Vào sáng ngày 30/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với tỷ lệ 95,62% đại biểu tán thành. Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025.
Đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi, trả lời những câu hỏi mà báo chí và Tạp chí Sông Hương đặt ra. Dưới đây là một số nội dung quan trọng về công tác nhân sự, cơ hội, khó khăn thách thức trong việc triển khai Đề án phát triển thành phố trên cơ sở hài hòa và bảo tồn văn hóa, di sản khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
PV: Cảm xúc của Chủ tịch như thế nào khi Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, khi địa phương bước đến “ngưỡng cửa” phát triển mới?
Đồng chí Nguyễn Văn Phương: Có thể nói, đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở những góp ý quý báu của Nhân dân, các trí thức, các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các chuyên gia, các Ban, Bộ ngành trung ương. Đã đầy đủ những căn cứ pháp lý, chính trị, thực tiễn và điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí để xây dựng Đề án với phương án mô hình đô thị nhằm sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính các cấp một cách hợp lý và đã đạt được sự đồng thuận cao.
Và hôm nay, hành trình đã đến đích, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đây là thành quả có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội quan trọng, vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng, vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế.
Trong thời khắc quan trọng này, tôi vô cùng phấn khởi, hạnh phúc và tự hào khi mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã thành hiện thực. Đây là một mốc son, là dấu ấn quan trọng mang tính lịch sử, không chỉ cho sự phát triển của tỉnh mà còn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa và lịch sử đặc trưng của Huế.
Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đảm bảo đúng định hướng, chỉ đạo, quan điểm, tư tưởng của Bộ Chính trị, sẽ tạo ra ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho Huế phát triển mà còn tạo điều kiện cho Huế khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh về vị trí, di sản, văn hóa và đóng góp thiết thực cho vùng, cho đất nước, tạo ra những vận hội mới để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược của địa phương, vùng và quốc gia trong giai đoạn tiếp theo; đồng thời, sẽ giúp thành phố Huế bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Với việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là cơ hội để Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đúng như Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra. Trong tương lai sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Đây cũng là kết quả của sự kiên trì, nỗ lực và quyết tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Nhân dân toàn tỉnh trong nhiều năm qua.
PV: Các bước tiếp theo sẽ được thực hiện như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Văn Phương: Kể từ hôm nay, sau khi Quốc hội thông qua Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, các bước tiếp theo sẽ tập trung vào việc triển khai các kế hoạch và hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết này. Tỉnh đã xây dựng một Kế hoạch chi tiết để triển khai Nghị quyết như Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị các cấp; sắp xếp, bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách tại các ĐVHC hình thành sau sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với các trường hợp dôi dư; Chuyển đổi giấy tờ cho cơ quan, tổ chức và công dân... rất nhiều nội dung công việc cần phải thực hiện, song song đó, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia của người dân trong việc xây dựng và phát triển thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
PV: Khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Huế sẽ thành lập các quận, huyện mới, các xã, phường mới. Vậy công tác nhân sự, sắp xếp cán bộ, viên chức được thực hiện như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Văn Phương: Khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, việc thành lập các quận, huyện mới, các xã, phường mới sẽ là một bước quan trọng trong quá trình tái cơ cấu tổ chức hành chính, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Việc sắp xếp nhân sự, cán bộ, viên chức sẽ phải được thực hiện một cách khoa học, minh bạch và công bằng để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý. Trong quá trình xây dựng Đề án, tỉnh đã nghiên cứu và đánh giá kỹ, có phương án, lộ trình sắp xếp bộ máy, nhân sự, việc này sẽ được triển khai một cách đồng bộ và đảm bảo theo quy định của pháp luật.
PV: Khó khăn, thách thức lớn nhất khi Huế trở thành thành phố Trực thuộc Trung ương; việc giải quyết khó khăn, thách thức đó và biến thách thức thành động lực.
Đồng chí Nguyễn Văn Phương: Để Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhưng một trong những thách thức lớn nhất chính là đảm bảo hài hòa giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với xu hướng phát triển kinh tế trong bối cảnh phát triển đô thị. Huế là một thành phố với 8 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới, cùng gần 1.000 di tích lịch sử; là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”,... khẳng định thương hiệu: “Một điểm đến - 8 di sản”, do đó, thách thức này luôn được quan tâm chú trọng để giải quyết thấu đáo, bền vững.
Huế, định hướng phát triển trên cơ sở những nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc của mô hình thành phố trực thuộc Trung ương; phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư tập trung vào đô thị, hạn chế can thiệp, ảnh hưởng đến các di tích và cảnh quan kiến trúc truyền thống,... Quá trình phát triển của Huế luôn phải cân nhắc giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị.
Một câu chuyện cụ thể là trong các cuộc họp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu và cơ quan liên quan, có rất nhiều ý kiến khác nhau về cách thức phát triển mà không làm tổn hại đến giá trị văn hóa của thành phố, có những đề xuất đầu tư dự án lớn, nhưng nhiều lo ngại sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến các di tích và cảnh quan môi trường.
Vì vậy, Huế sẽ luôn đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế, song luôn kiên định mục tiêu phát triển gắn với việc giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa mặc dù điều này có ảnh hưởng làm hạn chế một phần đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cuối cùng, là việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản, văn hóa cũng là một thách thức. Câu chuyện về Thừa Thiên Huế không chỉ là việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mà còn là hành trình tìm kiếm một mô hình phát triển bền vững, nơi di sản văn hóa được bảo vệ và phát huy trong sự phát triển hiện đại.
PV: Làm gì để biến thách thức thành động lực phát triển trong thời gian tới?
Đồng chí Nguyễn Văn Phương: Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu phát triển Huế theo hướng trở thành đô thị hiện đại, văn minh, thân thiện, cởi mở chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước; Tỉnh sẽ ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho mục tiêu bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản Cố đô, bản sắc văn hóa Huế - con người Huế một cách bền vững, theo hướng “bảo tồn đi liền với phát triển”; phát huy bản sắc văn hóa Huế, con người Huế; tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, an toàn và thân thiện để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển bền vững; khai thác các giá trị văn hóa, di sản để phát triển du lịch dịch vụ. Ưu tiên nguồn lực địa phương và huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện công tác bảo tồn di sản, công nghiệp văn hóa, tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật có quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.
PV: Những khó khăn, áp lực khi triển khai đề án thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Đồng chí Nguyễn Văn Phương: Trước đây tỉnh đã đề xuất thành lập thành phố trực thuộc Trung ương nhưng do chưa hội đủ các điều kiện cần thiết nên chưa được các cấp có thẩm quyền thông qua; do đó, cần vận hành, triển khai thực hiện các thủ tục đảm bảo hoàn thành mục tiêu tất nhiên là có rất nhiều áp lực, trong đó, áp lực xem như lớn nhất là: Việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng cho vấn đề phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong khi các yêu cầu đặt ra cần nhiều thời gian, thủ tục và các vấn đề mới gần như chưa có tiền lệ. Tuy nhiên với sự quan tâm hỗ trợ rất lớn từ Trung ương và sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, đã đề ra mô hình, bộ tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp và đã được đưa vào đề án, đến nay, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã đến đích.
Với vị trí, vai trò là Chủ tịch UBND tỉnh, tôi luôn ý thức trách nhiệm to lớn trước Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh; đây cũng là cơ hội và thách thức rất lớn đối với bản thân tôi. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển KTXH 05 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết 54NQ/TW của Bộ Chính trị với mục tiêu quan trọng, xuyên suốt đó là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đáp ứng niềm tin, mong muốn, kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân tỉnh nhà.
Trước những vận hội mới, bản thân tôi sẽ luôn cố gắng để nắm bắt khó khăn như một cơ hội và từng bước khắc phục, nhằm đưa Huế trở thành một thành phố không chỉ đẹp về kiến trúc mà còn giàu về giá trị văn hóa, thể hiện được sự đoàn kết, sức mạnh của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân như một sự kế thừa của truyền thống lịch sử và hướng đến tương lai bền vững.
P.V
(TCSH55SDB/12-2024)
--------------------
*Tên bài do Tạp chí Sông Hương đặt.