Đất và người
Đại thi hào Nguyễn Du với Huế
09:09 | 06/11/2020

NGUYỄN DUY TỜ    

1.
Không phải đến tận năm 1805, ở tuổi 41, được triều đình nhà Nguyễn bổ chức Đông Các học sĩ, trao cho tước Du Đức hầu, Nguyễn Du mới vào Huế.

Đại thi hào Nguyễn Du với Huế
Ảnh: internet

Từ 12 năm trước (1793), nhà thơ đã từng tới kinh đô Phú Xuân, vào thăm người anh ruột là Đông Các đại học sĩ Nguyễn Nễ bấy giờ đang trông coi Cơ Mật Viện triều Tây Sơn. Đấy là lúc hoàng đế Quang Trung đột ngột qua đời mới tròn một năm, Quang Toản nối ngôi với trăm mối âu lo. Chẳng hiểu vì sao những ngày lẽ ra rất đáng nhớ này không để lại dấu vết gì trong Thanh Hiên thi tập vốn sở trường ghi chép và ngẫm nghĩ chuyện đời trên hành trình “dọc đường gió bụi” của ông. May mà chuyện này lại được ghi đậm trong Quế Hiên thi cảo của Nguyễn Nễ với 5 bài có đề từ rất rõ: Tống Tố Như đệ tự Phú Xuân kinh Bắc hoàn (Đưa tiễn em Tố Như từ kinh đô Phú Xuân trở về Bắc).

Đường đến với trung tâm chính trị - văn hóa Phú Xuân những năm cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX đối với những trí thức, nghệ sĩ lớn quả không dễ xuôi chèo mát mái giữa thời buổi lịch sử dồn dập biến cố, nhiều “ngã ba, ngã tư”. Chỉ trong mấy năm, từ 1786 đến 1789, mà Chiêu Thống phải hai lần bỏ Thăng Long - một lần sang Kinh Bắc, một lần qua tận Trung Hoa, và cả hai lần Nguyễn Du đều theo mà chẳng kịp; đại quân của Quang Trung Nguyễn Huệ ba lần ra Bắc Hà dẹp thù trong giặc ngoài, xuống chiếu chiêu tập hiền tài mà xem ra nhân tâm vẫn còn ly tán, chưa dễ quy về một mối; ở miền Nam, Nguyễn Ánh bôn ba quyết chí mưu đồ xây dựng vương nghiệp cho dòng họ Nguyễn.

Một gia thế lớn như họ Nguyễn làng Tiên Điền đủ để Nguyễn Du có quyền tự hào và tự tôn. Năm nhà thơ chào đời (1765) thì người cha Nguyễn Nghiễm đã làm Tể tướng trong triều Lê - Trịnh; còn ông anh cả Nguyễn Khản mới 31 tuổi đã giữ chức Thị thư, sau đó mấy năm (1767) lại được Trịnh Sâm thăng Đông Các đại học sĩ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Bây giờ, có người làm thơ khen:

Phụ đăng khoa tử kế đăng khoa
Thế chưởng quân hành Nguyễn tướng gia


(Cha đỗ cao, con cũng đỗ cao, hai đời giữ chức trọng yếu, chỉ có nhà quan tướng công họ Nguyễn).

Tiếng thơm của dòng dõi trâm anh thế phiệt ấy được ghi tạc không chỉ bởi gia phả mà cả với “bia miệng” của dân gian:

Bao giờ Ngàn Hống hết cây
Sông Rum hết nước, họ này hết quan


Lịch sử như một dòng sông, cứ chảy mãi mà đời người thì luôn có hạn. Năm 1775, cụ Nguyễn Nghiễm mất, Nguyễn Du mới 11 tuổi. Năm 1783, Nguyễn Du đỗ tam trường (tú tài). Ba năm sau (1786) khi ông nhận chức Chánh Thủ hiệu Thái Nguyên thì thời vận vua Lê chúa Trịnh cũng đã đến hồi suy tàn: Nguyễn Huệ ra Bắc diệt họ Trịnh lộng hành, làm lễ thành hôn với công chúa Ngọc Hân; Lê Hiển Tông mất, truyền ngôi lại cho Lê Chiêu Thống... Khi tiếng trống rền vang mừng đại thắng quân xâm lược nhà Thanh ở Đống Đa mùa xuân năm 1789 chưa kịp dứt thì những lời hiểu dụ có lý có tình của vua Quang Trung vang lên tha thiết kêu gọi các quan văn võ triều Lê quy thuận ra giúp nhà Tây Sơn. Trong khi người anh là Nguyễn Nễ và người anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn thuận lòng thì Nguyễn Du vẫn quyết định náu mình tại miền quê Quỳnh Côi - Thái Bình. Ông thấy “mắc nợ” ân lộc của triều Lê - Trịnh nên ngại nhận bổng lộc của tân triều, sợ vướng phải điều trái lương tâm. “Mười năm gió bụi” (1786 - 1796) trên đất Thái Bình cộng với những năm tháng quay về quê cha Tiên Điền, ở ẩn dưới chân núi Hồng... thấm thoắt mà qua đi 16 năm trời. Năm 1802, Gia Long ngự giá Bắc thành, xuống dụ cho cựu thần nhà Lê đến nơi hành tại, tùy tài bổ dụng. Nguyễn Du nhận chức Tri phủ huyện Phù Dung, sau đó ba tháng được thăng Tri phủ Thường Tín. Thế mà chưa đầy hai năm sau, mùa thu năm 1804, Nguyễn Du cáo bệnh xin từ quan để về quê, khiến cho người cháu là Nguyễn Hành (1771 - 1824) hết sức ngạc nhiên:

Thanh bình hà sự cố từ quan
Dũng thoái như kim ý sở an


(Đang buổi thanh bình cớ sao chú lại từ quan mà về?
Chú can đảm rút lui lúc này là do ý muốn.)

Dường như tự thấy mình không có duyên, không “hợp căn” với con đường hoạn lộ nên ngay từ khi vừa nhậm chức, Nguyễn Du đã làm bài Ký hữu (Gửi bạn) bày tỏ nỗi lòng không ham công danh của mình:

Hồng Sơn sơn nguyệt nhất luân minh,
Thiên lý Trường An thử dạ tình.
Thái phác bất toàn chân diện mục,
Nhất châu hà sự tiểu công danh.
Hữu sinh bất đới công hầu cốt,
Vô tử chung tầm thỉ lộc minh.
Tiễn sát bắc song cao ngọa giả,
Bình cư vô sự đáo hư linh.


(Trên núi Hồng Lĩnh trăng sáng vằng vặc, ở Trường An xa ngàn dặm, tâm tình tôi thật là ngao ngán. Tôi như viên ngọc trong đá không giữ vẹn được mặt thật. Chút công danh nho nhỏ ở một châu có đáng kể gì? Sinh ra vốn chẳng mang sẵn cốt công hầu, chưa chết nhất định có ngày lại về làm bạn với hươu nai. Rất thèm được như bạn, được nằm kềnh bên cửa sổ phía bắc, lòng bình yên, chẳng có gì vướng bận đến tâm linh.)

Song, tháng giêng năm sau (1805), Nguyễn Du phải quay lại chốn quan trường, và lần này có gần mười lăm năm gần gũi với kinh đô Huế phồn hoa đô hội bậc nhất cả nước lúc bấy giờ. Biên niên những sự kiện quan trọng cuộc đời làm quan của Nguyễn Du mười mấy năm cuối đời này có thể tóm lược như sau:

- 1805, 41 tuổi, tháng giêng, được thăng Đông Các học sĩ, tước Du Đức hầu.

- 1807, 43 tuổi, được cử làm Giám khảo trường thi hương ở Hải Dương.

- 1809, 45 tuổi, tháng 4, được bổ làm Cai bạ dinh Quảng Bình.

- 1813, 49 tuổi, được thăng Cần Chánh điện học sĩ, tháng hai được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc.

- 1814, 50 tuổi, tháng 4, sứ bộ do Nguyễn Du cầm đầu hoàn thành công vụ về tới Phú Xuân.

- 1815, 51 tuổi, được đặc cách thăng Hữu Tham tri bộ Lễ.

- 1820, 56 tuổi, được vua Minh Mạng chọn làm Chánh sứ sang Trung Quốc cầu phong, nhưng chưa kịp lên đường thì đột ngột nhuốm bệnh rồi mất vào ngày 16/9.

Có thể nói rằng, cuộc đời làm quan của Nguyễn Du dưới triều nhà Nguyễn, trên đất kinh đô Huế, là khá suôn sẻ, được tin dùng, được giao trọng trách. Nhưng tìm trong sử sách, tìm trong thơ văn ông không hề thấy một lần ông tỏ ra đắc chí. Dường như ông làm quan, nhận bổng lộc chẳng qua là vì sinh kế chứ không mảy may cầu danh. Chân dung của ông được chép trong bộ chính sử Đại Nam liệt truyện của triều Nguyễn là con người khá lạ lùng, xem ra không cầu cạnh, không thắm thiết gì cho lắm với thời cuộc: “Nguyễn Du là người ngạo nghễ, tự phụ, song bề ngoài tỏ ra kính cẩn, mỗi lần vào chầu vua thì ra dáng sợ sệt như không biết nói năng gì”. Gia Long có lần trách móc ông: “Nhà nước dùng người, cứ kẻ tài là dùng chứ không phân biệt Nam, Bắc. Ngươi và ta đã được ơn tri ngộ, làm quan đến bực Á khanh, biết việc gì thì phải nói cho hết chức trách của mình, sao lại cứ rụt rè, chỉ vâng dạ cho qua chuyện”. Cái chết của ông là vì tai họa của một nạn dịch ghê gớm hoành hành cướp đi tính mạng của hàng vạn người, thế mà được Đại Nam liệt truyện ghi lại với những chi tiết cũng rất lạ: “Đến khi bệnh nặng, không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân, họ thưa đã lạnh cả rồi, ông nói “Tốt” rồi mất, không trối lại một điều gì”. Thi hài của Nguyễn Du được mai táng ở cánh đồng Bàu Đá, xã An Ninh (nay là khu vực An Hòa). Mùa hè năm 1824, con trai ông là Nguyễn Ngũ đem hài cốt về táng ở quê nhà. Hơn 200 năm nay, tên tuổi của đại thi hào Nguyễn Du trong lòng dân tộc đã minh chứng cho nội dung những câu đối phúng điếu của các quan trong triều hết lời ca ngợi tài hoa của ông:

Nhất viện cầm tôn nhân ký khứ
Đại gia văn tự tế thanh truyền


(Rượu đàn đầy viện người đi vắng
Văn tự hơn đời tiếng dội vang)

Nhất đại tài hoa, vi sứ, vi khanh, sinh bất thiểm
Bách niên sự nghiệp, tại gia, tại quốc, tử do vinh


(Một kiếp tài hoa, làm sứ, làm khanh, sinh chẳng thẹn
Trăm năm sự nghiệp, ở nhà, ở nước, chết còn vinh)  

2.
Những tên đất, tên người xứ Huế đã được ghi lại trong tác phẩm Nguyễn Du. Tập thơ Nam Trung tạp ngâm có 4 bài nhắc tới làng Hương Cần, chùa Thiên Thai, sông Hương và núi Ngự, với một không gian đậm màu suy tưởng. Song, ít lời mà nặng tình. Ở đấy, gởi gắm thắm thiết nỗi lòng nghệ sĩ và cái nhìn nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Du.

Một mảnh trăng mà bao quát được cả vẻ đẹp, cốt cách cổ thi của dòng sông Hương trong bài Thu chí (Thu đến) khiến cho hàng trăm năm nay nhiều người vẫn còn nhắc tới:

Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu


(Một mảnh trăng trên sông Hương
Gợi bao mối sầu kim cổ).

Núi Ngự Bình hiện lên từ lầu son gác tía, đền vàng bệ ngọc của vương triều không phải bằng cảm hứng thù tạc, quan phương mà như tiềm ẩn sâu lắng nỗi ưu tư nào đó về sự vận hành của đất trời và cuộc đời:

Xương hạp môn tiền xuân sắc lan,
Cách giang dao đối Ngự Bình san.
Xuân tòng giang thượng lai hà xứ,
Nhân ỷ thiên nhai trệ nhất quan.

            (Ngẫu thư công quán bích)

(Trước cửa cung vua, sắc xuân sắp tàn
Nhìn thấy núi Ngự Bình xa xa, bên kia sông
Cảnh xuân theo dòng nước trôi về đâu?
Vì một chức quan ta phải lần lữa bên chân trời)
            (Ngẫu hứng đề vào vách công quán)

Hương Cần xanh biếc những rặng liễu mà sao vẫn cứ day dứt bởi tình cảnh kẻ nam người bắc, kẻ ở người đi:

Hương Cần quan đạo liễu thanh thanh
Giang bắc, giang nam, vô hạn tình.

                        (Tống nhân)

(Dọc đường quan qua Hương Cần, hàng liễu xanh biếc
Kẻ phía bắc sông, kẻ phía nam sông, mối tình chan chứa).
                        (Tiễn bạn)

Có lẽ Nguyễn Du không đến với thiên nhiên tươi đẹp của xứ kinh kỳ bằng tâm thế của một người đi tìm lạc thú tiêu dao, ngoạn cảnh để thỏa mãn cái ham muốn ngao du bốn phương, tức cảnh sinh tình. Không ít nhà thơ cùng thời đã làm như thế. Nguyễn Du không hề hờ hững với thiên nhiên chốn đế đô. Trong bốn bài có tên đất xứ Huế, có mặt đủ sông Hương và núi Ngự là hai “báu vật” quý giá mà tạo hóa đã ban tặng cho con người để làm nên một “miền Hương Ngự” nổi tiếng nên thơ. Đủ thấy, Nguyễn Du không thiếu con mắt tinh đời trước vẻ đẹp của đất trời. Chỉ có điều thiên nhiên ấy luôn chứa đựng, ký thác tâm trạng của thi nhân. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” - Nguyễn Du đã từng triết luận như vậy.

Truyện Kiều mô tả sống động cả một xã hội có nhiều hạng người. Có nơi đâu ở Việt Nam bấy giờ có thể tìm thấy sự gần gũi, gặp gỡ với cuộc sống trong Kim Vân Kiều truyện bằng kinh đô Huế - thủ phủ của vương triều Nguyễn, để rồi từ đó có thể gợi ý, có thể tạo ra cảm hứng bất tận để thi hào Nguyễn Du biến một tác phẩm văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân thành tác phẩm thơ Việt bất hủ Truyện Kiều? Tâm lý học sáng tạo nghệ thuật đã mách bảo cho ta quy luật sáng tạo ấy. Tôi nghĩ, tuy chưa thể xác định con số năm tháng cụ thể, song chắc Nguyễn Du phải viết Truyện Kiều trong những tháng năm nhà thơ sống ở Huế, sau bao chiêm nghiệm và trải nghiệm trước sóng gió đầy thăng trầm của lịch sử, cuộc đời.

Niềm vui xen lẫn với nỗi buồn, mặn nồng đi cùng với ưu tư... đó là tâm hồn, con người Nguyễn Du mười mấy năm đến kinh đô Huế, làm quan và làm thơ, rồi nằm xuống lặng lẽ, âm thầm. Và chắc hẳn nơi đây đã góp một phần đặc biệt quan trọng làm nên hồn thơ Nguyễn Du - một Danh nhân văn hóa thế giới.

N.D.T  
(TCSH379/09-2020)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng