Văn học dân gian
NĂM DẬU NÓI CHUYỆN GÀ
13:29 | 25/01/2017

Gà, từ biểu tượng văn hóa đến biểu trưng ngôn ngữ và văn học

NGUYỄN VĂN HÙNG

NĂM DẬU NÓI CHUYỆN GÀ

Từ lâu, gà luôn xuất hiện trong đời sống văn hóa nhiều nước trên thế giới. Từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, gà đã trở thành biểu tượng xuyên văn hóa, mang sức mạnh biểu trưng cho ý niệm đa diện, đa chiều về vũ trụ, thiên nhiên, nhân sinh, tâm linh, nhân tính. Danh xưng “gà” đã đi vào ngôn ngữ đời sống qua lời ăn, tiếng nói hằng ngày, qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao và trở thành hình tượng đặc sắc, sinh động trong nhiều sáng tác văn chương Việt.

Gà - biểu tượng xuyên văn hóa

Là vật nuôi được thuần hóa từ lâu trong tự nhiên, gà (với các chủng loại: gà giò (poulet), gà gô (perdrix), gà gô đen (tetras), gà lôi (faisan), gà sếu (outard), gà tây mái - gà tây trống (dinde - dindon), gà mái (poule), gà trống (coq) gắn bó mật thiết với cuộc sống con người, trở thành loài vật linh thiêng trong các nền văn hóa, gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo.

* Gà trong nghi lễ hiến tế, lễ vật

Trong thần thoại Hy Lạp, gà trống có mặt bên cạnh Léto, khi nữ thần này có mang với thần Zeus, sinh ra Apollon và Artémis. Vì thế nó được cung hiến cùng một lúc cho cả các vị nam thần ở thái dương (Zeus, Apollon) lẫn các vị nữ thần ở thái âm (Léto, Artémis). Mặc dù đã có lời khuyến dụ của Pythagore rằng “hãy nuôi gà trống và đừng giết nó bởi vì nó được cung hiến cho mặt trời và mặt trăng”, gà trống vẫn bị hiến tế cho Asclépios (thần y học). Có thể nhận thấy sứ mệnh dẫn dắt linh hồn của gà trống trong câu chuyện huyền thoại này, nó báo tin cho thế giới bên kia và dẫn dắt linh hồn người quá cố sang cõi ấy. Vai trò dẫn dắt linh hồn người chết về thế giới bên kia cũng được người La Mã trao cho gà trống khi chúng có mối liên hệ với thần Mercure, vị sứ giả đi ngược xuôi khắp ba cõi sinh tồn từ Âm phủ lên Thiên giới để đưa tin cho các vị thần.

Với người Do Thái giáo chính thống, nghi lễ hiến tế gà hoặc cá (nghi thức kapparos) mang ý nghĩa vật hiến tế sẽ đem đi mọi tội lỗi của người làm lễ. Cái chết của vật hiến tế như một lời nhắc nhở những kẻ sám hối rằng mọi sinh mệnh của họ đều nằm cả trong tay Thượng đế.

* Gà - biểu tượng của mặt trời, nguồn sáng, trí minh tuệ

Trong văn hóa và tôn giáo của nhiều quốc gia, gà trống là một biểu tượng phổ biến của mặt trời, tiếng gáy của nó báo hiệu mặt trời mọc; nó cũng là biểu tượng của trí minh tuệ, sự sáng suốt. Trong đạo Hindu ở Ấn Độ, gà trống là vật hiệu của thần Skanda (thần chiến tranh), là hiện thân của năng lượng mặt trời. Trong Thánh Kinh, Giêsu mượn hình ảnh “gà mẹ túc con mình lại ấp trong cánh” để nói lên tình yêu thương đặc biệt Người dành cho dân Hebrew (Do Thái). Nhưng cũng chính Ngài thấy được ở gà trống biểu tượng của sự cảnh giác, sự phản bội và sự thức tỉnh. Ba lần chối mối quan hệ với Thầy của Phêrô đã được Giêsu tiên báo từ trước (kinh Tân Ước): “Thầy bảo thật anh, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần”. Ba trong bốn cuốn sách Phúc âm trong Tân Ước viết về cuộc đời, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu (Phúc âm Mátthêu, Phúc âm Máccô, Phúc âm Luca) đều đề cập chuyện gà trống đóng vai trò là hiện thân của Chúa. Với ý nghĩa biểu trưng cho mặt trời: ánh sáng và sự phục sinh, vào thế kỷ VI, Giáo hoàng Grêgôriô I, vị giáo hoàng thứ 64 của Giáo hội Công giáo đã tuyên bố gà trống là biểu tượng của Kitô giáo. Đến thế kỷ IX, Giáo hoàng Nicôla I, vị giáo hoàng thứ 105 của Giáo hội Công giáo đã ra lệnh đặt hình gà trống lên tất cả các chóp tháp và tháp chuông nhà thờ. Với vị trí trên đỉnh các thánh đường ấy có thể “gợi nhớ về sự ưu thế của tinh thần trong đời sống con người, về nguồn gốc từ trên trời của ánh sáng cứu rỗi, về sự cảnh tỉnh của tâm linh chăm chú nhận bắt trong bóng tối đang tan của đêm những tia sáng đầu tiên của tinh thần sẽ chiếu rọi khắp thế gian” [1, tr.343].

* Gà - biểu tượng của sự thanh tịnh, đại cát

Trong kinh điển nhà Phật, gà là một trong thập nhị súc, hay còn gọi là 12 thời thú, bắt nguồn từ Đại phương đẳng đại tập kinh, quyển 23 - Tịnh mục phẩm. 12 loài vật này là biến hiện của Bồ Tát độ hóa chúng sinh, một ngày một đêm có một con vật lên trời để giáo hóa chúng sinh, sau 12 ngày, có 10 con vật tu đức, được đầu thai. Trong Phật điển thường dùng “kim kê” (gà vàng) để ví với tự tính thanh tịnh của chúng sinh. Trong Tạo tượng lượng độ kinh thì lấy “mặt gà” để hình dung khuôn mặt của Bồ Tát [4, tr.262]. Gà cũng xuất hiện trong các trường từ vựng liên quan đến Phật giáo Thiền tông (“Lấy gà làm phượng” ám chỉ sự không phân biệt được chính pháp và vọng tưởng, “Chim gà đi trên tuyết” ví với sự vận dụng kì diệu sự khác biệt giữa chân lí sự việc và sự bình đẳng, “Giả làm tiếng gà” hàm chỉ ý đồ lừa gạt) và câu chuyện trong kinh Phật (“Câu chuyện về gà và mèo” trong Tạp bảo tạng kinh quyển 3).

Trong quan niệm Á Đông, Gà (Dậu) đứng hạng thứ 10 của 12 con vật trong Thập Nhị Địa Chi. Nó đi vào đời sống qua năm dậu, tháng dậu, ngày dậu, giờ dậu. Trong tiếng Hán, “đại kê” (gà trống) gần âm với chữ “đại cát”. “Đại cát” là nội dung một quẻ bói tốt nhất cho công việc hoặc tương lai của con người, được sử dụng trong tranh thay cho lời chúc tốt lành người ta gửi đến nhau vào dịp tết truyền thống.

Như vậy, từ Đông sang Tây, tự cổ chí kim, dù có đậm nhạt khác nhau ở các nền văn hóa, gà trở thành một biểu tượng xuyên văn hóa, có sức mạnh biểu trưng phong phú, đa dạng cho những ý niệm đa chiều, đa diện và thâm sâu về vũ trụ, nhân sinh, nhân dạng, nhân/tâm tính. Biểu tượng này làm nên độ sâu, sức nén, tiếng vang ngân trong sự tri nhận của mỗi tộc người gắn với mỗi đặc tính tư duy, mỗi nền văn hóa khác nhau.

Gà trong văn hóa tín ngưỡng người Việt

Sự hiện hữu của gà trong tín ngưỡng của người Việt góp phần quan trọng trong việc kiến tạo nên một biểu tượng văn hóa truyền thống. Cùng với những vật nuôi quen thuộc như trâu, lợn, chó, gà gắn với người nông dân trồng lúa nước như hình với bóng. Ngay từ những buổi sơ khai, gà và tiếng gáy của nó đã đi vào đời sống vật chất và tinh thần người Việt. Không phải ngẫu nhiên mà gà (cùng với chim) là loài vật được thể hiện khá nhiều trên trống đồng Đông Sơn. Hình ảnh của nó cũng được lưu lại trong các câu chuyện thần thoại còn sót lại của người Việt (Thần Sét, Cường Bạo đại vương), truyền thuyết về An Dương Vương Thục Phán, Sơn Tinh - Thủy Tinh…

Trong tín ngưỡng thờ cúng của người Việt, con gà có một vị trí đặc biệt quan trọng. Những bức tranh dân gian về gà của làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), làng Sình (Huế), tranh khắc gỗ đồ thế (Nam Bộ) vừa có chức năng trang trí, vừa mang công năng thờ tự. Ở đó chứa đựng những ngưỡng vọng, ước mơ mang tính tâm linh sâu sắc: xua đuổi tà ma, xui xẻo, cầu mong sự may mắn, phúc lộc, an khang… Biểu tượng gà trống phong thủy qua những bức tranh dân gian về gà như Đại Cát, Vinh Hoa… được đặt ở vị trí trang trọng trước điện thờ Mẫu, Thánh, Ngũ Phủ công đồng (miền Bắc); hay hình ảnh Thập nhị thời thần sát trong điện thờ Mẫu (Nam Bộ) được thể hiện dưới hình thức tranh khắc gỗ (đồ thế) mười hai viên quan mặc áo đỏ đứng cạnh nhau hay vẽ thành hình mười hai con vật: chuột, trâu, hổ, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, lợn; hay hình ảnh gà nằm trong bộ tranh cầu cho gia súc, gia cầm tránh được dịch bệnh (làng Sình, Huế) đều xuất phát từ tín ngưỡng mang đậm màu sắc dân gian [7, tr.482-485].

Đặc biệt, theo quan niệm cổ xưa, gà trống ứng vào tháng Giêng, ngày mồng một cũng mang cầm tinh gà (mồng một sinh gà, mồng hai sinh chó, mồng ba sinh lợn… mồng chín sinh trời, mồng mười sinh đất), do đó, gà biểu tượng cho ngày Tết Nguyên Đán, ngày mở đầu cho một năm mới. Việc treo hay tặng những bức tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng (Đại Cát, Vinh Hoa, Phú Quý, Gà Đàn, Gà Thư Hùng, Trống Mái và Đàn con…) là một tín ngưỡng, phong tục đẹp không thể thiếu mỗi độ Tết đến Xuân về. Đó không chỉ là một thứ bùa để xua đuổi tà ma, người Việt còn gửi gắm vào mỗi bức tranh gà những ước vọng vinh hiển, giàu sang, thịnh vượng, sung túc, phồn thực; những nguyện cầu sức khỏe, may mắn, hạnh phúc, bình an, thuận hòa…

Gà trống được xem như vật thông linh giữa thế giới con người và thế giới thần linh, là cầu nối để con người giao tiếp với thần linh. Trong tín ngưỡng dân gian, người Việt còn giữ phong tục cúng tế thần linh bằng gà trống. Phong tục này một phần xuất phát từ quan niệm của người Việt xem con gà là loài tam sinh, đại diện cho trời, đất và nước: đầu giống rồng, mình giống công, đuôi giống tôm. Mặt khác, hình ảnh gà dáng dấp oai vệ, cánh lông sặc sỡ, tiếng gáy lảnh lót còn tượng trưng cho năm đức tính tốt: Văn (cái mào đỏ tựa mũ cánh chuồn của quan văn), Vũ (cựa gà sắc nhọn như lưỡi gươm), Dũng (đấu chọi mạnh mẽ với đối thủ), Nhân (có thức ăn thì gọi nhau cùng hưởng), Tín (gáy sáng đúng giờ, không ngày nào quên). Gà dùng làm lễ vật để dâng cúng thần linh, tổ tiên vào những dịp lễ, Tết; gà gọi hồn người chết trong lễ mở cửa mả; gà mang lại sức khỏe, bình an cho trẻ nhỏ (tục ra gà). Bởi là lễ vật giao cảm với thế giới linh thiêng, thần bí, được thần linh gửi gắm những điềm báo, trong tín ngưỡng dân gian, gà còn là biểu tượng của sự bói toán (bói chân gà). Người ta tin rằng, những “chỉ dấu” trên đôi chân gà là cách thần thánh “báo hiệu” cho con người về tương lai, số mệnh. Người Việt có hẳn những bài phú bói chân gà nhằm giải mã các lời tiên báo của thế giới thần bí.

Có thể thấy, gà không chỉ là vật nuôi gần gũi, thân thuộc mà còn loài vật linh thiêng đối với người Việt từ khởi thủy đến nay. Hình ảnh gà luôn thường trực trong đời sống, từ sinh hoạt cộng đồng (chọi gà), võ thuật cổ truyền (Hùng kê quyền) đến tín ngưỡng, phong tục, tôn giáo, nghệ thuật và ngôn ngữ.

Gà trong ngôn ngữ đời sống người Việt

Ngôn ngữ là một trong những thành tố đặc trưng nhất của bất cứ nền văn hóa dân tộc nào. Gà và những đặc tính của nó đã đi vào lời ăn tiếng nói của người dân Việt. Dựa vào các bộ phận của gà, người Việt đã sáng tạo kho từ vựng phong phú liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống: cánh gà (màn che hai bên sân khấu), lưỡi gà (một bộ phận của kèn hơi), ruột gà (một bộ phận làm nóng trong ấm điện hoặc làm lạnh cho hơi nước ngưng đọng), cựa gà (chốt để giữ then cửa)… Với những đặc tính rất riêng, “gà” được sử dụng trong một số thuật ngữ chuyên môn của ngành y và thú ý: cúm gà, ho gà, sùi mào gà, quáng gà, hóc xương gà, nổi da gà…; của ngành giao thông: ổ gà.
 

Gà trắng. Ảnh Trần Quang Thọ

Hình ảnh gà cũng thường được ví von, liên tưởng, ám chỉ về con người: hình dáng (“Mặt như gà mái”, “Mặt đỏ như gà chọi”, “Mặt tái như gà cắt tiết”, “Da trắng như trứng gà bóc”, “Da gà, tóc hạc”, “Thư sinh trói gà không chặt”…), hành vi - tâm trạng (“Ngây ngô như gà mờ, lờ đờ như đom đóm đực”, “Ngơ ngác như gà con mất mẹ”, “Nhớn nhác như gà con gặp quạ”, “Dáo dác/te tái/rối như gà mắc đẻ”, “Ủ rủ như gà rù/gà phi trời mưa”, “Gà mở cửa mả”, “Lúng túng như gà mắc tóc”, “Lờ đờ như gà ban hôm”, “Lép bép  như gà mổ tép”, “Lộp độp như gà mổ mo”, “Chửi như mất gà”…), đức tính - phẩm chất (che chở, yêu thương, hi sinh, chịu thương chịu khó - “Con rắn không chưng (chân) lượn năm rừng bảy rú/ Con gà không vú nuôi đặng chín mười con”, “Cuốc keo réo rắt đầu non/ Gà rừng táo tác gọi con tha mồi”; khôn ngoan, lanh lợi - “Gà khôn giấu đầu, chim khôn giấu mỏ”; hiếu khách, thân thiện - “Khách đến nhà không gà thì vịt”), thân phận (hẩm hiu, cô độc - “Gà trống nuôi con”; khổ sở, bất hạnh - “Gà què bị chó đuổi”, “Vạ vịt chưa qua, vạ gà đã đến”; buồn tẻ, nhàm chán, vô vị - “Đuổi gà cho vợ”; may mắn, gặp thời - “Bìm bịp bắt gà trống thiến”, “Gà ri mâm gạo”)…

Dân gian đã tạo dựng kho kinh nghiệm sống (túi khôn) liên quan đến con gà: chuyện ăn uống (“Gà ba tháng vừa ăn, ngựa ba tháng vừa cưỡi”, “Gà cựa dài thịt rắn, gà cựa ngắn thịt mềm”, “Gà độc thịt, vịt độc trứng”, “Gà lấm lưng, chó sưng đồ”, “Cau hoa gà giò”, “Chó tháng ba, gà tháng bảy”, “Con gà cục tác lá chanh/ Con lợn ủn ỉn củ hành để tôi”, “Ếch tháng ba, gà tháng bảy”, “Cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà nhảy ổ”, “Đầu gà đít vịt”, “Vịt già, gà tơ”), chuyện chữa bệnh (“Chó liền da, gà liền xương”), chuyện chọn giống, chăn nuôi, buôn bán (“Gà đen chân trắng mẹ mắng cũng mua, gà trắng chân chì mua chi giống ấy”, “Vịt rằn, gà cúp chớ nuôi”, “Chuồng gà hướng đông cái lông chẳng còn”, “Giàu lợn nái, lãi gà con”, “Lợn nhà gà chợ”, “Lợn thả, gà nhốt”, “Gà ngày gió, chó ngày mưa”), chuyện thời tiết (“Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”, “Cỏ gà loang lổ trời đổ mưa ngay”, “Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa”, “Ráng mỡ gà, ai có nhà thì chống”, “Cỏ gà màu trắng, điềm nắng đã hết”…), chuyện tương lai - điềm báo (“Gà gáy canh một hỏa mai, gà gáy canh hai đạo tặc”, “Gà mái gáy mai, lụn bại cửa nhà”, “Chó lê trôn, gà gáy gở”...).

Đặc biệt thông qua hình ảnh về con gà, dân gian cũng gửi gắm những bài học, triết lý nhân sinh sâu sắc, qua đó thể hiện nét văn hóa, lối sống, cách ứng xử mang đậm căn tính dân tộc. Đó là lời nhắn nhủ thận trọng, cân nhắc trước mỗi lời nói, việc làm của mình: “Bút sa gà chết”, “Gà ba lần vỗ cánh mới gáy, người ba lần ngẫm nghĩ mới nói”; lời khuyên nhủ phải biết yêu thương, đùm bọc, tránh gây xung đột, mâu thuẫn: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, “Gà nhà bôi mặt đá nhau”, “Chân gà lại bới ruột gà”, “Gà nhà lại bưi bếp nhà”; lời cảnh báo về tâm lý ăn thua, ghen tị, nhỏ nhen, đua đòi, làm theo có thể gây những hậu quả khôn lường: “Con gà tức nhau tiếng gáy”, “Gà chết vì tiếng gáy”. Đó còn là lời chê bai ai đó ỷ vào thế có lợi của mình mà hung hăng bắt nạt người khác: “Chó ỷ nhà, gà ỷ vườn”, “Chó cậy nhà, gà cậy chuồng”; người kém cỏi, thiển cận, không biết nhìn xa trông rộng, không dám đi xa, chỉ quanh quẩn một nơi: “Gà què ăn quẩn cối xay”, “Giết gà lấy trứng”; phê phán kẻ hám lợi, keo kiệt, bủn xỉn: “Gà béo bán bên Ngô, gà khô bán láng giềng”, “Đãi cứt sáo lấy hạt đa, đãi cứt gà lấy hạt tấm”; kẻ có thói trăng hoa, lăng nhăng, không đứng đắn: “Mèo mả gà đồng”; lên án hành động mang kẻ ác, kẻ nham hiểm đến làm hại người thân của mình, rộng hơn là hành động phản bội đồng bào, đưa giặc vào giày xéo Tổ quốc: “Cõng rắn cắn gà nhà”; châm biếm những việc làm không phù hợp, chẳng đi đến đâu, có khi lại phản tác dụng: “Mổ gà dao trâu”, “Dùng dao mổ trâu cắt tiết gà”, “Học như gà đá vách”…

Biểu trưng gà trong ngôn ngữ văn chương Việt

Hình ảnh gà không chỉ xuất hiện trong ngôn ngữ đời sống người Việt, mà còn đi vào ngôn ngữ văn chương với những biểu trưng đa diện, đa sắc thái.

* Gà biểu trưng cho thời gian tự nhiên và thời gian tâm trạng

Từ thời xa xưa, tiếng gà gáy như một tín hiệu biểu trưng cho thời gian ngày và mùa, gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người nông dân. Âm điệu của tiếng gáy trong từng khoảnh khắc của một ngày và từng mùa của một năm mang những sắc thái riêng biệt. Gắn với thời gian chảy trôi tự nhiên theo ngày và mùa là những cảm xúc, trạng huống, những điệu hồn thẳm sâu của con người. Tiếng gà gáy sáng, có khi giục giã bước chân người nông dân ra ruộng đồng (“Lao xao gà gáy rạng ngày/ Vai vác cái cày, tay dắt con trâu/ Bước chân xuống cánh đồng sâu/ Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu đi cày” (ca dao); có lúc thôi thúc, thức tỉnh con người trước một vận hội mới (“Dậy! Dậy! Dậy/ Bên án một tiếng gà vừa gáy (…)/ Trời đã mới người càng nên đổi mới” – Bài ca chúc tết thanh niên, Phan Bội Châu); có lúc lại bâng khuâng, nuối tiếc, xót thương cho kiếp người (“Tiếng gà đã rộn trong thôn/ Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay” - Giang hồ, Lưu Trọng Lư). Tiếng gà trưa thì xa xôi, quạnh vắng (“Mỗi lần nắng mới hắt bên song/ Xao xác gà trưa gáy não nùng/ Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng/ Chập chờn sống lại những ngày không” - Nắng mới, Lưu Trọng Lư); tiếng gà chiều thì hoang liêu, nao lòng (“Tới ngã ba sông, nước bốn bề/ Nửa chiều, gà lạ gáy bên đê” - Em về nhà, Huy Cận). Mùa xuân, tiếng gà gáy náo nức, tươi vui, hớn hở; hè đến thì day dứt, bồn chồn, xao xác; thu qua thì kiêu bạc, mơ màng, dịu buồn; đông về thì đìu hiu, hoang lạnh, xa vắng.

* Gà biểu trưng cho không gian sinh thái - văn hóa làng quê và không gian tâm tưởng, nội cảm

Bên cạnh hình ảnh gốc đa, mái đình, bến nước, bờ đê, hàng cau, cánh diều, dòng sông, cánh đồng thơm hương lúa mới, cánh cò bay lả bay la, tiếng chuông chùa, tiếng sáo diều, trẻ mục đồng, hương bồ kết, hương cau…, hình ảnh con gà từ lâu đã hằn in trong tâm thức người Việt và đi vào thế giới nghệ thuật vô cùng độc đáo. Một làng quê thanh bình, yên ả (“Gà gáy đầu thôn, gáy giữa thôn/ Mưa tinh sương mát tận tâm hồn/ Đêm qua tắt gió cây không ngủ/ Mưa sớm hàng cây đứng ngủ ngon” - Gà gáy trên cánh đồng Ba Vì được mùa, Huy Cận); ở đó chứa đựng sự ấm cúng, thân thuộc (“Người dậy cả, bà già lần thổi bếp/ Thằng cu con rụi mắt quét quàng sân/ Cũng trong lúc gà lồng kêu chiếp chiếp/ Và lợn chuồng ủn ỉn giục cho ăn” - Sáng hè, Anh Thơ); có cả những niềm vui đời thường, bình dị: “Tiếng gà gáy ơi! Gà gáy ơi! Nghe sao ấm áp tựa nghe đời (…)/ Cha dậy đi cày trâu kịp vụ/ Hút vang điếu thuốc khói mù bay” - Sớm mai gà gáy, Huy Cận). Đặc biệt, hình ảnh con gà không thể thiếu trong những phiên chợ quê ngày Tết, làm nên nét đặc sắc của văn hóa làng quê: “Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà/ Quên cả chị bên đường đang đứng gọi” (Chợ Tết - Đoàn Văn Cừ).

Chính vì cái không gian gần gũi, quen thuộc như vậy, nên mỗi khi đi xa, bất chợt nghe tiếng gà gáy, trong tiềm thức mỗi người Việt chúng ta rộn lên bao niềm thương, nỗi nhớ da diết. Ở đó có những kỉ niệm êm đềm, ngọt ngào, tràn đầy yêu thương thuở ấu thơ: “Trên đường hành quân xa/ Dừng chân bên xóm nhỏ/ Tiếng gà ai nhảy ổ/ “Cục… cục tác cục ta”/ Nghe xao động nắng trưa/ Nghe bàn chân đỡ mỏi/ Nghe gọi về tuổi thơ” - Tiếng gà trưa, Xuân Quỳnh); được đánh thức trong mỗi hình ảnh thân thuộc và thiêng liêng: “Con gặp trong lời mẹ hát/ Cánh cò trắng, dải đồng xanh/ Con yêu màu vàng hoa mướp/ “Con gà cục tác lá chanh” (Trong lời mẹ hát - Trương Nam Hương). Để rồi vương vấn, luyến tiếc nhớ thương, tìm lại chốn bình yên và thời gian đã mất: “Đâu rồi/ mái ngói đỏ tươi/ con gà cục tác/ trâu nằm nhai rơm/ bát cơm gạo tám/ còn thơm/ ăn vừa ngon miệng/ lại ươm tình đời” (Đâu rồi quê hương - Ngô Nguyễn).

* Gà biểu trưng cho tâm trạng, cảm xúc đa chiều của con người

Không chỉ biểu trưng cho không gian và thời gian, hình ảnh con gà còn gọi dậy tâm trạng, cảm xúc cùng những điệu hồn thẳm sâu nơi con người. Đó là sự côi cút, lạc lối, hoang hoải giữa mênh mang biển đời, dòng người qua hình ảnh: “Một con gà nhỏ lạc giữa thôn/ Mất mẹ bi thương gọi đứt hồn/ Có phải lòng tôi đau quạnh quẽ/ Kêu tìm lòng bạn giữa hoàng hôn?” (Hoàng hôn - Tế Hanh). Đó là nỗi buồn nhức nhối, đau đớn tột cùng trong nỗi niềm riêng và cuộc đời chung, nỗi buồn của cả một thế hệ: “Tiếng gà gáy buồn như máu ứa/ Chết không gian khô héo cả hồn cao” ( - Xuân Diệu). Đó là nỗi nhớ đong đầy, dịu vợi, chứa chan những kí ức gọi về từ tuổi thơ: “Nhớ biển miền Trung tiếng sóng đùa/ Nhớ nhà cha mẹ, cảnh trường xưa…/ Nhớ chao ôi nhớ! Trời xanh thế!/ Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa” (Nhớ tuổi thơ - Chế Lan Viên). Đó còn là những đêm dài không ngủ, lo lắng, bồn chồn của bà mẹ quê dành cho con: “Bà Bủ gan ruột bồn chồn/ Con gà đã gáy đầu thôn sáng rồi” (Bà Bủ - Tố Hữu); là nỗi nhớ, trằn trọc năm canh trông ngóng chồng của người chinh phụ: “Buồn rầu nói chẳng nên lời/ Hoa đèn kia với bóng người khá thương/ Gà eo óc gáy sương năm trốn/ Hè phất phơ rũ bóng bốn bên” (Chinh phụ ngâm khúc - Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm). Để rồi, trong sự ngổn ngang, bề bộn của cuộc sống, sự phức tạp, xáo trộn của cảm xúc, hình ảnh gà lại hiện về với tất cả sự giản dị, bình thường, nhưng lại chứa đựng trong nó những tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất của con người - tình yêu gia đình: “Khi con gà nhường thức ăn cho bầy con/ Anh chợt hiểu tình gia đình rất thật” (Điều bình thường - Nguyễn Bắc Sơn).

* Gà biểu trưng cho sự chia ly và những điềm báo bất an

Ca dao Việt đã nhiều lần ghi lại những tiếng thở dài khắc khoải của sự chia ly: “Trách gà sao vội gáy tan/ Chung tình chưa mãn, chuông vàng vội rung”, “Trách con gà gáy vô tình/ Chưa vui sum họp đã đành chia phôi”. Âm hưởng ly biệt của tiếng gà gáy tiếp tục dội về trong thơ ca hiện đại: “Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt/ Mắt run mờ kỹ nữ thấy sông trôi/ Du khách đi/ -Du khách đã đi rồi” (Lời kỹ nữ - Xuân Diệu). Không chỉ gợi nỗi niềm ly biệt, tiếng gà gáy còn mang điềm báo bất an. Bước chân nàng Kiều khi đêm trở về sáng trở nên ngập ngừng, bối rối, hoang mang trước những tháng ngày mịt mờ, đầy bất trắc khi nàng mắc mưu bỏ trốn theo Sở Khanh: “Tiếng gà xao xác gáy mau/ Tiếng người đâu đã mé sau dây ràng/ Nàng càng thổn thức gan vàng/ Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào” (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Một lần nữa tiếng gà giữa đêm trăng mịt mù, hoang lạnh lại trở về mang dự cảm bất hạnh, buồn đau trong đêm Kiều tìm đường bỏ trốn khỏi bàn tay nanh vuốt của Hoạn Thư: “Mịt mù dặm cát đồi cây/ Tiếng gà điểm nguyệt dấu giày cầu sương/ Canh khuya thân gái dặm trường/ Phần e đường xá, phần e dãi dầu” (Truyện Kiều - Nguyễn Du).

*

Từ một biểu tượng xuyên văn hóa, gà đã in “dấu chân” trong tín ngưỡng, phong tục, văn hóa người Việt từ thuở xa xưa; “bước vào” trong đời sống con người qua lớp ngôn từ đời thường và ngôn ngữ nghệ thuật. Quá trình dịch chuyển, thẩm thấu từ “mẫu gốc” ấy đã thể hiện đặc trưng văn hóa, dân tộc trong cách nghĩ, lối nói của người Việt. Bằng điểm nhìn văn hóa, triết học nhân sinh, tinh thần nhân bản sâu sắc, biểu tượng “gà” đã gọi dậy, nối kết những ký ức văn hóa của nhân loại với cuộc sống hiện đại.

N.V.H  
(TCSH336/02-2017)




 

Các bài mới
Chùm ngụ ngôn (21/09/2023)
Các bài đã đăng
Lệ đàn (05/08/2014)