NGUYỄN ĐẮC XUÂN
Trước và sau ngày Việt Nam độc lập thống nhất (1975), tôi rất thích bài hát “Người mẹ Bàn Cờ” của Trần Long Ẩn trong Phong trào Đấu tranh đô thị miền Nam.
[if gte mso 9]> Tôi và nhiều người bạn tôi đã được “nhận” và “đưa” nhiều lần như thế. Nếu không được sự giúp đỡ, che chở của phụ nữ, chúng tôi không thể nào hoạt động yêu nước ở đô thị được. Chúng tôi kính phục, biết ơn họ. Mang sẵn trong lòng sự kính phục phụ nữ ấy nên tôi vô cùng xúc động khi tìm được tài liệu lưu trữ của Pháp cách đây gần 150 năm liên quan đến một người phụ nữ ở Gò Công tên là Trần Thị Sanh đã nhận làm “vợ nhỏ” Trương Định để giúp nghĩa quân kháng chiến chống Pháp. Tôi biết được sự kiện ấy qua tờ đơn viết tay của bà Trần Thị Sanh đề ngày 2-3-1874 gởi cho Chánh Tham biện hạt Gò Công. Tờ đơn đứng tên “vợ nhỏ” của lãnh tụ nghĩa quân Trương Định đã tuẫn tiết. Xin tu sửa cái “mả” cho chồng, nguyên văn như sau: Chép lại nguyên văn: “Tân hòa huyện. Hòa lạc Tổng. Thuận Ngãi thôn. Trần Thị Sanh Cúi đầu lạy quan lớn cho phép tôi làm cái mả lại cho ông quản Định năm Kỷ Dậu (tức 1859) tôi có làm vợ nhỏ ổng hai năm, bây giờ vợ lớn ổng trốn biệt, con chết hết, mấy năm nay tôi cũng sợ phép nhà nước không biết làm sao bây giờ tôi liều mình, tới nói với ông xin ông giúp cho tôi. Trần Thị Sanh Điểm chỉ. Le 2 Mars 1874 (tức ngày 2-3-1874)(1). (Phần chữ Pháp bên trái phía dưới tờ đơn là bản dịch tờ đơn của bà Sanh). Cái tài liệu đầu tay này có một sức hút lạ kỳ đối với sự ham mê chuyện cũ của tôi. Một ngày cuối năm 2011, tôi về Gò Công để tìm hiểu sự thật lịch sử về bà Trần Thị Sanh. Biết yêu cầu của tôi, một người địa phương đã đưa tôi đến viếng lăng Hoàng Gia (nhà thờ và lăng mộ Đại thần Phạm Đăng Hưng - thân sinh của Hoàng Thái hậu Từ Dũ và là cậu ruột của bà Trần Thị Sanh), tiếp đến viếng thăm Nhà thờ bà Trần Thị Sanh, gặp gia đình ông thủ từ Dương Hữu Trí, rồi được ông Trí đưa đi thăm lăng mộ bà Trần Thị Sanh và lăng mộ bà Phạm Thị Phụng - thân mẫu của bà, tại Khu phố 2, Phường 5. Rồi chúng tôi trở về viếng đền thờ Trương Công Định (thường gọi Trương Định) ở đường Lý Thường Kiệt. Qua tiếp xúc và thăm viếng, tôi thu thập được thêm nhiều thông tin. Đối với địa phương thì những thông tin ấy không có gì mới, nhưng đối với tôi, đối với người Huế, với độc giả cả nước thì hết sức hấp dẫn. Vậy thì Trần Thị Sanh là ai? Theo bia mộ do “hiếu tử Dương Thị Hương”, lập năm Giáp Tuất (1934), bà Trần Thị Sanh sinh ngày 7-1-1820 và mất 21-12-1882, con gái thứ sáu của Bá hộ Trần Văn Đổ và Phạm Thị Phụng (1782-1875). Bà Phụng là em gái của Đại thần Phạm Đăng Hưng - thân sinh của bà Phạm Thị Hằng (Hoàng Thái hậu Từ Dũ). Tức bà Trần Thị Sanh là em con cô cậu ruột với Hoàng Thái hậu Từ Dũ - thân mẫu của vua Tự Đức. Lúc nhỏ, mẹ mất sớm, cha ra Huế làm quan, Phạm Thị Hằng ở với cô Phạm Thị Phụng, được cô nuôi dạy nữ công nữ hạnh, cho đi học chữ Hán với dượng Trần Văn Đổ. Nhiều lần chị Phạm Thị Hằng ẵm bồng em Trần Thị Sanh nhỏ hơn mình mười tuổi. Năm 14 tuổi, Phạm Thị Hằng xa gia đình cô Phụng ở Gò Công để ra Huế và được tiến cung, sau trở thành Giai phi của vua Thiệu Trị. Năm 19 tuổi, Trần Thị Sanh được cha mẹ cho thành hôn với Bá hộ Dương Tấn Bốn. Hai vợ chồng được hưởng của hồi môn của hai gia đình, lại thuộc gia đình “ngoại thích” của Hoàng gia, có thế lực, buôn bán lúa gạo, khai khẩn nhiều ruộng đất, giao thương với cả các nước trong vùng, nổi tiếng giàu nhất Gò Công. Năm 1860, ông Dương Tấn Bốn qua đời, để lại cho bà Sanh một gia sản lớn cùng với người con gái là Dương Thị Hương sinh năm 1844. Biết được tiểu sử của bà Sanh như vậy, tôi càng ngạc nhiên hơn. Vì lý do gì mà một góa phụ mới 40 tuổi, giàu có nhất Gò Công, em con cô của Hoàng Thái hậu Từ Dũ - thân mẫu của đương kim Hoàng đế Tự Đức lại đi làm “vợ nhỏ” của một lãnh tụ kháng chiến đang bị giặc Pháp và tay sai rình rập săn bắt ngày đêm như thế? Trong tờ đơn gởi cho Pháp bà Sanh viết “năm Kỷ Dậu tôi có làm vợ nhỏ ổng (tức Trương Định) hai năm”. Tức là bà nhận làm “vợ nhỏ” Trương Định từ năm 1859 (Kỷ dậu) đến năm 1861. Nhưng sự thực thì năm 1859 ông chồng bà là Dương Tấn Bốn còn sống, làm sao phu nhân một đại gia như thế có thể cùng lúc đi làm “vợ nhỏ” một người khác được? Vì sao bà lại không tự nhận làm vợ nhỏ Trương Định từ sau năm chồng bà qua đời (tức là từ 1861 trở đi)? Phải có tài liệu lịch sử và phải đến tận nơi Gò Công mới có thể hiểu được sự kiện lịch sử lạ lùng nầy. Như lịch sử đã viết, năm 1862 triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Nhâm Tuất (1862) với Pháp, tất cả những hoạt động vũ trang chống Pháp ở Nam bộ phải rút ra miền Trung. Trương Định không thực hiện Hòa ước, vẫn tiếp tục chiến đấu chống Pháp ở Gò Công. Cho nên từ năm 1862, người đứng đầu nghĩa quân Trương Định trở thành - nói như ngôn ngữ ngày nay - “bất hợp pháp”. Bà Sanh nhận làm vợ nhỏ của Trương Định từ năm 1859 đến 1861 để chứng tỏ cho Pháp biết bà không có quan hệ gì với Trương Định “bất hợp pháp”, có nghĩa bà không có quan hệ gì đến việc Trương Định chống Pháp. Có như thế bà mới được Pháp chấp thuận cho bà “sửa mả” cho Trương Định. Qua tư liệu lịch sử đã sưu tầm được, sau khi ký Hòa ước Nhâm Tuất (1862), trên mặt đối ngoại thì triều Nguyễn ra lệnh cho Trương Định phải ra miền Trung, nhưng trong bí mật vua Tự Đức vẫn chủ trương để Trương Định bám trụ tại Gò Công và nhà vua tìm cách hỗ trợ cho Trương Định tiếp tục chiến đấu. Xin dẫn hai tư liệu: Tư liệu 1: Để thỏa mãn những đòi hỏi của Pháp (theo điều 11 của Hòa ước Nhâm Tuất), Phan Thanh Giản yêu cầu vua Tự Đức phải hạ dụ cho Trương Định phải ngưng chiến và rút khỏi miền Nam, vua Tự Đức đã phê bình cụ Phan với triều đình một cách gay gắt rằng: - […] “Lòng người như thế, cũng là một sự giúp cho cuộc mưu tính lấy lại, há lẽ nào cứ răn dụ lặc vặc mãi”(2). Tài liệu 2: Đêm 19 rạng ngày 20-8-1864, mật khu Đám Lá Tối Trời bị tấn công, Trương Định tuẫn tiết, bọn Pháp lấy được nhiều tài liệu có liên quan đến công cuộc kháng chiến của Trương Định. Trong cuốn Địa chí tỉnh Gò Công (Monographie de la Province de Gò Công, 1936), người đứng đầu tỉnh Grimald viết: “Các giấy tờ có ghi chép nhiều điều lý thú, tên tuổi của những kẻ tòng phạm và nhất là sự giao thiệp mua bán lương thực của một nhà buôn ở Phan Rí tỉnh Bình Thuận. Rõ ràng hơn cả là có sự tòng phạm của triều đình Huế” (NĐX nhấn mạnh). Triều đình Huế lúc đó là ai? Không ai khác hơn là bà Trần Thị Sanh - em con cô của Thái hậu Từ Dũ, dì của vua Tự Đức. Vì thế, nếu bà Trần Thị Sanh khai là “vợ nhỏ” của Trương Định sau thời điểm 1861 thì bà không thể giấu được “tội” “tòng phạm” với Trương Định. Chúng ta chưa tìm được tài liệu cho biết triều đình Huế đã giúp gì cho Trương Định, nhưng sau khi Trương Định qua đời, bà Trần Thị Sanh đã bí mật lo chôn cất, xây lăng, đắp mộ cho Trương Định trước sự theo dõi gắt gao của bọn quan thầy thực dân Pháp và tay sai Việt gian cũng đủ thấy triều đình Huế không bỏ Trương Định. Nhưng vì sao cho đến năm 1874, bà Trần Thị Sanh mới chính thức viết đơn xin “sửa mả” cho Trương Định với tư cách là “vợ nhỏ” của Trương Định? Để trả lời cho câu hỏi này, hãy đọc tờ trình của bọn Pháp ở Gò Công trình bày với cấp trên những lý lẽ mà chúng đã căn cứ để chấp thuận lá đơn của bà Trần Thị Sanh sau đây: “Gò Công, ngày 2 tháng 8 năm 1874, Kính gởi Giám đốc, Quả phụ của Quản Định viết đơn và cầu xin được phép làm ngôi mộ cho chồng vốn đã chết, như mọi người đều biết, vào năm 1864, giữa khi cầm khí giới chống trả chúng ta. Trước đây không thể cho phép như thế này vì sẽ gây ra rắc rối giữa các phe của quận huyện nhưng nay ai nấy đã quên hẳn Quản Định, chính thất của y không trở về lại đây, con cái chết hết. Tôi trân trọng chuyển đến Giám đốc đơn xin của bà Trần Thị Sanh kèm theo ý kiến chấp thuận vì tôi không thấy trở ngại gì trong việc xây mộ cho Quản Định vốn xưa nay dũng cảm chống trả chúng ta và tôi thiết tưởng sẽ có hại hơn là có lợi nếu để cho dân chúng tưởng rằng chúng ta vẫn còn sợ hình ảnh và ảnh hưởng của người chỉ huy nổi tiếng ấy. Kính chào Giám đốc. Thuộc hạ tận tụy của Ngài. Ký tên Esmile Pirech (Tham biện Gò Công). Kính gởi Giám đốc Sở Nội vụ.(3) Qua tờ trình ta thấy bọn Pháp rất sợ Trương Định nhưng đến năm 1874 theo chúng thì ảnh hưởng của Trương Định trong dân chúng đã hết: “Trước đây không thể cho phép như thế này vì sẽ gây ra rắc rối giữa các phe của quận huyện nhưng nay ai nấy đã quên hẳn Quản Định, chính thất của y không trở về lại đây, con cái chết hết”. (Bản dịch của Bửu Ý). Cũng như bà Trần Thị Sanh phản ảnh:“bây giờ vợ lớn ổng trốn biệt, con chết hết”. Nghĩa là thực dân Pháp đã bình định xong ảnh hưởng chống Pháp của nghĩa quân Trương Định. Về cục bộ là như thế, về tình hình chung thì thực dân Pháp được thuận lợi hơn nhiều. Chẳng bao ngày sau cái đơn của bà Trần Thị Sanh gởi cho Pháp, ngày 15-3-1874, triều đình Huế ký Hòa ước Giáp Tuất công nhận chủ quyền vĩnh viễn của Pháp ở Nam Kỳ. Như vậy triều đình Huế không còn một chút gì ảnh hưởng ở Nam Kỳ nói chung và Gò Công quê hương của bà Từ Dũ nói riêng nữa. Qua lịch sử triều Nguyễn ta thấy giặc đến thì đánh, đánh không thắng thì hòa, không hòa được mới chịu thua. Khi thua thì phải giữ thế nào để ít bị thiệt hại nhất. Theo khẩu khí của vua Tự Đức phê phán cụ Phan Thanh Giản khi cụ Phan đòi vua hạ dụ rút Trương Định ra khỏi Nam Kỳ dẫn trên, ta có thể nghĩ - dù phải giao cho Pháp đất Nam Kỳ - mẹ con bà Từ Dũ và vua Tự Đức cũng đã làm một việc gì đó trong khả năng của mình để “giúp cho cuộc mưu tính lấy lại” Nam Kỳ sau này. Phải chăng việc đó là: bà Từ Dũ đã nhờ người em con cô mà bà đã từng bồng bế là Trần Thị Sanh “hạ giá” làm “vợ nhỏ” Trương Định để được phép xây mộ dựng bia cho Trương Định - treo một tấm gương yêu nước trên đất thuộc địa của Pháp? Nếu đúng thế thì bà Trần Thị Sanh đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Bởi vì, suốt thời kỳ thuộc Pháp cho đến ngày Việt Nam độc lập, thống nhất tấm gương yêu nước của Trương Định luôn luôn sáng chói trong lòng dân Việt. Vai trò của bà Trần Thị Sanh đối với nghĩa quân Trương Định ngày xưa đã được phát huy mạnh mẽ bởi các mẹ, các chị, các em ở Bàn Cờ cũng như ở các đô thị miền Nam thời kỳ đấu tranh giải phóng đất nước vừa qua. Huế, Tháng 12-2011 N.Đ.X (SH275/1-12) ------------------------------ 1. Cục lưu trữ Trung ương II (TP HCM), Ký hiệu E.02-93 TĐBCCPNV 2. Đại Nam Thực lục, bản dịch NXB Giáo Dục, 2006, Tập Bảy, tr. 797 3. Như (1) ![endif][if![endif][if![endif]![endif][if |