Văn học dân gian
Một số hình thức phủ định của phương ngữ Huế
10:08 | 29/06/2012

TRIỀU NGUYÊN

1. Theo cách hiểu chung nhất, thì phương ngữ là biến thể theo địa phương hoặc theo tầng lớp xã hội của một ngôn ngữ. Có những biến thể thuộc ngữ âm, từ vựng và cũng có những biến thể thuộc ngữ pháp, phong cách. Hiện nay, đã có một số công trình liên quan đến nội dung đầu (nhiều nhất là từ điển phương ngữ), còn nội dung sau thì khá hiếm hoi.

Một số hình thức phủ định của phương ngữ Huế
Nhà nghiên cứu Triều Nguyên - Ảnh: TL

Trong quá trình tìm hiểu phương ngữ Huế, người viết nhận thấy phương ngữ này có một số hình thức phủ định (thuộc lĩnh vực ngữ pháp, phong cách) không như ngôn ngữ phổ thông. Bài viết ngắn này nhằm bước đầu miêu tả các hình thức phủ định ấy, có thể xem như một bổ sung cho tình hình vừa nói.

2. Dựa vào các phương tiện ngôn ngữ dùng để phủ định, tạm chia vấn đề làm hai phần: phủ định bằng hình thức láy và phủ định bằng hình thức sử dụng các mô hình dành riêng. Riêng phần hai, gồm: dạng phủ định A trong hai mô hình A thì/là B A bằng/như B theo cách cho B có đặc điểm mâu thuẫn với A; và dạng phủ định đặc biệt với mô hình Lo + A (A: một sự vật, sự việc hiển nhiên).

2.1. Phủ định bằng hình thức láy

2.1.1.
Hình thức láy để phủ định rất đáng được chú ý. Có hai dạng láy để phủ định thường gặp, đó là dạng láy để tạo nên một tổ hợp gồm hai âm tiết, trong đó âm tiết thứ hai lặp lại bộ phận vần và thanh điệu của âm tiết thứ nhất, đồng thời, thay phụ âm đầu bằng [l-]. Thí dụ: “bưởi” (quả bưởi) láy thành “bưởi lưởi”, “ngồi” láy thành “ngồi lồi”, “giỏi” láy thành “giỏi lỏi”,…

Trường hợp âm tiết thứ nhất không có phụ âm đầu thì vẫn thêm [l-] vào, như “ổi” láy thành “ổi lổi”, “ăn” láy thành “ăn lăn”, “đi” láy thành “đi li”,… Nhưng nếu phụ âm đầu của âm tiết ấy là [l-] thì không láy được, nếu cứ láy (theo hướng đang bàn, là láy nguyên dạng) thì chẳng những không còn hàm nghĩa phủ định mà có thể trở nên vô nghĩa, nhất là với trường hợp các danh từ. Chẳng hạn, các từ “lợn”, “lốc”, “lều”,… khi láy thành “lợn lợn”, “lốc lốc”, “lều lều” thì hoặc vô nghĩa, hoặc có thể cho là các từ biểu thị số nhiều (trong một số ngữ cảnh nhất định), còn nghĩa phủ định thì rất mờ nhạt, đến có thể nói là không có.

Dạng láy để phủ định tiếp theo là một tổ hợp gồm năm âm tiết, trong đó âm tiết thứ ba như âm tiết thứ hai của trường hợp láy để phủ định vừa trình bày, hai âm tiết bốn và năm hoàn toàn giống nhau, chỉ thay phụ âm đầu [l-] bằng [s-] (chữ viết: x-), riêng âm tiết thứ hai luôn cố định là “bờ”. Thí dụ (để tiện nắm  bắt, ở đây dùng lại yếu tố gốc hay âm tiết thứ nhất trong thí dụ trước): “bưởi” láy thành “bưởi: bờ lưởi xưởi xưởi”, “ngồi” láy thành “ngồi: bờ lồi xồi xồi”, “giỏi” láy thành “giỏi: bờ lỏi xỏi xỏi”…

Tương tự với dạng láy trên, nếu âm tiết thứ nhất không có phụ âm đầu thì vẫn thêm [l-] vào, như “ổi” láy thành “ổi: bờ lổi xổi xổi”, “ăn” láy thành “ăn: bờ lăn xăn xăn”, “đi” láy thành “đi: bờ li xi xi”,… Riêng với trường hợp âm tiết thứ nhất có phụ âm đầu [l-], thì dạng láy này vẫn thực hiện được, theo cách âm tiết thứ ba lặp lại âm tiết đầu. Chẳng hạn, các từ “lợn”, “lốc”, “lều”,… khi láy, thành “lợn: bờ lợn xợn xợn”, “lốc: bờ lốc xốc xốc”, “lều: bờ lều xều xều”…

Có thể thấy, hai dạng láy vừa nêu thuộc loại láy bộ phận: khác nhau ở âm đầu, vần và thanh điệu giống nhau. Nổi bật, là vai trò của phụ âm đầu [l-]. Sự xuất hiện của nó ở hai dạng láy phủ định này không phải ngẫu nhiên, mà có thể giải thích đây là một sự kết hợp theo quy luật: hai phụ âm đầu trong mỗi tổ hợp phải khác nhau về phương thức và vị trí cấu âm, mà [l-] là một phụ âm bên, đối lập với tất cả các phụ âm còn lại, nên thỏa mãn yêu cầu này. Chúng ta đã biết, trong trường hợp láy bộ phận có âm đầu khác nhau, thì có đến khoảng một nửa bắt gặp sự xuất hiện của phụ âm đầu [l-] ở âm tiết láy lại (âm tiết này đứng trước âm tiết láy); thí dụ: lầu bầu, luẩn quẩn, lác đác, loay hoay, lỏng chỏng, lom khom, lễ mễ, lèm nhèm, lớ ngớ, lất phất, lầm rầm, lèo tèo, lưa thưa, lảng vảng, lăng xăng,…(1).

Cũng cần nói thêm về hệ quả của hai dạng láy này, là khi âm tiết đầu (tức âm tiết dùng để láy) có phần vần và thanh điệu giống nhau, thì đều có cùng một (hoặc một số) âm tiết láy giống nhau. Thí dụ, với các âm tiết (đồng thời là từ đơn) “bận”, “chận”, “hận”, “mận”, “rận”,… thì ở dạng láy đầu, đều có âm tiết láy là “lận” (“bận lận”, “hận lận”,…), và ở dạng láy sau, đều có các âm tiết láy là “bờ lận xận xận” (“chận: bờ lận xận xận”, “mận: bờ lận xận xận”,…).

Hai dạng láy để phủ định đang bàn ít sử dụng trong trường hợp có nhiều hơn một âm tiết dùng để láy. Trên thực tế, người viết chưa nghe có người láy các từ (hay tổ hợp) như “xe máy”, “ăn uống”, “giàu sang”, “hợp tác xã”. Có thể bấy giờ phải tách ra từng âm tiết (hay từ tố) để láy, như “xe le máy láy”, “ăn: bờ lăn xăn xăn, uống: bờ luống xuống xuống”, nhưng như thế nghe ra có vẻ “lặp cặp” do lạm dụng phương thức láy, cái thú vị của láy cũng sẽ giảm đi.

Về nghĩa, đây là hình thức láy mô hình, có yếu tố nghĩa chung là nhấn mạnh để phủ định một sự vật, hiện tượng hay một tính chất, trạng thái, hoạt động,… Hiển nhiên, những tổ hợp được tạo ra từ hai dạng láy vừa trình bày chỉ là những đơn vị lâm thời trong lời nói, không phải là đơn vị có sẵn trong ngôn ngữ. Nói khác đi, đây là những cụm từ tự do(2). Chúng được sử dụng trong phương ngữ Huế, tương tự hiện tượng iếc hoá ở phương ngữ Bắc(3), đặc biệt là dạng đầu.

Dưới đây, là hai mẩu truyện cười, có thể coi là sự minh họa cho việc sử dụng hai dạng láy vừa trình bày trong dân gian vùng Huế:

1. MÚI LÚI XƠ LƠ

Người đàn bà nọ, mỗi lần đi chợ phiên về, đến bữa cơm thường bỏ đũa nửa chừng rên đau nhức trong người không ăn được. Việc lặp lại mãi khiến anh chồng đâm nghi ngờ.

Một hôm, đến phiên chợ, người chồng làm như tình cờ ghé qua, và thấy ngay vợ đang cắm cúi ngồi ăn ở bà hàng mít. Trong lúc chị đang mải mê nhai, thì có một người ăn xin đến ngả tay, nói:

- Cho xin múi!

Người đàn bà không ngẩng mặt lên, đáp cộc lốc:

- Múi lúi!

Người ăn xin năn nỉ:

- Cho xin xơ!

- Xơ lơ!

Kế đó là một loạt câu trả lời, gạt bỏ yêu cầu của người ăn xin mà chị ta vung ra: đựng lựng, cồi lồi, hột lột!...

Thấy cảnh này, anh chồng lặng lẽ bỏ về.

Bữa cơm hôm đó, chị vợ cũng ăn lưng bát rồi rên mệt người, lên giường nằm. Người chồng tỏ ra quan tâm đến sức khỏe vợ, nói:

- Hãy làm một con gà, đĩa xôi cúng trời đất, để nhờ phù hộ cho!

Người vợ không thể làm khác lời được. Khi lễ vật bày xong trước nhà, anh chồng đốt hương đèn, chắp tay trịnh trọng mà xướng lên rằng:

- Múi lúi, xơ lơ, đựng lựng, cồi lồi, hột lột, vỏ lỏ…

Bệnh tình này chẳng khó khăn chi,

Hãy tống nhanh bọn quỷ kia đi!

Xông phà(4) đây!... Xông phà nì!...

Người đàn bà biết chồng đã rõ chuyện, muốn lỡm mình, nhưng không dám thốt lên một lời. Và từ đó, chị ta thôi không rên đau ốm sau khi đi chợ phiên về nữa.

2. MỆ ỒN LẮM!

Một bà lão bán cá ở một khu chợ xép. Buổi chợ hôm ấy, có một chị nông dân mang cá mà gia đình tát bắt được từ thửa ruộng sâu của mình đến bán, ngồi choán phía trước bà ta. Bà lão bực cái chị không biết điều kia, nhưng không thể đuổi đi được, mới chửi đổng lên rằng:

- Tổ cha mệ nội cha mấy đứa làm vệ sinh sáng ni không chịu quét dọn. Tổ cha mệ nội cha…

Chị kia biết bà ta chửi khéo mình, gắt gỏng:

- Mệ nói nhiều quá!

- Nhiều bờ liều xiều xiều!

- Mệ nói ít thôi!

- Ít bờ lít xít xít!

- Mệ im đi!

- Im bờ lim xìm xim!

- Mệ ồn lắm!

- Ồn bờ lìm xìm xìm!” (5).

2.1.2. Ngoài hai dạng láy vừa nêu, còn có một vài trường hợp láy với dụng ý phủ định khác được tìm thấy trong đồng dao. Các hình thức láy này gần với lối giễu, nhại. Dưới đây là ba văn bản liên quan:

- Học trò, học trỏ, học tro,

Chưa xong ba chữ đã lo vét nồi.

- Học trò, học trẹt,

Đánh bẹt ra mo,

Chó chẳng dọn cho,

Học trò dọn lấy!

- Thầy sãi thầy sai,

Niêu hai cơm nếp,

Thầy cả đánh hết,

Đạo tràng ngồi không;

Tín chủ ngồi đồng,

Xin thầy miếng cháy!


So với những ngữ liệu đã dẫn trước, thì tính chất là cụm từ tự do của “học trò, học trỏ, học tro”, “học trò, học trẹt”, “thầy sãi thầy sai” ít rõ ràng hơn; tức chúng gần với phương thức láy hơn (trong lúc ấn tượng về láy thì không mạnh bằng).

2.2. Phủ định bằng hình thức sử dụng các mô hình dành riêng

2.2.1. Dạng phủ định A trong hai mô hình A thì/là B A bằng/như B theo cách cho B có đặc điểm mâu thuẫn với A


Thường gặp A là một khái niệm trừu tượng, B là một hình ảnh cụ thể; và cái cụ thể, sinh động của B có đặc điểm mâu thuẫn với thuộc tính cơ bản của A, khiến A bị phủ định.

Đọc một số câu cửa miệng sau:

(1) Anh, xanh cọng đỏ càng (hoặc: Eng, xeng cọng đỏ càng)

(2) Chị, cái bị ba quai.

(3) Phiền, lên cầu Trường Tiền mà nhảy.(6)

(4) To bằng trôốc bả ruồi.

(5) Đẹp như cái bẹp mụ tra.

Ba câu đầu thuộc mô hình A thì/là B. “Cọng” và “càng” (người địa phương thường dùng để nói về cua, ghẹ) nếu thuộc vào một chỉnh thể (con cua, ghẹ), là cùng màu: khi còn sống cua, ghẹ có màu xanh, khi luộc chín ngả sang màu đỏ. “Xanh cọng đỏ càng” là sự trái lẽ, bất thường. Nó chỉ ra tính chất hai mặt, sự thiếu nhất quán. Làm anh mà lá mặt lá trái trong quan hệ với em, thì không còn là anh nữa (1). “Bị” dù to đến mấy cũng chỉ có hai quai. “Bị ba quai” là không bình thường, không có trong thực tế. Chị mà là/như “cái bị ba quai”, thì đó là người chị quái đản, thứ bỏ đi (2). “Lên cầu Trường Tiền mà nhảy” là một kiểu tự tử không phải sợ bị cứu sống, bởi nếu không chết vì gãy xương, thì cũng chết vì ngạt nước. Do tính chất “dữ dội” của kiểu chết này mà hiếm ai lại “nhảy” như vậy. Buồn phiền là chuyện bình thường của kiếp người, thuộc thất tình lục dục sinh ra, nếu hễ phiền là đi “nhảy” thì e trái đất không còn bóng con người. Tức chuyện “lên cầu Trường Tiền mà nhảy” là vô duyên, vô lối. Mà đã không thể nhảy thì cũng chớ nên phiền (“phiền” bị phủ định) (3).

Hai câu cuối thuộc mô hình A bằng/như B. “Trôốc bả” là bắp đùi, vế chân. Vế chân của ruồi chỉ nhếch hơn sợi lông một tí. To bằng thứ vừa nói, với cái nhìn của mắt thường, thật ra, là rất nhỏ. Khái niệm “to” (thường dùng để chỉ chức vụ của người được nói đến) bị hạ bệ (4). “Cái bẹp mụ tra” không mấy ai cho là đẹp. Đẹp như cái ấy thì rõ là… xấu! (5). Như vậy, tuy nói “to”, “đẹp” nhưng đồng thời cũng sử dụng những biểu hiện (có thể coi là minh họa cụ thể) đối nghịch, nhằm phủ định ngay, khiến chúng thực sự trở thành nhỏ, xấu.

Có thể dẫn thêm một số câu tương tự:

- Chị em, mắm nem ba đồng (câu cửa miệng);

- Ăn mà đẻ ông bộ(7) cho làng nhờ (câu cửa miệng);

- Bà con bắn súng canh nông không thấu (câu cửa miệng);

- Tội, lội xuống sông, mai mốt có chồng thì lội mà lên (đồng dao);

- Em khôn, em ở trong bồ; chị dại, chị ở kinh đô chị về (ca dao);

- Phen này quyết chí buôn to: buôn trấu dấm bếp, buôn tro trồng hành (ca dao);

- Nào ai hiếu nghĩa như anh: khi đau thì vắng, khi lành viếng thăm (ca dao);...

2.2.2. Dạng phủ định đặc biệt: mô hình Lo + A (A: một sự vật, sự việc hiển nhiên).

Mô hình Lo + A được cho là dạng đặc biệt, bởi tính chất cụ thể nhưng lại được sử dụng khá rộng rãi của nó. A về mặt ngữ pháp, có vai trò làm bổ ngữ (cho “lo”), về mặt ngữ nghĩa, nhằm biểu thị một sự vật, hiện tượng hay sự việc có tính chất hiển nhiên. Lo về một điều hiển nhiên là lo hão, lo một cách vô lối. Tức phủ định việc lo.

Thí dụ:

- Lo bò trắng răng.

- Lo trâu không có hàm trên.(8)

Ca dao có hẳn một bài “Mười lo” theo thể lục bát, mỗi dòng thơ thể hiện một mô hình Lo + A, dưới đây:

Một lo em bé trắng răng,

Hai lo người thấp không bằng người cao.

Ba lo thầy bói té rào,

Bốn lo con đĩ miệng chào khách buôn.

Năm lo thợ đúc có khuôn,

Sáu lo kẻ ở trên nguồn gian nan.

Bảy lo bà góa chửa hoang,

Tám lo dân làng hết gạo đi xâu.

Chín lo biển rộng hơn cầu,

Mười lo bà vãi trọc đầu khó coi.


3. Có thể còn một số hình thức phủ định khác được tìm thấy trong phương ngữ Huế, chẳng hạn: “Có chộ mặt ngang mặt dọc chi mô”, “Ai, ông cai bến đò, ông cò Dạ Lê, ông Kê An Cựu…”, “Biết có sống đặng đến mai mà để củ khoai đến mốt”, “Học chi mà học: học chọc bát cơm, học đơm cơm cháy, học cạy thủng nồi”, “Không mợ thì chợ cũng đông; mợ đi trong Quảng ai trông mợ về!”,… Nhưng chúng mang tính cá biệt, thiếu sự thu hút để có thể tạo nên những tập hợp hay chuỗi cùng loại. Do vậy, các miêu tả ở trên tiêu biểu hơn.

Bài viết thuộc một lĩnh vực nhỏ trong việc nghiên cứu về phương ngữ Huế. Tuy vậy, nó cũng phần nào cho thấy sắc thái riêng qua lời ăn tiếng nói của người bản địa, và sự thú vị đáng kể khi đối sánh với ngôn ngữ phổ thông.

T.N
(SH280/6-12)


--------------
(1) Theo: Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985; tr. 91-107.

(2) Phương ngữ Bắc Bộ có một hình thức láy để phủ định: tạo tiếng láy bằng cách lấy phụ âm đầu của tiếng được láy cộng với [-iếc]: “nhà nhiếc”, “sách siếc”, “đi điếc”, “xe đạp xe điếc”, “câu lạc bộ câu lạc biếc”,…

(3) Xét mặt cấu tạo, thì đây là hiện tượng trung gian giữa từ láy và cụm từ tự do.  

(4) Xông phà: Lời người thầy cúng thường dùng trong các lễ xua đuổi yêu ma, có thể hiểu như: “Cút xéo ngay!”.

(5) Theo: Triều Nguyên, Truyện cười, truyện trạng và giai thoại xứ Huế, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010; tr. 91, và tr. 77.

Phân tích truyện “Mệ ồn lắm”: Theo các cách láy có trước (nhiều -> bờ liều xiều xiều; ít ->bờ lít xít xít;…), thì ồn không thể là “bờ lìm xìm xìm”. Cấu trúc tạo ra cái tục, còn lời nói thì vờ “lách” đi để kiêng tránh. Đó là chỗ “đắc dụng” của truyện cười này.

(6) Ở dạng mở rộng của câu này, có người đọc: “Anh có phiền lên cầu Trường Tiền mà nhảy, muốn đạo ngãi đến mụ Trùm Chanh, muốn thương anh đến mụ Bếp Lé”, phổ biến khoảng nửa đầu thế kỉ XX.

(7) Ông bộ: người có vóc dáng nam nhưng không có bộ phận sinh dục như những người đàn ông khác, thường được ưu tiên tuyển vào cung làm thái giám (làng, tổng có thể nhờ đó mà được giảm sưu dịch, nhưng bậc làm cha mẹ thì không mấy ai lại muốn con mình như vậy).

(8) Bò thì răng trắng, trâu thì tất yếu không có hàm trên.
 



 

Các bài mới
Chùm ngụ ngôn (21/09/2023)
Các bài đã đăng