NGUYỄN KHOA BỘI LAN - DƯƠNG PHƯỚC THU
Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025)
LTS: Nhà báo, nhà văn Nguyễn Khoa Bội Lan là con gái nhà thơ đối vận nổi tiếng xứ Huế: cụ Nguyễn Khoa Vy. Bà sinh năm 1911, tại làng Nam Phổ (gần chợ Gia Lạc nổi tiếng do Định Viễn Quận vương thiết lập). Là nữ sinh Trường Đồng Khánh, bà sớm chịu ảnh hưởng tư tưởng của những người hoạt động cộng sản, tích cực tham gia phong trào bãi khóa của học sinh các trường học ở Huế từ năm 1927, bà hoạt động sôi nổi trên nhiều lĩnh vực và gia nhập Đảng Cộng sản năm 1944. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 bà phụ trách xưởng ấn loát và tờ Xã Hội Mới của Việt Minh Trung Kỳ, do đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm cố vấn. Đầu năm 1946 bà làm Chủ nhiệm kiêm Trị sự tờ Tạp chí Ánh Sáng, cơ quan Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Trung Bộ (tên công khai của Đảng lúc bấy giờ) đóng tại Huế. Từ sau 1954 đến ngày đất nước thống nhất tháng 4 năm 1975, bà công tác chủ yếu ở lĩnh vực báo chí và văn học trên những cương vị khác nhau. Đặc biệt, có nhiều năm bà được Thông tấn xã Việt Nam phân công đi theo Bác Hồ để viết bài. Nhà báo, nhà văn Nguyễn Khoa Bội Lan mất năm 2014, thọ 103 tuổi. Hồi ức Những kỷ niệm sâu sắc với Bác Hồ của một nhà báo nữ gốc Huế đầy ắp tình cảm chân thật về Người được nhà báo Dương Phước Thu ghi lại tại nhà thờ cụ Nguyễn Khoa Vy, ngày 6/5/2000, ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang. Ban Biên tập Tạp chí Sông Hương |
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ một thời gian, tôi hoàn thành nhiệm vụ ở Lào thì được lệnh điều về nước. Tôi làm sĩ quan phiên dịch tiếng Pháp tại Ban Liên hiệp khu V. Ở đó cho đến khi mọi người đã tập kết ra miền Bắc thì Ban Liên hiệp giải tán, tôi lên đường về Hà Nội. Năm 1956 tôi vẫn ở trong quân đội; gọi là sĩ quan phiên dịch nhưng tôi không có quân hàm, làm lính mà chưa bao giờ mặc áo lính. Do vậy, có lần anh Võ Nguyên Giáp gặp tôi nói vui: “Không cho cô ni vô Hội Cựu chiến binh làm chi. Lính gì mà không hề mặc áo lính, sĩ quan gì mà không biết chào chỉ huy. Thấy Tổng tư lệnh thì gọi anh Giáp”, rồi anh cười.
Tôi chuyển sang Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Một thời gian lại chuyển về Viện Văn học. Cuối cùng thì tới Hội Văn nghệ đóng tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Chuyển đi đâu là do yêu cầu của cách mạng; tôi đều được phân công phụ trách các vấn đề văn nghệ miền Nam. Ở TTXVN tôi làm Trưởng phòng miền Nam. Ở Viện Văn học tôi cũng làm Trưởng phòng miền Nam. Về Hội Văn nghệ tôi làm Trưởng ban miền Nam. Và có nhiều năm làm Bí thư Đảng ủy Hội Văn nghệ Việt Nam.
Nhiệm vụ của tôi là theo dõi sát tình hình báo chí, văn học nghệ thuật miền Nam, đặc biệt thời Mỹ chiếm. Cho nên thỉnh thoảng anh Trường Chinh, anh Phạm Văn Đồng hay gọi tôi lên thăm hỏi các vấn đề, tin tức văn nghệ miền Nam. Nhiều lần tôi cũng được Bác Hồ gọi lên.
Hồi tôi ở TTXVN, trong cơ quan có anh Hoàng Quýnh hay được Bác gọi lên báo cáo. Mỗi lần như vậy anh Quýnh lên gặp Bác, ăn mặc chỉnh tề, cẩn trọng. Khi lên chỗ làm việc Bác thường đưa ra văn phòng tiếp trà nước, nên anh rất run và hồi hộp. Anh Quýnh thường bảo tôi chuẩn bị nội dung, anh thông qua rồi bảo tôi lên báo cáo với Bác. Tôi vui vẻ đi liền.
Lúc ở Viện Văn học cũng vậy. Anh Đặng Thai Mai làm Viện trưởng hay lên gặp Bác. Mỗi lần anh Mai lên, Bác đón tiếp rất trịnh trọng, chân tình. Vì Bác rất quý mến anh Mai. Có lần anh gọi tôi: “Cô Lan đi lên gặp Bác”. Thế là tôi đi liền. Thành ra tôi có điều kiện gần Bác rất nhiều lần và cũng có nhiều lần được ăn cơm, thưa chuyện với Bác Hồ.
Nhưng quả thực lần đầu tôi lên gặp Bác thì khó. Tôi lên chỗ anh Trường Chinh, anh Đồng, anh Giáp thì chỉ cần cái giấy giới thiệu. Lên Bác thì phải qua Ban bảo vệ. Họ cho vô thì vô, không cũng đành chịu. Ban bảo vệ Bác họ nghiên cứu điều tra về mình thật kỹ. Lý lịch, khả năng và cả tư cách đạo đức nữa: Khả năng có làm được việc không, đừng để mất thời gian của Bác. Cho nên họ vừa nghiên cứu vừa phải báo cáo. Có cái họ đồng ý, có cái phải hỏi lại xem sao. Nhưng rất may cho tôi, lúc đó có anh Nguyễn Chí Thanh là thủ trưởng cũ của tôi hồi ở Huế - anh Thanh là người mà Bác Hồ rất tin tưởng và quý mến. Có chuyện gì hơi khó khăn Bác biểu “tới hỏi chú Thanh”. Tôi tới gặp anh Thanh, anh ấy ghi mấy chữ vào giấy: “Tôi, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh… xin bảo đảm vấn đề lý lịch của cô Lan. Tôi xin chịu trách nhiệm”, thế là từ đấy tôi có cái giấy lên gặp Bác rất dễ. Có khi đang làm cần việc gì Bác gọi là tôi lên ngay. Sau này không cần giấy tờ cũng được, bảo vệ họ quen mặt tôi rồi.
Mỗi lần lên báo cáo công việc với Bác xong tôi thường nán lại nhìn Bác. Hàng ngày Bác rất bận, có thời gian đâu để ngồi nói chuyện lâu với mình được. Nhưng cũng có khi Bác giữ tôi lại nói chuyện: một là tôi người Huế - Bác hỏi chuyện Huế, hai là tôi từng ở trên Trường Sơn - Bác hỏi chuyện Trường Sơn. Có lần Bác hỏi tôi hồi ở Lào làm việc gì? Tôi trả lời Bác là làm Trưởng Ban Phụ vận của Hạ Lào, rồi là chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo Neo Lào Hắc Xạt (Mặt trận kháng chiến Lào). Nghe vậy Bác la, sao không để phụ nữ Lào người ta làm, cô giành làm coi không được. Mà ai cho phép cô làm chủ bút Neo Lào Hắc Xạt, đáng nhẽ để cho người Lào người ta làm. Cô chỉ là cố vấn thôi. Tôi thưa Bác, dạ Chính ủy biểu, Khu trưởng biểu cháu làm. Bác la vậy thôi mà tôi thấm ý lắm. Sau này tôi lại có dịp đi sang Lào, Bác dặn: “Qua bên nớ phải cố gắng giúp đỡ cho họ chứ đừng hống hách”. Bác dặn thật nhẹ nhàng dễ thương.
Tôi được gặp Bác nhiều lần, Bác khi nào cũng nhẹ nhàng, dễ gần. Những lần lên gặp Bác, ít khi Bác nói chuyện chính trị. Trong khi Bác tiếp khách thì tôi viết cái tin cho TTXVN, viết xong đưa Bác xem lại mới được dùng. Nếu đi với Bác thì trên đường về hay trên xe ô tô mình phải viết xong. Về tới nơi phải đưa Bác duyệt lại, có lúc Bác sửa, có lúc không. Vậy là tôi vui lắm.
Có lần Bác vui, Bác giữ tôi lại hỏi chuyện. Bác nhớ Huế lắm. Bác nhớ và nói nhiều về Huế là vùng chợ Nọ, làng Dương Nỗ. Bác hỏi tôi: “Cô Lan này, cô có biết lội (bơi) không?”. Tôi thưa Bác, cháu là con gái sông Hương, cháu biết biết bơi. Bác nói Bác lội giỏi là nhờ hồi gia đình Bác ở chợ Nọ. Dưới chợ Nọ có con sông Phổ Lợi hằng ngày Bác hay bơi lội qua lại ở đấy thành ra bơi giỏi. Bác nhớ Huế những chuyện như vậy. Bác lại hỏi: “Cô Lan này, cô là người Huế cô có biết kho cá bống thệ không?”. Tôi thưa “Dạ cháu biết”. Bác kể rằng, hồi gia đình Bác ở dưới vùng chợ Nọ, có mấy ông già làm bạn với ông thân sinh của Bác. Thỉnh thoảng các cụ lại đem sang cho gia đình Bác nồi cháo đậu xanh, nấu trong nồi đất, có cụ cho gia đình Bác cả tréc cá bống thệ, kho trong tréc bằng đất, ăn thiệt ngon. Cá bống thệ là đặc sản của sông Hương, kho khô nó cứng cong lại, màu vàng rượi ăn với cháo gạo lứt ngon lắm. Chừ Bác nhớ mãi. Bác hỏi tôi chắc: “Cô Lan có kho được không?”. Có bữa Bác hỏi chuyện nấu canh rau muống Huế. Bác hỏi: “Cô Lan có biết nấu canh rau muống theo kiểu Huế không? Canh rau muống Huế chứ không phải theo kiểu Hà Nội nghe”. Tôi thưa: Dạ cháu biết, thưa Bác.
Có một bữa tôi lên thấy Bác đang ăn cơm. Bác biểu anh phục vụ lấy cái bát và cái muỗng múc cho cô Lan một muỗng canh rau muống. Tôi ăn, canh rất ngon. Rồi Bác hỏi có đúng canh rau muống Huế không? Tôi thưa Bác, hình thức thì đúng: Rau muống rất xanh, nước canh rất ngon, tôm kho đánh rải đều trên rau trông hồng rất đẹp. Nhưng ở Huế của cháu, không ai người ta nấu canh rau muống Huế bằng nước luộc gà. Bác nghe vậy liền biểu: “Kêu chị Năm lên đây”.
Chị Năm, người phục vụ cơm nước cho Bác rất dễ thương. Chị luôn tìm cách nấu món ăn ngon, mong Bác dùng nhiều. Khi chị Năm lên Bác nói: “Nghe con gái Huế nói tề”. Bí mật của chị Năm bị cô Lan moi ra hết rồi. Ai lại đi nấu canh rau muống bằng nước gà? Chị Năm lễ phép: “Thưa Bác, thưa chị Lan. Bác ưng ăn canh rau muống kiểu Huế, cháu thấy không bổ. Nên chi cháu luộc gà lấy nước nấu canh để Bác ăn cho bổ!”.
Bác nhìn chị Năm cười hiền. Bác nói: “Cô con gái Huế ni không biết nấu có giỏi không, chứ ăn thì có vẻ rành lắm”. Bác thường nói chuyện nhẹ nhàng, đơn giản, nhưng chi tiết cụ thể. Tôi được làm việc gần Bác, lên về chỗ Bác trên 10 năm, lúc nào Bác cũng nói những chuyện bình thường, những chuyện về đối nhân xử thế, về tình người, thấy ấm áp trong mỗi lời Bác dạy. Tôi là người Huế, Bác hay nói chuyện về Huế, nơi Bác đã sống những năm tháng tuổi thơ, nơi đã sớm hình thành nhân cách, tư tưởng của Người sau này.
Có lần Bác hỏi thăm Trường Quốc Học và mấy gia đình ở Huế, như gia đình Hồ Đắc, Nguyễn Khoa, Thân Trọng và một số gia đình Huế mà Bác biết. Bác hiền từ nhưng kiên quyết.
Nhân nói chuyện về Huế, Bác bảo, các gia đình ở Huế nếu cô biết thì cô nói cho họ hiểu. Ai đi theo cách mạng, ai không. Vấn đề đó thật tế nhị, mà hình như nhà nào cũng vậy. Nhưng nói chung dân mình đều tốt, và cách mạng phải làm cho dân tin, dân tốt. Nghe Bác nói vậy tôi mới kể cho Bác nghe về gia đình ông Tôn Thất Đàn, từng ngồi ghế Tổng đốc Nghệ An (đồn rằng ông là tác giả câu “Hữu Nghệ Tĩnh bất phú - Vô Nghệ Tĩnh bất bần” tôi không dám chắc). Nhưng con cái của ông: con gái, con rể đều theo cách mạng có công với nước. Chẳng hạn con rể là Giáo sư, Anh hùng Đặng Văn Ngữ, Trung tướng Cao Văn Khánh, một rể nữa là Thứ trưởng Bộ Tài chính (tôi quên mất tên). Con trai ông là Giáo sư Tương Lai, con gái là Giáo sư, bác sĩ Tôn Nữ Ngọc Toản, nhà văn Tôn Nữ Ngọc Trai. Có anh con trai Tôn Thất Long không thoát ly mà ở lại làm cơ sở cách mạng (anh Long là cơ sở của chị Nhàn, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bình Trị Thiên) bị địch bắt đem lên lao Thừa Phủ tra tấn rất dã man. Và nhiều gia đình khác cũng tương tự như vậy.
Tôi hay lên chỗ Bác là lúc mà Viện Văn học phụ trách vấn đề dịch “Nhật ký trong tù”. Mỗi lần dịch như vậy Viện Văn học tổ chức cho mấy ông nhà thơ dịch. Dịch ra được bài nào tôi đem lên trình Bác xem lại. Tôi là người liên lạc. Xem xong, có bài Bác đồng ý, có bài Bác chưa thích lắm. Tôi chạy lên chạy xuống nhiều lần. Người có công trong việc dịch thơ này là anh Nam Trân, anh giỏi tiếng Pháp, rành chữ Hán, văn hay, thơ hay. Nhờ anh tổ chức mà tủ sách Viện Văn học lúc ấy mới xôm! Anh là người phụ trách chuyển thơ Bác cho các dịch giả. Có bài dịch Bác không đồng ý.
Bác và anh Trân trao đổi về thơ, cuối cùng Bác nói: “Các cô chú thẳng thắn, hay thật”, Bác cười. Bác rất quý anh Nam Trân. Khi anh Nam Trân nằm viện, Bác bận chưa thăm được, Bác đưa cho tôi 500 bạc (hồi đó 500 to lắm. Đây là tiền nhuận bút của Bác) với mấy lạng sâm bảo tôi đem về cho gia đình anh. Ít lâu sau anh mất, Bác buồn, thương anh lắm.
Lúc Bác mất, là người chăm sóc sức khỏe cho Bác, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã quỵ xuống ngất tại chỗ. Mỗi lần nhớ đến hình ảnh Bác lúc mất anh Tùng lại khóc. Tôi cũng khóc!
Kể đến đây bà Nguyễn Khoa Bội Lan bỗng im bặt. Bà ngồi bất động trên chiếc ghế bành đã cũ. Tôi biết bà đang xúc động. Đã qua cái tuổi cửu tuần, mắt đã kém hẳn, sức khỏe giảm sút nhiều nhưng trí vẫn sáng. Bà nhớ rất nhiều kỷ niệm về Bác Hồ. Song giờ này bà đang xúc động nên tạm dừng câu chuyện. Bà hẹn tôi dịp khác sẽ ghi tiếp, có thể là ngày sinh nhật Bác Hồ năm sau.
(Ghi tại nhà thờ cụ Nguyễn Khoa Vy năm 2000 - 2013)
N.K.B.L - D.P.T
(TCSH435/05-2025)