LGT: Một người mộng du nếu (vừa đi vừa) mơ sẽ khác người bình thường thế nào? Tương tự, người ấy nếu nghĩ hay nhớ lại thì liệu có khác với người không bị mộng du? Tất cả những câu hỏi có vẻ kỳ lạ ấy dường như đều được trả lời bằng hình tượng nghệ thuật trong truyện ngắn dưới đây của Trần Băng Khuê.
Kiểu hành văn theo tư duy liên hệ mờ này nảy sinh khá nhiều liên tưởng thú vị và có thể cũng gây khó chịu với những người đọc quen lối nghĩ văn chương phải là những diễn giải rõ ràng.
Trần Băng Khuê hiện sống và làm việc tại Huế và Ban Mê Thuột.
Nguồn: Tiền Phong Chủ nhật
TRẦN BĂNG KHUÊ
Những giấc mơ đã chết
Truyện ngắn
Mùa nắng đổ đến khô hạn từng cánh đồng, dòng sông, vậy mà mỗi lần về chiều, bầu trời lại thường chuyển sang màu chì xám ngoét khó chịu. Đấy, chẳng phải dấu hiệu của một cơn mưa mát lành như sự nhầm tưởng. Chúng hẳn là một thứ sắc màu cố hữu quen thuộc ở nơi này. Chúng bao trùm lên mọi ngả đường, mọi nóc nhà, trên các tầng lá thủng dưới ánh sáng nhạt nhòa, bỡn cợt.
Thành phố H chìm trong màn sương đục mờ của buổi sáng sớm. Sương không trong vắt, tinh khiết. Sương của ảo ảnh, của những cột khói từ các nhà máy công nghiệp vây phủ lấy bầu không khí.
Mặt trời vẫn điềm nhiên trong giấc ngủ say.
N xõa tóc bước chầm chậm từng nhịp một trên vỉa hè. Nàng vừa đi vừa đếm các ô gạch bám rêu mốc meo dưới chân mình. Mải mê đếm nhịp, nàng không biết chân mình đã chạm đến bờ sông. N ngước mặt nhìn lên. Đập vào mắt nàng là những bức tượng đủ mọi hình thù. Nàng nhớ, hình như chúng được dựng lên từ mấy mùa lễ hội trước. Chúng nằm im lìm ở khu điêu khắc đá ven bờ sông đã khá lâu rồi. Bất giác N nghĩ, hẳn là chúng đang dõi theo cái bóng xiêu vẹo của nàng và mỉa mai. Nàng lẩm bẩm nhìn về một bức tượng bán thân tự hỏi, những ông thánh trọc đầu ắt hẳn cũng thường xuyên đi hoang như mình nhỉ?
Rồi nàng nhớ ra một vài chuyện thời còn nhỏ đã được người lớn kể lại rằng, những vị thánh thường nhổ những cọc tre ném xuống sông, sau đó lặng lẽ nấp lén trong mây để ngắm nghía bầu trời màu xám.
Giờ này, thành phố H vẫn ngoan ngoãn, không một chút động cựa.
Trời đã gần sáng, nhưng hãy còn mập mờ trong ranh giới của đêm và ngày.
Nàng rời nhà, bắt đầu một cuộc đi hoang của mình. Bóng tối từ phía thành phố lia những con mắt tinh quái ngắm nhìn nàng giễu cợt. N nhận thấy, đôi chân nàng, luôn bước chênh chếch xiêu vẹo có định hướng. Không hề chệch khỏi vị trí khuôn viên bờ sông bao giờ. Nàng mặc kệ, dù sao, đó cũng là nơi, nàng nghĩ mình luôn muốn dừng lại. Nàng đến gần mặt nước,hướng ánh mắt xuống những gợn sóng lấp lánh các ngôi sao mờ ảo tự hỏi, liệu chúng có thực sự bình yên và dịu dàng êm ả như thế này? Nàng nghe tiếng của dòng sông thì thào về lời của nước. Nước xiết chảy dưới những xoáy ngầm ẩn nấp đâu đó giữa con sông Linh Giang hiền hòa lặng lẽ.
Đứng trước dòng sông, N thường có những ý nghĩ rất kì quặc, kể cả trong khoảnh khắc nàng không đủ tỉnh táo để nhận biết về thế giới. Nàng gật gù lặp đi lặp lại những lời chỉ một mình nàng hiểu, lòng sông đang sôi và sủi bọt. Chảo dầu. Chảo dầu khổng lồ. Rồi sau đó, N tiếp tục bước. Bóng nàng nặng trĩu. Ngả về một phía. In hằn lên mặt nước rất đỗi dịu dàng như một mùa thu tuyệt đẹp và chết chóc.
Mùa hè bắt đầu đến.
Lễ hội tiếp nối lễ hội. Những mùa lễ hội dường như không bao giờ có dự kiến sẽ kết thúc. N đã chạy theo biết bao mùa lễ hội đến phát chán. Nhưng, vào độ thời gian này, nàng lại thấy lòng mình nôn nao chờ đợi điều gì khác biệt đang ẩn náu kín đáo. Mùa lễ hội, chúng phiêu du trong đáy mắt nàng từ lâu lắm rồi. Những kí ức thường sống bằng trí tưởng tượng, chúng dưỡng nuôi và giữ gìn cho nàng một trái tim non trẻ, yêu đời đến độ ngây ngô.
N cần phải khẳng quyết rằng, Nàng đã yêu, nàng yêu như những đứa trẻ hồn nhiên dần dần lớn lên trong các mùa lễ hội tưng bừng cờ xí, trống kèn. Nàng đã biết yêu, cũng từ mùa lễ hội ấy, lễ hội của phố phường rộn rã, mệt mỏi. Chúng, là những khoảng thời gian tiếp nối nhau hằn lên trái tim nàng từng nhịp đập lạ kì, rồi cũng chính chúng cắn nát đôi chân nàng đến tứa máu mỗi lần rời bỏ một phần máu thịt và xếp lớp lại trong ngăn kí ức.
Nàng sống giữa một thành phố nhỏ và chật nằm nem nép bên một con sông. Người ta gọi đó là sông Linh Giang. Một con sông thường quặn lên khối màu đỏ quạch, mỗi mùa hè, như máu. Một thứ sắc màu nàng đã từng nhìn thấy rất nhiều lần dưới ánh mắt thời thơ trẻ ngây ngô. Rồi nàng bất chợt ngẫm ngợi, hẳn là phải nhớ về nó. Ai cũng có một con sông chảy tràn trong dòng tâm tưởng.
Đứng trước Linh Giang vào buổi tờ mờ. Nàng nhìn màn sương trắng phủ. Nàng nghĩ về nước sông, màu nước kì lạ của con sông lấp lánh đẹp như đổ ánh vàng, thi thoảng lại chuyển thành thứ gì đó đen xỉn hệt hắc ín mà người ta vừa trải xuống lòng đường trên chiếc cầu bắc ngang chia đôi thành phố. Rồi, những ý nghĩ của nàng xáo trộn, bộn bề huyền ảo. Chúng chập chờn, đưa nàng vào các cuộc phiêu lưu bất định.
Vài ý nghĩ về sông lấp lánh, rồi bất chợt biến mất, thay thế vào đó là những thứ hiện hữu khác, đang đẩy đưa đùa giỡn với trí não của nàng. N chuyển điểm nhìn sang quan sát những ô cửa sổ trên các dãy nhà cao tầng. Chúng cựa quậy, muốn bung tỏa khỏi khối bê tông cốt sắt để thông gió. Nhưng, điều đó là không thể. Nàng cảm thấy bị ngột thở ngay trong thành phố nhỏ này, ngay chính nơi con sông Linh Giang này.
N nghĩ về mình, nàng không thể nghĩ mãi về sông.
Nàng biết rằng, cơ thể nàng đang suy kiệt, chết dần cả ngày lẫn đêm. Nàng đã thấy những hè phố xơ xác dưới các gốc cây khô quắt, cùng với các tầng lá thưa và rỗng. Sự sống dần dần biến mất trong mắt nàng. Những bàn tay sắt của một vài kẻ lạ mặt đang rình rập cưa xẻ các gốc cây một cách quyết liệt khi trời vừa chập choạng tối. Nàng đứng nơi vỉa hè. Cúi đầu nhìn thành phố, nhìn những ô cửa sổ, nhìn những giấc ngủ ngờm ngợp, nhìn những hàng cây ngả rạp, đau đớn. Nàng khóc hờ. Đứt quãng. Tiếng nấc chìm nghỉm trong bóng tối thăm thẳm. Bầu trời ở thành phố này hẳn sẽ chẳng còn nguyên vẹn nữa. Nàng rệu rã mỏi mệt với cuộc đi bất định trên vỉa hè. Nàng quỳ xuống mặt đường, bắt đầu thì thầm rên rỉ, hẳn là những con quỷ đeo mặt nạ da người vẫn đang ngủ say trong một vài chiếc hộp trộn xi măng.
Đêm. Vẫn còn là đêm, ở trong ranh giới tờ mờ ấy, nàng mới cảm thấy cuộc đi hoang của mình trở nên thú vị. Nàng phiêu lưu khắp thành phố H, khi đêm nhập nhoạng giữa sáng và tối. Nàng biết, đôi tay nàng càng ngày càng phô ra những đốt xương gầy gò, thô ráp. Chúng nổi gân xanh, chúng gãy rạp xuống mỗi lần nàng chắp tay lại, lầm rầm lời khấn nguyện van xin cầu khẩn không đầu không cuối. Làm ơn,hãy rời bỏ, hãy rời bỏ tôi đi.
Làm ơn, hãy an trú trong linh hồn tôi đi.
Giữa những cuộc đi hoang, thỉnh thoảng nàng nhận ra đầu gối mình cũng đã mỏi nhừ không đủ sức để bám vào nền bê tông lạnh ngắt. Căn bệnh mộng du khiến nàng có khi rất vui thích. Nhưng, lúc tỉnh táo, lại là thời điểm nàng nhận thức về nỗi đau rõ rệt nhất. Nhiều bận, nàng nghĩ, nếu bước tiếp và bước mãi, nàng sẽ được ngủ yên một giấc thật êm dưới dòng Linh Giang dịu dàng. Nhưng, thi thoảng nàng nghĩ về đám cô hồn dã quỷ rồi rùng mình với những lời mộng mị, chúng sẽ lùng sục xác ta và ăn mất, nếu ta gục xuống giữa lòng đường vào lúc này.
Rồi nàng nghĩ đến chuyện rời bỏ Linh Giang.
Nàng cần phải về nhà, về nhà thôi.
Nơi đó còn có nhiều lắm những mong chờ đang đợi nàng.
Ai cũng cần phải trở về nhà. Dù chỉ là một linh hồn tha phương, khất thực.
Nhà của nàng, N bắt đầu nhớ ra, nhà nàng là một căn hộ chật hẹp nép hẳn bên lề của những ngã ba, những đường cong mềm mại.?
N cũng đã nhớ ra về một mùa hè.
Mùa hè năm ngoái, nàng đã gặp một chàng trai trẻ, trong lễ hội đường phố. Nàng đã bắt đầu biết yêu từ đó. Yêu một cách say mê như yêu những mùa lễ hội rộn rã. Lễ hội, dĩ nhiên lúc nào cũng rộn rã, náo nhiệt.
Nàng chẳng thích gọi chàng bằng một cái tên mỹ miều đã được ấn định nào khác. Chàng có đôi mắt ấm áp duyên duyên hình lá kim. Đôi mắt đã theo nàng như một ý niệm thần thánh của tình yêu và sự che chở dịu dàng. Chàng phong trần lãng tử như những huyễn ảo nàng vẫn thường mơ mộng thời còn bé bỏng ngây ngô.
Hẳn nhiên, nàng đã rất yêu chàng, kể cả khi chàng không may biến mất khỏi cõi đời này, biến mất khỏi vòng tay của nàng.
Kí ức của nàng sống lại theo những mùa lễ hội.
Tròn một năm, ngày chàng mất. Nàng lững thững nhào ra đường, đến nơi chốn vẫn thường diễn ra các buổi diễu hành của lễ hội đường phố, chỉ để đợi chàng và ngắm dòng người nhảy múa bên bờ sông Linh Giang.
Hai năm, ngày chàng mất, nàng cũng ra góc ấy, rồi bước dọc theo sông Linh Giang. Nơi, người ta vẫn chọn để diễu hành lễ hội đường phố bên cạnh bờ sông. Nơi chàng nằm chết. Đợi chàng.
Ba năm, cha mẹ khe khẽ nhắc, hãy nhóm lửa và đốt tang đi thôi.
Nàng lặng lẽ rời chân khỏi nhà, cầm trên tay một bát nhang, đến nơi chàng nằm chết, đặt xuống gốc cây gạo đỏ đã trụi lá. Nén nhang, bén lửa mồi, cháy phừng phừng. Khói lửa rưng rức, xộc vào mắt nàng giàn dụa. Trong ảo ảnh của khói và lửa, nàng nhìn thấy bóng chàng đen trùi trũi, cười nhe cả hàm răng trắng đều đặn cùng đôi mắt lá kim dịu dàng đã từng khiến nàng yêu say đắm.
Nàng lại nhớ, ngày chàng rời khỏi thành phố này vĩnh viễn, rất nhiều người đã bàn tán, xì xào về cái chết của chàng. Nàng nghe họ thì thào với nhau về chuyện chàng đã chết như thế nào. Lời của họ vang mãi, vang mãi trong thẳm sâu linh hồn nàng như tiếng nước đập vào vách núi, rồi rơi hẳn xuống vực sâu, nàng ở vực sâu, lắng nghe lời xa xa vọng lại, một chàng trai trẻ chạy theo mùa lễ hội, vấp phải hòn đá lớn. Nằm chết trên vỉa hè.
Một cái chết rất đường đột và vô lí.
Hẳn nàng cũng nhận thấy điều đó, những cái chết bao giờ cũng vô lí. Ít ra đối với nàng là vậy, khi chàng rời bỏ nàng. Nàng vẫn nhớ, sau khi nghe tin chàng vấp phải hòn đá và chết, nàng đã vội vã chạy đến nơi ấy, nhưng xác chàng đã được người ta mang đi, nàng không kịp ngắm nhìn đôi mắt lá kim của chàng lần cuối. Nỗi đau mất chàng, kết tụ và bung tỏa ra như một luồng điện mạnh mẽ, vuốt dọc xuống thân xác nàng, đâm vào tim nàng từng thời khắc.
Ngày tiễn chàng về đất, nàng chẳng hề nhỏ một giọt nước mắt. N gầy rộc hẳn, hầu như nàng không ăn để sống. Nàng mắc bệnh đi hoang về đêm trên vỉa hè gần bờ Linh Giang. Nơi đã từng diễn ra lễ hội, những mùa lễ hội náo nhiệt của thành phố này. Nàng thường lang thang trên những con đường thưa vắng. Nàng thường đến mấy góc phố cũ, hoặc nơi chàng nằm chết, chỉ để biết tại sao chàng rời bỏ nàng bằng một cái chết vô lí như thế. ?
Có vài đêm, giữa hai bờ tỉnh thức, nàng thấy, bạn bè, đồng loại của nàng dần biến mất một cách khó hiểu. Thế giới xung quanh nàng mập mờ. Nhiều lần, nàng mường tượng ra bọn zombie, chúng đi bên cạnh nàng. Từng đứa một, sau đó chúng đông dần lên thành bầy, đàn. Chúng bước chân hàng hai khệnh khạng như nhảy điệu Thriller, rồi cả nụ cười của ai đó thoắt ẩn thoắt hiện. Nàng gọi mãi. Nụ cười ấy vẫn lặng thinh bước đi. Nàng đuổi theo nụ cười đến cuối phố. Rồi, dừng lại. Không phải chàng. Không phải giấc mơ tình yêu mang sắc màu của những lễ hội hào nhoáng, rực rỡ. Nàng nghe tiếng hát, man mác sầu muộn, dự báo sự mất mát. Ấy vậy mà chàng đã từng hát như người ta nói về cái chết của chàng vậy.
một chàng trai trẻ, chạy theo mùa lễ hội, vấp phải hòn đá lớn.
Nằm chết trên vỉa hè.
Sau mùa lễ hội, và kể từ khi chàng chết.
Những khúc cua trên đoạn đường đó rất gọn gàng, giờ chúng cũng chẳng bằng phẳng nữa. Những vỉa hè trở nên vô cảm, rỗng tuếch. Xấu xí. Mặt đường lõm xuống. Như một cái chảo khổng lồ. Nàng có cảm giác chúng chỉ chực chờ để nuốt chửng hết tất thảy mọi thứ. Nàng mong muốn được tiếp tục hi vọng như người ta vẫn thường hi vọng để tìm kiếm một giấc mơ.
Chàng ơi, nàng gọi. Chàng thì vẫn chơi trò thoắt ẩn thoắt hiện, chàng lại vẫy vẫy tay mời gọi. Nàng nhấc chân đuổi theo. Nàng chạy mãi. Con đường vặn vẹo rồi rẽ thành ba hướng. Nàng trượt chân. Cả thân hình mộng mị của nàng trườn xuống hố lửa theo triền dốc đứng. Bùng cháy. Nàng mỉm cười thì thào mãn nguyện, tình yêu của em, hãy nằm yên dưới bầu trời đầy sao đã bị đảo ngược. Em sẽ đưa cả chàng và nó xuống đáy con sông dịu dàng trầm uất này.
Hóa ra, không phải là hố lửa. Nàng chỉ mường tượng lại những mùa lễ hội trong khi đang rớt xuống đáy sông, rồi tự hỏi, đây là đâu? Hẳn không phải là nơi tràn ánh sáng và những giấc mơ đẹp về các mùa lễ hội mà nàng vẫn hằng nuôi dưỡng bằng trí tưởng tượng. Ngôn lời nơi môi nàng, lưỡi nàng lạnh căm như mùa tuyết đóng băng phủ kín mặt nước sông. Nàng mơ màng, nhìn về phía một cánh cửa vừa khép lại trước mặt mình với dòng chữ rêu phủ xanh lè. Cổng đã đóng. Nàng muốn cười. Nhưng, môi nàng lại tiếp tục bị khóa chặt. Ngôn lời ở đây kì quặc và khó hiểu quá. Chỉ còn thứ thanh âm rũ buồn níu lấy nàng. Và, nàng bắt đầu rơi, rơi mãi, lâu đến độ nàng chẳng còn nhận biết mình đang rơi theo chiều đi xuống hoặc được bốc lên cao nữa. Nàng không nhìn thấy ánh sáng nào ngoài lửa. Ngọn lửa dẫn đường. Đỏ lòm. Nóng như mặt trời mùa hè lúc quê nàng bị khô dòng, cạn nước mùa hạn.
Thứ sáu ngày mười ba.
Người dân thành phố H tụ tập bên ngã ba cong mềm mại, sát bờ sông chia đôi thành phố, nơi vẫn thường tổ chức diễu hành của lễ hội đường phố để tìm cách đưa một người đàn bà trẻ đẹp lên khỏi mặt nước. Thân xác nàng mềm nhũn như mùa lá mục trong khu rừng lạ. Ai cũng thấy, bên cạnh xác nàng, là vạt hoa dạ yến thảo tím ngắt tỏa hương thơm ngát. Ai cũng biết, những hiện hữu của sự sống là cái chết.
Năm nay, lễ hội đường phố tổ chức sớm hơn dự kiến. Một đám người cờ xí, trống kèn khua gõ ầm ĩ vừa mới diễu hành ngang qua.Bên ven sông, rũ rượi bóng dáng của hai người già gọi con kì lạ.
Sao vấp cục đá,
Sao về với sông
Sao không một lời từ biệt
Con ơi?
Tiếng khóc lẫn trong âm thanh của trống kèn và nhạc điệu mùa lễ hội.
Một vài người đứng trên bờ cỏ xanh xao ướt đẫm thì thào, đêm qua, hình như cô ấy đến đây, đến dòng sông này để tìm những giấc mơ đã chết.
T.B.K
------------------
Mạng ảo cùng TBK
(Email tới TBK nhân đọc truyện ngắn Những giấc mơ đã chết trên Tiền Phong chủ nhật).
“Này cô bé. Ta nghe cái tên Trần Băng Khuê rất quen. Hình như đêm nào đó nằm mơ, ta thấy ngồi cà phê với Hoàng lão hiền triết, hắn mang theo một cô gái và giới thiệu đây là TBK. Nay gặp cô, ta không khỏi bàng hoàng. Quái nhỉ. Vô lẽ con người có thể sinh ra từ giấc mơ. Vô lẽ, ngay đây ta đang mơ?
Làm ơn, cô hãy cùng ta lay cái xác kia dậy!”
Nhụy Nguyên