SỰ KIỆN
Hệ thống Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh: hệ giá trị văn hóa, con người Huế
15:12 | 17/07/2024


NGUYÊN TRÍ

Hệ thống Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh: hệ giá trị văn hóa, con người Huế

1. Lời dẫn

Trong lịch sử hơn 700 năm, với hơn 300 năm được các chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ của Đàng Trong (1636 - 1775), rồi kinh đô của vương triều Tây Sơn (1788 - 1801), kinh đô của vương triều Nguyễn (1802 - 1945), các thế hệ người dân Huế đã thể hiện bản lĩnh và phát huy trí tuệ, công sức để biến vùng đất được mệnh danh “Ô Châu ác địa” thành một xứ Huế giàu bản sắc, đẹp và thơ; hình thành, hun đúc, gìn giữ những phẩm chất, giá trị quý báu của văn hóa, con người Huế. Đồng thời, Thừa Thiên Huế vinh dự và tự hào là mảnh đất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng người thân từng sống, lao động, học tập và tham gia sôi nổi các hoạt động yêu nước. Huế cũng là quê hương của nhiều nhà yêu nước, nhà cách mạng, văn nghệ sĩ tài hoa như Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Trịnh Công Sơn…; là nơi ghi dấu ấn quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của nhiều nhân sĩ, trí thức vốn xuất thân từ những vùng quê khác như Phan Bội Châu, Lê Văn Miến, Phan Đăng Lưu...

Những năm tháng ở Huế đã tác động mạnh mẽ, hình thành nên nhân cách Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Chính nơi đây đã góp phần hình thành nên chân dung một con người vĩ đại, để từ đó thôi thúc ý chí, nghị lực, quyết tâm và khát vọng của Người ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Thời kỳ này, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học. Những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh1. Khoảng thời gian gần 10 năm Bác Hồ và gia đình sống ở Thừa Thiên Huế đã để lại một hệ thống di tích vô cùng quý giá. Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu đó, ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2280/QĐ-TTg xếp hạng Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế là di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Hiện nay, việc bảo tồn và phát huy Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển hệ giá trị văn hóa, con người Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

2. Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế

Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế là những tài sản quý báu giúp cho mọi người hiểu rõ được sự hình thành một nhân cách lớn, của một bậc “đại nghĩa, đại trí, đại nhân, đại dũng”. Cuộc sống gần gũi của Nguyễn Sinh Cung với cảnh vật và con người Huế đã có những ảnh hưởng rất lớn đến phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo, phong cách làm, ứng xử văn hóa, lối sống sinh hoạt giản dị, thanh cao. Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế mang đậm yếu tố truyền thống có sức thu hút đồng bào cả nước và du khách thập phương đến tham quan, du lịch, tưởng niệm. Hệ thống di tích này gắn liền với những di tích lịch sử cách mạng và Quần thể di tích Cố đô Huế thể hiện sự đa dạng, phong phú của nhiều loại hình di sản văn hóa Huế, đây là tuyến tham quan du lịch di sản hấp dẫn, đem lại những trải nghiệm đáng nhớ đối với khách tham quan.

Thừa Thiên Huế đang lưu giữ không gian văn hóa, lịch sử và nhiều tài liệu, hiện vật gắn liền với tuổi niên thiếu của Người, bao gồm khoảng 20 di tích và địa điểm di tích có liên quan trực tiếp đến gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin giới thiệu 9 di tích tiêu biểu đã được xếp hạng di tích.

2.1. Nhà lưu niệm Bác Hồ ở đường Mai Thúc Loan

Ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống khi theo gia đình vào Huế lần thứ nhất từ năm 1895 đến năm 1901. Ngôi nhà lưu giữ nhiều kỷ niệm thời thơ ấu của Bác Hồ, chứng kiến những năm tháng miệt mài đèn sách của ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh), sự đảm đang của bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh), chứng kiến sự lớn lên và trưởng thành của hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai của Chủ tịch Hồ Chí Minh), Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Đặc biệt, ngôi nhà này là nơi bà Hoàng Thị Loan sinh người con thứ tư là cậu bé Nguyễn Sinh Xin và cũng là nơi bà đã trút hơi thở cuối cùng.

Ngôi nhà gỗ rộng ba gian, theo kiểu kiến trúc nhà rường truyền thống Huế; mái lợp ngói liệt, tường bao quanh bằng gạch vồ, mặt trước là hệ thống cửa bản khoa, nối với nhà chính là nhà bếp, vách trát đất, mái lợp tranh. Hiện nay, di tích này còn giữ được nhiều hiện vật quý, là nơi có số lượng khách đến tham quan, dâng hương khá đông.

2.2. Địa điểm Trường Quốc Học - Huế

Trường Quốc Học - Huế (nay là trường THPT chuyên Quốc Học - Huế) được thành lập ngày 17 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 (23/10/1896) và Nghị định ngày 18/11/1896 của Phủ Toàn quyền Đông Dương. Năm 1908, Nguyễn Tất Thành là 1 trong 10 học sinh giỏi nhất của trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba thi vượt cấp vào lớp đệ nhị niên trung học tại Trường Quốc Học niên khóa 1908 - 1909. Thời kỳ Nguyễn Tất Thành theo học, Trường Quốc Học chỉ là những dãy nhà tranh vốn là trại lính thủy quân hoàng gia triều Nguyễn được cải tạo lại. Bao bọc xung quanh trường phía trước là tường xây bằng gạch, màu đỏ sậm, cổng trường với lối kiến trúc cổ kính có hai tầng, tầng trên bằng gỗ, mái lợp ngói liệt. Trong thời gian học tại Trường Quốc Học, Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã được thầy Lê Văn Miến truyền đạt nhiều kiến thức phương Tây và giáo dục lòng yêu nước. Nhiều người cùng học với Nguyễn Tất Thành lúc còn niên thiếu đã nhận xét: “Việc dạy dỗ của thầy Miến là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành tư tưởng sang Tây chứ không sang Đông của Chủ tịch Hồ Chí Minh2.

Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế


Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/1990), tại vị trí trung tâm của trường, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho xây dựng tượng đài Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) nhằm ghi dấu nơi Người đã từng học tập và tham gia các hoạt động yêu nước; đồng thời khánh thành Nhà lưu niệm Bác Hồ và truyền thống Quốc Học trong khuôn viên của trường.

2.3. Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ

Ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống từ năm 1898 đến 1900, khi Người cùng anh theo cha về đây dạy học. Năm 1898, ông Nguyễn Sinh Sắc đã được ông Nguyễn Sĩ Độ mời về nhà dạy học tại làng Dương Nỗ. Tại lớp học chữ Hán của cha trong ngôi nhà này, Nguyễn Sinh Cung đã được học những chữ Hán đầu tiên, đặt nền móng cho nền học vấn Hán học của Người. Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ là một ngôi nhà tranh ba gian hai chái, vách ghép ván. Đồ đạc trong nhà đơn sơ giản dị, ở giữa kê bộ phản gỗ gõ để ông Sắc ngồi dạy học, hai bộ phản khác kê hai bên để cho học trò trong làng cùng ngồi học, ở góc trong, gian bên trái có kê giường gỗ, dát tre, là nơi Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung thường nằm; góc trong gian bên phải kê một chiếc rương để đựng đồ đạc. Hai chái hai đầu là nơi sinh hoạt và cất trữ thực phẩm của ba cha con. Nối với nhà chính là ngôi nhà ngang ba gian, mái lợp tranh, vách trát đất được sử dụng làm bếp sinh hoạt của gia đình.

Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ


2.4. Đình làng Dương Nỗ

Là nơi Nguyễn Sinh Cung thường ra vui chơi, quan sát và tìm hiểu về lịch sử ngôi đình cũng như đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong làng vào thời gian Người sống và học tập ở đây (1898 - 1900). Đình làng Dương Nỗ được xây dựng từ đời vua Lê Thánh Tông (1471) để thờ các vị tiền nhân, lúc đầu đình mới chỉ được làm bằng tranh, tre, nứa, lá. Đến thời vua Gia Long (1808) được sự giúp đỡ của Khoái Châu Quận công Nguyễn Đức Xuyên, đình được cải tạo có kiến trúc như ngày nay. Đình làng Dương Nỗ được xây theo kiến trúc truyền thống 5 gian, 2 chái, mái lợp ngói âm dương, toàn bộ ngôi đình được bố trí bao gồm: Tòa đại đình, sân đình, cổng đình, hàng trụ biểu và bến đình được liên kết với nhau theo một trục dọc hướng Bắc - Nam. Đường nét hoa văn khắc chạm trang trí trong đình mang giá trị nghệ thuật cao.

Đình làng Dương Nỗ


2.5. Am Bà

Đây là miếu thờ nữ thần Thiên Y A Na, một trong những tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt mang màu sắc văn hóa Champa. Am Bà ra đời vào khoảng thế kỷ XV, khi tổ tiên của làng Phò Lỗ, Phò An khai phá đất đai lập làng và lập miếu thờ vị thần bảo trợ cho mình. Trong thời gian Nguyễn Sinh Cung theo cha và anh về sống tại làng Dương Nỗ, Người thường xuống đây chơi và học bài.

2.6. Bến Đá

Là một bến nước nhỏ nằm bên dòng sông Phổ Lợi, gần Nhà lưu niệm Bác Hồ tại Dương Nỗ. Bến Đá nằm vào phần đất nhà thân sinh của ông Nguyễn Sĩ Độ, ông đã cho người đóng cọc trekê đá làm thành một bến nước gia đình. Năm 1898, khi Nguyễn Sinh Cung theo cha về sống ở đây, Người thường ra Bến Đá tắm giặt và ngồi hóng mát. Bến tắm bằng đá đơn sơ này đã gắn liền với tuổi thơ của Nguyễn Sinh Cung trong hai năm sống ở làng Dương Nỗ.

2.7. Địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ)

Địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan từ năm 1901 đến năm 1922 tại triền phía Tây núi Bân (núi Tam Tầng). Năm 1922, mộ của bà đã được cô Nguyễn Thị Thanh (chị gái Bác Hồ) cải táng đem về quê nhà. Năm 1990, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã xây dựng Nhà bia tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan ngay tại vị trí mai táng của bà trước đây.

Nhà bia tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan


2.8. Tòa Khâm sứ Trung Kỳ

Được khởi công xây dựng vào năm 1876 dưới thời vua Tự Đức, và hoàn thành vào năm 1878. Sau khi xây dựng, Tòa Khâm sứ Trung Kỳ trở thành thủ phủ của chế độ thực dân ở Trung Kỳ, chi phối toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước quân chủ triều Nguyễn. Tại đây, tháng 4/1908 đã diễn ra cuộc biểu tình đòi giảm sưu giảm thuế của nhân dân Thừa Thiên Huế. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó còn là học trò cùng với một số học sinh Trường Quốc Học khác cũng tham gia đoàn biểu tình chống sưu thuế, dùng vốn kiến thức tiếng Pháp để giúp bà con với tư cách là thông ngôn. Tòa Khâm sứ ngày nay không còn, nó đã bị sập đổ hoàn toàn vào năm 1945. Để ghi nhớ lại sự kiện đã từng diễn ra tại địa điểm này, nơi đã chứng kiến những hành động yêu nước đầu tiên của Bác Hồ, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã dựng biểu tượng Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào đấu tranh chống thuế năm 1908.

2.9. Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba

Ngôi trường được thành lập năm 1905, trên nền đình chợ Đông Ba cũ. Năm 1923, trường được di chuyển đến địa điểm trường THPT Gia Hội ngày nay. Từ năm 1906 đến năm 1907, Người theo học lớp nhì tiểu học; từ năm 1907 đến năm 1908, Người học lớp nhất tiểu học. Hiện nay, tại vị trí trường cũ, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã dựng bia kỷ niệm, lưu lại dấu ấn về thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng học ở đây.

3. Giải pháp bảo tồn và phát huy Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với phát triển hệ giá trị văn hóa, con người Huế

Hiện nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế có vinh dự và trách nhiệm nặng nề trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm góp phần từng bước đưa tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người vào cuộc sống. Bảo tồn, phát huy các giá trị hệ thống di tích này sẽ góp phần xây dựng, phát triển hệ giá trị văn hóa, con người Huế như yêu nước, kiên trung, đoàn kết, hòa thuận, hiếu học, tinh tế, khiêm nhường, mẫu mực, gần gũi với thiên nhiên. Có thể khẳng định rằng, sự phong phú, đa dạng, đặc sắc của bản sắc Huế, và những phẩm chất tốt đẹp của con người Huế chính là nguồn lực nội sinh quan trọng, là động lực và sức mạnh mềm để tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh hiện nay.

Thời gian qua, hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo bằng các nguồn kinh phí của tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhiều dự án được triển khai như: Tu bổ, tôn tạo di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ, tại 112 Mai Thúc Loan; Xây dựng nhà bia tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại núi Bân; Tượng đài Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại sân Trường Quốc Học; Xây dựng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế; Xây dựng Biểu tượng anh Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tham gia phong trào đấu tranh chống thuế tại Tòa Khâm sứ Trung kỳ năm 1908; Chỉnh trang cảnh quan địa điểm di tích trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba (nay là vườn hoa Phan Đăng Lưu); Tu bổ đình làng Dương Nỗ; Chỉnh lý, sửa chữa hệ thống trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế... Các di tích được tiến hành trùng tu, tôn tạo đã tôn trọng, gìn giữ các yếu tố nguyên gốc từ kiến trúc đến cảnh quan, bảo đảm tuân thủ đúng theo Luật Di sản văn hóa.

Số lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế cũng như các di tích thuộc sự quản lý của bảo tàng ngày càng tăng. Cụ thể vào năm 2023, bảo tàng đã đón tiếp hơn 122.000 lượt khách tham quan. Đồng thời, đơn vị đã tổ chức và phối hợp tổ chức 5 cuộc triển lãm với các chuyên đề tuyên truyền, giới thiệu thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Thừa Thiên Huế. Bảo tàng sưu tầm được 35 tư liệu, hiện vật, trong đó có khoảng 20 tác phẩm âm nhạc về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh được các nhạc sĩ sáng tác tham gia cuộc thi sáng tác về đề tài “Bác Hồ với Huế và Huế với Bác Hồ”; sưu tầm được một số hiện vật có giá trị, liên quan trực tiếp đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với đó đã số hóa tài liệu, hiện vật tại kho cơ sở trên 1.000 tư liệu, hiện vật. Ngoài ra còn triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động liên quan đến phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” thông qua các cuộc thi tìm hiểu về Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cũng trong năm 2023, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lễ hội làng Dương Nỗ với chủ đề “Dương Nỗ - Hành trình tháng Năm”. Lễ hội này diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc, ý nghĩa như Lễ rước hoa sen và dâng hoa, dâng hương lên Chủ tịch Hồ Chí Minh; Triển lãm ảnh nghệ thuật “Nét đẹp Di sản Hồ Chí Minh”; Triển lãm mỹ thuật “Tranh dân gian Việt Nam”; Cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Thiếu nhi với Bác Hồ” v.v.

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế gắn với việc xây dựng, phát triển hệ giá trị văn hóa, con người Huế cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như:

- Triển khai có hiệu quả Đề án “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch”. Trong đó chú trọng nâng cao nhận thức về công tác phát huy giá trị bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế gắn với phát triển du lịch; Tổ chức không gian quy hoạch hệ thống dịch vụ tại các điểm tham quan; Huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa; Tuyên truyền, quảng bá bảo tàng và Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với phát triển du lịch.

- Quan tâm đầu tư kinh phí bảo tồn, trùng tu tôn tạo các di tích liên quan trực tiếp đến thời niên thiếu của Người, đặc biệt sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân trực tiếp tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, chính quyền địa phương cần tiếp tục phối hợp cùng nhà trường lựa chọn những di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh để đưa vào thực hiện chương trình “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” hoặc tổ chức các chuyến tham quan thực tế đến các di tích để tạo môi trường cho học sinh, sinh viên tham gia bảo vệ di tích, đây là một trong những giải pháp mang tính lâu dài và bền vững. Từ việc tìm hiểu, chăm sóc các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ giáo dục thế hệ trẻ có tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc.

- Cần xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Tạo điều kiện cho các công ty lữ hành du lịch khảo sát xây dựng các tour du lịch đến bảo tàng và Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế. Kết nối các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với hệ thống di tích lịch sử cách mạng, Quần thể di tích Cố đô Huế để thu hút du khách và các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm tham quan nghiên cứu. Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày để hỗ trợ chuyển tải các thông điệp của Bảo tàng Hồ Chí Minh đến với khách tham quan. Khách tham quan không chỉ xem và nghe mà còn muốn được khám phá, trải nghiệm, tham gia vào các hoạt động của bảo tàng. Bảo tàng Hồ Chí Minh có thể mô phỏng các hiện vật bằng phương pháp in 3D để khách tham quan có thể dễ dàng tiếp cận, hay tạo không gian ảo để người xem tương tác với các câu chuyện lịch sử. Đồng thời chú trọng tôn tạo cảnh quan, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ du lịch để di tích trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh cần phải tiến hành quy hoạch chi tiết các di tích nhằm hạn chế các hành vi lấn chiếm vi phạm, đề ra những kế hoạch, chương trình và các hoạt động cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản quý báu này gắn với phát triển du lịch một cách bền vững và hiệu quả. Có các biện pháp để giữ gìn tôn tạo, nâng cao giá trị các di tích; khôi phục và phát triển các giá trị phi vật thể gắn với các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm thu hút nhiều đối tượng tham quan. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng các ấn phẩm văn hóa nhằm phục vụ tốt nhất việc tìm hiểu bảo tàng và Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế.

- Chú trọng công tác đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nghiên cứu, hướng dẫn ở bảo tàng và Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế. Đồng thời quan tâm mở rộng tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực.

4. Thay lời kết

Có thể nói, di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người đã để lại trên vùng đất Thừa Thiên Huế là niềm tự hào và là tài sản vô giá cho mảnh đất và con người xứ Huế. Những di tích này đã trở thành địa chỉ đỏ, địa điểm về nguồn, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ và thu hút đông đảo nhân dân đến viếng thăm. Vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng xây dựng, phát triển hệ giá trị văn hóa, con người Huế; đồng thời là động lực thúc đẩy Thừa Thiên Huế phát triển bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường.

N.T
(TCSH53SDB/06-2024)

-----------------------
1 Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh (1993), Tập 3, Viện Hồ Chí Minh xuất bản, Hà Nội, tr. 6.
2 Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (1990), Kỷ yếu Hội thảo kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

__________________

Tài liệu tham khảo:

1. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (2006), Di tích - Địa điểm Di tích lưu niệm Bác Hồ và gia đình Người ở Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
2. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (2010), Bác Hồ sống mãi trong lòng nhân dân Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
3. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (1990), Kỷ yếu Hội thảo kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh (1993), Tập 3, Viện Hồ Chí Minh xuất bản, Hà Nội.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (2005), Địa chí Thừa Thiên Huế phần Lịch sử, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
6. Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh (1987), Hồ Chí Minh - Những sự kiện, Nxb. Thông tin - Lý luận, Hà Nội.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng