... Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI,- chúng ta tiến vào một thời kỳ mới của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa; thời kỳ toàn Đảng ra sức khắc phục, tháo gỡ và quyết tâm hành động để đổi mới tương lai của đất nước.
Chỉ còn một bước nữa là chúng ta đến trước kỷ niệm 60 năm thành lập Đảng, và 100 năm ngày sinh của Hồ Chủ Tịch, những cái mốc thời gian lớn luôn luôn lay động trí óc và lương tâm chúng ta trước những vấn đề sống còn của dân tộc và lịch sử. Ở đầu đường đi, chúng ta đã nhìn thấy bóng dáng vĩ đại của năm 2000, đỉnh cao thời gian mà để chiếm lĩnh nó, ngay từ bây giờ toàn thể nhân loại đều thấy cần phải sám hối và hành động nhằm hoàn thiện bản thân mình, đảm bảo cho hành tinh này xứng đáng là chỗ ở của một chủng loại mệnh danh là "CON NGƯỜI", viết bằng chữ hoa theo sự nhấn mạnh của Goócki.
Công cuộc đổi mới của đất nước chúng ta đang diễn ra trong bối cảnh khẩn trương và mật thiết gắn bó với nhau như vậy của dân tộc và thế giới. "Không hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ nếp sống của con người". Nghị quyết Đại hội Đảng đã nhận định như thế, và Đảng đã đặt yêu cầu cho văn nghệ sĩ chúng ta là "tạo nên những giá trị tinh thần, bồi dưỡng tâm hồn và tình cảm, xây dựng nhân cách và bản lĩnh của các thế hệ công dân xây dựng môi trường đạo đức trong xã hội". Chúng ta hoàn toàn nhất trí và quyết tâm thực hiện sứ mệnh sáng tạo hướng tới mục đích cao quí đó!
Tự do sáng tác là một yêu cầu bức thiết để giải phóng năng lực sáng tạo của người văn nghệ sĩ, "là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hóa nghệ thuật, để phát triển tài năng". Nghị quyết 05 Bộ Chính trị đã nêu rõ như vậy, nghĩa là Đảng đã thực sự trao cho văn nghệ sĩ quyền tự do sáng tạo, chỉ qui định ở mỗi chúng ta trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân đối với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan niệm của chúng ta về tự do. Gần đây, trên nhiều diễn đàn trong nước đã xuất hiện một xu hướng phê phán gay gắt đối với cái gọi là "lệch lạc nghiêm trọng" trong Văn nghệ hiện nay, trong đó có vấn đề "văn nghệ đòi tách rời khỏi sự lãnh đạo của Đảng".
Chúng ta khẳng định rằng, bất cứ cách tiếp cận lành mạnh nào đối với xu hướng đổi mới hiện nay cũng không thể dẫn tới kết luận như trên; rằng đó là huyền thoại có tính chất vu khống làm thương tổn phẩm chất chính trị và kìm hãm khả năng suy nghĩ mới của văn nghệ sĩ trước những vấn đề văn học xã hội. Chúng ta khẳng định rằng văn nghệ là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng và không một bộ phận nào của sự nghiệp cách mạng lại thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Bởi vì văn nghệ sĩ chúng ta không hề là những người vô chính phủ, chúng ta thuộc về một thời kỳ lịch sử mà toàn dân tộc đã trả giá rất đắt cho nền Độc lập - Tự do và mọi người sáng tạo đều đã khẳng định chính kiến của mình trước lý tưởng và sự nghiệp lớn của nhân dân. Văn nghệ sĩ có tự do trong sự nghiệp của Đảng và Đảng lãnh đạo để sự nghiệp văn nghệ phát triển với đầy đủ tự do của nó. Đó chính là điểm gặp của Đảng và văn nghệ sĩ, điểm gặp của tự do sáng tạo và lý tưởng nhân văn cộng sản. Tự do không phải là cái gì được ban cho, nhưng chúng ta yêu cầu Đảng đặt hết niềm tin cậy vào Văn nghệ sĩ trong tự do sáng tác, thực hiện điều mà Nghị quyết Đảng đã khẳng định là: "Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo quản lý văn học nghệ thuật và văn hóa phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới".
Đúng vào lúc mà quyền tự do sáng tác đã được công bố, thì người văn nghệ sĩ phải tự đặt mình trước một câu hỏi rất minh bạch: anh sẽ làm gì với tự do của anh? Quay lại bên trong từng centimet khối sọ não của mình để tìm kiếm tự do ở đó, thì đây là con đường mà chủ nghĩa tư biện triết học và cả chủ nghĩa lãng mạn đều đã đi qua cách đây hàng nửa thế kỷ. Người văn nghệ sĩ thời đại chúng ta quay hướng tự do của mình ra giữa xã hội để hội nhập vào tự do của nhân dân: chỉ nhân dân mới đem lại cho hành động sáng tạo của văn nghệ sĩ một nội dung tự do đích thực, tràn đầy và vô tận. Chính ở đây, chúng ta lại bắt gặp những nhiệm vụ cấp bách đang đòi hòi ở văn nghệ sĩ: "Giai đoạn mới của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đặc biệt là công cuộc đổi mới sâu sắc và toàn diện hiện nay đòi hỏi văn hóa, văn nghệ nước ta phải vươn lên đáp ứng tốt nhất yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng mới" (Nghị quyết 5/BCT).
Trung tâm của nhiệm vụ cách mạng mới đó là cuộc đấu tranh nhằm dân chủ hóa xã hội. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nêu rõ: "Thực hiện rộng rãi và đầy đủ nền dân chủ XHCN là điểm mấu chốt trong việc đổi mới tư duy chính trị cũng như tư duy kinh tế ở nước ta hiện nay". Dân chủ vừa là động lực là bản chất và là mục đích của chủ nghĩa xã hội. Chính vì thế, tham dự vào cuộc đấu tranh cho dân chủ và công bằng xã hội phải là nhiệm vụ hàng đầu của văn học nghệ thuật trong công cuộc đổi mới hiện nay. Văn nghệ sĩ luôn luôn là một thành viên của các lực lượng nhân dân, bằng vũ khí, tư tưởng của mình, tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền nhân dân bằng cách chống lại chủ nghĩa quan liêu, bất công, quyền lực phi pháp v.v... và đó là một mệnh lệnh xã hội không thể cưỡng lại được đối với văn nghệ sĩ. Chúng ta hiểu rõ rằng: Đổi mới là một quá trình phức tạp và lâu dài, nhưng nhận thức và hành động trong sáng của chúng ta đều phải bộc lộ tính quyết liệt "phải lặn sâu vào tận đáy của vấn đề" như vốn là bản chất của văn học nghệ thuật.
Sự đổi mới trong bản thân quan niệm sáng tạo cũng mở rộng văn học nghệ thuật tới mọi lĩnh vực vô tận của cuộc sống.
Trong cuộc giao lưu với các nền văn hóa thế giới hiện nay, văn học nghệ thuật không thể không biết đến những thực thể lâu nay ít được chú ý, là "cá nhân và nhân loại" nói cách khác là vấn đề cá tính nhân văn của văn hóa nghệ thuật. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã xây dựng nên một nền tảng riêng, và đã cống hiến những thành quả sáng tạo đồ sộ trong văn hóa nhân loại. Nhưng nếu xem hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp sáng tác duy nhất thì chúng ta đã làm nghèo đi sức sáng tạo của chính mình, bởi lẽ trước và sau khi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ra đời, những người sáng tạo trên khắp thế giới vẫn cống hiến bao nhiêu tác phẩm có sức sống trường cửu với lịch sử nhân loại. Quan điểm đổi mới của mỹ học xã hội chủ nghĩa đã nhìn nhận điều ấy, thừa nhận quyền tồn tại của tất cả mọi trường phái sáng tạo trong văn học nghệ thuật, và chúng ta cũng không thể đứng bên ngoài qui luật phát triển ấy. Một nhà văn có thể viết về bộ đội và công nhân, về hoa hồng và giấc mơ, có thể viết theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa hoặc không, miễn là đạt tới một cái gì nhân văn thực là sâu sắc.
(Trích báo cáo của Ban chấp hành Hội văn nghệ BTT tại Đại hội lần thứ 3, do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trình bày).
(SH37/05&06-89)