Trang viết đầu tay
Có một cái Tết
16:39 | 24/02/2009
CAO THỊ VÂN ANH          Kính viếng cô yêu dấu!Từ khi là một cô bé con tôi đã mong Tết về. Tôi mong Tết về không phải là vì được nghỉ mấy ngày Tết rong chơi ngoài đồng cùng lũ bạn trong xóm, càng không phải là do bữa cơm ngày Tết của nhà tôi có bánh chưng và nhiều món ăn ngon khác hẳn với ngày thường. Tôi mong Tết đến là vì một lý do rất đơn giản: - Năm nào cũng vậy, cô tôi sẽ lại trở về quê vào một ngày giáp Tết.

Cô của tôi lấy chồng xa từ hồi tôi còn nằm trong bụng mẹ. Cái tết đầu tiên, cô trở về thăm nhà cũng là năm tôi vừa tròn hai tuổi. Nghe mẹ kể lại ngày ấy, cứ nhìn thấy người lạ là tôi sợ đến phát khóc. Nên cô cứ chìa tay ra bế là cái miệng tôi lại méo nhệch đi trông rất tội. Lúc cô chuẩn bị đi về quê chồng hai tay cô vuốt má mắng yêu: Bay hư lắm! Cô đi cả ngày đường về mà bay không cho cô bế một tý. Cô giận cô đi đây. Nghe cô nói giọng buồn bà nội an ủi: Con à, cháu nó còn nhỏ chưa biết gì.Sau này lớn dần lên nó biết nó lại chẳng thương cô ấy à. Từ cái tết ấy trở đi đến ba năm sau cô tôi mới lại về thăm quê lần thứ hai. Hôm ấy, cô không những đi cùng chồng mà trên tay còn bế thêm đứa con trai đầu lòng. Khi nghe thấy tiếng cô chào mẹ tôi ngoài giếng đầu cổng bà nội tôi từ trong nhà chạy ra đón. Mau cho con vào nhà kẻo lạnh ho thằng bé bây giờ. Rồi bà nội bảo mẹ tôi dọn cơm cho vợ chồng cô chú ăn. Vào trong nhà, cô vừa cho con bú vừa bảo với bà rằng tết này cô xin phép mẹ chồng cho ở lại ăn tết với gia đình tôi. Nghe cô nói vậy, bà nội tôi vui lắm. Còn tôi thì đã không còn sợ cô tôi nữa nhưng tôi chẳng gần gũi với cô như thằng Minh với cô của nó. Thế là cái tết đó, bà tôi phải giải thích mãi tôi mới dần dần hiểu được cô là cô ruột của mình. Tôi trở nên thân với cô đến lạ. Suốt ngày, tôi chỉ quanh quẩn ở bên cô và em bé.Ba ngày tết ở quê ngoại trôi qua nhanh chóng cô tôi đưa con trở lại quê chồng. Lúc cô đi, tôi cũng thấy hơi nhớ cô nhưng đến chiều cùng bạn bè rong chơi thì tôi lại quên cô ngay.

Năm sau và vài năm sau nữa cô tôi cứ đều đặn trở về thăm nhà vào một ngày gần giáp tết làm cho ngôi nhà của nội trở nên đầm ấm và đông vui như mùa xuân đã đến từ rất lâu rồi. Mỗi năm được gặp cô một lần như vậy, trong lòng tôi yêu thương cô nhiều hơn. Những năm tôi lên chín, lên mười biết được hôm cô trở về là tôi không ra ngoài đồng đốt nỏ rơm nướng châu chấu cùng lũ trẻ trong xóm. Tôi ở nhà chờ cô, thỉnh thoảng chạy ra ngoài ngõ xem cô tôi đã về tới nhà chưa. Nghe thấy tiếng xe máy nổ từ ngõ vào cổng chị em tôi ùa ra đón cô: “A cô Hạnh về! Bà ơi! Cô Hạnh về rồi”. Vào trong nhà, cô đặt đồ lễ tết lên bàn thờ rồi lấy quà chia cho chị em chúng tôi.Tôi là đứa em út nên bao giờ về cô cũng mua cho tôi thêm một bộ quần áo mới để diện tết. Tôi sung sướng vô cùng bắt mẹ mặc ngay bộ quần áo mới đó để chạy ra đồng khoe với lũ bạn trong xóm. Bọn bạn bỏ dở trò chơi vây quanh tôi hỏi: “Mày lấy đâu ra quần áo mới đấy?”. Tôi tự hào khoe: “Cô Hạnh của tao về mua cho tao đấy”. Cái Lan sờ vào vạt áo của tôi kêu lên” “Áo này dày đẹp quá! Chắc cô mày phải mua đắt tiền lắm nhỉ?” Thú thực là tôi chẳng hề biết cô tôi mua bộ quần áo này giá bao nhiêu nhưng tôi vẫn vênh mặt lên với cái Lan và lũ bạn: “Tất nhiên rồi, cô tao mua tận dưới Hà Nội mà. Cô tao còn mua cho tao bao nhiêu là đồ chơi ở nhà kia kìa. Hôm nào, tao sẽ đem cho chúng mày xem nhé”. Nghe tôi nói vậy lũ bạn sung sướng lắm. Bây giờ, thỉnh thoảng nhớ về ngày xưa ấy tôi mới thấy mình thật trẻ con.

Trong nhà, chị cả của tôi có rất nhiều nét giống cô.Ai ai cũng bảo chị giống cô nhất là ở đôi mắt lúc nào cũng đen và buồn. Mẹ tôi bảo những người có đôi mắt buồn thường hay khổ. Mỗi khi, nhìn vào đôi mắt của chị là tôi lại thấy thầm ghen tỵ với chị bởi vì tôi chẳng có nét nào giống cô tôi cả. Tôi buồn lắm. Một lần, tôi theo lũ bạn ra ngoài đồng lội xuống ruộng mùa cấy về nhà hai bàn chân tôi ngứa nhâu nhâu. Bà nội phải đun pha nước muối ấm cho tôi ngâm chân. Lúc rửa chân bà bảo với tôi là chân tôi giống chân cô. Tôi vui sướng hỏi lại bà. Bà ơi! Có thật không hả bà? Bà tát nhẹ vào chân tôi mắng yêu: Cha cô, tôi đẻ ra hai cô cháu nhà cô tôi lại không biết à? Nhưng tôi vẫn chưa tin lời bà nội lắm. Tôi cứ một mình mong tết về sớm để gặp cô xem bà nói có đúng không. Tết năm ấy đến thật muộn. Mùa đông, có vài trận rét đậm, rét hại qua đi mà tôi chẳng thấy ai trong nhà nói gì về chuẩn bị cho một cái tết cả. Lòng tôi đâm hoảng sợ khi  nghĩ tết không về nữa thì tôi sẽ chẳng bao giờ được gặp cô tôi nữa. Đêm tối, nằm trong chăn ấm tôi mới thủ thỉ hỏi bà: “Bà ơi! Bao giờ thì tết về ạ?”. Bà bảo còn một tháng nữa tết mới đến vì năm nay là năm nhuận có những hai tháng tư âm. Biết được tết vẫn còn tôi yên tâm ngủ một mạch đến sáng hôm sau.

Như mọi năm, cô đi cả một nửa ngày đường về quê lễ tết chưa kịp nghỉ ngơi tôi đã chạy lại đòi cởi tất chân cô ra xem chân của cô rồi ngắm lại chân của mình.Tôi khẽ kêu lên với cô: “Cô ơi! Bàn chân con giống bàn chân cô chưa này.” Cô tôi chưa kịp nói gì thì chị cả đang xếp lá dong giúp mẹ ngoài thềm nói vọng vào nhà: Chân mày còn lâu mới giống cô Hạnh nhé. Tôi vênh mặt lên cãi: Chị không tin thì vào đây mà xem này. Chị cả tôi vào xem thấy chân tôi giống chân cô tức quá hậm hực bảo: Mày giống chân cô chẳng ai có thể biết, còn tao giống cô ở đôi mắt mọi người đều nhìn thấy. Tôi tức đến phát khóc làm cho cả nhà phải bật cười. Cô ôm tôi vào người dịu dàng an ủi rằng dù giống cô ở đâu thì mọi người đều nhìn thấy cả. Từ trước đến giờ cô chưa bao giờ nói dối tôi điều gì cả nên tôi tin lắm và thôi không khóc nữa. Một lúc sau, tôi theo cô xuống bếp vừa giúp cô chuẩn bị bữa cơm trưa vừa kể cho cô nghe biết bao là chuyện ở quê lẫn ở trường. Cô rất vui khi thấy tôi không còn ham chơi như trước nữa mà chịu khó học hành. Cô bảo tôi gắng học cho giỏi để cho cô được thơm lây. Tôi ngoan ngoãn vâng lời cô. Và năm nào nhận được tin tôi lĩnh các giải thi văn của huyện là cô tôi về lại tặng cho tôi rất nhiều cuốn sách hay nói về văn học. Tôi giữ gìn và cất những món quà của cô trên góc học tập rất cẩn thận. Tôi chẳng bao giờ để cho lũ bạn trong xóm tay bẩn sờ vào bất kỳ quyển nào cả. Lúc nào rảnh rỗi tôi lại lấy những quyển sách hay ra đọc cho lũ bạn nghe. Bọn chúng thấy hay thích chí lắm, suốt ngày giục tôi học hành cho tốt để tôi còn có thêm nhiều sách mới đọc cho nghe.

Ngày còn là một cô bé con, mỗi lần nhìn thấy cô chuẩn bị xuôi về quê chồng là tôi chạy đến ôm cô thật chặt khóc nức nở:
- Không... con không cho cô về đâu. Cô ở lại ăn tết với con cơ.
Cô khẽ vuốt làn tóc tơ của tôi giọng nghẹn ngào:
- Con ngoan nào... Con cho cô về. Cô ở đây ai lo tết cho các em con. Khi nào có điều kiện nhất định cô sẽ cho các em về ăn tết với con.
Tôi từ từ buông cô ra với hy vọng tết năm sau cô sẽ đưa các em về quê ăn tết với tôi. Nhưng tôi chưa thấy năm nào cô ở lại ăn tết với tôi.Tôi không giận mà còn thấy thương cho một kiếp người con gái đi lấy chồng xa của cô. Khi nghe lỏm được những lời cô tâm sự với mẹ tôi thì tôi cảm nhận được cuộc sống của cô ở nơi quê chồng rất vất vả chứ không sung sướng như tôi nghĩ.

Chồng cô đi làm rất xa chỉ về thăm nhà vào chiều thứ bảy. Hằng ngày, cô phải dậy rất sớm nấu cháo lợn và lo bữa ăn sáng cho cả gia đình chồng rồi vội vàng đạp xe tới trường dậy học. Trưa về, cô giặt giũ thổi cơm xong đâu vào đấy cô lại vác cuốc ra ngoài đồng chăm sóc củ khoai cây lúa. Trời chiều buông xuống rất lâu rồi, cô mới về nhà thì con cái nghịch ngợm lấm lem cả người, cô vội đưa chúng ra giếng tắm sạch sẽ cho chúng. Cô của tôi chịu thương, chịu khó như vậy mà vẫn chưa vừa lòng bố mẹ chồng. Đã không ít lần bà mẹ chồng tỏ ra khắc nghiệt với cô. Năm cô đẻ thằng út mẹ chồng không cho đẻ ở nhà bắt phải về quê ngoại. Những lần bị mẹ chồng mắng chửi oan thậm tệ cô tôi chẳng có ai để tâm sự giãi bày mà chỉ biết im lặng âm thầm chịu đựng. Sau đó, cô tôi gục đầu vào bóng tối khóc nức nở một mình. Nghe cô kể mà tôi thương cô tôi quá. Hai hàng nước mắt lăn dài trên má từ bao giờ tôi không hay biết.

Sau này lớn lên rồi, tôi không còn khóc giữ cô ở lại như hồi con nít nữa. Tôi chỉ đứng lặng nhìn theo bóng cô khuất dần với một nỗi buồn nhớ thương tràn ngập lòng. Mong sao một năm mới sẽ đem lại cho cô tôi một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Bước chân vào đại học rồi tôi càng mong tết đến nhiều hơn ngày xưa. Tôi rất vui khi đọc trên bảng tin của nhà trường thông báo tuần sau được nghỉ tết. Tết này, khi cô cháu tôi đoàn viên ở quê tôi sẽ kể cho cô nghe thật nhiều chuyện về cuộc sống sinh viên của mình. Đến đêm tối, đi dạy về tới nhà trọ tôi nhận được tờ giấy chị cả tôi để lại nói là cô tôi bị dính cảm chị phải vào viện thăm cô. Cả đêm không thấy chị cả về, tôi lo cho cô không thể ngủ được. Lạy trời! đừng có chuyện gì xảy ra với ngưuời cô tuyệt vời của tôi. Nhưng ông trời đâu thèm động lòng trước lời nguyện cầu suốt đêm của tôi. Sáng sớm hôm sau, tôi chưa kịp vào viện thăm cô thì chị cả tôi trở về bảo với tôi trong nước mắt: Cô Hạnh mất rồi, em ơi! Tôi đứng chết lặng trước những lời nói của chị. Trái tim tôi vỡ hàng trăm mảnh khi nghe chị kể lại chuyện cô tôi mất.

Chiều hôm trước rằm tháng chạp, cô tôi đi làm đồng về tắm gội sạch sẽ xong vội bước ra khỏi phòng tắm để thổi cơm tối thì gặp một cơn gió lạnh và độc làm cô tôi ngã ngay trước cửa nhà tắm.Vừa lúc ấy, thằng con út của cô đi đâu về thấy mẹ như vậy, nó vội dìu mẹ vào trong giường. Nó lấy dầu xoa khắp đầu, chân tay cho cô. Nhưng cô vẫn ôm đầu kêu đau, khuôn mặt cô đỏ rực lên làm thằng con út hoảng sợ liền chạy đi tìm mọi người và bố ở cơ quan về nhà đưa mẹ đến bệnh viện huyện cấp cứu. Nhưng các bác sỹ ở đó bó tay đành phải chuyển cô tôi ngay lên bệnh viện Bạch Mai. Ở bệnh viện này, bác sỹ trưởng khoa cấp cứu lắc đầu nói với chồng cô tôi mau đưa cô về nhà và chuẩn bị lo hậu sự cho cô tôi vì cô tôi đã bị đứt mạch máu não lại là đứt động mạch chủ nên không thể cứu chữa được. Nhưng thương người vợ trẻ hiền lành, tần tảo hết lòng vì gia đình nhà chồng nên chú rể tôi quyết định để cô tôi ở bệnh viện đến hơi thở cuối cùng. Chú bảo chú không nỡ để cô về khi còn nước còn tát.Và khi trời sáng hôm rằm tháng chạp chưa kịp ló rạng bình minh thì cô tôi đã bỏ mặc gia đình tôi ra đi mãi mãi.

Thật không ngờ có một cái tết đến tôi lại chẳng bao giờ còn có thể chạy ra đón cô tôi trở về sum họp cùng gia đình được nữa. Bữa cơm chiều cuối năm dọn ra, cả nhà tôi chẳng một ai ăn nổi vì nỗi buồn thương nhớ cô cứ dăng đầy lồng ngực.Giờ đây, tôi thực sự không còn mong tết về nữa. Tôi sợ tết về lòng mình càng thêm nhớ thương cô nhiều hơn mà thôi.
Hà Nội 6 -1-2005
   C.T.V.A

(nguồn: TCSH số 194 - 04 - 2005)

 

Các bài mới
Củi (01/06/2022)
Cô bé câm lặng (19/10/2018)
Các bài đã đăng
Tiếng gọi (19/01/2009)
Phải chi (09/12/2008)
Hoa Bằng lăng (27/11/2008)
Hạnh phúc (19/11/2008)
Thơ đầu tay (19/11/2008)