SỰ KIỆN
Ngày giải phóng Thừa Thiên Huế
22:20 | 25/03/2024

HOÀNG PHƯỚC

Kể từ sau Hiệp định Paris về Việt Nam (ký ngày 27/1/1973), ở chiến trường Trị Thiên nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng, thế và lực của cách mạng đã có sự phát triển mạnh mẽ là nhân tố mới góp phần quan trọng tạo nên sự thay đổi cục diện chiến trường toàn miền Nam ngày càng có lợi cho cách mạng.

Ngày giải phóng Thừa Thiên Huế
Mít tinh chào mừng giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (21/4/1975). Ảnh Tư liệu của Văn phòng Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

Trên cơ sở phân tích, so sánh thế và lực của ta và địch trên chiến trường, tháng 10/1974, Bộ Chính trị đã đề ra Nghị quyết lịch sử: “Quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976”. Trong đó, xác định mục tiêu của từng năm để giành thắng lợi cuối cùng. Ngoài kế hoạch chiến lược cơ bản, Bộ Chính trị còn dự kiến một phương án cực kỳ quan trọng khác nữa: “Nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Như nhiều cuốn hồi ký của các tướng lĩnh bộ đội Cụ Hồ đã viết: “Lúc ấy không ai nghĩ phương án dự kiến này của Bộ Chính trị về sau trở thành hiện thực, với tốc độ khẩn trương quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30/4/1975”.

Với thực tế chiến trường, chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Quân ủy Trung ương, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh, quân và dân Trị Thiên Huế khẩn trương chuẩn bị các mặt cho cuộc tổng tiến công nổi dậy năm 1975.

Tháng 12/1974, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị đã đề ra nhiệm vụ chính trị chung của toàn tỉnh trong năm 1975 là: “Hết sức tranh thủ thời cơ, động viên quyết tâm và nỗ lực cao nhất của toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân, phát huy thắng lợi đã giành được, nhanh chóng khắc phục những khuyết điểm, nhược điểm tồn tại, đẩy mạnh tấn công tổng hợp cả 3 vùng, tiến hành công kích và khởi nghĩa bằng 3 mũi giáp công, phá hẳn thế phân tuyến, cắt giao thông và đánh bại về cơ bản kế hoạch bình định của địch giành và giữ dân, phá lỏng, phá rã kềm kẹp của địch trên một diện rộng, chuyển phần lớn thôn xã ở nông thôn đồng bằng lên tranh chấp và giải phóng, áp sát thành phố. Đồng thời ra sức củng cố vùng giải phóng vững mạnh về mọi mặt, xây dựng thế liên hoàn vững chắc giữa ba vùng, làm thay đổi so sánh lực lượng và cục diện chiến trường có lợi cho ta”. Nghị quyết nhấn mạnh: “Nếu có thời cơ đột xuất thì trên cơ sở đó, tận dụng một cách có hiệu quả nhất, kiên quyết và táo bạo chuyển phong trào lên một bước nhảy vọt giành thắng lợi to lớn hơn”1.

Có thể nói sau Hội nghị Tỉnh ủy tháng 12/1974, thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương, cùng với quân và dân toàn Khu Trị Thiên, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã tiến hành một cách khẩn trương và kiên quyết với ý chí quyết tâm giành thắng lợi, biểu lộ sự nhất trí hành động rất cao. Đánh dấu một sự trưởng thành trong công tác động viên chính trị tư tưởng và tổ chức thực hiện chu đáo, linh hoạt của Đảng bộ tỉnh.

Mặc dù trong lúc toàn tỉnh tiến hành triển khai nghị quyết thì địch đã và đang điều chỉnh lực lượng, tập trung 2 lữ đoàn và 10 tiểu đoàn chủ lực vào cánh Nam, dồn 40b dân vệ lên dọc đường số 1 từ Phú Bài vào Phú Lộc, liên tục lấn chiếm các khu vực mà ta đã giành lại trong tháng 8/1974, như Mõ Tàu, Động Giếng… Chúng tiến hành chiến dịch “Sao chổi” ở nông thôn, thành phố để chuẩn bị đối phó với ta, gây cho ta một số khó khăn, tổn thất, nhất là tác động về mặt tư tưởng nhận thức tình hình mới. Nhưng với tinh thần kiên quyết khẩn trương thi hành nghị quyết, tập trung vào nhiệm vụ trung tâm là giành dân giành quyền làm chủ của dân, các cấp ủy, các lực lượng chính trị, vũ trang, vừa phát huy tinh thần phấn khởi cách mạng động viên ý chí quyết chiến quyết thắng vừa đấu tranh chống mọi biểu hiện dưới nhiều dạng của tư tưởng hữu khuynh như chần chừ, do dự hoặc chưa tin tưởng vào nghị quyết, vừa tích cực động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bắt tay thiết thực chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử. Trong một thời gian ngắn, chúng ta tổ chức và huấn luyện 54 đội vũ trang công tác và gần 600 đồng chí, mỗi xã ít nhiều đều có lưc lượng sẵn sàng vào bám trụ chuẩn bị cho thế phát triển và gần 30 đội vũ trang thọc sâu của các lực lượng vũ trang của khu, của tỉnh; tập huấn cho hàng ngàn cán bộ, huấn luyện bộ đội; thống nhất việc tổ chức các tuyến hành lang; điều chỉnh bổ sung lực lượng; ráo riết đẩy vật chất về tận các đơn vị; đưa gần 250 cán bộ vào bám trụ trong dân, tích cực phát triển cơ sở, xây dựng thêm chỗ ăn ở, nắm tình hình địch; hình thành các tổ chức chỉ đạo, chỉ huy khu vực; tiến hành vạch kế hoạch tấn công nổi dậy của từng vùng, từng đội công tác với nhiều dự kiến tình huống để tập dượt hành động, nắm thế vững chắc, sẵn sàng tạo thời cơ và đón lấy thời cơ thuận lợi. Đồng thời không ngừng tấn công địch liên tục với phương châm: vừa tấn công vừa chuẩn bị, bằng 3 thứ quân, 3 vùng, 2 chân 3 mũi, không để cho địch yên ổn đối phó. Các lực lượng vũ trang nêu trên, các lực lượng chính trị vũ trang Khu và Quân khu đã tập trung sức hợp đồng chặt chẽ với lực lượng chính trị vũ trang của tỉnh tạo thành sức mạnh tổng hợp kiên quyết tiêu diệt địch, hỗ trợ đắc lực cho nông thôn đồng bằng.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, một số đồng chí Tỉnh ủy viên, cán bộ chủ chốt trong các huyện ủy, thành ủy đều đã xuống đồng bằng và thành phố bám trụ chỉ đạo. Đến đầu tháng 3/1975, các đội vũ trang công tác, các đơn vị bộ đội đều đã triển khai lực lượng cơ bản đúng kế hoạch, đúng thời gian. Tại đồng bằng thành phố, ta đã triển khai 54 đội vũ trang công tác, gần 30 phân đội và các đại đội của 4d với tổng trên 2.000 tay súng. Ở giáp ranh, các đơn vị bộ đội đều triển khai đội hình tấn công. Du kích, bộ đội địa phương các quận miền núi cũng tiến ra phía trước tham gia chiến đấu. Chưa kể chủ lực như trên, chúng ta đã huy động gần 4.000 tay súng vào chiến đấu và làm công tác phát động quần chúng, các huyện phía bắc (Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà có 2.000); các huyện phía nam (Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc có 2.000).

Trên cơ sở chuẩn bị thật tốt, từ ngày 8/3/1975, ta đã đồng loạt tấn công trên hai mặt trận đánh phá bình định ở nông thôn đồng bằng và mặt trận tiêu diệt phá thế phân tuyến chia vùng ở giáp ranh.

Ở đồng bằng, ta đã tấn công một loạt phân chi khu, đánh phá quận lỵ, 18b dân vệ, giải tán 24 toán phòng vệ dân sự, ta đã diệt nhiều cụm ác ôn; phát động gần 10 vạn quần chúng trong 87 ấp 29 xã. Bước đầu có dạng giải phóng và làm chủ 10 xã, nhiều vùng liên hoàn nhau như Vinh Phú, Vinh Thái (Phú Vang), Vinh Hải, Vinh Giang (Phú Lộc), 6 xã thuộc Phong Điền, Quảng Điền từ Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương đến Quảng Thái, Phong Nhiêu, tạo ra những địa bàn rất tốt ở vùng sâu. Nhiều thôn xã quần chúng đã chuẩn bị trước, có cán bộ ta bám sẵn nên khi ta phát động thì có thể tấn công 3 mũi tương đối nhanh. Nhiều thôn xã ta làm chủ đã áp sát quận lỵ chi khu, làm cho địch lỏng lẻo, co cụm rõ rệt, tạo thế hỗ trợ các vùng nhịp nhàng, ăn khớp.

Cùng với tấn công lực lượng kìm kẹp, và phát động quần chúng ở đồng bằng, các lực lượng vũ trang đã đồng loạt tấn công các chi khu quận lỵ, căn cứ, sở chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn và các điểm chốt của địch, tiêu diệt, vây ép, bức rút nhiều vị trí, các phía nam và phía bắc, giáp ranh và đồng bằng. Đồng thời tiến hành hàng loạt hành động nghi binh uy hiếp địch làm cho chúng rất hoảng sợ; chưa tính B5 ta đã tiêu diệt 1.400 quân địch, bắt tù binh, tiêu diệt và bức rút nhiều đồn bốt; diệt 16 xe tăng, 1 hải thuyền, bắn rơi 4 máy bay, phá 2 kho đạn; rút trên 120 thanh niên từ vùng địch hậu ra tham gia cách mạng. Đây là một đòn đánh bất ngờ phối hợp toàn diện, tạo ra một chuyển biến của thời cơ mới.

Địch bị bất ngờ về ý định, hướng điểm, quy mô tấn công và sử dụng lực lượng của ta, nên ngay từ đầu chúng đã bị động, lúng túng, điều quân chắp vá và suy yếu nhanh; phòng vệ dân sự rã đám, dân vệ, phân chi khu bất lực, lực lượng kềm kẹp ở cơ sở bỏ trốn; bảo an, chi khu dao động nặng. Buộc địch phải co cụm lại, thế phân tuyến giãn ra. Địch có tổ chức lực lượng phản kích ngay những ngày đầu nhưng lực lượng không lớn nên thế suy yếu của địch mà ta quyết tâm hành động. Một vài nơi trọng điểm do địch tập trung đông, công tác tổ chức đánh trả của ta không thích hợp nên bị tiêu hao, hành lang chi viện vật chất có nơi bị nghẽn, chiến đấu và công tác có khó khăn, tuy nhiên đã nhanh chóng ổn định và khắc phục, nhất là từ ngày 13 tháng 3, khi ta tạm rút một số lực lượng chủ lực ở vùng sâu lên củng cố, chuẩn bị cho đợt tiếp.

Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ gặp gỡ các nhân sĩ trí thức, các chức sắc tôn giáo, đồng bào và cán bộ chiến sĩ Thừa Thiên Huế (4/1975). Ảnh Tư liệu của Văn phòng Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.


Nhờ phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và chủ lực, ta đã giành được thắng lợi bước đầu có ý nghĩa rất lớn cả trên 2 mặt trận đánh phá bình định và mặt trận tiêu diệt sinh lực, phá thế phân tuyến. Ta đã bước đầu tạo được thế xen kẽ ở nông thôn đồng bằng, tạo thế hành lang bàn đạp, lập được thế mới để tiếp tục đánh địch mạnh hơn. Thắng lợi bước đầu này vào giữa lúc trên toàn miền Nam đang thắng lớn. Đặc biệt là thắng lợi vang dội có ý nghĩa chiến lược ở Tây Nguyên, làm cho địch hết sức hoang mang dao động, tác động sâu vào ý đồ của địch tại chiến trường.

Nhận rõ thời cơ giành thắng lợi lớn, nhận rõ đà suy sụp của địch, được Trung ương, Khu ủy chỉ đạo chặt chẽ ta đã chuyển hướng lãnh đạo, chỉ đạo, dồn toàn bộ lực lượng hành động, táo bạo tiến công, vây ép địch, không đặt vấn đề hoạt động theo từng đợt mà chủ trương đẩy nhanh tốc độ phát triển tấn công giành thắng lợi toàn diện. Vì vậy, khi được tin địch có thể rút khỏi Quảng Trị và bắc Thừa Thiên, thi hành chỉ thị của Thường vụ Khu ủy, đêm 18 rạng 19 tháng 3, Thường vụ Tỉnh ủy đã họp quyết định kiên quyết khắc phục khó khăn trước mắt, nhanh chóng ổn định tình hình tư tưởng và tổ chức, huy động toàn bộ lực lượng kể cả số thương binh còn chiến đấu được, số anh em sản xuất vận tải tung ra tiến công, giữ vững quyết tâm nhất thiết không được để hổng cả về nhận thức và tư tưởng, chống mọi biểu hiện bi quan dao động. Cùng với lực lượng của Trung ương, các lực lượng chính trị vũ trang của ta đã triển khai ngay xuống đồng bằng, không cho địch co cụm rút chạy một cách an toàn, mặt khác mạnh bạo tiến công cắt giao thông, bao vây tiêu diệt buộc địch phải tháo chạy nhanh và truy kích khi chúng rút chạy; đồng thời phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ, giữ dân không cho địch hốt đi.

Từ 18 giờ ngày 19/3/1975, “sau khi Quảng Trị hoàn toàn giải phóng, vấn đề phát triển thế tấn công giải phóng toàn bộ Thừa Thiên Huế, giành chính quyền về tay nhân dân đã trở thành vấn đề trực tiếp, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đề nghị Khu ủy chuyển chủ trương từ giải phóng nông thôn chuyển lên giải phóng thành phố”. Và đã kiên quyết thực hiện nghị quyết của Thường vụ Khu ủy: “Động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tiếp tục phát triển thế tấn công, bao vây không cho địch co cụm thoát chạy, tiêu diệt nhiều sinh lực địch làm tan rã quân địch bắt được nhiều tù binh, hàng binh, thu nhiều vũ khí, đập tan mọi đề kháng của địch, giải phóng thành phố Huế và toàn bộ nông thôn đồng bằng còn lại, xóa bỏ ngụy quyền, thực hiện toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. Đồng thời chuẩn bị tổ chức việc chiếm lĩnh thành phố Huế, thiết lập chính quyền cách mạng, xây dựng trật tự xã hội mới, chế độ mới ở thành phố và nông thôn nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Huế vững mạnh về mọi mặt, góp phần cùng toàn miền phát huy sức mạnh mới của cách mạng miền Nam”.

Chấp hành nhất quán chủ trương của cấp trên quyết tâm giải phóng toàn tỉnh đã được Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thông qua, “Từ ngày 21/3, lực lượng quân ta phá cầu Thừa Lưu, chặn các tuyến đường rút chạy của địch, phát động quần chúng đồng loạt nổi dậy, làm chủ các vùng, các huyện đồng bằng lần lượt giải phóng”.

Huyện Phú Lộc: “Sáng 24/3/1975, bộ đội chủ lực, bộ đội huyện, đội vũ trang, du kích các xã nhất loạt nổ súng vào các trụ sở thôn, xã, quận lỵ Vinh Lộc, đồn Hải thuyền Tư Hiền. Nhân dân các xã Thế Lộc, Mỹ Lộc phối hợp với bộ đội chủ lực nổi dậy phá kìm kẹp, kêu gọi tàn binh ra đầu thú. Ngày 25/3/1975, các lực lượng địa phương Phú Lộc cùng nhân dân các xã Vinh Giang, Vinh Hiền, Vinh Hải, Vinh Thái, Vinh Mỹ nổi dậy phá kìm kẹp, truy lùng ác ôn, bắt tù binh, thu nhiều vũ khí của địch: Huyện Phú Lộc hoàn toàn giải phóng”. (Lịch sử Đảng bộ huyện Phú Lộc (1930 - 1975), Nxb. CTQG, 1998, tr. 320).

Huyện Phong Điền: “Ngày 24/3/1975, với tinh thần “tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”, quân và dân Phong Điền dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy đã tổ chức chủ động tấn công - nổi dậy, vận dụng các phương châm ba mũi giáp công và đã huy động lực lượng giải phóng quê hương.” (Lịch sử Đảng bộ huyện Phong Điền (1930 - 2020), Nxb. Thuận Hóa, 2019, tr. 300).

Huyện Hương Trà: “Cùng với đòn tiến công quân sự, các đội vũ trang công tác của Hương Trà nhanh chóng tổ chức Nhân dân nổi dậy phá chính quyền địch, giành quyền làm chủ, phục vụ tích cực bộ đội phát triển tiến công địch. Nhân dân các xã nô nức mít tinh chào mừng giải phóng quê hương chiều ngày 24 tháng 3 năm 1975, đánh dấu mốc lịch sử: huyện Hương Trà hoàn toàn giải phóng”. (Lịch sử Đảng bộ huyện Hương Trà (1937 - 1975), Nxb. CTQG, 1998, tr. 214).

Huyện Hương Thủy: “Sáng 24/3/1975, cuộc mít tinh toàn xã Thủy Phương có 3.000 người dự. Sau mít tinh, nhân dân kéo về tham gia giải phóng quận lỵ Hương Thủy. Giải phóng quận lỵ, tiếp tục truy quét tàn quân, có thể nói ngày 24/3/1975, Hương Thủy hoàn toàn giải phóng”. (Lịch sử Đảng bộ huyện Hương Thủy, Nxb. Thuận Hóa, 1994, tr. 239).

Huyện Phú Vang: “Sáng ngày 25/3/1975, các xã Phú Hồ, Phú Lương, Phú Xuân, Phú Đa tổ chức mít tinh mừng quê hương giải phóng”. (Lịch sử đấu tranh, xây dựng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Phú Vang (1930 - 2015), Nxb. Thuận Hóa, 2015, tr.156).

Huyện Quảng Điền: “Đến 16 giờ 30 phút ngày 25/3/1975, huyện Quảng Điền được hoàn toàn giải phóng”. (Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (1930 - 2005), Nxb. CTQG, 2016, tr. 195).

Thành phố Huế: “Ngày 24, 25, 26/3/1975 là những ngày nổi dậy cao điểm nhất của nhân dân thành phố. Lực lượng đặc công, biệt động, an ninh, đội công tác chính trị vũ trang, tự vệ bí mật của thành phố đánh chiếm và phá hủy các mục tiêu của địch như: Trụ sở ngụy quyền, các đồn cảnh sát, diệt bọn ác ôn; đồng thời chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng như Đài Phát thanh và hướng dẫn bộ đội chủ lực chiếm giữ Nhà máy điện, Nhà máy nước, Tòa tỉnh trưởng, Ty cảnh sát, bưu điện, ngân hàng. Các cầu lớn quan trọng trong thành phố như: Cầu Mới, cầu Trường Tiền, cầu Bạch Hổ và các vị trí quan trọng khác”. “10 giờ 30 phút ngày 25/3/1975, lực lượng đi đầu đã cắm lá cờ giải phóng ở cột cờ Phu Văn Lâu, báo hiệu thành phố Huế được giải phóng”. (Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân thành phố Huế (1945 - 2005), Nxb. Thuận Hóa, 2009, tr. 252 - 253).

Đêm 24 rạng ngày 25/3/1975, mũi tiến công của các lực lượng vũ trang từ các hướng tiến đến hợp điểm thành phố Huế và phát triển tiến công các mục tiêu trong thành phố. Địch tháo chạy tán loạn khỏi thành phố Huế. Ngày 25 tháng 3 năm 1975 cơ bản giải phóng toàn tỉnh, 4 giờ sáng ngày 26 tháng 3 năm 1975 treo cờ ở cột cờ Huế, Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng (trừ một số tàn quân địch ở Lăng Cô đến ngày 28/3 mới giải quyết dứt điểm). Như vậy là trong một thời gian rất ngắn ta đã tấn công và nổi dậy đồng loạt diệt và làm tan rã: sư đoàn I, 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ, 2 liên đoàn biệt động, 2 trung đoàn thiết giáp và 16 tiểu đoàn khác cùng toàn bộ lực lượng bảo an, phòng vệ và bộ máy ngụy quyền2 ở Thừa Thiên.

Ngày 26 tháng 3 năm 1975, Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng. Các lực lượng quân dân chính đảng trở về tiếp quản thành phố, bắt tay vào xây dựng chính quyền mới. Các đơn vị vũ trang chủ lực của trung ương được lệnh tiếp tục hành quân vào Đà Nẵng, thần tốc tiến về Sài Gòn…

Thắng lợi củaquân và dânThừa Thiên Huế đã góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, kết thúc 21 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy bi tráng của dân tộc.

Ngày 26 tháng 3 năm 2024, kỷ niệm 49 năm ngày Thừa Thiên Huế giải phóng, nhìn lại quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định tình hình xã hội, từ đói nghèo lạc hậu, với sự nỗ lực và quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh, chúng ta tự hào và khẳng định rằng, bộ mặt kinh tế - xã hội của quê hương đã có nhiều thay đổi toàn diện đáng kể, đời sống tinh thần, tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân được cải thiện và tôn trọng, cơ sở vật chất được nâng cao, giáo dục, văn hóa, y tế… đạt nhiều thành tựu mới, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo và có cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc. Điều quan trọng hơn là chúng ta đã giữ vững toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, đất nước thái bình, đem lại sự ổn định để xây dựng, phát triển quê hương. Trải qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc cũng như trong hòa bình, nhân dân Thừa Thiên Huế đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trên con đường xây dựng làm cho quê hương ngày càng giàu đẹp.

H.P
(TCSH52SDB/03-2024)

-------------------------------
1 Trích Nghị quyết Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tháng 12/1974.
2 Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Báo cáo của Thường vụ Tỉnh ủy trước Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ, tháng 6/1975, Tài liệu lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Bài được tham khảo nhiều tư liệu ở báo cáo này.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng