SỰ KIỆN
Một số chi tiết về tiểu sử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cần được thống nhất
21:21 | 31/12/2023

Tọa đàm khoa học với chủ đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức, sẽ diễn ra vào cuối tháng 12 năm 2023, tại thành phố Huế.

Một số chi tiết về tiểu sử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cần được thống nhất
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Ảnh tư liệu

Đây là hoạt động quan trọng, thiết thực kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914 - 01/01/2024), nhằm mục đích khẳng định và làm rõ thêm về quá trình hoạt động cách mạng, những đóng góp to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, với quê hương Thừa Thiên Huế trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; bổ sung những tư liệu mới về vai trò trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng và bảo vệ cách mạng Việt Nam; tri ân, tôn vinh công lao to lớn, đạo đức, phẩm chất cách mạng, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng, qua đó góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, hun đúc niềm tự hào dân tộc và truyền thống cách mạng của quê hương Thừa Thiên Huế, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Tạp chí Sông Hương giới thiệu bài tham luận: “Một số chi tiết về tiểu sử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cần được thống nhất” của nhà báo, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, thành viên Ban Cố vấn Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Huế.

                                          Tạp chí Sông Hương

 

DƯƠNG PHƯỚC THU


Trong suốt thời kỳ hoạt động yêu nước và đấu tranh cách mạng đầu thế kỷ XX với các phong trào chống thuế, khởi nghĩa Duy Tân, phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh, đòi quyền dân sinh dân chủ, các phong trào chống áp bức đế quốc phong kiến của nhân dân Thừa Thiên Huế… ở huyện Quảng Điền đã xuất hiện nhiều hội, nhóm thanh niên yêu nước tích cực tham gia vào các tổ chức biến tướng như: hội cuốc đất thuê, hội cấy, lợp nhà, nhóm đọc sách báo, nhóm thanh niên lao động… Từ các tổ chức này mà đoàn kết phát động lòng yêu nước. Vào những năm 1930, phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã lan rộng và sớm ảnh hưởng đến vùng này.

Năm 1935, tại Quảng Điền đã bắt đầu xuất hiện một số nhóm thanh niên cảm tình Đảng, như nhóm ở Niêm Phò, nhóm ở Hạ Lang và nhóm ở vùng Sịa.

Nhóm Niêm Phò có: Nguyễn Vịnh, Trần Bá Song, Nguyễn Húng, Nguyễn Dĩnh, Nguyễn Bật, Nguyễn Đãi, Trần Mạch.

Nhóm Hạ Lang, Bác Vọng, Phú Lễ, Nam Dương có: Đặng Thược (Bác Vọng), Nguyễn Bật (Hạ Lang), Trần Bá Cử, Nguyễn Hữu Hoàng (tức Ấm Hoàng nhà ở Nam Dương có cửa hiệu ở Phú Lễ), Nguyễn Hữu Dễ (Nam Dương), Ngô Khiêm, bà Bàu, bà Cúc, ông Nghị. Ở làng Tây Ba có ông Lê Mộng.

Nhóm Sịa có: Trần Hoài (Tráng Lực), Lê Dĩnh, Nguyễn Nại (Thủ Lễ), Nguyễn Thuyền, Hoàng Tam Thai, Nguyễn Cầm (Thạch Bình)…

Nhóm Niêm Phò đứng đầu là Nguyễn Vịnh.

Một tài liệu trưng bày tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Năm 1933 - 1937, mặc dù chưa vào Đảng vì ở địa phương chưa có cơ sở Đảng, nhưng đã tự động lãnh đạo nhân dân trong xã trong vùng tranh đấu chống địa chủ cường hào, quan lại, chống Tây”1.

Từ năm 1936, quần chúng Quảng Điền đã chịu sự tác động trực tiếp của các nhóm cảm tình Đảng và đã hăng hái tham gia vào phong trào chung. Các nhóm yêu nước ở Quảng Điền tìm cách bắt liên lạc với nhóm Thanh niên yêu nước Sông Bồ của Phong Điền, nhóm Bao Vinh của Hương Trà và các nhóm ở Huế.

