Tác phẩm hay
Siêu sinh
10:05 | 28/10/2015

Nhà văn Phạm Thuận Thành sinh ngày 23 tháng 5 năm 1962 tại Thường Vũ, An Bình, Thuận Thành, Bắc Ninh; hiện đã xuất bản hơn 20 tập sách.
“Phạm Thuận Thành là một nông dân chính hiệu. Người nông dân này từng mặc áo lính, là sĩ quan quân đội, là giáo viên Công tác đảng, công tác chính trị một trường danh tiếng của Quân đội; từng mấy năm (xung phong) đi Lao động xuất khẩu tại Liên Xô… Hẳn là  bươn chải, "phiêu bạt" nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, đã cho Phạm Thuận Thành vốn sống. Với niềm đam mê chữ nghĩa, Thành đã đánh đổi nhiều thứ để  tìm phút thanh thản, thăng hoa trên cánh đồng chữ nghĩa” (NGUYỄN ANH NÔNG).

 

Siêu sinh

PHẠM THUẬN THÀNH

Siêu sinh
          Truyện ngắn


Kinh Bắc hai tướng đàn bà
Vợ ba Đề Thám, vợ ba Cai Vàng

                      (lời hát xẩm chợ Kinh Bắc)


(*) Không phải là lột xác mà là thay đổi hoàn toàn. Đúng, nàng thay đổi hoàn toàn, thay đổi từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Mái tóc dài như tiếng ngân Quan Họ bị cắt không thương tiếc, chỉ có mùi hương sả hương lá chanh hương bồ kết là không cắt được. Tóc cắt xong thì không còn là khuôn mặt tiểu thư quận chúa đẹp xinh nữa mà chỉ còn là cái sọ người. Y phục cũng thay đổi. Nhung lụa thay bằng giáp trụ rồi lại thay bằng nhung lụa để nàng ra dáng tiểu thư quận chúa đẹp xinh, và bây giờ là nâu sồng, chỉ nước da trắng hồng nõn nà mỡ màng là không lột thay được. Tiếng nói cũng thay đổi. Không còn là thủ thỉ tâm tình, không còn là quát thét ra lệnh, không còn là ru hỡi ru hời nữa, mà là một giọng nói đều đều vô cảm và những lời rất vô nghĩa với người bình thường mô Phật mô Phật mà chính người nói cũng chẳng hiểu ý nghĩa mô Phật là gì. Cứ nói. Người ta ở đây đều nói thế cả. Mô Phật. Chỉ có đóa hồng hàm tiếu phát ra giọng nói là không đổi. Quan trọng nhất là suy nghĩ cũng thay đổi. Không còn hào khí giành lại ngai vàng mấy đời nối nhau nổi dậy mà chưa giành lại được. Không còn sục sôi báo thù cha báo thù chồng báo thù nghĩa sĩ tử trận nữa. Mà là cam phận mô Phật. Suy nghĩ thay đổi nhưng bộ óc người thì không thay đổi được. Nàng chịu bỏ tất thảy để thay đổi bản thể mình. Chiến đấu không phải việc của đàn bà. Đàn bà là biểu tượng yên bình, là chỗ dựa của yên bình. Còn nàng là đàn bà, vậy nàng đi tìm yên bình cho mình ở chỗ mô Phật.


Ngày nào xã trưởng cũng đến xem nàng có thực mô Phật không vài lần. Xã trưởng đang lên. Dám sai trương tuần rào làng rấp cổng chống lại đoàn quân hùng hậu. Đáng biểu dương Mỹ tục khả phong và đã được đức vua ngự bút phong biển biểu dương. Đáng được hàm cửu phẩm văn giai và đã được ban cửu phẩm văn giai. Vinh thân vinh hương đáng lắm. Cái làng cô độc giữa biển lúa đã cầm chân đoàn quân để đại tướng Nguyễn Tri Phương điều binh tiêu diệt chỉ trong một trận huyết chiến không cân sức. Quân nghĩa chỉ có thể đánh lớn ở miền rừng căn cứ, thất thế thì rút vào rừng sâu núi đỏ, yên yên lại kéo nhau về hợp thành quân đội. Giữa đồng lúa mênh mông quân nghĩa chỉ còn nước chết. Chủ tướng Cai Vàng cũng chết trong đám loạn quân. Ngọc rắn ngọc trăn cũng chỉ hiệu nghiệm nơi rừng núi như con rắn con trăn có đất rừng dụng võ. Nàng dẫn quân cứu viện đến không kịp. Viên đại tướng đánh tốc chiến quá. Nàng ôm xác chồng đòi báo thù. Nhưng đánh ai, chẳng lẽ quân nghĩa lại chém giết dân lành. Mất chủ tướng nàng đành ra lệnh bãi binh, ôm con về chính cái làng làm tan rã cả một đoàn quân ấy xin mô Phật. Đại tướng Nguyễn Tri Phương bằng lòng, nhưng yêu cầu ngày nào xã trưởng cũng phải đến kiểm tra, mỗi tháng một lần nàng phải đến dinh tổng đốc trình diện. Con gái phải giao cho xã trưởng nuôi như con, nghĩa là nàng buộc phải gắn số phận mình với người anh hùng làng kia. Xã trưởng vừa sợ nàng nổi đóa báo thù, vừa thích ngắm nhìn khuôn mặt tiểu thư quận chúa đẹp xinh, dáng người thắt lưng ong đang chớm sang tuổi băm chín chắn, vừa phục người con gái đẹp xinh mà võ nghệ cao cường tài trí hơn người, vừa muốn thể hiện oai quyền trấn ngự viên nữ tướng hùm thiêng sa hố. Mặc xác xã trưởng nghiêng ngó nàng chỉ một mực mô Phật. Nàng mô Phật cho lòng mình yên bình và cho cả xã trưởng yên tâm vững dạ. Mô Phật đủ cứu vớt chúng sinh, đủ làm cho nước sôi nguội lại, đủ làm cho lửa cháy lụi tàn, đủ làm cho dục vọng không còn sức quẫy đạp.

(*) Tư tưởng nhất thống thiên hạ bị kìm nén quá lâu ngày quá lâu đời nên nó lặn vào trong từng đường gân thớ thịt thành truyền kiếp trong dòng giống nhà nàng. Vẫn ngồi trên ngôi cao nhất, chú ngoài chúa trong xưng phục nhưng từ khi chưa phục quốc đã chỉ là hư vị không quyết được điều gì. Đến quyết từ bỏ ngôi cao cũng không xong, chạy trốn thì bị bắt về cho chén rượu độc. Kẻ dưới sợ mưu phản, sợ kẻ khác lợi dụng cái danh hoàng triều chính thống đánh lại. Thế tử kém một bậc không được ngồi ngang mâm thì thế tử bẻ gãy đũa ra tay hạ sát thái tử. Cúc cung nghe lời thì phải lấy vợ lại cô quận chúa đã có bốn con hoặc giả ngây giả ngô có chúa lo hộ rồi ta chỉ biết gật theo ý chúa thôi. Rõ từ lâu chỉ là ông bụt cho chúa thờ để chúa được ăn oản. Ngồi trên thiên hạ chỉ để xem người ta chia nhau thiên hạ của mình. Ức không. Ức quá đi chứ. Đời nọ truyền đời kia tâm nguyện nhất thống thiên hạ. May quá có Bằng công đem loạn quân Tây Sơn ra giúp lật đổ ách chuyên chế độc tài gia đình trị của họ Trịnh đã án ngữ vững chắc mấy trăm năm. Nhưng khổ thay, cái ách quá nặng đã ngấm vào máu thịt mọi kẻ có quyền mất rồi, đuổi hổ cửa trước lại rước beo cửa sau mà thôi. Bằng công vào phủ ngồi lập tức ti toe làm chúa, đến nỗi dân Tây Sơn cũng không chịu nổi. Tây Sơn đem quân ra thì nhớ câu ta trăm trận trên lưng ngựa mới đoạt được thiên hạ sao có kẻ cứ ngồi không mà ở trên cao là thế nào. Câu nói của Thái tổ nhà nàng sau hội thề Đông Quan đấy. Câu nói ấy bây giờ là chúa Tây Sơn nói cũng chẳng có gì đáng phàn nàn nổi. Hoàng đế Chiêu Thống tuổi trẻ tài cao chí lớn đã làm cuộc nhất thống thiên hạ dù phải bôn ba hiểm nguy năm tháng nơi rừng hoang đồng nội ngoài cung cấm. Chết mục xác nơi đất khách quê người mà trái tim đầy uất hận truyền kiếp mấy trăm năm không thể tan rữa được. Đúng là vị hoàng đế chí lớn.

Minh họa: Kim Duẩn


Đến khi cha nàng lớn lên chẳng còn vương vị, chẳng còn bổng lộc, chẳng còn văn thần võ tướng, chỉ còn thanh gươm và cái ấn ngọc truyền quốc với ý chí nhất thống thiên hạ ngấm vào đường gân thớ thịt không thể gột ra. Vẫn quy tập móc nối. Thần tử người quá già, người ra làm cho triều mới, quanh vị thân vương chẳng thấy có nhân tài hào kiệt. Mấy tay ngổ ngáo đã là tráng sĩ. Đến khi có thầy đồ hay chữ thất sủng ở kinh thành về dạy học ở Quốc Oai chịu ra làm quân sư thân vương liền phất cờ trung hưng phục quốc. Lê triều Mỹ Lương chẳng được mấy ngáp. Nàng đang tuổi bẻ gãy sừng trâu cũng được cử làm tướng đánh thắng liền mấy trận. Triều đình cử danh tướng Nguyễn Tri Phương đến. Tướng như nàng cũng nghênh địch như thường. Tướng địch đến chẳng lẽ tướng ta không nghênh chiến. Đường gươm của nàng biến hóa là thế nhưng không địch nổi một đao của tướng địch, cả người lẫn ngựa ngã quay lơ trước trận. Danh tướng túm tóc tướng giặc thấy chỉ là con bé mặt non choẹt thì tha cho về bảo chủ tướng cử đại tướng ra đánh một trận cho hả kẻo mang tiếng danh tướng Nguyễn Tri Phương vào nam ra bắc trăm trận trăm thắng. Nàng thu quân về trận nói lại lời tướng địch. Thân vương chủ tướng gầm lên xách đại đao lên ngựa, phía sau là quân sư thất sủng. Trước trận quân sư giảng đạo lý thuyết phục tướng địch quay giáo về với Lê triều làm khai quốc công thần dại gì đi giúp tôi thần của Lê triều thoán vị chủ cũ. Tướng địch là người có học, hiểu đạo lý đáp rằng thái tổ triều ta trăm trận trên lưng ngựa mới được nước từ tay giặc Tây Sơn, còn nước của nhà Lê đã mất từ lâu sao bây giờ còn đòi. Triều ta luôn tôn trọng triều cũ có bắt bớ trả thù người nào đâu, trừ những kẻ đã cúi lạy giặc Tây Sơn. Thôi thầy biết điều thì về mà bái hoa mai, chủ tướng biết điều thì về cày cuốc ta tha cho, coi như các ngươi thao luyện dân quân xin giúp triều đình lên ải bắc tiễu phỉ cờ đen cờ vàng phương bắc thất trận tràn sang. Quân sư chủ tướng không biết nói sao. Chủ tướng xông ra múa đao coi như thao luyện cùng đại tướng triều đình. Đại tướng tưởng chủ tướng giặc ngoan cố cho một đường đao đầu bay lông lốc dưới chân đồi Mỹ Lương. Quân sư thầy đồ kêu thét lên đừng đánh, chủ tướng xin hòa rồi, ngài nghe ra rồi, ngài chỉ muốn thao luyện quân mã thôi. Đại tướng Nguyễn Tri Phương đành bắt một tên lính cho mặc quần áo quân sư đem chém, còn tha hết mọi người về quê làm ăn. Quân sư thầy đồ thì xuống tóc mô Phật, vĩnh viễn mai danh ẩn tích, vĩnh viễn sám hối trong giáo lý Như Lai.

Nàng mang gươm báu cùng ấn truyền quốc lên ải bắc tiễu phỉ. Gặp ông chánh Thịnh cũng mộ dân quân đi đánh phỉ ở vùng Phượng Nhãn. Họ sáp nhập làm một đạo quân, đánh đâu được đấy, làm chủ vùng Bắc Giang - Lạng Sơn - An Quảng. Có đất có quân nàng lại nổi máu nhất thống thiên hạ cha ông làm dang dở. Nàng chịu làm vợ ba ông chánh Thịnh để xúi ông nổi máu anh hùng giúp mỹ nhân đoạt quốc. Có lễ tế cờ hẳn hoi. Chọn đúng ngày hè đầu mồng bốn tháng tư. Đánh mấy trận nhỏ trong vùng lấy nhuệ khí bách chiến bách thắng. Đây chính là vùng đất hoàng tổ Chiêu Thống bôn tẩu làm cuộc nhất thống khi xưa, nay thấy có cháu hoàng đế tế cờ phục quốc. những anh hùng ẩn thân kéo ra như nước về chỗ trũng. Mọi người mặt tươi như hoa mừng ngày Lê triều phục hưng tới vận. Nuôi quân đãi tướng một thời gian. Hẹn ai có quân công sẽ được làm quận công hầu tướng nắm chính phủ sau này. Rồi chia hai đạo quân thẳng tiến lấy lại kinh thành Thăng Long. Chủ tướng chồng đánh phía Siêu Loại, Tiên Du. Chủ tướng vợ tức là nàng đánh phía Kim Anh, Phủ Lỗ vòng sang đất bản bộ Sơn Tây lấy thêm quân cũ. Hai đạo quân như hai gọng kìm lấy kinh thành như lấy vật dùng trong túi. Nàng tin quân thần Lê triều sẽ ra giúp như ở đất Kinh Bắc vừa rồi. Vậy mà có một ngôi làng chơ vơ giữa đồng không mông quạnh dám rào giậu ngăn bước tiến của chủ tướng. Lại gặp sát tinh Nguyễn Tri Phương. Gặp lại người quen cũ, danh tướng đương triều ôn tồn bảo: ta đã tha cho cháu một lần, nay ta lại tha cho cháu lần nữa. Nếu cháu vẫn cố đánh ta học theo Gia Cát bảy lần tha Mạnh Hoạch, bao giờ cháu hiểu được đạo lý thì thôi. Triều đại đổi thay là ý trời, cháu cố chống trời thì chống sao nổi. Thuận thiên thì sống chống thiên thì chết. Cháu đã làm cho bao nhiêu người mê muội chết rồi, sao cháu không có một chút đức hiếu sinh ư? Cháu là đàn bà phụ nữ, là mẹ trẻ con cháu không đau lòng khi thấy con mình chết một cách vô nghĩa ư? Dân đang yên đang lành làm ăn chỉ vì nghe cháu mà bây giờ thây chết đầy đồng đây. Cháu thử nghĩ xem họ chết có phải do ở cháu hay do ở quân triều đình đây?

Lần thứ hai được tha, nàng dẫn quân rút về căn cứ. Nàng biết thân gái dù anh hùng đến đâu cũng không thể đoạt nước được. Nếu gá thân với người khác mưu nghiệp lớn thì đâu còn danh tiết nữa. Không phải ngôi thái hậu như Dương Vân Nga. Không có đường tiến thì còn đường lùi. Hoàng tổ khi xưa có đủ văn thần võ tướng vẫn không làm nên cuộc nhất thống, cùng đường cầu viện quân Thanh cũng không ở kinh thành quá hai tháng. Một viên đại tướng Nguyễn Tri Phương mình đã không địch nổi thì địch làm sao nổi cả nước của người ta được. Cố vùng vẫy chỉ làm hại thêm sinh linh mà thôi. Mấy phen vùng vẫy vừa qua làm chết không ít người rồi. Đại tướng nói có phần đúng. Quân hai bên chết quả là vô ích, chẳng lẽ họ chết chỉ để mình nhận ra một điều là ánh tà dương của triều cũ không thể trung hưng như thời Hưng quốc công Nguyễn Kim được nữa. Ý chí nhất thống thiên hạ ở trong người thì chưa hại người, một khi ý chí ấy thò ra ngoài thì người chết như rạ. Ý chí kia khác nào ma quỷ. Mà ma quỷ thì chỉ có Phật tổ mới khống chế được. Nàng đến quân doanh đại tướng thỏa thuận việc bãi binh. Quân của nàng vẫn chỉ là dân quân tiễu phỉ. Cuộc tiến quân về kinh thành chỉ là truy kích tàn quân phỉ. Hết phỉ thì họ lại về làm dân, được triều đình chu cấp lương bổng hẳn hoi. Người nào đã chết thì được tiền tuất. Riêng nàng xin được về chính cái làng làm nàng ngộ đạo lý kia để mô Phật.

(*) Vậy là nàng xuống tóc. Mỗi nhát kéo tóc nàng cụt đi một ít, ý chí nhất thống thiên hạ trong nàng cũng cụt đi một ít. Khi tóc hết thì ý chí nhất thống trong nàng cũng hết. Bây giờ nàng đêm ngày chỉ kinh kệ để siêu sinh cho những người đã chết vì sự ngộ đạo của nàng. Một lần đi trình diện, đại tướng đương triều chợt hỏi: số người đã chết là bao nhiêu? Bao nhiêu người có gia đình thờ cúng? Bao nhiêu người còn bị coi chết như giặc vô thừa nhận? Sao sư cô không lập một ngôi miếu âm Hồn gần chùa để hương khói cho họ nhỉ? Đại tướng nói đúng những điều bấy lâu nàng còn áy náy về những sinh linh làm nhiệm vụ lát đường cho nàng đạt đến giác ngộ niết bàn. Đúng vậy, nàng cần phải hương khói cho họ trả ơn họ.

Từ bấy người ta luôn thấy một sư cô lầm lũi đi các làng quê nơi quân Cai Vàng đi qua dò hỏi và cải táng những mộ giặc vô thừa nhận. Có lần sư cô bị mấy kẻ phàm phu tục tử giở trò cưỡng đoạt nơi đồng không mông quạnh. Sư cô chỉ mô Phật mong họ tránh được lầm lỗi. Nhưng những kẻ bị quỷ ám thì lời Phật suông không giác ngộ được. Sự giác ngộ cũng đau đớn lắm. Cũng như đổi một sự giác ngộ cho nàng phải bằng mấy cuộc binh đao đó. Nơi đồng vắng trước một tiểu thư quận chúa, hai kẻ sấn sổ vào. Nàng đành phải giở công phu đánh ngã hai kẻ sấn sổ nhất rồi phi thân vọt qua con suối rộng cả chục thước thì bọn họ mới vội quỳ sụp khấu lạy tha mạng. Bọn họ vẫn biết có một nữ tướng tài giỏi cải trang hoạt động tiễu phỉ trong vùng. Phải là người võ nghệ cao cường lắm lại có lòng vì dân vì nước lắm thì mới một thân hoạt động tiễu phỉ nguy hiểm như vậy. Mấy kẻ phàm phu tục tử quỳ xin tha mạng rồi lại xin được đi hộ giá giúp nàng. Họ cũng chỉ là những kẻ vô công rồi nghề làm việc bất thiện, nay hối cải đi làm việc thiện. Như nàng. Giúp nàng. Công việc quy tập thi hài nghĩa sĩ tiến triển nhanh hơn.

Ngày khánh thành ngôi miếu âm Hồn xã trưởng Đại Trạch rất ngạc nhiên khi thấy có quan phụ tá tổng đốc mang đến tặng sư cô một đôi liễn sơn son thếp vàng lộng lẫy treo ở trước ban thờ chính điện. Dòng lạc khoản ghi rõ: Nguyễn Tri Phương tổng đốc đề. Đọc xong nội dung đôi liễn xã trưởng vã mồ hôi hột, bao ý nghĩ sàm sỡ bay biến lúc nào không biết. Nội dung đôi liễn thế này:

Tiểu cát phục nhung y kị mã huy kỳ danh trấn anh hùng nhân Kinh Bắc
Xuất gia quy thiền phái chiêu kinh tịch kệ giác chân đức độ Phật Như Lai.

(Nghĩa là: Thân gái yếu đuối mà làm tướng giỏi, nổi tiếng là anh hùng của đất Kinh Bắc/ Khi tu hành theo đạo Phật chăm đọc kinh kệ thông hiểu hết đức độ của Phật tổ Như Lai).

Nàng hiểu ý đại tướng tổng đốc. Có câu đối mà không có hoành phi thì thiếu, khập khiễng quá. Đại tướng tổng đốc muốn dành cho nàng phần việc này để tỏ chí mình. Những người chết thờ ở miếu âm Hồn này không chết vô ích. Cái chết của họ làm thức tỉnh lòng thiện của người còn sống. Nàng chính là người phải làm nốt những phần việc thiện mà những người đã chết ở đây chưa thể làm vì họ mới làm được việc thức tỉnh cho nàng.

Nàng cho làm bức hoành phi treo trước chính điện miếu âm Hồn có viết bốn chữ: Xả thân cứu thế.

Từ ngày có miếu âm Hồn, xã trưởng Đại Trạch thấy một điều kỳ lạ xảy ra ở đó. Ban ngày thì đôi câu đối phát ánh hào quang rực rỡ, còn ban đêm thì bức hoành phi lại phát ra ánh hào quang chói lọi. Không đèn nến mà phát sáng mới lạ.

(*) Cho đến tận bây giờ người già ở Đại Trạch vẫn khẳng định hiện tượng phát sáng đó là có thật. Lạ một điều là ngôi miếu không còn nhưng hiện tượng phát sáng ở đó vẫn chưa hết. Có người bảo đó là do thanh gươm báu chôn ở mộ chủ tướng Cai Vàng phát sáng chiếu vào hoành phi câu đối. Có người bảo ánh sáng phát ra từ ở lòng người, nên dù miếu không còn thì ánh sáng vẫn không hết được.

P.T.T
Nguồn: daibieunhandan.vn




 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Các bài đã đăng
Hàng xóm (13/10/2015)
Lấp giếng (15/09/2015)
Thung lam (18/08/2015)