Tác phẩm hay
Báo cáo của Brodie
10:09 | 07/04/2016

Jorge Luis Borges (1899-1986) là một trong những nhà văn vĩ đại và phức tạp nhất châu Mỹ La tinh. Tác giả của nhiều tập truyện ngắn và thơ. Được dịch ra hầu hết các thứ tiếng chủ yếu trên thế giới. Truyện ngắn “Thông báo của Brodie” phảng phất hương vị thần thoại hoang tưởng như phản ảnh rất rõ những quan niệm của Borges về chủ nghĩa nhân đạo và bản sắc văn hóa của nhân loại...
HTQ dịch từ bản tiếng Nga,
có tham khảo nguyên bản tiếng Tây Ban Nha.

Báo cáo của Brodie

JORGE LUIS BORGES

Báo cáo của Brodie

Truyện ngắn

“...Từ những vùng bị lũ người khỉ (Apemen) tàn phá trơ trụi, bộ lạc MIch đã tới nơi này sinh sống - từ đây trở đi tôi sẽ gọi họ là dân tộc Yahoos để người đọc khỏi quên bản chất thú rừng của họ, hơn nữa, ở đây không thể nào phiên âm chuẩn xác được bởi trong thứ ngôn ngữ gầm gừ của họ không có các nguyên âm. Số lượng thành viên của bộ lạc này, theo tôi nghĩ, không quá bảy trăm, kể cả các Nr, những người trú ngụ ở tít trong rừng rậm phía Nam. Con số tôi vừa đưa ra chỉ có tính chất tương đối vì ngoài vua, hoàng hậu và bốn đại thần ra, những người dân Yahoos khác không có nhà ở và thông thường gặp đêm ở đâu ngủ luôn tại đấy. Bệnh sốt rét đầm lầy và các cuộc tập kích của lũ người khỉ làm giảm dần dân số của họ. Chỉ một số ít người được có tên. Để làm người khác chú ý đến mình, họ bôi bẩn lên nhau. Tôi đã từng quan sát thấy cảnh người Yahoos để gây cảm tình với người khác, thường quỳ sụp xuống và bò lê trên mặt đất. Bề ngoài, họ không khác dân tộc Krl lắm, có lẽ chỉ có trán thấp hơn tí chút và da đỡ đen hơn, ánh màu đồng. Họ ăn hoa quả, rễ cây và các loại bò sát, uống sữa dơi và mèo; bắt cá tay không. Khi ăn, họ thường lẩn vào chỗ kín đáo hoặc nhắm tịt mắt lại, còn mọi việc khác họ đều làm công khai, hệt như các triết gia vô sỉ. Họ ăn sống xác các quan đại thần và vua với mục đích để thu nhập các phẩm chất của những người này vào mình. Khi tôi trách móc dân Yahoos về hủ tục này, họ cứ vỗ tay vào mồm và bụng mình, có lẽ ý muốn nói rằng người chết cũng là thức ăn hoặc dẫu điều này quá ư phức tạp đối với họ - tất cả những gì chúng ta ăn cuối cùng rồi sẽ chuyển hóa thành da thịt con người.

Trong chiến trận, họ sử dụng những viên đá mà họ đã tích trữ lại cũng như những lời thần chú. Họ ở truồng vì họ không biết tí gì về nghệ thuật mặc quần áo và xăm mình.

Một điều đáng được chú ý: Mặc dù họ làm chủ cả một vùng cao nguyên bằng phẳng bao la xanh tốt có rất nhiều nguồn nước sạch và rừng cây rậm lá, họ vẫn thích lăn lộn cả bầy trong những đầm lầy bao quanh lãnh thổ của họ ở phía dưới và hình như rất thích thú thưởng thức cái nắng xích đạo và mùi hôi thối. Bốn bên vách cao nguyên đều dựng đứng và lởm chởm, có thể che chở cho họ khỏi lũ người khỉ vững chãi chẳng kém gì tường thành. Tôi đã kể cho các vị đại thần biết rằng, ở vùng núi Scotland, mọi tòa lâu đài quyền quý đều được xây dựng trên tít đỉnh đồi và đề nghị họ áp dụng kinh nghiệm của chúng ta nhưng họ không nghe theo lời tôi. Tuy nhiên, họ cũng cho phép tôi cất một túp lều trên cao nguyên, nơi không khí trong lành hơn.

Bộ lạc nằm dưới sự trị vì của một ông vua có quyền lực tuyệt đối, thế nhưng, theo tôi nghĩ, những ông chúa thực sự ở đây là bốn quan đại thần, những kẻ giúp vua trị vì và trước đó đã bầu nên vua. Mỗi đứa trẻ sơ sinh nào cũng được xem xét kỹ lưỡng và nếu họ tìm thấy trên người nó những dấu hiệu đặc biệt - mà tới nay tôi vẫn cảm thấy bí ẩn, - nó sẽ trở thành vua của bộ lạc Yahoos. Khi ấy, người ta sẽ hoạn nó (he is gelded) đốt mù mắt, chặt hết chân tay để cảnh đời phù du khỏi làm phân tán tư tưởng của nó. Vua vĩnh viễn được đưa vào ở trong một hang đá được gọi là Hoàng cung (OZR), nơi chỉ có bốn quan đại thần và hai tên nô lệ chuyên hầu hạ và rửa ráy cho vua được vào. Khi xảy ra chinh chiến, các đại thần mới lôi vua từ trong hang ra, trình trước toàn bộ lạc để gây hưng phấn cho đồng loại và cõng vua trên lưng như thể đấy là lá cờ hay bùa hộ mệnh vào giữa nơi ác liệt nhất. Vì thế, thường thường vua bị mất mạng bởi trận mưa đá cục của lũ người khỉ.

Có một Hoàng cung khác là nơi ở của Hoàng hậu, nàng không bao giờ được thấy chồng mình. Nàng đã cho phép tôi yết kiến và trông có vẻ vui tính, trẻ trung và duyên dáng - ở mức độ mà chủng tộc của nàng cho phép. Những chiếc xuyến bằng kim loại và xương voi cùng mấy cái vòng đeo cổ làm từ một loại xương thú nào đó tô điểm cho sự khỏa thân của nàng. Nàng ngắm nghía tôi, hít ngửi, sờ mó và kết thúc buổi làm quen bằng việc mời tôi sử dụng nàng trước sự có mặt của các cung nữ. Chức danh của tôi (my cloth) và quan niệm sống của tôi buộc tôi phải chối từ vinh hạnh đó, điều thường vẫn được ban phát cho các quan đại thần và những kẻ săn nô lệ, chủ yếu là dân theo đạo Hồi vốn hay đi qua vương quốc. Hoàng hậu lấy kim vàng đâm tôi hai ba lần gì đó. Những vết đâm như thế được coi là dấu hiệu sủng ái của vua chúa và không ít người Yahoos tự đâm kim vào mình để tỏ vẻ ta đây cũng được hoàng hậu để mắt tới. Những đồ trang sức mà tôi đã kể tới ở đoạn trên được chở từ nơi khác đến đấy nhưng những người Yahoos cho rằng chúng là của trời cho vì một lẽ: bản thân họ không tự làm được ngay cả những vật đơn giản nhất. Đối với bộ lạc, túp lều của tôi cũng chẳng khác gì thân cây, dẫu rằng nhiều người tận mắt trông thấy tôi đã dựng nó thế nào và đã giúp tôi làm việc này. Ngoài những vật dụng khác, tôi còn có đồng hồ, mũ lie, địa bàn và Kinh thánh. Người Yahoos nhìn ngắm chúng, cầm lên tay xem nặng nhẹ thế nào và hỏi chỗ tôi đã tìm được chúng. Họ thường cầm con dao của tôi ở phía lưỡi, có thể họ nhìn thứ vũ khí này ở một khía cạnh nào đó khác ta. Tôi không biết họ hình dung chiếc ghế chẳng hạn như thế nào. Đối với họ, ngôi nhà với dăm ba phòng có lẽ đã là hẳn một mê cung nhưng chắc họ không lạc lối ở đấy đâu - tựa con mèo không bao giờ lạc trong nhà, dẫu rằng nó không hình dung được toàn bộ ngôi nhà. Tất cả bọn họ đều kinh ngạc trước bộ râu dài lúc đó còn nguyên màu nâu của tôi, họ âu yếm ve vuốt nó rất lâu.

Người Yahoos không biết đến khổ đau và vui sướng, nhưng họ cảm thấy thích thú trước món thịt sống ôi và những vật bốc mùi hôi hám. Vì không có trí tưởng tượng, họ trở nên những người tàn nhẫn.

Tôi đã kể về vua và hoàng hậu, giờ tôi sẽ kể về các quan đại thần. Như tôi đã viết, họ có bốn người. Đấy là con số lớn nhất trong hệ đếm của bộ lạc. Mọi người đều tính bằng ngón tay: một, hai, ba, bốn và nhiều. Vô tận bắt đầu từ ngón cái. Tôi nghe đâu ở các bộ lạc đang tác oai tác quái cách Buenos Aires không xa, người ta cũng tính toán hệt như thế. Tuy nhiên, mặc dù “bốn” là con số cuối cùng trong sinh hoạt của họ, những người Arab buôn bán cùng họ không bao giờ ăn bớt được của họ bởi khi buôn bán, hàng hóa được chia thành các phần gồm có một, hai, ba hoặc bốn đồ vật rồi hai bên mới trao đổi với nhau. Quá trình này rất mất thời gian, thế nhưng nó loại bỏ mọi sự nhầm lẫn hoặc lường gạt.

Giữa bộ tộc Yahoos chỉ có các quan đại thần là thực sự khiến tôi tò mò. Những người trần mắt thịt khác gán cho họ khả năng biến thành kiến hay rùa bất cứ ai họ muốn. Một anh chàng cảm thấy tôi không tin, liền chỉ ngay cho tôi xem tổ kiến, làm như nó có thể chứng minh được điều trên. Trí nhớ ở bộ lạc Yahoos hầu như hoàn toàn không có. Họ hay nói về những tai họa do các cuộc tấn công của bầy báo gây nên nhưng không dám quả quyết rằng, họ hay cha ông họ đã nhìn thấy những cảnh này và nhìn thấy trong mơ hay ở ngoài đời thực. Các quan đại thần có trí nhớ nhưng ở mức độ tối thiểu: Tối đến, họ chỉ còn nhớ được những gì vừa xảy ra lúc sáng hoặc ban chiều. Của đáng tội, họ có tài tiên tri thực; họ có thể thanh thản tự tin báo trước những việc sẽ xảy ra sau mười, mười lăm phút nữa. Thí dụ, họ thông báo: “Muỗi mắt sẽ cắn vào gáy tôi” hay “Chúng ta sắp sửa nghe thấy tiếng chim kêu”. Hàng trăm lần tôi được chứng kiến tài năng kỳ diệu này.  Tôi suy nghĩ rất nhiều về nó. Chúng ta đều biết rằng quá khứ, hiện tại và tương lai - từng chi tiết nhỏ nhặt, từng sự kiện vụn vặt nhất đều đã được ghi sẵn trong bộ óc tiên tri của chúa trong những cuốn thiên thư vĩnh cửu của người. Và thật lạ là con người chỉ có thể nhìn xa vô tận về quá khứ chứ không phải tới tương lai. Nếu như tôi có thể nhớ tường tận con tàu Na Uy thanh tú có hai cột buồm, dẫu lúc ấy tôi mới chưa đầy bốn tuổi thì tại sao tôi lại phải ngạc nhiên vì ai đấy có thể tiên đoán được những sự kiện gần nhất sắp xảy ra? Theo quan điểm triết học, trí nhớ cũng là một khả năng kỳ diệu không kém gì tài tiên tri. Ngày mai còn gần chúng ta hơn cuộc vượt Biển Đỏ của người Do Thái, điều mà, dù thế, chúng ta vẫn còn nhớ.

Bộ lạc bị cấm nhìn lên các vì sao bởi đấy là độc quyền của các quan đại thần. Mỗi quan đại thần có một môn sinh, dạy anh ta các “môn khoa học huyền bí” từ nhỏ và đào tạo thành người thừa kế mình. Như vậy, họ luôn chỉ có 4 người - con số thần thánh vì nó là giới hạn cao nhất mà trí tuệ của bộ lạc này có thể tiếp thu được. Ở đây, khái niệm thiên đường và địa ngục được giải thích một cách độc đáo. Cả hai nơi này đều nằm cả dưới lòng đất. Địa ngục sáng sủa và khô ráo, nơi ở của những người bị bệnh tật, già cả, bất đắc chí, người khỉ, nô lệ và lũ báo. Còn vua, hoàng hậu, các quan đại thần và tất cả những ai khi còn ở trên mặt đất đã hạnh phúc, tàn nhẫn và khát máu đều được xuống thiên đường, một nơi ẩm ướt và đen tối. Bộ lạc Yahoos thờ cúng vị thần có cái tên khốn nạn, người mà có lẽ họ dựng nên theo hình ảnh vị vua của mình. Đó là một quái thai mù lòa bất lực với một quyền hành vô hạn. Hiện thân của vua thường là rắn hổ mang hoặc kiến.

Sau tất cả những điều tôi đã kể, tôi nghĩ sẽ không ai ngạc nhiên khi biết trong suốt thời gian tôi ở cùng bộ lạc, tôi không tâm sự được cùng một người Yahoos nào. Câu kinh “Cha của chúng con” khiến họ bối rối cực độ vì họ không có khái niệm cha con. Họ không thể hiểu nổi bằng cách nào mà một hành động được thực hiện từ chín tháng trước lại có thể liên hệ với sự ra đời của đứa trẻ và không chấp nhận nguyên nhân này vì thời gian quá lâu và tính kỳ quái của nó. Cần phải nói rằng, tất cả đám đàn bà không trừ một ai đều bán thân nhưng không phải ai cũng trở thành mẹ.

Ngôn ngữ của họ rất khó. Nó không giống bất cứ thứ tiếng nào mà tôi biết. Tôi không thể nói gì về thành phần các câu vì ngay chính bản thân các câu này không tồn tại. Mỗi một từ đơn âm biểu hiện một ý chung, được cụ thể hóa trong từng trường hợp một nhờ văn cảnh hoặc điệu bộ. Thí dụ, từ “nrz” thể hiện sự tung tóe hoặc lốm đốm và có thể dùng để chỉ “trời sao”, “con báo”, “đàn chim”, “mặt rỗ”, “mặt nước” cũng như là “làm tung tóe đồ vật gì đó ra” hay “thua chạy tán loạn”... Còn từ “hrl” lại khiến cho người ta hiểu rằng nó nói tới một khối liên kết hay một vật gì đó dày đặc và có thể được dùng để chỉ “bộ lạc”, “thân cây”, “tảng đá”, “đống đá”, “việc đi nhặt đá”, “cuộc họp của bốn quan đại thần”, “sự giao hợp” và “rừng rậm”. Được phát âm ở một cung độ khác và với một nét nhăn mặt khác, mỗi một từ có thể mang một ý nghĩa ngược hẳn lại. Ta cũng không nên quá ngạc nhiên về điều đó: Trong tiếng ta, động từ “To cleave” vừa có nghĩa là “bị chẻ ra” lẫn “giữ vững thủy chung”. Tóm lại, trong ngôn ngữ của họ không hề có câu, không có ngay cả những tập hợp từ ngắn ngủi.

Khả năng tư duy trừu tượng mà hệ thống ngôn ngữ kiểu trên đã chứng tỏ khiến tôi tin rằng, người Yahoos, mặc dù còn man rợ không chỉ đơn thuần là một bộ lạc nguyên sơ mà là một bộ lạc đã bị thoái hóa, giả thuyết này được củng cố thêm nhờ những dòng chữ viết trên vách đá mà tôi đã phát hiện ra được ở trung tâm cao nguyên, trông giống thứ văn tự Rune của tổ tiên ta và hiện nay, người Yahoos không còn hiểu được nữa: hình như họ đã hoàn toàn quên chữ viết và chỉ còn biết sử dụng độc ngôn ngữ truyền miệng.

Các trận đấu của những con mèo được huấn luyện đặc biệt cũng như các vụ hành hình được coi là giải trí của bộ lạc. Ai cũng có thể bị buộc tội đã xúc phạm danh dự của hoàng hậu hoặc ăn trước mặt mọi người. Cả nhân chứng lẫn những người bị buộc tội đều không được nói gì, còn nhà vua tuyên án. Phạm nhân bị tra tấn bằng những trò dã man mà tôi sẽ không dám kể lại ở đây, rồi sau đó bị giết. Hoàng hậu được quyền ném hòn đá đầu tiên và hòn đá cuối cùng (vật mà thông thường không cần thiết). Đám đông trầm trồ khen ngợi sự khéo léo và mọi nhan sắc của nàng, trong cơn hưng phấn man rợ, xếp đầy hoa hồng và các mẩu thịt thú vật xuống dưới chân nàng. Hoàng hậu lặng lẽ nở nụ cười rạng rỡ.

Thành phần nữa đáng để ý của bộ lạc là các nhà thơ. Đôi khi cũng có ai đó đặt được một dãy gồm 6-7 từ thông thường rất bí ẩn. Không đủ sức tự kiềm chế, anh ta bắt đầu thét toáng chúng lên, đứng ra giữa vòng tròn, còn các quan đại thần cùng mọi người vây lấy xung quanh. Nếu bài thơ không làm ai xúc động cả thì sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra. Nhưng nếu lời bài thơ mà xao xuyến lòng người, thì tất cả sẽ im phăng phắc rồi bỏ anh trong cơn hãi hùng thiêng liêng (under a holy dread). Họ cảm thấy như Thượng đế đã truyền cảm hứng cho anh ta và sẽ không ai trò chuyện với anh ta, không ai dám nhìn mặt anh ta nữa, ngay cả mẹ anh ta. Anh ta từ ấy trở đi không còn là người nữa mà là thánh; và ai cũng có thể kết liễu anh ta. Nhà thơ, nếu có thể, thường tìm nơi lẩn trốn ở vùng gió cát chòng chành phương Bắc.

Ở đoạn trên, tôi đã kể chuyện mình lọt vào xứ sở của bộ lạc Yahoos như thế nào. Người đọc biết rằng, họ vây lấy tôi, tôi bắn súng lên không và họ ngỡ tiếng súng như một tiếng sấm thần kỳ. Để sự hiểu lầm của họ khỏi tiêu tan, tôi luôn đi tay không. Một sáng xuân, còn sớm tinh mơ, lũ người khỉ tấn công chúng tôi. Tôi lập tức lao xuống khỏi cao nguyên và giết chết hai con vật này. Số còn lại hoảng sợ chạy tán loạn. Các người cũng biết rằng, khó nhìn thấy rõ đường đạn bay. Lần đầu tiên trong đời tôi được nghe người khác ca tụng mình. Hình như chính khi ấy hoàng hậu đã tiếp tôi. Nhưng trí nhớ của người Yahoos ngắn ngủi lắm và ngay chiều hôm ấy tôi bỏ đi. Chuyến lang thang của tôi trong những cánh rừng xích đạo không có gì đáng kể cả. Cuối cùng, tôi gặp một làng của những người dân da đen biết cầy cấy và cầu kinh; và tôi đã trò chuyện với họ bằng tiếng Bồ Đào Nha. Nhà truyền giáo từ các nước Roman, cha Fernades, cho tôi trú nhờ trong túp lều của ông và chăm sóc tôi cho tới khi tôi hồi phục, đủ sức tiếp tục cuộc hành trình nhọc nhằn. Thoạt đầu, tôi cảm thấy buồn nôn trong họng khi thấy cha há to mồm, đút thịt vào miệng nhai trợn má công khai. Tôi đưa tay che mặt hoặc ngoảnh đi chỗ khác nhưng chỉ vài ngày sau tôi cũng thấy quen với cảnh ấy. Giờ tôi thường thích thú nhớ lại những cuộc tranh luận về thần học giữa hai chúng tôi. Của đáng tội, tôi không sao thuyết phục được cha trở lại con đường chân chính của chúa Jesus.

Hôm nay, tôi đang viết những dòng này ở Glasgow. Tôi đã kể hết về thời gian mình sống giữa những người Yahoos nhưng không thể diễn tả nổi điều chính yếu – nỗi kinh hoàng trước những ngày vừa qua: tôi không làm sao rũ bỏ được nó, nó cứ khuấy động giấc ngủ của tôi. Ra ngoài phố lúc nào tôi cũng có cảm giác như họ đang quây lấy tôi. Tôi rất hiểu, Yahoos là một dân tộc man rợ, có lẽ man rợ nhất thế giới, nhưng chắc chúng ta sẽ không công bằng nếu làm ngơ không đề cập tới một số sự kiện có thể biện bạch cho họ. Họ có hệ thống tổ chức quốc gia riêng, họ may mắn được có vua, họ sử dụng thứ tiếng nói mà những khái niệm gần giống nhau được hợp nhất lại; tương tự như người Do Thái và người Hy Lạp, họ tin vào khởi thủy thiêng liêng thần thánh của thơ ca và mơ hồ cảm thấy rằng tâm hồn sống lâu hơn thân xác phù du. Họ tin vào sự công bằng của các vụ tử hình và việc trọng thưởng. Nói chung, họ cũng có một nền văn minh như chúng ta vẫn hình dung nó, bất chấp rất nhiều điều lầm lẫn của chúng ta. Tôi không hề hối hận và đã cùng họ chiến đấu chống lại lũ người khỉ. Nghĩa vụ của chúng ta là phải cứu họ. Tôi hy vọng rằng, chính phủ của Nữ hoàng sẽ không bỏ qua yêu cầu nhỏ bé kết thúc thông báo này”.  

Nguồn: Tinh Hoa Việt





 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Các bài đã đăng
Sóng gió Ô Cấp (22/03/2016)
Hoàng tử Rơm (15/01/2016)
Nhập hồn (29/12/2015)
Chữ Z (08/12/2015)
Mưa đời sau (16/11/2015)
Siêu sinh (28/10/2015)
Hàng xóm (13/10/2015)