Huế bốn phương
Giáo sư, tiến sĩ triết học Thái Thị Kim Lan: Phụ nữ vẫn luôn là một cuộc phiêu lưu thân phận con người
08:42 | 14/11/2013

Khi cuộc sống xô bồ đang cuốn chúng ta về phía trước, thần tượng hoá một phương Tây duy lý và thực dụng, thì chị, bằng tất cả nỗ lực của mình trong nghiên cứu, dịch thuật, hoạt động xã hội… lại đưa ta trở về với những giá trị nguồn cội đậm chất phương Đông thấm nhuần tư tưởng Phật giáo trong cách ăn, cách mặc, cách sống, cách thưởng ngoạn, và cách tư duy…

Giáo sư, tiến sĩ triết học Thái Thị Kim Lan: Phụ nữ vẫn luôn là một cuộc phiêu lưu thân phận con người

Chị cho rằng chỉ có văn hoá mới giúp nhận diện mình trước thế giới.

Căn nhà rường trải qua bao thế hệ, ẩn nhẫn hoà mình với hoa lá, cây trái chung quanh, không bao giờ là một sự ngạo mạn chà đạp thiên nhiên. Đó là một khu vườn Huế

Sinh ra và lớn lên tại Huế, năm 1965 sang Đức du học, trở thành giảng viên triết học tại đại học tổng hợp Ludwig – Maximilian, Munich, Đức. Suốt 30 năm đứng trên bục giảng, chị luôn được sinh viên yêu quý với cái tên đầy trìu mến "người duy nhất mang nụ cười đến trường đại học". Từ năm 1991, chị đứng ra thành lập hội Giao lưu Đức – Việt, khuyến khích người Đức sang Việt Nam đầu tư, và từ đó chị liên tục về nước tham gia giảng dạy và tổ chức nhiều hội thảo khoa học… Năm 2005, chị được trao giải thưởng Đào Tấn dành cho những đóng góp khôi phục bộ môn nghệ thuật tuồng, đem văn hoá của Việt Nam ra thế giới.

Chị có thể kể một chút về ngôi nhà từ đường của dòng họ tại Huế, nơi chị đã lớn lên với biết bao kỷ niệm thuở ấu thơ? Những nơi chốn đã ghi sâu trong tâm trí mà bao năm xa quê chị vẫn còn nhớ mãi?

Đó là ngôi nhà của tâm cảm và tâm thức. Mỗi khi nhắc đến ngôi nhà từ đường của dòng họ tại Huế, tim tôi thật sự rung động một cách lạ kỳ, chưa có nơi nào tôi cư ngụ lại hằn sâu trong tâm đến thế. Có lẽ bởi những tình cảm đầu tiên của trẻ thơ khi lớn lên trong đó mãi hoài trinh nguyên và chân chất, được gói kỹ trong hai chữ cổ kính và thân thương, tôi thường gọi là nhà mệ nội, vườn mệ nội. Nhà mệ tôi có mái ngói thâm u trầm nhã, tưởng như mỏng manh với những tấm ngói "liệt" xưa, từ xa trông giống như những trang sách dày xếp chồng lên nhau một cách mỹ thuật. Mái ngói ấy thủ thỉ cho tôi nghe nhiều câu chuyện cổ tích của cả một dòng họ đã thăng trầm trong đó. Nó là tấm gương của chịu đựng nhẫn nại với vô thường, làm mát cơn nắng chói và sưởi ấm u sầu mưa, chống chỏi với ác ma và quỷ dữ. Ba gian hai chái chia không gian ở bằng những chiếc cột gỗ lim hay gỗ mít, rộng lượng như đôi cánh tay mở rộng ôm cả đại gia đình từ bà nội bà cô đến chú bác cha mẹ và con cháu, anh em. Bàn thờ Phật và ông bà cố ở chính giữa nhà gây cảm giác gần gũi giữa quá khứ và hiện tại, đong đầy cảm giác cùng nhau chung sống, đùm bọc. Tôi đã có những giấc ngủ và giấc mơ yên lành trong lòng bà ngay cả những năm gia đình khó khăn, chật vật. Căn nhà rường xưa ấy trải qua bao thế hệ, ẩn nhẫn hoà mình với hoa lá, cây trái chung quanh, không bao giờ là một sự ngạo mạn chà đạp thiên nhiên. Đó là một khu vườn Huế tiêu biểu với đủ loại cây trái, hoa bốn mùa, rau dại bách thảo, giàn bầu sau bếp, hoa lý trước sân, đu đủ bên vại nước, hương bưởi thơm đón khách bên ngõ vào… Hạnh phúc dưới mái nhà ấy không phải là thứ xa xỉ vung phí, dù bàn ghế bằng gỗ quý đời xưa, dấu hiệu của trăm năm bền vững, hạnh phúc ngồi ở đó như vừa thoát được một cơn mưa, qua một cơn bão, hạnh phúc bình an vừa đủ, không tham, một thứ hạnh phúc được trú ẩn nơi yên bình. Một thứ "trong nhà", "ở nhà" xếp chân cho ráo để rồi… đi, thong thả vào cỏ cây không gian bên ngoài, hoà mình với thiên nhiên. Không lạ khi bài thơ Vườn mệ nội (Grossmutters Garten) của tôi bây giờ đọc lại thấy toàn cây là cây, không thấy nói chuyện nhà, ấy vậy mà vẫn nhớ…nhà. Hoá ra nhà và vườn là một, nhà và sông núi là một, nhà và chùa chiền linh thiêng quyện lấy nhau. Nhà, vườn tư riêng mà hài hoà chung trong không gian làng mạc, trong thời gian sông núi, trong lịch sử từng con người, từ mấy trăm năm trước. Đó là tâm cảnh kiến trúc ngôi nhà từ đường của dòng họ mà tôi đã mang theo trên hành trình đời sống, nơi đâu cũng có một chút gì của nó. Ngày nay người ta gọi là kiến trúc nhà cửa, môi trường, môi sinh, có thể mất một chút chi linh thiêng, khi gọi là văn hoá nhà vườn…

Lớn lên trong vòng tay của mạ và những người cô, chị đã học được điều gì quý giá nhất từ những người phụ nữ thân thương nhất, để có thể gìn giữ hạnh phúc cho riêng mình, và truyền cho con gái một nghị lực sống mãnh liệt?

Những vị nữ nhân quan trọng nhất trong đời tôi là những goá phụ trẻ tuổi. Bà nội tôi phải gánh vác cả đại gia đình vì là con dâu trưởng, đồng thời nuôi nấng dạy dỗ năm người con. Sinh trưởng từ một gia đình hoàng tộc, từng dạy các cung nữ trong cung, thuộc làu kinh sách thơ văn, ý thức rõ đạo đức của phụ nữ, bà là người đã cho tôi cảm hứng văn chương và nghệ thuật. Bà cô tôi là một mệnh phụ, đẹp và có nhiều tài năng, nhất là về kinh tế và hoạt động xã hội, bà đã là người xây dựng nhà ga Huế xưa, giàu có và rộng lượng đối với bà con, chúng tôi mồ côi cha được bà che chở để được đi học, quán xuyến gia nương quyền quý, lại là người giúp bà nội tôi bảo tồn ngôi nhà từ đường họ. Bà và bà nội tôi đều được trao tặng "Tiết phụ khả phong". Bà ngoại tôi nổi tiếng hiền đức đã ôm vào lòng tất cả những người không phải con mình. Mẹ tôi là tấm gương hy sinh vô bờ cho con và cháu, không nói hết được bằng lời. Lạ lùng là nghị lực của các vị nữ nhân ấy, họ độc lập hoàn toàn, nhưng lại nghiêm khắc theo khuôn phép nề nếp gia phong, đạo hạnh với đức nhẫn nhục và bao dung cho cả gia tộc, nơi họ không có ngăn chia bên này bên kia, ắt họ phải cắn răng chịu đựng rất nhiều trong xã hội trọng nam khinh nữ, ấy mà có nghe họ ta thán đâu. Có thể nói chính tình thương rộng lớn của họ và sự nhẫn nại hy sinh mà tôi học hoài không hết để truyền đạt lại cho con. Những điều ấy thời con gái, tự cho mình là phụ nữ giải phóng, tôi đã từ chối không muốn hiểu nhưng khi làm mẹ tôi mới có được cái nhìn sâu hơn. Bài toán cho người phụ nữ vẫn là độc lập từ hai bàn tay của mình, đứng vững trong xã hội, hạnh phúc tự tạo cho mình và cho thế hệ mai sau, mà vẫn giữ giềng mối đạo đức nhân quần, nhân cách cao quý. Phải chăng phụ nữ là nhân thể kỳ diệu của loài người? Bởi vì là mẹ của con người! Phụ nữ vẫn luôn là một cuộc phiêu lưu thân phận con người.

Thời gian khó của tuổi trẻ đã rèn giũa trong chị một bản lĩnh sống như thế nào, để có thể thích nghi với những hoàn cảnh sống khắc nghiệt, và viết nên những tác phẩm thấm đượm tình quê?

Nếu nói về ngôi nhà gây cho tôi cảm hứng viết thì đó là ngôi nhà từ đường của dòng họ. Dòng thơ, sức tưởng tượng, tư tưởng của tôi, và cả trí tuệ hầu như bắt nguồn từ ngôi nhà có rất nhiều cột, đi đâu cũng đụng cột, nấp sau cột, quay vòng theo cột, có nhiều cửa bàng khoa, có nhiều bí ẩn từ đông phòng cho đến tây phòng, có nhiều chạm khắc mỗi khi nhìn là nghe một mẩu chuyện, sự tương phản đen trắng của không gian bên trong u tối và nắng ngập sáng loá ngoài sân, âm vang hoà tấu của hương hoa rộn ràng theo mùa, con sông Hương chảy xuôi đàng trước ngõ, rặng núi Kim Phụng in bóng bốn mùa tím nhạt hay xanh lơ hồ thuỷ. Thời gian khó rèn giũa tôi hay chính mình rèn giũa thời gian? Đôi lúc chính mình phải rèn giũa thời gian chứ. Trong những lúc khó khăn nhất, điều giúp tôi vượt qua có lẽ là sự vô ngại, hay sẵn sàng đối phó cái khó để khắc phục bằng trí tuệ và tình thương, với một chút độ lượng thông cảm guồng máy của vô thường. Tâm vô ngại ấy đến từ tiếng chuông Linh Mụ, tôi học được từ đạo Phật mà bà cô Hai tôi truyền đạt.

Tạo dựng một mái ấm nơi xứ người có nhiều khó khăn với chị không? Khi xây dựng không gian sống cho riêng mình, tiêu chuẩn mà chị đặt ra là gì? Chị có thể mô tả từng không gian riêng? Ý tưởng về cái bếp, phòng khách, phòng ngủ, khu vườn… Nơi nào được chị coi trọng nhất? Ai là kiến trúc sư đã giúp chị hoàn thành ý tưởng đó?




Tiến sĩ Thái Thị Kim Lan. Ảnh: TL internet


Vạn sự khởi đầu nan! Nói câu ấy với một nụ cười bằng nét của chữ tâm viết chấm phẩy theo hình trái tim, thì khó mà không khó. Căn nhà ấy đã có sẵn trong tâm thức của mình rồi mà! Đi đâu cũng mang theo nó. Chữ tâm ấy, là ngôi nhà! Khi bước vào căn phòng chính ở nhà Munich, khách sẽ chạm trán với chữ tâm viết bằng… lọ nghẹ, nói theo tiếng Huế, thư pháp thiền treo trên lò sưởi như tuồng chữ ấy vừa được viết bằng than trong lò mới lấy ra. Tượng Phật nằm ấm trên lò sưởi, đàng sau con sông Hương ở Huế vốn hiền hoà xanh mát bỗng đỏ rực theo tay một hoạ sĩ sinh viên của tôi phóng tác. Một chút chòng chành về nguyên tắc đối xứng thẩm mỹ làm cho khách không bị đóng khung nơi một nguyên tắc nhất định. Tôi cảm thấy dễ chịu khi ở trong một căn phòng mà mình có cảm giác được chuyện trò với mỗi đồ vật trong đó, lịch sử của nó và nơi sản sinh, bàn tay nghệ nhân nào đã tạo thành nó… Mỗi một góc nhà đều là nơi… xếp chân như tôi đã nói ở trên. Và bàn thờ tổ tiên vẫn chiếm vị trí trung tâm trong căn nhà, đó có thể là một điều làm cho nhà tây của tôi thành ta.

Tôi có rất nhiều bạn thân người Đức là kiến trúc sư, trao đổi học hỏi và nhờ họ tư vấn là điều tôi rất chú trọng, may chúng tôi gặp nhau ở nhiều điểm về thẩm mỹ môi sinh, văn hoá môi trường và đạo đức nhân sinh về xây dựng. Tôi cũng học hỏi rất nhiều của người Đức về quan điểm xây dựng, bảo tồn di tích lịch sử, chú trọng đến không gian tâm linh, cân bằng tất cả những yếu tố này mới mang lại một không gian sống cho mình và người chung quanh. Tiếc thay tôi đang là nạn nhân của sự vô cảm trên lãnh vực này tại chính nơi mà tôi yêu quý, ngay chính nơi căn nhà từ đường của chúng tôi. Chính quyền địa phương cho phép xây một nhà nghỉ chình ình trước nhà thờ trên khuôn viên đất hương hoả của dòng tộc, và tôi đang đi kiện chính vì tổng thể về nhân sinh quan con người đang bị chà đạp.

Làm thế nào để chị có thể tạo dựng một không gian sống xanh và một lối sống xanh thấm đượm từ kiến trúc tới tâm hồn? Chị nghĩ xu hướng này đã thực sự trở thành một lối sống của tương lai?

Xã hội Á đông trong quá khứ thấm đượm không gian sống xanh và lối sống xanh, như tôi đã nói ở trên, tiếc thay kế hoạch đô thị hoá vội vàng trong cuộc đổi mới đã giết chết chữ "xanh" để trơ lại bê-tông dỏm, nhà xây vội vàng, gạch đá lỏng chỏng, mất tất cả sự hài hoà cần có cho một đời sống an sinh. Cuộc sống an sinh của con người là cơ sở của bền vững ngoại cảnh và an vui nội tâm, hai điều kiện cần và đủ cho một xã hội bền vững. Không gian sống hiện nay đang bị phá vỡ do thiếu căn bản kiến trúc hạ và thượng tầng, hỗn loạn về định hướng môi trường, môi sinh, thiếu cơ sở triết lý về kiến trúc và xây dựng. Con người bị bóc hết nơi trú ẩn có ý nghĩa, mà chỉ là những nơi tạm bợ, ngay cả những dinh thự nguy nga đều toát lên hiện trạng vô cảm đối với thiên nhiên. Hiện trạng này không thể dài lâu trước những thiên tai, những tai hoạ đến từ sự vô cảm phá hoại "xanh", gây thảm hoạ cho cuộc sống chung. Lối sống xanh cần thiết cho tương lai vì sự an vui của con người. Tôi nghĩ người Âu châu đang trên đường quay về, tại sao ta lại chạy trốn khỏi cội nguồn hạnh phúc?

Trong ngôi nhà đang ở tại Đức, chị thích nhất không gian nào? Chị thường ngồi ở đâu vào buổi sáng để ngắm mặt trời lên, và nơi mà chị ngồi uống trà chiều? Thói quen nào chị thích nhất mỗi khi đi xa trở vê nhà?

Nhà tôi không có chi khác lạ với nhà tây bề ngoài, tôi chỉ thêm cái hàng rào tre, cửa tre ở lối vào, cửa vào garage, và bỗng nhiên nó có dấu ấn chút chi Việt Nam. Chỉ cái cổng tre đàng sau vườn mang chút ý vị của "chiều ra đứng ngõ sau", của nhớ về, người Đức lại rất thích. Ban đầu ai cũng muốn gạt phăng việc sử dụng tre bảo không bền, nhưng tre còn bền hơn gỗ ở chỗ chịu được ẩm, mà khí hậu Âu châu lại khô, vậy thì tre còn bền hơn hàng rào gỗ, vì chịu được mưa, tuyết. Nội thất trong nhà được chọn lựa từng cái, ghế trường kỷ Việt Nam không chỏi với đi-văng Tây phương, bàn thờ tổ tiên với tượng Phật Việt Nam được xem như là điểm chính của phòng khách, chúng tôi tiếp khách và không khí vẫn hoà nhã, tôn kính, không mất sự kính cẩn; mà ngược lại người Âu châu rất quý trọng nếp sống tâm linh của chủ nhà. Khi uống trà tôi ngồi ghế trường kỷ. Ngắm hoàng hôn thì ở phòng thiền.

Mỗi khi đi xa về khu vườn là nơi tôi ra thăm đầu tiên, đến áp cái trán nóng hổi bụi đường nơi gò má bằng đá mát lạnh của tượng Phật vẫn "chờ tóc mãi xanh" (thơ Thái Kim Lan)…


    
    
    
    
     

 

 

 


Bằng tất cả nỗ lực của mình trong nghiên cứu, dịch thuật, hoạt động xã hội… chị lại đưa ta trở về với những giá trị nguồn cội đậm chất phương Đông thấm nhuần tư tưởng Phật giáo trong cách ăn, cách mặc, cách sống, cách thưởng ngoạn, và cách tư duy… Chị cho rằng chỉ có văn hoá mới giúp nhận diện mình trước thế giới.

 
Sài Gòn Tiếp Thị Online

 

 

 

Các bài mới
Huế tha hương (29/06/2018)
Các bài đã đăng
Về thăm quê (22/11/2012)
Thư về Huế (06/08/2012)