TRIỀU NGUYÊN
1. Khái quát
Sở chỉ (hoặc “cái sở chỉ”) là một sự vật cụ thể hay một tập hợp xác thực, gồm những đối tượng rõ ràng, được từ (có nghĩa ổn định) hay một tổ hợp từ lâm thời biểu thị. Mối quan hệ giữa từ, tổ hợp từ lâm thời với cái sở chỉ, được gọi là nghĩa sở chỉ(1). “Nghĩa sở chỉ thể hiện ra khi sử dụng các từ trong lời nói. Nó không có tính ổn định, bởi vì bản thân mối quan hệ của từ với cái sở chỉ có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh nói năng cụ thể” [4, 80].
Hội thoại là một cuộc trò chuyện giữa nhiều người với nhau. Hội thoại trực tiếp khi các bên tham gia cùng xuất hiện, cùng nói năng, trao đổi, trong điều kiện, hoàn cảnh giống nhau. Khi có một bên, dù muốn hay không, bị buộc phải can dự vào cuộc hội thoại đang diễn ra, trong lúc không cùng điều kiện, hoàn cảnh nói năng như bên kia, tức tham dự hội thoại theo lối gián tiếp, ở đây, gọi là hội thoại gián tiếp.
Kẻ gián tiếp tham gia cuộc thoại thường không cố ý, như khi anh/chị ta đi ngang qua một hành lang, vô tình nghe được những điều từ cuộc thoại của một nhóm người. Nếu cố ý, sẽ xảy ra hai trường hợp, hoặc sau một thời gian, đối tượng này lộ diện, nói rõ lí do giấu mặt, và trở thành một bên tham thoại bình thường, hoặc vẫn che giấu thân phận suốt cuộc thoại của những người khác, tức nghe lén. Nghe lén dẫu nắm bắt được nội dung cuộc thoại đang đặt ra, nhưng do đối tượng liên quan không tham gia cuộc thoại(2), nên không thể gọi họ là một bên của cuộc trò chuyện kia được, dù là gián tiếp đi nữa.
Truyện cười dân gian, nhất là loại truyện cười truyền thống, có một số mẩu sử dụng việc tạo lẫn lộn sở chỉ nhằm ứng phó với đối tượng hội thoại gián tiếp, để gây cười. Chẳng hạn: “Khóc mẹ chồng”, “Thưa cô, tôi làm giáo học”, “Tôi làm chủ tịch Hội phụ lão”, “Ông đánh cho chừa việc cãi lại mẹ ông”, “Đánh vợ hay bị vợ đánh”, “Mày cho nó một chút”,…
2. Việc tạo lẫn lộn sở chỉ nhằm ứng phó với đối tượng hội thoại gián tiếp để gây cười, trong truyện cười dân gian
Mục này sẽ trích dẫn một số trong những truyện đã ghi, kèm việc phân tích, nêu tác dụng của chúng, nhằm cho thấy cách sử dụng việc tạo lẫn lộn sở chỉ để ứng phó với đối tượng hội thoại gián tiếp hòng gây cười, được thực hiện ra sao, tác dụng, hiệu quả thẩm mĩ thế nào, trong truyện cười dân gian. Đây là chuyện tiếp cận sự việc ở mặt chính diện, nên dù chưa phải đã đầy đủ, hay ho, vẫn có thể xem là một hướng giải quyết vấn đề cần thiết, nhất là với những người lần đầu nắm bắt.
2.1. Việc tạo lẫn lộn sở chỉ nhằm ứng phó với đối tượng hội thoại gián tiếp để gây cười, qua một số truyện cười tiêu biểu
Dưới đây, là bốn mẩu “Khóc mẹ chồng”, “Thưa cô, tôi làm giáo học”, “Ông đánh cho chừa việc cãi lại mẹ ông”, “Đánh vợ hay bị vợ đánh”.
(1) KHÓC MẸ CHỒNG
Có một chị, mẹ chồng chết, khóc mãi đến nỗi khô cả cổ. Đang khóc, bỗng trông lên mâm ngũ quả ở bàn thờ thấy có quả quýt, chị ta với trộm một quả. Chẳng may với hụt, quả quýt rơi xuống đất. Chị ta lấy chân khều, càng khều, quả quýt càng lăn mãi ra xa.
Chị ta vừa khều vừa khóc:
- Ôi mẹ ơi là mẹ ơi! Từ giờ mỗi ngày một xa, con biết làm sao cho được... Mẹ ơi là mẹ ơi!
(Nguồn: Trương Chính, Phong Châu (1986), Tiếng cười dân gian, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 160-161)(3)
(2) THƯA CÔ, TÔI LÀM GIÁO HỌC
Trên đò dọc, trời tối, một anh chàng ngồi cạnh một cô gái mặt mũi xinh xắn. Chả biết chàng ta táy máy thế nào, mà người ta nghe cô gái kêu lên:
- Ơ kìa, cái anh này, anh làm gì thế?
Anh ta thản nhiên đáp:
- Thưa cô, tôi làm giáo học.
Im lặng một lát, lại nghe cô gái kêu lên:
- Này, này, anh có thôi đi không?
Tiếng anh chàng đáp lại rất bình tĩnh và dịu dàng:
- Thưa cô, tôi cũng muốn xin thôi, nhưng nhà nước không cho.
(Nguồn: Ninh Viết Giao (Chủ biên) (1994), Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ, tập 3, Nxb. Nghệ An, tr. 310).
(3) ÔNG ĐÁNH CHO CHỪA VIỆC CÃI MẸ ÔNG
Đôi vợ chồng nọ ở với bà mẹ của người chồng. Bà này luôn muốn con trai đứng về phía mình mỗi khi có xung đột với nàng dâu. Hôm ấy, nàng dâu lỡ tay nấu canh mặn. Bà lấy đó chửi bới tam tứ đại nàng ta, lại hắt thìa canh vào mặt. Nàng dâu nói:
- Con chỉ lỡ tay cho thêm tí muối...
Bà quay sang con trai đang ngồi ăn:
- Mày để nó cãi mẹ mày như thế mà ngồi yên à?
Anh chồng quăng bát xuống mâm, kéo vợ vào buồng đấm đá huỳnh huỵch, thùm thụp. Cứ mỗi lần đấm đá như thế, anh ta lại hét toáng lên:
- Này, này! Mày dám cãi lại mẹ ông à? Ông đánh cho chừa cái thói cãi lại mẹ ông đi!...
Còn chị vợ, mỗi khi chồng đấm, đá, lại “hự, hự”, giãy nảy lên tru tréo:
- Ối giời ôi, đau quá! Anh đánh chết tôi à? Tôi lạy anh! Tôi xin chừa! Khổ thân con lắm mẹ ơi! Mẹ đã mát lòng hả dạ chưa?
Ở nhà ngoài, bà mẹ chồng cảm thấy hả giận, bởi con trai hiếu thảo, biết vâng lời, không như những đứa “đội vợ trên đầu”, đặt lời mẹ ra ngoài tai. Bà biết đâu rằng, ở trong buồng, đứa con trai chỉ đấm đá vào cái bị thóc, rồi giả vờ mắng mỏ vợ để chiều lòng mẹ. Còn nàng dâu, miệng thì kêu la mà mắt thì vẫn lúng liếng, say đắm nhìn chồng!
(Nguồn: Lương Đức Nghi, Vũ Quang Dũng (2011), Văn hóa dân gian Phú Nhiêu, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr. 164 - 165).
(4) ĐÁNH VỢ HAY BỊ VỢ ĐÁNH?
Xưa, có anh chàng sợ vợ nhưng phải tính sĩ diện với bạn bè. Anh ta hay khoe mình đã trừng trị vợ dữ dằn lắm lắm. Còn vợ phải sợ một phép.
Hôm nọ, có người bạn thân đến chơi. Chủ nhà muốn chứng minh cho bạn thấy là mình đã “sai khiến” vợ như thế nào. Anh ta luôn hoạch hoẹ, la mắng cô vợ, bảo phải thế này, phải thế nọ luôn mồm. Chị vợ lúc đầu tỏ ra răm rắp vâng lời, nhưng càng về sau, càng thấy anh chồng rất lố lăng, trái tính trái nết, mới nổi tam bành lên. Chị ta bèn lừa chồng vào buồng, chốt cửa lại, rồi rút cái roi mây có sẵn, nện cho một trận: Đét! Đét! Đét!...
Anh chồng bị roi quất vào lưng, vào mông, đau quắn người, chẳng những không kêu than mà còn cứ mỗi cú “đét”, lại la tướng lên: “Mày chừa chưa?”; “Mày còn hỗn nữa thôi?”; “Ông đánh chết mày hôm nay!”;...
Chị vợ giận lắm, chẳng nói chẳng rằng, cứ bậm môi trợn mắt mà vụt ngọn roi.
Ở bên ngoài, anh bạn hoảng quá, la toáng lên:
- Thôi, thôi! Xin can! Anh nể mặt tôi mà tha cho chị ấy! Anh đánh dữ dằn vậy thì chị ấy chết mất!
Nghe vậy, ở trong buồng kín, anh chồng cố gân cổ mà rằng:
- Anh đừng có lo! Để tôi trị lần này cho nó chừa!
- Đét! Đét!...
- Đồ đàn bà hư! Để tôi trị...
Ông bạn nghĩ, nếu mình không xông vào cứu e anh ta đập chết vợ, bèn nhảy bổ vào, tông bật cửa buồng...
Một cảnh tượng bày ra trước mắt: không phải anh chàng đang đánh vợ, mà chị vợ cầm roi quất chồng một cách tàn nhẫn. “Đức ông chồng” đang nằm dài trên giường, hai tay lia lịa xoa mông, mồm liên tục gào to:
- Mày chừa không? Ông đánh trận này cho mày biết tay!...
Khi anh ta kịp nhìn thấy người bạn của mình, thì ôi thôi!... Anh chàng mắc cỡ không để đâu cho hết, bèn đứng dậy, bê luôn cái chõng tre che mông chạy ra, nói chữa thẹn:
- Đến nước này thì... ông phải tìm đường ông đi luôn!...
(Nguồn: Ngô Sao Kim (2011), Truyện cổ, truyện dân gian Phú Yên, Nxb. Lao động, Hà Nội; tr.364 - 366).
2.2. Phân tích việc tạo lẫn lộn sở chỉ nhằm ứng phó với đối tượng hội thoại gián tiếp để gây cười, qua các truyện cười đã dẫn
2.2.1. Truyện “Khóc mẹ chồng”
Lời khóc của nàng dâu “Ôi mẹ ơi là mẹ ơi! Từ giờ mỗi ngày một xa, con biết làm sao cho được... Mẹ ơi là mẹ ơi!”; ở những người hộ tang hay đến viếng, có thể cho đó là lời khóc mẹ chồng thống thiết. Nhưng với nàng ta, lời ấy nhằm đối phó với đám đông kia, để đánh lừa họ, còn trong thâm tâm của ả, lại biểu thị sự than tiếc quả quýt mỗi lúc một lăn xa, mà không sao khều lại được. Tục ngữ chẳng nói “Bắt chấy cho mẹ chồng, thấy bồ nông dưới biển”, và “Nàng dâu để chế mẹ chồng; chiếc bông hạt lựu, chiếc vòng sáng choang”(4), đó sao. Bắt chấy, để tang còn thế, thì lời khóc mẹ chồng lúc bà lâm chung, cũng có thể như truyện cười đã kể.
Truyện cười hiện đại cũng có mẩu nàng dâu khóc mẹ chồng đang nằm trong quan tài, với lời khóc tương tự như truyện trên. Nhưng thay vì quả quýt là phong bì dày cộm tiền đi điếu, mà cô nàng đang định giấu vào áo trong, thì bị ông anh chồng lấy cất đi. Với truyện như vậy, sự thể còn “quá quắt” hơn.
Số người hộ tang khác (trừ nàng dâu trong cuộc ra), và những khách đến viếng, được cho là những đối tượng hội thoại gián tiếp, bởi trong cuội thoại của nàng dâu với vong hồn mẹ chồng qua lời khóc, họ là người ngoài cuộc (nhưng đều được nghe thấy, và có thể can dự vào khi muốn). Có điều, họ không biết chuyện quả quýt hay cái phong bì đựng tiền, tức không rõ lí do đích thật của lời khóc kia.
2.2.2. Truyện “Thưa cô, tôi làm giáo học”
Nếu những lời của cô gái chỉ nhằm vào anh làm giáo học, thì lời của anh ta lại hướng đến những người cùng ngồi trên con thuyền, đi giữa đêm tăm tối. Và lời của anh ta nhằm “lái” các lời trách cứ của cô gái thành những câu thăm hỏi bình thường, hòng đánh lạc hướng họ: rằng cuộc đối thoại của hai người là để làm quen nhau (chứ không có chuyện chòng ghẹo ở đây).
Tất nhiên, nếu chú ý đến lời lẽ (và chắc chắn, cả giọng điệu gay gắt) của cô gái “Ơ kìa, cái anh này, anh làm gì thế?” và “Này, này, anh có thôi đi không?”, thì hẳn sẽ khó mà chấp thuận điều anh chàng mong muốn. Nhưng ở một con thuyền nhỏ nêm chật khách trong đêm, thì khó thể nghe rõ mồn một những điều hai bên nói ra, nên việc tạo nhầm lẫn sở chỉ một cách cố ý của anh giáo học vẫn ít nhiều có hiệu quả.
Những người ngồi cùng thuyền với đôi trai gái, nghe được các lời mà cặp đôi này nói ra, được cho là những đối tượng hội thoại gián tiếp. Họ chỉ đoán chứ không nắm được một cách chắc chắn những việc làm trong bóng tối của anh giáo học, nên khó bề can thiệp.
Gần đây có truyện “Tôi làm Chủ tịch Hội phụ lão”, có phần mô phỏng truyện này. Truyện kể việc một ông già ra bãi cỏ xem phim(5), đứng cạnh ông là một cô gái trẻ. Có một chàng trai muốn chòng ghẹo cô gái này núp sau lưng ông lão, thỉnh thoảng thò tay cấu véo cô gái. Cô gái (mắt nhìn vào màn ảnh, không thấy chàng trai) cho ông lão đã làm việc xấu xa ấy với mình, bảo: “Này ông già! Ông làm gì thế?” Ông lão thật thà: “Tôi làm Chủ tịch Hội phụ lão”. Lại bị cấu vào mông, cô gái giận dữ: “Ông có thôi ngay đi không!” Ông lão: “Tôi cũng muốn thôi, nhưng nhà nước không cho”. Với những người chỉ nghe cuộc thoại giữa ông lão và cô gái, thì truyện này với truyện trên là giống nhau; còn với những người trong cuộc, thì có khác: nếu những lời của anh giáo học nhằm đánh lạc hướng suy nghĩ của mọi người, những đối tượng hội thoại gián tiếp, thì những lời của ông già không có mục đích ấy (sự trùng hợp chỉ do điều kiện, hoàn cảnh), và trong lúc anh giáo là người “được ăn được nói”, thì ông lão chẳng được gì, lại còn bị mắng mỏ, vu vạ!
2.2.3. Truyện “Ông đánh cho chừa việc cãi mẹ ông”
Cách tạo lẫn lộn sở chỉ: qua sự nghe ngóng của bà mẹ chồng ở nhà ngoài, thì đối tượng của những lời la mắng, những cú đấm đá uỳnh uỵch, là nàng dâu đáng ghét, nhưng thật tế đang xảy ra ở trong buồng, vật hứng chịu những cú thượng cẳng tay hạ cẳng chân kia lại là cái bị thóc (còn nàng dâu miệng thì vờ kêu khóc mà mắt thì vẫn đong đưa với chồng). Tức đôi vợ chồng nhà nọ chỉ diễn trò để mẹ nghe, chứ để bà xem thì hỏng.
Theo đó, nhân vật người mẹ chồng trong truyện là đối tượng hội thoại gián tiếp.
2.2.4. Truyện “Đánh vợ hay bị vợ đánh?”
Ai đánh ai? Người vợ đánh chồng một cách tàn nhẫn. Đó là thực tế. Nhưng thật tế ấy bị căn buồng che khuất. Người bạn thân của nhân vật anh chồng đang ở bên ngoài, phần tin lời bạn lâu nay vốn nặng tay trừng trị vợ, phần bị màn kịch do anh này trình diễn, cho chính anh ta đang đánh vợ. Việc tạo nhầm lẫn sở chỉ trở nên rõ ràng khi người bạn này hăm hở xông vào buồng để can ngăn.
Có thể nhận ra, nhân vật người bạn của anh chồng là đối tượng hội thoại gián tiếp. Ở trên có nói, khi muốn, đối tượng hội thoại gián tiếp có thể tham gia vào cuộc thoại; cho nên, việc “xông vào buồng” để can ngăn hai bên đánh nhau của người bạn không ngoài điều đã trình bày.
Gần gũi với truyện này, có mẩu “Sĩ diện”, kể về một anh dở hơi, đã sợ vợ lại hay sĩ diện, khiến chị vợ trở nên lấn lướt, đến mức la mắng, đánh đập chồng. Hôm nọ, nhà có ông chú ở xa đến thăm. Người vợ làm cơm đãi khách, nghĩ nên giữ lễ kẻo mang tiếng không hay, mới dạ thưa luôn miệng. Mấy khi được vợ một điều dạ hai điều thưa như vậy với mình, anh chồng sướng bụng quá, suốt bữa ăn cứ gọi vợ mãi. Chị vợ tức lắm, nhưng cố nhịn. Khi khách vừa ra khỏi nhà, chị ta đã chạy lại tát vào mặt anh chồng mấy cái cho hả giận. Nhưng ông chú chưa đi xa hẳn, dừng lại ngóng tai nghe. Anh chàng cũng dòm chừng, biết chú còn tần ngần ngoài hàng giậu, cứ sau mỗi cái tát của vợ, giả vờ la lên: “Ai bảo nước mắm không hâm!” Chỉ nghe thế thôi, thì đúng là anh ta đánh vợ. Còn chị ả, thấy chồng đòi hâm nước mắm, càng nổi đóa nện thêm. Ông chú áy náy quay trở lại. Anh chàng bấy giờ bị vợ đánh nặng tay, hoảng sợ quá, chạy vào núp dưới gầm bàn thờ để nhờ tổ tiên che chở cho, thấy khách, chống chế rằng: “Phải con vợ u mê không thể chịu được! Phen ni, tui phải đội bàn thờ đi chỗ khác cho ả biết tay!”
Thay vì nhân vật người bạn, thì ở truyện vừa nêu là ông chú, việc người bạn xông vào buồng tương tự việc ông chú quay lại nhà. Nhờ vào việc làm này mà mọi cái trở nên “bạch hóa”: người bạn (truyện đầu) và ông chú (truyện sau) đã chứng kiến việc anh chồng bị vợ đánh, trong lúc anh ta thì muốn điều ngược lại(6).
2.3. Tác dụng của việc tạo lẫn lộn sở chỉ nhằm ứng phó với đối tượng hội thoại gián tiếp
Tác dụng chính của việc tạo lẫn lộn sở chỉ nhằm ứng phó với đối tượng hội thoại gián tiếp, là để gây cười. Bên cạnh đó, yêu cầu gây cười ở truyện cười là sự việc (qua hành động của nhân vật) cần mới lạ, bất ngờ. Có thể tách ra, để cho đây là tác dụngthẩm mĩ của vấn đề.
2.3.1. Tác dụng cơ bản của việc tạo lẫn lộn sở chỉ nhằm ứng phó với đối tượng hội thoại gián tiếp, là để gây cười. Cần nói thêm, mục đích của truyện cười là để cười; có cười đã mới xét lí do vì sao mà cười. Đồng thời, cả nội dung văn bản truyện cười chỉ để tạo một tiếng cười. Tiếng cười ấy nảy sinh khi truyện kết thúc.
Cho nên, khi đề cập đến thể loại này, các nhà nghiên cứu thường quan tâm đến đối tượng đáng cười (cười về cái gì?) và biểu hiện gây cười (vì sao mà cười?). Vậy hai nội dung vừa nêu ở sự việc đang bàn ra sao? Đối tượng đáng cười ở đây là việc tạo lẫn lộn sở chỉ nhằm ứng phó với những kẻ hội thoại gián tiếp (nếu có nhân vật tiêu cực liên quan, thì truyện cũng nhằm phê phán thói tật của nhân vật này), còn biểu hiện gây cười là sự biểu thị cụ thể của việc làm kia.
Chẳng hạn, ở truyện “Khóc mẹ chồng” (mẩu đầu), đối tượng đáng cười là việc tạo lẫn lộn sở chỉ nhằm ứng phó với những khách đang đi viếng mẹ chồng và những người nhà khác, đồng thời, nhằm phê phán thói tham lam, bất nghĩa của nàng dâu; biểu hiện gây cười là lời khóc của nhân vật nàng dâu ở cuối truyện: “Ôi mẹ ơi là mẹ ơi! Từ giờ mỗi ngày một xa, con biết làm sao cho được... Mẹ ơi là mẹ ơi!” (cái “mỗi ngày một xa” không phải là mẹ chồng mà là quả quýt - lẽ ra, phải là “mỗi lúc một (lăn) xa”, nhưng khóc thế thì lộ ra mất!). Ở truyện “Thưa cô, tôi làm giáo học” (mẩu thứ hai), đối tượng đáng cười là việc tạo lẫn lộn sở chỉ nhằm ứng phó với những người khách cùng ngồi trên thuyền, đang đi trong đêm, đồng thời cười việc anh giáo đã làm bậy còn giở trò biện bạch; biểu hiện gây cười là lời đối thoại của đôi nam nữ (trời tối, những người trong thuyền chỉ nghe, chứ không thấy): Nữ: “Ơ kìa, cái anh này, anh làm gì thế?”. Nam: “Thưa cô, tôi làm giáo học”. Nữ: “Này, này, anh có thôi đi không?”. Nam: “Thưa cô, tôi cũng muốn xin thôi, nhưng nhà nước không cho”.
2.3.2. Tác dụng thẩm mĩ của việc tạo lẫn lộn sở chỉ nhằm ứng phó với đối tượng hội thoại gián tiếp, là sự bất ngờ, mới lạ. Để tạo điều bất ngờ, mới lạ, biện pháp thường gặp, là “che mắt” đối tượng hội thoại gián tiếp, không để họ trông thấy (nếu thấy thì cũng chỉ loáng thoáng) những người trực tiếp đối thoại hành động ra sao. Nói rõ ra, tuy tham gia cuộc thoại, nhưng họ không nhìn thấy các đối tượng mà mình quan tâm, chỉ nghe tiếng. Mẩu đầu, những người đến viếng chỉ nghe tiếng khóc của nàng dâu, chứ không hay biết chuyện ả ta đau buồn vì khều quả quýt không xong. Mẩu thứ hai, số khách trên thuyền chỉ nghe tiếng đôi trai gái chứ không rõ sự việc đằng sau giữa hai người. Mẩu thứ ba, người mẹ chỉ nghe tiếng đấm đá, mắng mỏ của con trai và tiếng khóc của nàng dâu, ở ngoài buồng, chứ không biết cặp vợ chồng này đã đóng kịch ở bên trong. Mẩu thứ tư, ông bạn qua việc nghe ngóng ở bên ngoài, cứ ngỡ bạn mình đánh vợ, không ngờ phía bên kia bức tường thì ngược lại.
Do nhân vật truyện mới không thấy, còn người nghe/đọc, người hưởng thụ hay lĩnh hội nói chung, thì lại nhận ra sự việc rất rõ, cho nên, truyện đã tạo cho đối tượng này sự mới lạ, hấp dẫn. Riêng với truyện “Đánh vợ hay bị vợ đánh”, sự việc được bạch hóa, do nhân vật người bạn sợ án mạng xảy ra nên đã xông vào trong. Và điều bất ngờ được phát hiện: không phải anh chồng đánh vợ mà ngược lại! Chính việc bạch hóa này đã cho chúng ta thấy rõ hơn vấn đề.
3. Kết luận
Qua việc trích dẫn và phân tích một số truyện vừa nêu, có thể nói, truyện cười dân gian dựa vào việc tạo lẫn lộn sở chỉ nhằm ứng phó với đối tượng hội thoại gián tiếp, đã tạo được nhiều mẩu thú vị. Đây là một vấn đề cụ thể, một lĩnh vực của việc dựa vào sự lẫn lộn sở chỉ để gây cười trong truyện cười, nói chung. Việc tạo lẫn lộn sở chỉ này là một trong bốn nhóm của số truyện cười dựa vào sở chỉ (ba nhóm còn lại là: a) Tạo nhiều tổ hợp cùng sở chỉ; b) Tạo một tổ hợp có nhiều sở chỉ; và c) Tạo một tổ hợp không phải tên gọi thường dùng, để gọi tên người, vật), có số lượng truyện gấp nhiều lần số truyện nhằm ứng phó với đối tượng hội thoại gián tiếp đã nêu.
Bên cạnh đó, cũng thấy rằng, nhóm truyện đang đặt ra chủ yếu thuộc truyện cười truyền thống. Do sự hấp dẫn của chúng mà ở truyện cười hiện đại, có một số mẫu đã “rập khuôn” vào; nói khác đi, giữa truyện cũ và mới, đã theo cùng một mô hình cấu trúc văn bản (ở cấp vi mô) - như các cặp truyện “Thưa cô, tôi làm giáo học” và “Tôi làm Chủ tịch Hội phụ lão”; “Đánh vợ hay bị vợ đánh?” và “Sĩ diện”;…
Tìm hiểu việc tạo lẫn lộn sở chỉ nhằm ứng phó với đối tượng hội thoại gián tiếp để gây cười trong truyện cười, là một nghiên cứu có tính chất ứng dụng, nhằm giúp sự nắm hiểu thể loại truyện dân gian này một cách thấu đáo hơn. Đồng thời, vấn đề có thể có đóng góp ít nhiều cho những người yêu thích tiếng mẹ đẻ.
T.N
(TCSH366/08-2019)
------------------
(1) Cái sở chỉ không chỉ là những sự vật, mà còn là các quá trình, tính chất, hoặc hiện tượng thực tế nào đó. Nghĩa sở chỉ phân biệt với nghĩa sở biểu (thường gọi là ý nghĩa). Theo [4, 79]: “Đó là quan hệ của từ và ý, tức là với khái niệm hoặc biểu tượng mà từ biểu hiện. Khái niệm hoặc biểu tượng có quan hệ với từ được gọi là cái sở biểu, và quan hệ giữa từ với cái sở biểu được gọi là nghĩa sở biểu”.
(2) Không đặt ra chuyện máy ghi âm ở loại truyện cười truyền thống.
(3) Mỗi truyện có thể có xuất xứ từ nhiều nguồn, nhưng ở bài viết này chỉ chọn một (lí do của việc làm này, là để đáp ứng yêu cầu khách quan của việc trích dẫn, đồng thời, là sự giản lược của vấn đề).
(4) Chấy: người miền Trung, miền Nam, thường nói chí. Để chế: để tang, thọ/thụ tang (thường biểu hiện qua việc chít khăn tang, mặc áo quần bằng vải sô trắng). Đôi bông: hoa tai (có hình tương tự với quả cà gai leo, phần cuống để xỏ qua lỗ được đâm thủng sẵn ở dái tai con gái, đàn bà; có hai dạng: dạng cuống thẳng, và dạng cuống bẻ quặp xuống, ở phía sau - ngày nay, phụ nữ lớn tuổi vẫn còn đeo); bông khác với tằm/trằm và khuyên, cũng dùng để đeo tai.
(5) Khoảng những năm 1960 - 1990 ở miền Bắc, 1975 - 1990 ở miền Nam, các đội chiếu phim lưu động thường tổ chức chiếu phim tại các sân bãi của các hợp tác xã, nông công trường, để phục vụ nhân dân (không bán vé).
(6) Chi tiết kể về lời của người chồng “Ai bảo nước mắm không hâm!”, nhằm cho thấy anh ta là kẻ dở hơi (ai lại hâm nước mắm bao giờ!), lí do bị vợ đánh.
Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Tiến Tựu (1990), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
2. Lê Chí Quế (Chủ biên), Võ Quang Nhơn, Nguyễn Hùng Vĩ (2001), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
3. Nguyễn Chí Bền (Chủ biên) (2014), Truyện cười dân gian người Việt, 5 quyển, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Nguyễn Thiện Giáp (Chủ biên) (2000), Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
5. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (1983), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.