Đất và người
Tây Sơn Quang Trung và công cuộc đổi mới đất Việt ở thế kỷ XVIII
09:38 | 18/06/2015

TRẦN QUỐC VƯỢNG

Hà Nội âm trầm rồi ào ạt chuẩn bị kỷ niệm 200 năm chiến thắng - Đống Đa, Xuân Lửa diệu kỳ Kỷ Dậu 1789 mà giới quân sự học hiện đại có thể gọi là Chiến dịch Thăng Long, giải phóng kinh thành, miền Bắc...

Tây Sơn Quang Trung và công cuộc đổi mới đất Việt ở thế kỷ XVIII
Ảnh: internet

Huế đưa thêm vào Đại lễ kỷ niệm này một "sắc thái" Phú Xuân riêng có của mình: nơi đây 200 năm trước, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế Quang Trung, để núi Bân mãi mãi đi vào kho tàng di tích lịch sử Việt Nam.

Và Nghĩa Bình, nơi phát tích của phong trào Tây Sơn, nơi quê hương của dòng vua Nguyễn mới (để phân biệt với "cựu Nguyễn" của dòng Chúa và Gia Long sau này), từ năm nay đã dựa vào KHOA HỌC để đặt nền cho Lễ kỷ niệm và tán tạo Bảo tàng Quang Trung...

Và biết bao nơi khác, nào Tam Điệp Hà Nam Ninh, nào xứ Thanh Thọ Hạc, nào xứ Nghệ Phượng Hoàng Trung đô, nào Tiền Giang Rạch Gấm Xoài Mút... nơi nơi đều có cách kỷ niệm Tây Sơn Quang Trung của riêng mình, hoà trong cái chung cùng cả nước...

Tôi không phải là một chuyên gia về Tây Sơn học, tôi không thể có một cái nhìn toàn diện về Tây Sơn Quang Trung; và ý kiến sử học của tôi chưa bao giờ mang sắc màu chính thống quyền uy... Song không thể phụ lòng Sông Hương vời gọi và nhiều bạn đọc hỏi han nên tội gượng viết mấy dòng này, chỉ xoay quanh một chuyện, một vấn nạn có phần hắc búa, thấm đẫm tinh thần "ôn cố, tri tân": VUA QUANG TRUNG CÓ PHẢI LÀ NGƯỜI ĐỔI MỚI HAY KHÔNG ? Và nếu Ngài không mất sớm thì nước Việt ta có cơ may đổi mới từ cuối thế kỷ XVIII rồi không ?

Công cuộc ĐỔI MỚI (Rénovation) và NGƯỜI ĐỔI MỚI (Rénovateur) trước thế kỷ XX của lịch sử Việt Nam là thực sự hiếm hoi.

Thế kỷ X có cha con họ Khúc (Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo) mở đầu công cuộc phục hồi dân tộc và phục hưng văn hoá đất Việt trời Nam: "Chính sự cốt chuộng KHOAN DUNG GIẢN DỊ để dân chúng được yên vui" (lời sử cũ).

Tôi gọi đó là cương lĩnh 4 chữ "KHOAN - GIẢN - AN - LẠC" xuyên suốt 4 thế kỷ thịnh đạt của Đại Việt (X-XIV) được các thiền sư vừa hoằng dương Phật pháp vừa ủng hộ triều đình quân chủ Phật giáo.

Cuối thế kỷ XIV triều Trần vốn suy đốn và Đại Việt khủng hoảng. Khủng hoảng dưới nền tảng kinh tế - xã hội: Nông dân mất đất công cày cấy vì sự bành trướng của thái ấp điền trang và lớp quý tộc Trần sa đoạ bỏ đói gia nô, điền nô: Họ "nổi loạn" và bần dân "nổi loạn"...

Khủng hoảng trong tảng nền ý thức hệ: Phật vẫn rất từ bi nhưng lớp sư sãi với chức năng truyền bá triết lý từ bi ấy được các vua Lý - Trần ưu tiên quá mức, nhà chùa có nhiều đặc lợi về ruộng đất và điền nô, cũng sa đoạ như lớp quý tộc cung đình. Dân chúng khủng hoảng niềm TIN. Lớp trí thức bình dân tiến thân theo con đường thi cử Nho giáo bài Phật, đề cao Nho thì cũng tiến gần hơn đến sự Hoa hoá...

Hồ Quý Ly có khát vọng đổi mới: Ông hạ lệnh hạn điền, hạn nô, đánh phá đám quý tộc Trần; ông không ưa Phật và phê phán cả Khổng Tử lẫn Tống Nho (Chu Hi, Trình Hạo...). Nhưng ông không (hay chưa) đề xướng được một TƯ DUY MỚI MẺ nào để tập hợp nhân tài đất nước; không cũng không (hay chưa) "cởi trói" cho dân cày: Đất đai của quý tộc tịch thu vào tay nhà nước, tư nô bị tịch thu làm quốc nô. Ông "đổi mới" theo kiểu quân quyền chuyên chế; ông say một thứ "chủ nghĩa nhà nước" và mê một thứ công cuộc "nhà nước hoá".

Quốc gia của loại hình văn minh nông nghiệp chỉ thịnh vượng khi bên cạnh và làm đối trọng cho QUÂN QUỐC (VUA NƯỚC: Vua minh quân, nước mạnh) phải có DÂN - GIA (nông dân có ruộng dù không sở hữu nhưng chiếm hữu lâu dài) làm ăn khá giả, có gia sản ở ngoài phần đóng góp thuế tô cho vua nước hay người được vua nước uỷ quyền và trao lợi cho 1/3 hay 1/2 thu nhập của nông dân hàng năm là cùng), phải có DÂN - LÀNG (làng là khối liên hiệp các gia đình tiểu nông trên một điểm tụ cư nhất định) với thuần phong mỹ tục và hương ước có phần riêng, mà quân quốc không và không thể can thiệp thô bạo. Quân - Quốc là nhà nước, Dân gia, Dân làng là dân gian, là một thứ "xã hội công dân" dưới thời quân chủ. Cái cấu trúc đối ứng ấy (QUÂN/DÂN, QUỐC/GIA, NƯỚC/LÀNG) mà quân bình và hoà điệu thì có văn minh, văn minh nông nghiệp, thôn dã, cố nhiên...

Hồ Quý Ly đã thất bại. Thế lực thù địch bên trong (quý tộc đặc quyền đặc lợi) xin nước và liên kết với kẻ bành trướng bên ngoài (Minh - Ngô). Và nước mất... Đoàn quân "Vương Sứ" (chinh phục) của Trương Phụ bất quá 10 vạn đã làm tan rã 100 vạn quân Hồ và bắt sống cha con Hồ Quý Ly.

Anh hùng di hận kỷ thiên niên...
                                   (Ức Trai)

Hoạ phúc mống mầm đâu một chốc; Anh hùng (Hồ Quý Ly) để hận mấy nghìn năm...
Người hùng đổi mới thất bại, nhường vai trò lịch sử cho người anh hùng dân tộc chiến thắng (Lê Lợi). Bài Đại Cáo Bình Ngô phần mở đầu có câu:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Và phần kết thúc có câu:

Bốn biển phẳng lặng, sạch hết đục nho
Tuyên bố mệnh DUY TÂN khắp nước!


Lê Lợi dạy ta bài học yên dân. Nhưng ngài có phải là người đổi mới không ?

Sau chiến thắng, ngài có ĐỔI song không có gì thật MỚI. Về tư tưởng hệ, Ngài - và con cháu Ngài - tới gần Trung Hoa hơn bằng việc chấp nhận Nho giáo làm quốc giáo (quân chủ nho giáo) và qua thi cử thường xuyên, tạo nên một lớp kẻ sĩ, lấy trung quân, thân dân làm lẽ sống.

Về kinh tế - xã hội, Ngài giải trừ quân bị (15 vạn binh), xá thuế 2 năm và ban hành phép quân điền. Phép công điền của nhà Lê là một công cuộc tái công xã hoá nông thôn Việt Nam ở thế kỷ XV. Nó không phải là hướng đi lên tư hữu, tự do. Nhưng nó giải quyết (lâm thời) về người cày có ruộng, có dân gia, dân làng khá giả, bên quân quốc mạnh hùng:

Đời vua Thái Tổ, Thái Tông
Con dắt, con bế, con bồng, con mang.


Dân yên, nên tuy cung đình có xung đột, oan trái (Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi...) song nước không loạn, xã hội không khủng hoảng. Ấy thế nhưng tồn tại xã hội vẫn còn đó: Quan liêu mới với đặc quyền đặc lợi biến thành tầng lớp địa chủ. Đây là một bài học lịch sử để đời: Trong cấu trúc văn minh nông nghiệp kiểu cũ, người ta vẫn có thể áp bức, bóc lột DÂN trên nền tảng công hữu nguồn tư liệu sản xuất chủ yếu (ruộng đất). Và nhà Lê thu tô thuế cuối cùng vẫn là một nhà nước phản dân. Dân vạch ra chân lý ấy một cách giản dị mà "luồn trong ca dao":

Trống làng ai đánh thì thùng
Của chung ai kéo vẫy vùng thành riêng!


Đúng 100 năm sau chiến thắng Chi Lăng, nhà Lê mất ngôi sau một thời "vua Lợn", "vua Quy"... Mạc Đăng Dung muốn đổi mới cái xã hội Nhà nước quá trọng Nông - và do đó ức Thương, quá trọng Nho - và do đó thiếu tự do tư tưởng và tín ngưỡng. Ông tránh được một cuộc chiến với nhà Minh bằng đường lối truyền thống giả vờ thần phục. Ngoài Thăng Long - Kẻ Chợ, ông muốn lập một đo mới gọi là Dương Kinh ở vùng biển Kiến An (Hải Phòng). Gốc dân chài xứ biển Đông giúp Ông có cái nhìn hướng biển, mở mang công thương, khơi nguồn hàng (đồ gốm, sứ...) xuất khẩu. Thời Mạc, dân và quan sùng Phật, sùng Đạo bên việc theo Nho. Nhưng tư duy mới cũng không có, vị sĩ phu trí thức đương thời vẫn bám theo Nho cũ, công thương chưa đủ mạnh để có được lớp thị dân mới. Hơn sáu chục năm sau, nhà Mạc cũng tiêu vong dần sau vài đời ẩn nhẫn nơi rừng núi Cao Bằng. Lê Trịnh lên - hay sử cũ gọi là Lê Trung Hưng - chẳng mang lại cái gì đổi mới, nếu không phải là thừa nhận và do đó đánh thuế ruộng đất tư hữu (1722) phải thừa nhận - và các bà cung phi đóng góp mạnh vào việc dựng chùa thờ Phật và các quán Đạo. "Đạo nội" thờ đức thánh Trần và bà chúa Liễu phát triển mạnh. Nhà nước Lê - Trịnh là một kiểu quyền lực hai đầu: "Lê tồn" vì thế, "Trịnh tại" vì lực: một thứ thể chế quan liêu nặng nề, một dạng quân chính (régime militaire) mà chỗ dựa chính là Ưu binh Tam phủ (lính Thanh Nghệ), đẻ ra "truyền thống" "Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần" rồi sẽ biến thành loạn kiêu binh. Loạn này cùng Khởi nghĩa nông dân Bắc Hà (Đông Quận He, Đoài Quận Hẻo, Hoàng Công Chất xứ Nam...) góp phần làm nát nhàu cái xã hội - nhà nước: Lê bại và Trịnh vong: Quân Tây Sơn do Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ cầm đầu và do Nguyễn Hữu Chỉnh tức Cống Chỉnh, con ông lái buôn gạo xứ Nghệ gia tư kể có hàng vạn và dựa thế quan lớn mà làm quan xứ Nghệ rồi vì thất thế phải "bỏ nước mà đi" vào Nam theo Tây Sơn - gợi ý và hướng đạo, đã đập nát, bằng một đòn khủng khiếp cuối cùng, cái cơ đồ nhà chúa Trịnh. Nguyễn Huệ trở thành phò mã của vua Lê: Điều ấy xảy ra ở ngoài ý muốn và ở trên ý thức của Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc, người khởi xướng phong trào Tây Sơn...

Phong trào Tây Sơn, thực chất là một phong trào nông dân, nhưng người cầm đầu đầu phong trào không phải là kẻ "khố rách áo ôm" bần cố. Gia đình họ Nguyễn Tây Sơn là một phức hợp tiểu-công-nông-thương bên bờ sông Côn, trục giao thông đường nước phủ Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc là một đầu nậu trầu nguồn, gia tư khá giả, con em được học hành, cả văn lẫn võ. "Nậu" là một tổ hợp khai thác và buôn bán lâm thổ sản:

Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le gởi xuống, cá chuồn gửi lên


Tây Sơn thượng - hạ đạo ở đôi bên đèo An Khê là khu vực trung gian Kinh Thượng, là tiền đồn di dân khẩn hoang của người Việt vào sâu xứ Thượng. Do quan hệ buôn bán trầu nguồn (và cả trâu bò gạo muối), Nguyễn Nhạc, từ ấp Kiên Thành, có quan hệ giao tiếp với nhiều nguồn - vùng, nhiều hạng người xuôi - ngược, tầm nhìn không chỉ ở một làng, tầm nghĩ được Giáo Hiến, từ trung tâm Phú Xuân lánh về, mở rộng ra cả tình thế Nam Hà Đàng Trong. Ông đủ khá giả, đủ tính toán và hiểu biết, đủ tài tổ chức để tập hợp lực lượng, xây dựng đồn trại và sau khi đủ quy tụ, đủ hội tụ thì cũng đủ sức lực nội sinh và ngoại sinh để lan toả, toả rộng phong trào ra khắp Quy Nhơn - một "tiểu Đồng Nai" của Đang Trong, nơi "dân chúng đông, vật phẩm nhiều, thuyền xe tụ tập, buôn bán đông vui" nghĩa là một thị trường địa phương - rồi xứ Quảng, rồi cả Nam Hà nữa... Nhưng trí lực và quan hệ xã hội - cài làm nên cốt cách và con người Nguyễn Nhạc chỉ đủ cho ông vươn lên từ một tuần biện lại (viên chức thu thuế ở một trạm bên sông) thời chúa Nguyễn thành một "Tây Sơn vương", một thủ lĩnh địa phương lớn, dù cuối cùng có khoác danh hiệu "Trung Ương Hoàng Đế" - cái danh này đã vượt quá xa cái thực của ông. Nguyễn Lữ (em Nguyễn Nhạc, anh (hay em?) Nguyễn Huệ) thì còn kém cỏi hơn. Ông trở thành "tiết chế" hay "Đông Định vương" thì cũng chỉ vì là anh em Nhạc Huệ họ Nguyễn Tây Sơn. Ông không phải là một tài năng, mà chỉ nhờ quan hệ máu mủ họ hàng mà có chức danh lớn: Ông là thứ phẩm của một xã hội nông dân, của một nền văn minh thôn dã... Ông không phải là đối thủ của Nguyễn Ánh (khi khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ, Ánh mới chỉ là cậu bé, cháu gọi chúa Nguyễn Phúc Thuần bằng chú, kém Nguyễn Huệ 8 tuổi). Thiếu Nguyễn Huệ, thì cũng có thể coi như Tây Sơn mất Đồng Nai - Gia Định.

Trong loạn lạc và chiến tranh nông dân, hàm chứa sẵn mầm phá huỷ. Càng và thị tứ Hội An (Faifo) bị tàn phá (1774) cù lao Đại Phố (1777) rồi Bến Nghé (1782) cũng vậy. Phố xá bị đốt, thương nhân Hoa kiều bị giết, của cải bị cướp. Dù Tây Sơn sau này có muốn giao tiếp với thuyền buôn phương Tây, cho phép nhà buôn Anh Chapman buôn bán, hứa xá thuế thuyền buôn Anh, thậm chí có thể nhường đất cho Anh lập thương điếm... thì sự phá phố xá, phá tàu thuyền buôn Ma Cao, giết thương nhân ngoại quốc... cũng khiến cho họ nghi ngại, lững lờ, và dù Chapman có muốn cũng không tìm được kẻ đại thương để môi giới bán buôn. Đại thương và ngoại thương Đại Việt ở cả 2 miền Nam Bắc, trớ trêu thay - vì do chính sách ức thương của cung đình - lại nằm trong tay thương nhân người Hoa mà Tây Sơn đã xuống tay sát hại... Cho nên Tây Sơn bị rơi vào thế tương đối cô lập với thế giới bên ngoài qua mạn biển. Tây Sơn buổi đầu cũng tỏ ra dễ dãi với giáo dân và giáo sĩ ngoại quốc, có ra luật tự do hành đạo (1783). Nhưng giáo sĩ và thương nhân Tây phương nhìn chung vẫn coi Tây Sơn là "kẻ phản loạn", "kẻ tiếm quyền", họ vẫn hướng về nhà "cựu Nguyễn" đang thất thế, mong giúp Duệ Tòng, hoàng tôn Dương rồi Nguyễn Ánh sau này để thủ lợi lớn. Nguyễn Nhạc tức khí - như tức khí thương nhân Hoa kiều giúp Nguyễn Ánh nên ra lệnh tàn sát họ - và lại quay ra đàn áp người theo đạo Thiên Chúa. Đó là sự nhỏ nhen, sai lầm của Nguyễn Nhạc (và cả Nguyễn Lữ).

Nguyễn Huệ là một biệt lệ trong đám anh em và thủ lĩnh Tây Sơn. Tài ông cao hơn, trí lực sâu hơn, tầm nhìn rộng rãi hơn: Chắc chắn là có những tố chất bẩm sinh, nhưng càng chắc chắn hơn là ông biết thu nhận cái tốt đẹp từ bạn bè gần xa, từ thấy giáo Hiến môn khách của đại thần Trương Văn Hạnh. Ông biết nghe, biết học hỏi các danh sĩ (Trần Văn Kỷ, La Sơn Phu Tử, Ngô Thì Nhậm, cả Cống Chỉnh nữa...), biết dùng cả cái tài của linh mục Tây (J. Koffler) và ông biết quyết đoán, biết thuyết phục người khác theo mình. Ai chưa theo, chưa phục (La Sơn Phu Tử ban đầu chưa chịu ra làm việc với ông), ông để người ta suy nghĩ, cuối cùng vẫn không theo ông thì ông vẫn để họ sống chứ không giết hại (Nguyễn Du, cả Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều...). Vậy có thể nói là ông là một lương cả bao dung, một đức tính lớn của người lãnh tụ... Tôi - và chắc cả SÔNG HƯƠNG nữa - dành cho các bài khác ca ngợi Nguyễn Huệ - Quang Trung nhưng theo tôi, cho đến nay, không ai ca ngợi ông hay bằng, cô đọng bằng Ai Tư Vãn của Ngọc Hân, bạn đời ông:

Mà nay áo vải cờ đào,
Giúp DÂN, dựng Nước xiết bao công trình...


Nhưng, cũng theo tôi chớ nên đẩy tới cấp đoạn nhà "cách mạng", cách tân và than vãn rằng nếu Ông không mất sớm thì sự đời sẽ khác...

Ông ba lần anh hùng, anh hùng áo vải, anh hùng xoá hận sông Gianh, xoá ranh giới "Đàng Trong", "Đàng Ngoài" in hằn hai thế kỷ và anh hùng trong thắng tích Thăng Long. "Đống Đa", từ hiện thực lịch sử, đã trở thành biểu tượng của dân tộc, bên cạnh Bạch Đằng, Chi Lăng ngày trước, cũng như Điện Biên Phủ sau này... Đống Đa là một tột đỉnh của phong trào Tây Sơn và chính nó đưa Quang Trung trở thành anh hùng dân tộc, trở thành một thiên tài quân sự Việt Nam, tiếp nối Trần Hưng Đạo, rửa hận cho Hồ Quý Ly...

Cũng đúng là sau CHIẾN THẮNG, do cuộc đời bậc tài danh quá ngắn ngủi, Ngài chưa kịp làm nhiều việc, nhất là việc thực hiện ý định phát đại quân tiễu trừ Nguyễn Ánh ở Gia Định. Bốn năm (1789-1792) chưa là cái gì cả, cho một xã hội cũ, cho một xã hội bộn bề đổ nát sau chiến tranh...

Sau chiến tranh, Ngài cũng chỉ quản lý được từ xứ Quảng trở ra Bắc; đất nước ba chính quyền, chưa thể gọi là THỐNG NHẤT. Sự bất hoà, đánh lẫn nhau rồi chia đất (từ 1776) giữa anh em Ngài là một tại hoạ lớn cho DÂN TỘC, cho NHÂN DÂN và cho bản thân dòng họ Nguyễn Tây Sơn. Lỗi lầm chính có thể thuộc về ông anh cả Nguyễn Nhạc, được Nguyễn Lữ hùa theo, song ngài cũng dự phần trách nhiệm. Anh em Tây Sơn thua anh em họ Đông A về điểm này, về sự biến bất hoà thành hoà thuận. Ngài không biết lùi như Trần Hưng Đạo đã lùi; và việc Ngài xưng đế ở Phú Xuân công vai sánh ngang Hoàng đế Nguyễn Nhạc được sử gia "chính thống" hết lời ca ngợi là để cho Mãn Thanh "biết tay", biết là "nước Nam này có chủ" chưa hẳn đã là điều hay. Ngài vẫn có thể nhân danh Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc mà đánh Mãn Thanh ?

Chế độ chính trị mà Ngài thiết lập trên nửa phía Bắc đất nước vẫn hoàn toàn cũ, kiểu quân chủ quan liêu, lại nặng về quân sự là đằng khác... Bất kể do bối cảnh lịch sử miền Bắc (nước cũ vua Lê), do hoàn cảnh đất nước sau chiến tranh như thế nào, đấy không hề là một sự đổi mới về chính trị...

Nguyễn Ánh đã tận dụng triệt để thời cơ và bối cảnh bất hoà của anh em Tây Sơn, dựa vào nhân tài vật lực Gia Định mà phục tích nhà cựu Nguyễn...

Về ý thức hệ, theo lời khuyên của La Sơn Phu Tử và chính Quang Trung khẳng định cương quyết: "Theo cái học của Chu Tử", tức là theo Tống Nho, điều mà 4 thế kỷ trước Ngài thua kém Hồ Quý Ly, càng thua kém vì cái khoảng cách 400 năm ấy đủ thể nghiệm sự thất bại của ngọn cờ ý thức hệ Tống Nho... Thậm chí, Ngài còn muốn "trở lại" ý thức độc tôn Nho Tống nữa kia. Có chuyện phá chùa - tháp thời Tây Sơn và có cả cái sắc lệnh rất khó thực hiện: "Ở mỗi huyện tổng chỉ có một chùa". Có chuyện phá chuông chùa để đến thời Cảnh Thịnh và sau đó nữa, dân lại quyên cúng đúc lại chuông chùa.

Ngài cũng đề cao chữ Nôm như Hồ Quý Ly, cũng cho dịch (Hồ Quý Ly thì tự dịch) kinh tịch cổ Trung Hoa ra chữ Nôm (đấy là mẫu số chung về "ý thức dân tộc" của các nhà cầm quyền đất Việt). Nhưng thời Hồ Quý Ly không có kinh tịch nào khác; và khi dịch Kinh Thư, Hồ Quý Ly cũng xé bỏ lời tựa của Chu Tử để đưa vào ý kiến cá nhân, phê phán cả Khổng lẫn Chu. Thời Nguyễn Huệ - Quang Trung, hậu bán thế kỷ XVIII, ngay ở Trung Hoa đã có nhiều sách khoa học kỹ thuật Tây phương mà Lê Quý Đôn đã biết tới trong một chuyến đi sứ sang Thanh và đã ghi lại trong Vân Đài Loại Ngữ, chẳng hạn về tri thức "Quả đất hình tròn và xoay quanh mặt trời". Nếu thật đổi mới, sao Ngài không cho dịch loại sách này ? Những lời khuyên về việc học thi cử của La Sơn Phu Tử mà Quang Trung hết sức nghe theo là hết sức cũ kỹ, cùng lắm chỉ là "Nho cải tiến". Chữ Nôm là một sáng tạo văn hoá lớn để có một nền văn học Nôm, văn học dân tộc từ thời Lý Trần Lê... Nhưng chữ Nôm rất khó học và phải có tiền đề là thông thạo chữ Hán. Thời Hồ Quý Ly chưa có chữ nào khác ngoài Hán và Nôm. Nhưng từ trước Quang Trung 1-2 thế kỷ đã xuất hiện chữ quốc ngữ do kết quả La tinh hoá tiếng Việt bởi giáo sĩ ngoại quốc và giáo dân Việt Nam. Từ giữa thế kỷ XVII đã có từ điển Việt - Bồ - La tinh của cố đạo A. de Rhodes. Nếu Quang Trung thực sự đổi mới giáo dục văn hoá, sao Ngài không cho truyền bá học quốc ngữ trong tầm tay của Ngài ?

Về kinh tế - xã hội, Ngài hạ chiếu Khuyến Nông và chiêu tập dân lưu tán trở về xóm làng cày cấy. Đó là việc đúng sau chiến tranh, nhưng đó cũng là việc từ ngàn năm xưa văn hiến Lý, Trần, Lê đấng minh quân nào cũng đã làm, biện pháp ấy không có gì mới mẻ... Xu hướng tiến lên của xã hội thời ấy là tư hữu hoá ruộng đất không có gì cưỡng lại nổi. Nhưng Ngài - và con cháu Ngài (vả kể cả vua Minh Mạng sau này) vẫn mơ tưởng đến - và với cố gắng vô vọng thực hiện, một thứ quốc hữu hoá ruộng đất. Đây là một ảo tưởng rất chi là Tàu - à la chinoise - là xưa cũ, về "thế giới đại đồng, thiên hạ vi công", một thứ "chủ nghĩa xã hội ảo tưởng" của nông dân và vua quan thân dân, hoặc đó là một kiểu "xã hội chủ nghĩa Nhà Nước" của Vương Mãng đời Hán hay Hồ Quý Ly đời cuối Trần...

Thế kỷ XVIII là thời buổi giao lưu kinh tế trên thế giới, trên cái biển và đại dương, bắt đầu phát triển mạnh. Phải tìm cách liên kết các thị trường địa phương thành thị trường dân tộc - quốc gia và gắn nó với thị trường thế giới. Thế mà Ngài lại chủ trương tự cung tự cấp: "Trẫm muốn không có thứ gì phải mua của Tàu cả".

Có người ở triều đình Phú Xuân đã nhắc khẽ Ngài: "Có lẽ vẫn phải mua thuốc bắc của Tàu" và Ngài gục gặc đầu đồng ý...

Ngài có ý định phát triển buôn bán với Trung Hoa và đã xin mở nhà hàng ở Nam Ninh (Quảng Tây), mở chợ biên giới ở Bình Thuỷ Quan (Cao Bằng) và Du Thôn Ải (Lạng Sơn).

Việc ấy đã được tiến hành từ thời Lý, với các bác dịch trường dọc biên giới Việt Trung (xem Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn). Những tài liệu mà Trần Văn Quý (Viện Hán Nôm) phát hiện được ở Quỳ Hợp thượng du Nghệ Tĩnh cho ta biết Tây Sơn cũng "cởi mở hơn" đối với việc buôn bán trên biến giới Việt - Lào...

Nhưng không một tài liệu nào cho đến nay được phát hiện cho ta biết về ý định của Ngài nhằm phát triển ngoại thương về hướng biển trong giao lưu kinh tế - văn hoá với Nhật Bản - thế giới Nam Hải và phương Tây...

Theo tôi hiểu, Quang Trung vẫn giữ cái nhìn hướng nội và lục địa cổ truyền và cổ xưa của các triều đại quân chủ Đại Việt. Việc Ngài muốn "xin lại" Lưỡng Quảng cũng như ý định cho tới trước lúc qua đời về việc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở xứ Nghệ - ngoài ý định "nắn gân" Càn Long và đề phòng Nguyễn Ánh từ Gia Định đi đường biển đánh ra Phú Xuân - cũng thể hiện cái nhìn hướng nội và lục địa đó.

Càng ngày thuyền chiến và thuỷ quân Tây Sơn càng lạc hậu so với lực lượng ấy của Nguyễn Ánh ở Gia Định. Từ Gia Định, Nguyễn Ánh biết đóng thuyền chiến lối phương Tây, xây thành biểu Vauban, mở mang đô thị Bến Nghé - Gia Định, giao thương với bên ngoài, không ngoài ý định phục tích nhà Cựu Nguyễn.

10 năm sau khi Quang Trung qua đời, Nguyễn Ánh đã toàn thắng Tây Sơn.

Lịch sử Việt Nam sang trang khác…

T.Q.V
(SH35/01&02-89)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng