TÔ NGỌC THANH
Nằm trong lĩnh vực văn hoá dân gian, Hát Ru và sinh hoạt Hát Ru là một hiện tượng văn hoá xã hội đa nghĩa, đa dạng mà trong đó các yếu tố cấu thành có mối quan hệ nhân quả, khăng khít.
Điều này không ngăn cản chúng ta xem xét nó trên từng khía cạnh chuyên ngành, như nghiên cứu về âm nhạc trong hát ru chẳng hạn. Tuy nhiên, để có thể đi vào chiều sâu của toàn bộ hiện tượng với tư cách một thực thể văn hoá xã hội cũng như của từng thành tố, cần thiết phải xem xét những thành tố đó trong mối liên quan vốn có của chúng. Từ đó sẽ nổi lên như một mẫu số chung những đặc trưng của sinh hoạt hát ru, chúng chi phối mọi mặt tính cách của từng thành tố.
Điều dễ thấy nhất là mục đích thực dụng của sinh hoạt hát ru là ru đứa trẻ ngủ, một mục đích có thể thấy được tuân thủ ở bất cứ dân tộc nào trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam và là mục đích khởi nguyên của sinh hoạt hát ru. Mục đích giản dị và thiết thực này quy định một loạt những đặc trưng của sinh hoạt hát ru như: - Một không gian tương đối yên tĩnh và thường vào thời gian nghỉ ngơi của đứa trẻ. - Một dòng giai điệu dàn trải, mênh mông xa vắng được hát với tốc độ tương đối chậm. - Một lời ca phù hợp với lứa tuổi của trẻ mà thường thường trong đó nêu lên cho trẻ một "nhiệm vụ" là ngủ đi cho sâu, cho ngoan để cha mẹ còn đi lao động, đồng thời, hứa hẹn với trẻ khi cha mẹ về sẽ cho quà. Lời ca đó lại thường mang tính chất huyền thoại hoặc đồng thoại, trong đó xuất hiện những con vật, côn trùng gần gũi với trẻ. - Giai điệu ấy, lời ca ấy lại được hát lên bằng giọng hát thân thương, gắn bó với trẻ. Đó là giọng hát của người mẹ, hoặc ít nhất cũng là của Bà hay của chị đứa bé. - Tuỳ theo từng dân tộc, bài hát ru ấy được hát trong nhịp phù trợ của chiếc nôi, chiếc võng với tiếng kẽo kẹt đều đều hoặc của nhịp rung trên vai người mẹ đang địu đứa trẻ. Tất cả những yếu tố đó đưa trẻ vào giấc ngủ.
Nhưng sẽ là thiếu sót nếu chỉ chú ý đến những tác dụng gây ra giấc ngủ sinh học của đứa trẻ. Nếu vậy thì thực ra không thiếu gì cách để đứa trẻ ngủ. Ngày nay nhiều bà mẹ trẻ không biết hát ru, chỉ cần bé đứa trẻ trên tay rung rung hay đặt nó vào nôi mà đung đưa là trẻ đã có thể có giấc ngủ sinh học, cũng say sưa không kém. Do đó, để đạt được giấc ngủ sinh học chỉ là mục đích khởi nguyên và thực dụng của sinh hoạt hát ru. Ở đây cần chú ý đến phẩm chất văn hóa của sinh hoạt này. Điều này không có gì mới. Vì đó là đặc trưng của mọi hoạt động văn hoá dân gian, một thứ văn hóa vì cuộc sống và nằm ngay trong lòng cuộc sống, chứ không phải là thứ văn hóa trình diễn trên sân khấu. Tính thực dụng của sinh hoạt hát ru là cái nền để từ đó xuất hiện những xúc cảm văn hoá nghệ thuật và thông qua văn hoá nghệ thuật mà thực hiện mục đích thực dụng đó. Bài hát ru với tư cách là một sản phẩm nghệ thuật âm nhạc được xuất hiện để thực hiện mục đích ru ngủ. Nhưng để đạt tới khuôn khổ và chất lượng của một sản phẩm nghệ thuật thì hát ru lại cần có những điều kiện mà việc tạo ra một giấc ngủ sinh học đơn thuần không cần có.
Trước hết đó là chủ thể cảm xúc và chủ thể tiếp nhận, ở đấy chúng ta có mối quan hệ mẹ - con. Với người mẹ, đứa con rứt ruột đẻ ra là tất cả. Vì thế, bài hát ru chứa chất tất cả những tình cảm thương yêu nhất của người mẹ gửi gắm vào. Điều này không chỉ thấy ở giai điệu, lời ca, mà còn thấy rất rõ ở giọng hát, sắc thái hát. Cũng vì điều này mà khi ru con, người mẹ không chỉ dùng những lời ca khởi nguyên gây ngủ, mà thường mô tả những tâm tình về thân phận con người, về nhân tình thế thái, về những lo lắng và mong ước của mẹ đối với tương lai của đứa trẻ. Nghiên cứu hát ru đồng bằng Bắc Bộ, tôi thấy những đoạn li điệu trong giai điệu thường ứng với những lời ca có tính chất buồn, than thân trách phận của người mẹ. Thông qua những cảm xúc hát ru, mối quan hệ huyết thống và gia đình của mẹ với con hiện lên như một mạch nối truyền thống văn hoá.
Còn đứa trẻ, dù cho ý thức chưa phát triển để đủ hiểu hết những gì người mẹ gửi gắm, nhưng ít nhất cũng nhận được những tình cảm thân thương của mẹ mà các nhà nhân chủng học, sinh học đã chứng minh rằng, bằng bản chất di truyền, trẻ thơ có khả năng tiếp nhận. Và đây chính là "quan hệ xã hội" đầu tiên mà đứa trẻ có được. Mối quan hệ ấy xuất phát từ huyết thống qua mùi vị dòng sữa trẻ bú mẹ và thông qua tình cảm của mẹ. Mối quan hệ ấy lại được thực hiện bởi những cảm xúc và biểu hiện văn hóa nghệ thuật. Do đó, có thể nói rằng, sinh hoạt hát ru là những bài học truyền dạy văn hóa dân tộc đầu tiên mà đứa trẻ được tiếp nhận. Và cũng không phải vô cớ mà người ta nói rằng: "Người mẹ chính là người thầy đầu tiên của con người". Như thế, có thể xem hát ru là nét văn hóa dân tộc đầu tiên được viết lên tâm hồn trong trắng của trẻ thơ, đặt viên gạch đầu tiên cho việc xây dựng nhân cách văn hóa dân tộc cho mỗi con người trong dân tộc ấy.
Xưa kia trong các làng bản Việt Nam không có trường học dành cho con em người lao động. Nếu có thì những trường ấy lại dạy chữ "thánh hiền" vốn chuyển tải những chuẩn mực văn hóa xa lạ với người dân và mục đích của việc học là để đi thi rồi làm quan. Vậy làm thế nào để các thế hệ sau nắm được và tiếp tục sáng tạo truyền thống văn hóa dân tộc? Chính văn hoá dân gian đã giải quyết nhu cầu bằng cách sáng tạo ra những hệ thống các hoạt động văn hoá cho từng lứa tuổi, để thông qua đó, con người tiếp thu văn hoá của cha ông và tiếp tục sáng tạo. Đó chính là quá trình "cá thể hóa văn hóa cộng đồng" mà trong đó hát ru là bài học vỡ lòng về văn hóa dân tộc.
Nói đó là bài học vỡ lòng về văn hoá dân tộc, không phải chỉ vì hát ru cung cấp cho trẻ những tri thức về giai điệu âm nhạc, về lời ca và nhịp điệu dân tộc, mà thông qua hát ru, trẻ nhận được sự đùm bọc, chở che, nhận được tình cảm thân thương của mẹ, của bà, của chị, nhận được chỗ dựa tinh thần tin cậy và tạo cho trẻ một sự cân bằng, yên ổn trong tâm lý. Tác động đa dạng của hát ru là như vậy.
Chưa hết. Âm nhạc hát ru còn đặt nền móng cho việc học hỏi và nắm vững phong cách âm nhạc dân tộc trong những hoạt động văn hoá khi trẻ đã lớn. Giai điệu hát ru của nhiều dân tộc Việt Nam được sử dụng để cấu tạo giai điệu những bài hát Đồng dao cho trẻ vào lứa tuổi 6-7 đến 11-13. Và trong hệ thống các bài hát giao duyên cho thanh niên nam nữ còn thấy những điệu Ru tràn đầy chất trữ tình sâu lắng, như làn Ru trong Quan họ và trong Ả đào chẳng hạn. Sự xuất hiện của các làn Ru trong hát giao duyên không phải là ngẫu nhiên, nếu ta nhận ra khía cạnh văn hoá dân tộc của hát Ru. Bởi vì Hát Ru và hát giao duyên đều có một mẫu số chung là sự gắn bó đôi lứa để đi đến những tình cảm được bảo đảm bằng huyết thống thông qua đời sống gia đình. Đấy là còn chưa nói đến sự "đồng dạng" trong sắc thái tình cảm và trong tính chất trữ tình sâu đậm của hát Ru lẫn những làn Ru giao duyên.
Vai trò hình thành nhân cách văn hóa dân tộc của hát Ru quan trọng là thế mà nhiều năm qua chúng ta thiếu quan tâm. Phải chăng sự cằn cỗi trong tình cảm trẻ thơ, sự thờ ơ với số phận và vận mệnh của gia đình trong nhân cách một số trẻ em ngày nay, có một trong những nguyên nhân là chúng ta đã lớn lên mà không hề được hưởng tất cả những gì tốt đẹp nhất của sinh hoạt hát Ru truyền thống? Với tất cả lòng chân thành cao cả, chúng ta đã gắng hết sức đào tạo thế hệ trẻ theo những lý tưởng tốt đẹp như chúng ta mong muốn: "Yêu Tổ quốc, Yêu đồng bào, Yêu lao động, Chăm học hành, Giữ vệ sinh". Tất cả những điều đó rất tốt, nhưng không đủ. Vì, đó là phẩm chất mà mọi người chân chính trên hành tinh đều cần có. Cái quan trọng là những phẩm chất ấy thể hiện ở kiểu dạng, sắc thái nào thì lại là vấn đề thuộc phạm trù bản sắc văn hoá dân tộc. Sinh hoạt hát Ru và hát Ru chính là một trong những thể hiện bản sắc ấy, bởi vì, nó không chỉ tác động cho nhân cách văn hóa của từng người mẹ, từng đứa trẻ cụ thể, mà quan trọng hơn, nó tiếp nối một truyền thống nhân ái, vị tha, gắn bó, thân thương về mặt đạo đức và một truyền thống độc đáo về phong cách nghệ thuật âm nhạc, thơ ca, giọng hát...
Ước gì hát ru lại hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta ngày nay. Bởi vì, theo tôi nghĩ, cuộc sống đô thị hoá và những vất vả, bươn trải của đời thường đâu có khó khăn đến nỗi người mẹ không còn có thời gian và tâm trí để hát ru!
Tháng 8 năm 1992
T.N.T.
(TCSH52/11&12-1992)