Văn hoá nghệ thuật
Văn nghệ sỹ với những tầm nhìn mới
09:21 | 16/07/2020

VÕ VÂN ĐÌNH

Trong lịch sử văn học, tác phẩm “Tiếng nói của văn nghệ”, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã từng nhắn gửi: “Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh”.

Văn nghệ sỹ với những tầm nhìn mới
Ảnh: NSNA Văn Đình Huy

Văn học nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống thực tại và sứ mệnh của nó là phục vụ cuộc sống của con người. Văn nghệ luôn được chắp cánh từ hiện thực, đời sống thực tại trở thành vật liệu để các nghệ sĩ gửi gắm những thông điệp của mình. Ở một khía cạnh khác, văn nghệ giúp chúng ta sống đầy đủ hơn, phong phú hơn trên phương diện tinh thần, là sợi dây liên hệ giữa người đó với thế giới bên ngoài. Chính nhận thức này góp phần xây dựng con người Việt Nam “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Đó là sự nuôi dưỡng tinh thần, xây dựng con người Việt Nam nói chung và con người Thừa Thiên Huế nói riêng trong thời kỳ mới với nhiều cơ hội và thách thức.

Và những câu thơ sâu sắc của Nguyễn Khoa Điềm cho ta thấy những khát khao của một đời sống văn nghệ, của một người dân Việt:

“Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”.

Đó cũng là phẩm chất của người văn nghệ sĩ, thầm lặng mà giàu sức cống hiến, vì lý tưởng, vì sự cao cả.

Đứng trước trọng trách quan trọng đó, đội ngũ văn nghệ sĩ đang bám sát hiện thực cuộc sống để sáng tạo, khiến cho mỗi tác phẩm phản ánh rõ hơn tâm tư của người dân và thời cuộc trong mối tương giao với không gian văn hóa riêng của vùng đất. Nước mạnh hay yếu, thịnh hay suy, phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người. Hiền tài là động lực, then chốt trong sự phát triển của một quốc gia. Trên định hướng đó, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà nên bám sát đời sống, và quan trọng hơn là một khát vọng làm mới nội dung, hình thức tác phẩm của mình để có thể truyền tải các thông điệp, giá trị tốt đẹp đến công chúng, quảng bá vùng đất, con người Thừa Thiên Huế.

Văn học nghệ thuật vốn có chức năng cao quý là khám phá, sáng tạo, phản ánh chân thực, sinh động, hấp dẫn hiện thực cuộc sống, hiện thực đa chiều, đa giá trị. Và thiên chức của người văn nghệ sĩ trong thời đại mới là tìm kiếm những giá trị chân - thiện - mỹ và tái hiện, sáng tạo bằng ngôn ngữ, âm thanh, sắc màu,… và các giá trị này sẽ chứa đựng trong đó những bài học tham gia xây dựng nhân cách, phẩm chất, giá trị văn hóa con người Thừa Thiên Huế. Từ mạch nguồn cảm hứng mới, những tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật tương xứng với tầm vóc, vị thế của Huế thơ mộng và giàu nội lực sẽ ra đời.

Từ tầm nhìn gắn với thực tế thế mạnh của Huế trên, niềm cảm hứng sáng tạo văn học nghệ thuật sẽ được khơi dậy, cổ vũ cái mới, những phẩm chất tốt đẹp, tiến bộ; biểu dương, nêu gương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong lao động, học tập, rèn luyện, phấn đấu; phê bình những hiện tượng phản văn hóa, những tiêu cực và tệ nạn xã hội. Văn học, nghệ thuật tỉnh nhà tiếp tục kế thừa, phát huy các giá trị bền vững của dân tộc được hun đúc, chắt lọc qua hàng nghìn năm lịch sử. Những giá trị của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, bản sắc văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại; là trách nhiệm và nhiệt huyết xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống, tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam cũng như bản sắc văn hóa Huế. Đó cũng là nền văn học, nghệ thuật gắn bó mật thiết với nhân dân, với quê hương, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần trực tiếp vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển quê hương, đất nước.

Ở không gian văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, đội ngũ văn nghệ sĩ góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, khẳng định và tôn vinh những giá trị truyền thống văn hóa cao quý, tốt đẹp của quê hương Thừa Thiên Huế tới bạn bè quốc tế, góp phần vào công cuộc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Một điều xác quyết rằng trong dòng chảy văn học, nghệ thuật của vùng đất 700 năm, các tác giả lớn và các tác phẩm có giá trị xuyên thời gian vẫn được lưu truyền cho thấy điều đó. Điều này đòi hỏi văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế cần tiếp nối và nỗ lực một cách xứng đáng.

*

Văn học, nghệ thuật Thừa Thiên Huế cùng với đội ngũ văn nghệ sĩ được rèn luyện, thử thách trong thời kỳ chiến tranh và trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Ra đời, trưởng thành và phát triển trong những năm tháng cả dân tộc chiến đấu kiên cường, đầy hy sinh, gian khổ chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến đấu bảo vệ vững chắc biên cương, lãnh thổ của Tổ quốc, được nhân dân hết lòng yêu mến, đùm bọc và quý trọng, đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Nhiều văn nghệ sĩ của Thừa Thiên Huế ra mặt trận, vừa cầm bút vừa cầm súng, nhiều người đã anh dũng hy sinh trong tư thế của người chiến sĩ, người anh hùng. Các thế hệ văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế đã có mặt trên nhiều mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao,... trong bất cứ thử thách và hoàn cảnh nào, cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bước sang thời kỳ hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, văn học, nghệ thuật vừa tiếp tục phát huy truyền thống của mình trong kháng chiến, vừa là một tiếng nói trách nhiệm và tâm huyết, góp phần cùng với Đảng và nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới có ý nghĩa cách mạng sâu sắc từ năm 1986 đến nay. Nhiều anh chị em văn nghệ sĩ đã kiên trì tìm tòi, tự vượt lên chính mình, âm thầm lao động sáng tạo để khẳng định các giá trị mới của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ngày nay Đảng ta tiếp tục khẳng định, “văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam” trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước. “Để hoàn thành tốt nhất vai trò to lớn đó của văn học, nghệ thuật, chúng ta cần đặt nó trong yêu cầu, nhiệm vụ chung của đất nước, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng kinh tế phát triển nhanh và bền vững; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; mở rộng quan hệ đối ngoại,... nhằm tạo khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới, phát triển toàn diện và đồng bộ. Ở đây có thể nói, giữ vị trí trung tâm và xuyên suốt trong các chủ trương lớn đó vẫn là vấn đề xây dựng văn hóa và con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới” - Theo lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói.

Nhiệm vụ chủ yếu của văn học, nghệ thuật của Thừa Thiên Huế nói riêng trong thời gian tới là trực tiếp tham gia vào sự nghiệp đổi mới đất nước, có nhiều tác phẩm hay, chân thật, sinh động và có sức thuyết phục, sự nảy sinh và phát triển cái mới, cái tốt đẹp, cao cả trong đời sống; dũng cảm, nghiêm khắc lên án, phê phán những cái xấu, tệ nạn xã hội, qua đó góp phần tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng con người, đổi mới và phát triển của tỉnh nhà và đất nước.

V.V.Đ
(SHSDB37/06-2020)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng