LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) là một chiến trường quan trọng, là mắt xích chiến lược trong cuộc đối đầu giữa ta và địch.
Sau cuộc tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tăng cường phòng thủ tại thành phố Huế, coi đây là vị trí chiến lược then chốt. Chúng thiết lập phòng tuyến quân sự vững chắc, xây dựng đồn bốt và lập ấp chiến lược, đồng thời khủng bố phong trào cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân thành phố Huế đã đoàn kết, chiến đấu kiên cường, vượt qua khó khăn gian khổ và không ngại hy sinh. Với tinh thần “Đảng bám dân, dân bám đất”, thành phố Huế đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trong cuộc tiến công và nổi dậy của miền Nam.
Trong đó, sự kiện ngày 26/3/1975 đã ghi dấu vào lịch sử quê hương thành phố Huế như một trong những trang sử vẻ vang, hào hùng nhất trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Quân và dân thành phố Huế đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử giải phóng quê hương, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh cách mạng của cả nước, thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Thành phố Huế có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, quân sự và ngoại giao, đây là nơi chính quyền Mỹ và tay sai thường xuyên tăng cường các lực lượng quân đội hùng hậu và tinh nhuệ để trấn áp ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, quân và dân thành phố Huế luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, từng bước góp phần làm thất bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ và chính quyền tay sai, tạo thời cơ cho công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương.
Bước vào năm 1974, tình hình trên chiến trường đã xuất hiện những thuận lợi mới cho cách mạng. Tháng 10/1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp đánh giá tình hình miền Nam và ra Nghị quyết lịch sử: “Quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976”. Ngoài kế hoạch cơ bản trên, Bộ Chính trị còn dự kiến một phương án: “Nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định tập trung vào khu vực Trị Thiên - Huế, vì đây là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng. Nếu làm chủ được khu vực này, ta sẽ có thể phá vỡ hệ thống phòng ngự của quân đội Sài Gòn và tạo chuyển biến về tương quan lực lượng trên chiến trường. Mặt trận Trị - Thiên đã mở chiến dịch tiến công tổng hợp Xuân - Hè và mùa Thu năm 1975, với mục tiêu chiếm Quảng Trị và bao vây Huế. Để tạo thời cơ, ta phối hợp với chiến dịch Tây Nguyên, khiến quân địch bị rối loạn và mất khả năng phòng thủ.
Thực hiện chủ trương của Trung ương và Khu ủy, Tỉnh ủy đã bàn phương châm tác chiến, kế hoạch, chỉ tiêu, các hướng tiến công, tranh thủ giành dân, giành quyền làm chủ ở địa bàn nông thôn một cách cụ thể. Mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch hết sức gấp rút. Đến đầu tháng 3/1975, toàn bộ lực lượng đã vào vị trí đợi lệnh xuất kích. Chiến dịch Trị Thiên - Huế (từ ngày 5 đến ngày 26 tháng 3 năm 1975) là một trong những chiến dịch quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Đây là chiến dịch tiến công của lực lượng vũ trang Quân khu Trị - Thiên phối hợp với Quân đoàn 2 nhằm bao vây, tiêu diệt tập đoàn phòng ngự thuộc Quân đoàn 1 - Quân khu 1 của quân đội Sài Gòn tại Quảng Trị và thành phố Huế. Ngày 05/3/1975, tiếng súng tiến công của quân và dân ta đồng loạt nổ ra trên khắp chiến trường thành phố Huế, chính thức mở màn chiến dịch. Trải qua 2 đợt tiến công (đợt 1: từ ngày 5/3 đến ngày 14/3/1975, đợt 2: từ ngày 21/3 đến ngày 26/3/1975), quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch cùng hệ thống chính quyền, thu hồi toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh của chúng. Ngày 25 tháng 3, quân ta tổng tấn công vào nội đô Huế, đến 11 giờ 40 phút ngày 26 tháng 3, toàn bộ tỉnh Thừa Thiên (nay là thành phố Huế) được giải phóng hoàn toàn, đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại. Đúng 6 giờ 30 phút, ngày 26/3/1975, lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của quân và dân ta tung bay trên đỉnh Kỳ Đài - Phu Văn Lâu.
Thắng lợi to lớn của quân và dân thành phố Huế đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng cả nước. Với thắng lợi oanh liệt đó, quân và dân thành phố Huế đã đập tan tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía Bắc quân khu I và vùng I chiến thuật; giáng một đòn mạnh vào âm mưu co cụm chiến lược của địch ở ven biển miền Trung, đẩy quân địch vào thế khốn đốn, suy sụp không thể cứu vãn; tạo điều kiện và làm hậu phương vững chắc cho các đơn vị chủ lực tiến vào Đà Nẵng và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với những thành tích lớn lao đạt được, Đảng bộ, quân và dân thành phố Huế đã được Đảng và Chính phủ gửi điện khen: “Việc đánh chiếm và giải phóng hoàn toàn thành phố Huế là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược về chính trị rất lớn. Chiến công đó đã làm cho nhân dân cả nước ta nức lòng phấn khởi, làm cho địch suy yếu thêm một bước rất nghiêm trọng. Các đồng chí đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống anh dũng kiên cường của quân và dân cả nước”1.
Để giành những thắng lợi rực rỡ trong mùa Xuân 1975, trên toàn thành phố Huế có biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống, có hàng vạn liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; hàng vạn đồng bào, cán bộ, đảng viên bị bắt, tra tấn tù đày, bị giết hại trong các nhà lao của thực dân, đế quốc; bị tàn tật, bị nhiễm chất độc do kẻ thù gây ra. Hàng ngàn con em khắp mọi miền đất nước đã chiến đấu kiên cường, anh dũng hy sinh và vĩnh viễn nằm lại trên quê hương thành phố Huế. Cùng với cả nước, thành phố Huế có trên 100.000 người có công với cách mạng, trong đó có gần 19.000 liệt sĩ, 13.000 thương binh, gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt, tù đày2. Trong gian khó, Đảng bộ, quân và dân thành phố Huế đã đoàn kết một lòng đúng như 8 chữ vàng mà Đảng và Bác Hồ khen ngợi. Thành phố Huế được vinh dự nhận Cờ luân lưu Quyết chiến Quyết thắng từ Chủ tịch Hồ Chí Minh và danh hiệu “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” từ Nhà nước, trở thành một trong ba lá cờ đầu của miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bảng vàng kháng chiến chống giặc cứu nước của Tổ quốc đã ghi nhận những chiến công to lớn của Đảng bộ, quân và dân thành phố Huế, các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông; hàng trăm cán bộ và người có công được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh và hàng vạn huân, huy chương các loại; hàng ngàn Bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
*
Sau ngày 26/3, thành phố Huế đối diện với hàng loạt khó khăn. Hạ tầng bị tàn phá nặng nề, đường phố đổ nát, phương tiện chiến tranh bị bỏ lại la liệt. Đời sống nhân dân rơi vào tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng, đặc biệt là vấn đề lương thực và y tế. Chính quyền cách mạng nhanh chóng vào cuộc, tổ chức các hoạt động cứu trợ, phân phối lương thực cho nhân dân, triển khai công tác rà phá bom mìn để đảm bảo an toàn cho sản xuất. Các đồng chí lãnh đạo Trung ương như: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Anh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp vào Huế động viên cán bộ và nhân dân địa phương. Những chỉ thị quan trọng về ổn định đời sống, phục hồi sản xuất được ban hành. Tháng 10/1975, Huế gặp trận lũ lớn, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã yêu cầu khẩn cấp hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn. Sau giải phóng, công tác tổ chức chính quyền cách mạng là nhiệm vụ trọng tâm. Thành phố Huế được kiện toàn với Bí thư Lê Tự Đồng, cùng các đồng chí lãnh đạo khác. Các Ủy ban nhân dân cách mạng được thành lập ở tất cả các huyện, xã. Công tác an ninh, trật tự được củng cố thông qua việc xây dựng lực lượng an ninh nhân dân.
Về kinh tế, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã phát động phong trào đóng góp lương thực, huy động hơn 4000 tấn gạo từ nhân dân để hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Chính quyền cũng triển khai nhanh chóng việc tăng gia sản xuất, cung cấp phân bón, máy móc nông nghiệp để khôi phục ngành nông nghiệp. Một chiến dịch rà phá bom mìn quy mô lớn được thực hiện, thu hồi gần 95.000 quả mìn, giải phóng hơn 22.000 ha đất canh tác. Tuy nhiên, chiến dịch này cũng gây ra nhiều tổn thất khi 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và 24 người bị thương. Cùng với phục hồi kinh tế, đời sống văn hóa, giáo dục cũng dần được ổn định. Ngày 30/3/1975, Đài phát thanh Huế phát sóng trở lại, Báo Thừa Thiên Huế Giải phóng ra số đầu tiên, cung cấp thông tin kịp thời về chủ trương, chính sách của chính quyền mới. Hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học nhanh chóng đi vào hoạt động. Đến năm học 1975 - 1976, số học sinh phổ thông lên đến 145.000 em, cùng với đó là hơn 40.000 học viên bình dân học vụ và 13.000 học viên bổ túc văn hóa3.
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quê hương thành phố Huế là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, của quê hương; nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ thực tiễn đấu tranh cách mạng để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương trong thời kỳ mới. Thắng lợi này khẳng định sự nhạy bén, tài tình của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh trong chỉ đạo chiến dịch và minh chứng cho nghệ thuật nắm bắt thời cơ trong tác chiến. Chiến dịch đã để lại nhiều bài học quý giá trong công tác chỉ huy và điều hành chiến dịch, mà sau này vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Đại thắng mùa Xuân 1975 đã mở ra một chương mới cho lịch sử dân tộc. Với Huế, chiến dịch giải phóng và những ngày đầu sau đó đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân. Chiến dịch Trị Thiên - Huế là một trong những đòn quyết định góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đập tan hệ thống phòng ngự của địch ở miền Trung, tạo điều kiện thuận lợi để quân ta tiến công giải phóng Đà Nẵng và hoàn thành mục tiêu thống nhất đất nước. Thắng lợi của chiến dịch với sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, sự chỉ đạo chiến lược sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, đồng thời thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân ta. Chiến thắng này đã góp phần thống nhất đất nước và khẳng định sức mạnh của một dân tộc kiên cường, bất khuất trước mọi thử thách. Sự kiện lịch sử này mãi mãi là niềm tự hào và là nguồn động viên tinh thần to lớn để thành phố Huế tiếp tục phát triển, vươn lên trở thành một trong những trung tâm văn hóa, du lịch quan trọng của cả nước.
Tròn 50 năm giải phóng, Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một bước ngoặt quan trọng, không chỉ đánh dấu sự phát triển của tỉnh mà còn mở ra cơ hội mới để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Huế. Đây là một thành tựu lớn, minh chứng cho sự kiên trì và quyết tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân; là một bước tiến lịch sử quan trọng, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh, khẳng định vai trò của Huế trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, di sản đặc trưng. Như ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch thành phố Huế chia sẻ: “Mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã trở thành hiện thực. Đây là một mốc son, dấu ấn quan trọng mang tính lịch sử, không chỉ cho sự phát triển của tỉnh, cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa đặc trưng của Huế”4. Mục tiêu này không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà còn tạo điều kiện cho Huế khai thác tối đa tiềm năng, bao gồm vị trí địa lý, di sản văn hóa phong phú và đóng góp cho sự phát triển chung của cả khu vực và đất nước. Huế có thêm nhiều cơ hội trở thành một trong những trung tâm văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu tại Đông Nam Á. Điều này sẽ tạo ra một nguồn lực mới thu hút đầu tư, phát triển nền kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Bên cạnh đó, những thành tựu đạt được cũng phản ánh sự nỗ lực, kiên trì và quyết tâm của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân thành phố Huế trong suốt nhiều năm qua. 50 năm sau ngày giải phóng, Huế đã sang trang mới, tự hào và cũng đầy quyết tâm trách nhiệm để tiếp tục nỗ lực, phấn đấu xây dựng Huế phát triển xứng tầm mong đợi trong tương lai.
L.V.T.G
(TCSH434/04-2025)
------------------
1 Võ Văn Minh và cộng sự (1994), Quân khu 4 - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, trang 467.
2 Trần Đình Thăng (2015), “Thừa Thiên - Huế long trọng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng”, Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, truy cập ngày 15/2/2025 từ link https://mod.gov. vn/home/detail?current=true&urile=wcm:path:/mod/sa-mod-site/sa-ttsk/sa-tt-cmsk/sa-tt-cmsk-6/sa-tt-cmsk-6-tt/ b4d00f97-6555-49d8-b349-5a43d92eeb71
3 Ban Chấp hành Đảng bộ Thừa Thiên Huế (2000), Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế, tập III (1975 - 2000), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, trang 43.
4 Lê Thọ (2015), “Kỳ vọng đưa đô thị Huế lên một tầm cao mới”, Bài phỏng vấn ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch thành phố Huế, Báo Huế Ngày Nay, truy cập ngày 16/2/2025, từ link https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/ ky-vong-dua-do-thi-hue-len-mot-tam-cao-moi-149392.html.