Quá trình lãnh đạo, hướng dẫn phong trào đấu tranh và xây dựng tổ chức, nhiều thanh niên yêu nước đã trưởng thành, các cơ sở cách mạng đã tạo ra sinh khí mới và khả năng mới, vừa có sự phối hợp hoạt động giữa các nhóm, vừa bắt đầu có sự chỉ đạo của cấp trên từ Huế. Đầu năm 1937, Tỉnh ủy Thừa Thiên phát động phong trào đón Gô-Đa (Godart) diễn ra sôi nổi khắp trong toàn tỉnh để qua đó phát động quần chúng đấu tranh vạch mặt bọn thực dân phong kiến và đám tay chân phản động. Ở Niêm Phò, các đồng chí Nguyễn Vịnh, Trần Bá Song, Nguyễn Húng, Nguyễn Dĩnh tích cực vận động quần chúng đi đón Gô-Đa, để bảo đảm thắng lợi, các đồng chí cộng sản đã tỏ thái độ kiên quyết với bộ máy cai trị ở địa phương nên bọn chúng không dám ngăn cản; đã có hàng ngàn người hưởng ứng đi đò, xe, đi bộ kéo lên Huế tạo thành một lực lượng quần chúng cố kết hùng hậu theo chủ trương của Tỉnh ủy và Xứ ủy Trung Kỳ; từ sau các hoạt động tiêu biểu này, nhiều thanh niên yêu nước các huyện thuộc Thừa Thiên cũng như ở huyện Quảng Điền được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, như các đồng chí Nguyễn Vịnh, Nguyễn Húng, Nguyễn Dĩnh, Trần Bá Song,…

Đầu mùa thu năm 1937, tổ chức cơ sở cách mạng ở Quảng Điền đã có bước tiến mới, hội đủ điều kiện, nhu cầu cần thiết của một tổ chức đảng ra đời đã chín muồi: Chi bộ Đảng huyện Quảng Điền được thành lập tại làng Niêm Phò, tổng Phước Yên. Lúc đầu Chi bộ chỉ có 4 đảng viên gồm Nguyễn Vịnh, Trần Bá Song, Nguyễn Húng, Nguyễn Dĩnh, do đồng chí Trần Bá Song làm Bí thư (sic).

Đã có nhiều cuốn sách viết về người được cử làm Bí thư Chi bộ Niêm Phò đầu tiên một cách không thống nhất: Có cuốn ghi thành lập Chi bộ Niêm Phò do đồng chí Nguyễn Vịnh (tức Nguyễn Chí Thanh) làm Bí thư. Cũng có nhiều cuốn ghi: Chi bộ Niêm Phò thành lập do đồng chí Trần Bá Song làm Bí thư, sau đó đồng chí Nguyễn Húng thay đồng chí Trần Bá Song.

Chúng tôi đã tiếp cận vấn đề này một cách khách quan, với tinh thần sử học cách mạng, xin được trao đổi lại nội dung một số chi tiết (tuy nhỏ nhưng theo chúng tôi là quan trọng) về tiểu sử đồng chí Nguyễn Vịnh - Nguyễn Chí Thanh cần phải được thống nhất.

Về thời gian, địa điểm và sự ra đời của Chi bộ Quảng Điền (thường gọi là Chi bộ Niêm Phò) và người giữ cương vị Bí thư Chi bộ Niêm Phò đầu tiên, ít nhất đã có hơn 4 cuốn sách viết về lịch sử Đảng: của xã Quảng Thọ, của huyện Quảng Điền, của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế. Để tiện cho việc tra cứu, chúng tôi lần lượt giới thiệu và trích dẫn theo thứ tự thời gian xuất bản.

Với cuốn Truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân xã Quảng Thọ2, viết: “Chi bộ Niêm Phò được tổ chức vào giữa năm 1937 có 6 đảng viên: Nguyễn Vịnh, Trần Bá Song, Nguyễn Húng, Nguyễn Dĩnh (Niêm Phò), Nguyễn Bật (Hạ Lang), Đặng Thược (Mai Dương) do đồng chí Trần Bá Song làm Bí thư sau đó đồng chí Nguyễn Húng thay”3.

“Từ khi chi bộ ra đời nó được gọi là Chi bộ Niêm Phò vì đa số đảng viên là người Niêm Phò và lấy Niêm Phò làm nơi đóng trụ sở để liên lạc với Tỉnh ủy. Tuy là hình thức chi bộ nhưng nó mang tính chất một huyện ủy lâm thời, không chỉ bó hẹp trong phạm vi một tổng. Mối liên hệ được tỏa ra rộng cả với Huế, Phong Điền, Hương Trà… Về sau chi bộ được kết nạp thêm đảng viên và có thêm quần chúng cảm tình trung kiên vào năm 1938, Nguyễn Bật (Bật Đa), Lê Thành Hinh”4.

Cũng theo Truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân xã Quảng Thọ có đoạn: “Để thống nhất phong trào cách mạng trong toàn tỉnh, vào khoảng đầu năm 1938 dưới sự chỉ đạo của các đồng chí Nguyễn Chí Diểu và Phan Đăng Lưu, hội nghị Tỉnh ủy lâm thời của tỉnh Thừa Thiên được triệu tập trên một chiếc đò trên sông Hương phía sau khu hội chợ Huế. Chi bộ Niêm Phò thực chất là Đảng bộ huyện Quảng Điền được cấp trên triệu tập đồng chí Nguyễn Vịnh và Nguyễn Húng tham gia hội nghị và đồng chí Nguyễn Vịnh được quyết định cử vào Tỉnh ủy lâm thời”5.

“Đồng chí Nguyễn Vịnh sau khi được cử vào Tỉnh ủy lâm thời đầu năm 1938 thì không còn trực tiếp sinh hoạt với Chi bộ, đồng chí Nguyễn Húng thay đồng chí Song làm Bí thư cũng làm nhiệm vụ của Huyện ủy lâm thời Quảng Điền”6.

Còn cuốn Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế thì ghi: “Mùa thu năm 1937 Chi bộ Quảng Điền đã được thành lập gồm các đồng chí: Trần Bá Song, Nguyễn Vịnh, Nguyễn Húng, Nguyễn Dĩnh, đồng chí Trần Bá Song làm Bí thư Chi bộ”7.

Ở một đoạn khác cũng sách này viết: “Cuối năm 1937 Xứ ủy giới thiệu đồng chí Nguyễn Chí Thanh tham gia Tỉnh ủy”.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điềnthì: “Đầu mùa thu năm 1937, Chi bộ Quảng Điền được thành lập gồm các đồng chí: Trần Bá Song, Nguyễn Vịnh, Nguyễn Húng, Nguyễn Dĩnh (quê Niêm Phò), do đồng chí Trần Bá Song làm Bí thư. Đến đầu năm 1938, Chi bộ phát triển thêm 4 đảng viên mới: Đặng Thược, Nguyễn Bật (Hạ Lang), Nguyễn Bật (Niêm Phò), Trần Bá Cử (Phú Lễ). Tuy chỉ là tổ chức cơ sở đảng, song vai trò và chức năng của Chi bộ Quảng Điền được coi như một Đảng bộ huyện lâm thời, lúc đầu do đồng chí Trần Bá Song phụ trách, khi đồng chí Song bị địch bắt thì đồng chí Nguyễn Húng phụ trách”8.

“Cuối năm 1937, đồng chí Nguyễn Vịnh được cử vào Tỉnh ủy lâm thời (Tỉnh ủy do đồng chí Trần Công Xứng làm Bí thư, trụ sở đóng tại nhà số 15 An Cựu cho đến tháng 8 năm 1938)”.

Tham khảo cuốn Lịch sử Công tác xây dựng Đảng về tổ chức của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế được trình bày một cách cụ thể hơn: “Tháng 7/1937, đồng chí Nguyễn Vịnh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Mùa thu năm 1937, Chi bộ Quảng Điền được thành lập gồm các đồng chí: Trần Bá Song, Nguyễn Vịnh, Nguyễn Húng, Nguyễn Dĩnh, do đồng chí Trần Bá Song làm Bí Thư”9. Và “Từ những cuộc đấu tranh liên tiếp trong phong trào dân chủ, một số đảng viên xuất sắc được cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời tỉnh Thừa Thiên như đồng chí Hoàng Anh (kiêm Bí thư Phong Điền, cuối năm 1937), đồng chí Nguyễn Vịnh (đầu năm 1938 là Bí thư Tỉnh ủy). Cuối năm 1938, đồng chí Nguyễn Vịnh bị mật thám bắt giam. Đầu năm 1939, đồng chí hết hạn tù, tiếp tục hoạt động với cương vị Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, nhưng đến ngày 12/7/1939, đồng chí Nguyễn Vịnh lại bị bắt và giam tại lao Thừa Phủ”10.

Là Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Quảng Điền ra đời tại làng Niêm Phò và cũng vì đa số đảng viên là người Niêm Phò nên thường được gọi là Chi bộ Niêm Phò, lại lấy Niêm Phò làm nơi đóng trụ sở để liên lạc trực tiếp với Tỉnh ủy.

Giữa năm 1938, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Vịnh bị địch bắt, án xử 6 tháng, nhưng không đủ bằng chứng nên giam một thời gian sau đó buộc chúng phải thả. Ngày 12/7/1939, đồng chí lại bị bắt giam ở lao Thừa Phủ. Cùng thời gian này, ở Quảng Điền, các đồng chí Trần Bá Song, Nguyễn Húng, Đặng Thược, Nguyễn Bật, Trần Mạch, Nguyễn Đãi, Trần Muống… cũng lần lượt sa vào tay giặc. Chi bộ Đảng huyện Quảng Điền chỉ còn một mình đồng chí Nguyễn Dĩnh chèo chống phong trào cách mạng trước các cuộc đàn áp của giặc.

Trong thời gian bị giam cầm ở lao Thừa Phủ, các đồng chí đảng viên cộng sản đã quyết định thành lập Chi bộ Đảng hoạt động bí mật ở lao tù. Chi bộ do đồng chí Nguyễn Vịnh làm Bí thư, đồng chí Tố Hữu làm Phó Bí thư phụ trách tuyên truyền.

Trưởng thành lên từ Chi bộ Quảng Điền, qua năm tháng hoạt động cách mạng, mặc dù bị địch bắt giam cầm tù tội nhưng các đồng chí đảng viên vẫn một lòng trung kiên, một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Do công lao hoạt động và phẩm chất cách mạng, trách nhiệm của người cộng sản, từ sau Cách mạng tháng 8/1945, các đồng chí đảng viên của Chi bộ Niêm Phò đều được Đảng tin tưởng và phân công giữ các chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và quân đội, như đồng chí Nguyễn Vịnh (Nguyễn Chí Thanh) là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Chủ nhiệm Việt Minh Trung Bộ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên, Bí thư Liên khu IV, Chủ tịch Hội Thanh niên Việt Nam, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội, năm 1951, Đại hội lần thứ II, năm 1960, Đại hội lần thứ III của Đảng đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, được phong quân hàm Đại tướng, được phân công làm Trưởng ban công tác Nông thôn Trung ương; năm 1964 được Trung ương điều vào Nam làm Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy quân giải phóng miền Nam Việt Nam và còn nhiều chức vụ khác nữa; đồng chí Nguyễn Dĩnh (em ruột Nguyễn Vịnh) là Bí thư Huyện ủy Quảng Điền, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên phụ trách Tổ chức Tỉnh ủy năm 1945, năm 1947 được Trung ương cử vào làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận; đồng chí Nguyễn Húng phụ trách Huyện ủy Quảng Điền, Bí thư Huyện ủy Phú Lộc, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, năm 1951 làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên về sau làm Phó Bí thư Khu ủy Trị Thiên Huế, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Trung Quốc, rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Trị Thiên; đồng chí Trần Bá Song làm Bí thư Chi bộ Niêm Phò đầu tiên, sau làm Bí thư Huyện ủy, Chủ nhiệm Việt Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Quảng Điền; đồng chí Lê Thanh Hinh, từ cuối năm 1959 là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phong Điền phụ trách Huyện ủy Quảng Điền; đồng chí Nguyễn Trung Chính, Bí thư Huyện ủy Quảng Điền, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban An ninh Thừa Thiên, Bí thư Huyện ủy Hương Điền, rồi làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế…

Chỉ tính riêng gia đình của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Vịnh - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có một Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội; một Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Vịnh; người cháu nội (thế hệ thứ ba) mới 33 tuổi đã được giao giữ chức Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ và có tới 5 người làm đến chức cục trưởng, cục phó… Đúng là: “Một nhà trung nghĩa, muôn thuở thơm lây”.

*

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, với ý chí sắt đá, lại chuyên cần học hỏi, với tài năng bẩm sinh, trung thành với lý tưởng đã chọn, giữ vững phẩm chất cách mạng trong sáng và với tấm lòng thiết tha yêu quê hương đất nước, thương nòi, đồng chí Nguyễn Vịnh - Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng khi tuổi đời còn trẻ. Ngày nay xem lại các dấu mốc hoạt động và trưởng thành của đồng chí ta sẽ hiểu thêm về cách sử dụng nhân tài của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh mà gần như các dấu mốc chức vụ này không cần trải qua cấp phó:

Tháng 7/1937, Nguyễn Vịnh được kết nạp vào Đảng, tham gia thành lập Chi bộ Niêm Phò. Cuối năm 1937, Nguyễn Vịnh và Nguyễn Húng (hai anh em con bác con chú lại có cùng ngày sinh tháng đẻ cùng tham gia thành lập Chi bộ Niêm Phò) là đại biểu huyện Quảng Điền được triệu tập dự Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng, theo sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Vịnh được giới thiệu vào Tỉnh ủy Thừa Thiên; từ đây đồng chí nhậm công tác tại cơ quan Tỉnh ủy Thừa Thiên. Cùng vào Tỉnh ủy lần này còn có đồng chí Hoàng Anh (không làm Bí thư Chi bộ Nam Phong Điền cũng được thành lập mùa thu năm 1937), đại biểu Phong Điền, được Tỉnh ủy phân công về làm Bí thư huyện Phong Điền. Đồng chí Nguyễn Vịnh là yếu nhân quan trọng của chi bộ đảng và phong trào cách mạng ở Quảng Điền nhưng không trực tiếp làm Bí thư Chi bộ Niêm Phò. Về nội dung này, đồng chí Nguyễn Húng, người làm Bí thư Chi bộ Niêm Phò thứ hai nhận xét: “Kể từ khi thành lập Chi bộ Niêm Phò, anh Vịnh không làm Bí thư Chi bộ Niêm Phò. Anh như con đại bàng vỗ cánh bay cao, bay xa, lăn lộn với phong trào cả vùng cả tỉnh. Và chỉ mấy tháng sau thành lập Chi bộ thì anh đã vào Tỉnh ủy rồi. Cuối năm 1937, anh đã thôi sinh hoạt trực tiếp tại Chi bộ Niêm Phò. Đầu năm 1938 tôi thay anh Trần Bá Song làm Bí thư Chi bộ”.

Tháng 4/1938, đồng chí Trần Công Xứng, Xứ ủy viên Trung Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên bị địch bắt. Đồng chí Nguyễn Vịnh được Đảng chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, lúc mới 24 tuổi.

Trong thời gian hoạt động và trên từng thời đoạn giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy, từ tháng 5/1938 đến tháng 3/1945, đồng chí 3 lần bị địch bắt, bị giam ở nhà lao Thừa Phủ, rồi đày lên Lao Bảo, sau đó là nhà ngục Buôn Ma Thuột.

Tháng 3/1945 ra tù, về hoạt động trong Việt Minh Khánh Hòa, đồng chí đã liên hệ và đề nghị với Tỉnh ủy Quảng Ngãi triệu tập cuộc hội nghị miền Trung và Nam Trung Bộ để thống nhất hành động trong khi chưa bắt được liên lạc với Trung ương11.

Giữa tháng 8/1945 được Trung ương Đảng chỉ định đồng chí đi dự hội nghị Trung ương tại Tân Trào, được cử vào Ban Chấp hành Trung ương và Tổng bộ Việt Minh; tại Hội nghị này đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho tên mới Nguyễn Chí Thanh, được Trung ương giao về làm Bí thư và thành lập Xứ ủy Trung Kỳ, phụ trách Phòng Xiêm, Lào (tiền thân Ban Đối ngoại Trung ương Đảng ngày nay), lúc 31 tuổi.

Tháng 11/1946, giải thể Xứ ủy Trung Bộ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được phân công về làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, lúc 32 tuổi.

Tháng 3/1947, Trung ương quyết định thành lập Phân khu ủy Bình Trị Thiên, đồng chí được cử làm Bí thư, lúc 33 tuổi.

Tháng 5/1948, đồng chí được Đại hội lần thứ nhất Liên Khu ủy khu IV bầu làm Bí thư Liên Khu ủy, lúc mới 34 tuổi.

Năm 1950, được Đại hội Thanh niên bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam đầu tiên. Cũng năm này đồng chí được cử làm Chủ nhiệm Bộ Tuyên huấn của Đảng, được điều động vào quân đội làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Khi báo Quân đội nhân dân thành lập, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được phân công chỉ đạo và trực tiếp làm Chủ nhiệm đầu tiên, đồng chí có bài viết in trang nhất số 1, ra ngày 20/10/1950, lúc 36 tuổi.

Năm 1951, đồng chí được Đại hội lần thứ II của Đảng bầu vào Trung ương và Bộ Chính trị, lúc mới 37 tuổi.

Năm 1959, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng, là vị Đại tướng thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam, lúc 45 tuổi.

Đầu năm 1961, với cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, đồng chí được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng ban công tác Nông thôn Trung ương, lúc 47 tuổi.

Năm 1964, đồng chí được điều động vào Nam làm Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam, lúc 50 tuổi.

Những năm tháng hoạt động và cống hiến cho dân tộc, cho Đảng, Nhà nước, Quân đội, đồng chí chủ yếu được phân công giữ các chức vụ cấp trưởng (duy có một lần với chức Phó Tổng Quân ủy - như Phó Bí thư Quân ủy Trung ương ngày nay) làm phó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đồng chí đã để lại những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn sâu sắc mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Qua nhiều nguồn tư liệu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mà chúng tôi có cơ hội tiếp cận để phục vụ công tác nghiên cứu, có một phần tài liệu quan trọng (trước đó chưa từng công bố) được trưng bày ở Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cả hai nơi, Huế và Hà Nội. Để có được hai Bảo tàng này, xin cảm ơn Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và cảm ơn cố Thượng tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Vịnh và gia đình đã bỏ rất nhiều tâm sức, mất rất nhiều thời gian để có nguồn tư liệu quý lập nên địa chỉ đỏ cách mạng giữa lòng thành phố cổ kính về người cha thân yêu của mình, về những đồng chí đồng đội cùng thời với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

D.P.T
(TCSH418/12-2023)

---------------------------

1 Xem Bản tự khai của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, năm 1950, tài liệu trưng bày tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, số 81 Tân Nhuệ, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
2 Xem Truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân xã Quảng Thọ, do Ban Chấp hành Đảng bộ xã Quảng Thọ và đồng chí Nguyễn Húng cán bộ lão thành, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên (chịu trách nhiệm nội dung), Bản thảo đánh máy, tháng 4/1987, tr.19, khổ A4, 170 trang cả bìa, lưu tại xã Quảng Thọ. Cần nói thêm, đồng chí Nguyễn Húng là một trong 4 đảng viên thành lập Chi bộ Niêm Phò mùa thu năm 1937.
3 Lúc thành lập Chi bộ Niêm Phò chỉ mới có 4 người: Nguyễn Vịnh là anh con bác ruột Nguyễn Húng, là anh ruột Nguyễn Dĩnh; còn Trần Bá Song là vai anh con cô cậu với Nguyễn Vịnh, Nguyễn Dĩnh được phân công làm Bí thư Chi bộ.
4 Truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân xã Quảng Thọ, Tlđd, tr.19.
5 Truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân xã Quảng Thọ, Tlđd, tr.20.
6 Truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân xã Quảng Thọ, Tlđd, tr.25.
7 Ban Chấp hành Đảng bộ Thừa Thiên Huế, Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế, tập 1 (1930 - 1954), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.127.
8 BCH Đảng bộ huyện Quảng Điền, Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (1930 - 2005), Nguyễn Trung Chính (chủ biên giai đoạn 1930 - 1990), Nxb. Chính trị Quốc gia, 2016, tr.35 & 36.
9 Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Lịch sử Công tác xây dựng Đảng về tổ chức của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (1930 - 2010), Nxb. Thuận Hóa, 2015, tr.32 & 33.
10 Lịch sử Công tác xây dựng Đảng về tổ chức của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, Sđd, tr.33.
11 Xem Bản tự khai của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, tài liệu trưng bày tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, số 81 Tân Nhuệ, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng