Văn hoá nghệ thuật
Tập trung hướng đến những tác phẩm trí tuệ, bản sắc, có giá trị tư tưởng
15:18 | 14/09/2015

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THỪA THIÊN HUẾ LẦN THỨ XII (NHIỆM KỲ 2015 - 2020)

TS. NGUYỄN NGỌC THIỆN
(UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy)

Tập trung hướng đến những tác phẩm trí tuệ, bản sắc, có giá trị tư tưởng
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại Đại hội Liên hiệp các Hội VHNT lần thứ XII

Từ trước đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò to lớn của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Với tư cách là bộ phận đặc biệt tinh tế và nhạy cảm của văn hóa; văn học, nghệ thuật có khả năng to lớn trong việc khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự hào dân tộc sâu sắc, hun đúc nên bản lĩnh, khí phách, tâm hồn Việt Nam. Trong những năm tháng chiến tranh, đội ngũ văn nghệ sĩ đã có mặt bất kỳ nơi đâu Tổ quốc cần để sáng tác, biểu diễn, cổ vũ đồng bào, chiến sĩ diệt giặc cứu nước. Trong sự nghiệp đổi mới, đội ngũ văn nghệ sĩ nhiệt tình hưởng ứng các chủ trương của Đảng, đi đầu trong việc cổ vũ các nhân tố mới, chống tiêu cực, tham nhũng; chống các luận điệu sai trái để bảo vệ mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tích cực biểu dương cái mới, cái tốt trong mọi mặt đời sống xã hội, bảo vệ truyền thống sáng tạo và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế ra đời từ rất sớm, ngay từ những ngày đầu của cách mạng Tháng 8 năm 1945, sự kiện đó đã đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của anh, chị em văn nghệ sĩ; đã có nhiều tên tuổi, nhiều cây bút, nhiều tác phẩm lớn được ghi danh trên diễn đàn văn học nghệ thuật Việt Nam và là công cụ sắc bén đấu tranh với kẻ thù trên mặt trận tư tưởng; động viên các tầng lớp nhân dân theo Đảng, đứng lên đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược, giành lấy độc lập tự do cho Tổ quốc. Sau ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng, trong điều kiện muôn vàn khó khăn nhưng anh chị em văn nghệ sĩ trong toàn tỉnh vẫn đoàn kết, tâm huyết, hăng say với sự nghiệp cách mạng. Các hoạt động văn học nghệ thuật vẫn không ngừng phát triển, đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới quê hương, đất nước. Trong những năm gần đây, các loại hình nghệ thuật truyền thống mang bản sắc riêng của vùng đất Cố đô được bảo tồn, phục dựng và tỏa sáng.

Trong những năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, không ngừng sáng tác và ngày càng có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, đáp ứng nhu cầu đa dạng của đời sống văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Đội ngũ văn nghệ sĩ có bước trưởng thành. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước nhưng đại đa số văn nghệ sĩ vẫn vững vàng, kiên định; không phân tâm, dao động. Nhiều văn nghệ sĩ đã được Nhà nước trao tặng giải thưởng cấp Nhà nước về văn học, nghệ thuật; được phong tặng các danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú; nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh giành các thứ hạng cao ở các giải thưởng quốc tế, khu vực và trong nước; nhiều nhạc sĩ có tác phẩm nhận giải thưởng cấp quốc gia; nhiều nhà văn nhận được các giải thưởng của các nước bạn trao tặng. Ở lĩnh vực sân khấu với các vở kịch “Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ”, “Sáng trong như ngọc một con người” của Nhà hát ca kịch Huế giành được nhiều giải thưởng và để lại dấu ấn sâu sắc.

Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Liên hiệp Hội đã phát động hội viên hưởng ứng tham gia cuộc vận động, sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhiều tác phẩm và công trình đã thực sự đi vào lòng người, có chất lượng tốt.

Công tác xây dựng Hội cũng được chú trọng, đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hội viên ngày càng được quan tâm phát triển có chiều sâu. Hội đã chú trọng đến công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ có tâm huyết, đam mê sáng tạo. Điểm nổi bật trong những năm qua là sự đoàn kết, nhất trí cao trong các hoạt động; hội viên của Hội đã tỏ rỏ quan điểm vững vàng về chính trị, hăng say sáng tạo theo xu hướng tích cực, tiến bộ không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mặt trái của cơ chế thị trường.

Có thể khẳng định rằng, trong 70 năm xây dựng và phát triển, nhất là trong nhiệm kỳ qua, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã có những đóng góp hết sức xứng đáng vào công cuộc đổi mới quê hương Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Đã có nhiều giải thưởng lớn trong nước, nhiều danh hiệu, bằng khen, huy chương đã được trao tặng trên nhiều lĩnh vực văn học, nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, kiến trúc, múa, văn nghệ dân gian, góp phần làm nên diện mạo mới trong đời sống văn học nghệ thuật tỉnh nhà.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước xuất hiện nhiều diễn biến mới, phức tạp hơn; các thế lực thù địch vẫn triệt để lợi dụng vấn đề “tự do”, “tôn giáo, “dân chủ”, “nhân quyền” để kích động, gây mất ổn định chính trị. Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo tiếp tục diễn biến phức tạp. Bối cảnh đó tạo ra những thời cơ, thuận lợi đan xen với những khó khăn, thử thách gay gắt.

Để góp phần cùng Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước, tôi đề nghị lực lượng văn nghệ sĩ cùng trăn trở với lãnh đạo tỉnh nhằm góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam, văn hóa và con người xứ Huế. Với tinh thần đó, một số vấn đề cần được Đảng đoàn Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật quan tâm chỉ đạo thực hiện, đó là:

Thứ nhất, văn học, nghệ thuật là lĩnh vực quan trọng, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người. Chính vì vậy, cần chú ý khuyến khích cho dòng mạch chính trong sự phát triển đa dạng để có nhiều tác phẩm xuất sắc về tư tưởng và nghệ thuật, lấy chủ nghĩa yêu nước và ý chí tự cường làm cốt lõi cho tinh thần dân tộc, lấy tinh thần đổi mới làm động lực cho khát vọng sáng tạo của văn học, nghệ thuật. Đặc biệt coi trọng hiệu quả xã hội, thẩm mỹ của văn học, nghệ thuật, phát huy tối đa sức ảnh hưởng của văn học, nghệ thuật đến đông đảo quần chúng nhân dân trong việc khẳng định cái mới, cái tích cực và phê phán không khoan nhượng những cái tiêu cực, cản trở sự phát triển của đất nước. Để làm được điều đó, anh chị em văn nghệ sĩ cần phải bám sát cuộc sống, bám sát thực tiễn đổi mới của quê hương, kết hợp hài hòa tinh thần nghệ sĩ - chiến sĩ, ý thức cống hiến; thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, tiến bộ, phản ánh chân thực, sinh động, sâu sắc mọi mặt của đời sống xã hội.

Phát huy nguồn năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ, phấn đấu có nhiều tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có giá trị về nghệ thuật, tính tư tưởng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng, xã hội; tạo nên những giá trị tinh thần, hướng tới chân, thiện, mỹ, góp phần thực hiện có hiệu quả việc xây dựng những chuẩn mực về đạo đức, cuộc sống của con người Thừa Thiên Huế trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Thứ hai, tiếp tục củng cố, đổi mới hoạt động, kiện toàn tổ chức các hội văn học, nghệ thuật; chăm lo xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ về số lượng và chất lượng, hoạt động tích cực, hiệu quả; thực hiện chính sách đầu tư, tôn vinh các tài năng văn học, nghệ thuật, phấn đấu có nhiều danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân. Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật cần chủ động đề xuất cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thực, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới, làm phong phú thêm kho tàng văn học nghệ thuật của dân tộc và có những tác phẩm mang dấu ấn và bản sắc của vùng đất Cố đô Huế.

Thứ ba, phải thấy rằng, sự tiếp nối các thế hệ văn nghệ sĩ là quy luật khách quan, tất yếu, vì vậy cần có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo thế hệ cán bộ trẻ để tránh hiện tượng hẫng hụt về đội ngũ. Phải làm sao để đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ là những người am hiểu đời sống văn hóa nghệ thuật, gắn bó sâu sắc với đời sống đất nước và truyền thống văn hóa dân tộc, có năng lực, bản lĩnh nắm bắt, tiếp nhận có chọn lọc những trào lưu nghệ thuật hiện đại, để tạo nên dòng chảy tinh thần phong phú trong đời sống nhân dân.

Thứ tư, để văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, đủ sức đáp ứng yêu cầu cách mạng trong thời kỳ mới, trách nhiệm đặt lên vai những người làm công tác văn học, nghệ thuật là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan quản lý văn hóa, văn học, nghệ thuật, cần phối hợp với nhau chặt chẽ, tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần để đội ngũ lao động, sáng tạo văn học, nghệ thuật được sáng tạo, phát huy cao nhất tài năng và sức lực của mình, tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật cao.

Bước vào giai đoạn cách mạng mới, với nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tin tưởng rằng với trách nhiệm, bổn phận lớn lao của đội ngũ văn nghệ sĩ cùng với tầm vóc 70 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật sẽ có đóng góp xứng đáng vào tiến trình phát triển của tỉnh nhà.

N.N.T
(SH319/09-15)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng