luôn cả con bò giống.

Ở cái vùng heo hút cuối huyện, thi thoảng mới có một đôi đứa theo học lên cấp ba, lại ăn sắn, đi chân đất như cha mẹ tôi mà lo lỏm được thế là cả một huyền thoại. Thế mà khi mới nếm tý chút mùi đời, tôi đã kiếm cớ làm cái việc điên điên khiến mọi người trố mắt. Ngay từ những ngày đầu đến cơ quan, chẳng phải là hoa hậu, hay từ Mỹ, từ Úc đến, thế mà người ta đã bình phẩm khen chê:

"Trong hang hốc ra mà cũng làm kiêu kia đấy".

"Kiêu gì. Nó ngơ ngơ, dài dại thì có".

"Nó từng bị chứng bệnh thần kinh, hay bị ma bắt gì đó".

"Một đống tuổi chưa thấy yêu. Chắc là có vấn đề!".

Tôi kiểm tra, rà soát lại bản thân, rồi co dúm lại.

Mãi sau này có chị nói với tôi: "Đừng tránh những cuộc buôn dưa lê. Phải chê cùng, hoặc khen cùng, biết theo tiếng nói số đông. Nói thật mạnh vào. Nhiều khi phải khen chê um tùm lên cho người ta phải nể một kẻ khôn ngoan hiểu đời. Biết không?".

Một năm đi làm, tính ra thì cũng biết thêm nhiều thứ. Thử so với trị giá hai con bò xem? Ô. Những bài học làm người phải là vô giá chứ?

Người đàn bà chừng đã bốn mươi, gương mặt đẹp sắc sảo, nhưng không có vẻ là Tú bà, đưa tôi về khách sạn bên biển vừa mới xây xong. Họ chọn tôi, nhưng tôi cũng phải chọn mặt gởi vàng. Họ cần tôi nhanh gọn đơn giản. Còn tôi cũng chẳng chần chừ khi tạm có chỗ dừng chân như thế.

Đến một chiều, trên ban công nhìn ra biển bao la, người đàn ông thuê phòng số Sáu tầng ba đã làm quen, hỏi chuyện tôi. Lắng nghe, gật gù, gương mặt vuông vức trung hậu giãn nở ra những đợt sóng hào quang. Các chi tiết trên gương mặt nói lên sự thông thái, và chuẩn mực, chắc không phải là người thường.

"Thì ra thế! Đã tốt nghiệp đại học Tổng hợp Văn. Thế sao lại làm ở đây?".

"Cháu (tôi chọn mãi cách xưng hô) muốn trực tiếp với "Cây đời mãi xanh tươi".

"Được lắm! Mức sống?".

"Có thể dành dụm được chút ít".

"Thời gian làm việc ở đây là bao lâu?".

"Đến khi nào cháu thấy cần phải thay đổi, có đủ điều kiện để thay đổi.

"Tự do,thì hay lắm, nhưng dễ mà phải trả giá đấy".

"Vâng"

"Nhiều người cứ cao ngạo cho mình là thế này thế kia nhưng lại không thoát ra được cái điều mà họ không muốn. Vênh vang sống trong những nô lệ, thống khổ".

Điều đó có vẻ như không phải ông khách nói cho tôi ghe. Ông như chìm vào một điều gì đó.

Sau lần nói chuyện, ông khách nhìn tôi thân thiện, cảm mến, ngày sau chia tay ông nói sẽ còn gặp lại.

Khoảng một tháng trôi qua, tôi gặp lại người khách yêu biển đến mức rằng hễ bộn bề bức xúc, căng thẳng, buồn phiền, hay nhàn tản là lại lên xe tìm đến biển. Thấy ông, tôi vui như vui được gặp lại tri âm, và cũng không ngờ lần gặp lại này đã làm thay đổi cuộc đời tôi.

"Vì sao cháu không chịu yên ổn với công việc ở nhà thì có nhiều lý do lắm ạ. Chán nhất là người ta cứ nghĩ theo nhau tạo thành một cái gì đó thật bền chắc, rồi cho nó là tuyệt đối, lý tưởng, rồi đe doạ, cản trở những ý tưởng, sáng kiến. Những đại điện quyền lực thì đui điếc bóp chết những giá trị...".


Tôi ham nói kiểu cụ non. Nói như sợ không được nói. Những gì biết được, nghĩ được tôi đều tuôn ra như tháo cống xả lũ. Sau đó ông khách đã giúp tôi như kiểu tiên bụt hiện ra giúp nhân vật nghèo khổ trong chuyện cổ. Tôi phấp phỏng, bâng khuâng, líu ríu theo ông đi nhận lộc sống mới cho tương xứng với tấm bằng đại học Tổng hợp Văn.

Ra đi, và tôi đã nén giấu tất cả lại như nén giấu cái thiêng hòng chờ một ngày nào đó trở về mới mở ra tất cho vỡ oà sung sướng, để được thấy trong ngày về chân tơ kẽ tóc cũng thấm ngấm cái ngây ngất của hạnh phúc. Thế mà tất cả đều ngược lại. Tôi lên tàu trở về vì mẹ đau nặng. Quãng đường xa bồn chồn ruột gan, oà nhạt nước mắt vì cứ tưởng ra điều hung dữ. Tôi rễu bước thấp cao hít thở mùi quê. Dọc đường, gặp một vài người làng, nhìn nét mặt họ lặng lẽ nói lời bất thường, bỗng những lời cầu nguyện của tôi sập sùi, hờn tủi trong bóng tà tím lặng. Đến ngõ nhà, mùi khói nhang làm chân tôi bủn ra, lịm nhoèo. Đau đớn cướp mất hồn xác.

Tỉnh dậy, tôi vật vờ nơi mộ mẹ.

Tôi luôn miệng cái câu vừa để yên lòng, nhưng đầy cấu xé: "Mẹ không trách con cha nhỉ!?"

Rồi thẫn thờ, lặp đi lặp lại: "Bệnh của mẹ không phải vì con cha nhỉ"?

Mọi người xoa dịu cho tôi nỗi xót đau. Khi nhà chỉ còn tôi với cha, tôi mới nhận ra cha tươi tỉnh hơn vì sự trở về của tôi, gương mặt cha như dần tan những u hoài, cô đơn, cui cút. Nét già nua khắc khổ tản sau ánh mắt tràn ngập yêu thương.

Tôi ngồi với cha bên thềm, nắng chiều nhạt dần đầu ngõ.

"Con có nhớ Thung Lam không?"

"Con nhớ lắm!"

"Cha vẫn giữ cái chòi cho con".

"Thế ư cha?"

Thung Lam và tuổi xưa trở về.

Hai anh em tôi thay nhau dắt bò vào tận thung sâu. Năm thứ hai, rồi năm thứ ba trầy trật ôn thi, cơm nắm cơm gói tôi đưa bò vào thung đến tận chiều mới về để không phải nghe mẹ kêu ca, bàn hơn tính thiệt. Tôi biết ơn thung Lam. Bạn trong vùng chỉ rải rác đôi ba đứa, rồi chúng lấy chồng tứ chiếng, tôi vẫn cười bò vào thung. Mấy hôm đầu theo anh trai đi thung thì sợ, quen rồi lại mê. Sướng nhất là nằm chòi, đu võng, đọc sách, nghe chim hót, mang tác, cu rừng gáy. Giai điệu, hương vị của Thung Lam ngấm vào tận xương tủy. Chiều về bụng bò căng như có chửa, cả bò và người đủng đỉnh, vài củ măng, đôi bắp chuối, hoặc một ít củi. Tôi không tin chuyện thung có ma. Ma không có mà chỉ thỉnh thoảng gặp thú rừng. Mới đầu chỉ thấy rắn cũng chạy té mạng về chòi, sau thì lì dần. Mãi cũng không quên lời dặn của cha: "Đừng một mình vào sâu, lỡ gặp thú hiểm".

Nhớ nhà, nhớ thung Lam, thèm ngày về no tròn sung sướng, thế mà...

Cha nói sang chuyện khác.

"Nhiều tuổi rồi mà con không lo chuyện chồng con gì?"

Chồng con ư? Có một người đàn ông goá vợ, âm thầm ban cho tôi những điều rất khác với mọi người mà như không đòi hỏi lại gì. Tôi được tôn quý, được nâng niu như một loài hoa lạ. Đó là người khách đã ở phòng số Sáu tầng ba bên biển dạo nào. Và Song, chàng trai đã chinh phục tôi bằng cá tính mạnh mẽ, lăn xả vào sự dùng dằng, như thấu được chỗ phức tạp trong tôi. Song, chàng trai phố thị ấy có bề ngoài hào hoa, nhưng chất bên trong thuộc thiên bẩm nhiều hơn là được gọt giũa.

Chuyện tình cảm của tôi bộn bề ngang dọc. Khao khát trao gửi đến cháy bỏng nhưng tôi không dám phũ phàng làm đau đớn một ai. Không đủ sức, không có quyền làm một trong hai người tổn thương, đành nén mình, mòn mỏi câm lặng, cứ để mặc cái nóng bên trong rực đốt, mà giá băng phía ngoài không tan chảy nổi. Khi không vô tư, và dứt khoát được con người ta thật khổ.

Nhớ về thuở thung Lam, hồn nhiên vô tư theo bò, ôm sách đọc. Cũng có lần đầu óc cứ căng nhức lên vì lòng đôi ba ngả. Nên ở nhà yên ổn, an phận với cha mẹ với thung Lam, không nhọc óc thi thố, hay cứ hy vọng mà dấn thân cho biết chân trời góc bể? Nhưng chuyện đó không rối ren, bế tắc đến mức phó mặc như chuyện này.

Cha chờ. Còn tôi chẳng muốn cho cha biết những rắc rối tình cảm làm gì. Chẳng đâu vào đâu cả, biết nói thế nào. Cha như nén tiếng thở dài trong bóng chiều. Tôi đứng dậy đi thổi cơm, nói kiểu qua chuyện:

"Cha đừng lo, ở thành phố người ta thích lấy chồng muộn, thậm chí lại thích sống độc thân".

Sáng hôm sau. Cảm giác ngất ngây trên con đường xưa về với thung Lam, khiến tôi thấy thương cả những cái ổ gà, những chỗ xói lở, chỗ trơ đá mè đá con lởm chởm, với dốc xiên dốc vẹo của con đường. Tôi run lên, nước mắt ứa ra khi từ xa nhìn thấy cái chòi. Bao năm rồi mà cha vẫn giữ nó. Tôi biết mỗi khi nó rách nát, xiêu vẹo là cha lại sửa. Cái chòi nhỏ bé, đơn sơ nhưng sức chứa thì đến vô tận.

Một trưa tháng tám, tôi đang vắt vẻo trên võng rừng thì cha cầm giấy trúng truyền đại học vào tận thung khiến tôi nhảy cẫng lên ôm cha sung sướng, tôi thấy thung Lam lắc lư, ngất ngây say. Giây phút ấy hình ảnh cha và thung Lam luôn làm xao xuyến ký ức tôi.

Tôi bước sâu theo lối cũ lùng tìm cảm giác từ những giao nối của ngày hôm qua và hôm nay. Sự tri âm, san sẻ như một cố nhân khiến tôi dìu dịu, lâng lâng. Khi trở lại chòi, tôi sững sờ thấy cả thung Lam bị biến đổi dữ dội. Song ư? Làm sao chàng trai hào hoa của phố phường lại có thể...? Tôi đứng lịm ngắt, mà máu thì như đổ hồng lên khắp da thịt. Không tin ở mắt mình. Không tin có thể là như vậy. Đây là vùng rừng núi xa xôi heo hút và càng không phải là rừng núi trong truyện cổ, thì sao anh lại hiện ra như có phép thần thế được? Nhưng kể ra thì đó lại không phải là điều lạ đối với một người quá mạnh mẽ, luôn muốn chinh phục bằng được những gì đã trót thích như anh. Như thế thì anh có biết là đã truyền vào tim gan huyết quản tôi sự sống huyền nhiệm mà ở phố tôi vừa thèm khát, vừa chạy trốn?

Anh liên tiếp dồn tôi vào sự run rẩy, chực thiêu tôi cháy rụi.

Rồi anh bày trò táo bạo liều lĩnh, gọi tôi đến bên hồ không cần biết nông sâu đã bất ngờ ủi cho tôi cùng xuống. Tôi vẫn thường bị anh mê hoặc, rồi chìm vào trong anh bởi những cú gây cảm giác mạnh như thế. Anh bế tôi lên.

Cái chòi, thung Lam trở nên mê đắm và say lịm trong cái nhìn của một kẻ đang bị dẫn lối vào xứ mê để làm đàn bà. Sự bướng bỉnh, rắn chắc tưởng bất dịch chuyển trong tôi phút chốc trở thành nước, thành khói mây lâng lâng phiêu du vời vợi, vừa gần gũi vừa xa lạ, vừa là tôi vừa không phải là tôi.

Khi bước ra khỏi xứ mê, tôi ngăn cảm giác chán ngán, tôi bào chữa. Anh đem trả cho tôi cảm giác tự nhiên, làm tan khí đục lởn vởn sinh ra từ sự nuối tiếc, cầu toàn của tôi bằng ánh mắt tươi nguyên nồng nàn say đắm và cả ngầm chia sẻ. Anh vui, và mạnh mẽ tự tin hơn.

Rồi anh đem về chòi mấy tàu lá chuối rừng non mởn nói là để làm áo cho tôi. Tôi thì chỉ cầu sao cho nắng gió thung Lam thật dữ dội. Chỉ tình yêu mới lắm trò, mới đẩy con người ta vào những tình huống thế này.

Tôi nhìn ra ngoài kia mong nắng gió hong nhanh những "sản phẩm của văn minh đô thị" đang vắt trên mấy bụi cây rừng. Đỏ mặt nhìn cái dáng "nguyên thủy" của mình, lại mong anh đan kết cho nhanh chiếc váy áo bằng lá chuối. Ngắm anh đang căng trần, mỡ mịn "thiết kế" phục trang. Và thế là tôi mê đắm anh hơn khi nhận ra anh đem hoà cái chất văn minh của thành phố vào cái hoang sơ nguyên thủy của thung Lam. Anh vừa truyền vào tôi thêm một lần rung động với một cảm xúc mới. Anh biết không? Nếu còn chút nghi ngờ nào về sự lừa dối tinh vi rất văn minh ở nơi anh thì giờ đây nó đã tiêu tan hết.

Thung Lam cho tôi biết cảm giác lạ lùng nhất của thời con gái. Cảm giác mà tôi không hình dung nổi là sẽ như thế. Sẽ như thế này ở thung Lam.

Chúng tôi bước ra khỏi thung Lam trong men say.

Rồi cũng đến cái buổi tôi phải trải qua bao nỗi chất chứa. Nỗi buồn mất mẹ lại cồn lên xoắn vặn. Và thương cha lủi thủi cô đơn trong ngôi nhà vắng lặng. Thấy tôi thầm lặng gạt nước mắt, cha nói:

"Cha ở lại thắp nhang cho mẹ, cho tổ tiên ông bà. Con cứ yên tâm mà đi, đừng lo gì cho cha. Khi nào các con cưới nhau cha sẽ đi một chuyến".

Chúng tôi trở lại thành phố. Bây giờ thì tôi, Song và người đàn ông ân nhân của tôi đã khác. Những ngày tháng không còn giống như cũ. Tôi không khổ đau khoác vỏ tu hành trốn chạy tình yêu nữa. Song mãn nguyện giới thiệu tôi với tất cả bạn bè, người thân. Thế nhưng cái giờ khắc dịu êm, mơn man trước ban công căn phòng số Sáu tầng ba phố biển, tình cảm mênh mang, và đôi mắt vừa dịu dàng nồng ấm, vừa u uẩn xa xăm của người ấy, càng khiến tôi như hàng ngày bị chịu hình phạt. Khi ở thung Lam, Song đã cho tôi quên mất rằng, còn một người đàn ông nữa cũng rất yêu tôi. Còn tôi rất kính trong và nể phục, nhưng lại không biết đó có phải là yêu? Cứ thế giữa dòng đời, tôi đều đặn, lặng lẽ làm việc. Rồi vội vã làm vợ Song, sinh con đẻ cái, lo lắng gia đình... Thế mà người đàn ông của biển cứ vẫn cô độc, cứ vẫn dành cho tôi tình cảm ấm áp, trong trẻo đến hiếm lạ giữa cuộc đời có nhiều phàm tục. Dù tôi có cầu nguyện thế nào thì cuộc sống của người ấy vẫn cứ một mình lặng lẽ như là để cho tôi càng bị trừng phạt vậy. Sự mạnh mẽ của Song ngày đến thung Lam đã sở hữu tôi rồi, không bao giờ thuộc về tôi nữa cái vời vợi thẳm sâu của người ấy, một "vị thần" bước lên từ biển.

Con đường về quê lại xiêu vẹo mịt mờ mây nước. Bóng cha heo hút trời xa luôn khiến tôi day dứt nhớ thương nhưng đành chịu lỗi vì tôi còn vướng cả một phía trước quá bề bộn và rộng dài. Cha mãn nguyện bằng lòng với cuộc sống của cha? nhưng rồi lại đột ngột ra đi như mẹ, không cho tôi được dù là một chốc nhìn thấy lần cuối hình hài. Sao cả cha và mẹ đều đột ngột ra đi như trách phạt tôi thế!?

Đã thế, mấy năm nay, tôi lo sinh nở đứa con thứ hai, còn cha già yếu, không đi lại, tôi và cha chẳng gặp nhau. Đã ba năm rồi. Khoảng thời gian ấy cộng với sự ra đi đột ngột không báo trước của cha càng khiến cho tôi như ngây dại.

Song? Anh trai? Chị dâu? Cháu? Con tôi? Không ai vào thung Lam với tôi sau những ngày tang tóc phờ phạc. Chỉ tôi cho rằng thung Lam có thể làm tan loãng bớt nỗi buồn quánh đặc. Chỉ mình tôi lóc cóc tha thiết với con đường rừng mà tôi đã thuộc lắm tính khí của nó.

Nhưng chiếc áo choàng của thung không xoè rộng lộng lẫy, kiêu hãnh tung lên điệu múa nguyên thủy hoang sơ nữa, mà nó đã bị con người xé rách nham nhở, để lộ từng mảng xương thịt bị róc tỉa đau đớn. Sự cường tráng, hùng mạnh của nó không khuất phục được con người. Sự thần diệu, huyền bí của nó không khiến cho con người bất lực. Tiếng muông thú vắng bặt, chỉ đâu đó có tiếng chim cô lẻ gọi bầy.

Cái chòi!? Tôi biết mà. Chắc cha đau yếu nên chẳng vào đây được. Nước mắt tôi lại tuôn xối. Mái tranh, liếp nứa... nó muốn bở rữa ra như da thịt cha sẽ bở rữa trong cái mà thời gian sẽ gỡ gặm dần. Những ý nghĩ, hình dung chan nước mắt. Tôi cứ ngồi trơ cùng tảng đá bên cạnh chòi không buồn dịch chuyển.

Hồ "Tim" vơi cạn đục ngầu. Mấy nhánh hoa dại khát đợi cái sinh lực tràn trề của nó.

Tếng thung nghẹn ngào. Tôi tan rữa.

Rồi anh trai về thành phố của anh. Tôi cũng về thành phố xa xôi của chúng tôi. Tủi thân để lại ngôi nhà vắng lạnh heo hắt, chỉ biết cậy nhờ anh em, láng giềng trông coi. Tôi cũng không còn thung Lam để thanh thản, nhẹ nhõm. Cứ bị mất dần. Cả những thứ khó nhìn thấy bằng mắt.

Những ngày tháng đằng đẵng ở phố, mỗi khi tôi chia sẻ chuyện quê, chuyện nhà, chồng tôi chỉ có thể nói:

"Cái gì em cũng cầu toàn. Đến là mệt".

"Có gì là không thay đổi được! Phải chấp nhận quy luật mà sống chứ".

"Nếu không thế thì cuộc đời này lý tưởng quá, không còn gì để chê trách!".

"Ai mà không thế! Để sức còn lo bao việc khác nữa! Mà ngôi nhà ở quê không ai ở thì bán chứ sao!".

"Con người dùng gỗ thì phải chặt rừng thôi!".

Con đường đến cõi tâm linh cô độc lắm thì phải. Có lẽ thế mà những bí mật tâm hồn cứ đòi hiện ra trong dạng này dạng kia. Tôi dựa vào chuyện của ông bà cha mẹ đã ăn ở như thế nào với hẻo núi, với thung Lam, để thêu dệt thành chuyện cổ tích. Tôi muốn được con cùng chia sẻ.

"Xưa có một hoàng tử trốn vua cha, đem theo một cô thôn nữ nhà nghèo đến tại một vùng núi hẻo lánh nọ sinh cơ lập nghiệp. Sớm sớm chiều chiều, những dải lụa khói cùng mùi thơm của khoai sắn bay xa, gọi thêm những đôi trai gái khác cùng đến gây dựng nên làng xóm, mở ra những con đường. Những con đường lúc mới mở đầy rắn rết, đá sắc, gai góc. Một con đường lớn dần, tiến về phía lâu đài của vua cha. Thế rồi một hôm tin đất nước loạn lạc, nối tiếp tin vua cha mất, hoàng tử đã từ biệt vợ và con trai đi tìm cách phò đời cứu nước. Hoàng tử đã kiên cường dũng cảm cho đến ngày tắt hơi thở cuối cùng, không được gặp lại vợ con. Người con trai đến năm mười sáu tuổi vừa khi đất nước thanh bình, đã đi khắp chân trời góc bể để tìm cha. Khi biết cha đã đi xa mãi mãi thì chàng quay trở về xứ núi, bỏ hết lại những mời mọc và hứa hẹn của chốn kinh đô. Chàng nghĩ: Ta còn mẹ, còn rừng núi, và còn có cô gái ở quả núi bên kia. Mà con đường nối về kinh thành còn đang cheo leo, gập ghềnh lắm. Ta không muốn khác ý cha".

Kể được khá nhiều chuyện rồi, con gái tôi bảo: "Chuyện mẹ kể nghe cứ là lạ, vừa giống chuyện cổ, mà cũng khác khác thế nào ấy".

Anh trai mấy lần gọi điện cho tôi:

"Có người trả giá hai chục triệu. Anh muốn bán rồi làm thêm cái gác ba, có chỗ thờ tự cho đàng hoàng, rộng rãi".

"Anh đừng bán!"

"Nhưng nhà cửa bỏ không. Càng ngày càng hư hỏng".

"Em muốn tu chỉnh sửa sang lại, thỉnh thoảng anh em mình về..."

"Đấy thì cô về mà giữ, xem có giữ được không?" Như vài ba năm nay, kể từ ngày cha mất, tôi lại về quê vào cữ mồng hai, mồng ba tết. Bao xa cách, hỗn tạp mà chỉ một tuần trở về để mà nhớ thêm, mà lắng lọc. Vậy mà anh tôi muốn bán. Nước mắt tôi trào ra trên chuyến tàu đêm. Nước mắt cứ thế tuôn. Những chuyến trở về sẽ ra sao?! Chắc chắn là sẽ không được đâu ạ.

Xong một buổi cọ chùi, quét dọn, mẹ con tôi vào ra ngắm nghía ngôi nhà, vườn ngõ. Nhìn hai đứa trẻ mê mẩn với cỏ hoa, nhìn gốc đào già trước sân như chờ mẹ con tôi trở về để hết mình khoe sắc, để níu giữ, nước mắt tôi lại chực chảy. Hai năm trước anh và cháu về từ trước tết để sửa soạn ban thờ nhà cửa, năm nay chẳng hiểu sao mà lạnh vắng?

Đến lúc hẻo núi lác đác những ánh đèn mới thấy anh về. Đặt bánh trái lên ban thờ, khấn vái xong, trong mùi khói hương ngày tết anh em lại được bưng bát cùng nhau. Anh dốc bầu tâm sự, có lẽ là để thanh minh cho sự chậm trễ, chưa tròn phận với gia tiên:


"Em thấy đấy, hai năm qua cha con anh đã không đón một năm mới dưới phố. Năm nay bảo cháu về trước nó không chịu, hai cha con sinh hục hặc. Mọi chuyện gia đình anh gần đây xấu đi. Rồi thằng anh sắp cưới vợ, chưa nhà cửa, con Nga xin việc tốn tiền nhiều mà vẫn chưa đâu vào đâu".

Tôi im lặng. Lát rồi anh nói tiếp:

"Còn em, trở lại, quay về, hoài cổ mà để nó ngáng trở, can dự quá nhiều vào cuộc sống hiện tại, làm mờ đi các giá trị khác là không hay tí nào. Em hãy thực tế hơn đi. Ràng buộc với quá khứ, với đàng sau đến mức như em thế, để chồng chịu cảnh thiếu vắng vợ con... Em thấy nó có ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình không?

Nghe anh trai nói, tôi ngổn ngang bế tắc, nhũn hết cả mọi ý chí. Vẻ im lặng, lạnh lùng của chồng tôi khi ba mẹ con sửa soạn về quê lại hiện ra. Tôi đã phải nén tủi để ngọt ngào, nhưng Song vẫn thế. Chúng tôi ai cũng đòi được chia sẻ. Anh ấy cho rằng tôi để tâm vào những thứ không đâu, làm tổn phí, mất mát cả những thứ hữu hình lẫn vô hình. Tôi lại cho rằng tôi cô độc. Tôi không còn được yêu. Không ít lần tôi hư hao để "Thần biển" băn khoăn. Rồi cứ thế, chỉ cần Người thoáng hiện trong ý nghĩ thôi cũng làm cho tôi đỡ cô độc.

Đến khuya, bên bếp than hai anh em tôi vẫn ngồi nói chuyện. Tôi làm cho anh mất hứng bán nhà. Từ đó không nghe anh nói gì thêm về chuyện bán nhà hay không bán. Nhưng đến mấy tháng sau thì anh viết thư báo tin đã bán nhà rồi. Tôi im lặng bất bình. Giỗ bố mẹ năm ấy, tôi đơm xôi gà, hương hoa lên ban thờ nhà mình để tưởng nhớ chứ không chịu về thành phố của anh xem cái gác ba anh thờ tự như thế nào?

Quê. Chỉ còn mộ phần là anh tôi không thể chuyển. Người vùng núi hẻo vẫn hương khói như nhau cho tất thảy các ngôi mộ ở nghĩa trang. Hẳn linh hồn cha mẹ ông bà tôi cũng ấm áp. Tôi cắt phép về thăm quê. Lâu rồi!

Người quen vui vẻ chào đón, thế mà lòng tôi vẫn có cảm giác hẫng hụt, lạc lõng. Vẫn ngủ trong ngôi nhà mình nhưng chỉ tìm được những thứ không thuộc về mình nữa. Không gì trống rỗng, tàn nhẫn hơn cảm giác thấy xa lạ với những gì từng là máu thịt, là hơi thở của mình. Chủ nhà lắc đầu khi tôi tỏ ý có dịp sẽ mua lại ngôi nhà. Người ta muốn an cư lạc nghiệp, không muốn cuộc sống đảo lộn khi nó đã êm đẹp. Chuyện quê, chuyện nhà là chuyện lớn nhất mà. Không biết khi tóc anh tôi bạc thêm ra, năm tháng có ngấm vào anh cái tình quê gừng cay muối mặn? Anh có thao thức trằn trọc với thung Lam, với quê?

Lần này tôi thấy sợ hãi khi nghĩ đến chuyện vào thung Lam. Tối qua chị chủ đã kể về nó cho tôi nghe. Rồi nỗi vu vơ dẫn tôi xuống huyện, tìm về cơ quan cũ. Cảnh xưa đã khác nhiều. Nhưng ngạc nhiên, và sung sướng nhất khi "ông thủ trưởng" bây giờ, lại là "Bảo Địa lý - anh chàng giỏi môn địa lý nhất lớp tôi hồi đó. Mừng vui không nói hết. Chuyện không đầu không cuối lấn cướp nhau. Chúng tôi như ngồi với bữa tiệc quá nhiều món ngon mà chỉ kịp nếm qua, gắp lên đặt xuống.

"Bảo về đây năm năm rồi ư? Bây giờ Nguyện mới thấy Bảo là người đầu tiên bỏ phố về quê. Thật đáng nể!".

Bảo đứng lên, đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài rồi đi lại tủ lấy ra tập tài liệu đưa cho tôi, nói:

"Nguyện đọc đi, có lẽ là sẽ thích".

Tôi đọc một mạch bài viết của Bảo. Bảo dạo vô dạo ra chờ đợi. Khì đặt nó xuống bàn, tôi chưa nói gì thì Bảo xoay lấy, mắt xoáy vào tôi:

"Sao?"

"Thỉnh thoảng Bảo vẫn viết bài gửi báo?"

"Có được không?"

"Mai Bảo có thể đi với Nguyện?"

"Đi đâu? Thế bài viết thế nào? Sẽ gởi cho báo tỉnh đấy"

"Mai đi thì Bảo sẽ được biết cả".

Chín giờ sáng hôm sau chúng tôi có mặt ở thung Lam. Đó là ý tưởng bất ngờ thú vị theo như Bảo nói. Đứng lại trên đỉnh con đường rừng, trời mây trở nên sậm sịt hơn. Từ hút cuối một vạt rừng rạp đổ.

"Bảo thấy sao? Những con ma vẫn hút máu rừng đấy! Không hề có tiếng động, rất lặng. Bắt đầu từ chiếc áo đến da thịt, đến kiệt cùng xương tủy. "Nhà Văn Hoá" (Bảo làm ở Nhà văn hoá) thấy con người ứng xử với thiên nhiên (Vấn đề bài viết của Bảo) như thế nào?". "Phải sửa lại nhiều Nguyện ạ!".

"Có góp gió thành bão được không?".

Chúng tôi trở lại bên hồ. Cơn giông ập đến rất nhanh. Cha và cái chòi hiện ra. Cô bé Nguyện chạy nhanh lên chòi ngồi ngắm mưa rừng, ngắm mặt hồ nhấm nháp mưa.

"Nguyện! Sao đứng bần thần ra thế? Có sao không?".

Bảo khiến tôi bừng tỉnh. Cả hai đang ướt nhèm nhẹp. Tôi nóng bừng mặt nhớ cảnh năm xưa Song bế tôi ướt lịm... Bảo có vẻ không bình thường đặt tay lên trán tôi. Tôi cảm nhận được điều sắp xảy ra, càng nóng bừng. Bảo ôm lấy tối. Tôi cựa quậy trong vòng ôm chặt, chịu nghe Bảo nói một câu lạc giọng: "Chỉ thế này thôi!".

Thoáng như chút gió nhẹ, rồi tôi đẩy Bảo rời ra, lấy lại bình tĩnh. Tôi biết đó là giây phút Bảo khó chế ngự được xúc cảm mạnh của người đàn ông dễ bị quy hàng trước cái mà có lẽ họ cho là tuyệt diệu. Hình ảnh người bạn trai ngày xưa mê đọc, mê viết đến quên tất cả xung quanh hiện về đậm rõ trong tôi.

Chúng tôi về hơi muộn. Vợ Bảo tỏ ra không vui. Tôi không muốn ở lại. Bảo băn khoăn tiễn tôi trong buổi hoàng hôn phố huyện.

Trở về thành phố tôi được tin "Vị thần biển" đau nặng. Sợ cơn đau sẽ mang Người đi mất! Thờ thẫn, day dứt vì vẫn chưa thể cùng Người về cho biết thung Lam. Chạy đi chạy lại lo lắng, xót thương thành nước mắt. Thì ra vì chứng nan y ủ kín này mà Người luôn dừng lại một quãng với tôi, ngậm ngùi, xa cách. Người đời xì xồ nên chuyện. Chồng không tin tôi. Lạnh giá. Tưởng như trên cơ thể chồng có mùi khác lạ. Mất anh!? Những nhức nhối của cuộc sống lại oằn lên như ác vật chực nuốt chửng tôi.

Tôi về lại thung Lam. Có khi về đứng trên đỉnh dốc, nhìn những ngọn núi cao ngất thắm nắng. Chiếc áo choàng xanh lộng lẫy reo tung vũ điệu nguyên thủy. Rồi thấy mẹ bỗng hoá thành muôn ngàn cây xanh. Anh trai trên chòi bước xuống, tôi lẫn anh với cha. Có khi thấy tôi và Song bơi lội, hoá cá dưới hồ. Khi lại là người đàn ông của biển, mà có lúc lại như cùng Bảo lướt xe trên con đường vào thung láng mịn, rợp bóng cổ thụ...

H.T.N.H
Nguồn: Văn Nghệ







 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Các bài đã đăng
Hương thôn dã (21/05/2015)
Sài Thục (31/03/2015)
Nợ người dưng (17/03/2015)