Đất và người
Quốc Uy công - Giác Sanh Thiện Hòa tử
09:38 | 30/07/2015

TRẦN VIẾT ĐIỀN

Thời gian gần đây các học giả, các nhà nghiên cứu đã bước đầu đánh giá, nhìn nhận lại công lao của các chúa Nguyễn đối với dân tộc, làm sáng vai trò của các chúa Nguyễn trong sự nghiệp mở mang đất nước vào thế kỷ 17, 18.

Quốc Uy công - Giác Sanh Thiện Hòa tử
Phủ thờ Uy Quốc công có tôn trí bức họa chân dung của ngài

Các chúa Nguyễn đã tiếp thu tinh hoa triết học Nho - Phật, với minh triết rất Việt “Cư Nho mộ Thích”, đã cố kết được các tầng lớp nhân dân trên vùng đất mới, trí thức với nông dân, thợ thuyền với thương buôn, dân bản địa với dân nhập cư, thậm chí người Minh chống Thanh với cướp biển hoàn lương, tù binh với tội phạm bị lưu đày... trong cuộc Nam tiến. Những ngày thơ ấu, kế tử Nguyễn Phúc Tần đã chứng kiến sự mâu thuẫn trong nội bộ gia đình chúa Nguyễn Phúc Lan về chính kiến, tín ngưỡng, tình cảm nam nữ,… dẫn đến huynh đệ tương tàn, thậm chí nồi da xáo thịt, chưa kể những cuộc vượt biển trở về Đàng Ngoài làm tăng sự nghi kỵ lẫn nhau giữa các vị chức sắc trong cung phủ… Khi lên ngôi, chúa Nguyễn Phúc Tần đã tìm cách khắc phục, muốn thế phải lo văn hóa giáo dục và tất nhiên phải đào tạo các công tử vậy. Khi đã có đường hướng giáo dục, chúa Nguyễn Phúc Tần sẵn sàng tuyển lựa các nhà khoa bảng của Lê - Trịnh, không may bị bắt làm tù binh, hoặc các vị cao tăng của Bắc quốc, đang qua Đàng Trong hoằng hóa, để làm thầy cho các công tử. Một trong những kết quả rực rỡ của đường hướng giáo dục “Cư Nho mộ Thích” của Đàng Trong là tạo được những nhân cách lớn mà công tử Nguyễn Phúc Hiệp là một trong số ấy.

Công tử Nguyễn Phúc Hiệp rèn luyện võ nghiệp

Những ngày kế tử Nguyễn Phúc Tần còn ở Dinh Trấn Thanh Chiêm thì phu nhân Châu Thị Viên sinh công tử thứ hai Nguyễn Phúc Hiệp vào năm Quí Mùi [1643]. Lên sáu, nhị công tử Hiệp cùng gia đình về sống ở phủ Kim Long, khi thân phụ Nguyễn Phúc Tần nối ngôi chúa Đàng Trong. Nhị công tử được giáo dưỡng đầy đủ, các thầy dạy là những nhà nho hiển đạt, thậm chí xuất thân là tù binh Lê - Trịnh nhưng có Nho học. Vì là công tử thứ hai, không là kế tử nhưng chúa Hiền quyết đào tạo Nguyễn Phúc Hiệp thành võ quan tài giỏi để giúp kế tử. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, Đàng Trong phải lo việc quân sự là việc làm tất nhiên. Về quân đội ngoài bộ binh, thủy binh, tượng binh, còn có kỵ binh nữa. Thời chúa Nguyễn Phúc Tần thường có những cuộc diễn tập kỵ binh từ quán Thanh Kệ đến Vạn Xuân. Phía đối ngạn của phủ Kim Long có gò Dương Xuân và Bàu Vá (thung lũng nhỏ), có khe Triều Tiên (dân gian gọi tắt là khe Tiên) vờn trước mặt phủ Dương Xuân (nên phủ này gọi là phủ Tiên). Chúa Nguyễn Phúc Tần dựng phủ này để tránh lụt và nơi trông coi diễn tập quân sự của kỵ binh, tượng binh, thủy binh. Về sau chúa Nguyễn Phúc Chu đã hoàn thiện Dương Xuân - Bàu Vá thành nơi luyện tập các binh chủng. Quân trường này là nơi công tử Nguyễn Phúc Hiệp được đào tạo trở thành vị chưởng cơ trẻ, trong độ tuổi 18 - 19; sớm thăng Chưởng dinh và lĩnh ấn nguyên soái trong trận chiến Trịnh - Nguyễn 1662.

Thời niên thiếu học Nho mộ Phật
 

Di vật chùa Vinh Hòa xưa trên núi Quy Sơn

Ngoài Nho học, công tử Hiệp cùng với nhiều thành viên khác của phủ Kim Long thường dự những buổi chay đàn hay thuyết pháp ở chùa công Kim Long, do các vị cao tăng người Tàu như Lục Hồ Viên Cảnh, Đại Thâm Viên Thật (hoặc Khoan) phụ trách. Những vị danh tăng này lập chùa ở Đăng Xương (nay là Quảng Trị) và hoằng pháp ở Thuận Hóa. Khoảng năm 1665, chúa Hiền dựng chùa Vinh Hòa, trên núi Quy Sơn (Linh Thái), việc làm này hoàn toàn giống ông cố của chúa dựng chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê vậy. Chúa giao thuộc hạ là cai bạ Trần Đình Ân đôn đốc công việc dựng chùa. Ân là quan lớn của phủ chúa, một Phật tử có đạo tâm ở thủ phủ Kim Long. Chùa Vinh Hòa còn có một thiền viện Thiền Tĩnh. Trú trì chùa Vinh Hòa một thời gian là Thiền sư Hương Hải. Rất nhiều thiện nam tín nữ, ngoài dân chúng còn có các thành viên trong cung phủ họ Nguyễn đến thiền viện Thiền Tĩnh quy y thành Phật tử. Nhị công tử Nguyễn Phúc Hiệp khoảng 23 tuổi, cách đây 3 năm là một vị nguyên soái trẻ tuổi, danh tiếng lẫy lừng trong cuộc chiến Trịnh Nguyễn 1662, nay là một Phật tử thường xuyên đến viện Thiền Tĩnh để học Phật. Núi Quy Sơn trở thành núi Quy Kính.

Người thầy mà Nguyễn Phúc Hiệp ngưỡng mộ

Hiệp Đức hầu rất ngưỡng mộ sư phụ Hương Hải thiền sư. Hương Hải thiền sư có ông cố là Trung Lộc Hầu đã theo Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa từ 1558. Thiền sư sinh năm 1627, từng đỗ hương cống (tương đương cử nhân) vào tuổi 18, bổ vào viện Văn Chức, sau đó cử bổ tri phủ Triệu Phong. Ở nơi công tác, khoảng năm 1653, ngài từng học Phật với thiền sư Lục Hồ Viên Cảnh, người Tàu, đang hoằng hóa ở Quảng Trị. Ba năm sau, tức là năm 1655, ngài từ quan, xuất gia, thí phát quy y với Viên Cảnh, được thiền sư này đặt pháp danh là Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự là Minh Châu Hương Hải. Hương Hải còn được học Phật với thiền sư Đại Thâm Viên Thật. Sau đó thiền sư Hương Hải đi thuyền ra đảo Tiêm Bút La (tức là cù lao Chàm) ở biển Đông, dựng một cái am ba gian bằng tranh tre để tu thiền. Ở thảo am được tám tháng; vì có những rắc rối với địa phương nên sư rời Tiêm Bút La về cố hương là làng Bình An Thượng, phủ Thăng Hoa,, định cất am tu ở đây. Thiện nam tín nữ, các bậc phụ lão ở đảo Tiêm Bút La đã cử người tìm sư và khẩn cầu ngài trở lại đảo. Ngài đã trở ra đảo, trụ trì ở đảo được tám năm, đạo hạnh của ngài lan tỏa xứ Đàng Trong. Chúa Nguyễn Phúc Tần biết tiếng Hương Hải liền cho người mời sư ra thủ phủ Kim Long. Lúc ngài đến phủ, chúa Hiền đón tiếp ân cần, rồi truyền lập một thiền viện Thiền Tĩnh trên núi Quy Kính để sư ở và truyền dạy Phật học. Anh trai Phước Mỹ hầu Nguyễn Phúc Diễn, Phu nhân của Nguyễn Phúc Thái, công tử Nguyễn Phúc Hiệp,… thường lên núi Quy Kính học đạo và quy y với ngài. Các quan trong triều, nhân dân các địa phương và những người trong quân ngũ đến xin quy y rất đông, cả thảy hơn 1.300 người. Thiền Tĩnh Viện trở nên một trung tâm Phật giáo nổi tiếng ở Đàng Trong.

Nguyên soái bi trí dũng trong trận Trấn Ninh

Tháng 6 dương lịch năm 1672, chúa Trịnh Tạc phong con trai Trịnh Căn làm Nguyên súy cai quản thủy quân và Lê Thời Hiến làm Thống suất bộ binh, đem 10 vạn quân (phao đồn là trên 18 vạn) vào bình định Đàng Trong. Để tiếp ứng, phô thanh thế, chúa Trịnh Tạc còn hộ giá vua Lê Gia Tông theo sau đoàn quân chinh nam. Khi được cấp báo, chúa Nguyễn Phúc Tần liền họp triều thần bàn kế chống đánh quân Trịnh, nhất là tìm một vị Nguyên soái để chỉ huy quân đội. Các quan đồng lòng đề nghị công tử Hiệp Đức hầu Nguyễn Phúc Hiệp làm Nguyên soái. Dẫu Hiệp Đức hầu còn trẻ, chưa đầy 30 tuổi nhưng là người có trí dũng, từng giữ chức nguyên soái trong trận chiến Lê - Trịnh 1662, kéo dài trong 3 tháng của 10 năm về trước, đáng được giao trọng trách ấy. Chúa Hiền chấp thuận, đồng thời cử thêm Vệ úy Mai Phúc Lãnh và Ký lục Võ Phi Thừa theo giúp việc cho Nguyên soái. Sử chép lại, khi chỉ huy chiến trận ở Quảng Bình, ngài Nguyễn Phúc Hiệp sống khắc khổ, đạm bạc, ở trong trại chỉ có giáp sĩ hầu hạ chứ không dùng hầu nữ. Lần nọ có một ông lão tên Bật Nghĩa đến trại với ý định “tiến” cho ngài cô con gái của ông, một thiếu nữ xinh đẹp, ngài liền từ chối thẳng nhưng không quên cấp cho ông lão 10 quan tiền về nhà làm ăn vì ngài hiểu rằng, ông lão làm vậy chỉ vì quá túng bấn trong thời loạn lạc. Ba quân nghe chuyện càng thêm kính phục vị tướng quân có đức có lượng. Với tài năng và đức độ của Hiệp Đức hầu, tướng tá cùng binh lính đã phá được âm mưu thôn tính Đàng Trong của quân Trịnh. Qua các trận đánh từ tháng 7 năm 1672 đến tháng 7 năm 1673 chúa Trịnh và chúa Nguyễn bãi binh. Điều đáng nói là Hiệp Đức hầu đã giác ngộ sâu sắc về cảnh nồi da xáo thịt của những người lính cùng dòng máu Việt! Máu cả hai bên đã chảy thành sông, xác lính tử trận của cả hai bên đã chất thành gò… làm cho vị Nguyên soái trẻ, vốn là một Phật tử, “đau đớn trong lòng”. Sau khi quân Lê Trịnh đã rút, phàm những người lính Bắc Hà bị bắt, Nguyên soái không giết hại một người nào, đều sai cấp tiến gạo, quần áo cho về quê hoặc cho vào Quảng Nam khai khẩn làm ăn. Hiệp Đức hầu cho lập đàn trong thành Trấn Ninh để tế những tướng sĩ tử vong, một đàn ngoài lũy để tế các tướng sĩ Trịnh đã hy sinh, không phân biệt quân Bắc hay quân Nam!

Hiệp Đức hầu quyết xuất gia học Phật

Khi cùng đoàn quân thắng trận ca khúc khải hoàn, chưa về thủ phủ Phú Xuân, đích thân chúa Nguyễn Phúc Tần đã sớm cùng đoàn tùy tùng đã ra phía Bắc chính dinh để đón rước một cách trọng thị và ban thưởng rất hậu. Chúa Nguyễn Phúc Tần đâu biết, trong lòng người con trai anh hùng của mình đã “giác ngộ” sau khi trải qua một nỗi “ăn năn” tột cùng về việc tham gia vào những đợt chém giết những người cùng dòng máu Việt! Về đến thủ phủ Kim Long, Hiệp Đức hầu sớm rời khỏi dinh phủ, từ giã vợ con, các gái hầu, về làng Vân Thê làm một ngôi chùa nhỏ ẩn tu thờ Phật, cùng vài bạn tu bàn đạo huyền vi. Sau đó Hiệp Đức hầu vân du phương Nam, đến dinh Thái Khang. Đất này vào giữa thế kỷ 17 đã trở thành một bộ phận của đất Việt. Khi đến phủ Quy Nhơn, Bình Định, Hiêp Đức Hầu có nhân duyên gặp Hòa thượng Giác Phong (vị này về sau ra Huế, lập chùa Hàm Long (Bảo Quốc)). Ngài Giác Phong thấy Hiệp Đức hầu có tâm thành cầu đạo và có lòng muốn độ chúng sinh nên khen tặng bảy chữ: “Tôn Nhơn Tự Giác, Giác Hàm Sanh” và truyền cho bài kệ:

“Phước Chiểu liên hoa diệu
Thiền gia ngọc bát hương
Vĩnh truyền ngộ tông ấn
Chánh pháp thạnh Nam phương”


Từ đó Hiệp Đức hầu lấy hiệu là Giác Sanh Thiện Hòa tử tiếp tục vân du tu học. Năm 1673, đến trấn Thái Khang (tỉnh Khánh Hòa ngày nay), Giác Sanh Thiện Hòa tử chọn ngọn núi Bút Sơn nằm bên bờ sông Cái, dựng tích trượng tại đây, lập am tranh tu thiền, hoằng dương đạo pháp. Kính phục tài đức của Giác Sanh Thiện Hòa tử, các quan chức và dân chúng khắp nơi nghe danh đã đến Bút Sơn tham học và quy y rất đông. Thiền sư Giác Sanh phải biến am tranh thành một ngôi chùa lớn lấy tên là Minh Thiện. Trong sách “Bình Khang thắng tích” do quan Cai bạ Nguyễn Đình Xuân viết năm Tân Dậu 1740 cho biết, tên chùa Minh Thiện là do Tổ Giác Sanh lấy ý từ sách Đại học của Khổng Tử: “Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí Thiện”, nghĩa là người học đạo của Thánh hiền phải sửa mình cho được sáng suốt, đức sáng giáo dục mọi người tiến tới tốt đẹp, đến chỗ rốt ráo là rất hiền lành. Khoảng năm 1675, Giác Sanh Thiện Hòa tử có khả năng mời sư phụ Giác Phong về chính dinh, và ngài cùng sư phụ lai kinh, khi về lại Phú Xuân Giác Sanh Thiện Hòa tử đã mắc bệnh đậu mùa và đã qua đời. Các đệ tử ở chùa Minh Thiện đã dựng tháp tổ để thờ vọng tổ khai sơn. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát đã sắc tứ ngôi chùa Minh Thiện vào năm 1740.

Biển sắc tứ chùa Minh Thiện (1740) và tháp tổ của chùa


Hiệp Đức hầu sinh năm 1643 hay 1652?

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn từng hoài nghi dữ kiện Nguyễn Phúc Chiểu sinh năm 1652 và sự kiện ngài là tổ khai sơn chùa Minh Thiện ở Khánh Hòa qua bài viết Danh nhân Phật giáo Nam Hà: Nguyễn Phước Hiệp đăng trên Gia- odiemonline ngày 8/11/2011. Trần Đình Sơn dựa vào Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm và Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán ?]. Theo hai tài liệu này thì Nguyễn Phúc Chiểu sinh năm Quý Mùi 1643]. Tra cứu Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc soạn năm 1994 và Nguyễn Phúc tộc hoàng triều tôn phả Hệ 5 Phòng Quốc Uy công do ông Tôn Thất Lôi soạn thì chép rằng Nguyễn Phúc Chiểu sinh năm 1652. Thực ra khi soạn hai cuốn phả trên các soạn giả đều dựa vào Đại Nam thực lục tiền biên. Các bộ sử này do Quốc sử quán tổ chức biên soạn thời vua Nguyễn, cho rằng Hiệp Đức hầu là công tử thứ 4. Nếu Nguyễn Phúc Diễn sinh năm 1639, Nguyễn Phúc Chiểu sinh năm 1643, Nguyễn Phúc Thái sinh năm 1653, Nguyễn Phúc Trăn sinh năm 1657 thì đệ nhất công tử là Nguyễn Phúc Diễn, đệ nhị công tử là Nguyễn Phúc Chiểu, đệ tam công tử là Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Trăn là đệ tứ công tử. Do Nguyễn Phúc Chiểu mất năm 1675, nên Nguyễn Phúc Thái trở thành nhị công tử; Nguyễn Phúc Diễn mất năm 1684 nên Nguyễn Phúc Thái trở thành kế tử... Nếu Nguyễn Phúc Hiệp sinh năm 1652 thì vẫn trước năm sinh của Nguyễn Phúc Trân [1657], nghĩa là ngài không thể là công tử thứ 4 của Hiền vương Nguyễn Phúc Tần.

Có một trận chiến tranh Trịnh Nguyễn không kém phần khốc liệt xảy ra cuối năm 1661 và hết mùa xuân 1662 ở lũy Thầy. Diễn biến trận chiến này rõ ràng các soạn giả thực lục đã dựa vào Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm. Sinh thời Giáo sư Hoàng Xuân Hãn từng nhận xét sách này: “Tôi không nhận sách này là một bộ sử chính quy, nhưng cũng không coi nó là một tiểu thuyết đơn thuần... Tôi nghĩ rằng về đại cương cũng như về chi tiết sách này khá đáng tin, nhất là về khoảng từ chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) về sau...”. Nhưng vì họ đã chọn năm sinh Hiệp Đức Hầu là 1652, xếp Hiệp Đức hầu là công tử thứ 4, nên họ đã gạt bỏ Hiệp Đức hầu trong trận này. Theo Nguyễn Khoa Chiêm trong trận này Hiệp Đức Hầu đã 19, 20 tuổi và đã được phong nguyên soái. Nam triều công nghiệp diễn chí chép: “Được tin bên Bắc sai bọn quận Phú, quận Đương đem quân vào xâm phạm bờ cõi, chúa Hiền bèn triệu họp các tướng để bàn cách ứng phó. Rồi chúa sai công tử thứ hai là chưởng dinh Hiệp Đức hầu làm nguyên soái, văn chức là Cống Giác làm tham mưu đem quân đi chặn địch. Công tử Hiệp Đức sinh năm Quý Mùi [1643] đến bây giờ mới mười chín tuổi...”. Lịch triều tạp kỷ của Ngô Cao Lãng soạn thời vua Gia Long từng chép: “Hiệp quận công Nguyễn Phúc Chiểu, con thứ hai Dũng quốc công, chết, được truy phong là Minh nghĩa tuyên lực công thần, khai phủ phụ quốc thượng tướng quân...” (sdd, tập I, tr.59). Theo ông Lê Huy Ha, cháu ngoại của ngài Tôn Thất Bích (Khinh xa Đô úy thời vua Bảo Đại) thì ông cậu Tôn Thất Thắng (kiến trúc sư, từng làm việc ở phủ Tôn Nhơn) từng cho rằng ngài Hiệp Đức hầu qua đời vào độ tuổi 33. Ông Ha cũng cũng cho biết ông cậu Tôn Thất Thắng có nhiều công sức trong việc vận động trùng tu phủ thờ Quốc Uy công và khi trùng tu phủ thờ, bài vị, sắc phong, tranh vẽ, đồ tự khí… đều do ông Tôn Thất Thắng tạm tôn trí ở gian thờ ở nhà riêng của ông Tôn Thất Thắng trên đường Hùng Vương.

Việc hậu sự đầy tồn nghi của Hiệp Đức hầu

Theo Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm thì khi Hiệp Đức hầu qua đời, gia đình đã táng ngài tại Hiền Sĩ. Thực ra khi ngài về lập thảo am ở xã Quán Khách một thời gian, gia đình của Hiệp Đức hầu đã tậu nhiều ruộng vườn ở xã Vân Thê, để canh tác. Trong vườn nhà có một địa cuộc rất tốt, gia quyến muốn táng Hiệp Đức hầu ở đó nhưng có khả năng bị cung phủ Hiền vương cản trở. Theo Nguyễn Khoa Chiêm thì trong nội bộ gia đình Hiền Vương, nhất là kế tử Nguyễn Phúc Diễn, có những nghi ngại về hành tung của nhị công tử khi ngài ấy về Vân Thê tu luyện. Rốt cuộc nhà chúa đã táng Hiệp Đức hầu ở Hiền Sĩ. Tuy nhiên, về sau có thể hậu duệ của Hiệp Đức hầu đã bí mật cải táng ngài về vườn nhà ở Vân Thê. Sự kiện về hai người con là Huệ và Thông của Nguyễn Phúc Diễn, thời chúa Nguyễn Phúc Chu đã âm mưu “lật đổ” ngôi chúa của cháu, việc bại lộ cả hai đều bị trị tội. Đến thời vua Minh Mạng, vẫn chưa tha thứ tội này cho con cháu Huệ. Chẳng hạn cháu đời thứ 5 của Tôn Thất Huệ là Tôn Thất Huyên, theo Nguyễn Vương suốt thời gian chống Tây Sơn, phấn đấu làm quan đến lưu thủ cai cơ, chánh quản đồ gia nhưng năm Minh Mạng thứ 5 bắt giảm nửa tiền lương, đến năm Minh Mạng thứ 15 thì xóa tên trong sổ Tôn Thất, cho đổi sang họ Nguyễn Thuận, cho ở đâu thì phải đăng ký hộ tịch và chịu sai dịch ở đó. Hậu duệ của Hiệp Đức hầu, sống ở Vân Thê cho rằng đời Minh Mạng sợ hệ 5 phát đế, đã bắt buộc hệ 5 cải táng mộ Hiệp Đức hầu về lại Hiền Sĩ. Tất nhiên vua Minh Mạng vẫn sắc phong Hiệp Đức hầu Quốc Uy công vào năm Minh Mạng thứ 12 nhưng đồng thời cho cải táng ngài về Hiền Sĩ.

Cụ Tôn Thất Cử đang lo phụng tự ở phủ thờ Quốc Uy công chỉ cho chúng tôi dấu vết huyệt mộ cũ, nay thành “Ao sành”, nơi vua Minh Mạng cho lính đổ sành sứ xuống để yểm. Ngoài ra, vua Minh Mạng cũng cho đào khúc sông vắt qua làng Vân Thê và cũng có thao tác yểm long mạch bằng sành…

Hậu duệ (Khinh xa Đô úy Tôn Thất Bích) và mộ song táng của Quốc Uy công và phu nhân


Lần cải táng thứ 3 từ Hiền Sĩ về Vân Thê

Sau năm 1975, hệ 5, phòng đã tổ chức con cháu nội ngoại thuộc, cải táng mộ của Quốc Uy công ở Hiền Sĩ và phu nhân Nguyễn Thị Hưng ở Lại Bằng về lại vườn phủ. Mộ song táng của ngài Quốc Uy công và phu nhân hiện nay nằm phía phải của phủ Quốc Uy công, đã được tôn tạo bề thế. Một chi tiết quan trọng, rằng các ông Tôn Thất Nghiễm (con trai ông Tôn Thất Thắng), Tôn Thất Long (con trai ông Tôn Thất Quang), ông Tôn Thất Đức (con trai ông Tôn Thất Luân),… đã cho biết khi cải táng mộ ngài Quốc Uy công từ Hiền Sĩ vào Vân Thê, khi khai quật mộ vẫn còn phát hiện một số mảnh xương sọ, vài cái răng, của ngài… và đặc biệt còn tràng hạt mã não mà sinh thời ngài thường dùng. Đây là bằng chứng Hiệp Đức hầu không viên tịch ở chùa Minh Thiện, không có việc các đệ tử của ngài đã hỏa táng nhục thể, chia tro cốt làm hai, một nhập tháp và một đưa về Phú Xuân.

Thay lời kết

Về đời và về đạo thì Hiệp Đức hầu Nguyễn Phúc Hiệp của xứ Đàng Trong như một vì sao đã tỏa sáng vào thế kỷ 17. Các sử gia của Quốc sử quán triều Nguyễn đã có những dòng tôn vinh hết mức, nhất là vua chúa triều Nguyễn đã truy phong với chức tước rất cao, với những mỹ từ đẹp nhất đối với Quốc Uy công. Tuy nhiên do dưới góc nhìn Nho học, những sự kiện Hiệp Đức hầu mộ Phật, xuất gia quy y Phật, lập chùa và làm tổ khai sơn, thì các sử gia của Quốc sử quán lại lờ đi. Lại thêm, các người cháu ruột của Quốc Uy công như Huệ, Thông làm phản, rồi do ý thức trưởng thứ đeo đẳng và thói quen tin phong thủy, ám ảnh hoàng tộc triều Nguyễn, hậu quả hành trạng của Quốc Uy công được ghi không đầy đủ trong chính sử, thậm chí Hiệp Đức hầu bị lỗi hàng thế thứ! Đời sau soạn thế phả, phần viết về những nhân vật lịch sử như Quốc Uy công, nếu chỉ dựa vào chính sử làm căn cứ chính thì ắt phải phạm sai lầm vậy. Trận đánh lớn 1672, kéo dài gần một năm, giữa quân đội Lê - Trịnh và quân đội chúa Nguyễn là rất đẫm máu. Hằng vạn thây ma không toàn thân của những anh em người Việt la liệt ở hào lũy, bờ sông,… thậm chí dật dờ theo những sông máu, đã làm cho nguyên soái Hiệp Đức hầu bị sốc. Qua cơn sốc, ngài đã ngộ một điều, rằng ngài chẳng chiến thắng, đồng bào của cả hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài đều tổn thất nặng nề, núi xương sông máu không là hình tượng của thi ca mà là vật thật trước mắt ngài. Từ nỗi đau khó tả, trong đáy lòng Hiệp Đức hầu càng xót xa về nghiệp ác mình đã phải mang bấy nhiêu! Về lại chính dinh, Hiệp Đức hầu sớm xuất gia. Mấy trăm năm được truy phong đến chức Đô thống chưởng phủ sự, tước đến Quốc Uy công, mộ phần có phu coi sóc nhưng tất cả chỉ là phù du, một điều rất thật đối với ngài ấy là tấm lòng của một con người đích thực đã dành cho những người sống cùng thời với ngài.

Huế, tháng 4/2015
T.V.Đ  
(SH317/07-15)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng