Tình Sông Hương
Thư tòa soạn
15:31 | 10/02/2015

Quý độc giả thân mến.
Chúng ta đang sống trong những ngày xuân rộn rã, một năm mới bắt đầu và đất nước đang bước vào kỷ niệm những ngày lễ lớn: Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2015); Kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015); Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015), hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hiệp Các Hội VHNT Thừa Thiên Huế (18/9/1945-2015)… Sông Hương sẽ có những bài viết chọn lọc để hướng đến những dịp lễ trọng.

Thư tòa soạn

Trong số báo mừng xuân Ất Mùi này, Sông Hương giới thiệu bài viết của nhà văn Sơn Tùng trong một chuyến tác giả trở về làng Sen, được gặp cụ Nguyễn Sinh Khiêm (anh ruột của Bác Hồ) và nghe cụ đọc bài thơ Bác viết tặng Võ Liêm Sơn - một người “chí cao, tâm lớn”, người quen biết Bác Hồ từ hồi còn học ở Trường Quốc Học Huế những năm 1905, 1906. Bài viết cũng gợi lại nhiều kỷ niệm sâu sắc, nhân ái trong chuyến cụ Nguyễn Sinh Khiêm và Bác Hồ cùng cha mẹ rời làng Sen vào Huế lần đầu tiên.

Làng, nơi lưu giữ những phong tục tập quán, những lễ hội, trò chơi dân dã, những văn hóa tín ngưỡng quý giá. Làng lưu giữ tuổi thơ, những kỷ niệm hồn nhiên trong sáng. Tưởng sẽ mờ phai, một ngày trở về, dẫu làng đã đổi thay, đã không còn nhiều thân thuộc song những gì lưu giữ giùm chúng ta vẫn tươi nguyên, và nó lặng lẽ thổi vào vào dòng đời cuộc chảy. Đó là lý do khiến Ban Biên Tập thực hiện chuyên đề LÀNG BÊN SÔNG, như một chuyến du xuân nhẹ nhàng, ý nghĩa.

Chuyên đề NĂM MÙI, CHUYỆN DÊ, là sự soi chiếu con dê trong văn hóa phương Đông và phương Tây. Từ trong kho tàng dân gian - văn học Việt Nam, Thần thoại Hy Lạp, Thánh Kinh, cho đến văn hóa văn học phương Tây, con dê trở thành biểu tượng của thần linh, sự cứu rỗi, vật hiến tế... Độc giả sẽ thú vị khi biết được nguồn gốc bao giai thoại tốt, xấu về dê; những tích tuồng băm lăm con dê, bịt mắt bắt dê, chiếc xe dê của Hoàng đế, chuyện về những nhân vật đặc biệt trở thành người chăn dê, sẽ được bật mở. Đặc biệt với trò chơi Bịt mắt bắt dê, tư liệu dẫn ra khiến ta đặt lại câu hỏi: Trò chơi có phải truyền thống dân gian của người Việt? Tuy nhiên, dẫu có xuất phát từ đâu chăng nữa, trò chơi này đã nhuốm màu văn hóa Việt, và còn dị bản thành nhiều trò khác như bịt mắt bắt heo, bịt mắt tìm người, bịt mắt đập niêu rất hòa đồng vui nhộn ở những hội hè đình đám vào dịp lễ tết v.v. Nhiều nữa những chuyện xung quanh loài dê trở nên bí ẩn, huyền thoại, và hơn hết là con dê sớm có vị trí sang trọng trong nhiều tác phẩm nghệ thuật.


Nồi bánh tét, Khói xuân về trú xứ Aza là những trang viết phảng phất hương vị tết thân thương đầm ấm, cùng nhiều bài thơ ngập tràn cảm xúc, tưởng như không gian mùa xuân được mở biên độ đến khôn cùng.

Nhân Năm mới Ất Mùi, Ban Biên Tập Tạp chí Sông Hương kính chúc quý độc giả, quý cộng tác viên sức khỏe, an khang, nhiều sáng tạo.


Ban Biên Tập  



 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tin buồn (15/12/2014)
LỜI CẢM TẠ (14/04/2014)
TIN BUỒN (07/04/2014)
TIN BUỒN (14/09/2013)