Nhà văn Nguyễn Danh Lam sinh năm 1972, nguyên quán Bắc Ninh; ủy viên Ban Nhà văn trẻ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khoá 8; đã in nhiều tiểu thuyết, trong đó Giữa dòng chảy lạc nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010.
“Tôi thường coi mỗi truyện ngắn chỉ là một “lát cắt hiện sinh”, như thể người ta để một cái camera cố định trên hè phố, thu vào đó một thoáng khắc. Nhưng trong vô vàn những thoáng khắc lướt qua của những nhân vật sự kiện trên đường ấy, có một thoáng khắc rất gợi…”. SH oline giới thiệu đến bạn đọc Chữ Z - một lát cắt hiện sinh huyền ảo, ẩn mật của anh.
NGUYỄN DANH LAM
Chữ Z
Truyện ngắn
Bà cô sống độc thân qua đời gần tháng nay, để lại căn nhà nhỏ ở ngoại thành. Ba mẹ giao anh trông coi tạm một thời gian, trước khi các cô chú từ nước ngoài về thống nhất việc bán nó.
Căn nhà nằm trong con ngõ sâu hút, muốn tới phải băng qua vài con kênh, những mảnh ruộng nhỏ. Trước nhà có một vườn dừa, xa nữa là sông. Một không khí vừa thanh tao vừa u uất, nói chung không hạp lắm với tâm trạng của anh thời điểm này.
Mỗi đêm trở về, sau khi mở cánh cửa nặng nề, được bà cô trang bị tới ba ổ khóa, một mùi dầu gió cũ kỹ, ôi ả xộc vào mũi anh. Rõ ràng mùi của một người già. Bà cô mất gần tháng, anh đã phải mở tung cửa, xử lý không khí bằng đủ thứ hóa chất, mỹ phẩm, nhưng chưa xua tan được thứ mùi ấy.
Đã vậy, chẳng hiểu vì lý do gì, cái bóng đèn duy nhất trên trần cứ vài hôm lại tắt phụt, anh đã thay “con chuột”, tăngphô, thậm chí cả công tắc và dây dẫn, nhưng tình trạng vẫn lặp lại. Chẳng biết có phải linh hồn bà cô về chọc chơi đứa cháu, như từ nhỏ đến giờ, vì không có con, bà vẫn cưng chiều và hay nựng nịu anh nhất.
Chiều nay, anh quyết định phải đi mua một cây đèn để bàn. Và sau đó, như thường lệ, là cữ nhậu cùng đám bạn. Từ lúc về đây, để tránh đi không khí u ám, lạnh lẽo, cách thức duy nhất với anh là cáp lòng vòng đám bạn, làm vài chai bia, để tới khi về đến giường anh chỉ việc gục xuống. Cho dù thực sự anh cũng thấy hơi nguy hiểm khi đoạn đường từ bàn nhậu về tới nhà khá xa, bởi lũ bạn anh đều ở nội thành.
Dừng xe trước cửa hàng đồ điện, anh sững người khi nhìn thấy cô. Không thể lẫn được, dù vóc dáng ấy cũng có vẻ đã biến chuyển theo thời gian, nhưng mái tóc vẫn cắt ngắn như xưa, cái mũi nhỏ hơi hếch, đôi mắt vẫn mang kính cận, thậm chí là kính cận gọng tròn - món thời trang đã hơn nửa thế kỷ. Gần như cùng lúc cô cũng nhận ra anh.
- Trời, đi đâu vậy nè? Sao nhìn tui như quái vật hành tinh rơi xuống đây vậy? - cô là người lên tiếng trước, bởi lẽ tâm trí anh lúc ấy vẫn chưa thoát khỏi tình trạng bị đông cứng cấp thời. Và cặp mắt anh hẳn nhiên trợn ngược cùng cái miệng há to.
- Ấy... ấy... ở đây à?
- Đúng, nhà tui ở gần đây. Nghe nói cậu ở nội thành, sao lại “dạt” ra đây vậy nè? À, hay đã lập gia đình và mua nhà ở đây?
- Không, tui chưa lập gia đình... - giọng anh vẫn lắp bắp, không ra hơi.
- Có lẽ cũng hơn mười năm rồi nhỉ - cô đưa ngón tay đẩy gọng kính - Chính xác là mười một năm, từ ngày tụi mình chia tay trường trung học.
- Đúng, lâu quá rồi - anh tính tiếp bằng một câu hỏi, nhưng ngay lập tức khựng lại.
Cô tính tiền với bà chủ món hàng đã bỏ trong cái túi nilông màu đen, tiếp tục quay sang anh:
- Đi mua gì đây?
- À, tui mua cái đèn để bàn. Chẳng hiểu sao cái bóng dài cứ bị hư suốt.
- Trời ơi, sao giống nhau vậy nè, tui cũng mua cái đèn để bàn. Rảnh không, kiếm chỗ nào ngồi cà phê nói chuyện xưa cũ một chút?
Anh truy cập bộ não đang rối beng, cũng còn hơn hai tiếng nữa mới tới cữ nhậu theo hẹn. Dường như chẳng cần chờ anh xác nhận, trong khi bà chủ hàng gói cho anh cây đèn, cô tự dắt xe đứng ghếch chân đợi bên hè phố. Lúc anh nổ máy, cô đã chạy chầm chậm phía trước một đoạn.
Anh như bị hút theo cô qua những đoạn ngõ ngoằn ngoèo, chẳng khác gì ngõ vào nhà anh. Cuối cùng cũng tới một quán cà phê ven sông.
- Quán này nhạc rất “độc”, rồi cậu sẽ thấy.
Như để xác nhận lời cô nói, từ tàn lá trên đầu vẳng ra một giai điệu rock xưa cũ. Không đến nỗi rock nặng, nhưng cũng đủ làm chói tai những người mê gu nhạc hiện thời.
- Bây giờ vẫn nghe rock sao?
- Chứ sao nữa. Ai đã mê rock sẽ chẳng thể bỏ nó được.
Hơn mười năm trước, anh và cô học chung trường, tuy loáng thoáng thấy nhau nhưng chưa quen. Phải đến năm cuối bậc trung học, đi học thêm ở một lò luyện thi kiến trúc, đụng bạn cùng trường, hai người mới quen.
Anh vẫn nhớ cô đeo cái bảng vẽ to đùng sau lưng, quần jean, giày thể thao, đôi mắt kính tròn lạ lẫm. Đặc biệt, khi vào lớp cô đeo phone tai, vừa đứng vẽ hình họa vừa gật gù, đôi khi uốn éo quằn quại theo một điệu nhạc phát ra từ cái máy CD cài sau lưng. Chỉ có thể là nhạc rock. Anh cũng mê rock và cũng như nhiều gã trai trong cái lớp luyện thi chật chội ấy có cảm tình với cô.
Song cô quàng vai bá cổ hầu hết, tuy không phải suồng sã nhưng cũng đủ để các gã chẳng dám tiếp cận. Một gã nào đó nửa đùa nửa thật nói thích cô, cô thu ngón tay trỏ, búng vào mũi gã một cái, thế là xong. Nhưng luyện vẽ gần đến ngày thi, đột nhiên cô không đến lớp nữa.
Hai ly cà phê đá được anh chàng chạy bàn mang ra kèm theo lời dặn:
- Chị muốn đĩa nào nói em nha. Vậy đã rõ, cô là khách quen của quán này.
Cô nhấp một ngụm cà phê. Anh rút gói thuốc để lên bàn.
- Hình như ngày xưa lâu lâu ấy... có hút thuốc?
- Vẫn nhớ à? Chỉ là học đòi cho vui thôi, theo mấy ông con trai, nhảy rào ra cái quán sau trường. Nhưng tui chẳng nghiện thuốc bao giờ.
Anh co đầu gối, cảm thấy chật chội với cái quần jean trong tư thế ngồi này, nhưng đúng hơn, đấy không phải là tất cả lý do để anh tự thấy mình cứ loay hoay. Một câu hỏi rất lớn, chỉ chực bật ra, nhưng anh thấy nó không hề hợp ngữ cảnh, có phần hồ đồ nếu thốt lên lúc này.
- Cậu chưa có gia đình thật à? - cô mở lối thoát đề tài cho anh.
- Thậm chí chưa có cả việc làm.
- Sao lại thế? Cậu tốt nghiệp đại học rồi mà. Trường ấy cũng dễ kiếm việc làm.
- Tui chẳng muốn gò mình vào giờ hành chánh, làm dân công sở trong mấy cái cao ốc. Định mở công ty riêng, vốn ông bà già cho. Nhưng mở đến cái thứ ba rồi vẫn chẳng đâu vô đâu.
- Dân đã thích rock nó vậy.
- Thực sự cũng bao năm nay tui không nghe nhạc nữa. Rock thoái trào, tui cũng bỏ luôn nghe nhạc.
- Còn tui thì rock gắn liền với tuổi trẻ, với bao kỷ niệm quá khứ, tui không sao thoát ra khỏi nó. Đồng nghĩa tui vẫn y như ngày hôm qua.
- Yesterday?
- Không, bài ấy pop quá, có phải rock đâu, Paul là gã... sến nhất trong The Beatles.
- Ấy vẫn cực đoan như thế à?
- Dân nghe rock có mấy đứa không cực đoan?
- Thế nghĩa là ấy vẫn chưa lập gia đình, chưa đi làm... giống như tui?
- Có thể giống, nhưng cũng có thể hoàn toàn khác. Nói thực nhé, nhiều người cứ nghĩ tui là les. Nhưng có lẽ cậu và bạn bè thân thiết đều hiểu tui thuộc giới tính... Z.
- Giới tính Z? Lần đầu tui nghe điều này đó.
- Nghĩa là chẳng mê phái nào hết, cũng chẳng mê cả mình, nhưng tui vẫn phải... tự sống với mình.
Câu hỏi trong anh, cứ ngấp nghé bật ra rồi lại thôi, thay vào đó là một câu khác:
- Nhà ấy ở gần đây à?
- Ừ, gần đây, tui đã nói rồi mà, kế một cái chùa.
- Ấy mà ở chùa? Trời đất, rồi mở rock át cả tiếng kinh à?
- Không không, làm sao tui có thể tu hành, cũng như phá đám người tu hành được. Chỉ là đất nhà mình, ở cùng khuôn viên thôi. Đại loại vậy. Mà cậu kể chuyện cậu đi. Chuyện của tui chán chết.
Anh nghe chữ chết, chữ chùa tự nhiên bủn rủn. Bà cô mới mất cũng hầu như chỉ có việc duy nhất là ngồi nghe kinh Phật phát ra từ cái máy cũ mèm, suốt mấy chục năm cuối đời. Khi anh tiếp quản căn nhà, dường như tiếng kinh vẫn vẳng ra từ mấy bức tường xung quanh.
Thảng buổi sáng, buổi chiều hay đang nửa đêm, anh bỗng nghe mơ hồ cái âm buồn bã, miên man ấy như một ảo giác bập bềnh trong không gian. Khi không chú ý, nó trỗi lên, nhưng lúc lắng nghe, nó lập tức hút rơi đâu mất.
Anh kể cô nghe chuyện bà cô qua đời. Chuyện căn nhà. Chuyện đêm nào cũng nhậu rồi về ngủ một mình. Cô gật gù, lại đẩy gọng kính trên chiếc mũi hơi hếch.
- Nghe chừng cậu cũng đang cô đơn giống tui. Nhưng dặn rồi nhé, tui giới tính Z. Ờ, mà bữa nay cậu có hẹn nhậu với đám bạn không?
- Thú thực là có. Không nhậu tui không ngủ được. Hi vọng cái chuỗi ngày chết tiệt này sớm qua đi, căn nhà mau chóng được bán để tui... đỡ phải nhậu.
- Tui có một đề nghị thế này nhé. Tui với cậu đi mua bia, rồi về nhà cậu, à nhà bà cô cậu, tối nay tụi mình uống, nghe rock. Dẹp cái đám bạn của cậu một bữa đi. Tự nhiên gặp lại cậu, tui thèm uống, thèm nghe rock để nhớ về một thuở.
- Ngày xưa, ấy cũng uống à?
- Thì lâu lâu cũng uống. Cậu không tham gia, chứ cái đám ở lớp luyện thi đó cũng rất nhiều tên mê rock, chúng hay kéo đi nhậu, nghe rock và kéo cả tui theo.
Anh ngỡ ngàng với lời đề nghị bất ngờ từ cô. Nhưng không phải không có lý. Một chuyến phiêu lưu nho nhỏ. Không tiềm ẩn ý đồ gì. Chỉ có thể với những tín đồ rock.
- OK, để tui ghé quán nào đó kiếm bia, mồi và nước đá nữa - anh dợm đứng lên. Cô vội ngăn:
- Khoan, mình cứ ngồi đến lúc mặt trời xuống hẳn đã. Tui khoái cái không khí hoàng hôn, nhập nhoạng ở chỗ này.
Mấy đám bèo lững thững, bìm bịp kêu khắc khoải, sóng nước ảo mờ... Chẳng lẽ lại là những điều cô thích? Nó có vẻ gần hơn với dân ca thay vì rock. Anh lập lòe thuốc lá. Cô im lặng. Rất gần mà rất xa. Thật giống trạng thái của một cặp tình nhân mà hoàn toàn chẳng phải.
Anh và cô đang tồn tại như hai nét song song trên dưới của chữ Z, nối nhau bởi một vạch nghịch đảo chứ không phải liên kết. Nếu nét trên đẩy tới, nét dưới sẽ giật lui và ngược lại. Anh tự thích thú với liên tưởng ấy.
Gió từ mặt sông đột nhiên ào ào nổi. Anh ngẩng nhìn qua tàn lá, một sắc trời có phần u ám.
- Trời đất, không lẽ mưa vào mùa này?
- Mùa nào mà chả mưa được. Đã nhiều năm nay tui thấy cái sự phân định các mùa chẳng còn rõ rệt nữa. Quanh năm, mùa nào cũng như mùa nào.
- Có lẽ mình nên rút lui sớm?
Anh đề nghị và cô đồng ý.
- Mà này, còn một việc nữa. Ở nhà bà cô cậu có máy nghe nhạc không?
Nghe cô nhắc, anh ngớ người. Trên nóc cái tủ thấp trong phòng ngủ của bà cô chỉ có duy nhất chiếc máy nghe đĩa cũ để bà dùng nghe kinh Phật. Chẳng biết nó còn dùng được không. Hơn nữa CD nhạc thì hoàn toàn chịu.
Nghe anh trình bày tình thế, cô bảo:
- Chẳng sao, đĩa nhạc tui có thể mượn ở đây. Còn cái máy đĩa, bà cô cậu mới mất gần tháng, chắc còn sử dụng được. Người già nghe kinh đã quen, không thể để máy hỏng được đâu.
Anh chàng phục vụ bàn gói cho cô một chồng đĩa trong cái bịch nilông.
- Tui lo nhạc rồi. Bia là phần của cậu.
Mùi dầu gió cùng không khí ẩm mốc lưu cữu khiến anh ái ngại nhìn cô lúc đưa tay đẩy cửa.
- Ấy có thể chịu được thứ mùi này không?
Cô nhích nhích cánh mũi hếch.
- Chả sao. Thậm chí tui còn thích nó.
Anh tìm được một cái xô nhựa, hai chiếc ly cũ mốc, chiếc to chiếc nhỏ. Hẳn nhiên bà cô chẳng bao giờ uống bia để anh có thể tìm ra mấy thứ đúng chuẩn dành cho một cuộc nhậu. Tất cả đều có vẻ bất cập, nhưng cô liên tục xua tay:
- Chẳng sao cả. Ai rồi cũng sẽ cũ kỹ đi thôi, nhiều người thậm chí cũ kỹ ngay từ lúc còn trẻ. Ví dụ như tôi và cậu.
- Ấy có vẻ khoái triết lý nhỉ?
- Đó chẳng phải là một biểu hiện cũ kỹ à?
Anh lôi cái máy đọc CD từ phòng ngủ ra phòng khách, quét bụi và cắm điện. Quả đúng như cô đoán trước, cái máy vẫn phát nhạc ngon lành.
- A ha, một cái máy chuyên dùng nghe kinh Phật, giờ phát rock. Để tui chọn cái đĩa “For whom the bell tolls” của metallica, nghe cho nó... chuông nguyện hồn ai nhé.
- Tùy ấy - anh gật đầu hưởng ứng đề nghị của cô.
Sau nhiều năm trời không nghe rock, mấy tiếng chuông điểm “boong” trước khi dàn guitar trỗi dậy của bản nhạc khiến anh nổi da gà.
Cô ngay tức khắc trở về hình ảnh cô nữ sinh luyện thi đầy ấn tượng năm nào. Đúng lúc ấy, cái bóng đèn dài phía trên trần lại phụt tắt.
- Cầu mong không phải là bà cô cậu trở về phản đối kiểu quậy phá của tụi mình.
- Ấy cũng nghĩ thế à? Y hệt tui từng tưởng tượng. Nhưng chả sao, dù gì bà cô cũng rất cưng tui. Vậy là có dịp dùng ngay cây đèn bàn mới mua rồi.
Anh lại loay hoay tìm chỗ cắm cây đèn bàn. Một thứ ánh sáng nhợt nhạt phát ra từ góc nhà, vị trí duy nhất có lỗ cắm điện trong phòng, khiến không gian càng thêm kỳ lạ. Bia được mở, cô tựa phịch người ra bức tường phía sau, chân duỗi thẳng dưới nền. Anh loay hoay tìm một vị trí không quá gần cô, tuy nhiên như thế lại khó cụng ly. Cô bật cười.
- Cậu ngại à, cứ lại đây ngồi gần bên tui nè. Ngồi song song cũng được.
Anh mau chóng chìm đắm vào cái không gian lâu lắm mình mới lại được trải nghiệm. Đã sang lon bia thứ ba. Cô đối diện, ảo mê. Đôi môi như một khoáy nước giữa dòng sông cuộn xiết. Nhưng kỳ lạ, đó không phải là một gợi hứng dục vọng, kiểu như anh muốn chồm tới, hút môi mình vào đó. Mà gần hơn, đó là cảm giác của một kẻ đuối nước, bị lôi vào một cái hành lang đen thẳm, nối giữa tỉnh và mê.
Những bản rock nặng vang lên giữa đêm, trong cái xóm vốn yên tĩnh, khiến anh cảm thấy không ổn lắm, gắng trỗi người ngồi dậy, nhưng lại lảo đảo bệt xuống.
- Không lẽ tui say rồi sao?
- Cậu muốn đổi nhạc à? - cô như hiểu ngay ý anh.
- Có lẽ vậy, một CD nào nhẹ hơn, nhưng vẫn phải là rock.
- Có ngay, cậu còn nhớ Pink Floyd chứ? Có cặp album “The Wall” đây.
- Tuyệt, tui cũng mê nó.
- Cậu đã xem bộ phim dựng từ album này chưa? Cái cậu bé có ông bố bị giết trong thế chiến. Cậu ấy đã trải qua tuổi thơ, lớn lên trong nỗi cô đơn, khủng hoảng...
- À đúng, tui đã xem và nhớ rồi. Đặc biệt lạnh gáy ở cái đoạn cậu ấy bị “nhốt” sau một bức tường cao thăm thẳm, dài mênh mông. Cậu ấy úp mặt vào bức tường, vươn hai tay lên trời và gào tuyệt vọng: Is there anybody out there - Có ai ở ngoài đó không?
Cô đột nhiên bưng ngực, hậc lên một cái. Anh hoảng hốt:
- Ấy sao vậy? Say rồi à?
Cô ngoắt ngoắt bàn tay.
- Không, tui không sao cả. Chỉ là tui... Cái cảm giác ấy... Cái cảm giác bị nhốt một mình. Chỉ muốn gào lên có ai ở ngoài đó không, mà không sao gào nổi.
Anh nghe toàn thân tê điếng. Có điều gì liên quan chăng? Cái câu hỏi anh đã muốn hỏi cô ngay phút đầu gặp lại. Giờ thì nó bật ra:
- Cái cảm giác ấy mô tả đó là sao? Ấy đã “bị nhốt”, một mình, muốn gào gọi mọi người?
- Thì sao, có gì lạ đâu? Ai mà chẳng ít nhiều trải qua cảm giác ấy?
- Cho tui hỏi thật nhé, đây là câu hỏi cứ ngấp ngứ trong ngực tui từ hồi chiều. Cái thời điểm cuối mùa luyện thi, sắp vào đại học, ấy đột nhiên biến mất. Mọi người chỉ nghĩ ấy đã luyện đủ nên nghỉ để thi luôn. Nhưng khi tụi mình vào đại học vẫn chẳng thấy ấy đâu. Về sau mới nghe tin ấy... đã mất trong một tai nạn giao thông...
Cô bật cười, thay vì một cú giật mình, hay một biểu hiện xác nhận nào đó.
- Đây cũng là câu hỏi nhiều bạn gặp tui sau này vẫn hỏi. Nhưng cậu có nhớ ở trường mình có một cô bé trùng tên tui đã chết vì tai nạn giao thông? Có lẽ mọi người nhầm tui với cô bé ấy.
- Nhưng tại sao ấy lại biến mất? Trường mình cũng có lớn đâu để mọi người nhầm lẫn được?
- Tin đồn mà cậu nói không lầm lẫn. Tuy nhiên, điều đó có gì quan trọng đâu, một người trùng tên hay một người khác tên, một người là tui hay một người là cô bé ấy, đột nhiên qua đời, tất cả đều như nhau thôi. Một ngày ở cái thành phố này có bao nhiêu người chết vì tai nạn giao thông?
Chẳng ai nói chính xác, cũng chẳng ai nhớ nổi hết họ. Rốt cuộc, họ như hòa lẫn vào những người sống và người sống hòa vào họ.
Anh cảm thấy vẫn còn những băn khoăn sau lý giải từ cô. Nhưng rõ ràng anh ngồi đây, cô ngồi đó. Những dòng bia trôi vào miệng cô cũng mất hút chứ chẳng hề lơ lửng trong không khí.
Cô nâng ly.
- Nào, cậu có cần nắm tay tui một cái để xác nhận tui đang ở bên cậu không?
Anh lắc đầu cười:
- Không cần, có lẽ ấy nói đúng. Chẳng hơi đâu phân định sự sống chết làm gì. Chắc gì ta đang sống đã là thực, những người chết đi đã là ảo. Giờ thì hãy cứ uống. Nếu say, ấy có thể ngủ lại, hoặc trong phòng kia, hoặc trải cái gì nằm dưới sàn này. Tất nhiên là tui sẽ không chọn giống ấy.
- Chả sao, tui đã mang giới tính Z, cũng như đã sống tới Z rồi. Sau đó chẳng còn gì phải băn khoăn, gìn giữ nữa. Đúng thế không nào?
Anh gục đầu. Uống. Mê man uống. Hình ảnh cuối cùng thu nhận được vẫn thấy cô nhập nhoạng, cho đến khi anh thực sự lăn ra.
Khi anh thức giấc vào trưa hôm sau, cô đã không còn trong phòng, chiếc xe máy cũng vậy. Muốn gọi hỏi thăm cô nhưng anh sực nhớ đã quên mất việc lưu số. Hôm nay thứ bảy, có lẽ phải về nhà thăm ba mẹ, báo cáo tình hình một tí.
Anh tắm rửa sơ qua, kiếm chỗ điểm tâm vào đầu giờ chiều.
Anh nhấn chuông, vẫn tiếng mẹ lạch cạch mở cổng. Và bà hiện ra khi cánh cửa vừa hé. Cặp mắt bà như trợn ngược, cùng cái miệng há to.
N.D.L
Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần