Đất và người
Hương sắc trong tư tưởng của Nguyễn Thuật (1842 - 1912)
09:25 | 31/08/2015

LÊ QUANG THÁI

Nội dung của bài này chỉ nhằm khiêm tốn khơi gợi lại một số di tích tại chốn kinh sư liên quan đến các nhân vật lịch sử, làng xã, chùa quán mà nhà văn lớn Hà Đình Nguyễn Thuật đã ưu ái dành nhiều cảm xúc quan tâm trong sáng tác thơ văn.

Hương sắc trong tư tưởng của Nguyễn Thuật (1842 - 1912)
Chân dung cụ Nguyễn Thuật - Ảnh: wiki

I. NẾP NHÀ THANH ĐẠM, NHÂN CÁCH CAO KHIẾT

Hà Đình Nguyễn Thuật đỗ Phó bảng, làm quan trải qua các triều vua từ Tự Đức đến Duy Tân. Ông sinh năm Nhâm Dần (1842), mất ngày 25 tháng 11 năm Tân Hợi, năm cùng tháng tận đã qua năm mới theo dương lịch: 1912 chớ không phải 1911. Vua Duy Tân đặc biệt thương tiếc, đã truy tiến ban tặng Vinh lộc đại phu đông các đại học sĩ - Niên hiệu Duy Tân là do ông gợi ý cho Triều thần Huế đặt tên. Sắc phong nói rõ đây là một “Di vinh”, có nghĩa là vinh dự hơn những lần sắc phong trước đây.

Khen ông trọn phúc bảy mươi,
Công lao to tát đầy người lòng son.


Sau khi ông mất đi, một thi sĩ khuyết danh đã đề vịnh. Trích lại 4 câu:

Bước đến Hà Kiều dạ ngẩn ngơ,
Trời êm bốn mặt lặng như tờ
Bàu sen gió cuốn chim bay bổng
Cầu gỗ người qua bóng phất phơ.


Quê hương ông: làng văn hiến Hà Lam, nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, nơi có chiếc cầu gỗ xinh xinh bắc qua bàu sen thẳng tới nếp nhà trâm mà thanh đạm và cao khiết.

Ông đã từng là người trong cuộc, chấp bút theo sắc chỉ của vua viết bia ký chùa Linh Quang, nhật ký đi sứ Trung Quốc, tự nguyện viết câu đối tặng danh nhân trong việc chúc mừng, hiếu sự… tất cả để lại cho đời sau sáng tỏ hơn những gì đã bị bóng đổ thời gian che lấp, cho nên có độ tin cậy cao. Ngoại sử đã bổ sung cho chính sử không cho phép rộng đường đi vào chi li bằng những tình tiết mang tính nhân văn xuất phát từ thế tục của từng giòng tộc hoặc làng xã văn hiến.

II. HƯƠNG SẮC TRONG THƠ VĂN CỦA HÀ ĐÌNH

Làng nước trong sinh hoạt đời sống xã hội diễn ra muôn màu, muôn sắc, muôn hương làm sao kể hết, chỉ nêu lên một số tình huống ứng xử của bậc hiền thần.

2.1. Chúc tặng Tăng cang chùa Từ Hiếu

Hòa Thượng Thích Nhất Định (1784 - 1847), thế danh Nguyễn Nhất Định, quê thôn Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương (tức Triệu Phong ngày nay), tỉnh Quảng Trị. Ngài khai sơn chùa Từ Hiếu tại làng Dương Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên.

Ngài tinh thông Tam giáo, đặc biệt uyên áo về Lão học. Dưới triều vua Minh Mạng sơn môn và bộ Lễ hiệp thương cung cử Ngài giữ chức Tăng cang Linh Hựu quán vào năm Kỷ Sửu, 1829, niên hiệu thứ 9. Theo điển lệ khi nhà sư được cử giữ chức Tăng cang quốc tự thì ghi thế danh chớ không biên chép Pháp hiệu. Về sau ở tuổi cao, Hòa thượng xin nghỉ chức Tăng cang để chăm sóc mẹ già. Ngài cất dựng một cái am tranh và đặt tên là am Dưỡng An để nuôi mẹ. Thế gian cảm động đức hiếu của Ngài gọi tên am là Từ Hiếu. Sau khi Ngài viên tịch vào năm 1847, vua Tự Đức ban sắc phong chùa là “Sắc tứ Từ Hiếu tự”. Am là tiền thân của chùa.

Năm ấy, hiền thần Nguyễn Thuật còn nhỏ tuổi sống ở quê nhà, sau năm 1868 mới xuất thân làm quan tại kinh đô Huế. Như thế, tác giả Nguyễn Thuật làm câu đối truy tặng Hòa Thượng. Ở phần lạc khoản viết rằng: “Đề hứa Từ Hiếu tự Tăng cang do tại Dương Xuân xã”.

Nguyên văn câu đối được phiên âm như sau:

Từ hiếu bất ly chơn Phật tánh
Dương Xuân vô hạn kiến thiền cơ.


Dịch nghĩa: (Chúc tặng Ngài Tăng cang chùa Từ Hiếu ở xã Dương Xuân)

Hiếu thương mẹ không xa chân Phật tính
Dương Xuân bát ngát gặp bóng Thiền cơ.


Do lòng quý mến người làng Dương Xuân, Hà Đình Nguyễn Thuật đã cho nhà Tăng của chùa làng Dương Xuân. Lạc khoản viết “Đề bổn xã tự Tăng gia”.

Nguyên văn câu đối ấy được phiên âm:

Huệ căn diệu giải liên hoa kệ
Nhã trí trân tàng thị diệp thư


Dịch là:

Nhờ huệ căn hiểu rành rẽ bài kệ Liên Hoa
Tìm cái thanh nhã chứa trong từng trang kinh báu.


2.2. Điếu ông Nguyễn Khoa Luận (1834 - 1900)

Ông thuộc dòng tộc Nguyễn Khoa làm quan lớn từ thời chúa Nguyễn, nhập tịch thôn Từ Tây, làng An Cựu, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên kể từ đời thứ 7 là ông Nguyễn Khoa Minh (1778 - 1837) giữ chức Thượng Thư dưới triều vua Minh Mạng.

Năm Tân Dậu, Tự Đức thứ 14 (1861) ông Nguyễn Khoa Luận thi Hương tại trường thi Thừa Thiên đỗ Cử nhân, khai khoa cho dòng tộc. Ông ra làm quan tới thất thủ kinh đô Huế, ông rủ áo từ quan đi ẩn cư, rồi năm 1886 đi tu ở chùa Từ Hiếu.

Lúc ông từ quan ở ẩn tại chùa Đại Bi ở miền núi tỉnh Thanh Hóa, Tổng đốc Nguyễn Thuật và Tuần vũ Hà Ngại tìm gặp trao đổi hơn thiệt. Nhưng nhất thiết quyết chí trở về Huế để đi tu Thiền. Năm 1891, thọ đại giới và trở thành Viên Giác Đại sư. Sơn môn chùa Từ Hiếu và dòng tộc cung cử Ngài giữ chức Trú Trì đầu tiên của chùa Ba La Mật, Huế. Chùa tọa lạc ở địa điểm phía ngang làng Nam Phổ, bên trái Từ đường họ Nguyễn Khoa, đã được xây dựng từ năm 1886. Năm 1900, Đại sư viên tịch.

Hà Đình Nguyễn Thuật có câu đối điếu bằng chữ Hán tỏ tình một cách khôn khéo:

Thân viễn gian ngu tri Phật lực
Tử năng khoa hoạn thị gia thinh.


Dịch là:

Thân vui thoát khổ, tường Phật lực
Con giỏi làm quan, đẹp gia phong.


2.3. Câu đối điếu ông Trần Viết Thọ

Tình cảm của Hà Đình Nguyễn Thuật đối với làng xã, bà con và bằng hữu thật chân thực mà thanh nhã. Hết khóc ông bạn Nguyễn Khoa Luận, lại vãn ông Trần Viết Thọ. Mỗi người một thứ tình mà đối đãi giao lưu với bạn cũ vong niên lớn tuổi hơn.

Ông Trần Viết Thọ (1836 - 1898), người làng Thâm Triều, tổng An Lưu, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị. Tại trường thi Hương Thừa Thiên khoa Đinh Mão (1867) cả hai vị đều đỗ Cử nhân; ông Thọ đỗ thứ 3, ông Thuật đỗ thứ 8 theo danh sách lấy đỗ 32 cử nhân. Khoa thi Hội năm Tân Mùi, 1871, Trần Viết Thọ đỗ Phó bảng, ra làm quan tới chức Đốc học tỉnh Quảng Trị. Sau ngày thất thủ kinh đô năm Ất Dậu 1885, ông từ quan rồi đi tu Thiền. Một hôm ông chất củi bốn phía cao, rồi lên giàn tự châm lửa một cách an nhiên tại chốn am tranh nơi quê nhà.

Điếu bạn, Hà Đình viết theo lối vãn: “Vãn tiền Quảng Trị Đốc học”. Nguyên văn lời vãn được phiên âm như sau:

Tu đáo thử khởi vô nhân, mạc vấn sanh thiên tiền thành Phật hậu
Tử như hà bất khả biện, chỉ tranh khẳng khái dị thung dung nan.


Dịch là:

Tu tới mức này há không nguyên nhân, đừng hỏi sinh lên trời rồi sau mới thành Phật.
Chết như thế nào không thể nói, chỉ điều khẳng khái ung dung như vầy, quả khó khăn
.

Dùng thể vãn để điếu biểu cảm được tình thương hoài gây những vấn vương giữa người còn kẻ mất.

2.4. Viết Bia ký chùa Linh Quang

Tác phẩm của Hà Đình Nguyễn Thuật để lại cho đời thật đồ sộ. Bút lực của ông thật sung mãn kể từ sau năm 1868 ra làm quan đạt tới phẩm hàm nhất phẩm triều đình cho đến ngày mất năm 1912. Ông có lập trường uy vũ bất năng khuất, chống lại sự lạm quyền và tàn ác của Nguyễn Thân và Hoàng Cao Khải, cho nên đã từ quan về hưu năm 1901. Nhân quả rõ ràng, cuối cùng Nguyễn Thân và Hoàng Cao Khải đều bị Nam triều và chính quyền bảo hộ Pháp thải hồi. Vua Thành Thái ban chỉ triệu mời ông và cựu thượng thư Hồ Lệ ra Huế thay thế hai nhân vật “hết thời” nói trên vào năm 1901.

Ngoài quốc sử, con cháu của Hà Đình Nguyễn Thuật đã khéo bảo lưu phần lớn tác phẩm của ông bằng chữ Hán và chữ Nôm. Không có vị quan, vị thầy nào biết cách lưu trữ những tiểu phẩm, tác phẩm lớn của mình như ông.

Hà Đình giàu sở trường về thi họa và viết bia ký. Đó là thiên tài phú bẩm và cộng thêm do rèn luyện lâu ngày mà có được. Suốt đời ông “cày ruộng đá” bằng bút nghiên của một nhà Nho uyên thâm Tam giáo…

Theo di cảo, bia ký chùa Linh Quang, cạnh chùa Từ Đàm, Huế do Hiền thần Nguyễn Thuật vâng mệnh vua Đồng Khánh viết năm Đinh Hợi, niên hiệu Đồng Khánh thứ 2, năm 1887. Ông vâng chỉ của vua Thành Thái viết tiếp bia ký của chùa Linh Quang vào năm Thành Thái thứ 8, tức năm Mậu Tuất 1898.

Thủ bất tận ngôn, xin trích dẫn 2 chi tiết để làm bằng chứng minh họa.

* Chi tiết 1 do Nguyễn Thuật viết năm 1887 thì cảnh trí chùa Linh Quang vào thời ấy như sau:

“Nay thần cung kính vâng lịnh Trang Ý Thuận Hiếu Hoàng hậu, Thái Hoàng hậu ngỏ ý cất lại [chùa] cho đẹp hơn…

Từ đó đường viện được cất thêm ra rực rỡ, lộng lẫy một thời vách ngọc huy hoàng; tiếng ca tụng kinh kệ hòa lẫn trong khói cây rừng, tiếng chuông ngân vang trong sương đêm. Văn nhơn mặc khách thảnh thơi kiếm nơi thanh nhàn u nhã, họ tới lui chốn Thiền môn này không ngớt. Nơi đây trở thành ngôi chùa số một ngoài kinh thành…”

* Chi tiết 2: Cảnh chùa Linh Quang dưới thời vua Thành Thái:

“Thần Nguyễn Thuật vâng lịnh vua, viết bài trí. Từ khi dời cất nơi đây mới là 15 năm mà chùa, cổng đều lộng lẫy huy hoàng, mở mạch giáo pháp, đất bắn lên ánh sáng vàng, các ngọn núi đều chầu vào, tạo thành cảnh giới tráng lệ riêng biệt. Ai nhìn đến cũng đều ca tụng”…

Chỉ cần bằng dựa theo nội dung của 4 tiểu đề của phần II: “Hương sắc trong thơ văn của Hà Đình”, chúng tôi nhận thức được rằng mẫu người như Hà Đình Nguyễn Thuật (1842 - 1912) thì xưa nay hiếm có được vì đó là một nhân cách lớn của một bậc hiền nhân quân tử mà Dịch kinh đã viết:

“Mới hay quân tử ngôn hành,
Đủ làm trời đất rung rinh mấy hồi,
Cho nên trong việc trong lời,
Cố sao thận trọng đáng người hiền nhân…”

            (Nguyễn Văn Thọ dịch)

Có lẽ, đối với nhà văn lớn xuất thân là nhà Nho uyên thâm Tam giáo “có được” là do “nghiệp” mà có. Vâng, ông Hà Đình Nguyễn Thuật đã trực nhận và hoát ngộ ra điều ấy một cách rõ nét nhất qua lời kết của bài đề vịnh sau khi quan chiêm “bia đề tên Tiến sĩ đời Lê”:

Thắng quốc bảo sùng chiêu đợi ý
Bất vọng bồi thực thị Nho thư


Dịch là:

Cả nước khen mừng vinh hiển rạng,
Đừng quên vun đắp nghiệp Nho gia.


L.Q.T
(SH318/08-15)  








 

Các bài mới
Các bài đã đăng