Nhịp cầu di sản
Lập hồ sơ đề nghị công nhận Yên Tử là Di sản thế giới
10:44 | 26/12/2013

 (SHO) – Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản về chủ trương thành lập hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới.

Lập hồ sơ đề nghị công nhận Yên Tử là Di sản thế giới
Vẻ đẹp huyền ảo trên đỉnh non thiêng Yên Tử.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, hướng dẫn, phối hợp với UBND các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang lập hồ sơ "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử", trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO xem xét, công nhận là Di sản Thế giới.

Khu di tích Yên Tử gồm nhiều công trình, chùa, am, tháp trải dài theo tuyến đường tử chân Dốc Đỏ (chùa Bí Thượng) đến đỉnh núi Yên Tử (chùa Đồng), thuộc phường Phương Đông, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí và xã Hồng Thái Đông (huyện Đông Triều).

Khu di tích danh thắng Yên Tử cũng là nơi gắn liền với sự nghiệp tu hành của Tam tổ Trúc Lâm, đánh dấu sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm. Đức vua Trần Nhân Tông là người sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là di tích quốc gia đặc biệt ngày 27/9/2012.

Vườn tháp chùa Hoa Yên - Yên Tử

     Quần thể di tích Yên Tử nằm gần đường 18A, cách thị xã Uông Bí 14km và là một điểm du lịch rất hấp dẫn. Khu di tích danh thắng Yên Tử là một quần thể chùa, am, tháp, tượng, rừng cây cổ thụ. Là cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm từ cuối thế kỷ 13.
     Nằm trong cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử có chùa Đồng ở độ cao 1.068m so với mặt nước biển. Từ xưa, núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là nơi ngoạn mục và được liệt vào Danh sơn đất Việt.  Núi Yên Tử có chiều cao 1.068 m từ xưa đã được coi là danh sơn đất Việt. Ngay từ thế kỷ thứ 10, đạo sĩ Yên Kỳ Sinh đã đến tu hành và đắc đạo ở đây, nhưng Yên Tử chỉ thực sự nổi tiếng khi Vua Trần Nhân Tông - một ông vua đang thời thịnh trị (cuối thế kỷ 13) đã từ bỏ ngai vàng đến đây tu hành, nghiên cứu Phật pháp và trở thành vị Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm với Phật danh Điều Ngự  Giác Hoàng . Vị Tổ thứ hai và thứ ba kế tục sự nghiệp của ông là Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Huyền Quang Lý Đạo Tái. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật giáo Việt Nam, đánh dấu sự phát triển triết học và tư tưởng của dân tộc đương thời.
     Ngày nay qua nhiều thăng trầm, các di tích còn lại ở Yên Tử đã tìm thấy gồm 11 chùa và hàng trăm am, tháp, bia, tượng, hội tụ của nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc của các thời đại. Hiện nay hệ thống cáp treo ở Yên Tử đã đi vào hoạt động, đưa du khách tới chùa Hoa Yên ở độ cao 534m so với mực nước biển, nơi có hai cây đại 700 năm tuổi. Từ đây du khách tiếp tục leo núi, tới các ngôi chùa nằm rải rác trên đường đi tới chùa Đồng. Đường lên chùa Đồng du khách có cảm tưởng như đi trong mây. Gặp khi trời quang mây tạnh, từ đỉnh núi này, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp của vùng Đông Bắc.
     Vào mùa xuân, khách thập phương thường đến Yên Tử rất đông vừa để hành hương, vừa để vãn cảnh. Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng âm lịch và kéo dài đến cuối tháng 3 âm lịch.

Nam Giao

Các bài mới
Các bài đã đăng