Huế bốn phương
GS Bùi Minh Đức: Đến khi ngất xỉu mới biết mình làm việc quá nhiều
13:53 | 15/10/2014

"Cho đến khi tôi bị ngất xỉu, tôi mới biết mình đã làm việc quá nhiều. Nhà tôi đã đóng cửa phòng mạch hai tuần sau đó, không cho tôi làm nữa vì sợ tôi kiệt sức", giáo sư Bùi Minh Đức chia sẻ.

GS Bùi Minh Đức: Đến khi ngất xỉu mới biết mình làm việc quá nhiều
Giáo sư Bùi Minh Đức chụp ảnh cùng vợ - bà Trần Thị Duy Thái

Thưa ông, với ý tưởng đưa những Giáo sư hàng đầu về Tai-Mũi-Họng của Mỹ về Việt Nam, ông đã thực hiện được bao nhiêu lần ạ?

Từ 1993 đến nay, tôi đã đưa các Giáo sư Mỹ về Việt Nam rất nhiều lần, mỗi năm 1-2 chuyến. Tôi ở Oten mà tôi di chuyển nhiều đến nỗi phải mua hẳn một căn nhà ở Sài Gòn để khi về có chỗ để ở. Tôi mua nhà từ năm 1997 hay 1998 gì đó, tôi dời về từ năm 2013 là vì bấy giờ tôi 80 tuổi rồi, tôi phải sang bên Mỹ để lỡ đau ốm thì còn có bác sỹ, phương tiện mà chữa chạy.

Mỗi năm, tôi dẫn tối thiểu 1 đoàn về Việt Nam. Tuy nhiên từ năm 1997, ngoài ngành T-M-H ra thì tôi còn lo thêm cả về thẩm mỹ, giải phẫu ở mặt cho bệnh nhân Việt Nam.

Với tôi, thẩm mỹ không có nghĩa là chỉ làm cho đẹp, mà thẩm mỹ là làm sao để không xấu. Đối với những người bị bỏng, những người bị thương ở mặt mà có những cái sẹo xấu hoặc tạo dáng không hợp với con mắt của người ngoài, tôi muốn làm cho họ thoát khỏi sự mặc cảm, muốn vậy thì phải sửa mặt họ, mà muốn sửa mặt họ thì phải có kỹ thuật. Ở mặt thì cái gì tốt, xấu đều biết ngay lập tức. Vì vậy, mỗi năm tôi đưa một đoàn về dạy thẩm mỹ thêm cho họ. Mỗi đoàn thẩm mỹ tôi giao cho một bác sỹ, giáo sư ở Mỹ rồi ông ấy tự kiếm thêm người cho đủ 5-7 người cho một đoàn.

Kiêm nhiệm nhiều công việc như vậy, có khi nào ông bị “quá tải” không, thưa ông?

Nhiều khi có 2 đoàn chuyên T-M-H và chuyên thẩm mỹ cùng về, thành ra công việc rất nhiều. Vì vậy, tôi phải bỏ phòng mạch bên kia để về với họ, nên công việc của tôi ở phòng mạch phần nào đó bị ngưng trệ.

Giáo sư Bùi Minh Đức và tác phẩm của mình

Giáo sư Bùi Minh Đức và tác phẩm của mình

Cho đến khi tôi bị ngất xỉu, tôi mới biết mình đã làm việc quá nhiều. Bởi vì ngoài khám bệnh kiếm tiền ra tôi lại còn phải nghiên cứu y khoa để viết bài trình bày, đi dự hội nghị, rồi tôi còn phải liên lạc với các đồng nghiệp trong nước, các giáo sư để phối hợp để đưa về Việt Nam, rồi lại cùng về Việt Nam với họ.

Chưa kể cùng lúc tôi còn phải làm quyển sách Từ điển tiếng Huế của tôi nữa, thành ra 4-5 chuyến cùng một lần khiến tôi kiệt sức.

Nhà tôi đã đóng cửa phòng mạch hai tuần sau đó, không cho tôi làm nữa vì sợ tôi kiệt sức. Từ đó, tôi rảnh hơn. Rảnh hơn thì tôi lại viết sách nhiều hơn và lo về vấn đề đưa giáo sư về nhiều hơn.

Nhưng sau đó tôi đã luyện cho một vài bác sỹ ở bên kia có thể tự động thay thế tôi được. Tôi chỉ cho họ cách mời giáo sư, và xây dựng chương trình theo cách mà họ cần, sau đó dần dần họ thay thế tôi được. Chính vì thế bây giờ tôi về khỏe lắm, mỗi lần về chỉ có về chơi chứ không cần làm gì hết.

Thưa bác sỹ, sau chừng ấy năm cống hiến cho nền y khoa, cho ngành T-M-H, và đóng góp cho nền T-M-H ở VN, bây giờ về hưu, một ngày của Giáo sư bắt đầu như thế nào?

Cũng tùy ở Việt Nam hay ở bên kia. Dầu sao đi nữa, sức khỏe tôi bây giờ cũng đã khá hơn. Lúc trước tôi bị xỉu, tôi chụp phim thì phát hiện ra mình có rất nhiều vấn đề về sức khỏe, trước hết là bệnh tiểu đường, nhưng do tôi chấp hành lời dặn của bác sỹ nên sức khỏe có khá hơn, trọng lượng cũng lên.

Tôi bị ung thư máu nhưng mới ở hình thức nhẹ chứ không đến nỗi nguy hiểm nhiều. Cái tin đó đúng là một tin sét đánh nên nhà tôi đã phải đóng cửa phòng mạch ngay lập tức, để lo cho sức khỏe của tôi.

Về hưu, giáo sư Bùi Minh Đức dành nhiều thời gian hơn cho gia đình

Về hưu, giáo sư Bùi Minh Đức dành nhiều thời gian hơn cho gia đình

Về công việc hàng ngày ở bên kia thì sáng dậy tôi cũng có thời gian đọc báo, rồi ăn sáng với vợ, mình sẽ có nhiều thì giờ dành cho vợ, con hơn. Tôi còn có nhiều cháu, dành thời gian vui vẻ với các cháu, ngoài ra tôi còn viết sách. Từ khi nghỉ hưu, tôi viết được nhiều sách hơn về văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế. Bây giờ nhiều người trong giới học thuật biết nhiều văn hóa hơn là bác sỹ, thành ra nhiều khi họ giới thiệu tôi là một nhà nghiên cứu Huế thì cũng thấy vui.

Sách tôi có ra được tối thiểu 5,6 quyển rồi. Như quyển từ điển Huế thì đến quyển thứ 3 là 2000 trang, nặng tới 4,5 kg. Rồi tôi viết về văn hóa ẩm thực Huế, tôi viết về lịch sử nhìn lại dưới góc độ y khoa, để tôi giải thích những sự kiện, những nhân vật trong lịch sử Việt Nam.

Chẳng hạn như Nguyễn Huệ. Tôi giải thích vì sao Nguyễn Huệ chết sớm ở tuổi 40. Tôi đã chứng minh đó là do ông ấy bị vỡ mạch máu ở trên đầu. Rồi một nhân vật khác là ông Lê Long Đĩnh, ông đau bệnh gì mà ông phải ngọa triều? Những cái như vậy cũng vui lắm.

Rồi ông Nguyễn Văn Tường tại sao không đi theo vua để mang tiếng theo Khâm sứ Pháp, nhưng thực ra lúc đó không ai biết hết. Ông chết đúng 1 năm sau là vì ung thư, mà lúc binh biến ở kinh đô là ông đã bị nặng lắm rồi. Lúc đó ung thư ở cổ đã che mất thanh quản rồi mà không ai biết hết. Ông biết sức ông yếu ông đi không nổi, thành ra ông phải ở lại.

Nhưng ông ở lại, một phần lớn cũng là vì chỉ dụ của Từ Dụ Thái hậu bảo ông ở lại thu xếp, bởi vì bà không chấp nhận được trong một đêm mà vương triều nhà Nguyễn bị mất, nên bà cố gắng cứu vãn, và nhờ ông ở lại để cố gắng thu xếp. Ông đã làm được và đưa bà về, rồi vua Hàm Nghi đi thì ông đưa người khác lên. Đó là vua Đồng Khánh. Vị vua này vẫn tiếp nối được nhà Nguyễn tới vài chục năm sau. Ngoài ra còn nhiều vấn đề lắm.

Theo giadinhonline.vn

 

 

 

Các bài mới
Huế tha hương (29/06/2018)
Các bài đã đăng