Đất và người
Vai trò người phụ nữ trong gia đình đối với truyền thống giáo dục - khoa cử Nho học dưới triều Nguyễn
10:41 | 18/10/2013

LÊ THỊ ÁNH TUYẾT

Hiếu học không chỉ thể hiện ở người học mà còn thể hiện ở vai trò của gia đình, mà trước hết là ở những người mẹ, người vợ, người bà, người chị, người em gái trong nhà.

Vai trò người phụ nữ trong gia đình đối với truyền thống giáo dục - khoa cử Nho học dưới triều Nguyễn
Ðoan Huy Hoàng Thái Hậu (Bà Từ Cung, mẹ của Vua Bảo Ðại) - Ảnh tư liệu của Phan Thuận An - netcodo

Đó là nguồn động viên tinh thần và vật chất vững chắc cho những người đi học, đi thi gồm con, chồng, cháu, và anh em họ trên con đường học tập, thi cử và lập thân, lập nghiệp. Đó chính là một trong những nền tảng vững chắc để các triều đại trong lịch sử nước nhà, trong đó có triều Nguyễn xây dựng chế độ học hành thi cử ngõ hầu lấy người tài ra đảm đương việc quốc gia. Và có thể nói vai trò của người phụ nữ trong việc đào tạo nên những “ông Nghè, ông Cống” dưới thời Nguyễn là một nghĩa cử đẹp, rất đáng để ngợi ca.

1. Tác động từ nền giáo dục khoa cử Nho học dưới triều Nguyễn

Dưới triều Nguyễn, con đường làm quan được mở rộng cho hầu hết mọi người. Các chức vụ của Nhà nước dành cho tất cả những ai mà tài học đã được các kỳ thi công nhận. Một người đỗ đạt, làm quan, thì gia đình được hưởng lộc, cả họ hàng cùng được thơm lây. Bên cạnh đó, người đỗ đạt còn gây nên một uy tín rất lớn cho cả quê hương nữa, nên các làng đều có chế độ khuyến học thỏa đáng. Chính chế độ học quan mà Nhà nước tạo ra cùng với những quyền lợi và vinh dự do chế độ đem lại, đã tác động mạnh mẽ vào biết bao các gia đình, dòng họ khiến ai nấy háo hức phát huy vai trò của mình, ra sức khuyến khích con cháu cố tâm học hành, thi cử.
 

Một cô con gái nhà giàu đầu thế kỷ 20 - Ảnh tư liệu của Phan Thuận An


Cũng như các triều đại trước đó, ở thời Nguyễn, “cửa Khổng, sân Trình” không mở rộng cho người phụ nữ được tham gia, được đào tạo và đóng góp tài năng cho đất nước. Tuy vậy, họ không hoàn toàn bị loại bỏ khỏi nền giáo dục, khoa cử phong kiến, mà trái lại họ còn gián tiếp góp phần thúc đẩy nó phát triển. Người phụ nữ đã lùi dần về phía sau “sân khấu giáo dục và thi cử Nho học” để trợ giúp đắc lực cho những “diễn viên chính” là chồng, là con, là cha, là con cháu hay anh em họ được ăn học. Có hàng ngàn người mẹ, người vợ, người bà, người chị như thế dưới triều Nguyễn, với tấm lòng tha thiết mong người thân học hành đỗ đạt đã “đảm đương xuôi ngược sớm chiều”, “lặn lội thân cò” quanh năm “buôn bán ở mom sông” hay tháng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên đồng ruộng, rồi hàng đêm về lại tất bật “khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa” để “chắt chiu tháng tháng” cho chồng, con, cháu đi học và đi thi. Vất vả là vậy, những tưởng người phụ nữ là người cần được an ủi, động viên nhưng rồi chính họ không lấy làm buồn phiền mà còn “khuyên sớm khuyên trưa”, khích lệ cho chồng con, em, cháu học hành. Như vậy, bằng lao động và bằng cả tấm lòng yêu chồng, thương con, thương cháu, những người phụ nữ đã góp phần dệt nên sự nghiệp đẹp đẽ của những người thân.
 

Một mệnh phụ phu nhân - Ảnh tư liệu của Phan Thuận An


2. Vai trò của những người mẹ

Dưới triều Nguyễn, dù cuộc sống khốn khó, vất vả đến đâu, thì các bà mẹ cũng tạo những điều kiện tốt nhất về vật chất, tinh thần cho các con mình học tập, thi cử. Tác giả Chương Thâu trong Giai thoại Phan Bội Châu cũng đã kể về một bà mẹ Nghệ An nhà nghèo mà chăm lo cho con như thế. “Nhà Phan Văn San nghèo lắm, nhưng không vì nghèo mà bé San phải thất học. Mẹ cậu, bà Nguyễn Thị Nhàn ngày ngày bắt ốc mò cua để kiếm cái ăn cho gia đình, cho San và cho các em của San. Cũng có lúc bà phải tất bật chợ sớm chợ trưa với quảy gạo của nghề hàng xáo, hàng xay để mong được mớ tấm, mớ cám về nuôi con”(1). Trong khi đó, bà mẹ Nguyễn Khuyến, theo như lời nhà thơ kể lại trong Gia phả, bà đáng là một bậc nữ lưu mẫu mực trong khuôn khổ xã hội cũ. “Tính đoan trang, trầm tĩnh, thuận hòa, lại rất mực thương người, mọi việc nữ công, gia chánh đều thông thạo. Cả một đời bà chịu thương chịu khó phụng dưỡng bố mẹ chồng, chăm chỉ lam làm, có lúc phải bán cả tư trang, may thuê, vá mướn kiếm sống, để khuyến khích và nuôi chồng, con ăn học, thi cử”(2).

Đặc biệt, có những bà mẹ sớm góa chồng nhưng vẫn chịu khó vượt qua hoàn cảnh, thủ tiết, thờ chồng, chăm cho con học hành đỗ đạt. Sự cống hiến lớn lao ấy của những người mẹ là nguồn tác động sâu sắc đến ý chí của mỗi người con trên con đường học tập, thi cử. Tiêu biểu như trường hợp bà mẹ của Vũ Duy Thanh, “mẹ ông cam chịu phận góa để chăm lo, nuôi dạy cho hai con thành đạt. Bà luôn khuyên bảo các con cần trau dồi đức hạnh bởi tuổi trẻ bồng bột, nhẹ dạ, dễ bị kẻ khác rủ rê, chơi bời hư hỏng”(3).

Cùng với việc chăm lo điều kiện vật chất, tinh thần thì sự động viên, nhắc nhở của những người mẹ chính là nguồn động lực lớn thôi thúc các sĩ tử gắng công đèn sách để “dương danh dĩ hiển phụ mẫu” (nêu cao tên tuổi để cha mẹ được hiển vinh). Trong các thôn xóm ngày xưa thường vang lên những câu ca của các bà mẹ: “Khoa mục Triều đình mở rộng thay/ Khuyên con cố chí học cho hay/ Cơm ngày ba bữa cha cày cấy/ Áo mặc bốn mùa mẹ vá may/ Câu phú, câu thơ ngâm để dạ/ Sách kinh, sách sử mở liền tay/ Một mai chiếm bảng khôi thiên hạ/ Cả mặt song thân, đẹp mặt thầy”(4).

Có thể nói, quyết tâm thúc đẩy con mình học tập thành tài của các bà mẹ đã có tác động rất lớn đến con đường học tập, thi cử học trò. Điển hình như bà mẹ Đoàn Tử Quang, ngay từ nhỏ ông đã được mẹ dạy bảo, khuyến khích học hành, thi thố với đời.

“Vợ cả của Đoàn Tử Quang là Nguyễn Thị San chẳng may mất trước khoa thi mấy tháng. Sợ con buồn phiền, không còn lòng dạ nào để làm bài, bà bèn lựa lời khuyên nhủ ông Đoàn cố gắng bớt sầu não, xếp việc riêng tư, thử đua tranh cùng thiên hạ phen nữa, may ra đỗ đạt mới thảo lòng mong mỏi của bà bấy lâu, mà gia tông cũng được phần rạng rỡ. Họ hàng, làng xóm cũng xúm vào ủng hộ ý kiến của bà. Đoàn Tử Quang vâng lời mẹ, thay hai con, quảy lều chõng đi thi”(5). Trong khi đó “anh khóa Thắng” (Nguyễn Khuyến) “...tuổi đã ba mươi kém một thôi… Bốn khoa hương thí không đậu cả/ Một mảnh vườn hoang bán sạch rồi. (…) Có lúc, ông khóa Thắng đã nản đường khoa cử, định chuyển nghề dạy học hẳn để kiếm sống và nuôi gia đình. Bà mẹ ông ân cần, nghiêm khắc khuyên con chớ thoái chí. Do vậy, khoa thi 1864 ông mới đỗ Cử nhân đầu trường Hà Nội”(6). Nguyễn Công Trứ cũng nhận được sự cảm thông, động viên ân cần như thế từ mẹ là bà Phan khi ông thi trượt. “Cái tin hỏng thi của Nguyễn Công Trứ đến với gia đình không phải não ruột gì cho lắm. Bà Phan và chị Minh thông cảm với “số phận” người sĩ tử, vẫn động viên anh Trứ cứ an lòng đeo đuổi nghiệp văn chương”(7).

3. Vai trò của người vợ

Trong sự thành đạt về mặt khoa cử của các sĩ tử, vai trò của những người vợ rất to lớn. Trước hết, do khuynh hướng và quan niệm chung, hình ảnh “ông Nghè” từ lâu đã là niềm mơ ước của vô vàn cô gái: “Từ ngày cô chửa thành hôn/ Từ ngày anh khóa hãy còn hàn vi”. Được lấy anh khóa, được làm vợ thầy đồ, thầy Nho, trong cảm quan mơ hồ của người con gái, luôn luôn có một ngày kia, cô sẽ được sống với niềm vui vô tận: Võng anh đi trước võng nàng/ Cả hai chiếc võng cùng sang một đò!”(8). Nhưng muốn đến được cái ngày ấy thì người vợ phải chăm lo cho chồng học tập, thi cử về cả điều kiện vật chất lẫn tinh thần.

Về vật chất, ngay từ khi về nhà chồng, người vợ phải gánh vác giang sơn nhà chồng, phải lo lắng việc làm dâu, làm con, phải đảm đang mọi sự “trong họ, ngoài làng”. Nhưng quan trọng nhất, chủ yếu nhất là người vợ phải nuôi chồng ăn học. Phải hình dung lại những ngày, những tháng, những năm mà người vợ trẻ phải lo lắng từng đồng tiền hạt gạo, phải ra cày lấy ruộng, phải đi làm phu phen đóng góp việc làng; rồi đến những kỳ hạn nhất định phải gánh gạo - mang theo cả quà bánh lương tiền lên nhà thầy giáo, có khi cách tỉnh cách huyện để cung đốn cho chồng… mới tạm hiểu được cảnh ngộ của người vợ phải nuôi chồng đi học. Người phụ nữ cũng chấp nhận vai trò này, không phàn nàn, không tị nạnh mà lấy làm vinh dự. Nguyễn Bính đã miêu tả sự thật ấy bằng những câu thơ đẹp: “Một quan là sáu trăm đồng/ Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi/ Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy/ Hai bên có lính hầu đi dẹp đàng/ Tôi ra đón tận gốc bàng/ Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem”(9).

Ở Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội), “từ xưa, việc nuôi chồng con ăn học thành đạt được coi là niềm tự hào và là tiêu chí đánh giá sự đảm đang của người phụ nữ. Họ làm chủ lò gốm, tần tảo ngược xuôi buôn bán để chồng con được chuyên chú vào việc học, không phải bận tâm vào việc gia đình. Dù ở hoàn cảnh nào, người phụ nữ Bát Tràng cũng biết tính toán sắp xếp cuộc sống gia đình ổn định, chu đáo”(10). Còn ở Nghệ An ngày xưa, không ít tấm gương những người phụ nữ hết lòng lo cho chồng ăn học. “Nhiều bà ở vùng sông Mơ, sông Thai ở Hoàng Mai “đi hái lộc đỗ, đi mò cá, đi bắt cáy lông, nuôi chồng ăn học”. Đối với họ, lo được cái ăn, cái mặc hàng ngày đã là vất vả đằng này còn phải lo cho chồng, cho con “nấu sử sôi kinh”. Cái cảnh “sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa” không phải là hiện tượng hiếm thấy. Đâu chỉ Quỳnh Đôi “ông Cử, ông Tú từ khung lụa mà ra” mà ở Hoàng Mai cũng vậy(11).

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều các bà đồ, vợ các ông đồ vẫn phải “thắt lưng bó que”, trông nom vài sào ruộng của gia đình, đảm đương công việc vất vả của nhà nông. Tuy nhiên, bà đồ lại lấy đó làm vui vì lấy chồng học trò là lòng bà đã toại: “Dăm thước vườn trống trải/ Nhà rơm một mái xiêu/ Nhưng mộng lòng đã toại/ Đâu dám quản chi nghèo/ Đảm đương xuôi ngược sớm chiều/ Lòng mơ một chiếc võng điều mai sau/ Giọng ấm chàng đọc sách/ Thao thao tưởng suối nguồn/ Văn chàng hay nước tiếng/ Lòng nàng như pha son/ Nhường chàng nửa đĩa dầu con/ Kề trăng quên ngủ tay giòn quay tơ”(12). Người vợ nuôi chồng, chăm lo cho chồng ăn học bao hàm cả việc chuẩn bị cho chồng đi thi. Học trò nghèo mà tiền lộ phí, tiền nhà trọ tốn kém nhiều nên ta có câu tả cảnh đi thi là “Nhị niên tử tam ngưu” nghĩa là cứ hai năm thì chết ba con trâu. Bởi vậy, biết bao bà vợ chắt chiu từng đồng lo cho ngày chồng “lều chõng” ứng thí. “Thầy đồ Thắng sắp lên đường thi Hương ở Hà Nội. Cô đồ chạy xuôi, chạy ngược, bán cả chiếc yếm cưới, mới được có năm tiền”(13).

Về tinh thần, những người vợ là nguồn động viên to lớn để giúp chồng yên tâm học hành, thi cử. Tiêu biểu như bà Hoàng Thị Loan, bà không chỉ tạo ra cơ sở vật chất đơn thuần mà bà còn là người nối chí, tiếp sức cho chồng. “Nhiều đêm gà đã gáy sang canh, trong nếp nhà tranh thanh bạch đó, gian ngoài ông Sắc vẫn còn ngồi học với ngọn đèn sáng, gian trong vẫn còn vẳng tiếng thoi đưa của bà Loan, thỉnh thoảng mới nghe bà ru con nhè nhẹ bằng những làn điệu dân ca quê nhà”(14). Và khi cụ Hoàng Đường qua đời, “bà càng động viên chồng cố gắng “trau dồi văn chương, dùi mài kinh sử” để sớm đền đáp lại nghĩa tình của cụ Hoàng Đường, người thầy, người bố vợ kính yêu đã yên nghĩ dưới suối vàng”(15). Rồi cụ Huỳnh Thúc Kháng, sau khi kỳ thi Hội ở trường Thừa Thiên đậu Giải Nguyên, thì người cha kính yêu suốt đời chăm lo cho cụ ăn học đã qua đời. “Nhưng cụ còn người vợ chính thất là cụ bà Nguyễn Thị Sắt cũng hết lòng chăm lo và đồng cảm với việc học hành của chồng, suốt mấy chục năm trời chịu thương chịu khó, tạo điều kiện cho cụ dùi mài kinh sử, tiếp tục phấn đấu thể hiện bản lĩnh xuất sắc của mình”(16).

Một điểm đặc biệt nữa cũng được xem là sự hy sinh đáng ngợi ca của những người vợ là không hiếm gì những người vợ phải tự nén mình, không dám chăn gối với chồng, vì sợ chồng sao nhãng việc học, như nhiều câu ca xưa đã viết: “Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa/ Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng”(17). Cái tâm lý của người phụ nữ Việt Nam biết đặt yêu cầu phấn đấu của chồng, cao hơn quyền lợi hạnh phúc tuổi trẻ của mình như vậy, thật là khác xa với tâm lý thông thường và đáng ngợi ca.

4. Vai trò của người bà, người chị

Bên cạnh những người mẹ, người vợ, thì cũng cần ghi công những người bà, người chị đối với sự học hành, khoa cử Nho học của người cháu, người em.

Ở xứ Nghệ xưa, thuở thiếu thời, Bác Hồ không chỉ được sống trong tình thương yêu, săn sóc của người bà mà còn cả sự trông nom của người chị. Trong tác phẩm Hồ Chí Minh thời niên thiếu Bùi Ngọc Tam còn kể lại, khi kỳ thi Hội đã đến, “chẳng ngại tuổi già sức yếu, cụ Kép đã nhận trông nom bốn đứa cháu mà đứa bé nhất hãy còn ẵm ngửa để con rể “trẩy Kinh” cho kịp thời gian thi cử. Cô Nguyễn Thị Thanh đã đến tuổi thanh niên, nhưng trong tình cảnh gia đình như vậy, cô chưa thể tính bề gia thất. Cô đã cố gắng hết sức mình để san sẻ bớt gánh nặng gia đình với bà ngoại”(18).

Bà nội của Đặng Thai Mai cũng là một trong số điển hình những người bà chăm lo hết mực cho con cháu học hành dưới triều Nguyễn. Đặng Thai Mai kể lại ông đã sống trong một môi trường khá thuận lợi dưới sự chăm nom của bà nội: “Chúng tôi cùng nhau ăn học, vui chơi theo một nếp sống có thể nói là lành mạnh. Về phần vật chất, (…) sáng dậy, mỗi cậu học trò được một bát yêu cháo hoa hoặc cháo tấm, ăn với dưa, với cà, với muối. Trưa và tối, hai bữa cơm trắng, gạo ngon”(19). Sách vở thì đã được ông nội Đặng Thai Mai chăm lo từ trước với hẳn một “sơn phòng tàng thư”, còn bà nội ông là người đã giữ gìn, bảo vệ chúng. Trong mấy năm liền khi làng Lương Điền, quê nội của nhà văn có lúc trở thành chiến trường giữa quân đội Pháp và Đề Thắng, vận mệnh gia đình gắn chặt với đất nước tan hoang. “Trong tình thế đó, bà nội luôn luôn là chỗ dựa của bà nhạc, của chồng và của con cái. Bảo vệ của cải, gìn giữ sách vở, giấy má, từ tập gia phả, tráp văn khế đến những pho sách phải gánh vào cất kín trong rừng sâu, ngày này qua tháng khác, từ hồi vua Tự Đức băng hà rồi đến các vua: Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc cho tới thời Đồng Khánh”(20). Còn về quần áo thì bà nội ông đã cho chuẩn bị sẵn. Vì “Ông nội bắt chúng tôi hễ đến giờ vào học là phải mặc áo dài vào rồi chắp hai bàn tay vào trước ngực, sau đó mới đặt sách vở lên trước bàn viết và chuẩn bị “nghe sách””(21). Sự chăm lo cho con cháu học hành của bà nội Đặng Thai Mai còn thể hiện ở những lời khuyên, động viên, khích lệ tinh thần đầy ý nghĩa. “Có những ngày chúng tôi đã nghe ông nội, bà nội nói rằng: phải cho chúng nó đi học, không thì sau này chúng nó sẽ đui tối, khổ sở… Và các cụ còn căn dặn chúng tôi: các con bây giờ có đi học thì ngày sau mới sung sướng”(22).

5. Tấm gương ngàn đời

Truyền thống hiếu học, tinh thần trọng sự học trong nhân dân ta dưới triều Nguyễn bắt nguồn từ đơn vị xã hội cơ bản nhất là gia đình mà trước tiên là từ sự chăm lo của những người phụ nữ. Dù giàu có, khá giả hay khó khăn, nghèo khổ, những người mẹ, người bà, người chị cũng dành cho con em những điều kiện tốt nhất. Khi thấy con em “sáng dạ” thì tạo mọi điều kiện cho con ăn học: mở trường lớp, tìm thầy dạy cho con, không bắt con làm việc nặng nhọc, cho ăn uống đầy đủ… Khi con đi thi thì dồn hết tiền bạc để con vượt qua được những khó khăn của cảnh “lều chõng”. Rõ ràng, những người bà, người mẹ đó coi sự học hành thành đạt, coi kiến thức của cháu con là tài sản lớn nhất của gia đình. Họ là điển hình cho ước vọng của người xưa: “Để cho con một hòm vàng sao bằng dạy cho con một quyển sách, họ tên được chép vào sổ quế (sổ ghi tên những người đỗ cao, bẻ cành quế), mặc áo màu tía đỏ (màu áo của các quan to trong triều) như sách Ấu học ngũ ngôn thi đã nêu”. Ở đây, cũng cần nhắc đến và tôn vinh, ghi công những người vợ, đối với sự học hành thành đạt của người chồng, dẫu những hy sinh thầm lặng, những đóng góp lớn lao của họ không được ghi lại đầy đủ và kỹ càng - vốn là đặc điểm của cách làm gia phả của người Việt. Họ chính là chỗ dựa vững chắc cho những “ông Nghè, ông Cống” tương lai, từ chỗ đơn giản nhất như lo bút mực, sách vở cho các sĩ tử có điều kiện vật chất học hành, thi cử cho đến sự động viên, khích lệ về tinh thần.

Thực tế trên chỉ ra rằng, bài học về vai trò của những người phụ nữ trong gia đình đối với giáo dục, khoa cử Nho học dưới triều Nguyễn đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị. Những người phụ nữ trong gia đình không chỉ góp phần hình thành nên những nhân tài trên bầu trời giáo dục Việt Nam thời Nguyễn mà còn làm đẹp thêm truyền thống hiếu học ngàn năm của nước Việt Nam.

L.T.A.T
(SH296/10-13)


-----------------
(1) Chương Thâu (1991), Giai thoại Phan Bội Châu, Nxb. Nghệ Tĩnh, tr.15.
(2) (6) Vũ Thanh (1998), Nguyễn Khuyến về tác gia và tác phẩm, Nxb. Giáo dục.
(3) (5) Quốc Chấn (2006), Chuyện thi cử và lập nghiệp của học trò xưa, Nxb. Thanh Hóa.
(4) Nguyễn Thúc Chuyên (2002), “Khuyến học xưa và nay”, Tạp chí Huế Xưa và Nay, (54), tr.13.
(7) (8) (9) (17) Vũ Ngọc Khánh (2006), Nguyễn Công Trứ, Nxb. Thanh Niên.
(10) Bùi Xuân Đính (2004), Các làng khoa bảng Thăng Long - Hà Nội), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.239.
(11) Ông Hồ Đình Trù, 72 tuổi, thôn 4, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
(14) (15) Trần Minh Siêu (1995), Những người thân trong gia đình Bác Hồ, Nxb. Nghệ An.
(12) Toan Ánh (1991), Nếp cũ làng xóm Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.180.
(13) Lưu Đức Hạnh (2011), Khổ học thành tài, Nxb. Dân trí.
(16) Nguyễn Phước Tương (2012), “Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng một tấm gương sáng về tinh thần hiếu học và lòng yêu nước”, Tạp chí Huế Xưa và Nay, (110), tr.22.
(18) Bùi Ngọc Tam (1994), Hồ Chí Minh thời niên thiếu, Nxb. Nghệ An.
(19) (20) (21) (22) Đặng Thai Mai (2001), Hồi ký Đặng Thai Mai.









 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Huyền thoại K4 (26/07/2011)