SỰ KIỆN
Giải phóng Trị - Thiên Huế
14:26 | 26/04/2024

LÊ QUANG MINH

Thời điểm Trị - Thiên Huế đang gấp rút thực hiện kế hoạch giải phóng thì cục diện chiến trường miền Nam chuyển biến mau lẹ. Tây Nguyên giành chiến thắng lớn, quân đội của chế độ Sài Gòn rút khỏi Tây Nguyên hoàn toàn. Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chuyển cuộc Tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch hai năm (1975 - 1976) ngay trong năm 1975.

Giải phóng Trị - Thiên Huế
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Trị - Thiên Huế họp bàn kế hoạch giải phóng Trị - Thiên Huế năm 1975. Ảnh tư liệu.

Ngày 17/3/1975, Thường vụ Khu ủy và Quân Khu ủy nhận định: “Địch ở Trị - Thiên Huế đang hoang mang, dao động mạnh, thời cơ mới xuất hiện, nhân dân Trị - Thiên Huế cần khẩn trương và mạnh bạo tiến công, dùng lực lượng tại chỗ đánh mạnh vào tuyến phòng thủ của đối phương, kết hợp với thọc sâu chia cắt, phá thế co cụm của kẻ thù, giành thắng lợi lớn ở đồng bằng, tiến tới bao vây và cô lập Huế, thời gian chậm nhất là ngày 19/3/1975, tất cả các lực lượng phải tiến công”1. Ngay trong ngày 20/3/1975, Thường vụ Khu ủy và Quân Khu ủy họp quyết định: “Tranh thủ thời cơ, dốc toàn lực giải phóng thành phố Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên Huế bằng một cuộc tiến công tổng hợp, toàn diện, lấy chia cắt và bao vây chiến dịch kết hợp với các mũi thọc sâu của chủ lực làm biện pháp then chốt; sử dụng lực lượng vũ trang địa phương trực tiếp tiến công địch hỗ trợ và vận động quần chúng nổi dậy giành dân và giữ dân, đưa chiến dịch đến thắng lợi”2. Trước những diễn biến nhanh chóng của tình hình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã điện ngay cho Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn 2 rằng: “Đã có khả năng chuyển sang kế hoạch thời cơ3, tổ chức thực hiện giải phóng Huế. Tình hình phát triển khá nhanh và thời cơ lớn đang đến sớm hơn ta dự kiến… Trị - Thiên cần đẩy mạnh tiến công của chủ lực từ phía tây, thực hành chia cắt chiến lược giữa Huế - Đà Nẵng”4.

Sáng 21/3/1975, chiến dịch tiến công giải phóng thành phố Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu. Chiều ngày 21/3/1975, tuyến phòng ngự của quân địch ở phía Tây Đường số 1 từ Lương Điền đến Phú Lộc bị đập tan, cửa ngõ xuống Đường số 1 được khai thông. Phối hợp với quân sự, quần chúng nhân dân nổi dậy tiến công hệ thống quân đội của địch ở cơ sở, truy quét tàn binh, thu vũ khí. Nhân dân các xã Quảng Lợi, Quảng Hòa, Quảng Đại (huyện Quảng Điền) dẫn đường cho bộ đội truy kích kẻ thù chạy ra cửa Thuận An. Các đội vũ trang công tác đã phát động quần chúng nhiều xã của huyện Hương Trà và huyện Phong Điền nổi dậy giành chính quyền, truy lùng ác ôn, kêu gọi người thân bỏ hàng ngũ của địch về với gia đình, dẫn đường cho bộ đội tiến công vào thành phố Huế. 6 giờ 30 phút ngày 26/3/1975, lá cờ chiến thắng được các chiến sĩ giải phóng cắm trên cột cờ Phu Văn Lâu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế được giải phóng.

Như vậy, mọi diễn biến thực tế của chiến dịch Trị - Thiên Huế đã diễn ra theo đúng như những dự định và chiến lược của Quân ủy Trung ương. Chiến dịch tiến công Trị - Thiên Huế (ngày 5 đến 26/3/1975) diễn ra hai đợt: Đợt 1 (ngày 5 đến 20/3), Quân đoàn 2 và lực lượng vũ trang địa phương tiến công vào tuyến phòng thủ của địch ở Quảng Trị. 3 giờ sáng ngày 18/3/1975, ta giải phóng thị xã Quảng Trị, buộc địch co cụm về Thừa Thiên Huế. Đợt 2 (ngày 21 đến 26/3), ta phát triển tiến công và giải phóng Thừa Thiên Huế. Sáng ngày 26/3/1975, toàn bộ Thừa Thiên Huế hoàn toàn được giải phóng5. Ngày 28/3/1975, Quân ủy Trung ương gửi điện biểu dương các lực lượng tham gia Chiến dịch giải phóng Trị - Thiên Huế, trong đó khẳng định: “Việc đánh chiếm, giải phóng thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược lớn. Chiến công đó làm cho nhân dân cả nước phấn khởi, làm cho địch suy yếu thêm một bước mới nghiêm trọng, góp phần làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân và dân cả nước”6.

Sau 22 ngày đêm cùng Quân đoàn 2 chiến đấu liên tục, khẩn trương, quân và dân Trị - Thiên Huế giành thắng lợi nhanh chóng và trọn vẹn. Thắng lợi này đập tan lá chắn mạnh nhất của quân địch ở phía Bắc, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng của địch ở đây, giành và giữ được tuyệt đại bộ phận nhân dân ở lại quê hương cùng với lực lượng vũ trang tiến công tiêu diệt kẻ thù, kịp thời đón số dân bị cưỡng ép di tản trở về quê hương, thu hồi toàn bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật, vũ khí, trang bị của địch. Đây là thắng lợi lớn nhất, triệt để nhất của quân và dân Trị - Thiên Huế, góp phần cùng toàn miền Nam và cả nước đánh thắng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước. Như vậy, từ một hướng phối hợp quan trọng, quân và dân Trị -Thiên đã chủ động vận dụng triệt để yếu tố thời cơ tiến công địch, giành thắng lợi to lớn, giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên Huế. Đây là chiến thắng có ý nghĩa chiến lược, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân 1975 của dân tộc ta.

*

Cùng với nhiệm vụ bảo đảm cơ động, tăng sức chiến đấu cho Quân đoàn 2, chi viện cho các binh đoàn cơ động chiến lược khác của Bộ Tổng Tư lệnh cùng tiến vào giải phóng miền Nam, một nhiệm vụ khác quan trọng của Khu ủy là chỉ đạo tiếp quản vùng mới giải phóng và quân quản thành phố Huế. Nhiệm vụ này chỉ sau mấy ngày giải phóng đã đạt được kết quả tích cực: nhanh chóng ổn định về tình hình mọi mặt; truy quét tàn binh, gián điệp mật vụ, đảng phái phản động; xây dựng chính quyền cách mạng từ cấp xã đến huyện, tỉnh; bảo đảm mọi sinh hoạt bình thường và phòng dịch cho nhân dân; huy động mọi lực lượng, phương tiện đi đón và vận chuyển gần 32 vạn người dân từ các nơi khác trở về quê cũ; tháo gỡ hàng vạn quả bom mìn, bảo vệ cầu đường giao thông vận tải; tuyển hơn 5.000 thanh niên cho lực lượng vũ trang huyện, tỉnh; phát triển, xây dựng 13.300 du kích, 9.378 dân quân, hơn 1.200 tự vệ; đến ngày 12/4/1975 đã xây dựng xong chính quyền cách mạng7.

Sau ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh hoàn toàn thắng lợi, non sông thống nhất một dải vững bền. Sau sự kiện này, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam về Huế tổ chức mít tinh mừng ngày thống nhất nước nhà. “Đúng ngày dự định, dân khắp nơi được tổ chức kéo về quảng trường Ngọ Môn. Dân Huế đều công nhận đã lâu lắm, Huế chưa có một cuộc mít tinh đông như thế. Trên Kỳ đài Huế, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ xuất hiện, ông tuyên bố: “Việt Nam chúng ta đã hoàn toàn thống nhất, đã hoàn toàn độc lập tự do”. Nhân dân vỗ tay hoan hô như sóng dậy. Đó là một trong những ngày vui nhất của Huế. Rõ ràng Huế đã trở về vui giữa cộng hòa”8. Tiếp sau đó, các lãnh đạo Trung ương từ Hà Nội như Hoàng Anh, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, đều lần lượt vào thăm Huế, động viên, nhắc nhở chính quyền mới cố gắng khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, tích cực đẩy mạnh sản xuất.

Chiến dịch giải phóng Huế là một mắt xích quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã đánh thắng kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh nhất thế giới. Đó cũng là chiến thắng tiêu biểu của lực lượng cách mạng có ý nghĩa quốc tế và tính thời đại sâu sắc, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

L.Q.M
(TCSH422/04-2024)

------------------------
1 Võ Văn Minh và cộng sự (1994), Quân khu 4 - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.456.
2 Võ Văn Minh và cộng sự (1994), Sđd, tr.460.
3 Giải phóng toàn bộ Quảng Trị, Thừa Thiên và thành phố Huế.
4 Võ Nguyên Giáp (2006), Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội 2006
5 Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975, tập VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, tr.341.
6 Võ Văn Minh và cộng sự (1994), Sđd, tr.467.
7 Lê Tự Đồng (1983), Trị - Thiên - Huế Xuân 1975, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.183.
8 Nguyễn Quang Hà (2010), “Huế đã về vui giữa cộng hòa”, Tạp chí Sông Hương, số 254/04-10.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng