Văn hoá nghệ thuật
Sắc thái riêng của các tạp chí văn nghệ địa phương
09:01 | 19/06/2014

VIỆT HÙNG 
Nhân ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6

Nhìn chung, so với nhiều tờ báo trong cả nước, thì báo và tạp chí văn nghệ từ Trung ương đến địa phương đều bị hạn chế về số lượng độc giả. Từ mặt bằng chung về lượng độc giả như thế, tạp chí văn nghệ địa phương còn phải chịu thiệt thòi hơn nhiều lần so với các báo văn nghệ Trung ương; từ đó, dẫn đến số lượng phát hành rất ít ỏi.

Sắc thái riêng của các tạp chí văn nghệ địa phương
Ảnh: internet

Dù sao, người làm báo văn nghệ cũng đáng tự hào rằng, độc giả của mình không tràn lan mà có sự chọn lọc nhất định, đó là những người yêu văn chương nghệ thuật, những người thích tìm hiểu mọi mặt của văn hóa. Mặc dù đặc thù của báo văn nghệ là lượng thông tin thời sự không nhiều, song nó lại có một kênh “thông tin” riêng, đó là sự phát sáng các giá trị nhân văn từ các tác phẩm nghệ thuật. Dù số lượng phát hành còn khiêm tốn, đến tay độc giả không nhiều, nhưng báo văn nghệ không bao giờ xa rời tính đại chúng; nó luôn phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của mọi người, đồng thời nó còn mang tính định hướng thẩm mỹ trong hưởng thụ nghệ thuật với mọi tầng lớp trong xã hội. Các tờ báo văn nghệ không bao giờ đóng khung trong mục đích giải trí đơn thuần như nhiều người lầm tưởng.



Nó mang vác trên vai một trọng trách rất lớn, đó là hướng bạn đọc đến với các giá trị chân - thiện - mỹ; đó là góp phần ngày một nâng cao mặt bằng văn hóa cho xã hội. Ngoài nhiệm vụ chính như vậy, mỗi tờ báo văn nghệ còn mang trong mình nhiều chức năng của nghệ thuật, đó là khám phá, sáng tạo, thể nghiệm; chức năng dự báo..., và ở đó còn xuất hiện khả năng tự biểu hiện mình của người nghệ sĩ.

Lâu nay chúng ta đã nói rất nhiều về việc khai thác những nét văn hóa độc đáo cho tờ tạp chí văn nghệ của địa phương mình. Vậy, phải khai thác như thế nào? Không phải cứ có tên làng, tên đất rồi cho rằng đó là sắc thái địa phương. Những nét văn hóa bản địa chỉ khi nó đi vào tác phẩm nghệ thuật thật nhuần nhuyễn, không sống sượng thì mới mong có sức sống bền lâu trong lòng người, và có giá trị thực tiễn trong xã hội. Không thể căn cứ vào sự xuất hiện từ ngữ địa phương trong tác phẩm văn học rồi khu biệt lại thành những tác phẩm văn học mang sắc thái địa phương. Nếu làm như vậy chúng ta sẽ bị rơi vào tính cục bộ, tính địa phương chủ nghĩa. Nếu chỉ đơn giản như thế để gọi là sắc thái địa phương thì một nhà văn Hà Nội hay Sài Gòn cũng có thể dễ dàng trở thành một nhà văn Quảng Bình, Quảng Trị hoặc Huế. Tên làng, tên đất, thổ ngữ mới là hình thức, là cái vỏ, còn hồn vía nó nằm ở đâu, chỉ có tự thân tác phẩm mới toát ra được điều ấy mà thôi. Có những tác phẩm văn học sử dụng “rặt” những từ ngữ địa phương, song nội dung của nó nhiều khi rất xa lạ, thậm chí còn bị lai căng so với hình thức. Vậy là rõ ràng tác giả đã mang một khuôn mẫu văn hóa ở đâu đó để gò ép cho dân tộc mình.



Khi đánh giá về sắc thái văn hóa của một vùng đất, nhìn chung người ta thường dựa vào một số tiêu chí chính như: kiến trúc, tôn giáo, văn học nghệ thuật, ứng xử, phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực... Người sáng tạo không thể bê nguyên những tiêu chí đó vào tác phẩm của mình một cách thô thiển, gò ép rồi tự nhận là mang sắc thái địa phương.

Trong mấy trăm ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nếu chỉ dựa vào ca từ thì ta sẽ chẳng tìm thấy một từ “Huế” nào, thậm chí còn chẳng có địa danh rõ rệt. Song, khi nghe nhạc của ông, người ta cứ phải liên tưởng đến những hàng cây, những con đường quanh co, những vỉa hè, những góc phố hẹp xao xác mà vắng người của Huế. Người nghệ sĩ này đã thực sự đắm mình vào trong cái biển trời mộng mơ lãng mạn của Huế, đắm mình trong những cơn mộng tưởng có được từ Huế. Phải chăng Huế đã chắp cánh cho hồn nhạc của ông. Không có gì rõ rệt của Huế mà nó lại là “Huế”. Rất trừu tượng mà cũng rất thực. Chất dân ca xứ Huế, dân ca Bắc Trung bộ được khai thác và đưa vào trong nhiều ca khúc của ông, nó nhuần nhuyễn đến độ người nghe bình thường không nhận ra, mà chỉ có những nhà phân tích âm nhạc mới tìm thấy. Phải chăng yếu tố truyền thống, sắc thái địa phương trong âm nhạc của ông đã được thăng hoa trong yếu tố hiện đại, có sức sống dài lâu với nhiều thế hệ yêu âm nhạc.



Ta hãy nhìn về khu vực Bắc miền Trung. Trên mặt bằng của các tạp chí văn nghệ địa phương trong cả nước, điều đáng mừng là các tạp chí Sông Hương, Cửa Việt, Nhật Lệ, Hồng Lĩnh, Sông Lam, Xứ Thanh, v.v đều được bạn đọc, bạn viết đánh giá là có chất lượng khá cao. Điều này được khẳng định thông qua một số lần Hội nghị, Hội thảo của các tạp chí văn nghệ địa phương. Mặc dù có nhiều điểm giống nhau, song mỗi tạp chí văn nghệ địa phương của khu vực Bắc miền Trung đều đã cố gắng tạo nên những sắc thái riêng, cho dù nhiều hay ít, đây đó độ đậm nhạt khác nhau. Mỗi một tạp chí văn nghệ đều có cách chọn lọc bài vở theo một hệ thống tiêu chuẩn mà trong đó có những nét riêng biệt của mình, tạm gọi đó là cái “gu” của mỗi tạp chí. Từng tạp chí đều có quyền phát huy cái “gu” ấy. Có như thế mới tạo nên sắc thái của tờ báo; và điều ấy nó phải đem đến cái hay, cái đẹp cho độc giả, đồng thời không bị lạc lõng, vẫn hòa nhập được vào tiếng nói chung, vào tính thẩm mỹ chung của văn học nghệ thuật Việt Nam.



Tạp chí Sông Hương ngay từ khi mới ra đời có lẽ đã xác định được vai trò, vị trí của mình; xác định được đúng tầm của mình là sinh ra trên vùng đất mà trải qua hàng trăm năm lịch sử đã hội tụ được tinh hoa văn hóa của nhiều vùng đất khác. Có thể vì lẽ đó mà ngay ban đầu nó đã thu hút được độc giả ở khắp mọi miền đất nước, và cả độc giả là người Việt Nam đang sống ở nước ngoài. Chính từ những yếu tố như vậy nên Sông Hương gặp thuận lợi hơn nhiều tạp chí văn nghệ địa phương khác. Cho đến hôm nay, nhiều thế hệ bạn đọc đều có thể khẳng định, Sông Hương có sắc thái riêng từ thuở “sơ khai”, để rồi những người xây dựng tạp chí trong những năm tiếp theo chỉ việc dựa vào nền tảng đã có sẵn mà bồi đắp và phát triển cho thêm phong phú mà thôi. Mặc dù bạn viết cho Sông Hương là ở khắp gần xa, nhưng mở tờ tạp chí ra, người ta đã nhận ra cái riêng của nó rồi. Cái “riêng” ấy nhiều khi bạn đọc chỉ có thể “cảm” được mà khó đặt thành tên, khó gọi thành lời..., song nó là của Sông Hương.

Sắc thái riêng dù ít hay nhiều cũng là điều không thể thiếu đối với các báo văn nghệ. Một vai trò rất lớn của tạp chí văn nghệ địa phương là ở đó phải thể hiện được những tinh hoa văn hóa của vùng đất mình đang sống; song cách khai thác, cách thể hiện cần phải tránh sự tràn lan, tủn mủn, kém sức lan tỏa.

V.H  
(SH304/06-14)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng