HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
Kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6
LTS: Vào giữa cuối tháng 7/2014, Tạp chí Nhật Lệ (Hội VHNT Quảng Bình) sẽ tổ chức Hội thảo TẠP CHÍ VĂN NGHỆ ĐỊA PHƯƠNG VÀ VẤN ĐỀ TIẾP NHẬN CÁI MỚI TRONG VHNT ĐƯƠNG ĐẠI dành cho các tạp chí văn nghệ sáu tỉnh Bắc miền Trung. Đây là chủ đề rất hay và phù hợp với những nỗ lực lâu nay của các tạp chí văn nghệ miền Trung.
Dưới đây, Sông Hương xin giới thiệu hai tham luận vừa gửi về tham dự hội thảo nói trên.
Trong những năm gần đây, Tạp chí Sông Hương nhấn mạnh phương châm: “Tôn vinh những giá trị VHNT (văn học nghệ thuật) cũ và cổ súy những trào lưu, khuynh hướng sáng tác mới”. Theo đó, Sông Hương tiếp tục tôn vinh những giá trị đích thực của VHNT Việt Nam; Tiếp cận và giới thiệu những trào lưu nghệ thuật đương đại thế giới; Tổ chức những chuyên đề lớn có chiều sâu và có tính phát hiện. Tạo ra một diễn đàn tranh luận dân chủ, thẳng thắn, minh định cho những tiếng nói chân chính; Phát hiện những cây bút mới, những người viết có nội lực đi xa, những người can đảm thử nghiệm, những người dám chịu cô đơn để sáng tạo, những chủ nhân thực sự trong hệ hình mới của nghệ thuật Việt Nam. Tất cả nhằm hướng tới sự phát triển VHNT nói chung, tạo điều kiện cho sáng tạo làm đúng sứ mệnh của nó - sứ mệnh truy tìm, tiếp cận và kiến tạo cái mới.
Để có những cái mới, việc nhìn nhận lại những giá trị cũ là hết sức cần thiết, bởi vì có như thế, những người sáng tạo VHNT mới biết những gì mình đang sáng tác có là sáng tạo mới không, hay chỉ là những vết mòn cũ mà do không được tiếp cận tri thức cũ nên đã vô tình không biết. Một trong những vấn đề đó là việc nhìn nhận lại những giá trị của văn học miền Nam trước 1975. Có thể nói chủ đề này đã khởi đi một cách khá toàn triệt với công trình nghiên cứu đặc sắc “Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam” của Nguyễn Đức Tùng đăng 3 kỳ trên Sông Hương các tháng 6, 7, 8/2009 (các số từ 244 - 246). Tiếp sau đó, nhiều bài viết với những góc nhìn rất mới được đăng tải như “Viết vào Bùi Giáng mong manh” của Đỗ Quyên (số 243, 5/2009), “Thế giới siêu thực trong thơ Ngô Kha” (Trần Thị Mỹ Hiền, 272, 10/2010), “Lê Tuyên trong cái nhìn mơ mộng” (Nguyễn Mạnh Tiến, 282, 8/2012), “Từ Xuân Hương đến Vô Kỵ, cấu trúc phê bình hay phê bình cấu trúc luận Đỗ Long Vân” (Nguyễn Mạnh Tiến, 282, 7/2012)… Sông Hương cũng đã thực hiện nhiều chuyên đề có tính tổng kết: “Đại thi hào Nguyễn Du”, “100 năm ngày sinh nhà văn Thanh Tịnh”, “100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử và 7 thập kỷ Đây thôn Vỹ Dạ”, “40 năm ngày mất nhà thơ Ngô Kha”, “Kỷ niệm 10 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”, “Kỷ niệm 10 năm ngày mất họa sĩ Bửu Chỉ”, chuyên đề tranh Đinh Cường… là để nhằm tôn vinh những giá trị VHNT đích thực.
Việc nhìn nhận lại các giá trị cũng đã làm cho Sông Hương có dịp phát hiện một số tác giả mà vì những lý do khác nhau, đã không được đánh giá đúng như những đóng góp của họ. Như trường hợp của nhà văn Hoàng Trọng Định, những sáng tác của nhà văn này xuất hiện trước và sau 1975. Hoàng Trọng Định là một nhà văn xứ Huế ít người biết tới, ông chọn cho mình lối sống cô độc và chết trong im lặng. Khi nghiêm túc nhìn vào lối viết của nhà văn này, Sông Hương thấy dường như ông đã đi xa hơn những nhà văn cùng thời trong tư duy về nghệ thuật. Những truyện ngắn của ông thường là những ý niệm được chuyên chở bằng lớp ngôn ngữ đẫm chất triết học. Truyện ngắn “Những bước chân bên ngoài cái khe hở” của Hoàng Trọng Định là một cách tổ chức hình tượng nghệ thuật khác biệt. Và cũng vậy, truyện ngắn “Hóa thân của bông hồng” mà Sông Hương đăng lại từ lai cảo của ông đã khiến Hoàng Trọng Định trở thành tác giả xứng đáng nhất được trao tặng thưởng Sông Hương về truyện ngắn hay của năm 2013.
*
Cái cách mà tạp chí văn nghệ địa phương như Sông Hương ứng xử với cái mới trong văn học nghệ thuật như thế nào? Cùng với việc bùng nổ kỹ thuật số chi phối xu thế tất yếu của đời sống nhân loại, Tạp chí Sông Hương chú ý một xu thế viết toàn cầu hóa trong thế giới phẳng và đang góp sức kiến tạo điều đó. Đó là lý do gần đây, Tạp chí Sông Hương đã chủ động tổ chức các chuyên đề về văn học Hiện đại, Hậu hiện đại, Tân hình thức... là những vấn đề đã cũ của thế giới, nhưng lại còn rất mới ở Việt Nam. Chúng tôi nghĩ trên con đường mà sớm muộn gì văn chương Việt Nam cũng sẽ phải đi, việc chủ động những bước chân càng sớm, sẽ tỏ rõ tinh thần trách nhiệm cao trước công chúng bạn đọc trên hành trình phụng sự cái đẹp.
Trên con đường đó, chúng ta buộc phải chấp nhận cái mới, dù chúng ta chỉ là những tạp chí văn nghệ địa phương. Bởi cái mới trong VHNT không nảy sinh một cách trừu tượng, nó xuất hiện trong những hoàn cảnh cụ thể ở những địa phương cụ thể, với những tác giả cụ thể. Khi nảy sinh những yếu tố sẵn sàng thay thế những gì đã có trước đó thì đó là lúc cái mới xuất hiện. Tuy nhiên, vấn đề cái mới trong văn học nói riêng và trong nghệ thuật nói chung, để nhận diện và công nhận được chúng không phải là một vấn đề đơn giản. Cái mới trong thực tế sáng tác đến từ cách nhìn nhận của chúng ta về cuộc sống. Ngày nay, nghệ thuật đã biến đổi rất nhiều sang những ngả đường khác nhau khi con người có sự nhìn nhận khác về khuôn mặt của mình, về cuộc sống mà mình đang sống. Cái mới trong văn học cũng đến từ sự biến đổi trong cách nhìn về cái hay, cái đẹp, quan niệm về giá trị và những gì phi giá trị. Điều quan trọng cần nhìn nhận là cái mới không thể tồn tại được nếu chúng ta vẫn cứ duy trì cái cảm quan thẩm mỹ thủ cựu. Thời chúng ta đang sống đây, thế giới đã có những xáo trộn lớn lao khủng khiếp. Những xáo trộn đó đã buộc chúng ta đối mặt với những nghi ngờ, những truy vấn về gốc rễ về sự tồn tại, về giá trị của mọi thứ và truy vấn ngay cả chính bản thân mình. Nói theo hậu hiện đại là cảm thức hoài nghi đang bao trùm chúng ta. Hiện thực hôm nay cũng không còn cố định nữa. Nếu nhìn ra thế giới, những gì gọi là cách tân triệt để trong nghệ thuật thì người ta cũng đã làm tới mức khiến người tiếp nhận trở nên lo ngại. VHNT Việt Nam đương đại vẫn đang là những bước đầu của thử nghiệm những trào lưu, khuynh hướng mới. Nói như nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy trong công trình “Phê bình văn học - con vật lưỡng thê ấy” thì “Việt Nam hiện nay chưa có cơ sở cho một văn hóa hậu hiện đại. Bởi nước ta còn đang hô hào công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghĩa là cái hiện đại vẫn còn là ga đến chứ chưa phải là ga đi.” Vậy thì lấy đâu ra tâm thức của hậu hiện đại, tâm thức sau và tiếp nối hiện đại? Nhưng có một điều là khi thế giới đã trở nên phẳng bởi công nghệ thông tin thì dù có muốn hay không chúng ta vẫn đang sống chung và cảm nhận được một nền VHNT bất cứ nào đó (mà đa phần đang ở trong hoàn cảnh hậu hiện đại) trên hành tinh này. Nên chúng tôi nghĩ vấn đề tâm thức hậu hiện đại trong văn học đương đại Việt Nam rất khó để xác định nó có hay không, nhưng rõ ràng là nó đang tồn tại trong trang viết của một số tác giả. Chúng ta nên cổ súy cho những bắt chước thử nghiệm để thực tiễn sáng tác sau này có được nền móng thực sự của nó. Có một điều mà chúng ta có thể chắc chắn là VHNT Việt Nam đã thực sự mang những dấu ấn của hậu hiện đại, đặc biệt là về mặt kỹ thuật viết của các nhà văn trẻ hiện nay. Tạp chí Sông Hương vì những lý do đó đã thực hiện chuyên đề “Dấu ấn Hậu hiện đại” trên số báo tháng 7/2011. Đây được xem là chuyên đề văn học Hậu hiện đại đầu tiên trên báo chí cả nước, với sự tham gia của khá nhiều cây bút sáng tác, nghiên cứu trẻ.
Nhắc đến văn học của những người viết trẻ. Chúng ta thấy rằng người viết trẻ đang rất “cô đơn” khi viết và càng cô đơn hơn khi tác phẩm ra đời. Giữa mênh mông các sản phẩm văn hóa của thời buổi kỹ thuật số, tác phẩm của họ khó có thể cạnh tranh nổi. Bên cạnh đó, việc giáo dục trong nhà trường để học trò tiếp cận, cảm thụ được các giá trị thẩm mỹ của VHNT đương đại còn hạn chế. Các nhà xuất bản cũng chỉ chú trọng đến những tác phẩm “hot” ở nước ngoài, phần lớn là truyện dịch mà chưa ưu ái tác phẩm của các tác giả trẻ. Như vậy, nếu không có sự khuyến khích, quan tâm của toàn xã hội đối với lực lượng viết văn trẻ thì đam mê của họ sẽ rơi rụng dần. Vậy tạp chí văn nghệ địa phương phải là những bà đỡ thực sự cho những cây bút trẻ đó. Tạp chí Sông Hương đã thực hiện điều đó từ 30 năm trước, với chuyên mục “Trang viết đầu tay”, “Trang Thiếu nhi” và hiện vẫn duy trì. Đã có những thế hệ lớn lên từ cái nôi Sông Hương như: Trần Thùy Mai, Bửu Nam, Trần Huyền Trang, Phương Xích Lô, Phùng Tấn Đông, Phạm Nguyên Tường, Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Đông Hà, Lê Vĩnh Thái, Lê Hưng Tiến, Phan Trung Thành, Lê Tấn Quỳnh... Những cây bút trẻ gần đây xuất hiện trong tuyển truyện ngắn 30 năm Sông Hương có thể nhắc đến: Lê Minh Phong, Hạo Nguyên, Nhụy Nguyên, Lê Vũ Trường Giang... Đây là các nhà văn có ý thức đổi mới. Cấu trúc tác phẩm của họ có sự đan chéo về không gian, thời gian. Ngôn ngữ của họ thoát ra khỏi miêu tả thông thường. Lê Minh Phong có truyện “Những bức ảnh” được tuyển, nhưng trước đó anh đã xuất bản tập truyện “Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc” với những truyện ngắn hướng tới những khả thể hư cấu, được coi là những tín hiện rất mới. Truyện ngắn “Đất không lối vào” của Hạo Nguyên (SH số 285, tháng 11/2012) được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc… Các nhà phê bình trẻ được tạp chí ưu ái tạo điều kiện xuất hiện khá nhiều trên Sông Hương từ rất sớm: Khánh Phương, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Mạnh Tiến, Đoàn Ánh Dương, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Văn Thuấn…
Trong những năm gần đây, nhiều chuyên đề dành cho văn học Trẻ đã được tổ chức trên Sông Hương, như “Một thoáng trẻ” (tháng 1/2010). Mới đây, tháng 1/2014, Sông Hương thực hiện chuyên đề “Văn chương Việt Nam đương đại” với các bài viết tập trung cho cái mới và các tác giả trẻ: “Cái mới - một cuộc gặp gỡ” (Lê Minh Phong phỏng vấn), “Cái mới trong văn xuôi trẻ đương đại Việt Nam từ một vài góc nhìn”, “Khi người ta trẻ… hai mươi năm sau” (Trần Ngọc Hiếu), “Văn học trẻ: lịch trình và những động hướng” (Đoàn Ánh Dương), “Văn học số: không gian mới của văn xuôi Việt Nam đương đại” (Nguyễn Văn Thuấn), “Những tiếng nói mới” (Trần Triều Linh), “Đừng bay đi tìm đôi cánh” (Yên Viên). Bên cạnh đó là các truyện ngắn minh họa cho chuyên đề: Chỉ hót trong mưa (Tạ Xuân Hải), Trở về (Lê Minh Phong), Vì sao bạn thành ra như vậy? (Lê Vĩnh Tài)…
Liệt kê như thế để thấy rằng, Sông Hương cũng đã dành đất đai cho các nhà văn trẻ gieo những hạt giống thử nghiệm. Tuy nhiên trong tuyển tập truyện ngắn 30 năm Tạp chí Sông Hương vẫn chưa thể chọn lựa được nhiều tác giả trẻ. Và ngay trong những số báo hàng tháng, chúng tôi hiếm khi bắt gặp được một nhà văn trẻ có những dấu hiệu đi xa, thực sự khai mở cho mình con đường riêng. Có một số nhà văn trẻ đã ý thức được vai trò của nền tảng lý thuyết trong việc viết nhưng lại quá ôm đồm nên tác phẩm chưa nhuần nhuyễn trong triển khai ý tưởng. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi những cây bút mới có khả năng khai phá độc lập thực sự.
Về thơ, đây cũng là một thế mạnh của tạp chí Sông Hương. Những năm gần đây, Sông Hương chọn thơ với khuynh hướng trân trọng những thi ảnh mới, ý tứ mới, hình thức mới. Đặc biệt, Sông Hương là tạp chí đầu tiên phổ biến thơ Tân hình thức, tổ chức chuyên đề thơ Tân hình thức và đã hoàn tất Kỷ yếu Hội thảo thơ Tân hình thức dày trên 400 trang, với sự góp mặt của hàng chục nhà nghiên cứu, nhà thơ trong và ngoài nước, với sự tham gia của nhiều nhà thơ Tân hình thức hàng đầu của Mỹ. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị xuất bản thành sách trên cơ sở cuốn Kỷ yếu này.
Xin nói qua một chút về thơ Tân hình thức Việt. Thơ Tân hình thức Việt là thể loại thơ viết bằng tiếng Việt, sử dụng ngôn ngữ đời thường, có tính truyện, dùng lại những thể thơ truyền thống Việt (4-8 chữ và lục bát…), dùng kỹ thuật vắt dòng của thơ truyền thống Anh và kỹ thuật lặp lại của thơ tự do Mỹ để thể hiện, tạo nhạc tính và hồi phục vần ở bất cứ chỗ nào trong bài thơ. Mục đích của thơ Tân hình thức Việt, chỉ là đề xuất một phương cách sáng tác thơ Việt trong bối cảnh hậu hiện đại. Nó không cạnh tranh với bất kỳ thể loại thơ nào, nó chỉ xuất hiện và góp mặt. Nói như nhà phê bình Văn Giá: “Thơ Việt như một dòng sông lớn mà thơ Tân hình thức đang là một chi lưu trong rất nhiều chi lưu cùng góp vào và cộng hưởng” (Một bài thơ Tân hình thức được cho là hay).
Thơ Tân hình thức bắt đầu xuất hiện từ đầu năm 2000. Thời điểm đó, nhà thơ Khế Iêm làm bài thơ “Tân hình thức và câu chuyện kể” đồng thời viết một tiểu luận giải thích cách đọc thể loại thơ mới này. Gần như ngay lập tức, nhiều bài thơ Tân hình thức được một số nhà thơ khác hưởng ứng sáng tác. Từ đó, thơ Tân hình thức bắt đầu phát triển thành một trường phái. Nhà phê bình Văn Giá nhận định: “Thực sự đã có một số lượng bài đủ để khẳng định phong trào thơ Tân hình thức đã có mặt ở xứ sở này và tham gia vào khung cảnh thơ ca chung của dân tộc”. “Mặc lòng thích/không thích, thơ Tân hình thức vẫn cứ tồn tại và ngày càng khẳng định sự có mặt của mình. Ai quay lưng với Tân hình thức sẽ tự làm nghèo đi quyền được tiếp nhận và thụ hưởng đa dạng mà mỗi người đều có cơ hội ngang bằng” (tiểu luận đã dẫn). Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy, trong tiểu luận “Tân hình thức - một thể thơ mang tính hệ hình” đã viết: “Có thể rồi đây, thơ hậu hiện đại Việt Nam sẽ chọn được cho mình một thể thơ khác phù hợp hơn và, do đó, thành công hơn. Nhưng với tư cách là một thể thơ mang tính hệ hình mở đầu cho trào lưu thơ hậu hiện đại ở Việt Nam thì Tân hình thức mãi mãi còn được nhắc đến và biết ơn”. Nhà thơ Mỹ Frederick Turner: “Chủ nghĩa Tân hình thức ở Việt Nam đã sáng tạo một hình thức thi ca đáng kể, một loại thơ không vần điệu (a blank verse) thu hút cái tai của người Việt và về mặt vận luật có thể so sánh với lối thơ không gieo vần trong tiếng Anh và trong những ngôn ngữ thi ca vĩ đại khác” (Hiện trạng của thơ - bản dịch Nguyễn Tiến Văn). Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng: “Sự phát triển của Tân hình thức từ Hoa Kỳ sang Việt Nam không chỉ là sự nối dài về địa lý, mà còn bước đi xa hơn về nghệ thuật và những đóng góp trở lại với phong trào này”. “Như một phương pháp sáng tác, nó sẽ tồn tại lâu và đóng góp mãi cho thơ ca Việt Nam”.
Đó cũng là những lý do để Sông Hương mạnh dạn phổ biến thơ Tân hình thức như là một trào lưu sáng tác mới trên văn đàn Việt Nam.
Như ít nhiều đã đề cập đến ở trên, những khuynh hướng phê bình mới cũng xuất hiện nhiều trên Sông Hương. Trong khoảng mười năm qua, Sông Hương đã đăng tải hàng trăm bài viết có giá trị đề cập đến nhiều vấn đề thuộc đời sống học thuật, phát hiện và tôn vinh những giá trị mới của văn chương đương đại, giới thiệu và cổ súy cho việc tiếp nhận các trào lưu VHNT mới của thế giới, đặc biệt là trào lưu Hiện đại, Hậu hiện đại. Điều đó minh chứng cho sức thu hút và tầm ảnh hưởng của Sông Hương trong xu thế hướng tới một nền học thuật lành mạnh, dân chủ và nghiêm xác.
Mảng lý luận, phê bình bao giờ cũng đồng hành có mặt với các sáng tác trong các chuyên đề về văn học mới. Ví như chuyên đề Dấu ấn Hậu hiện đại, thì cũng có phê bình hậu hiện đại. Chuyên đề thơ Tân hinh thức thì cũng có phê bình Tân hình thức…
*
Sinh thời, nhà phê bình đáng kính Hoàng Ngọc Hiến, cộng tác viên rất đắc lực, đã công bố nhiều công trình nghiên cứu quan trọng của mình trên tạp chí Sông Hương. Trong bài nghiên cứu “Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại & chủ nghĩa hậu hiện đại” đăng Sông Hương số 233, tháng 7/2008, ông đã dẫn lời đề từ: “Tất cả những sự cách tân này cần thiết cho sau đó một chủ nghĩa cổ điển mới có thể xuất hiện…” của Paul Valéry. Bài nghiên cứu đó, sau khi khái quát về chủ nghĩa hậu hiện đại, hoàn cảnh hậu hiện đại trong bối cảnh Việt Nam, đã phân tích sự hiện diện của “những giọt pốp hậu hiện đại” mà ông gọi là “Pốp đột nhập vào văn học cao sang” trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Chúng ta hy vọng các tạp chí văn nghệ địa phương cũng làm được những giọt pốp kiểu như thế để góp phần làm phong phú hơn, mới hơn văn đàn Việt Nam.
H.Đ.T.N
(SDB13/06-14)