LÊ QUANG THÁI
Người xưa chỉ dạy rõ về cách thức viết tiểu sử bằng câu nhớ đời chẳng quên: “Phàm xem nhân vật nên xem về tiểu sử, sẽ thấy nhân vật”(1). Đông phương và Tây phương đều coi trọng việc viết tiểu sử đúng phương pháp, hợp quy cách, nói cho dễ hiểu là viết và dịch tiểu sử theo đúng bài bản quy định của bộ môn này.
Nội dung bài viết gồm hai tiểu mục cần được làm sáng rõ thêm:
1. Những nét đặc sắc về quê hương của Tổ sư Liễu Quán; 2. Phát hiện đúng năm sinh theo Tây lịch của Sơ Tổ người Việt, khai sáng ra Thiền phái Liễu Quán.
I. NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG VỀ QUÊ HƯƠNG CỦA TỔ LIỄU QUÁN
Gia lý là danh từ mà Tổ đã ký gởi trong bài kệ trước ngày viên tịch. Thuật ngữ này có nghĩa lý thăng hoa phảng phất hương vị chất Thiền. Đó là nét đặc trưng thanh thoát của thi kệ: Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý/ Hà tất bôn mang vấn tổ tông(2). Hòa thượng Mật Thể dịch: Hôm nay nguyên mãn về nơi cũ/ Nào phải ân cần hỏi tổ tông.
1.1. Làng Bạc Mã (泊馬): Hơn 403 năm về trước, làng cổ Bạc Mã đã hình thành trong quá trình Nam tiến. Biên cương nước Đại Việt mở rộng vượt qua dãy núi Thạch Bi. Từ núi này phát sinh ra nghề đẻo đá làm bia, làm nền móng nhà. Có loại đá màu gan gà màu sẩm dùng làm bia không những cho dân bản địa mà còn được quảng bá, chuyển tải ra tận xứ Thuận Hóa để phục vụ cho việc xây dựng cung đình, phủ chúa chùa tháp và các đền miếu, bia đá ở ngoài dân gian. Trên núi này, năm 1472 vua Lê Thánh Tông đã sai dựng bia đá cho có tên chữ Thạch Bi.
Chữ “Bạc” (泊) có nghĩa là thuyền ghé bến, hoặc cái đầm, cái hồ. Hương sắc thi vị hoặc thiền vị được biểu hiện trong những bài thơ “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế, “Bạc Tần Hoài” của Đỗ Mục; “Dạ bạc Nguyệt Biều”, “Kim Long dạ bạc” của Tùng Thiện Vương, thậm chí ngay cả địa danh Thương Bạc (商泊) ở cố đô Huế. Tất cả đều gợi lên hình ảnh sinh động đầy vẻ thanh thoát và thơ mộng của xứ Phú Yên có sông Đà Rằng, đầm Ô Loan, Vũng Rô, núi Thạch Bi...
Chữ “Mã” (馬) có nghĩa là “ngựa” thì ai cũng biết theo nghĩa rộng hẹp khác nhau. Phương tiện vận chuyển trên bộ có ngựa, dưới nước có thuyền. Dân ca xứ Huế vang vọng tiếng hò: Rung rinh nước chảy qua đèo/ Ngựa đua dưới nước, thuyền chèo trên non. Ca từ biểu hiện cái thần thái siêu thăng từ lời vấn của Hòa thượng Tử Dung hỏi Sư Liễu Quán trong lễ Toàn Viện vào mùa hạ năm Nhâm Thìn, 1712 tại Quảng Nam.(3)
Ở thời cận hiện đại, nhiều người biên soạn sách báo, từ điển đã vấp phải nhầm lẫn khi viết Bạc Mã thành Bạch Mã (白馬). Từ điển TÁC GIA VIỆT NAM dày tới ngót hơn 1752 trang đã đưa tiểu sử của Sơ Tổ Liễu Quán vào sách ở 2 trang 565 và 566. Không rõ soạn giả đã dựa theo tư liệu nào để viết tên gọi quê hương của Sư Liễu Quán là Bạch Mã thay vì Bạc Mã mới đúng.(4)
LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ĐÀNG TRONG, tập I, Nguyễn Hiền Đức, xuất bản năm 1995, tr.290 đã viết:
“Thiền sư Liễu Quán húy Thiệt Diệu, họ Lê, quê ở làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân (sông Cầu), phủ Phú Yên...”
Sau huyện Đồng Xuân có mở đóng ngoặc như chú giải tên gọi khác của huyện Đồng Xuân làm cho người đọc phân vân vì địa danh này là tỉnh lỵ Phú Yên dưới thời Pháp thuộc, Sông Cầu là quận (ngang hàng cấp huyện vào năm 1964). Ở thời điểm này, tỉnh Phú Yên gồm 9 quận: Sông Cầu, Đồng Xuân, Tuy An, Tuy Hòa, Hiếu Xương, Sơn Hòa và Phú Đức. Năm 1748, năm ngài Thiện Kế viết Văn bia và được khắc vào Bi Minh của Tháp Tổ Liễu Quán thì phủ Phú Yên gồm 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Năm 1964, làng Bạc Mã thuộc xã An Thạch, quận Tuy An, tỉnh Phú Yên.(5) Làng Bạc Mã được đổi tên Ngân Sơn, chưa rõ vào năm nào? Năm 1964 gọi là thôn Ngân Sơn. (Xã gồm 4 thôn: Phú Thịnh, Hội Tín, Ngân Sơn, Hà Yên. Xã này thuộc quận Tuy An). Vè về sản vật Phú Yên có câu: “Bánh tráng đi chợ Hòa Đa/ Ngân Sơn, Mỹ Lệ, Tuy Hòa tứ tung”.
1.2. Huyện Đồng Xuân (cũ): Tên gọi huyện này có đồng thời với tên huyện Tuy Hòa (cũ). Cả hai huyện là đất của phủ Phú Yên hình thành từ năm Tân Hợi, 1611. Không đối chiếu tên gọi huyện với niên đại thành lập thì dễ dàng dẫn người đọc đi lạc địa chỉ tìm về quê hương bản quán của Tổ sư Liễu Quán. Một nét đặc sắc khác của phủ Phú Yên (không phiên âm thành Phú An) là cả hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa là hai vựa lúa của khúc ruột miền nam Trung Bộ, đều có nuôi nhiều ngựa. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển 10, đạo Phú Yên đã viết: “.... trên đường phố [ngựa] đi hàng đàn, người buôn dùng để chở hàng hóa, nhà nông dùng để cày thay trâu. Phụ nữ cũng biết cưỡi ngựa”.(6)
1.3. Phủ Phú Yên trải qua các triều đại lịch sử
Những mốc lịch sử trong tiến trình hình thành từ phủ Phú Yên đến tỉnh Phú Yên đáng ghi nhớ:
- Năm 1611: thành lập phủ Phú Yên gồm 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.
- Năm 1639: đổi phủ Phú Yên thành dinh Trấn Biên.
- Từ năm 1629 - 1808: đổi phủ thành dinh Phú Yên trải qua 179 năm.
- Từ năm 1808 - 1826: đổi dinh thành trấn Phú Yên.
- Từ năm 1826 lại hạ xuống làm phủ Phú Yên (thuộc trấn Bình Định).
- Năm 1831 đổi thành phủ Tuy An (thuộc trấn Bình Định).
- Năm 1832 - 1853 là đạo Phú Yên thống thuộc tỉnh Bình Định.
- Năm 1876 lại được nâng lên thành tỉnh Phú Yên như trước.
- Năm 1976 Phú Yên cùng Khánh Hòa hợp thành tỉnh Phú Khánh.
- Năm 1989 lại trở về tên tỉnh Phú Yên.(7)
Trong dân gian còn truyền tụng câu ca: Bình Định tốt nhà/ Phú Yên tốt ruộng/ Khánh Hòa tốt trâu.
Nhà bác học Lê Quý Đôn đã viết nhiều trang và nhiều đoạn trong sách PHỦ BIÊN TẠP LỤC liên quan đến đất Phú Yên, tiêu biểu có đoạn như sau:
“Phủ Phú Yên, nguồn Hà Di hằng năm tiền thuế và tiền trầu 1.836 quan 23 đồng, sáp ong 30 cân, mật ong 30 lĩnh, lại nộp ngà voi 4 chiếc (mỗi chiếc nộp thay bằng 4 bát rưỡi sáp ong), sừng tê 7 tòa (mỗi tòa nộp thay bằng 4 bát rưỡi sáp ong)”.(8)
Sông Đà Rằng, núi Thạch Bi là biểu tượng của non nước Phú Yên, một xứ địa linh sản sinh nhiều nhân tài, Cao tăng làm rạng rỡ sử sách trong quá trình giữ nước và mở nước. Có một cầu nối uy linh nối liền giữa Phú Xuân - Huế với Phú Yên cách nhau 731 dặm đường ngựa trạm tính ra khoảng 507 km trên đường Thiên lý, tiền thân quốc lộ 1 nối liền 3 miền Bắc - Trung - Nam.(9)
II. ĐỐI CHIẾU NGÀY THÁNG NĂM SINH CỦA TỔ SƯ LIỄU QUÁN VỚI DƯƠNG LỊCH
2.1. Quan điểm khảo cứu
Tiểu sử của Tổ Sư đã ghi năm sinh, năm mất và những niên biểu quan trọng khác liên quan đến hành trạng và sự nghiệp lớn lao của Ngài đối với đất nước, với Phật giáo xứ Đàng Trong đều viết tên năm âm lịch. Giữa sử sách và bia tháp đều khớp đúng, không có gì đòi hỏi phải khảo cứu vì rằng trang sử Phật trùng hợp với trang sử Việt.
Phát hiện ra năm sinh từ âm lịch của Tổ Sư Liễu Quán đối chiếu ra dương lịch, do người đời sau ghi chép tiểu sử của Ngài đã chú giải chưa đúng mã số của năm sinh là điều đáng nói, phải nói.
2.2. Về ngày giờ, tháng năm sinh của Tổ Sư ghi rõ ở đoạn trích từ Bi Minh gồm 49 chữ Hán, nguyên tác như sau:
師 生 于 丁 未 年 十 一 月 十 八 日 辰 時
春 秋 七 十 有 六 四 十 三 傳 依 說 法 利
生 三 十 四 載 嗣 法 四 十 九 人 淄 素 得
道 利 者 不 計 千 萬
Phiên âm:
“.. Sư sanh vu Đinh Mùi niên, thập nhất nguyệt, thập bát nhật, Thìn thời xuân thu thất thập hữu lục, tứ thập tam truyền y, thuyết pháp lợi sinh tam thập tứ tải, từ pháp tứ thập cửu nhân, truy tố đắc đạo lợi giả bất kể thiên vạn...” (Đoạn trích gồm 49 chữ).
Thế mà do chủ quan ám thị, cho nên người biên soạn tiểu sử của Thiền sư Liễu Quán như vô tình nhầm lẫn đáng tiếc, để lộ rõ nét nhiều lỗi chấm bản in. Thực tế, đã có sách chỉ âm ra 48 chữ, thiếu mất chữ “vu” (于). Có sách do chủ quan, người dịch phiên âm “thất thập” thành “thấp thập”; ngắt vế chữ sai vị trí, cụ thể như ở đoạn trích bằng chữ Hán (đã phiên âm), thì người dịch đã hạ dấu phết (,) sau chữ thứ 39, nhân (人), mới phải lẽ, chứ không hạ phết (,) sau chữ cửu (九, chữ thứ 40).(10)
Ở một bản dịch khác về văn bia chùa Huế, khi phiên âm vế câu nói về tuổi thọ của Sư Liễu Quán lại phiên âm thành “Xuân thu tứ thập hữu lục”. Đúng ra phải là “thất thập”. Điểm qua nhiều lỗi do biên soạn, do dịch thuật ở các tư liệu đã được quảng bá công khai thành sách mà đáng ra không nên để sơ suất khi viết về tiểu sử của vị Sơ Tổ dòng Thiền do người Việt khai sáng ở xứ Đàng Trong vào đầu thế kỷ 18...
Từ trước đến nay đã có nhiều bản dịch bia tháp Liễu Quán; chúng tôi chọn bản dịch của cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu đã chuyển ngữ một cách thanh thoát, rất dễ hiểu từ đoạn trích dẫn nói trên:
“Sư sinh giờ Thìn, ngày mười tám tháng 11 năm Đinh Mùi, thọ 76 tuổi, 43 hạ lạp, 34 năm thuyết pháp lợi sinh. Đệ tử đắc pháp có 49 vị. Hàng tại gia, xuất gia có hàng vạn được lợi ích nhờ sự hóa đạo của Sư.”
Năm 1928, L.Sogny như rửa bút miêu tả cảnh trí tịch tĩnh và đầy uy nghiêm của khu vực mộ tháp của Tổ Liễu Quán được nhà nghiên cứu Hà Xuân Liêm chuyển ngữ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt như sau:
“Trên con đường núi chạy về đường Giạ Lê - Gia Long, cách khoảng 3 ki-lô-mét về phía nam đàn Nam Giao, sự chú ý của khách lãng du bị cuốn hút bởi một cảnh lăng tháp rất đẹp, được gìn giữ trong tình trạng tốt, gồm có những bức tường của la thành, đất trống, tầng cấp lên sân chầu và hồ sen. Không có ngôi tháp stpa (tháp) nêu rõ đó là lăng mộ của một nhà sư, thì người ta rất có thể tin, vì lẽ do cái đẹp của cách kiến trúc và cái cao cả của vị trí, đó là một ngôi lăng của một vị hoàng thân hay của một vị quan cao [cấp] nào đó”.(11)
Tiếc thay, sách LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ĐÀNG TRONG của Nguyễn Hiền Đức lại chú giải sai lệch là “Sogny sau lên làm Toàn quyền Đông Dương”. Phong không đúng! Toàn quyền Đông Dương năm 1928 không phải là Sogny mà là ba vị liên tục kế nhiệm trong một năm: 1/ Montguillot (từ 01/11/1927 đến 07/8/1928); 2/ Robin từ 07/8/1928 đến ngày 26/12/1928); 3/ Pasquier từ ngày 26/12/1928, chết ngày 15/01/1934. Trong danh sách Toàn quyền Đông Dương không có ai là L.Sogny cả!
2.3. Năm Đinh Mùi, 1967 là năm nhuận hai tháng tư âm lịch. Tra từ điển: 556 năm đối chiếu Âm lịch - Dương lịch Việt Nam & Trung Quốc 1544 (Giáp Thìn), 2100 (Canh Thân) của Lê Quý Ngưu ở trang 261 thì thấy rõ ràng: năm âm lịch ấy, năm sinh của Tổ Sư Liễu Quán, là năm nhuận, có 2 tháng tư, tháng tư đầu (đủ), tháng tư nhuận (thiếu). Tổ sư sinh ngày 18 tháng 11 năm Đinh Mùi ứng với ngày 01/01/1668 nhằm đúng Tết Dương lịch.(12)
THÁNG MƯỜI MỘT (đủ) Kiến Nhâm Tý, Sao Dực, Tháng Tý
(Trang 261, sđd về Đối chiếu âm lịch - dương lịch của Lê Quí Ngưu)
Phát hiện này có giá trị và ý nghĩa cho việc góp phần cải chính năm sinh theo Dương lịch của Tổ sư Liễu Quán. Xưa nay, các tác giả biên soạn về tiểu sử của Tổ sư bằng chữ Nôm, chữ quốc ngữ đều không để ý, chắc rằng từ nay trở đi phải có cách hành xử mới: LIỄU QUÁN (1668 - 1742) thay vì (1667-1742).(13) Nhiều sách, nhiều bài nghiên cứu cũ và mới đã viết năm nhập tháp 1743 là khiên cưỡng, không đúng.
Không còn ngần ngại gì nữa, vì để cho thật chính xác, người viết vẫn tra đi, tra lại các sách âm dương lịch đối chiếu khác và lại cẩn trọng hơn tìm tra lại trên Internet để kiểm nghiệm và kiểm chứng cho vững thêm niềm tin thì đều thấy các cứ liệu và thông tin từ nhiều nguồn khác đều khớp đúng với sách của soạn giả Lê Quí Ngưu đã dẫn ở bên trên. Thành tâm kính tỏ bày lòng biết ơn sâu sa và sâu sắc đối với những người bạn gần xa đã góp phần cung cấp thêm tư liệu để cuối cùng khẳng định: ngày sinh của Tổ Liễu Quán: 01/01/1668 là đúng. Xưa nay các nhà biên soạn tiểu sử của Tổ đều phiên ngang 1667 là không đúng. Không bàn cãi gì nữa, phải cải chính sớm để khỏi “đắc tội” với Tiền nhân, với độc giả ngày nay.
R.Kipling (1865 - 1936), thi sĩ, tiểu thuyết gia, nhà báo, nhà du lịch nổi tiếng thế giới, giải Nobel năm 1907 đã từng viết: “Đông là Đông, Tây là Tây”(14). Một câu nói giản dị nhưng đầy ý nghĩa góp phần cho việc làm giàu “túi khôn của con người”. Rạch ròi, phân minh thể hiện tinh thần chính đại của khoa lịch học.
Rêu phong nguyên thủy và chính thống phủ trên bia đá, trên vách tường của la thành lăng tẩm, mộ tháp của danh nhân là hoàn toàn có giá, vô giá là đằng khác. Nguyên ủy của bia đá còn đó, đã khắc, đã dựng từ năm Cảnh Hưng thứ 9 [1748] dưới thời Quốc vương Nguyễn Phúc Khoát ở xứ Đàng Trong từng cẩn trọng ban thụy hiệu cho Tổ Sư là CHÁNH GIÁC VIÊN NGỘ HÒA THƯỢNG. Tất cả đều đúng, chính xác.
Người đời sau có thiện tâm như muốn chú thích và chú giải cho thêm rõ ràng qua các bản dịch ra tiếng Pháp, chữ quốc chữ khoảng dưới 100 năm trở lại cho nên đã vướng phải một số sai sót, là lẽ thường tình của những người tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử - văn hóa đời nay. Phát hiện ra được cái gì sai khác của thế hệ đi trước, không thuần túy có nghĩa là chê trách, mà để mong cầu được sớm cải chính đúng với sự thật, vì “Đông là Đông, Tây là Tây”. Trước sau thì “bản lai diện mục” cần được trả lại cho đúng với chân tướng. Đẹp thay “CHÂU VỀ HỢP PHỐ”. Sự việc sẽ trở thành viên mãn vì “đâu vào đó”, “chốt nào mộng nấy”. Đẹp biết bao và hạnh phúc thay: ĐÀM HOA LẠC KHỨ HỮU DƯ HƯƠNG.
Cố đô Huế, ngày 01 tháng 01 năm 2014
L.Q.T
(SH301/03-14)
---------------------
(1) Câu nói của Nguyễn Đôn Phục (? - 1954), ông đỗ Tú tài Hán học năm 1906, hiệu Tùng Vân, nguyên quán Thanh Hóa, định cư ở tỉnh Hà Đông nay thuộc thành phố Hà Nội. Ông là nhà giáo kỳ cựu, từng viết báo Nam Phong và Tri Tân. Dòng tộc Nguyễn Đôn có một nhánh vào Nam dựng nghiệp ở làng Thế Lại, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát.
Các nước Tây phương rất quan tâm đến việc dạy cho sinh viên cách viết tiểu sử trong chương trình học có bộ môn tiểu sử học.
(2)Các bản dịch câu thứ ba của bài kệ đã dịch “gia lý” là nhà cũ hoặc chốn cũ hoặc quê cũ. Gia lý: 家裏 Chữ lý裏 : cái gì ở trong. Chỗ dân ở gồm 25 nhà gọi là lý (里), hai mặt chữ, hai nghĩa lý sai biệt nhau. Chữ “lý” đã chuyển cách viết đơn giản là 里; đọc: lý. Không truy nguyên thì dể hiểu lầm nghĩa.
Bài kệ gồm 4 câu:
七 十 餘 年 世 界 中
空 空 色 色 亦 融 通
今 朝 願 滿 還 家 裏
何 必 奔 忙 問 祖 宗
Thất thập dư niên thế giới trung
Không không sắc sắc diệc dung thông
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý
Hà tất bôn mang vấn tổ tông.
Nhiều sách viết tổ tôn là không đúng. Chữ tông được đọc là “tôn”. Vì kỵ húy tên vua Thiệu Trị, Tông giáo được gọi là Tôn giáo. Sai trở thành đúng vì đã quen dùng từ năm 1841 đến nay.
(3) Lễ Toàn viện: chưa khảo cứu được ý nghĩa lễ nghi này theo nghi thức Phật giáo.
Lúc sinh tiền Hòa thượng Thích Thiện Siêu đã dạy bảo như thế.
(4) Từ điển TÁC GIA VIỆT NAM, Nguyễn Q. Thắng, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1999, tr.565-566 viết Liễu Quán (Đinh Mùi 1667 - Nhâm Tuất 1742), làng Bạch Mã. Tiếp theo tr.566-568 là tiểu sử của hai thiền sư Liễu Thông và Liễu Triệt.
(5) NON NƯỚC PHÚ YÊN, Nguyễn Đình Tư, Nxb. Tiền Giang, Sài Gòn, 1966, tr.70-77 và ở phần phụ lục có ghi thêm danh sách các đơn vị hành chánh trong tỉnh Phú Yên (Thống kê năm 1964). Ở trang 75: Tác giả nói rõ về phủ Tuy An: “Đến đời Thành Thái, Phú Yên lại được đổi làm tỉnh, huyện Tuy Hòa đổi làm phủ Tuy Hòa, một phần đất của phủ Tuy Hòa được cắt ra thành phủ Tuy An. Về mặt hành chánh, tỉnh Phú Yên vẫn đặt dưới quyền cai trị của quan Tổng đốc Bình Phú, đại diện tại tỉnh có quan Tuần vũ như trước. Thật ra, không phải Tuần Vũ mà là Quản đạo mới đúng, phụ việc có Phó Quản đạo.
(6) ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ, Quốc sử quán triều Nguyễn, tập 3, quyển X: Đạo Phú Yên, Viện Sử học dịch, Nxb. Thuận Hóa, Huế, năm 2001; tr.85. Đứng đầu đạo Phú Yên có Quản đạo (hàm chánh tứ phẩm). Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Phú Yên chuyển thành đạo từ năm 1853 - 1876. Phú Yên thống thuộc tỉnh Bình Định đứng đầu là Tổng đốc Bình Phú.
(7) HÒ KHOAN PHÚ YÊN, Nguyễn Đình Chúc, Nxb. Hội Văn nghệ dân gian và Văn hóa các dân tộc Phú Yên, 2003, tr.12-13-14. Tên gọi Phú Yên là dinh Trấn Biên từ năm 1629 vì ở thời điểm ấy Phú Yên phên giậu nước Đại Việt với Champa. Ở Nam Bộ có dinh Trấn Biên để chỉ tên xưa vùng đất Biên Hòa.
(8) LÊ QUÝ ĐÔN TOÀN TẬP, tập 1, PHỦ BIÊN TẠP LỤC, Viện Sử học dịch, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr.214. Về nguồn Hà Di sách này phiên âm lệch, người địa phương đọc Hà Duy mới đúng. Ở thượng nguồn có đơn vị hành chính - kinh doanh với tên gọi “nguồn”; có thôn ấp, có nậu (còn đọc là nẫu) thuật ngữ phổ biến ở Phú Yên, Bình Định. Vì vậy mà trong dân gian quen gọi dân Bình Định, Phú Yên là “dân Nẫu”. Đó là sự tích về sự biến trại của chữ nghĩa trong dân gian với nhiều ý nghĩa khác nhau. Điển hình nói “nẫu gan”, “nẫu ruột”.
(9) Tiền thân quốc lộ 1A là đường Thiên lý, cứ 33 dặm có một trạm, lính trạm dùng ngựa để chuyển công văn xem Đại Nam Nhất Thống Chí, đạo Phú Yên, sđd tr.63. Sách Non nước Phú Yên của Nguyễn Đình Tư, tr.15. Sông Cầu là tỉnh lỵ cũ, Tuy Hòa là tỉnh lỵ mới từ dưới thời Pháp thuộc cho đến ngày nay. Sông Cầu là tên gọi dân gian, tên chính sử của sông này là LONG BÌNH phát xuất từ núi Long Bình ở phía Tây Bắc huyện Đồng Xuân.
(10) Căn cứ theo bản chữ Hán được khắc vào Bi Minh của Tháp Tổ Liễu Quán, tọa lạc ở thôn Ngũ Tây, xã An Tây, thành phố Huế. Đối chiếu với sách Lược sử chùa Thiền Tôn và Tổ Liễu Quán truyền thừa của Thích Kiên Định, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr.124-125, Văn bia chùa Huế do Giới Hương phỏng dịch năm 1994 từ trang 125 đến 136...
(11) Bài khảo cứu công phu bằng tiếng Pháp của Sogny có tựa đề: “Le premier Annamit consacré supérieur de bouzerie par les Nguyễn: son tombeau”, B.A.V.H, 1928, pp.205-216. Hà Xuân Liêm dịch “Người An Nam đầu tiên được các triều đại vua chúa nhà Nguyễn thừa nhận là vị Tổ Sư Phật Giáo - Lăng tháp của Ngài, xem sách Những người bạn cố đô Huế, tập XV, 1928, Nxb. Thuận Hóa, Huế 2004, tr.385-403. Ở trang 394 ghi: “Ngài Liễu Quán sinh ngày 18 tháng 11 năm Đinh Tỵ (1667) vào giờ Thìn (7 đến 9 giờ sáng).
(12) LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ĐÀNG TRONG, Nguyễn Hiền Đức, sđd, tr.306 đã viết: "Khoảng năm 1928, Thiền sư Tâm Khoan Trụ trì Tổ đình Thuyền Tôn, Giám đốc An Ninh An Nam là L.SOGNY (sau lên làm Toàn quyền Đông Dương) đã đến nghiên cứu về Tháp của Tổ Thiệt Diệu - Liễu Quán, đến Tổ đình Thuyền Tôn để hỏi thiền sư Tâm Khoan về Tổ Liễu Quán”
(13) Từ điển 556 năm đối chiếu Âm lịch - Dương lịch Việt Nam & Trung Quốc 1544 (Giáp Thìn), 2100 (Canh Thân), Lê Quý Ngưu, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, tr.260-261. Ngay cả vua chúa cũng phải ngày tháng băng hà là ngày mất, tuyệt nhiên không dùng ngày an táng!
(14) Từ điển Danh nhân thế giới cần biết, Trịnh Chuyết, Nxb. Xuân Trinh, Sài Gòn, 1970, tr.248-152.