THÁI DOÃN HIỂU
Hương thơm của đức hạnh và tiếng tăm tài ba vị Trạng nguyên tân khoa Mạc Đĩnh Chi vang sang tận thiên triều. Vua tôi nhà Nguyên ở Yên Kinh xôn xao muốn thử tài xem hư thực ra sao liền gửi thông điệp cho vua nhà Trần yêu cầu cử đích danh Mạc Đĩnh Chi sang sứ Trung Quốc.
Trần Anh Tông vời Mạc Đĩnh Chi vào thâm cung nói rõ yêu cầu của vua Nguyên Thế Tổ, giao trọng trách, dặn dò tỉ mỉ kỹ lưỡng chuyến công du: phải thật mềm dẻo giữ được mối bang giao hòa hiếu thực lòng giữa hai quốc gia và phải nâng cao vị trí của người ba lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông trước vua quan họ.
Mùa xuân năm 1308, niên hiệu Hưng Long thứ 16, triều Trần Anh Tông, Mạc Đĩnh Chi (1284 - 1361) phụng mạng vai chánh sứ dẫn đầu sứ bộ Đại Việt lên đường đi Yên Kinh (tức thủ đô Bắc Kinh ngày nay). Đường xa diệu vợi, một mình đơn thương độc mã giữa trùng vây của đám nho sĩ Tàu đa mưu túc trí mà vũ khí duy nhất chỉ là chiếc lưỡi mềm! Mạc Đĩnh Chi nung nấu tin ở mình, quyết làm tròn thiên sứ. Ông đã làm một cuộc đại náo thiên triều.
(…….)
*
Công vụ ngoại giao đã hoàn tất. Sứ đoàn Đại Việt chuẩn bị lên đường về nước. Triều đình nhà Nguyên mở tiệc trọng thể chiêu đãi tiễn hành hai vị sứ thần Đại Việt và Cao Ly cùng hồi quốc.
Giữa tiệc vua ban cho mỗi vị chiếc quạt lông chim quý của sứ giả Tây Vực(1) mới dâng bảo đề lên đó một bài minh, ai làm hay sẽ được trọng thưởng. Sứ thần Cao Ly phóng bút viết:
Uẩn long trùng trùng Y Doãn, Chu Công(2)
Vũ tuyết thê thê. Bá Di, Thúc Tề(3)
(Đang lúc nóng nực thì đắc dụng với đời như ông Y Doãn, Chu Công.
Đến khi mưa tuyết lạnh ngắt thì xếp xó một nơi như ông Bá Di, Thúc Tề).
Phía bên này Mạc Đĩnh Chi đang bí, nhác trông sang quản bút sứ Cao Ly bên kia, chớp được ý tứ như thế mới suy ra, tán rằng:
Lưu kim thước thạch, thiên địa vi lô
Nhữ ư thu thời hề, Y Chu cự nho
Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tải đồ
Nhữ ư tư hề, Di Tề ngã phu
Y! Dụng chi tắc thành, xả chi tắc tàng
Duy ngã dự nhĩ hữu thị phù!
(Nắng chảy vàng tan đá, trời đất như lò lửa
Người về lúc ấy chẳng khác nào hai ông cự nho Y Doãn, Chu Công
Gió bấc lạnh lùng, mưa tuyết lấp đường nghẽn lối
Người về lúc ấy như hai kẻ chết đói Bá Di, Thúc Tề
Than ôi! Dùng thì làm, bỏ thì cất đi
Chỉ có ta với ngươi như vậy ru?)
Nguyên Thành Tổ xem xong bài minh khuyên son chữ Y và châu phê bốn chữ “Lưỡng quốc Trạng nguyên”, rồi tự tay trao sắc phong cho Mạc Đĩnh Chi, vua nói:
- Quả là “Hoa sen trong giếng ngọc”, tài đức bậc này bản triều ta dễ có ai sánh kịp!
*
Trong thời gian sang sứ Trung Quốc, Mạc Đĩnh Chi chơi rất thân với sứ thần Cao Ly (Triều Tiên). Toàn bộ tài năng và đức hạnh của vị sứ thần Đại Việt 36 tuổi này đã lọt vào mắt xanh của vị Chánh sứ Cao Ly ngoài 60 tuổi. Duyên văn khi bài Phiến minh trên quạt đã kết họ lại thành một đôi bạn vong niên thâm giao tương đắc.
Gia phả tộc Mạc chép rằng: “tương truyền trên đường về nước, nhận lời mời của sứ thần Cao Ly, Mạc Đĩnh Chi có ghé Bình Nhưỡng. Quý trọng một tài năng và nhân cách, sứ thần Cao Ly gả cháu gái yêu của ngài cho sứ thần Đại Việt làm vợ thiếp. Vì nặng tình người và mến cảnh đất nước Đại Hàn, Mạc Đĩnh Chi đã lưu lại Triều Tiên sinh hạ một dòng con bên đó. Mạc Đĩnh Chi lưu luyến giã biệt vợ con một mình lên đường trở về cố quốc”.
Khi viết thế phả Hành trình dòng họ Mạc Nghệ Tĩnh, tôi (TDH) cho rằng những dòng trên đây trong thế phả cũ thật vu vơ huyền thoại. Chuyện kỳ lạ đó đã rơi vào quên lãng. Sử liệu không một dòng ghi chép, không ai biết để nhắc chuyện này. Thời gian đã khỏa lấp tất cả, thì bỗng mùa xuân năm 1926, nghĩa là sau sự kiện Mạc Đĩnh Chi từ Triều Tiên về nước tính đúng ra là đã 613 năm, trên An Nam tạp chí số 4, ông Lê Khắc Hòe có thuật lại một cuộc đối thoại thú vị giữa một người bán sâm nhĩ hồng Triều Tiên và phóng viên bản báo. Người bán sâm tự xưng danh và nhận là hậu duệ cụ Mạc Đĩnh Chi. Con người ấy, 16 tuổi đã đỗ cứ nhân, làm quận trưởng một quận ở Bắc Triều Tiên. Nhưng vì chán ghét ách đô hộ của Nhật Bản nên đã treo ấn từ quan, mượn cớ buôn sâm để chu du đó đây. Ông ta nói rằng lần này sang Việt Nam, tìm về Hải Dương là để chim tìm tổ người tìm tông…
Có lần, tôi đem chuyện này ra kể với anh Vũ Đình Triều - một nhà giáo dạy toán kỳ cựu của trường PTTH Trần Khai Nguyên, Tp. Hồ Chí Minh. Anh Triều dòng dõi Vũ Hữu (1443 - 1553) nhà toán học đầu tiên của nước ta, quê gốc làng Duyên Hà, Thái Bình. Nghe chuyện, anh Vũ khoái trá kêu lên:
- “Phải rồi! Hồi đó, có một tùy viên văn hóa sứ quán Đại Hàn đóng tại Sài Gòn, trong khi làm việc anh ta cứ tranh thủ hỏi tôi khá nhiều về Mạc Đĩnh Chi. Tôi đã kể cho anh ta theo hiểu biết của tôi. Nhưng lưng vốn cạn dần mà anh ta cứ truy bức tôi hoài, tôi cáu “Ông hỏi gì mà hỏi lắm thế?”. Anh ta mới xuýt xoa cáo lỗi: “Chả giấu gì ông, tôi chính là con cháu của cụ Trạng Mạc. Sở dĩ, tôi sang Việt Nam công cán là để tìm hiểu chút ít về tổ tông gốc gác, ông vui lòng giúp cho. Anh ta cũng kể lại sự tích đại khái như anh vừa kề”.
Mấy lâu nay tôi rất băn khoăn về chuyện này. Tết Giáp Ngọ 2014, tôi nhận điện thoại từ Hà Nội gọi vào của nhà ngoại giao Từ Anh Tuấn. Bạn tôi vừa đi dự chiêu đãi cuối năm ở bộ Ngoại giao, ngồi cận kề vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hàn Quốc là Trần Trọng Toàn. Anh Toàn kể cho Tuấn nghe về chuyện có một đám cư dân gốc Việt, tự nhận là con cháu Mạc Đĩnh Chi ở Hàn Quốc, họ di dân từ Bắc vào Nam từ lâu đời rồi. Thật lạ, trong sử liệu Hàn Quốc không hề có một dòng nào viết về sự kiện Mạc Đĩnh Chi đến Cao Ly làm rể quý, sinh con đẻ cái lưu lại một dòng máu Việt bên ấy, thế mà ngoài đời lại có chuyện kỳ thú như thế! Sau tết, tôi được vinh hạnh điện đàm khá lâu với Đại sứ Trần Trọng Toàn. Anh Toàn xác minh với tôi là “trên thực tế râm ran có chuyện ấy ở Hàn Quốc mặc dù không một thư tịch nào viết về sự kiện này”. Trong truyền thuyết dân gian, anh Toàn cho biết vị sứ thần Đại Việt bị sắc đẹp của một nữ tùy viên đoàn sứ bộ Cao Ly quyến mất hồn, và cuộc thăm viếng Bình Nhưỡng của Mạc Đĩnh Chi không loại trừ lý do tế nhị này. Ông kết duyên với cô nữ tùy viên xinh đẹp này là do sự tác thành quá nhiệt tình của đoàn sứ bộ Cao Ly, trong đó vai trò của ông chánh sứ là quyết định. Mạc Đĩnh Chi lưu lại Bình Nhưỡng có 3 tháng.
Đem so sánh đối chiếu với ba sự vụ ngẫu nhiên trên, chiều hướng tìm tòi về hậu duệ Mạc Đĩnh Chi ở Triều Tiên thế là đã sáng sủa và có thể đi đến kết luận.
Cái “mốt” của thời cổ điển là sự vay mượn. Nguyễn Du đã từng mượn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để viết nên kiệt tác Truyện Kiều. Sếchxpia mượn đề tài Đan Mạch cổ xưa để viết nên Hămlét bất hủ, mượn truyện Ý để viết Rômêô và Juylíet sống mãi. Thiên An Môn đường bệ như một kỳ quan của Trung Quốc có được là nhờ tay kiến trúc sư tài ba Nguyễn An (đời Trần) thiết kế nên. Sự giao lưu văn hóa này đã làm cho gương mặt trí tuệ nhân loại bừng sáng lên.
Nhưng việc vay mượn cả dòng máu trên đây vượt ra ngoài sức tưởng tượng của con người. Với người con của Mạc Đĩnh Chi ở Bắc Triều Tiên trong vòng hơn 706 năm qua (2014 - 1308) con cháu mang dòng máu Việt đã ra đời theo cấp số nhân, để lại một chi họ đông đúc bên đó chăng? Theo thống kê của chúng tôi, hiện nay dòng họ Mạc nếu lấy Mạc Đĩnh Chi làm tổ thứ nhất thì họ này đã sinh sôi là 6 triệu người dưới 50 họ khác nhau như: Mạc (như Hoàng đế Thái tổ Mạc Đăng Dung, Mạc Thị Bưởi); Hoàng (như Tổng đốc Hoàng Diệu, nhà toán học Hoàng Tụy ở Quảng Nam); Hoàng (như Nhượng Tống, Chu Thiên ở Nam Định, Hoàng (như anh hùng Hoàng Hanh, nhà thơ Hoàng Trần Cương ở Nam Đàn và Đô Lương); Lều (như nhà cách mạng Lều Văn Thọ), Nguyễn Đăng; Mai; Tô (như Tô Huy Rứa); Phan (như Phan Đăng Lưu, GS.TS. Phan Đăng Nhật, nhạc sĩ Hồng Đăng, nhà thơ Phan Xuân Hát ở Nghệ An); Thái (như nhà thơ Thái Can ở Mỹ, nhà nữ triết học Thái Kim Lan ở Đức); Thái như GS.TS. y khoa Thái Doãn Sơn, GS.TS. nông học Thái Phiên, đại gia tài chính xứ Nghệ Thái Hương ở Đô Lương, Nghệ An); Phạm (như liệt sĩ Phạm Hồng Thái ở Hưng Nguyên, Nghệ An); Phạm (như Trung tướng Phạm Kiệt, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Quảng Ngãi), Bế, Ma (như Ma Trường Nguyên); Đào; Khương; Đoàn…
Không riêng gì Mạc Đĩnh Chi, trước đó nhà Lý sau khi bị nhà Trần diệt, một thân vương họ Lý là Lý Long Tường đã trốn thoát khỏi kế hiểm nhổ cỏ tận gốc của Trần Thủ Độ. Thuyền của ông lênh đênh hàng tháng trời trên biển đã trôi dạt vào bán đảo Triều Tiên an toàn. Vì cảm thương cảnh hoạn nạn của hoàng thân họ Lý, vua đang trị vì vùng đất Nam Triều Tiên thời đó (vương triều Shilla?) đã chấp nhận cho vợ con vị hoàng thân tỵ nạn chính trị. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược, vị thân vương họ Lý đã chỉ huy một đạo quân lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần cùng quân dân Triều Tiên chiến thắng quân xâm lược. Vua Triều Tiên rất cảm kích đã phong tước quý tộc, cấp đất lập ấp cho ông. Con cháu họ Lý sinh sôi nảy nở thành một dòng thịnh vượng. Hậu duệ đời thứ 33 của Lý Long Tường đã trở về thăm cố quốc Việt Nam năm 1995. Ngoài dòng họ của Lý Long Tường bên đó còn có một dòng họ Lý ở Dương Côn nữa.
Ở Việt Nam ta có nhiều người mang tên họ Cáp cũng rất muốn biết ở Triều Tiên có họ như thế không? Các bạn họ Cáp Việt Nam rất thán phục một viên tướng Triều Tiên tên là Cáp Tô Văn anh dũng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của nhà Đường vào thế kỷ thứ VII. Theo dã sử, sau khi thua trận, Cáp Tô Văn cưỡi con thần mã chạy ra biển, song Tiết Nhân Quý - tướng nhà Đường đuổi kịp. Nhanh như chớp Cáp Tô Văn cắt đầu mình ném lại cho Tiết Nhân Quý, rồi biến thành một con rồng xanh bay vút về hướng Tây Nam. Một số bạn họ Cáp Việt Nam cũng tự coi mình là hậu duệ của Nguyên soái Cáp Tô Văn. Có phải chăng, sau khi bị thua trận, vua Triều Tiên chịu thần phục nhà Đường con cháu của họ Cáp sang nương náu ở Việt Nam tìm cơ hội phục quốc như những người Minh hương Trung Quốc? Và họ đã để lại một dòng tồn tại, phát triển đến ngày nay?(4).
Việt Nam - Triều Tiên cách xa nhau hàng vạn dặm nhưng có quan hệ huyết thống ít ai ngờ tới. Khi tiếp nhận bài viết này, tôi Thái Doãn Hiểu - hậu duệ đời thứ 29 của lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi - tác giả sách Hành trình dòng họ Mạc xuất bản lần thứ nhất 1979, lần thứ hai 2006, lần thứ ba 2014, dày 520 trang, mong muốn Đại sứ quán Việt Nam tại CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc xem xét con cháu họ Mạc, họ Cáp bên ấy - bên này động tĩnh ra sao? Việc này theo gợi ý của ông Đại sứ Trần Trọng Toàn là nên nhờ các vị tùy viên văn hóa sứ quán Hàn Quốc và CHND Triều Tiên giúp sức.
Có những sự thật bây giờ mới hé lộ! Rằng là không chỉ có vay mượn đề tài văn hóa để sáng tác mà còn giao lưu cả dòng máu nữa.
T.D.H
(SDB17/06-15)
.........................................
(1) Gồm các nước Tân Cương, Mianma.
(2) Y Doãn, Chu Công: Hai hiền thần nhà Thương và nhà Chu. Y Doãn giúp Thành Thang đánh vua Kiệt diệt nhà Hạ dựng nên nhà Thương. Chu Công là bào đệ của vua Văn Vương. Văn Vương chết, ông giúp cháu và Chu Thành Vương giữ vững nghiệp nhà Chu.
(3) Hai người là con vua Cô Trúc chư hầu của nhà Thương. Khi Võ Vương diệt vua Trụ lập ra nhà Chu, Di Tề lên án hành động của Vũ Vương là bất nghĩa bỏ lên ẩn ở núi Thú Dương, không thèm ăn thóc nhà Chu, hái rau vi ăn, chịu chết đói.
(4) Tiến sĩ Lê Nhiệm (đã mất) - nguyên giám đốc Cảng Sài Gòn cung cấp tư liệu này.