Huế bốn phương
Những hoạt động đầy tâm huyết và hiệu quả của Hội Người Yêu Huế
10:52 | 18/02/2014

THANH TOÀN

Trưa chủ nhật 23-10-83 Phòng khách cư xá sinh viên Đông Nam Á ở Paris được trang hoàng trang nhã. Có tấm bản đồ màu Thành phố Huế, tranh ảnh di tích thắng cảnh Huế, quày trưng bày sách báo, băng nhạc Huế. Người đến dự đông ngoài dự kiến, có cả các cô dâu, chú rể Huế người Pháp, có những bạn Pháp...

Những hoạt động đầy tâm huyết và hiệu quả của Hội Người Yêu Huế
Ông Võ Quang Yến, nguyên Hội trưởng Hội Người Yêu Huế tại Pháp - Ảnh: internet

Trong không khí trang trọng mà chứa chan tình cảm đó, toàn thể bạn bè yêu Huế đề nghị thành lập một tổ chức tạm gọi là "NHỮNG NGƯỜI YÊU HUẾ". Nhiều bạn bè hưởng ứng giúp đỡ ngay, chị Cẩm Hà tặng bức tranh của họa sĩ Năng Tỉnh để bán đấu giá lấy tiền làm quỹ. Anh Nghiêm người gốc Bắc đã tặng một máy tính nhỏ cho Khoa toán Đại học Huế. Họa sĩ Lê Bá Đảng gửi quà tặng anh chị em văn nghệ sĩ Huế. Một số bạn bè người Pháp đã sống ở Huế thời niên thiếu cũng nhắc lại kỷ niệm của tuổi thơ và ước mong có dịp trở lại thăm viếng thành phố có dòng sông thơ mộng ấy.

Năm tháng sau đó, vào ngày 21-3-84, ông cảnh sát trưởng Paris cấp giấy phép lập Hội Người Yêu Huế (Ami­cale des amis de Huế), trụ sở tại số 1 phố Poléveau 75.005 Paris. Ông Võ Quang Yến khảo cứu viên CNRS làm Hội trưởng? Ông Lê Huy Cận kỹ sư ESE làm Tổng thư ký. Bà Nguyễn Khoa Song Xuân giám đốc nhà trẻ làm Thủ quỹ. Bà Lê Thái Cẩm Hà, bác sĩ y khoa đặc nhiệm y tế.

Thành phần của HNYH (Hội Người Yêu Huế), rất đa dạng về nghề nghiệp, tuổi tác, tôn giáo xu hướng, bất chấp mọi hoàn cảnh lịch sử, nhưng có một mẫu số chung là "rất yêu Huế", rất tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử, anh hùng của Huế. Cùng muốn góp phần để mong Huế xứng đáng với truyền thống và xứng đáng giữa một thế giới hiện đại. Thành viên nhiệt tình của Hội không chỉ khuôn gọn trong nước Pháp mà còn ở Cộng Hòa Liên Bang Đức, Tây Berlin, Bỉ, Canada...

Cơn bão số 8 tàn phá Huế Bình Trị Thiên nặng nề. HNYH kêu gọi bà con hướng về quê hương. Lập tức chị Thảo gởi đến Hội một ngân phiếu 2.000 quan Pháp ủng hộ Huế bị bão. Một "Đêm văn nghệ" được tổ chức vào tối thứ bảy 30-11-85 mời ca sĩ nổi tiếng Thanh Hải ở Tây Đức qua hát những ca khúc của Trịnh Công Sơn góp tiền của gởi về giúp nhà. Hội đã tổ chức tốt lễ truy niệm Vua Duy Tân, đẩy mạnh việc tuyên truyền giới thiệu về truyền thống văn hoá Huế, ra được các bản tin nội bộ với tên "Thư liên lạc" bước đầu có nhiều bài vở và tin tức phong phú.

HNYH đã gửi tặng nhiều thuốc men, phụ tùng phẫu thuật, dụng cụ y tế, sách chuyên môn cho Bệnh viện Trung ương Huế cho bệnh viện Thành phố Huế và các trạm xá trong thành phố. Tặng sữa, các trang bị nhỏ, đồ chơi, radio cho nhà trẻ, giúp phường Vĩnh Lợi xây dựng một nhà trẻ bề thế xứng đáng mà trong "Đêm Hè Huế", riêng chị T. đã gửi tặng 20.000 quan Pháp.

Hội đã giúp 5 học bổng cho 5 em học sinh Quốc Học nghèo mà xuất sắc. Anh L. K. T (cựu giáo sư đợt đầu trường Quốc Học) giúp thêm một số tiền cho số học bổng này - (qua anh Lê Huy Cận). Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập trường Quốc Học, Hội quyết định giúp học bổng cho 16 em học sinh Quốc Học và 8 em học sinh trường Hai Bà Trưng, mỗi học sinh mỗi tháng 300đ bằng cách gửi 90.000 vào tiết kiệm Ngân hàng để lấy lãi 8%, tặng một radio-cassette và nhiều băng nhựa để dùng trong việc giảng dạy. Hội đã tặng sách giáo trình về điện (của ông Trần Tiểu Lang) một máy tính nhỏ (của anh Nghiêm Xuân Hải), các linh kiện điện tử cho Đại học Tổng Hợp, một máy vi tính cho trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp Huế, do ông Trương Nguyên Trân biếu để tưởng nhớ hương hồn của người cha đã cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục ở Thành phố quê hương; 3 rađio cassette cho Tạp chí Sông Hương, Hội ca nhạc truyền thống Huế, Ban liên lạc đồng hương Huế Bình Trị Thiên tại Thành phố Hồ Chí Minh và sách nghệ thuật cho các Họa sĩ, quà tặng một số chùa ở Huế. Hội đã nhận mua một số vật tư cần thiết cho một số cơ sở sản xuất có điều kiện làm ăn phát triển như hóa chất cho xí nghiệp thuốc lá Huế hạt bi và hóa chất cho cơ sở sản xuất bút bi Hương Giang.

Hội cũng đã có dự định góp phần sửa sang hai bờ sông Hương bị thiên tai tàn phá. Hội cũng hết sức giúp đỡ hỗ trợ cho các bác sĩ Huế (hoặc người Việt Nam ở các vùng quê khác) qua công tác tại Pháp như bác sĩ Viên, bác sĩ Minh, bác sĩ Quỵ... và đang vận động Đại học Pierre et Marie Curie kết nghĩa với Học viện Y Huế, đang dự tính vận động một thành phố văn hóa lịch sử của Pháp kết nghĩa với thành phố Huế.

Hội đã tranh thủ CIDSE (tổ chức quốc tế đoàn kết và giúp đỡ phát triển Coopé­ration International pour la développement et la solidarité) mà CCFD (Comité catholique Contre la Faim et pour le Développement) là thành viên, giúp cho thành phố Huế 4 chương trình là: Trạm bơm Hương Sơ, Bệnh viện thành phố Huế, Trạm xá khu vực 3 Huế, hợp tác xã dệt Thuận Lộc 167.000 đô la. Ngoài ra họ đã quyết định giúp cho công trình ngăn mặn La Ỷ 50.000 đô la.

Hội đã cử 4 chuyên viên đi nghiên cứu ở phòng thí nghiệm của một trường Đại học ở Lille chuyên khảo cứu việc chiết rút aga, đã gửi nhiều tài liệu về Huế, và đã cho cô Hoài Hương tốt nghiệp Nông học Paris sau khi đã nghiên cứa thêm về qui trình chiết rút aga về Huế giúp cho Đại học Tổng Hợp, Trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp Huế, Xí nghiệp nuôi trồng Hải sản, trong vấn đề này.

Qua những việc tiếp xúc với thành phố Huế, Hội thấy Huế đã rất thiếu điện. Nếu xây dựng Thủy điện ở Tả Trạch phải có thời gian, hoặc chờ lưới điện cao thế, nên Hội đề nghị thành phố nên phát triển nhiều thủy điện nhỏ loại vài trăm KW. Hội đã tranh thủ Ban cứu tế bình dân Pháp (Secours populair Francais) giúp Huế xây dựng một trạm thủy điện nhỏ với số tiền chi viện 800.000 quan Pháp (khoảng 132000 đô la). Hội còn tranh thủ được Ban hợp tác và phát triển của công ty điện lực Pháp (mà anh Lê Huy Cận Tổng thư ký của Hội được cử làm Chủ tịch cùng với một người Pháp, đã đồng ý giúp cho Huế một trạm thủy điện nhỏ vài trăm KW. Hiện nay tỉnh đã giao cho thành phố Huế khảo sát thiết kế 2 công trình này.

Trong dịp về nước vừa qua, anh Lê Huy Cận, Tổng thư ký của Hội, cùng một số bạn bè cộng sự đã trực tiếp đi thực địa vùng Bình-Điền và cho xúc tiến khẩn trương chương trình thiết kế theo hướng trên. Nhiều cuộc họp của một số tổ chức phi chính phủ đã mời HNYH tham dự và Hội đã hết sức tranh thủ những dịp này để giới thiệu, tuyên truyền về Việt Nam, về Huế, đồng thời tranh thủ sự viện trợ nhiều mặt của bằng hữu quốc tế cho quê hương.

Một nỗi lo âu của HNYH là con cháu của họ thuộc thế hệ 2, thế hệ 3... sinh ra trên đất khách, ăn cơm ngoài, uống nước ngoài, nói tiếng ngoài, ngày càng đông, học hành giỏi, ít biết về quê hương Tổ quốc Việt Nam, làm sao thay thế cho họ. Họ mong muốn lớp thanh niên đó được có những ngày sống ở quê hương đất tổ để được Tổ quốc Việt Nam, nhân dân Việt Nam, bà con thành phố Huế vun trồng, nuôi dưỡng tiếng nói, tâm hồn, văn hóa Việt Nam để nối tiếp họ hướng về quê hương góp phần xây dựng cho đất nước Việt Nam giàu mạnh, hiện đại. Chuyến về thăm của Hoài Hương ngoài việc giúp chiết rút aga, có sứ mệnh quan trọng này. Cùng về với Hoài Hương là Hoài Nam, hai chị em sinh đôi học giỏi, HNYH muốn đưa về để "trau dồi thành người Huế 100%". Hoài Nam còn đi học nên phải trở về Pháp sớm hơn. Hội đã có chương trình đưa thanh niên về sống và thâm nhập vào quê hương trong những dịp hè với mục đích trên đây.

Riêng đối với Tạp chí Sông Hương, HNYH đã hết sức nhiệt tình, tận tâm trong việc giới thiệu, phát hành, vận động ủng hộ, đã là một "đại diện toàn quyền" của Sông Hương tại Pháp và Tây Âu. Nhiều tài liệu khảo cứu, bài viết thư góp ý sau mỗi số tạp chí một cuốn sách, vật chất ủng hộ... của bà con Việt Kiều đã được gởi về Sông Hương với tất cả tâm huyết quý mến. Nhiều đoàn Việt Kiều về nước đặc biệt chuyến về năm ngoái của anh Hội trưởng Võ Quang Yến và chuyến về vừa qua của anh Tổng thư ký Lê Huy Cận, các anh chị đều đến thăm và làm việc với Tạp chí Sông Hương. Một số chương trình hoạt động đã và đang được vạch ra giữa Sông Hương và HNYH ở Pháp, Cộng Hòa Liên Bang Đức, Tây Berlin, Canada...

Trong hướng mở ra, đổi mới của đất nước, của Bình Trị Thiên và của Huế hoạt động đầy tâm huyết và có hiệu quả - dù chỉ trong một thời gian còn quá ngắn kể từ khi thành lập của HNYH có rất nhiều ý nghĩa tích cực, mà chúng ta, những tổ chức, ngành, cá nhân ở trong nước, cần ghi nhận và hưởng ứng trở lại cũng bằng chính nhiệt tâm và hiệu quả.

Tháng 10-1987
T.T
(SH28/12-87)







 

Các bài mới
Huế tha hương (29/06/2018)
Các bài đã đăng
Về thăm quê (22/11/2012)
Thư về Huế (06/08/2012)