Đất và người
“Quốc phục” - Áo dài ngũ thân truyền thống Việt Nam
15:17 | 12/03/2021


VÕ VINH QUANG

“Quốc phục” - Áo dài ngũ thân truyền thống Việt Nam
Ảnh: internet

1. Từ thường phục của nam nữ Nam Hà thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát

Trang phục của nam nữ (thường phục) do Võ vương Nguyễn Phúc Khoát quy định, áp dụng cho toàn cõi Nam Hà (từ Nam sông Gianh vào Nam) theo hướng chuẩn hóa một phong cách ăn mặc thống nhất thì các sách Phủ biên tạp lục Gia Định thành thông chí đều ghi nhận xuất hiện từ khoảng những năm đầu khi chúa Nguyễn Phúc Khoát nối ngôi. Cụ thể, tại Phủ biên tạp lục, Quyển 1 (Sự tích khai thiết khôi phục hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam), có đoạn: “懿 宗, 永佑四年, 戊午... 長子福濶繼襲, 自稱節制水步諸營太傅曉國公, 別號慈濟道 人. 衣服男女並從北國体製" (nghĩa là: [Lê] Ý Tông, Vĩnh Hựu năm thứ 4, Mậu Ngọ (1738)… Con trai trưởng [của chúa Nguyễn Phúc Thụ] là Nguyễn Phúc Khoát nối ngôi, tự xưng Tiết Chế Thủy Bộ Chư Doanh, Thái phó, Hiểu Quốc công, biệt hiệu Từ Tế đạo nhân. Áo quần nam nữ đều nương theo thể chế của Bắc quốc…)

Phủ biên tạp lục 撫邊雜錄, tờ 226a-b (Cổ học viện tàng bản)


Đến năm Giáp Tý (1744), khi chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng Quốc vương, lập nên một “nước” Nam Hà tách bạch… thì đã chính thức đổi mới trang phục với quy định nam nữ ở Đàng Trong mặc áo “trách tụ đoản y”. Sách Phủ biên tạp lục cho biết: “景興五年甲子, 曉國公因乂安人傳言, 讖云: 八世還中都. 以自端 國公至已適當八代, 乃稱王 號… 又令二處男女改用北國 衣裳帶裙, 以示變易. 至使婦 女皆窄袖短衣如男裝, 則北 國所無也”

(Nghĩa là: Năm Giáp Tý niên hiệu Cảnh Hưng thứ 5 (1744), Hiểu Quốc công nhân cớ có người Nghệ An lưu truyền lời sấm ký rằng: “Tám đời [thì] quay trở về Kinh đô”, tính từ đời Đoan Quốc công [Nguyễn Hoàng] tới nay [đời chúa Nguyễn Phúc Khoát] đã trải đến 8 đời, bèn xưng Vương hiệu…   Lại lệnh cho nam nữ hai xứ [Thuận Hóa - Quảng Nam] đổi dùng áo quần, đai lưng kiểu Bắc quốc [Trung Quốc] để tỏ ý biến đổi [trang phục]. Đến như khiến sai phụ nữ đều dùng trách tụ đoản y như trang phục Nam giới, tất Bắc quốc [Trung Quốc] không hề có vậy..

Ở đây, trách tụ đoản y 窄袖短衣 là một thuật ngữ đặc trưng về y phục, chỉ về một loại hình trang phục cổ. Từ điển Từ Nguyên 辞源, giải thích thuật ngữ đoản y trách tuï 短衣窄袖 là: “短衣窄袖】古代北方少數民族的服裝. 宋沈括 夢溪筆談故事一: “中國衣冠, 自北齊以來, 乃全用胡服. 窄袖緋綠短衣長靿靴, 有鞢 帶, 皆胡服也…”.

Cận cảnh “Đoản y trách tụ” trong Từ nguyên (辞源´), Tu đính bản (1998) tr.2231


Nghĩa là: Đoản y trách tụ: là loại trang phục của các dân tộc thiểu số phương Bắc (đối với Trung Quốc) thời xưa. Tác giả Thầm Quát đời Tống, trong sách Mộng Khê bút đàm, quyển 1- Cố sự 1 có đoạn: ‘áo mũ Trung Quốc từ thời Bắc Tề đến nay [đời Tống] thì toàn dùng trang phục của người Hồ. Áo hẹp cánh tay (trách tụ), áo [bào] ngắn màu xanh lục, giày da cao uốn cong, và dải thắt lưng có trang sức đều là trang phục người Hồ vậy’.

Đoản y 短衣 trong truyền thống trang phục cổ trung đại, được giải thích với nghĩa là loại trang phục của giới bình dân, binh sĩ (古代为平民﹑士兵等所服 cổ đại vi bình dân, sĩ binh đẳng phục sở).

Theo Hán điển1 (汉典) thì Đoản y (短衣 duǎnyī) : tiếng Anh gọi là Coatee [loại áo có đuôi ngắn của phương Tây] chỉ cho loại áo bó sát người, có viền hoặc lưng ngắn. Đây là một loại trang phục phi Nho 非儒 (phi Nho giả đích y phục 非儒者的衣服).

Vậy, đoản y 短衣 là thuật ngữ về y phục dùng để chỉ loại áo bó sát thân người, có chiều dài khoảng từ dưới phần mông cho đến đầu gối, là trang phục “phi Nho giáo” (hay phi Hán phục), tức, yếu tố “ngắn” (đoản) trong “đoản y” 短衣dùng để chỉ kích cỡ ngắn hơn so với Hán phục (kiểu áo dài chấm gót), chứ không phải là áo ngắn (shirt) như trang phục hiện nay.

Bởi lẽ, nếu “áo ngắn” dùng theo nghĩa “shirt” của Anh ngữ, thì tiếng Hán gọi là sấn sam 襯衫, sấn y 襯衣 hay tuất sam 裇衫2, đoản sam 短衫…

Từ đó, ta thấy thường phục ở Đàng Trong với phong cách “trách tụ đoản y” mà Lê Quý Đôn chuyển tải ở Phủ biên tạp lục là kiểu áo có các đặc trưng là:

(1) Áo xẻ 2 tà; (2) Dài xuống đến khoảng trên dưới đầu gối; (3) Cánh tay áo được bóp hẹp để tiện hoạt động; (4) Kiểu trang phục mang hơi hướng của Hồ phục (phân biệt với Hán phục); (5) Mặc cùng với quần 2 ống…3

Loại hình thường phục đặc trưng của thời chúa Nguyễn Phúc Khoát áp dụng cho toàn cõi Thuận Quảng là loại áo dài tầm tới đầu gối (theo thuật ngữ đoản y 短衣 hoặc nhu bào 襦袍), được chiết eo (trách tu ï 窄袖) và chữ Nôm của người Việt ta thường dùng là “quần chân áo chiết/chít” 裙蹎襖裚. Loại trang phục này thoạt nhìn thì có đôi nét giống với một số loại y phục thời Minh Thanh, song nhìn kỹ thì “Bắc quốc sở vô” 北國所無 (Trung Quốc không hề có) như Lê Quý Đôn xác nhận.

Với tính chất gọn nhẹ, linh hoạt, phù hợp với thể trạng và thuận tiện cho hoạt động thường nhật, nên vào triều Minh Mạng (1820 - 1840), nhà vua đã nhiều lần lệnh cho dân chúng ở phía Bắc sông Gianh (vốn là đất châu Bắc Bố Chính, ranh giới của triều Lê Trịnh thuộc Bắc Hà cũ) thay đổi thường phục (áo mũ) như người Nam Hà, để được thống nhất và tạo thành những tập quán ăn mặc theo phong cách y quán [áo mũ] có từ thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Việc đó được ghi chép rõ tại sách Đại Nam thực lục Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Chẳng hạn, sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 78: Y quán (áo mũ), mục “Mũ áo nhân dân” có đoạn:

“[Minh Mạng năm thứ 8 [1827]… “… Nhân nghĩ đến nhà nước ta, cõi đất hợp làm một, văn hóa cùng nhau, há nên có việc làm và quy chế khác nhau. Nhưng một phen đổi lại sức dân có khi không đều, thì sự nhu cầu về may mặc cũng nên gia hạn cho hàng năm, hàng tháng. Vậy trấn thần các người, đều nên thông sức cho sĩ dân trong hạt: phàm kiểu mẫu áo mặc đều theo kiểu mẫu từ Quảng Bình trở vào Nam, chuẩn định đến sau ngày mồng một tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 10 [1829], nhất tề đổi lại cả để nêu nghĩa “vâng theo phong hóa”…”4. Đến năm Minh Mạng thứ 18 [1837], tức sau 10 năm, nhà vua tiếp tục xuống dụ bắt buộc toàn dân phải nhất thiết mặc áo ngũ thân. Nếu ai không tuân thủ thì bị trị tội nặng và quan lại địa phương cũng buộc chịu tội liên đới5. Dù vậy, thông tin “cho đổi theo áo mặc như từ Quảng Bình trở vào Nam, để tỏ ra cùng một phong tục” của vua Minh Mạng cũng chưa định hình rõ đặc trưng thường phục áp dụng cho toàn quốc là gì…

Dã sử lược biên, Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục, mục Thánh Tổ Nhân Hoàng đế kỷ, tờ 75a, ký hiệu: ký hiệu: R.1676, TVQG Việt Nam


Rất may mắn, điều ấy được chính thư tịch Dã sử lược biên, Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục, mục Thánh Tổ Nhân Hoàng đế kỷ giải thích khá cụ thể, với đoạn: “又定衣服之制: 禁男人不得帶袴, 女人不得被裳兼四身之衣. 並用裙稹 與五身之衣 (俗号裙稹襖裚此) 以 從孝武皇帝昔年在順化日之令 [令國中男女並著襦袍, 穿裳, 纏 巾, 及廬舍略如明清製, 尽革北河 舊習]. 南國之衣服, 南北於是同風, 蔚然為文物衣冠之國矣” (Lại quy định về chế độ y phục: cấm đàn ông không được mang khố, đàn bà không được mặc váy (xiêm) và áo tứ thân. [Dân chúng] đều phải dùng quần chân [quần 2 ống chân] và áo [dài] ngũ thân (tục gọi là “quần chân áo chiết/ chít” bắt đầu vào lúc này). Ấy là noi theo mệnh lệnh [cải đổi y phục] do Thế Tông Hiếu Võ hoàng đế [chúa Nguyễn Phúc Khoát] ban hành tại Thuận Hóa năm xưa (tức là [chúa Nguyễn Phúc Khoát điều lệnh cho nam nữ trong nước [toàn cõi Nam Hà] đều mặc áo khoác ngắn mỏng (nhu bào), quần ống xuyên (xuyên thường), vấn khăn đội đầu (triền cân); cùng nhà cửa đại để như thể chế Minh Thanh, để triệt để tách hẳn khỏi tập tục [ăn mặc] cũ của Bắc Hà] ). Y phục của nước Nam [lúc này] phong tục Nam Bắc ấy trở nên đồng nhất, rỡ ràng là một quốc gia văn vật áo mũ vậy).

Như thế, đặc trưng trang phục (thường phục) được áp dụng cho toàn thể nhân dân nước Việt thời chúa Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng chính là áo ngũ thân tay chẽn (còn gọi là “quần chân áo chít”). Đấy chính là “áo dài” (áo ngũ thân truyền thống) của Việt Nam được duy trì cho đến ngày nay. Đặc biệt, trang phục này từ khi được lệnh ban thánh dụ áp dụng cho toàn quốc, thì đã dần được nhân dân ta sử dụng quen thuộc và tự trong tâm thức đã xem nó là “Quốc phục” của người Việt, nhất là sau khi người Pháp cai trị, mang ảnh hưởng Âu phục vào nước ta.

2. Đến “Quốc phục” của Việt Nam được định hình từ báo chí đầu thế kỷ XX

Theo các nhà nghiên cứu, trang phục hiện diện trong đời sống lịch sử cơ bản được chia thành 4 loại: phẩm phục (triều phục, dành cho vua quan khi thiết triều), nhung phục (trang phục của quân tướng mang nghiệp binh nhung), lễ phục (trang phục dùng trong các lễ tiết) và thường phục (trang phục thường nhật của mọi người). Trong các loại hình ấy, thường phục là trang phục thường nhật, luôn được sử dụng trong đời sống sinh hoạt động cồng. Từ triều Minh Mạng (1820 - 1840) tới nay, thường phục được Thánh tổ Nhân Hoàng đế (vua Minh Mạng) quy định áp dụng toàn quốc chính là chiếc áo ngũ thân tay chẽn truyền thống.

Áo ngũ thân truyền thống của cả nam lẫn nữ (tiền thân của chiếc áo dài nữ hiện tại), do đó, thường xuyên được sử dụng trong mọi mặt của đời sống trải suốt gần 200 năm nay (1827 - 2020), và được phổ quát đến muôn người, muôn phương (từ công nhân, nông dân, học sinh, tiểu thương, thương gia, hoàng thân quốc thích, hoàng đế nhà Nguyễn... phổ biến từ miền biển đến miền núi, từ miền xuôi lên miền ngược, từ Bắc vào Nam) không kể giai tầng, thế thứ, đẳng cấp hay các cộng đồng dân tộc trong xã hội Việt Nam. Điều ấy phản ánh rõ nét đặc trưng tiêu biểu của chiếc áo ngũ thân (và biến thể của nó) chính là tính phổ quát - phổ biến sâu rộng, là đại diện cho trang phục của toàn dân Việt6. Tính phổ quát rộng rãi ấy thực sự là yếu tố căn cốt làm nên “Quốc phục” của Việt Nam, điều mà các trang phục truyền thống khác không thể có được.

Về tên gọi “Quốc phục”, nguồn tư liệu hành chính quan phương của các triều đại không gọi tên “Quốc phục” để riêng chỉ áo ngũ thân tay chẽn. Nhưng “Quốc phục” lại luôn hiện hữu thường trực trong tâm thức của cộng đồng người Việt hàng trăm năm qua, và chính thức được báo chí, văn chương Việt Nam đầu thế kỷ XX định hình sử dụng.

Chẳng hạn, Tuần báo Ngày Nay7 số 31 ra ngày 25 tháng 10 năm 1936, ở mục Xã Giao - Phép Xử Thế XVI, tiểu mục Phục sức (trang 373) bàn rõ về Quốc phục trong thế đối sánh với Âu phục: “A - Y phục đàn ông có hai thứ: Quốc phục Âu phục. Quốc phục: trừ những người thợ, người làm ăn nghèo và vất vả, trong khi làm lụng có thể dùng một thứ y phục nửa tây nửa ta không kể, còn không bao giờ ta nên ăn mặc “hẩu lốn” như thế, nếu ta muốn là người lịch sự. Phải mặc hoàn toàn y phục ta, nghĩa là: đội khăn, mặc áo pài [dài] (khi ra đường, khi tiếp khách) và quần ta (chứ không dùng quần tây như vài người trong Nam), đi giầy láng An-nam (nhưng cũng có thể châm chước dùng giầy Tây bằng da láng). Khi mặc áo dài thâm, thì ở trong phải có áo trắng dài mặc lót. Áo lót mình phải là áo cánh An-nam chứ không nên mặc áo Pyjama để hở những giòng giọc xanh, đỏ, tím, vàng ở hai bên lườn như một vài cậu bé con…”.

Hay như trước đó, báo Phụ nữ tân văn, số 93, ngày 30 tháng 07 năm 1931, trong bài viết “Vua nào đây: Hàm Nghi hay Duy Tân”, tác giả đánh giá từ ảnh vua Duy Tân, trong đó có nhắc đến Quốc phục:Có lý nào vua Duy Tân mới 33 tuổi mà đã già như thế. Phương chi hình có đầu tóc, bận đồ như đồ An Nam, vậy chính là các phục sức của vua Hàm Nghi, vì từ năm 1886 hay 1887, là từ hồi ngài qua Algérie tới giờ, thì ngài vẫn để đầu tóc và quốc phục luôn...”.

Tờ Hà Thành Ngọ báo số 1517 (ngày 20 tháng 09 năm 1932), trong bài “Năm phút tại điện Quang Minh” ở mục Ngọ báo ở Huế viết về việc vua Bảo Đại tiếp đón các viên chức Pháp và Việt tại điện Quang Minh, trong đó có đoạn:

“…Quan Hội lý Gautier đã ra mời chúng tôi vô Nội để bệ kiến Hoàng thượng. Lúc đó trông lên đồng hồ vừa đúng 3 giờ rưỡi. Từ buồng giấy quan Hội lý sang bên Nội, đi ô tô vừa mất 5 phút. Theo quan Hội lý, chúng tôi vào điện Quang Minh. Đến dãy hành lang vừa gặp ông bạn Phạm Huy Lục, Nghị trưởng viện Dân biểu Bắc Kỳ. Thoạt thấy ông nói với một viên quan: “tôi không đem áo ta”. Tôi trông lại ông thì ra ông mang Jaquette… Quan Hội lý Gautier không dám tự quyết, phải hỏi quan Châtel, quan Khâm sứ cũng không tự quyết vì đã có lệnh là: An Nam thì phải mặc Quốc phục. Quan Châtel đành phải phái quan Hội lý vào xin phép Hoàng thượng, bởi chỉ có Hoàng thượng là giải quyết được vấn đề này”.

Phần tường thuật này của Hà Thành Ngọ báo cho ta thấy rõ rằng “áo ta” tức là “Quốc phục”, và đó chính là áo ngũ thân truyền thống. Đồng thời, điều lệnh “[người] An Nam thì phải mặc quốc phục” hẳn nhiên được chính hoàng đế nhà Nguyễn ban bố (mặc dù cho đến nay, chúng tôi chưa tìm ra công lệnh này trong hệ thống tư liệu hiện tồn), và mọi người bắt buộc phải tuân thủ. Chính ngay các viên quan Pháp như quan Toàn quyền Châtel và quan Hội lý Gautier cũng buộc phải tuân thủ điều lệnh của An Nam, và không thể tự quyết về việc cho phép vào diện kiến vua Bảo Đại khi không mặc Quốc phục, mà phải phái người vào xin phép Hoàng thượng.

Qua lời tường thuật ấy, chúng ta có thể thêm lần nữa khẳng định rằng Quốc phục chính là áo ta - áo ngũ thân truyền thống, đã chính thức được các hoàng đế nhà Nguyễn ban lệnh áp dụng trong việc ăn mặc, lễ nghi, gặp gỡ… cho người An Nam đương thời. Nếu không mặc Quốc phục, thì cấm lệnh của triều đình sẽ không cho phép người nào đó sinh hoạt, hoạt động thường nhật, chí ít là trong đời sống, giao tiếp của triều đình. Cũng từ đó, tên gọi “Quốc phục” dùng chỉ áo ta - áo dài ngũ thân thực sự đã hiện hữu cụ thể, rõ ràng nhất vào những năm đầu thế kỷ XX, và có những đạo luật hoặc điều lệ của triều đình quy định về việc ăn mặc.

Báo Phụ nữ tân văn, số 121 (ngày 03 tháng 03 năm 1932), trong bài viết “Cuộc đi viếng nhà thương Phong, Quy Hòa” có đoạn: “Đi đường về tiết mùa đông như hôm đó, buổi sáng lạnh thiệt, anh em cùng đi, ai ăn bận Âu phục có đủ áo quần ngự hàn còn đỡ, chỉ ai bận Quốc phục thì lạnh khó chịu...”.

Trong chủ trương tự do tư tưởng, quan niệm, nên bên cạnh việc tôn vinh áo dài ngũ thân truyền thống, báo chí đầu thế kỷ XX cũng có đôi bài bình luận, phê bình “Quốc phục” của ta khiến đàn bà thì đẹp lên, đàn ông thì “cái khăn lượt, cái áo lương sa, gấm, vóc, cái quần trắng rộng, đôi giày da láng, người mạnh khỏe đến đâu mà chui vào trong những vật ấy cũng hóa ra yếu đuối như sên8. Dẫu mang ý phê phán theo quan điểm cá nhân mình, ý muốn thay đổi, cải cách y phục theo lối Tây hóa, tác giả Tiêu Diêu Tử trong mục Duyệt bình các báo ở trang 2, Báo Tràng An, số 54, ngày 03 tháng 09 năm 1935, cũng không thể không khẳng định “Áo dài khăn lượt” đấy là QUỐC PHỤC: “Ta hãy tưởng tượng một đôi vợ chồng trẻ, chồng mặc Quốc phục tân thời, vợ cũng mặc Quốc phục tân thời, dắt tay nhau cùng đi. Một người ngoại quốc mới trông, tất tưởng lầm ông là bà mà bà là ông. Vì bà thì thoăn thoắt trong bộ áo tân thời, mà ông thì lù dù trong bộ áo thiên niên bất dịch...”9.

Tra cứu nguồn tư liệu sách báo, văn chương tiểu thuyết... đầu thế kỷ XX, chúng tôi thấy còn khá nhiều bài viết khẳng định về “quốc phục” - áo dài ngũ thân của Việt Nam đương thời, dẫu khen dẫu chê, vẫn đều xác quyết ấy là Quốc phục. Do vậy, chúng tôi cho rằng trong quan niệm truyền thống của người nước Nam ta suốt hàng trăm năm qua, Quốc phục chính là áo dài ngũ thân truyền thống. Chiếc áo ấy, về sau phụ nữ đã cách tân qua nhiều đợt, và y phục nam giới thì bị mai một dần, song vẫn là một loại hình y phục (thường phục) phổ quát nhất của quốc gia, là niềm tự hào về trang phục cổ truyền của dân tộc, mà chính trong tâm thức của người Việt ta từng luôn hiện hữu tên gọi là Quốc phục (trang phục của quốc gia).

Thời gian trở lại đây, việc phục hồi áo dài ngũ thân truyền thống tạo nên nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có nhiều người phản bác quan điểm về “Quốc phục” của áo dài ngũ thân truyền thống. Bởi thế, qua bài viết nầy, chúng tôi muốn cung cấp thêm một số nguồn thông tin tư liệu để xác quyết về câu chuyện tên gọi “Quốc phục” cho Áo ngũ thân được phổ quát từ thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong (1738 - 1775), nhất là từ triều vua Minh Mạng (1827) trở đi. Đó là trang phục đặc trưng của dân tộc Việt, được cộng đồng xã hội Việt Nam thực hành phục sức suốt hơn 200 năm (nếu tính từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát quy định bắt buộc vào năm 1744 thì đã trải qua gần 300 năm), mang bản sắc riêng có, độc đáo của truyền thống y quan (áo mũ) Việt Nam.

V.V.Q  
(TCSH384/02-2021)

------------------
1. Link: https://www.zdic.net/hans/%E7%9F%AD%E8%A1%A3
2. Xin xem cụ thể “Sấn sam”襯衫(Shirt) tại đây : https://zh.wikipedia.org/wiki/%E8%A5%AF%E8%A1%AB
3. Loại áo “trách tụ đoản y” đặc trưng thời chúa Nguyễn Phúc Khoát là tiền thân của chiếc áo dài tay hẹp truyền thống hiện nay, càng được khẳng định bởi các tư liệu liên quan như Dã sử lược biên, Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục, và Gia Định thành thông chí…
4. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6 (Viện Sử học dịch), Nxb. Thuận Hóa, tr. 215 - 216.
5. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6, sđd, tr.tr.217.
6. Dĩ nhiên, tất cả các trang phục truyền thống của các dân tộc, các khu vực, các vùng miền của Việt Nam đều là trang phục truyền thống của cộng đồng người, mang đặc trưng đa dạng văn hóa của người Việt Nam, nhưng không có tính phổ quát như áo ngũ thân truyền thống. Chẳng hạn, áo Bà ba phổ biến ở miền Nam, áo Tứ thân truyền thống phổ biến ở những người phụ nữ Việt ở Bắc Bộ, áo quần của các dân tộc miền Tây Việt Nam thì phổ biến ở từng cộng đồng dân tộc ấy, chứ không có tính bao quát, tức không áp dụng cho toàn cõi, toàn cộng đồng người Việt Nam áo ngũ thân.
7. Tuần báo Ngày nay do Tự Lực văn đoàn chủ trương, phát hành định kỳ suốt giai đoạn 1936 - 1940 và tồn tại như một phiên bản thay thế tờ Phong hóa.    
8. Báo Tràng An, số 54, ngày 03 tháng 09 năm 1935, trang 2, mục Duyệt bình các báo của Tiêu Diêu Tử.
9. Báo Tràng An, số 54, ngày 03 tháng 09 năm 1935, trang 2, mục Duyệt bình các báo của Tiêu Diêu Tử.  



Tài liệu tham khảo chính:

1. Phủ biên tạp lục 撫邊雜錄 Q.1-2, Hán văn, ký hiệu R.1605 và Quyển 5 - Hán văn, ký hiệu R.1606, Thư viện Quốc gia Việt Nam.
2. Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định thành thông chí (Đỗ Mộng Khương, Nguyễn ngọc Tỉnh dịch), Nxb. Giáo Dục, Hà Nội.
3. Trần Quang Đức (2013), Ngàn năm áo mũ, Nxb. Thế Giới - Công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam, HN.
4. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6 (bản dịch Viện Sử học), Nxb. Thuận Hóa, Huế.
5. Nhóm Tô Xuyên tử Lý Văn Phức (biên tu), Dã sử lược biên, Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục 埜史略 編大越國阮朝寔錄, quyển 8-10 (Hán văn), Thư viện Quốc gia Việt Nam, ký hiệu: R.1676.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục tập 1 (bản dịch Viện Sử học), Nxb. Giáo Dục, HN.
7. Các báo: Phụ nữ Tân văn, Ngày nay, Hà Thành ngọ báo, Tràng An báo...




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng