Văn học dân gian
Yếu tố phóng đại trong chuyện trạng Vĩnh Hoàng
08:50 | 04/01/2011
TIỂU PHƯỢNGNgười Việt Nam có nhiều từ ngữ khác nhau để chỉ cái việc nói không đúng sự thực: nói dối, nói láo, nói khoác, nói phịa, nói trạng, nói xí gạt v.v…
Yếu tố phóng đại trong chuyện trạng Vĩnh Hoàng
Ảnh: Internet
Nói dối, nói xí gạt thì ai cũng biết rồi, đó là cách nói của thằng Cuội trong chuyện dân gian. Cuội đã gắn liền với việc nói dối trong thành ngữ “dối như Cuội”. Như vậy nói dối là nói những điều không có thực nhằm gạt cho người nghe đánh giá sai tình hình thực tế, tạo điều kiện cho người nói lợi dụng với một mục đích nào đó nhất định.

Nói láo (1) cũng là nói những điều không có trong sự thực nhưng không có mục đích xí gạt. Giống như trong bài “Vè láo thiên”:

Ngồi buồn đặt chuyện láo thiên

Thuở hồi tôi còn nhỏ có đi khiêng ông trời…


Tác giả bài vè không có ý làm cho ai tưởng là mình có “đi khiêng ông trời” thật, và ví dù có kẻ ngây thơ tưởng thật thì cũng không vì vậy mà thiệt hại gì cả. Đó chỉ là những chuyện nói cho vui trong lúc “ngồi buồn”. Như thế nói láo có phần hơi gần với nói khoác. Trong bài thơ “nói khoác” mà có người cho là của Nguyễn Văn Giai, có người cho là của Nguyễn Hàm Ninh, tác giả cũng nói toàn chuyện không có thực:

Ta con ông cống, cháu ông nghè
Nói khoác trên trời, dưới đất nghe
Sức khỏe Hạng Vương, cho nửa đấm
Cờ cao Đế thích chấp hai xe
Vượt ngay ra biển co tàu lại
Tốc thẳng lên non bắt cọp về
Mai mốt đem quân vào phủ Chúa
Một đàn công chúa chạy ra ve! (2)


Ở đây, những chuyện không thực được nói ra với mục đích khoe khoang về bản thân, nhưng vì chúng mang tính chất quá phi phỏng, đơm đặt nên thực ra cũng nhằm ý định gây cười hơn là dối gạt.

Nói phịa cũng là nói bịa đặt. Nhưng người nói phịa phải vận dụng nhiều trí tuệ hơn người nói láo, nói khoác. Người “phịa” chuyện không phải chỉ nói bốc trời cho sướng miệng, mà phải vận dụng óc tưởng tượng để xây dựng nên những chuyện rất khó tin nhưng lại phải làm thế nào cho người nghe tưởng thực, để khi khám phá ra mình “bé cái nhầm” họ mới bật lên cười khoái trá… Một số chuyện Ba Phi ở miền Nam có thể kể là chuyện phịa.

Chuyện kể bác Ba Phi dùng ná bắn một hạt mận giắt vào mặt con nai chà, rồi mấy năm sau vào rừng tình cờ gặp một cây mận kỳ lạ, khi bác bẻ cành mận hái trái thì đột nhiên cái cây bỏ chạy và phát ra tiếng kêu của loài nai - thì ra cái hạt mận đã đâm rễ mọc chồi, nên phần trên là cây mận tốt tươi, phần dưới vẫn là con nai chà dạo nọ! Sự kiện trong chuyện hoàn toàn không có thực, nó là bịa đặt, nhưng bịa đặt thông minh và lý thú.

So với những hình thức nói dối, nói láo, nói khoác, nói phịa… thì “nói trạng” trong chuyện trạng Vĩnh Hoàng có phần khác nhiều. Điểm khác biệt cơ bản là: nói trạng không phải là nói về những điều không có trong sự thực như trong những trường hợp vừa kể, mà là nói phóng đại về một hiện thực vốn có. Điểm khác biệt này sẽ là nét khu biệt chuyện trạng Vĩnh Hoàng với những chuyện cười dân gian khác. Người dân Vĩnh Hoàng khi nói về những phẩm vật của quê hương mình không gán cho chúng những đặc tính không có, mà chỉ cường điệu thêm những đặc tính có thực. Bác nông dân mời khách ăn khoai mà bắt khách phải đeo kính kẻo sợ bột khoai bay mù mắt, bắt khách phải đứng bên cột để lỡ nghẹn thì ôm vào cột mà lắc cho trôi qua cuống họng… bởi vì khoai Vĩnh Hoàng vốn bở, đặc tính bở là vốn có, nó chỉ được phóng đại thêm chứ không phải bịa đặt ra. Tóm lại, nếu ở những hình thức nói dối, nói khoác, nói phịa, người ta phải dựng đứng lên những điều không có - trong những cách nói này, hư cấu là chủ yếu - thì trong chuyện trạng biện pháp chủ yếu lại là phóng đại sự thực hiện có: ở đây, có sự phối hợp khá chặt chẽ giữa hư cấu và sự thực cuộc sống.

Vì vậy mà cần có sự phân biệt giữa chuyện nói trạng của Vĩnh Hoàng với chuyện về các ông Trạng của đồng bào miền bắc. Trạng Quỳnh, Trạng Lợn là loại chuyện về Trạng, chứ không phải chuyện nói trạng. Đó là loại hệ thống chuyện cười kết thành xâu chuỗi quanh một nhân vật, giống như chuyện Xiển Bột ở Thanh Hóa, chuyện ông Ó ở miền Nam, chuyện ông đồ Tuất (3) ở Quảng Bình… Tất cả những chuyện này có màu sắc nội dung giống nhau ở chỗ mang tính chất phản kháng phong kiến hoặc thực dân rất quyết liệt; loại chuyện cười thành xâu chuỗi này vận dụng nhiều biện pháp gây cười khác nhau. Nhưng điều đáng lưu ý là hầu như không có biện pháp phóng đại.

Phân tích kỹ, ta sẽ thấy chuyện trạng Vĩnh Hoàng có màu sắc gần gũi với loại chuyện Ba Phi ở miền Nam. Cái cười ở đây không mang tính chất chua chát, giễu đời mà là tiếng cười khỏe khoắn, hồn nhiên của người lao động. Tuy vậy, như trên đã nói, chuyện Ba Phi là chuyện phịa, chúng không sử dụng biện pháp phóng đại hiện thực mà chỉ dựa vào sự hư cấu hoàn toàn của trí tưởng tượng. Trong chuyện Ba Phi cũng có những chuyện mà biện pháp rất giống chuyện trạng như chuyện “Nếp Dẻo”, chuyện “Ếch U Minh” (4) nhưng đó chỉ là số ít, không tạo thành màu sắc chủ đạo.

***

Thực ra, xét cho cùng thì phóng đại là một thủ pháp mà không có tác phẩm văn học nào không dùng đến, dù là văn học lãng mạn hay hiện thực, trào phúng hay trữ tình.

Yếu tố phóng đại rất quan trọng trong việc làm tăng phần sinh động cho hình tượng được xây dựng. Nhưng thực ra, trong văn học dân gian Việt Nam, yếu tố này chỉ được sử dụng như biện pháp chủ yếu để cấu tạo hình tượng là trong hai loại tác phẩm: Thần thoại - truyền thuyết và chuyện trạng.

Trong thần thoại, người ta hình tượng hóa lực lượng tự nhiên thành những hình ảnh kỳ vĩ tuyệt vời. Những vị thần là biểu hiện của sức mạnh tạo vật. Sức mạnh ấy được cường điệu đến mức tối đa: Thần trụ trời có thể đắp đất thành núi, quẳng đá thành gò; thần núi ở Rú Mưa có thể bạt cả một góc đồi để lấp vào vùng biển; vị thần ở núi Túy Vân và núi Linh Thái (5) thì để lại dấu chân khổng lồ trên đá… Thông thường khi nghe nói đến sự so sánh giữa biện pháp xây dựng chuyện trạng thì phản ứng đầu tiên của người nghe là hoài nghi và phủ nhận, vì hai loại truyện cách nhau rất xa về thời gian cũng như về mục đích sáng tác. Nhưng khi ta so sánh sự cường điệu về kích thước và tính chất của dây khoai, củ khoai, quả dưa, con cá, quả bí trong chuyện Vĩnh Hoàng … thì ta sẽ thấy những hình ảnh ở đây cũng được xây dựng bằng một con đường như nhau.

Tuy vậy, không thể vì thế mà đi đến chỗ lẫn lộn giữa hai thể loại. Có người dẫn chuyện “Ông Thồ Lồ” - một vị thần khổng lồ truyền thuyết ở Vĩnh Linh - và cho rằng đây là chuyện trạng cổ nhất của Vĩnh Hoàng. Đây là một nhận định cần được kiểm chứng. Chuyện Thồ Lồ không phải chuyện cười, nó là chuyện giải thích tự nhiên. Chỗ khác biệt giữa thần thoại, - truyền thuyết và chuyện trạng là: trong thần thoại, - người ta xây dựng những hình tượng kỳ vĩ vì lòng khâm phục tự nhiên, một tự nhiên quá lớn lao mà con người chưa lý giải được, chỉ có thể giải thích bằng tưởng tượng. Còn trong chuyện trạng, người ta chỉ phóng đại phẩm tính của con người và những gì do con người sáng tạo ra. Ở đây, sự cường điệu đến từ lòng tự hào về quê hương, về những sản vật tuyệt vời do bàn tay người dân Vĩnh Hoàng làm nên để cống hiến cho cuộc sống. Nếu hình tượng thần thoại được xây dựng bởi con người nhỏ bé trước thế giới bao la thì hình tượng chuyện trạng được xây dựng để khẳng định và ngợi ca những phẩm chất ưu tú của con người. Cái cười trong chuyện trào phúng, châm biếm đến từ chỗ phát hiện chỗ yếu của đối phương, từ đó “lật tẩy” được cái mâu thuẫn giữa bề ngoài cao cả và bề trong thấp hèn của đối tượng đả kích. Cái cười đó thường xoáy quanh vấn đề đối kháng giai cấp và được sinh thành trong một xã hội phong kiến tiểu nông, trong đó những mâu thuẫn lâu đời chằng chịt đã đào tạo cho con người một chất hài sắc bén và đầy chất trí tuệ. Còn cái cười trong chuyện trạng Vĩnh Hoàng là cái cười phát sinh từ một vùng đất mới, cái cười của những con người cùng đi cày với cọp. Người Vĩnh Hoàng thuần phục mảnh đất “Ô châu ác địa” ấy chưa bao lâu thì đã bước vào cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Vì vậy trong chuyện trạng, mâu thuẫn giai cấp ít được nói đến, mà mâu thuẫn chính là mâu thuẫn giữa con người với thiên nhiên và với những kẻ xâm lược. Hoàn cảnh khắc nghiệt, những khó khăn như luôn luôn chực nuốt chửng lấy con người khiến người ta có nhu cầu phải cất lên một tiếng cười ngạo nghễ, xem thường mọi kẻ địch - kẻ địch đó có thể là cọp, là thằng Tây, thằng Mỹ… Tiếng cười ấy nêu bật chỗ mạnh của chính mình để ngợi khen, nó phát sinh từ một bản lĩnh phi thường trước những gian nguy phải vượt qua trong cuộc sống.

Trong những năm chiến tranh khốc liệt người Vĩnh Hoàng không để bị phủ nhận, họ đã hiên ngang khẳng định sự tồn tại của mình trong chiến đấu và chuyện trạng là một vũ khí tinh thần góp phần cổ động niềm tin. Người ta đề cao lòng dũng cảm của mình qua chuyện “Không cho ca nông cổ” “Quèo máy bay”… Chuyện người dân Vĩnh Hoàng nằm đè trên quả ca nông khiến nó không làm sao nổ được là chuyện nói trạng, nhưng lòng can đảm, quyết liều mạng với quân thù và sức mạnh vô biên của ý chí con người lại là hiện thực. Bom dội ngày đêm những mong quét đi tất cả dấu vết của sự sống, nhưng người dân Vĩnh Hoàng vẫn điềm nhiên cười và còn cả gan mượn luồng hơi bom đưa mình sang bên kia sông cho đỡ tốn tiền đò… Tiếng cười Vĩnh Hoàng, từ cái cười hồn nhiên thoải mái trong đời sống, đã mang một ý nghĩa chiến đấu lớn lao và một lần nữa xác nhận lời nói của Buranních: “Tiếng cười là vũ khí của người mạnh”.

Có lẽ cũng cần nói thêm một ưu điểm lớn của chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Trong thần thoại, yếu tố phóng đại là phi tự giác. Người dân cổ thời, với tư duy trẻ thơ, tưởng những điều mình bịa đặt là sự thực nên đã thờ cúng những vị thần do chính mình sáng tạo ra. Còn chuyện trạng lại là tác phẩm của những con người trưởng thành và tỉnh táo. Người Vĩnh Hoàng luôn luôn bộc lộ cái khuynh hướng phân biệt ranh giới giữa trạng và thực - trong một số chuyện đặc biệt mà người ta tạm gọi là chuyện “trạng lý” ta có thể thấy rõ khuynh hướng đó. Trong loại “trạng lý” này, dường như người Vĩnh Hoàng muốn nói với chúng ta: “cẩn thận đấy nhé, những điều chúng tôi nói là những điều phóng đại để cổ võ niềm tin, niềm vui trong cuộc sống, đừng để chúng huyễn hoặc mình, đừng tưởng đấy là sự thực một trăm phần trăm để rồi ngủ quên trong ảo tưởng”.

Chúng ta đã đi rất xa thời kỳ của thần thoại, nhưng qua mọi thời và cho đến nay, “bệnh” nói trạng không tự giác - trạng mà cứ tưởng thực vẫn cứ là một “bệnh” xã hội. Thiết tưởng cần phải truyền bá rộng rãi hơn tinh thần của chuyện trạng Vĩnh Hoàng: cả dân tộc hãy cùng Vĩnh Hoàng nói trạng, để chúng ta trở thành những con người can đảm, gan dạ, tự tin, đồng thời rất tỉnh táo, sáng suốt, không chút tự mãn chủ quan. Hãy đem tiếng cười Vĩnh Hoàng đi theo trong suốt hành trình xây dựng đất nước tươi đẹp này.

Huế 12-7-1984
T.P
(9/10-84)



-----------------
1. Nói láo: đây dùng theo nghĩa như người ta thường nói là “bố láo” (ở miền trung, nói láo còn có nghĩa là nói dối).

2. Ghi theo bản của Văn đàn Bảo Giám, trích lại trong Thơ Văn Trào Phúng Việt Nam (Vũ Ngọc Khánh, Hà Nội, 1974, Nxb Văn học).

3. Tư liệu sưu tầm do Khoa Văn Đại học Sư phạm Huế.

4. Chuyện Nếp Dẻo: Ba Phi có trồng được loại nếp Nàng Hương rất dẻo, dẻo đến nỗi làm bánh ít cúng ông bà nhưng không thể lột ra khỏi lá được. Ba Phi cầm lá rảy mạnh, bánh văng lên dính vào xà nhà, con chó nhảy lên chụp cũng dính chặt, tòn ten trong khoảng không.

5. Tư liệu của Khoa Văn Đại học Sư phạm Huế.







Các bài mới
Chùm ngụ ngôn (21/09/2023)
Các bài đã đăng