NGUYỄN DƯ
Mời các bạn cùng lật sách xem mấy cái đinh, cái đanh được vua biết mặt, chúa biết tên.
Đinh, đanh là cái gì mà được vinh hạnh dữ vậy?
Đinh, đanh là đồ làm bằng sắt, đồng hay tre, mình tròn, đầu nhọn, dùng để đóng vào vật gì (Từ điển Khai Trí Tiến Đức, 1931). Giản dị vậy thôi. Tuy nhiên…
Từ điển Alexandre de Rhodes (1651) chỉ có cái đanh, không có cái đinh.
Tự vị Huỳnh Tịnh Của (1895) ngược lại chỉ có cái đinh, không có cái đanh.
Từ điển Génibrel (1898) có cả đanh lẫn đinh (tiếng Pháp là clou, pointe, cheville) Génibrel ghi chú là người miền Bắc gọi cái đinh là cái đanh.
Người Đàng ngoài kị húy, sợ đụng đến tên vua Đinh Tiên Hoàng, nên gọi đinh là đanh chăng?
Chữ Hán, chữ nôm viết chữ Đinh với bộ Kim. Điều này có nghĩa là cái đinh ngày xưa được làm bằng kim loại. Đinh tre, đinh gỗ (Từ điển Hoàng Phê) là đinh cải tiến của đời sau.
*
Cái đinh của vua chúa
Cái đinh bằng kim loại được ta dùng từ bao giờ? Không có câu trả lời chính xác.
Cuối thế kỉ 18, John Barrow đi theo một phái đoàn người Anh đến xứ Nam Hà. Ông viết hồi ký kể lại nhiều điều mắt thấy, tai nghe tại xứ Nam Hà (Đàng Trong nước ta). Sách của ông được Nguyễn Thừa Hỷ dịch sang tiếng Việt, Malte Brun dịch sang tiếng Pháp.
Barrow có nhiều nhận xét về Nguyễn Phúc Ánh. Chẳng hạn như:
- (Nguyễn Phúc Ánh) là người quản đốc các cảng biển và các kho quân dụng, thợ cả trong các xưởng đóng tàu, kỹ sư trưởng trong mọi công trình; không có việc gì dự định thực hiện mà không có lời khuyên bảo và chỉ dẫn của ông. Trong việc đóng tàu, không có cái đinh nào được đóng mà không có sự tham vấn ban đầu của ông, không có một khẩu đại bác nào được đưa lên vị trí mà không có lệnh của ông. Không những ông đi vào từng chi tiết nhỏ nhặt nhất khi thảo ra những chỉ dẫn, mà chính bản thân ông thực tế còn trông nom khi chúng được thực hiện(1).
Câu “Không có cái đinh nào được đóng mà không có sự tham vấn ban đầu của ông” của dịch giả Nguyễn Thừa Hỷ được Brun dịch là “Il ne se fabrique pas une pièce sans qu’on l’ait consulté” (Không có bộ phận nào được làm mà không có sự tham vấn của ông)(2).
Bản dịch của Brun không có cái đinh.
Ai dịch đúng, ai dịch sai? Điều này chỉ có nguyên bản của Barrow mới trả lời được.
Nhiều nhà nghiên cứu Pháp khâm phục kỹ thuật làm nhà, ghép ván, đóng thuyền truyền thống của ta. Ngày xưa, ta không dùng đinh sắt mà chỉ dùng các con chốt, con xỏ bằng gỗ. Chốt, xỏ bằng gỗ vừa chắc, vừa không bị gỉ, đôi khi còn bền hơn cả đinh sắt(3).
Tuy nhiên, Nguyễn Phúc Ánh đã từng mua một chiếc tàu Bồ Đào Nha, với mục đích chỉ để tháo rời ra thành từng bộ phận, từng tấm ván một, rồi tự tay lắp vào một tấm ván mới có hình dáng và kích thước tương tự như cái cũ mà ông đã tháo ra, cho tới khi mọi thanh sàn tàu, xà ngang tàu, thanh gỗ khớp nối được thay thế bằng những cái mới, và như vậy con tàu hoàn toàn được đổi mới. (J. Barrow, sđd).
Vì vậy, cũng có thể suy diễn rằng vua Gia Long đã bắt chước người Âu dùng đinh sắt để đóng thuyền chiến.
- Năm 1823, vua Minh Mạng sai Chưởng cơ là bọn Nguyễn Văn Chấn (Philippe Vannier) và Nguyễn Văn Thắng (Jean-Baptiste Chaigneau) hiệp cùng với Vệ úy Nguyễn Tài Năng coi đóng thuyền Thụy Long theo kiểu thuyền lớn Tây phương. Chấn, Thắng lấy cớ không hiểu việc đóng thuyền từ chối (…). Sai Tài Năng đốc suất binh thợ mà làm. Thuyền đóng xong, thưởng cho 2000 quan tiền.
Một người Anh khác là John White cho biết:
- (Năm 1824), rất ít hàng hóa tự họ làm, tôi có thể kể các thứ sau đây: chiếu tốt hay xấu, đan lá buôn làm buồm cho tàu bè và ghe thuyền, cần xé lớn, hộp sơn vàng và đánh véc ni, dù, hầu bao đẹp bằng lụa mà mọi người đàn ông lẫn đàn bà đều dùng, đinh sắt, và một loại kéo thô. Tất cả các đồ vật khác được nhập khẩu từ các nước láng giềng. Đổi lại, họ cung cấp lúa gạo mà họ có đầy dẫy, đậu khấu, hồ tiêu, đường, ngà voi, trầu, v.v.(4).
Hình minh họa trong sách "A voyage to Cochinchina, in the years 1792 and 1793" - Ảnh: internet |
Năm 1824, thợ thủ công của ta đã biết dùng véc ni đánh bóng mấy cái hộp rồi à? Véc ni là cái gì vậy? Có phải là quang dầu của ta không?
Bên cạnh hộp sơn vàng, dù, hầu bao bằng lụa, lại bày bán cả đinh sắt và kéo? Có sự nhầm lẫn chiếc kim may vá quần áo với cái đinh sắt chăng?
- Năm Minh Mạng thứ 6 [1825], mùa hạ, tháng 5. Định lệ hao đi và thu thành cho Vũ Khố rèn luyện đồ sắt, đinh sắt (Phàm lấy sắt thoi ở Bắc Thành rèn đồ sắt thì cứ 100 cân thành khí 65 cân; rèn đinh sắt thì 100 cân thành khí 70 cân)(5).
Thời Minh Mạng có thợ chuyên môn rèn luyện đồ sắt, đinh sắt cho nhà binh. Sử không cho biết đinh sắt to nhỏ ra sao, dùng làm gì. Chỉ chắc chắn một điều là vua Gia Long, Minh Mạng sai đóng rất nhiều thuyền chiến. Thuyền nhỏ theo kiểu của ta và thuyền lớn theo kiểu châu Âu. Kỹ thuật đóng thuyền của ta không dùng đinh sắt, nhưng thuyền lớn kiểu châu Âu, kiểu Pháp thì có dùng đinh sắt (clou).
Có thể phỏng đoán là thời Minh Mạng có rèn đúc đinh sắt để đóng thuyền chiến lớn. Đinh sắt được nhà nước quản lí, chưa được dùng phổ biến trong dân gian.
- Dưới thời Tự Đức, tháng 6/1856, thuyền buôn của người nước Thanh tìm mua những hàng hóa của Tây dương (đinh đồng, đồng lá, dầu hắc ín, buồm gai) đã chở đến dâng nộp, cho miễn thuế nhập cảng.
- Tháng 6/1857, sắc cho tỉnh Nghệ An lấy ra 30000 cân sắt đã nấu lọc kỹ, phát giao cho tỉnh Biên Hòa để sửa đóng thuyền.
Đinh sắt của ta chủ yếu được dùng để đóng thuyền. Thương nhân Pháp, Anh thấy được điều này, rủ nhau mang đinh sắt, đinh đồng sang bán cho ta.
- Ngày 15 tháng 11 năm 1867, Nguyễn Trường Tộ gửi bản điều trần Tế cấp bát điều (Tám việc cần làm gấp) lên vua Tự Đức, trong đó có đoạn:
- Theo tôi sắt là một vật cần dụng nhất cho quốc gia và nhân dân. Nước ta tuy có nhiều mỏ sắt nhưng chưa biết cách đúc sắt như họ (người Pháp) và cũng chưa có máy móc để chế tạo ra các dạng hợp với nhu cầu sử dụng (…).
Như việc làm đinh chẳng hạn, nếu dùng sắt của họ, một sợi dài hoặc vuông hoặc tròn một ngày làm được một ngàn cái đinh thì sắt ta làm không tới) một trăm cái mà đinh cũng chẳng tốt (Có máy dập đinh giá vào khoảng bốn ngàn năm trăm quan, một tiếng đồng hồ dập ra sáu ngàn cây đinh trông thật đẹp). Như vậy thì dùng sắt của họ đỡ tốn công gấp bội…(6).
- Tháng 3/1868, Giám mục Ngô Gia Hậu (Gauthier) xin kê khai các thứ đã mua và giao nạp:
- Sách nói về quặng sắt, các tầng địa chất, mỏ than, quặng đồng.
- Sách nói về bách nghệ cơ xảo.
(…)
- Thước đo nhiệt độ).
- Bàn xoay đinh ốc: Ba cái, giá 31 quan.
- Các bàn dập đinh ốc (có cái lớn cái nhỏ và đồ cưa sắt, giá ba trăm chín mươi bảy quan)(7).
Nguyễn Trường Tộ muốn canh tân đất nước, muốn giới trẻ học tập các môn khoa học kỹ thuật. Tiếc rằng những lời điều trần của ông chỉ là chuyện… nước chảy qua cầu, bèo giạt mây trôi.
Năm 1884 nước ta bị Pháp đô hộ. Thực dân Pháp thi hành chính sách khai thác thuộc địa, khuyến khích dân bản xứ tiêu thụ hàng của mẫu quốc… Đủ thứ, từ thực phẩm đến đồ dùng.
- (Năm 1924), dân miền hạ du xứ Bắc Kỳ, ở suốt các dọc sông, mỗi năm được hai vụ thóc, ăn không hết, thì đem bán cái phần thóc dư đi ngoại quốc. Ngoại quốc giả tiền thóc gạo mua ở bản xứ bằng các thứ: vải, dầu hỏa, các món khí cụ bằng thép và bằng sắt, đanh ốc, đanh thường, các thứ máy hơi; ô-tô, xe đạp; máy khâu, đồng hồ; sữa hộp; bột mì và bột lúa mạch (…)(8).
*
Cái đinh, cái đanh của dân gian
Gái có chồng như gông đeo cổ
Gái không chồng như phản gỗ long đanh
Chuyện tình duyên của cô gái miền Bắc, thời Tây, cứ loanh quanh, luẩn quẩn!
- Đồng ý cái đanh là của miền Bắc. Nhưng, cái gì cho phép nói là thời Tây?
- Cái cùm, cái gông là đặc sản của thực dân Pháp. Cùm-gông là biến âm của Cangue (căng-gơ). Hình cụ để khóa cổ (gông, chữ nôm) hay khóa chân (cùm, chữ nôm) tiếng Pháp đều gọi là cangue.
Phản gỗ (trong Nam gọi là bộ ván) truyền thống của ta chỉ ghép mộng, đóng chốt gỗ. Thời Tây mới bắt đầu dùng đanh. Sang hơn thì đóng đanh cho ngập đầu rồi trét mastic.
Miền Nam có câu hát:
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Gần cuối đời Tự Đức, cái đinh vẫn còn làm Nguyễn Trường Tộ bận tâm. Triều đình gặp lắm chuyện rắc rối phải giải quyết. Vua quan như “ngồi trên lửa”. Không có ai mất thời giờ, phung phí đinh, đi đóng cầu ván cho đám dân đen hưởng.
Cái cầu ván đóng đinh của dân gian chỉ có thể được làm vào thời Tây, vào khoảng cuối thế kỉ 19 hay đầu thế kỉ 20.
*
Cái đanh của trẻ con
Trước năm 1954, trẻ con Hà Nội hầu như đứa nào cũng biết, cũng thích trò chơi Hú tim hay Ú tim. Được ra chơi ngoài vỉa hè sướng ơi là sướng. Chả phải thắc mắc gì cả.
Bỗng một hôm… giật mình nhìn tóc, răng rơi rụng. Lẩn thẩn thắc mắc giùm trẻ con.
Bây giờ mới thấy hai cái tên Hú tim, Ú tim, nghe là lạ, hơi… chướng tai. Có vẻ nửa tây nửa ta.
Từ điển Hoàng Phê cho biết Hú tim hay Ú tim chỉ là một. Cả hai đều là trò chơi đi trốn đi tìm của trẻ con.
Hú là cất lên tiếng to, vang, kéo dài để làm hiệu gọi nhau. Còn Ú (trong Ú tim)? Từ điển Hoàng Phê chỉ có ú ớ nghĩa là (nói năng) lơ mơ, không có gì rõ ràng. Ú không phải là Hú.
Tim… là cái gì trong trò chơi đi trốn đi tìm, nếu không phải là Tìm bị rơi mất cái dấu huyền?
Rốt cuộc, có thể khẳng định rằng trò chơi vốn có tên là Hú tìm. Hú tìm được trẻ con phát âm theo… giọng tây giả cầy thành Hú tim.
Tiếng Pháp có chữ h câm (h muet). Do thói quen, nhiều ông Tây thuộc địa không phát âm luôn cả chữ h kêu (h aspiré) của tiếng Việt. Mấy ông gọi Vịnh Hạ Long là Baie d’Along, Hải Vân là Ải Vân v.v. Đến lượt mấy ông An Nam bắt chước phát âm… như Tây. Kết quả là có nhiều tiếng Việt bị tra tấn, rơi mất chữ h.
Hú tìm phát âm theo giọng Tây thuộc địa thành Ú tim!
Trong Nam gọi trò chơi Hú tìm là Trốn bắt. Rõ ràng. Dễ hiểu.
Trò chơi Hú tìm bắt đầu bằng bài hát Chi chi chành chành để chỉ định đứa phải bịt mắt, chờ cho những đứa khác trốn xong, rồi đi tìm.
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa…
Cái đanh thổi lửa là cái gì? Theo Nguyễn Văn Tố thì cái đanh thổi lửa là cái diêm (quẹt), hay cái bật lửa, ám chỉ một thảm cảnh sắp xảy ra. Bài hát Chu chí rành rành (hiệu đính của Nguyễn Văn Tố) kể chuyện vua Hàm Nghi bị bắt năm 1885(9).
Xét cho cùng thì cái diêm hay cái bật lửa không tai hại bằng cái súng. Ngay từ thời Gia Long, quân đội đã được trang bị súng hỏa mai, một loại súng trường bắn đạn bằng mồi lửa, còn gọi là thạch cơ điểu thương(10). Năm 1823, vua Minh Mạng sai Vũ Khố chế thứ súng tay thuốc nổ mạnh theo kiểu Tây dương. Từ ngày nước ta bị Pháp xâm chiếm, lại có thêm nhiều kiểu súng của Pháp.
Cái đanh thổi lửa có thể là cái họng súng đang khạc lửa của lính cơ, lính trấn thủ, hay lính tẩy (tirailleur) chăng?
*
Đầu thế kỉ 20, cái đanh, nhất là đanh tây, được “quần chúng hóa”. Tranh Oger (1909) có tấm Đóng đinh (hay đanh) con quay. Đinh được dùng để làm đồ chơi cho trẻ con. Từ nay, dân gian dùng đinh thoải mái. Đinh ta, đinh tây. Đinh đóng cột, đóng tường, đóng bàn ghế…
Đinh là vật cứng. Đinh đá là cứng rắn, khó bảo. Đinh thép là rắn rỏi, có lí sự (Từ điển Khai Trí Tiến Đức). Ngày nay, từ Nam ra Bắc, đâu cũng nói đanh thép, đanh đá.
Sách Túi khôn của người xưa có câu “lão ông đanh thép bất như cái oanh đanh đá”. Nghĩa là: các ông, các cụ ăn nói đanh thép đến đâu cũng nên khiêm tốn, nhũn nhặn trước các cô, các bà đanh đá.
Đinh, đanh rải rác trong sách vở rốt cuộc chỉ là… chuyện nhỏ! Đinh rải rắc trên mặt đường mới đáng lo, sao không bàn? Chuyện đinh tặc nhạy cảm, không dám xía vô.
Lyon, 8/2018
N.D
(SHSDB30/09-2018)
....................................
(1) John Barrow, Một chuyến du hành đến Nam Hà, Nguyễn Thừa Hỷ dịch, Thế Giới, 2011, tr. 50, 51.
(2) Malte Brun, John Barrow: Voyage à la Cochinchine, BSEI, 1-6/1926, tr. 211.
(3) Paul Huard, Maurice Durand, Connaissance du Viet-Nam, EFEO, 1954, tr. 213, 228.
(4) John White, A voyage to Cochinchina, trong Sài Gòn Gia Định qua thơ văn xưa, Nguyễn Thị Thanh Xuân chủ biên, Nxb. TPHCM, 1987, tr. 425.
(5) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Giáo Dục, 2004, tr. 424.
(6) Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, Nxb. TPHCM, 1988, tr. 278.
(7) Trương Bá Cần, sđd, tr. 467.
(8) Henri Cucherousset, Xứ Bắc Kỳ ngày nay, Trần Văn Quang dịch, IDEO, 1924, tr. 35.
(9) Ngô Quý Sơn, Jeux d’enfants du Viet Nam, Sudestasie, 1985, tr.101-102.
(10) John Barrow, sđd, tr.56.