DƯƠNG HOÀNG
Kể từ tháng 8 năm 2008, có một đoạn đường rộng thênh dài một ngàn năm trăm mét mang tên nhân vật lịch sử Đặng Phúc Thông chạy qua xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội nối với đường Hà Huy Tập đến tận địa phận thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Một câu hỏi đặt ra: ông Đặng Phúc Thông là ai mà được Hội đồng Nhân dân Thủ đô trân trọng chọn để đặt tên cho đường phố Hà Nội vậy? Thì ra, ông Đặng Phúc Thông là một nhà trí thức yêu nước chân chính, một con người giàu lòng nhân ái với giống nòi, thiết tha sống chết với mảnh đất quê hương khó nhọc, đã tận hiến cuộc đời thanh xuân sôi nổi vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc đến giây phút cuối cùng. Ông nguyên là Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính, thành viên Chính phủ Cụ Hồ những năm đầu thành lập.
Kỹ sư Đặng Phúc Thông (1906 - 1951) quê ở làng Khối Lỗ, xã Cự Khối, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc phường Cự Khối, quận Long Biên, thành phố Hà Nội; sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học và giàu lòng yêu nước, ngay từ nhỏ đã sớm bộc lộ bẩm tính thông minh lại chuyên cần đèn sách. Sau khi lấy tấm bằng Tú tài toàn phần loại xuất sắc ở Hà Nội, ông nhận học bổng sang Paris học tập và sau 7 năm tu nghiệp ông đã đỗ bằng kỹ sư cả hai trường danh tiếng của Pháp là Đại học Mỏ-Địa chất và Đại học Cầu đường. Với 2 tấm bằng loại ưu danh giá trong tay nên khi về nước, ông được chính quyền cai trị xứ Đông Dương săn đón, gợi ý muốn ông gia nhập quốc tịch theo mẫu quốc, và nếu ông bằng lòng “trở thành người Pháp thực thụ” thì sẽ được hưởng mức lương cao gấp nhiều lần mức lương của một kỹ sư người Việt Nam, song ông đã từ chối. Mời dụ không được, chính quyền thực dân liền xuống lệnh điều ông đến làm việc ở khu mỏ Phấn Mễ thuộc tỉnh Thái Nguyên khá xa trung tâm Hà Nội. Nhưng vì lòng tự trọng, tự tôn dân tộc, ông không hề tỏ ra nao núng trước thái độ hèn hạ của chính quyền thực dân, chấp nhận cuộc sống xa nhà đến làm việc tại vùng mỏ khó khăn trăm bề lúc này.
Sau gần 2 năm làm việc cực nhọc, chịu đựng thiếu thốn mọi thứ nhu cầu bình thường ở mỏ Phấn Mễ, ông được điều về làm việc tại Sở Địa chất và mỏ Đông Pháp đóng ở Hà Nội. Thời gian này, ông đã cùng với các nhà trí thức như Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiển sáng lập tờ báo Khoa học do Nguyễn Đình Thu làm Giám đốc, số 1 ra tháng 1/1942; báo in bằng chữ Việt nhằm truyền bá sâu rộng kiến thức khoa học cho người Việt.
Làm việc tại đây và lại ở ngay Hà Nội là một điều kiện tốt với người trí thức trẻ như ông, nhưng cũng chính tại nơi đây đã xuất hiện thái độ ghen ghét trịch thượng của một số viên chức người Pháp khiến ông không thể chịu nổi nên đành phải xin chuyển vào làm việc ở Sở Hỏa xa Đông Dương, đóng tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Trên cương vị là kỹ sư trưởng ở Sở Hỏa xa quận 3, phụ trách tuyến đường sắt từ ga Diêu Trì (Bình Định) vào đến ga Tháp Chàm (Phan Rang). Thời gian làm việc tại Nha Trang, với lối ứng xử văn hóa, nhã nhặn, bình dị, sự hòa đồng của một trí thức trẻ người Việt, ông đã được nhân dân địa phương và các viên chức trong đơn vị yêu mến, kính trọng. Thế rồi, vào đêm 9/3/1945, phát xít Nhật bất ngờ làm cuộc đảo chính hất cẳng thực dân Pháp ở Đông Dương, bằng sự nhạy cảm của một bậc trí thức, kỹ sư Đặng Phúc Thông đã chủ động xin nghỉ việc và kiên quyết từ chối lời mời tham gia Nội các của Trần Trọng Kim ở Huế. Cũng trong thời gian này, ông đã liên lạc được với cán bộ Việt Minh tỉnh Khánh Hòa và trở thành người của cách mạng.
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, theo sự điều động của Chính phủ lâm thời, ông tham gia tích cực trong việc chỉ huy vận chuyển lương thực từ các tỉnh phía Nam ra miền Bắc để khẩn cấp cứu đói đồng bào và bảo đảm thông suốt giao thông tuyến Bắc - Nam, để kịp thời đưa vũ khí và các đoàn quân Nam tiến vào các tỉnh phía Nam để cùng đồng bào Nam Bộ kháng chiến.
Ít lâu sau, kỹ sư Đặng Phúc Thông trở ra Hà Nội và được Hồ Chủ tịch mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính, nhưng ông lại đề nghị với Bác cho giữ chức Thứ trưởng. Nghe vậy, Hồ Chủ tịch bảo: “Nếu chú nhất định không nhận làm Bộ trưởng thì phải giới thiệu người thay”. Làm theo lời Bác, ông đã tiến cử kỹ sư Trần Đăng Khoa, một trí thức người Huế vào chức vụ này. Được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu cách mạng, người trí thức yêu nước Đặng Phúc Thông đã hoàn toàn bị chinh phục cả về tính cách, trí tuệ lẫn tinh thần.
Một lần nhiều năm sau này, bà Nguyễn Thị Bính là vợ của ông đã kể cho cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh nghe với giọng đầy xúc động: Trong một dịp tiếp xúc với cha tôi, ông cụ có hỏi nhà tôi rằng: “Anh là trí thức cao cấp, bao năm du học ở Pháp, liệu có thể cộng tác và làm việc với những người cộng sản được không?”. Nghe vậy, anh Thông từ tốn trả lời: “Thưa thầy, con đã chọn con đường phụng sự Tổ quốc. Con đã cự tuyệt cộng tác với thực dân Pháp, phát xít Nhật và cả thế lực thân Mỹ mời gọi. Con đã nhiều lần được diện kiến Hồ Chủ tịch và thấy ông Cụ thật là người “độc nhất, vô song”. Đức độ và uy tín của Cụ trong nhân dân không một ai có thể thay được trong lúc này để đưa nước ta thoát khỏi vòng gian nguy, hiểm nghèo trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Dù Việt Minh có là cộng sản, hay đệ tam quốc tế, với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hiện thân của chủ nghĩa yêu nước, yêu dân tộc thì bất cứ ai có lòng yêu dân tộc, yêu đất nước đều cần ra gánh vác công việc quốc gia”.
Đầu năm 1946, cuộc bầu cử Quốc hội lần đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, kỹ sư Đặng Phúc Thông đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; được cử làm thành viên Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Và chỉ mấy tháng sau, vào ngày 19/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cử đoàn đại biểu của Chính phủ ta sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, kỹ sư Đặng Phúc Thông là thành viên của đoàn. Hội nghị Fontainebleau đã thất bại, do dã tâm của thực dân Pháp muốn cướp nước ta một lần nữa, buộc nhân dân ta phải đứng lên làm cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch.
Khi quân Pháp tái chiếm Hà Nội, rất không may vợ chồng ông Đặng Phúc Thông bị kẹt lại giữa lòng Thủ đô. Lợi dụng hoàn cảnh ấy, quân Pháp ở Hà Nội đã cho người tiếp cận ông để dụ dỗ, mua chuộc nhưng ông vẫn một mực chối từ. Bất chấp bị theo dõi gắt gao của bọn mật thám, khó khăn trong việc đi lại, ngày ngày ông vẫn tìm cách bắt liên lạc, chuyển những thông tin cần thiết đến các cán bộ cách mạng đang hoạt động ở nội thành. Cuối cùng, hai ông bà đã được cách mạng tổ chức bí mật đưa ra vùng tự do và từ đây ông được đưa lên An toàn khu Việt Bắc vào cuối tháng 8 năm 1947.
Tại chiến khu Việt Bắc, kỹ sư Đặng Phúc Thông gặp lại Bác Hồ và được Người giao nhiệm vụ tiếp tục giữ chức Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính, kiêm Giám đốc Hỏa xa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công chính. Để phục vụ tốt nhất cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc, lĩnh vực giao thông công chính giữ vai trò rất quan trọng, song với tinh thần và ý thức trách nhiệm cao của người lãnh đạo, ông Thông đã hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Trước những cống hiến không mệt mỏi của ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt khiến ông càng cảm kích và nguyện mang hết tài đức phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng.
Bút tích Thư gửi “chú Thông” (tức ông Đặng Phúc Thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về việc Người tặng ông chiếc áo ấm nhân dịp Tết Nguyên đán. Ngày 04/02/1948. (Bản gốc bài thơ hiện được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội). |
Một đêm, vào dịp đón Tết Mậu Tý năm 1948, tại chiến khu Việt Bắc, gia đình các thành viên Chính phủ họp mặt để đón xuân. Trong không khí vui mừng năm mới, mọi người rất phấn khởi được đón Hồ Chủ tịch đến dự.
Sau khi chúc Tết mọi người, Cụ Hồ lại gần kỹ sư Đặng Phúc Thông và nói: “Nhân dịp năm mới, Bác ưu tiên tặng chú Thông gói quà này. Chúng ta đều biết, chú Thông từ Thủ đô Hà Nội tạm chiếm về đến căn cứ an toàn, có thể xem như quân dân ta đã đánh thắng to quân địch”. Thấy ông Thông còn chưa dám cầm gói quà mà Bác tặng, Người nhắc: “Chú cứ cầm gói quà này và đọc to bài thơ Bác viết, đó là “tiết mục văn nghệ” của Bác đóng góp vào liên hoan tối nay”. Đến lúc này, ông Đặng Phúc Thông mới dám mở gói quà của Bác, trong đó có chiếc áo len mới, kèm theo bài thơ tứ tuyệt do Bác viết tặng:
“Tết nhất năm này hoãn thịt xôi,
Tết sau, thắng lợi sẽ đền bồi.
Áo bạn biếu tôi, tôi biếu chú,
Chú mang cho ấm, cũng như tôi”.
Bài thơ tứ tuyệt với ngôn từ mộc mạc nhưng âm hưởng lại mang tinh thần lạc quan cách mạng, lòng yêu thương con người, tin tưởng vào ngày mai thắng lợi, đất nước hòa bình, ấm no hạnh phúc của nhân dân trước tầm nhìn của một lãnh tụ cách mạng, một nhân cách lớn của dân tộc.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn ác liệt, nhưng bằng cả sức mạnh đoàn kết dân tộc, quân và dân ta đã giành được nhiều thắng lợi ở khắp các chiến trường. Thế và lực của cách mạng đã lớn mạnh gấp nhiều lần; vấn đề đảm bảo huyết mạch giao thông phục vụ kháng chiến ngày càng trở nên cấp thiết. Trong bối cảnh ấy, vào giữa năm 1951, trên cương vị là Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính, ông Đặng Phúc Thông được Chính phủ cử về Thanh Hóa tổ chức hội nghị để triển khai các hoạt động của ngành, trong đó có vai trò đóng góp của những người nông dân thông qua lực lượng bí mật của “Đội quân xe đạp thồ”…
Khi về đến Thanh Hóa, theo lời kể của người thư ký riêng của Thứ trưởng Đặng Phúc Thông thì từ chiến khu Việt Bắc, hai người phải đi gần chục ngày. Có lúc đi bộ, có lúc đi xe đạp, vượt qua bao đoạn đường gập ghềnh, dưới làn bom đạn của địch, thậm chí có lúc phải ngâm mình dưới nước hàng giờ. Do phải trải qua một chặng đường dài vất vả, ăn uống kham khổ nên ông bị cảm sốt nặng, bệnh phổi tái phát. Mặc dù vậy, khi về đến Thanh Hóa, ông vẫn chủ trì hội nghị thành công. Kết thúc hội nghị cũng là lúc bệnh tình của ông ngày một nặng thêm.
Từ Việt Bắc, biết tin ông bị ốm nặng, Hồ Chủ tịch đã viết thư thăm hỏi động viên. Trong lá thư ấy, Người viết: “Tổ quốc và Nhân dân rất cần chú. Chú không được tham bát bỏ mâm. Với tư cách là cấp trên, tôi ra lệnh cho chú, với tư cách là người anh, tôi khuyên chú không nên tham công tiếc việc lúc ốm đau, phải nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, thuốc thang…”. Đọc những dòng chữ trong lá thư của Bác, Thứ trưởng Đặng Phúc Thông không khóc mà nước mắt cứ tuôn trào. Với lòng thành kính vị lãnh tụ suốt đời vì dân vì nước. Và mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn quan tâm, nhớ và dành một tình cảm thân thương đến ông.
Song rất tiếc, do căn bệnh quá nặng, trong điều kiện kháng chiến gian khổ, thuốc men thiếu thốn, kỹ sư Đặng Phúc Thông đã trút hơi thở cuối cùng vào rạng sáng ngày 29/12/1951 (nhằm ngày mồng 2 tháng Chạp năm Tân Mão). Được tin ông mất, từ chiến khu Việt Bắc, Hồ Chủ tịch đã gửi điện chia buồn đến những người thân trong gia đình ông, trong thư Bác viết: “Tôi rất buồn được tin chú Đặng Phúc Thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính vừa mất cuối tháng trước. Tôi rất thương tiếc, vì chú Thông là một cán bộ cao cấp xuất sắc của Chính phủ, một chiến sĩ trung thành của dân tộc và một người bạn tốt của tôi”.
Có một điều ít ai biết, nguyên Thứ trưởng Đặng Phúc Thông là thành viên của Đảng Xã hội Việt Nam từ năm 1945. Ông đến với cách mạng bằng tấm lòng chân thật của một người trí thức yêu nước. Mặc dù ông không phải là đảng viên Đảng Cộng sản, nhưng sự cống hiến tận tụy trung trinh hết mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của ông đã trở thành một biểu tượng cao đẹp của người cộng sản, một trí thức cách mạng chân chính.
Câu chuyện trên kể về việc Bác Hồ tặng bài thơ tứ tuyệt và chiếc áo len ấm giữa mùa đông giá lạnh ở Việt Bắc cho một người trí thức yêu nước đến với cách mạng chỉ là một trong vô vàn câu chuyện chân thật, sinh động và giàu cảm xúc, thể hiện sự quan tâm về cách dùng người, sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, mãi mãi là bài học quý, là câu chuyện đẹp.
D.H
(TCSH420/02-2024)