Trang viết đầu tay
Vườn cỏ ngủ yên
15:53 | 02/03/2009
LTS: Đây là truyện ngắn đầu tay của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, hồi đó ký tên là Chiêm Thanh, in ở báo Mai, số tháng 11/1964. Ngày ấy tác giả mới 27 tuổi. Truyện mang hơi hướm của văn học hiện sinh rất phổ biến thời bấy giờ: Một nỗi cô đơn đến xa lạ, cùng với niềm kiêu hãnh thầm kín về chính bản thân mình, và tình yêu cũng trở thành một chỗ ẩn náu không an toàn trước một chủ thể đã tự khẳng định trong sự đề kháng như một thứ tự do tuyệt đối.Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu lại truyện ngắn “Vườn cỏ ngủ yên” để bạn đọc hiểu rõ hơn con đường văn học đầy trăn trở của tác giả.

                              Cho Moira yêu kính

Ngọc ngồi dựa lưng vào tường, trên chiếc giường sắt trần chỉ giải bằng một tấm drap mỏng. Những tấm tranh được gỡ xuống bỏ vào một thùng lớn và để lại những khoảng vuông trắng nhạt trên tường. Gian phòng bây giờ trống và lạnh lẽo; và hơi nước như bốc ra từ bốn mặt tường. Cả đống chăn gối ở trong góc phòng cũng có mùi ẩm mốc như đồ dùng của một người dã chết. Không một vật gì ở đây còn vướng víu dấu tích của một đời sống, của một người đã sống suốt bốn năm giữa những đồ vật này, và hắn hơi lạ về điều đó. Chỉ còn một tấm chân dung của Hương vẽ bằng sơn dầu, mớ tóc đen dài rủ xuống choán gần hết cả bức tranh và đôi mắt tối đen. Ngọn nến trắng cháy chập chờn phía trước tấm tranh, một vết sáng nhạt lay động trên khuôn mặt người con gái làm nụ cười nàng trở nên huyền hoặc như ở trong mộng. Một nỗi đau đớn chợt buốt lên trong thân thể hắn, hình như từ quả tim và hắn đưa tay lên ôm lồng ngực, cúi gập người xuống trên hai đầu gối "Quả tim này là thứ trái cây chín muộn và cuộc sống là loài dơi đói. Loài dơi bay tìm thức ăn trong đêm tối và mỗi lần bóng đen liệng qua, anh thót người vì nghe những răng nhọn cắn ở trong lồng ngực. Tháng ngày qua cuộc đã tàn phá những giấc ngủ của anh. Chính em cũng là loài dơi đó em biết không" Ngọc nói thầm với người yêu như thế khi cơn đau đã dịu bớt, giọng hắn như muốn khóc:

Ngọc thấy thèm khát một cái gì mát dịu, một cốc nước lã. Hắn tắt ngọn nến và mở cửa sổ. Khu vườn ngủ yên dưới ánh trăng lạnh lẽo của mùa đông. Có tiếng chim đập cánh trong những vòm lá tối đen. Mùi hương gây gây của thảo mộc bay vào phòng, Ngọc vươn vai hít đầy lồng ngực. Hắn trở lại chỗ cũ, ngồi yên lặng. Ánh trăng chiếu vào phòng thành một vùng sáng trắng nhạt, chia thân thể hắn thành hai miền: một nửa chìm hẳn vào bóng tối nửa kia với cánh tay cụt bày ra dưới ánh trăng. Hắn chăm chỉ nhìn chỗ khuyết của thân thể. Ở đầu vết thương làn da teo lại và nhăn nhúm trông thật dễ sợ. Tự nhiên, cánh tay cụt chợt trở nên xa lạ như không thuộc bản thân của Ngọc nữa mà là một đồ vật, một khúc tay của ai đó đã được gắn thêm vào cơ thể hắn. Ý nghĩ đó làm hắn ghê tởm. Nhưng sự thực là vậy, bây giờ hắn trở thành người tàn phế. Một nửa cuộc sống đã ra ngoài tầm của hắn và nửa còn lại cũng trở nên thừa thãi vô ích. Hắn đưa tay trái vẽ vu vơ vào khoảng không. Thấy ngượng ngập vụng về. Không chắc có thể vẽ được bằng cánh tay còn lại. Nếu thế thì thật là bất hạnh. Cuộc sống này là một sự chiếm hữu. Bằng cách nào đó, phải dành lấy một phần thế giới trong tay những người khác - hoặc trong tay cả đấng Thượng Đế nữa nếu quả thực vũ trụ này là sở hữu của Thượng Đế. Phải chiếm cứ một khoảng nào đó để dung dưỡng cái bản ngã phù phiếm của mày, Ngọc nghĩ thế,

Ngọc nhớ lại buổi chiều cuối cùng đi chơi với Hương trên đồi. Hai đứa ngồi bệt xuống trên nền đất sỏi đỏ và Hương cắn từng mảnh lá cỏ hoang. Khi nhìn Hương, Ngọc sửng sốt thấy mắt người yêu trong suốt một cách kỳ lạ, trong đó in cả vùng trời xanh thẳm như một nỗi đam mê, và những đám mây trắng bay lang thang. Ngọc kêu lớn:
- Hương ơi, có bóng mây bay đầy trong mắt em.
Hương cười
- Bóng mây bay chính là bóng của anh.
Ngừng một lát:
- Nhiều khi yêu anh em thấy như yêu một bóng mây. Nhiều lúc nói chuyện với em anh chợt im lặng như một cái bóng em cứ tưởng anh đã vượt khỏi vòng tay em. Anh phù du, em yêu anh hết cả tâm hồn nhưng lắm lúc thấy không níu giữ được gì..." ý tưởng của Hương làm Ngọc nhớ đến những đêm khuya ở trong trại giam. Mọi người đều ngủ yên, cả những người lính canh cũng thu mình vào một góc tối. Ngọc ra ngoài hiên nhìn trời. Trên vùng cao rộng đó mây vẫn lũ lượt bay đi. Từng đàn từng đàn, như một bầy cừu trong cánh đồng mênh mông. Ngọc thấy mây giống lũ hắn, những đứa trẻ phung phá đàn đúm suốt ngày trong những cuộc lang thang không bao giờ mỏi. Mây làm cho Ngọc nghĩ đến những nỗ lực vô ích của loài người. Với Ngọc mây có chứa đựng một thứ métaphysique riêng, rất buồn, phát biểu đúng bản chất của cuộc đời này.

Tiếng nói của Hương làm Ngọc chợt tỉnh khỏi những trầm tư của hắn:
“Anh vẫn bảo anh ghét tôn giáo ghét xã hội, và sợ hãi đám đông. Thế sao anh tham dự vào đó, tham dự một cách hăng say của một người cuồng tín. Anh bỏ em bơ vơ trong nỗi tuyệt vọng không thể than vãn với ai được để nằm khèo trong nhà giam với một cánh tay gãy. Thân thể anh là của em, anh đã để cho xã hội phá huỷ nó. Anh độc ác em không hiểu nổi anh". Giọng Hương đầy nước mắt.

Làm thế nào để giải thích cho Hương điều đó. Những mùa hè Ngọc thường về Sài Gòn, qua hẻm Cá Hấp viếng lại khu phố làm đại học xá cho sinh viên miền Trung ngày trước. Ngọc gọi là cuộc hành hương về tuổi trẻ của mình. Căn gác hẹp và tối vẫn còn nguyên, và chiếc giường Ngọc ngủ vẫn còn để ở chỗ cũ, bụi bám đầy mặt gỗ. Hình như sau Ngọc không còn cậu nào chịu lên ở trên mansader này nữa, nóng và sát mái nhà. Ngọc thấy vui thích vì những dấu vết kỷ niệm bây giờ vẫn còn nguyên. Trên tường chỗ giường ngủ dòng chữ đen vẫn còn đấy "ci-git ma vie de garcon". Trên căn gác này thỉnh thoảng chỉ có một con mèo hoang lạc loài đến và một tuổi trẻ ngủ yên. Mùa hè vừa rồi Ngọc về học xá buổi chiều Sài Gòn ẩm ướt vì những cơn mưa nhẹ. Hắn cúi đầu đi qua hè phố và khi ngẩng lên nhìn trên khung cửa sổ trên cao của học xá, Ngọc bồi hồi thấy một người cúi mặt nhìn xuống đường phố. Đúng rồi, chính nó, khuôn mặt khắc khổ và buồn rầu và cái nhìn biểu lộ một niềm tin tha thiết đối với cuộc đời. Nó nhìn Ngọc như tra hỏi. "Trời ơi! có thể nào sống tủi nhục như mày. Đi làm, lĩnh tiền cuối tháng và những cuộc lang thang vào các quán càphê, và đóng cửa phòng để làm văn nghệ. Văn-nghệ phù phiếm nói dối. Existence inauthentique. Những cuộc tàn sát diễn ra trong thành phố người yêu mày đang sống. Ngọc ơi, đừng giết chết tuổi trẻ. Hãy nuôi nấng niềm tin của mày, tin tưởng vô điều kiện vào cuộc đời, dù mày kê đầu lên khoảng trống..."

- Đừng giận anh Hương ơi. Biến cố xẩy ra trong thành phố này và anh đã lỡ có mặt ở đó. Không thể làm khác hơn, không thể xử sự như một người đi vắng.
- Anh vẫn tin rằng chỉ tình yêu là ý nghĩa sau cùng của sự sống, tất cả những lý tưởng đều là phụ thuộc, chỉ nhận để cuộc sống có vẻ hào hoa mà thôi. Anh làm em cũng tin như thế. Trong những ngày vừa qua, em thấy em không có nghĩa lý chi với anh hết. Em được anh chọn cuối cùng, sau tất cả mọi người.

Ngọc vuốt tóc Hương, dịu dàng:
- Đừng nói thế Hương ạ. Bao giờ Hương cũng là sự lựa chọn của anh và là sự lựa chọn độc nhất trong đời anh. Nhưng Hương biết, nhiều khi người ta không có quyền chií sống và chết cho cái gì thiêng liêng nhất trong đời mình. Đó là điểm phi lý trong đời sống.
Hương vùng đứng dậy, bước nhanh qua chỗ khác. Ngọc vội vàng đứng lên theo vói tay giữ Hương lại. Hắn lảo đảo, phải vịn vào một gốc cây cho khỏi ngã. Hương quay lại và cả hai cùng nhìn vào cánh tay Ngọc. Khúc tay còn lại nhô ra trong cánh tay áo bỏ thụng xuống như một khúc củi. Chính trong phút dó, Ngọc nhận thấy tất cả thảm trạng của đời hắn. Nỗi tủi nhục dâng lên làm hắn nghẹn ngào. Ngọc nghiến răng:
- Hãy xa anh đi Hương ơi. Anh không thể yêu em được nữa.

Hương nhìn hắn, mắt đỏ hoe, se sẽ lắc đầu.
Anh nói thực đó Hương. Anh không còn đủ hai cánh tay để ôm Hương trong lòng. Anh không đủ sức để níu giữ em và cũng không có quyền đó. Hãy để anh yên ổn trong nỗi cô đơn của anh, như tất cả những người tàn phế khác trên trái đất.
Hương khóc dàn dụa, gục đầu vào vai Ngọc:
- Anh, anh kiêu hãnh đến độc ác.
Ngọc đứng lặng được một lúc và thành kính hôn tóc người yêu. Mùi trầm hương của tóc nàng bay lên và Ngọc thấy xót xa trong lòng.
- Hương hãy hiểu cho anh. Anh sẽ yêu em suốt đời, cho đến khi anh chết. Nhưng bây giờ anh buộc phải xa em. Đó là định mệnh của anh.

Trời chiều hẳn. Những dãy núi ở xa chập chùng khói tím. Từng đàn chim bay lượn trên nền trời xanh biếc. Dòng sông tối đen âm thầm, sóng vỗ rạt rào dưới chân hai người thành điệu nhạc buồn. Trong vùng đồi xa xa, tiếng chim bìm bịp kêu trong những lùm cây rậm và người sơn nhân nào đó bắt đầu đốt lửa. Gió núi nổi dậy, mùi cỏ dại bay đầy trong không. Tóc Hương bồng bềnh bay thành từng sóng dài, để lộ một profil thực đẹp và buồn những đường gân xanh vẽ thành nét mềm ưu tư trên má Hương. Hương ạ, bây giờ mỗi lần tưởng lại dáng gầy và buồn của em buổi chiều cuối cùng chúng mình đi chơi trên đồi, anh lại giơ cánh tay ảo tưởng của anh để níu lấy sự sống đã mất đi. Những lần đó anh thấy đau buốt ở tim như cảm giác khi người ta nhảy hụt xuống một cái hố! Phải đó, với anh sự sống nay chỉ là một cú nhảy hụt. Tình yêu chỉ là ánh ma chơi bay trên mồ mả những niềm hy vọng đã chết dần mòn trong đời anh và anh đã cùng với em chạy qua những vùng mồ mả đó để đuổi bắt ánh lửa lân tinh suốt cả tuổi trẻ của chúng mình. Em là lý do cuối cùng để anh tìm đến hoà giải với cuộc sống. Bây giờ bàn tay anh chìa ra cuộc sống đã bị chặt gãy, khoảng cách giữa anh và thực tại này trũng xuống thành vực thẳm và anh thấy choáng ngợp cả linh hồn khi cúi nhìn xuống vực thẳm đó, Hương ơi !...

Ngọc thấy ngây ngây sốt trong những ý nghĩ về Hương. Hắn nằm duỗi người trên giường và thao thức nhìn ánh trăng. Đêm thực yên tĩnh, Ngọc tưởng nghe thấy hơi thở mơ hồ của vườn cỏ ngủ yên. Tiếng chim vạc kêu ẩm đục trên không. Ngọc nhớ lại đêm nào đó, trước mùa hè này, hắn cùng lũ bạn nằm trên bãi bể nói chuyện về cái chết. Cương là thằng hạnh phúc nhất trong bọn, đã có một chỗ đứng trong lĩnh vực hội hoạ và thường tranh của hắn được chọn gửi đi triển lãm ở ngoại quốc. An yêu hắn bằng tình yêu thần thánh. Hắn vẫn thường bị ám ảnh về cái chất của Camus. Trong phòng hắn có những hình ảnh về cái chết bi thảm này: một chiếc ô-tô bị nạn méo mó, vỡ tan, và chiếc quan tài phủ khăn đen để giữa một gian phòng trống. Cương nói:
- Tao sẽ cố làm việc trong lĩnh vực tao đã lựa chọn, làm việc đúng mức và nhất định phải nổi tiếng. Làm những tác phẩm lớn, yêu một tình yêu tuyệt đích và chết rất bất ngờ, đấy là hình ảnh của một cuộc sống to tát. Sống tận cùng bản ngã của mình và chết giữa lúc tha thiết nhất với cuộc đời, chỉ như thế mới biểu lộ nổi cái lớn lao của con người trước định mệnh.

Khải:
- Tao không lạc quan như mày. Tao cho nếu cần can đảm thì chính là can đảm để có thể sống chứ không phải để có thể chết. Cái chết dễ dàng hơn là mình tưởng về nó.
Khanh:
- Thằng Khải sắp đi lính. Hắn thở ra toàn giọng chán đời.
Khải:
- Tao sắp vào trại nhập ngũ. Không cần đặt vấn đề: chiến đấu cho ai, chiến đấu để làm gì. Cứ bắn như máy. Tao tưởng tượng sẽ giữ một đồn nào đó ở trên mỏm núi, trong một cuộc tấn công tao xách tiểu liên bắn bừa phứa về phía trước mặt. Cuối cùng sẽ chết trên hàng rào kẽm gai, giữa những đống gạch vỡ, xác tao bốc khói. Tự do của tao là như thế. Bắn phá và chết là một cách phủ nhận dứt khoát nhất.
Sơn không nói gì. Hắn lặng lẽ nhìn những cây hải đăng chớp hoài ở ngoài xa như những con mắt biển thao thức. Một lát hắn nói thầm với Ngọc:
- Mình không có tưởng tượng gì về cái chết cả. Chết là một tất nhiên không phải là một cứu cánh. Hãy nhìn những cây hải đăng kia: gầy guộc trên đầu núi và trông ngóng vu vơ. Sống trong vẻ cô đơn của nó một niềm kiêu hãnh thực kín đáo, cậu thấy không?

Giọng Sơn trầm tĩnh. Hắn ngồi nhìn ra biển, hai tay duỗi dài trên đầu gối. Đó là dáng mệt mỏi của Sơn. Thường trong những cuộc tụ họp giữa bạn bè, hắn kiếm một chỗ để dựa lưng và chọn một thế ngồi cho thoải mái rồi cứ ngồi nguyên theo kiểu đó không cử động gì nữa. Hắn nhác dời chỗ và không thích làm những cử chỉ. Thỉnh thoảng những đêm khuya nằm chung với nhau Sơn nhắc nhở với bạn bè một ít về cái quá khứ hào hoa của hắn với những người yêu cao sang bây giờ đã lấy chồng. Hắn làm nhạc và tác phẩm hắn mang hình ảnh của biển của dã tràng, và chân dung một người hoá đá dần dần.
"Ôi tiếng hát xanh xao của buổi chiều.
Bạn bè lìa xa chăn chiếu.
Bơ vơ còn đến bao giờ...

Sơn cất tiếng hát, giọng hắn hơi run và ra khi lên cao Ngọc nghe buồn như khóc Ngọc nghĩ đến cuộc sống của tất cả lũ hắn. Như một lũ thám hiểm đứng trên cực trái đất, băng giá bỗng nhiên tan vỡ dưới chân và mỗi đứa thấy mình đứng chông chênh trên bờ vực. Khanh thường vẽ xác chết và những loài cây khô cằn trên sa mạc, mầu sắc đen tối buồn bã. Hắn vẫn thường nói đùa là "bọn mình ở trong phái lãng mạn bi đát" Ngọc nghĩ Khanh nói đúng. Trong tình yêu trong nghệ thuât, trong những hình thái phù phiếm nhất của đời sống cả lũ hắn. Ngọc cảm thấy một sức mạnh khủng khiếp từ vô thức đẩy mỗi đứa vươn đến cái chất riêng của mình. Cười nói cũng không thể quên được dấu chết mỗi đứa đã mang ở trên trán.

Cả bọn lặng lẽ không nói gì nữa, những chấm thuốc hồng lên trong đêm. Trong tối có tiếng đập cánh vù vù của môt bầy chim từ núi bay ra bể. Ngoài khơi những ngọn hải đăng chớp vu vơ vẽ những vùng sáng trên mặt nước đen, và sóng biển đập ầm ầm vào chân những ghềnh đá. Tự nhiên, một cảm giác ớn lạnh bỗng chạy khắp châu thân Ngọc khởi từ gót chân và bò dọc theo xương sống như một loài rắn. Hắn run rẩy nắm lấy tay Sơn:
- "Mỗi đứa đều một mình trước cái chết nên cũng một mình trong cuộc sống. Chúng mình không san sẻ gì cho nhau được đâu, Sơn ơi...
Sau đêm đó những biến cố đến và mỗi đứa đi một ngã. Khải vào trại nhập ngũ. Sơn đi học ở tỉnh nhỏ khác. Cương thất nghiệp về Sài Gòn với gia đình, hắn gọi đấy là "cứ điểm cuối cùng, hai bữa ăn và một chỗ ngủ". Ngọc tham dự vào các biến cố bị bắt giam và bây giờ nằm đây với một cánh tay đã mất đi.

Trước kia Ngọc cứ tưởng chính cái thực tại đang đuối sức này đã gieo nỗi buồn chán vào trong tâm hồn Ngọc. Bây giờ thì sao? Cách mạng đã lật đổ nó. Người ta đang nói đến một sức sống mới, một nhiệm vụ mới và tất cả đang hướng về viễn tưởng kiến tạo lại xã hội, kiến tạo lại con người . Ai nấy đều có vẻ lạc quan chính Ngọc đã tham dự vào biến cố bằng xương bằng thịt của mình. Nhưng bây giờ Ngọc thấy chính mình bị hắt hủi ra khỏi cuộc sống ở ngoài kia, trên những hè phố và trong những buổi dạ vũ Cách mạng chỉ kiến tạo lại xã hội. Còn ở trong linh hồn Ngọc, sự đổ vỡ vẫn tiếp tục, không cứu vãn được. Trên đống gạch vỡ đó nổi chết từ bao giờ mọc rễ và lớn lên như một loài cây hoang.

Cánh tay này là dấu chết ấn sâu trên thân xác Ngọc không thể bôi xoá đi được, như vết máu trên chiếc chìa khoá của toà nhà huyền bí của Barbe bleue. Nó không phải chỉ là vết thương của cuộc tranh đấu giữa một lớp người và chế độ. Nó là chứng tích một cuộc dằn xé bi thảm giữa chính Ngọc và thực tại, giữa niềm kiêu hãnh phù phiếm của mỗi người muốn vươn đến một cái gì đó đáng giá hơn và cuộc đời tầm thường cố chận đứng cuộc vượt đi của nó. Ngọc thấy mình mang linh hồn của con bệnh, đêm đêm thức dậy bàng hoàng vì vết thương đau nhức trong một cuộc giải phẫu không có thuốc tê. Ánh trăng đã lên cao khuất trên mái nhà. Bóng tối tràn ngập chỗ Ngọc nằm. Chiếc xắc hành lý để sẵn dưới chân giường. Tất cả đang sắp sẵn cho một chuyến đi vào sáng mai. Cần phải từ giã thành phố này, tự xoá đi để trở về với chính mình, Ngọc nghĩ thế, Ngọc sẽ lên một thành phố nhỏ ở Cao Nguyên, nằm khèo trong một căn gác hẹp suốt mùa đông để nhìn mưa lũ xói mòn những triền đồi đất đỏ. Sự cô đơn bây giờ là cần thiết. Người ta vẫn cho rằng triết lý, nghệ thuật tôn giáo vân vân, là những đường đưa con người đến bắt gặp Tuyệt đối. Đấy hẳn là quan niệm của những người lạc quan, tâm hồn khỏe mạnh. Tự bản thân Ngọc hẳn thấy chính nỗi cô đơn vô vọng trước thực tại này đã cho hắn một kinh nghiệm về tuyệt đối, và tuyệt đối là hư vô. Là một vùng trống không rộng lớn từ trên cao chụp xuống đầu hắn, phủ vây hắn như một cái lưới.

Có tiếng giầy từ ngoài, tiếng gõ cửa rồi một bóng người đẩy cửa đi vào. Hắn đến bên Ngọc:
- Ngọc ơi mình đây. Lâu ngày mới gặp nhau. Xin lỗi làm mất giấc ngủ của cậu. Mai mình đi sớm.
Không nghe Ngọc trả lời hắn nói lớn:
- Ngọc à, cậu không nhận ra mình sao?
Ngọc chăm chú nhìn hắn. Một lát sau, Ngọc nói chậm từng tiếng, giọng buồn nản:
- Mình không nhận ra cậu là ai hết.
Nói xong Ngọc quay mặt vào tường. Ngọc ngồi dậy, úp mặt vào bàn tay. Một vũng đen nhỏ từ lòng bàn tay hắn lớn dần mênh mông trùm lấy cả gian phòng. Hắn ngẩng mặt lên cảm khái nói một mình:
- Khi tao ngã xuống thì mày là kẻ thắng cuộc. Nhưng mày chỉ thắng được xác chết của tao, và xác chết này thì cũng vô nghĩa như cỏ lá mà thôi.

Có tiếng còi xe gọi trước cổng. Ngọc mang giầy, xách chiếc xắc đi ra khép cửa lại. Giã từ thành phố, vĩnh biệt Hương. Những buổi dạ vũ sẽ tiếp tục bên dòng sông thơ mộng này và Hương sẽ nhẩy với partenaire mời. Cuộc sống vẫn như thế không thay đổi gì dù không có mình, mình thản nhiên đi giữa ngày hội vui của vũ trụ.
Ngọc thong thả bước qua khu sân rộng, hai bên lối đi nhỏ nở đầy những hoa cỏ tím.
CHIÊM THANH
(nguồn: TCSH số 195 - 05 - 2005)

 

Các bài mới
Củi (01/06/2022)
Cô bé câm lặng (19/10/2018)
Các bài đã đăng
Tiếng gọi (19/01/2009)
Phải chi (09/12/2008)
Hoa Bằng lăng (27/11/2008)
Hạnh phúc (19/11/2008)