TÔN THẤT BÌNH
Các mẫu chuyện về "mệ" được lưu truyền, phổ biến trong dân gian, tập trung nhiều nhất là ở Huế và các vùng phụ cận. "Các mệ" là ai? Đó là từ dân gian gọi những người thuộc dòng hoàng tộc ở Huế, không kể già hoặc trẻ, nam hay nữ.
Cuộc sống vương giả ngày trước đã tạo cho "các mệ" có một phong thái ngôn ngữ riêng biệt, có thể nói là độc đáo. Qua các mẫu chuyện sau, ta có thể thấy được một vài nét đặc biệt của Huế ngày trước. Chúng tôi xin giới thiệu một số chuyện tiêu biểu.
"MỆ" NÓI TRẠNG TRÊN SÂN KHẤU
Trên sân khấu hát bội ở Huế, một trong những hình ảnh của "mệ" được điển hình hóa qua vai bột. Bột là chàng công tử con quan (công tử bột), bệnh hoạn, mặt dồi phấn mốc, đầu quấn nhiễu xanh hoặc đỏ, mặc áo gấm, má phúng phính, mặt nhẵn trơ, ra sân khấu nói lắp bắp:
"Bớ bay!
Sớm mai tàng tạng tàng tang
"Mệ" bảo thằng tê bắt con kiến càng
Lấy sợi dây chàng
Xỏ ngang lỗ mũi
Cho "mệ" dắt đi chơi.
Có không? hử, h... hử bớ bay!
Đi đâu mà "mệ" kiếm đôn kiếm đáo
Đảo địa thiên tôn,
Hà môn chi xứ,
Am tự chùa lôi
Thấy bánh thấy xôi,
Thấy ông Phật đương ngồi,
Mà chẳng thấy bay,
R-r... rứa h... hư, hử ba... bay?"
Rồi "mệ" õng ẹo đi vô, mặc những tràng cười của khán giả.
ĂN MÀY VÀ ĐỊNH MẠNG:
Một buổi sáng trời mưa rả rích, dai dẳng, loại mưa Huế làm rầu thúi ruột, "mệ" đang ngồi bó gối nhìn trời mưa, tối hồi hôm "mệ" vừa chơi bạc thua sạch túi. Bỗng một lão ăn xin co ro, quờ quạng gậy bước vào, "hát bài con cá", bực quá, "mệ" bĩu môi gắt:
- "Ôn nội ai mà dám cho chú mi! Trời đã định mệnh cho chú mi là kiếp ăn mày, số chú mi là số xách bị mà ta dám cãi lệnh trời à! Thôi, đi chơi chỗ khác"
Lão ăn mày : ? ! !
THƠ HỌA NGẪU HỨNG
Chuyện xẩy ra trên sông.
Khách tao nhân thi sĩ gồm 4 "mệ" đang nghe cô đào hát bội nổi tiếng ở Huế hát. Bỗng cô lí nhí xin phép ra khoang sau. Thấy hơi lâu, một "mệ" lên tiếng giục :
- Có chuyện chi mà lâu rứa !
- Dạ thưa cụ, em thấy trên núi có lửa chợp chờn cháy, dễ s...ơ ợ... rứa thi! - Cô Đào nhỏ nhẹ trả lời. Tiếp sau là tiếng nước rỏn rỏn trên mặt sông.
Bỗng nhiên thơ được khơi nguồn. Một mệ nói:
- Ta nghĩ được một câu thơ, mấy yêng(1) thử họa chơi: Thỏ thẻ thầm thương câu núi cháy.
Rất nhanh, một "mệ" tiếp :
- Ngại ngùng một nỗi nước khe tuôn.
Hay ! hay! bốn "mệ" nổ cười vang làm con đò chòng chành muốn lật.
CÂU ĐỐI CHO THÁI GIÁM :
Ngày trước tuy thái giám không có khả năng sinh con, nhưng có quyền lấy vợ. Nhân "ngày vui" của thái giám, vua Tự Đức cùng các vương hầu tới thăm. Nhà vua tặng một tấm biển có ghi câu chữ Hán rất sắc sảo :
"Vi sương tư dịch" (dịch nghĩa : làm sương cho sáo ; nói lái : làm sao cho sướng) và hỏi ai đối được.
Sau vài phút suy nghĩ, Tuy Lý vương đã đối lại rất chỉnh :
"Dĩ phát tư phùng" (dịch nghĩa : lấy tóc mà may ; nói lái:…)
HÔM NAY ĂN KHỎI TRẢ TIỀN
Ở Huế có lưu truyền 2 câu thơ trong dân gian :
Nhà Đồ (cửa nhà Đồ) có bốn mỹ miều.
Thông say, Huyên dữ, Heo liều, Phước ăn.
Đó là 4 "mệ" ; hai "mệ" trước là đàn ông, nổi tiếng say rượu, hung dữ ; hai "mệ" sau là đàn bà, nổi tiếng liều lĩnh, ăn quịt.
Đây là ngôn ngữ của "mệ" sau khi đã kêu quà bánh vào nhà ăn no nê rồi phủi đít đứng dậy, khi bà bán hàng níu lại đòi tiền :
- Ta đã ăn thì ta trả, mà bữa mô có tiền thì ta mới trả chơ ! Chừ không có tiền lấy chi mà trả ! Mi đã ăn của ông bà tau lút đầu, mi mà nói nữa thì ta tới nhà mi ta ăn lại cho mà biết mặt, liệu hồn!
"MỆ" CHƠI "MỆ"
Nhà "mệ" có kỵ, dọn đồ ăn linh đình. Trong lúc cả nhà đang ngồi ăn vui vẻ, bỗng có một "mệ" không ai mời tự dưng đến.
"Mệ" gia chủ đon đả chạy ra hỏi :
- A yêng, rứa thì yêng đã ăn chi chưa ?
- Lòng không dạ trống, đã ăn chi mô.
- Rứa thì mời yêng về nhà ăn rồi mai tới chơi hí!
QUÀ MỪNG ĐÁM CƯỚI :
Nhà bà con có đám cưới, "mệ" được mời dự nhưng không có tiền mua quà mừng, mới tới nhà đám cưới, đưa ra một tờ giấy hồng đào, có viết hai câu thơ và nói :
- Nì, "mệ" mừng cho hai câu thơ để làm quà.
Nói xong ngâm liền :
Không đi, không phải, phải đi không.
Có tới, còn hơn, hơn tới có!
Lại gật gù đầu cười tỏ vẻ đắc ý.
- Phải, phải, có tới còn hơn, hơn tới có; mấy thằng mang đồ tới văn chương chữ nghĩa ở mô, răng mà bằng mệ được hí !
TẠI TÔN NHƠN PHỦ :
Sau khi ra đường chọc thiên hạ, bị nện cho một trận nên thân, "mệ" bù lu bù loa đòi xử, thế là sự kiện phải đưa ra phân xử tại Tôn nhơn phủ(2). Quan tòa đương nhiên là người hoàng phái. Được thế "mệ" càng khóc tợn :
- Đó, có thấy không ! ai đời hắn cứ nhè ông tổ tui mà hắn chưởi rứa có tức không ? tui phải chưởi lại chứ! tại răng ông bà tau, cố tổ tau, chết mấy đời vương rồi mà mi còn đào mồ cuốc mả lên mi chưởi ? răng rứa hử ?
Nghe động lòng tiên tổ, quan toà xử cho ai được chắc ai cũng đoán biết. Chẳng bao giờ "mệ" chịu thua ai.
28-12-1984
T.T.B
(SH23/01-87)
--------------
(1) Yêng : anh, tiếng gọi xưng hô của "các mệ" với nhau.
(2) Ngày trước, hễ có việc cần phân xử mà bị can có một người là hoàng phái thì phải xử tại Tôn nhơn phủ.